“Thứ nhất, hãy nhớ nhìn lên những vì sao thay vì nhìn xuống dưới chân. Thứ hai, đừng bao giờ từ bỏ công việc; công việc mang lại cho bạn ý nghĩa và mục đích sống, cuộc sống sẽ trở nên trống rỗng nếu không có nó. Thứ ba, nếu bạn may mắn tìm được tình yêu đích thực, đừng bao giờ vứt bỏ nó đi.”
- Stephen William Hawking
“Vũ trụ ra đời từ đâu? Nó bắt đầu như thế nào và tại sao lại như vậy? Nó có kết thúc không, và nếu có, nó sẽ kết thúc như thế nào?” là câu hỏi luôn ám ảnh và chi phối cả cuộc đời của nhà khoa học nổi tiếng trên chiếc xe lăn, Stephen Hawking.
Khi nói đến Stephen Hawking, người ta nghĩ ngay đến hai quyển sách A Brief History of Time (tạm dịch: Lược sử thời gian) và The Universe in a Nutshell(tạm dịch: Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ) của ông, hai quyển sách được xếp vào hàng bán chạy nhất mọi thời đại. Nhưng người đời biết đến và kính trọng Stephen Hawking không phải vì hai quyển sách này mà vì những tư tưởng đột phá và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của một nhà khoa học dù trong hoàn cảnh gần như toàn thân bất toại (trừ bộ não). Ông cũng được biết đến là một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu thế giới với những công bố khoa học có thể làm đảo lộn nhiều cơ sở lý luận triết học của nhân loại.
Quả vậy, những đóng góp quan trọng của Stephen Hawking trong lĩnh vực vật lý lượng tử, đặc biệt là những công trình nghiên cứu và các lý thuyết vũ trụ học, thiên văn học, thuyết Big Bang và lỗ đen vũ trụ, được các nhà khoa học trên thế giới công nhận và kính phục. Mặc dù bị liệt cả tay và chân do bị tổn thương dây thần kinh vận động, nhưng ông vẫn đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Tuổi trẻ của nhà khoa học
Stephen Hawking sinh ngày 8 tháng Một năm 1942 tại Oxford, Anh, khi Thế chiến thứ hai đang diễn ra và đúng ba trăm năm sau ngày mất của nhà thiên văn Galileo Galilei. Cha ông, Frank Hawking, là một nhà nghiên cứu sinh vật học được đánh giá là rất có triển vọng lúc bấy giờ. Ông có hai người em gái và một người em trai nuôi.
Năm 1950, khi cha ông đảm nhận vị trí trưởng bộ môn ký sinh trùng tại Viện nghiên cứu Y học Quốc gia Anh, Hawking và gia đình chuyển đến sống tại St. Albans, Hertfordshire và Stephen theo học trường St. Albans. Gia đình Hawking được người xung quanh đánh giá là rất trí thức và có phần lập dị. Trong các bữa ăn, họ thường có thói quen mỗi người cầm một quyển sách, vừa ăn vừa im lặng đọc sách.
Gia đình ông rất đề cao giá trị của việc học hành. Ở trường St. Albans, Hawking duy trì được một nhóm bạn thân cùng chơi cờ, làm pháo hoa, các mô hình phi cơ và tàu thuyền cũng như thảo luận về Cơ Đốc giáo và năng lực ngoại cảm. Năm mười sáu tuổi, với sự giúp đỡ của thầy giáo dạy toán, ông cùng nhóm bạn đã sáng chế ra chiếc máy tính với các linh kiện lấy từ đồng hồ, một máy tổng đài điện thoại cũ và các thiết bị tái chế khác. Hawking rất thích các môn khoa học tự nhiên nhưng đặc biệt không thích y học và sinh học vì cho rằng những ngành học này quá chú trọng đến các tiểu tiết và không mang tính chính xác cao. Ông ngày càng bộc lộ năng khiếu trong lĩnh vực khoa học.
Năm 1959, Hawking được nhận vào học ngành toán tại Đại học Oxford khi mới mười bảy tuổi. Một năm sau, ông chuyển sang chuyên ngành vật lý và hóa học. Giáo sư hướng dẫn môn vật lý của Stephen, Robert Berman, sau này đã nói với tạp chí New York: “Hawking chỉ cần biết điều gì đó là có thể, và cậu ấy sẽ tự làm lấy mà không cần quan sát bất cứ ai. Cậu ấy không có nhiều sách vở để nghiên cứu và cũng không chú ý nghe giảng, nhưng óc tư duy của cậu ấy hoàn toàn khác biệt với những sinh viên cùng trang lứa”. Một sự thay đổi xảy ra vào năm thứ hai và thứ ba khi, theo lời khuyên của thầy Berman, Hawking phấn đấu phát triển bản thân theo hướng toàn diện. Ông hoạt bát, dí dỏm, hứng thú với nhạc cổ điển và tiểu thuyết viễn tưởng. Ngoài ra, ông cũng gia nhập câu lạc bộ đua thuyền của trường. Huấn luyện viên khi đó nhận thấy ở Hawking một tính cách táo bạo khi ông thường lái đội đua theo những hướng nguy hiểm.
Năm 1962, với bằng cử nhân hạng ưu tại Oxford, Hawking được nhận vào làm nghiên cứu sinh chuyên ngành toán ứng dụng và vật lý lý thuyết tại trường Trinity Hall, thuộc Đại học Cambridge. Tại đây, Hawking vừa học môn Vũ trụ học vừa tham gia giảng dạy môn toán và là người đầu tiên tiến hành nghiên cứu các lỗ đen dựa trên các định luật chi phối vũ trụ. Ông nhận bằng tiến sĩ vào năm 1966 với công trình nghiên cứu trong lĩnh vực thuyết tương đối tổng quát và cơ học lượng tử.
Tai họa
Vào năm hai mươi mốt tuổi, Hawking bắt đầu cảm nhận những triệu chứng đầu tiên của bệnh xơ cứng cơ vùng bên mà y học gọi tắt là ALS(1), một loại bệnh về thần kinh vận động. Các bác sĩ nói rằng bệnh này sẽ tác động vào các tế bào thần kinh ở não, làm liệt dây thanh, suy yếu cơ và mất khả năng nói. Tồi tệ hơn, sự suy thoái của dây thần kinh điều khiển cuối cùng sẽ làm người bệnh tử vong. Tin này ban đầu làm ông hết sức đau buồn và chỉ muốn buông xuôi cho số phận. Nhưng rồi khi đã lấy lại tinh thần, ông quyết định sẽ cố gắng vượt qua.
(1) ALS là từ viết tắt của Amyotrophic Lateral Sclerosis, là bệnh xơ cứng teo cơ một bên, còn gọi là bệnh nơ-ron vận động hay bệnh Lou Gehrig.
Vào cuối những năm 1960, năng lực thể chất của Hawking ngày càng suy giảm. Ông bắt đầu phải dùng nạng và thường xuyên hủy các buổi giảng. Khi dần mất khả năng viết, ông phát triển các phương pháp trực quan để bù đắp sự khiếm khuyết, chẳng hạn như nhìn các phương trình ở góc độ hình học. Nhà vật lý Werner Israel sau này so sánh những kỳ tích đó với việc Mozart sáng tác toàn bộ bản giao hưởng bằng cách chỉ hình dung nó trong đầu từ đầu đến cuối. Ngoài ra, Hawking cũng luôn tỏ ra độc lập, kiên quyết không nhận sự giúp đỡ hay nhượng bộ vì tình trạng tàn tật của mình. Hawking muốn được người khác nhìn nhận “trước hết là một nhà khoa học, thứ đến là một người viết về đề tài khoa học được yêu mến và, trong nhiều phương diện, là một người bình thường với những khát vọng, động lực sống và ước mơ như tất cả mọi người”.
Jane Hawking, người vợ luôn kề vai sát cánh với ông, về sau ghi nhận: “Một số người sẽ gọi đó là tính cương quyết, người khác gọi là ngoan cố. Với anh ấy, cả hai cách gọi đều đúng”. Phải mất rất nhiều công sức mới thuyết phục được Hawking chấp nhận ngồi xe lăn, nhưng sau này ông lại trở nên nổi tiếng trong học xá vì thường phóng xe lăn nhanh “bạt mạng”. Đồng nghiệp nhận xét ông là một người dễ mến và dí dỏm, nhưng đôi khi bệnh tật và cả tiếng tăm về trí tuệ và sự ngạo ngược của ông tạo khoảng cách giữa ông và một số người. Năm 1969, ông đồng ý tham gia một chương trình dành riêng cho ông mang tên Học bổng cho Những nghiên cứu xuất sắc trong Khoa học (Fellowship for Distinction in Science) để ở lại Caius. Ông dần mất khả năng sử dụng tay, chân, khả năng phát âm, và sau đó thì hoàn toàn bị tê liệt. Hệ thống máy tính gắn kèm trên xe lăn của Hawking được điều khiển thông qua một thiết bị hồng ngoại được gắn trên mắt kính của ông. Thiết bị hồng ngoại này có khả năng cảm ứng với cái chớp mắt. Chỉ với động tác nheo mắt phải lại, ông có thể nói chuyện, soạn diễn văn, nghiên cứu sách vở, lướt web và viết e-mail. Hệ thống máy tính này cũng sử dụng nguyên lý chuyển giao sóng vô tuyến để điều khiển những cánh cửa ở nhà và văn phòng của ông.
Hawking sử dụng một thiết bị điện tử phát ra tiếng nói để giao tiếp với mọi người sau khi ông được phẫu thuật mở khí quản vào năm 1985. Dụng cụ này phát âm theo giọng Mỹ và sau đó không còn được sản xuất nữa. Khi được hỏi tại sao ông vẫn còn giữ nó sau nhiều năm, Hawking nói rằng ông vẫn không tìm được giọng nói nào hay hơn. Sau một buổi diễn thuyết vào tháng Sáu năm 2006 ở Hồng Kông, ông nói đùa rằng nếu ông có một máy phát âm mới theo giọng Pháp thì vợ ông sẽ ly dị ông.
Một con người hóm hỉnh, lạc quan
Hawking thường nói rằng bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời ông là vào năm 1965, khi ông kết hôn với Jane Wilde, cô sinh viên khoa ngôn ngữ học. Khi về sống với nhau, Stephen và Jane không hề nhận được sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, ngoại trừ từ những sinh viên ngành vật lý. Những người này giúp ông vì muốn được ông đặc biệt chú ý đến đề án của mình. Khi bệnh tình nghiêm trọng hơn, ông cần cả một đội y tá để săn sóc ông mọi lúc mọi nơi (Hawking không thể tự thay quần áo). Ông cũng cần có một chiếc xe lăn để đi lại, để khỏi nghĩ quẩn về sự tàn tật của mình.
Năm 1985, khi viết xong bản thảo đầu tiên của quyển A Brief History of Time, Hawking phải trải qua một cuộc phẫu thuật mở khí quản và thật không may, ông mất cả khả năng phát âm sau cuộc phẫu thuật và hầu như mất hoàn toàn khả năng giao tiếp. Sau đó, khi Hawking được trang bị máy phát ra tiếng nói, câu nói đầu tiên của ông là hãy giúp ông hoàn thành quyển sách. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, đặc biệt là Brian Whitt, một sinh viên của Stephen, quyển sách ra đời, được dịch ra nhiều thứ tiếng và bán ra hơn chín triệu bản. Báo chí lúc bấy giờ gọi ông là “Bậc thầy về vũ trụ”.
Mặc dù bị bệnh nhưng Hawking vẫn cho mình là “người may mắn”. Chứng bệnh này phát triển khá chậm nên nó đã cho ông thời gian để tiếp tục nghiên cứu và có một gia đình “hấp dẫn”, theo lời ông nói. Vợ ông chăm sóc ông đến tận năm 1991 thì hai người ly hôn vì sức ép từ sự quan tâm của công chúng đến mối quan hệ riêng tư của họ. Hawking kết hôn lần hai với người y tá của mình, Elaine Mason, vào năm 1995.
Hawking nổi tiếng là người hóm hỉnh. Sự hóm hỉnh của ông vừa giúp người đối diện cảm thấy thoải mái, đồng thời giúp cho những vấn đề phức tạp mà ông nghiên cứu trở nên dễ hiểu hơn. Trong lời tri ân khi lần đầu tiên xuất bản quyển A Brief History of Time, Hawking viết: “Có người nào đó nói với tôi rằng, mỗi một phương trình tôi đưa vào sách sẽ làm giảm số lượng bán đi một nửa. Do đó, tôi quyết định sẽ không dùng đến phương trình nào. Tuy nhiên, rốt cuộc tôi đành phải đưa vào một phương trình, đó là phương trình nổi tiếng của Einstein E = mc2. Tôi hy vọng nó sẽ không làm cho các độc giả tiềm năng của tôi phải hoảng sợ”.
Hawking cũng là người rất quan tâm đến các vấn đề xã hội. Có lần, ông đã gây xôn xao dư luận khi phát biểu rằng việc di dân đến những hành tinh khác, kể cả mặt trăng, là cần thiết để đảm bảo quá trình tiến hóa của loài người. Trong một bài phát biểu của ông ở Trung Quốc vào tháng Sáu năm 2006, ông nói rằng loài người đang nung nóng bầu khí quyển và vô tình đem hành tinh này đến gần hơn với “những người láng giềng đã chết” của chúng ta như sao Hỏa, sao Kim… Ông luôn đưa ra những cảnh báo về sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường trái đất và đề xuất nhiều biện pháp rất khả thi nhằm khắc phục tình trạng này.
Thay cho đoạn kết
Năm 2001, nhân dịp sang Ấn Độ dự Hội nghị Khoa học String, trước đông đảo sinh viên, Stephen Hawking đã nói rằng chính căn bệnh chết người mà ông phải chịu đựng bấy lâu nay đã cho ông thêm lý do để sống. Ông nói: “Vì không có nhiều thời gian để sống nên tôi muốn làm việc nhiều hơn nữa. Tôi ý thức được cuộc sống là quý giá…”.
Để tạm kết thúc câu chuyện về Stephen Hawking, chúng ta hãy đọc một đoạn trích từ bài viết của phóng viên Đoan Trang trên AP vào năm 2001:
“… Người ta không hiểu sức mạnh nào đã giúp cho Hawking sống qua chừng ấy năm, không ngừng nghiên cứu, để rồi trở thành nhà bác học vĩ đại của thế giới. Công trình nghiên cứu bức xạ của lỗ đen của ông được giới khoa học hết sức khen ngợi và đánh giá cao. Ông đã được trao mười hai bằng danh dự, rất nhiều giải thưởng và huân chương cao quý. Khi ông chỉ mới bước vào tuổi thanh xuân, cái tin mình bị bệnh đã khiến ông ‘chẳng còn thiết gì nữa’. Nhưng giờ đây, ông tin rằng mình đang ‘hạnh phúc hơn bất kỳ lúc nào so với khoảng thời gian hai mươi năm không bệnh tật’.”
Mỗi khi Stephen Hawking được hỏi: “Ông cảm thấy thế nào về căn bệnh của mình?”, câu trả lời của nhà bác học là: “Không có gì đặc biệt. Tôi cố gắng sống càng bình thường càng tốt, không nghĩ về hoàn cảnh của mình, không nuối tiếc những việc mà bệnh tật đã khiến tôi không thể làm được”. Stephen khẳng định: “Rõ ràng có nhiều người còn khổ hơn tôi… Mỗi khi sắp sửa có ý than thân trách phận, tôi lại nghĩ đến điều đó”.
Khi có người hỏi “Ông sẽ làm gì nếu không bị liệt?”, Stephen đáp với vẻ hài hước vốn có: “Tôi từng nghĩ mình sẽ trở thành một chính trị gia. Tôi cũng đã từng mong ước được làm thủ tướng Anh, nhưng sau khi nghĩ lại, tôi cảm thấy công việc của tôi chắc chắn sẽ lâu dài hơn công việc của một thủ tướng”.
“Con người không bao giờ được để mất hy vọng”, đó là những gì nhà bác học vĩ đại người Anh Stephen Hawking đã viết trên website của mình.
Stephen William Hawking (1942-2018)