Nhìn khoảnh khắc này, các bạn thấy có đáng yêu không? Bác sĩ với hai thiên thần bé nhỏ. Các con bé bỏng như đang nép mình để được chở che và cùng nhau nhìn về phía trước. Hình ảnh đã ít nhiều nói lên vai trò của người cha đối với sự trưởng thành của con. Vậy các bạn đã biết những giá trị lớn lao của người cha trong gia đình là gì không?
Nghiên cứu của chuyên gia Tâm lý học Michael Lamb thuộc Đại học Cambridge cho thấy, những đứa con sống trong gia đình có người cha biết yêu thương, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và giải quyết những mâu thuẫn xung đột vợ chồng một cách hợp lý thì con trai khi lớn lên cũng sẽ biết cách đối xử với bạn gái, vợ và con cái một cách tích cực, nhu hòa. Con gái có người cha như vậy cũng sẽ biết cách lựa chọn và kỳ vọng những cử chỉ dịu dàng, văn minh từ người đàn ông, người chồng tương lai của mình và không dễ rơi vào những mối quan hệ bạo lực, bóc lột trong gia đình.
Những nghiên cứu khác của bác sĩ Kyle Pruett trong cuốn Father Need (Tạm dịch: Cần cha) và giáo sư Wei-Jun Jean Yeung thuộc Đại học quốc gia Singapore cũng cho biết con trẻ có cha gắn bó, chăm sóc và vui đùa khi lớn lên có chỉ số thông minh cao và giỏi ngôn ngữ hơn. Trẻ có nhiều khả năng đối phó với căng thẳng, khó chịu ở trường học tốt hơn những trẻ thiếu đi sự chăm sóc đó. Những dấu ấn này còn ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của con trẻ đến lúc trưởng thành. Trẻ ngay từ nhỏ có cha quan tâm, chăm sóc thường cảm thấy an ổn về cảm xúc để tự tin thám hiểm thế giới xung quanh. Chúng ít khi gặp những rắc rối ở nhà, ở trường hay ở khu xóm, khi lớn lên trẻ cũng sống quảng giao với mọi người hơn.
Hai tác giả Jeffrey Rosenberg và W. Bradford Wilcox nghiên cứu “Sự quan trọng của người cha trong việc phát triển lành mạnh của trẻ” được Bộ Giáo dục Hoa Kỳ xuất bản cho thấy việc chơi đùa của người cha với con cái có ảnh hưởng đặc biệt đối với sự phát triển tình cảm và xã hội của trẻ. Qua những lần vui chơi này, trẻ học được cách điều tiết cảm xúc, hành vi và chuẩn bị cho mình tinh thần để tham gia các hoạt động xã hội về sau.
Đặc biệt, vượt lên tất cả, vai trò thực sự của người cha có những đặc điểm riêng mà người mẹ rất khó khăn để bù đắp, đó chính là vai trò NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG. Giúp kết nối, xây dựng sự nghiệp cho con thông qua tri thức và mạng lưới xã hội mà người cha đang sở hữu. Cha chính là nguồn vốn xã hội đầu tiên của con trẻ. Với kiến thức kinh nghiệm và sự “từng trải” của mình, cộng thêm mạng lưới bạn bè, công việc, cơ quan, người cha có thể giới thiệu cho con về thế giới phức tạp nhưng đầy hấp dẫn và giúp con hình thành ý thức trong việc xây dựng nghề nghiệp của mình về sau. Đó là những tri thức mở đầu rất quan trọng giúp trẻ vững tin bước vào đời. Cá nhân bác sĩ nhận thấy ở nước mình hiện nay có rất nhiều gia đình, vai trò người cha chưa được thể hiện đúng mực hoặc thậm chí… có như không. Thời gian cha ở bên chơi đùa với con rất ít, thiếu đi những sợi dây kết nối, nói chuyện và chia sẻ. Thậm chí, nhiều người cha gần như “ỉ lại” nhiệm vụ nuôi dạy con cho mẹ. Hình ảnh người cha suốt ngày rượu bia ăn nhậu rồi về muộn, hút thuốc lá, vượt đèn đỏ, văng tục nói bậy, dễ dàng xung đột với mọi người cũng như xung đột vợ chồng ngay trước mặt những đứa con, dạy con những điều lọc lõi, ganh đua và chèn ép người khác để giành về mình những gì có lợi nhất… không thiếu trong xã hội ngày nay. Khi tấm gương người cha “dẫn đường” như vậy làm sao có thể mong đợi những đứa con sau này sẽ trưởng thành và tử tế được, phải không các bạn?
Xin được mượn lời tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, một người anh và cũng là một người bạn của bác sĩ để kết thúc bài viết này: Khi xem việc nuôi dạy con là SỰ NGHIỆP lớn nhất của đời mình, chúng ta sẽ nhận ra điều gì là quan trọng và ý nghĩa trong cuộc sống.
Hà Nội, ngày 09/6/2019