“Tôi luôn mong muốn làm những điều lớn lao hơn nữa, tốt đẹp hơn nữa, không chỉ cho bản thân mà cho gia đình và cả cộng đồng của tôi. Tôi biết mọi việc không thể thành công ngay lập tức, tất cả đều phải được lên kế hoạch và chuẩn bị thật chu đáo, và tôi đã dành ra mười lăm năm để chuẩn bị đương đầu với mọi thử thách.”
- Lee Dunham
“Cậu điên mất rồi!”, đó là lời cảnh báo của bạn bè đối với Lee Dunham vào năm 1971, khi anh quyết định từ bỏ công việc ổn định ở sở cảnh sát và dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm trong mười năm ròng rã để đầu tư vào việc kinh doanh nhà hàng. Theo bạn bè của anh, đây là một quyết định đầy mạo hiểm, vì đó là cửa hàng McDonald’s đầu tiên ở New York, ngay trong lòng khu Harlem nổi tiếng nhiều tội phạm.
Nhưng từ trước đến nay, Lee luôn có kế hoạch của riêng mình. Trong khi những đứa trẻ khác cùng tuổi chơi bóng trên những lô đất trống của Brooklyn thì Lee đã bắt đầu tập tành khởi nghiệp. Cậu kiếm tiền bằng cách thu gom những chai sữa và trả lại cho tiệm tạp hóa để lấy tiền cọc. Cậu cũng nhận đánh giày, phát báo và giao hàng đến từng nhà. Từ nhỏ, Lee đã hứa với mẹ rằng một ngày nào đó mẹ cậu không còn phải đi giặt thuê kiếm sống nữa, rằng cậu sắp khởi sự công việc làm ăn riêng để đỡ đần cho mẹ. “Đừng nói thánh nói tướng nữa! Lo làm bài đi con”, mẹ cậu nói. Mẹ cậu biết rằng chưa có người nào trong dòng họ Dunham từng thoát khỏi kiếp lao động nghèo, chứ đừng nói đến chuyện kinh doanh này nọ. Bà cứ nhắc đi nhắc lại với con trai: “Khó lắm con à! Làm sao con có thể tự mình kinh doanh được chứ!”.
Nhiều năm trôi qua và Lee vẫn không từ bỏ ước vọng của mình. Học xong trung học, anh gia nhập Không quân. Trong thời gian tại ngũ, anh đã đặt sẵn mục tiêu một ngày nào đó sẽ làm chủ một nhà hàng gia đình. Anh đăng ký vào trường dạy nấu ăn của Không quân, nhanh chóng thể hiện khả năng nấu nướng của mình và được tuyển chọn vào làm ở nhà ăn phục vụ sĩ quan.
Khi rời quân ngũ, trong suốt bốn năm liền, anh làm việc cho một vài nhà hàng lớn, trong đó có cả nhà hàng của khách sạn Waldorf Astoria danh tiếng ở New York. Lee muốn khởi sự kinh doanh nhà hàng của riêng mình nhưng nhận thấy mình cần phải có kỹ năng kinh doanh mới có thể thành công. Thế là anh đăng ký vào học ở một trường dạy kinh doanh. Anh đi học vào buổi tối, ban ngày thì anh được nhận vào làm ở sở cảnh sát.
Trong suốt mười lăm năm làm sĩ quan cảnh sát, ngoài giờ làm việc, anh còn tận dụng thời gian còn trống để nhận thêm việc gia công đồ gỗ và vẫn tiếp tục khóa học kinh doanh. “Tôi dành dụm từng đồng tôi kiếm được trong thời gian đó”, anh nhớ lại. “Trong mười năm, tôi không tiêu xài hoang phí một xu nào. Không phim ảnh. Không nghỉ dưỡng. Không đi xem bóng đá, bóng chày gì cả. Tôi dành trọn thời gian để đi làm, đi học và cho mơ ước của cả đời tôi là có được công việc kinh doanh của riêng mình.” Đến năm 1971, Lee đã dành dụm được 42.000 đô-la. Đã đến lúc anh có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực.
Ý định của Lee là mở một nhà hàng hạng sang ở Brooklyn. Với kế hoạch kinh doanh trong tay, anh bắt đầu tìm kiếm nguồn tài chính. Nhiều ngân hàng từ chối yêu cầu của anh. Không thể huy động được nguồn vốn để mở nhà hàng riêng, Lee quyết định chuyển sang làm đại lý nhượng quyền. Anh gửi đi rất nhiều đơn đăng ký và cuối cùng anh nhận được thư chấp nhận của McDonald’s với một điều kiện: anh phải mở nhà hàng McDonald’s ở một khu đông dân cư trong thành phố. McDonald’s muốn thử xem liệu phương thức nhà hàng thức ăn nhanh của họ có thể thành công ở khu đông dân cư và có mức sống thấp trong nội thành hay không và có lẽ Lee là người thích hợp để điều hành nhà hàng đầu tiên đó.
Để được làm đại lý nhượng quyền, Lee sẽ phải sử dụng tất cả các khoản tiết kiệm của mình và vay thêm 150.000 đô-la nữa. Anh sẽ phải dành tất cả mồ hôi và công sức trong ngần ấy năm cho một thử thách đầy rủi ro, như bạn bè anh nói. Lee trải qua nhiều đêm không ngủ trước khi anh đưa ra quyết định. Anh tin rằng tất cả những gì anh đã chuẩn bị trong bao năm qua - đặt mục tiêu, lên kế hoạch, học để bổ sung kiến thức và dành dụm tiền - đều không vô nghĩa. Cuối cùng, anh đã đặt bút ký vào hợp đồng để trở thành người chủ nhà hàng McDonald’s hoạt động ở khu ổ chuột đầu tiên tại Mỹ.
Những tháng đầu tiên đúng là thảm họa. Những vụ thanh toán lẫn nhau của các băng đảng, những cuộc đấu súng, rồi nhiều vụ xô xát bạo lực quấy nhiễu nhà hàng khiến khách hàng sợ hãi và tránh xa. Trong nội bộ nhà hàng cũng có không ít việc phải giải quyết. Nhân viên lấy cắp thức ăn và tiền bạc, két sắt thường xuyên bị bẻ khóa. Tình hình càng thêm khó khăn khi Lee không thể yêu cầu McDonald’s trợ giúp - người của McDonald’s vì quá ngán ngại nên không dám mạo hiểm đến gần khu vực nhà hàng. Lee phải tự mình xoay xở mọi chuyện.
Mặc dù việc bị thất thoát nhiều nguyên liệu chế biến và tiền lời khiến Lee cảm thấy mất tự tin, nhưng anh sẽ không để ước mơ của mình bị tước đoạt. Anh quay lại với những điều mà từ trước đến nay anh vẫn luôn tin tưởng: luôn chuẩn bị đầy đủ và có kế hoạch. Lee đưa ra một chiến lược hẳn hoi. Trước tiên, anh gửi những lời lẽ cứng rắn đến những kẻ đứng đầu các băng đảng, rằng đây không phải là chỗ của họ. Và để tối hậu thư có tác dụng, anh cũng đề nghị một lối mở khác thay cho bạo lực và tội phạm. Khi đối mặt với họ, Lee cảm nhận được tình trạng tuyệt vọng mà anh đã từng nếm trải trong gia đình mình. Anh nhận ra rằng vẫn còn có hy vọng và cơ hội cho những người sống ở khu này và anh sẽ thuyết phục họ bằng những điều đó. Nhà hàng của anh sẽ không chỉ cung cấp những bữa ăn cho cộng đồng mà còn mang đến giải pháp cho những người đang gặp bế tắc.
Lee nói chuyện thẳng thắn và không kém phần thách thức với những kẻ cầm đầu, khơi gợi ở họ mong muốn làm lại cuộc đời. Sau đó anh đã làm điều mà nhiều người cho rằng không thể tưởng tượng nổi: Anh nhận những người đứng đầu các băng nhóm vào làm việc. Anh quản lý công việc chặt chẽ hơn, kiểm tra đột xuất các nhân viên thu ngân để loại trừ những người làm việc gian dối. Lee cũng cải thiện điều kiện làm việc. Cứ mỗi tuần một lần, anh tổ chức các lớp huấn luyện về kỹ năng phục vụ khách hàng và quản lý. Anh khuyến khích nhân viên phát triển những mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp. Anh luôn nhấn mạnh hai mục tiêu: Một là nhà hàng phải mở ra lối thoát cho những người đang gặp bế tắc trong cuộc sống; hai là nhà hàng càng phục vụ khách hàng nhanh chóng và hiệu quả thì càng mở ra nhiều lối thoát cho họ.
Như một nhà hoạt động cho cộng đồng, Lee tài trợ cho một số đội điền kinh và trao tặng các phần học bổng để giúp các trẻ em cơ nhỡ có cơ hội học hành và hòa nhập với cộng đồng. Nhà hàng của Lee ở New York sau đó đã trở thành nhà hàng McDonald’s trong khu ổ chuột có lợi nhuận cao nhất thế giới với doanh thu hằng năm đạt 1,5 triệu đô-la. Những người đại diện của hãng đã từng không muốn đặt chân đến khu Harlem thì giờ đây lại cùng nhau kéo đến cửa hàng của Lee, hào hứng nghe anh chia sẻ kinh nghiệm. Đối với Lee, câu trả lời rất đơn giản: “Phục vụ khách hàng, phục vụ nhân viên và phục vụ cộng đồng”.
Trong những năm sau đó, Lee đã từng bước làm chủ chín nhà hàng với tổng cộng trên bốn trăm nhân viên, phục vụ hàng ngàn bữa ăn mỗi ngày. Và đúng như lời anh từng hứa thuở nhỏ, mẹ anh không còn phải làm lụng vất vả nữa. Quan trọng hơn, Lee là người tiên phong mở ra hướng đi cho hàng ngàn người Mỹ gốc Phi tự tin thực hiện ước mơ khởi nghiệp, giúp đỡ cộng đồng và nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Lee Dunham
Tất cả những điều này trở thành hiện thực là nhờ cậu bé Lee Dunham đã sớm biết ước mơ, sớm nhận ra sự cần thiết phải hoạch định và chuẩn bị cho tương lai. Trong quá trình phấn đấu không ngừng ấy, Lee Dunham đã thay đổi cuộc đời mình và của cả những người khác.
Ông qua đời vào ngày 17 tháng Năm năm 2011 tại New York, ở tuổi bảy mươi tám.