“Chỉ có nghệ thuật và khoa học mới có thể nâng con người lên ngang tầm với các vị thần.”
- Ludwig van Beethoven
Ludwig van Beethoven sinh ra trong một gia đình công giáo gốc Bỉ vào ngày 16 tháng Mười Hai năm 1770(1) tại Bonn, Đức. Cha ông, Johann van Beethoven, là nhạc công kiêm ca sĩ của một ca đoàn nhà thờ ở thành Bonn. Mẹ ông, Maria Magdalena Keverich, là con gái một đầu bếp cung đình. Bà là một phụ nữ đôn hậu, dịu hiền và chăm chỉ. Beethoven luôn xem mẹ là người thân yêu gần gũi nhất của mình. Ông có tất cả bảy anh chị em, nhưng chỉ có ba người con trai là còn sống, trong đó Beethoven là anh cả. Mẹ của Beethoven mất năm ông mười bảy tuổi, và trong những năm sau đó, ông chịu trách nhiệm nuôi dưỡng hai người em trai của mình.
(1) Các tài liệu ghi nhận ngày sinh của Beethoven dựa theo ngày rửa tội của ông là ngày 17 tháng Mười Hai năm 1770, vì trẻ con vào thời đó thường được rửa tội vào ngày hôm sau ngày sinh.
Ludwig van Beethoven (1770-1827)
Thời thơ ấu
Cuộc sống của Beethoven khi còn thơ ấu có nhiều khó khăn. Cha ông kỳ vọng ông sẽ trở thành một thiên tài âm nhạc như Mozart(2) nên ông được cha cho tập đàn clavico clavecin(3) từ lúc ba tuổi. Khi lớn hơn một chút, cậu bé Beethoven phải hoàn thành mỗi ngày những bài luyện đàn violon, piano, organ... Beethoven bị cha ép đánh đàn nhiều đến nỗi các ngón tay của ông thường xuyên bị tê và sưng. Vào khoảng năm tuổi, ông bị chứng viêm tai giữa nhưng cha mẹ ông không biết nên ông đã không được điều trị đúng cách. Có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến ông bị điếc về sau.
(2) Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791): nhạc sĩ thiên tài người Áo.
(3) Clavico clavecin hay còn được gọi là Harpsichord, là loại nhạc cụ xuất hiện từ thế kỷ 15. Đó là một nhạc cụ có phím và dây, trong đó dây được gẩy bằng một mẩu lông quạ gắn ở cuối phím. Clavico clavecin có nhiều kiểu hình dáng và có thể có dạng giống như một chiếc đàn piano cỡ lớn.
Từ khi còn bé, Beethoven đã sớm bộc lộ năng khiếu và lòng đam mê âm nhạc đến kỳ lạ. Johann luôn nghĩ rằng con trai ông là một Mozart thứ hai. Tuy Beethoven không phải là Mozart thứ hai, nhưng cậu bé sớm bộc lộ tài năng, với những biểu hiện cho thấy đây là một thần đồng âm nhạc. Ngày 26 tháng Ba năm 1778, khi chưa đầy tám tuổi, Beethoven đã có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng.
Sau đó, vào năm 1780, Beethoven được cha gửi đến học với người thầy đầu tiên, Christian Gottlob Neefe, một trong những nhà soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng đương thời. Neefe nhanh chóng nhận ra tài năng đặc biệt của Beethoven. Ngoài thời gian dạy nhạc, ông còn dạy Beethoven cả những kiến thức triết học cổ điển lẫn hiện đại. Năm mười hai tuổi, Beethoven cho ra đời tác phẩm đầu tiên của mình: “Các biến tấu cho đàn clavico clavecin của bản hành khúc của Ersnt Christoph Dressler”. Neefe nhận xét về người học trò của mình trên một tạp chí âm nhạc lúc bấy giờ như sau: “Nếu cứ tiếp tục sáng tác như thế này, cậu ấy sẽ trở thành Mozart mới của chúng ta”.
Beethoven dần thay thế cha mình trong vai trò trụ cột tài chính của gia đình, sau đó ông thay thế luôn vị trí của cha trong dàn nhạc thành Bonn vì Johann thường xuyên say xỉn. Tháng Sáu năm 1784, nhờ sự tiến cử của Neefe, Ludwig được chỉ định chơi đàn organ trong cung điện của Maximilian Franz, Hoàng thân xứ Cologne. Đây là một bước ngoặt giúp ông có cơ hội tiếp cận với tầng lớp quý tộc, nhờ đó ông gặp được nhiều người mà sau này đã trở thành những người quan trọng trong cuộc đời ông như gia đình von Breuning, nghệ sĩ vĩ cầm Karl Amenda, bác sĩ Franz Wegeler…
Hoàng thân Maximilian Franz ngay lập tức nhận ra tài năng thiên bẩm của Beethoven. Vì thế vào năm 1787, ông giới thiệu Beethoven đến gặp Mozart tại Vienna(4), nơi được xem là kinh đô văn hóa và nghệ thuật của cả châu Âu, để mở rộng kiến thức âm nhạc. (Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào xác nhận rõ ràng về việc có cuộc gặp giữa Beethoven và Mozart hay không.)
(4) Vienna: thủ đô nước Áo.
Tuy nhiên, ước mơ theo học Mozart đã không thực hiện được vì lúc đó nhà soạn nhạc thiên tài này quá bận rộn. Hơn nữa, Beethoven cũng chỉ ở Vienna được hai tháng thì mẹ ông bị bệnh nặng nên ông đành quay về Bonn. Không bao lâu sau khi ông trở về Bonn thì mẹ ông cũng qua đời vào ngày 17 tháng Bảy năm 1787. Beethoven trở thành trụ cột chính cho gia đình nên ông không có điều kiện học thêm mà phải vừa đi biểu diễn vừa dạy học để kiếm tiền.
Năm năm sau, Beethoven được một hoàng thân của triều đình giúp quay trở lại Vienna trong hai năm để tiếp tục nâng cao vốn kiến thức về âm nhạc. Kể từ đó, Beethoven không bao giờ quay trở lại Bonn, nơi chôn nhau cắt rốn của mình nữa.
Tại Vienna, theo lời một người bạn tên Waldstein, Beethoven được Joseph Haydn(5) và sau đó là Salieri(6) nhận làm học trò và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của công chúng thành Vienna nhờ tài năng biểu diễn piano điêu luyện và đầy ngẫu hứng của mình. Năm 1794, Beethoven công bố tác phẩm nổi tiếng gồm ba phần viết riêng cho đàn piano. Một năm sau, Beethoven có buổi công diễn đầu tiên ở Vienna, sau đó là một chuyến lưu diễn qua nhiều nơi: Prague (thuộc Đế quốc La Mã thời bấy giờ), Dresden, Leizpig và Berlin (Đức) trước khi kết thúc bằng một buổi hòa nhạc tại Budapest (Hungary).
(5) Joseph Haydn (1732-1809): nhạc sĩ vĩ đại người Áo.
(6) Antonio Salieri (1750-1825): nhạc sĩ người Ý nhưng sống phần lớn cuộc đời của ông tại Áo.
Nhờ tài năng của ông và những lời giới thiệu, Beethoven có nhiều mối quan hệ ở Vienna. Bất cứ ai thuộc tầng lớp quý tộc và yêu thích âm nhạc lúc bấy giờ đều biết và mến mộ tài năng của nhà soạn nhạc trẻ tuổi này. Họ là những người hết lòng ủng hộ Beethoven. Tài năng xuất chúng của Beethoven làm người ta dễ bỏ qua tính khí thất thường và cách cư xử đôi khi kỳ quặc của ông. Năm 1800, Beethoven tổ chức một buổi hòa nhạc ở Vienna, trong đó bản giao hưởng đầu tiên của ông đặc biệt gây chú ý. (Ngày nay, tác phẩm này được xem là một tác phẩm kinh điển không kém những tác phẩm của Mozart hay Haydn, nhưng trong lần đầu tiên được công diễn, nó lại được đánh giá là kỳ quặc, ngông cuồng và lố lăng. Điều này cho thấy có sự cách biệt giữa thị hiếu của số đông và âm nhạc hàn lâm.)
Những tác phẩm của Beethoven ra đời trong khoảng từ năm 1803 đến 1805 vượt trội hẳn những gì mà ông sáng tác trước đó. Đó là bản “Sonata Kreutzar” viết cho violon và piano; “Bản Giao hưởng Số 3” (“Eroica” hay “Anh hùng ca”) có sức cuốn hút mạnh mẽ mà lúc đầu ông đề tặng Napoléon nhưng sau lại xé đi lời đề tặng khi Napoléon đăng quang ngôi Hoàng đế; các bản sonata như “Bi tráng” (Pathétique), “Ánh trăng” (Moonlight), “Bình minh” (Waldstein), và “Khúc đam mê” (Appassionta); “Bản Giao hưởng Số 4”, “Bản Giao hưởng Số 5” (“Định mệnh”)…, tất cả đều có giá trị nghệ thuật lớn lao. Qua âm nhạc, ông muốn lột tả cuộc sống thông qua sự đấu tranh và những nỗ lực phi thường của con người, để cuối cùng kết thúc bằng khúc khải hoàn, như trong vở opera “Fidelio”, hay lời cầu nguyện bằng tất cả lòng nhiệt thành yêu mến Chúa trong bản lễ ca “Missa Solemnis”.
“Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Khi tài năng của Beethoven bắt đầu phát triển mạnh mẽ thì tai họa ập đến. Vào khoảng năm 1801, Beethoven nhận ra rằng ông đang mất dần thính lực. Chứng ù tai ngày càng nặng làm ông không thể nghe được những cung bậc tuyệt diệu do chính mình viết nên. Ông sống khép kín, cáu bẳn và lảng tránh mọi cuộc giao tiếp.
Năm 1802, chứng điếc trở thành cấp tính và chuyển biến ngày một nặng hơn. Cho đến năm 1819, Beethoven bị điếc hoàn toàn. Chính vì vậy, đây là thời gian ông gặp muôn vàn khó khăn vì nguồn thu nhập chính của ông từ các buổi trình diễn và công việc chỉ huy dàn nhạc nay đã không còn. Việc giao tiếp đối với ông cũng vô cùng khó khăn. Thất vọng, đau khổ và luôn mang trong đầu ý định tự tử, Beethoven rời Vienna đến sống tại một thị trấn nhỏ có tên là Heiligenstadt, nơi mà sau đó ông viết Bản chúc thư Heiligenstadt (bản di chúc viết tay ở Heiligenstadt) cho hai người em trai Carl và Johann, những người ông luôn cho rằng mình có trách nhiệm quan tâm chăm sóc. Cũng trong thời gian Beethoven gặp khó khăn về tiền bạc lẫn sức khỏe này, một trong hai người em trai của ông qua đời, để lại một đứa con tên là Charles, nhờ Beethoven nuôi dưỡng. Charles là một đứa trẻ nghịch phá, có đủ tật xấu và ham chơi, khiến Beethoven không ít lần lao tâm khổ tứ.
Trang cuối của chúc thư Heiligenstadt
Tuy nhiên, việc mất thính lực không ngăn ông tiếp tục sáng tác. Ông viết: “Đối với một nhạc sĩ như tôi, bị điếc là một đòn trí mạng, nhưng âm nhạc đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Tôi biết rằng thế giới âm nhạc vẫn còn vô số điều để tôi khám phá…”.
Năm 1818, Beethoven sáng tác “Bản giao hưởng số 8” khi ông đã bị điếc cả hai tai và lang thang ngoài phố với dáng điệu thảm thương. Năm năm mươi tuổi, ông viết “Bản giao hưởng số 9” bất hủ, tiếp sau đó là bản lễ ca “Missa Solemnis” trang trọng, rồi đến những bản sonata cuối cùng: “Liên tấu cho đàn piano” và “Tứ tấu”. Trong toàn bộ di sản của ông, những tác phẩm này nổi bật hơn cả, chủ yếu vì chúng đã vượt ra ngoài các truyền thống cổ điển với lối diễn đạt phóng khoáng các tâm trạng khác nhau của thế giới nội tâm.
Khoảng thời gian Beethoven bị mất thính lực cũng chính là khoảng thời gian ông đọc nhiều nhất. Ông đọc các sách bàn về âm nhạc và các vấn đề khác, sau đó cho chúng “thẩm thấu” vào trí não của mình để sáng tác ra các bản giao hưởng bất hủ. Ngày nay, dựa vào những quyển sách về âm nhạc mà Beethoven đã đọc, các nhà khoa học đã nghiên cứu quá trình sáng tác một bản nhạc của ông diễn ra như thế nào và các tác phẩm của ông nên được trình diễn ra sao.
Một nhà phát minh thiên tài người Đức tên là Johann Nepomuk Mälzel đã tình cờ quen biết Beethoven. Ông chính là người đã giúp đỡ Beethoven rất nhiều, cụ thể là sáng chế ra những thiết bị trợ thính đặc biệt. Nhờ những phương tiện hỗ trợ này mà Beethoven có thể sáng tác dễ dàng hơn. Chính chiếc máy là cầu nối giữa Beethoven và âm nhạc. Nhờ chiếc máy này, ông đã ghi chép rất kỹ lưỡng trên các bản tổng phổ của mình để các nhạc công có thể chơi nhạc theo đúng ý ông.
Vào năm 1826, Beethoven về sống với người em là Johann để hưởng chút khí trời trong lành, nhưng qua tháng Mười Một năm ấy, ông được gọi về Vienna gấp vì đứa cháu bị cảnh sát bắt. Beethoven bị nhiễm lạnh trong chuyến đi đó nên sức khỏe ngày càng kiệt quệ. Ông lâm trọng bệnh và ra đi trong vòng tay của bè bạn ở Berlin vào ngày 26 tháng Ba năm 1827 trong một cơn bão tuyết lạnh giá. Khoảng ba mươi ngàn người đã đến tham dự tang lễ của Beethoven. Franz Schubert(7), một người rụt rè nhưng rất ngưỡng mộ Beethoven dù hai người chưa bao giờ tiếp xúc với nhau, đã cùng với nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng khác khiêng quan tài của ông đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Schubert qua đời một năm sau đó và được chôn cất bên cạnh Beethoven.
(7) Franz Schubert: nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo, cùng thời với Mozart và Beethoven.
Sự thật về cuộc đời của Beethoven được bao phủ bởi rất nhiều huyền thoại, và bản thân ông đã là một huyền thoại. Beethoven như một ngôi sao rực rỡ trên bầu trời của nền âm nhạc giao hưởng thế giới, một ngôi sao mà độ chói sáng của nó vẫn còn lan tỏa mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay. Dù bị mất thính lực hoàn toàn nhưng với một nghị lực phi thường, tài năng thiên phú và tình yêu âm nhạc vô bờ bến, Beethoven đã để lại cho đời những tuyệt phẩm sống mãi với thời gian.