“Nếu tôi chết, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì mình đã làm những điều mình mong muốn trong đời.”
- Terry Fox
Terry Fox (1958-1981) là một vận động viên môn chạy đường dài và môn bóng rổ ở thành phố Port Coquitlam, British Columbia, Canada. Vào năm mười tám tuổi, Terry bị một chấn thương rất nặng ở đầu gối phải. Ban đầu, anh nghĩ đó chỉ là chấn thương phần sụn, nhưng sau đó anh thật sự hoảng hốt khi các bác sĩ thông báo rằng đó là một khối u ác tính và cần phải phẫu thuật ngay.
Vào những năm 1970, chỉ một trong số năm người bị u sacôm được chữa khỏi, phần lớn là bằng phương pháp cưa chân. Ngày nay, nhờ những thành tựu tiên tiến trong hóa trị liệu và các phương pháp phẫu thuật mới, hầu hết những người mắc chứng bệnh này đều được chữa khỏi mà không phải mất đi một phần thân thể.
Vào đêm trước cuộc phẫu thuật cắt chân phải, Terry Fox đọc được một bài báo về một người bị cụt mất một chân tên là Dick Traum đã tham gia một cuộc thi chạy marathon ở New York. Con người phi thường đó đã chạy trên đôi chân giả của mình để quyên tiền cho một công trình nghiên cứu về căn bệnh ung thư. Hành động này thật sự đã truyền cảm hứng cho Terry, khiến anh quyết tâm bắt tay ngay vào một chương trình tập luyện để phục hồi trong mười bốn tháng và lên kế hoạch thực hiện chương trình Marathon of Hope (tạm dịch: Chạy cho Niềm hy vọng).
Niềm hứng khởi trước dự án mới và ý chí mạnh mẽ đã giúp Terry vượt qua cuộc phẫu thuật. Terry phục hồi nhanh chóng sau đó và bắt tay ngay vào tập luyện. Anh chạy liên tục bất chấp những cơn đau và thời tiết khắc nghiệt.
Sau khi hoàn thành được 4.000 ki-lô-mét, Terry hăm hở bắt đầu thực hiện kế hoạch đã đề ra cho cuộc hành trình đặc biệt của mình. Với cuộc chạy Marathon of Hope, ngoài mục đích quyên tiền cho các hoạt động nghiên cứu và chữa trị ung thư, Terry còn muốn gửi đến tất cả các bệnh nhân ung thư một thông điệp, rằng con người có thể chinh phục mọi thử thách.
Trong thời gian mười sáu tháng hóa trị, Terry tận mắt nhìn thấy những bệnh nhân dũng cảm chiến đấu với bệnh tật, và anh cũng không ít lần chứng kiến những trường hợp không còn hy vọng. Năm 1979, Terry viết: “Cảm giác thật tồi tệ khi niềm hy vọng tiêu tan và thay vào đó là nỗi thất vọng ngập tràn. Tôi không thể tiếp tục để những cảm giác đó khiến mình suy sụp. Tôi có thể tự giải phóng bản thân ra khỏi tình trạng đó. Mọi cơn đau phải được chấm dứt!”.
Marathon of Hope - Chạy cho Niềm hy vọng
Ngày 12 tháng Tư năm 1980, cuộc chạy Marathon of Hope của Terry Fox bắt đầu. Terry hy vọng anh sẽ quyên góp được 1 đô-la từ mỗi người dân trong hai mươi bốn triệu dân Canada vào thời điểm đó. Terry bắt đầu xuất phát từ St. John’s, Newfoundland và mỗi ngày anh chạy một quãng đường tương đương một cuộc chạy marathon. Đội cảnh sát hộ tống và những người tụ tập ở đó chứng kiến thời điểm xuất phát của Terry cùng với một xe tải chở tám đôi giày, ba cái chân giả và nhiều vật dụng dự phòng khác. Terry dự định sẽ đến bờ biển Đại Tây Dương trong vòng năm đến sáu tháng.
Terry Fox và những bước chạy đầu tiên từ cảng St. John’s vào ngày 12 tháng Tư năm 1980
Dù cái chân giả làm bằng hợp kim thép và sợi thủy tinh được thiết kế rất vừa vặn với Terry nhưng anh vẫn không thể có những bước chạy bình thường như mọi người dù đã cố gắng thử nhiều cách chạy khác nhau. Những ngày đầu tiên, Terry rất vui khi thấy mọi người xếp thành hàng để quyên góp tiền dọc hai bên đường nơi anh chạy qua. Từng tờ đô-la được chuyển đến anh từ những tấm lòng nhiệt thành khi anh đi qua các thành phố, thị trấn, làng mạc của Canada: St. John’s, Gander, Port-Aux-Basques Toronto, Ottawa, Quebec, Riviere-du-Loup…. Mặc cho những vết phồng rộp ở chân, mặc cho cơ thể đôi khi mệt rã rời, Terry vẫn chạy hướng về phía tây, đều đặn từ bốn giờ sáng đến năm giờ chiều mỗi ngày.
Khi Terry đến Ontario thì anh đã trở thành một ngôi sao, được cả nước Canada biết đến. Anh xuất hiện nhiều lần trước công chúng cùng các thương gia, vận động viên và chính trị gia trong nỗ lực quyên tiền. Vào sinh nhật lần thứ hai mươi hai của mình với hai ngàn người tham dự ở Gravenhurst, Ontario, Terry được tặng một cái chân giả mới, một món quà làm anh rất cảm động. Trong một lần phải vượt qua một ngọn đồi cao, đồi Montreal River, trên quãng đường 3 ki-lô-mét, Terry đã viết dòng chữ “Montreal River, ta đang đến đây!” lên ngực áo và “Ta đã chinh phục được ngươi!” ở sau lưng áo.
Trong suốt cuộc chạy, Terry đã nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ anh hoàn tất quãng đường còn lại nhưng anh đều từ chối. Những lúc quá mệt, anh tạm nghỉ để cơ thể tự hồi phục rồi lại tiếp tục chạy cho đến khi hoàn tất lộ trình đã vạch ra.
Terry viết: “Những tài xế xe tải và những người dân ở xa đô thị hiểu ý nghĩa của cuộc chạy này nên họ đến để cổ vũ, còn những người khác chỉ muốn tôi dừng lại và cho tôi đi nhờ xe”.
Đến ngày 1 tháng Hai năm 1981, ước mơ của Terry về việc quyên góp đủ tiền cho việc nghiên cứu và chữa trị bệnh ung thư gần trở thành hiện thực. Dân số Canada vào thời điểm đó là 24,1 triệu người và quỹ “Marathon of Hope” đã quyên góp được số tiền lên đến 21,17 triệu đô-la Canada.
Kết thúc để khởi đầu
Người dân Canada đang dõi theo cuộc chạy của Terry Fox ở khắp mọi miền đất nước bàng hoàng khi biết tin bệnh ung thư của anh tái phát và hành trình Marathon of Hope của anh phải dừng lại gần vịnh Thunder, Ontario. Trong vòng 143 ngày, Terry đã chạy được 5.373 ki-lô-mét. Với vẻ mặt đau đớn, Terry nằm trên cáng và trả lời các phóng viên rằng chứng ung thư xương đã di căn đến phổi và anh phải quay về quê nhà để tiếp tục chữa trị. Trước đó, Terry tin rằng bệnh ung thư của anh sẽ không tái phát nên anh đã không gặp bác sĩ để kiểm tra trong suốt quãng đường chạy trên 5.000 cây số. Nhiều ngày sau khi Terry dừng cuộc chạy, công chúng vẫn tiếp tục đóng góp và số tiền quyên góp được trong thời gian này đã lên đến hơn 10 triệu đô-la, trong đó có 2 triệu đô-la là các khoản ứng trước của chính quyền bang British Columbia và thành phố Ontario.
Trong thời gian chữa trị tại quê nhà, Terry nhận được tin vui: anh được trao Huân chương Danh dự Canada (Order of Canada). Đây là huân chương cao quý nhất dành cho một công dân Canada, được trao cho những người có đóng góp đặc biệt to lớn với quốc gia và Terry là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử nhận được vinh dự này. Vì Terry không đủ sức khỏe để tham dự lễ trao huân chương, Toàn quyền Edward Schreyer đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt đến vùng biển phía tây, nơi Terry đang điều trị, để tận tay trao cho anh huân chương danh dự này. Terry cũng nhận được Huân chương Dogwood (Order of Dogwood), Huân chương Công dân cao quý của British Columbia (Order of British Columbia)… cùng rất nhiều huân chương và giải thưởng cao quý khác.
Terry ra đi vào ngày 28 tháng Sáu năm 1981, một tháng trước sinh nhật lần thứ hai mươi ba của mình, tại Bệnh viện Royal Columbia, thành phố New Westminster, British Columbia. Alison Sinson, người chăm sóc anh trong những ngày cuối cùng, xúc động chia sẻ: “Terry đã hoàn thành ki-lô-mét cuối cùng của cuộc đời mình. Anh ấy đã để lại cho chúng ta một điều vô cùng quý giá, đó là Hy vọng. Nó sẽ trường tồn và trở thành một phần di sản tinh thần của đất nước chúng ta”. Trong những ngày đó, cả đất nước Canada treo cờ rủ và tổ chức quốc tang để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tiếc thương người anh hùng của họ.
Tuy Terry không còn nữa, nhưng tài sản anh để lại vẫn được tiếp tục phát triển để tài trợ cho cuộc thi Terry Fox Run được tổ chức hằng năm tại Canada theo ước nguyện của anh. Chương trình Marathon of Hope vẫn tiếp tục được tổ chức hằng năm và hiện đang phát triển mạnh ở khắp nơi. Nhiều nguồn tài chính được tạo ra để đóng góp cho hoạt động nghiên cứu và phòng chống bệnh ung thư đều bắt nguồn từ chương trình này. Có khi trong vòng một ngày, các đài phát thanh của Canada đã nhận được tổng cộng hơn 10.000 đô-la tiền quyên góp.
Tiếp nối Terry Fox, vào tháng Năm năm 1985, Steve Fonyo, một thanh niên mười chín tuổi cũng bị mất một chân vì bệnh ung thư, đã khởi xướng và hoàn thành một cuộc chạy marathon xuyên quốc qua trên chặng đường dài 7.924 ki-lô-mét trong hơn mười bốn tháng và quyên góp được 13 triệu đô-la cho các hoạt động nghiên cứu và chữa trị bệnh ung thư.
Rick Hansen, vận động viên xe lăn và là một người bạn của Terry, đã tổ chức mừng chiến thắng của mình tại thành phố quê hương của Terry. Dick Truam, vận động viên khuyết tật từng mang lại nguồn cảm hứng cho Terry thông qua bài báo viết về Dick vào đêm trước cuộc phẫu thuật cắt chân phải của Terry, cũng đã tham gia chạy trong ba sự kiện khác nhau để tưởng nhớ Terry.
Dick Truam cũng thành lập câu lạc bộ Achilles Track dành riêng cho vận động viên khuyết tật. Câu lạc bộ có hơn 110 chi nhánh trên bốn mươi sáu quốc gia. Cuộc thi marathon Achilles ở New York hằng năm thu hút gần hai ngàn vận động viên khuyết tật trên toàn thế giới tham dự.
Người hùng của Canada
Nhiều năm sau ngày mất của Terry, anh đã được vinh danh theo nhiều cách khác nhau. Một đỉnh núi thuộc dãy Rocky gần Jasper, British Columbia, đã được đặt tên Terry Fox để tưởng nhớ anh. Đoạn đường chạy cuối cùng của Terry dài 83 ki-lô-mét trên xa lộ Trans-Canada nối liền vịnh Thunder và Nipigon, Ontario, được đổi tên thành đường Terry Fox. Giải thưởng nhân đạo Terry Fox (Terry Fox Humanitarian Award) được chính phủ Canada lập ra nhằm tôn vinh tinh thần cống hiến và dũng cảm của Terry Fox cho thế hệ trẻ nước này.
Tượng đài Terry Fox bên bờ vịnh Thunder thuộc tỉnh Ontario
Tên tuổi của Terry Fox được đưa vào Bảng vàng thành tích thể thao Canada vào ngày 29 tháng Tám năm 1981. Bộ Bưu chính Canada cũng đã phát hành một bộ tem để tưởng nhớ Terry Fox vào năm 1992, mười một năm sau khi anh qua đời. Một bộ tem khác cũng được thực hiện vào năm 2000.
Ngày Terry Fox (Terry Fox Day)
Một năm sau ngày mất của Terry Fox, chương trình Marathon of Hope đã vươn rộng ra quy mô toàn cầu. Trong ngày hội thể thao Terry Fox lần đầu tiên được tổ chức ở quê hương anh, hơn ba trăm ngàn người đến từ bảy trăm sáu mươi thành phố, vùng miền khác nhau trên thế giới đã tham gia cuộc chạy bộ đến những nơi anh đã đi qua, với tổng số tiền quyên góp được là 3,5 triệu đô-la. Cái chết của Terry Fox cũng đã thúc đẩy nhiều thế hệ người dân Canada và nhiều nước khác tham gia vào các hoạt động rèn luyện sức khỏe.
Terry Fox đã không thể hoàn thành cuộc chạy bộ vòng quanh đất nước Canada như mong muốn ban đầu của anh, nhưng sứ mệnh cao cả mà anh tự đặt ra cho mình đã thành công ngoài mong đợi. Các cuộc chạy marathon Terry Fox được tổ chức sau đó tại hơn năm mươi quốc gia đã đem về hơn 360 triệu đô-la, là đóng góp của các cá nhân và tổ chức vào quỹ nghiên cứu phòng chống ung thư Terry Fox Foundation.
Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi Terry Fox bắt đầu chương trình Marathon of Hope, nhưng cho đến bây giờ, niềm mong mỏi của anh - con người chiến thắng được bệnh ung thư - vẫn chưa trở thành hiện thực. Bà Betty Fox, mẹ của anh, người em trai Darrel và những người đang làm việc cho Quỹ Terry Fox, vẫn đang trăn trở với niềm mong mỏi này. Song, chính nhờ một phần đóng góp của quỹ Terry Fox, hàng ngàn bệnh nhân ung thư ở nhiều nơi trên thế giới đã có thể sống khỏe mạnh hơn, điều mà trước đây Terry chưa được thụ hưởng.
Vào năm 2005, trong buổi lễ khánh thành Bia Tưởng niệm Terry Fox tại mốc dặm 0 của cuộc hành trình của anh ở thành phố St. John’s, nơi anh bắt đầu cuộc chạy hai mươi lăm năm về trước, bà Betty Fox đã xúc động nói: “Đây là nơi bắt đầu ước mơ của một con người và là nơi niềm hy vọng của một quốc gia được thắp lên…”.