“Chỉ bạn mới có sức mạnh để đưa cuộc đời mình tiến lên phía trước.”
- Oprah Winfrey
Trong danh sách một trăm người có ảnh hưởng nhất thế giới đầu thế kỷ 21 của tạp chí Time (Time 100) của Mỹ có tên bà. Tuy bà không phải (hoặc chưa phải) là một chính khách, tên của bà thường được nhắc đến cùng với các chính trị gia quyền lực nhất thế giới. Dù không phải là một lãnh tụ tinh thần hay người đứng đầu một tôn giáo nào, bà được hàng triệu người ngưỡng mộ và tôn vinh. Bà là nữ tỷ phú da đen đầu tiên trong lịch sử có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes trong ba năm liên tiếp 2004-2005-2006. Bà là người phụ nữ giàu có, nhưng trái tim của bà còn giàu có hơn nhiều lần. Người phụ nữ đó là Oprah Winfrey, một người dẫn chương trình lừng danh nước Mỹ và cả trên thế giới. Hãy nghe một người phụ nữ khác, nổi tiếng không kém Oprah, Condoleezza Rice(1), nói về bà: “… Tôi cảm nhận được sự nồng nhiệt của cô ấy, và tôi luôn xúc động trước tình yêu mà cô ấy dành cho người khác. Cô ấy là người mà bạn sẽ rất muốn mời vào cuộc đời mình, cũng như cô ấy luôn sẵn sàng mời bạn bước vào cuộc đời cô ấy vậy”.
(1) Condoleezza Rice, sinh năm 1954, là Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ George Bush (cha) và là Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ George Bush (con).
Tuổi thơ phiêu bạt
Oprah Winfrey (tên đầy đủ là Orpah Gail Winfrey, chú ý hai chữ “r” và “p” trong “Orpah” được bà hoán đổi vị trí thành Oprah cho dễ đọc) sinh ngày 29 tháng Một năm 1954 tại Kosciusko, Mississippi, Hoa Kỳ trong một gia đình theo đạo Công giáo dòng Baptist(2). Mẹ của bà, Vernita Lee, từng làm giúp việc nhà, còn cha của bà, Vernon Winfrey, từng làm qua nhiều công việc như thợ mỏ, thợ hớt tóc, và ủy viên hội đồng địa phương.
(2) Đạo Công giáo dòng Baptist chỉ rửa tội cho người lớn, không rửa tội cho trẻ sơ sinh.
Oprah chào đời vào lúc cha của bà đang phục vụ trong quân đội và mẹ của bà ngay sau đó phải di chuyển lên phía bắc để tìm việc. Thế là Oprah được gửi cho bà ngoại Hattie Mae Lee ở một vùng quê nghèo thuộc bang Mississippi, một nơi chưa có điện và nước máy. Oprah sống trong sự dưỡng dục của bà ngoại trong gần sáu năm, được bà dạy đọc chữ và dắt đi nhà thờ từ trước khi Oprah được ba tuổi. Cô bé được mọi người đặt cho biệt hiệu là “Preacher” (thầy dòng) vì khả năng trích dẫn Kinh Thánh khá chính xác.
Vào năm lên sáu, Oprah theo mẹ ngược lên phía bắc và sống trong một khu ổ chuột thuộc thành phố Milwaukee, bang Wisconsin. Mẹ của Oprah bận kiếm sống nên cũng ít quan tâm và không gần gũi cô như bà ngoại. Oprah có lần chia sẻ rằng bà từng bị một người bà con và một người bạn của gia đình lạm dụng tình dục vào năm mười bốn tuổi. Ngoài ra, gia đình Oprah lúc đó cũng gặp nhiều khó khăn do mẹ bà lập gia đình mới và sinh thêm một con gái tên là Patricia và con trai tên là Jeffrey. Về sau, Patricia qua đời ở tuổi bốn mươi ba vì nghiện ma túy và Jeffrey cũng mất năm 1989 vì bệnh AIDS.
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Oprah học rất giỏi. Vào năm mười ba tuổi, bà được nhận học bổng vào trường Trung học Nicolet ở ngoại ô thành phố Glendale. Sau biến cố năm mười bốn tuổi, mẹ Oprah gửi bà đến sống với cha tại thành phố Nashville, bang Tennessee. Ở trường trung học, bà được nhận vào làm thêm ở đài phát thanh. Cha của Oprah là một người nghiêm khắc và luôn đặt việc học của con lên hàng đầu. Nhờ thế, bà học hành tấn tới, đạt thành tích xuất sắc và được bầu chọn là “Nữ sinh tiêu biểu nhất trường”. Oprah cũng là thành viên trong đội diễn thuyết của trường và đoạt giải nhì trong cuộc thi diễn kịch toàn nước Mỹ. Năm mười bảy tuổi, Oprah đoạt giải Hoa hậu Da đen bang Tennessee. Chiến thắng của Oprah trong một cuộc thi hùng biện sau đó đã giúp bà nhận được học bổng toàn phần của Đại học Tennessee, ngành truyền thông.
Anthony Otey, bạn trai thời trung học của Oprah, hồi tưởng về bà như sau: “… Cô ấy biết rõ mình muốn gì từ rất sớm. Cô ấy muốn trở thành một ngôi sao điện ảnh, một nữ diễn viên nổi tiếng… Cô ấy sẵn sàng dẹp bỏ mọi thứ khác sang một bên để toàn tâm toàn ý với các mục tiêu của mình. Trở lại những năm 1970, ma túy và nhiều trò rác rưởi bắt đầu tấn công trường học và bọn thanh niên chúng tôi hưởng ứng rất cuồng nhiệt, nhưng cô ấy biết mình nên và phải làm gì. Cô ấy học hành nghiêm túc, và khi con tàu cuộc đời cô ấy thuận buồm xuôi gió, cô ấy giương buồm ngay”.
Sự nghiệp dẫn chương trình
Bà ngoại Oprah kể lại rằng mỗi khi cháu bà nói thì chẳng khác nào “đang ở trên sân khấu” vậy. Hồi nhỏ, Oprah thường chơi trò phỏng vấn búp bê và cả mấy con quạ hay đậu trên bờ giậu của ngôi nhà tồi tàn của hai bà cháu ở vùng quê nghèo. Oprah bắt đầu “bén duyên” với lĩnh vực truyền thông đại chúng vào năm mười bảy tuổi, khi bà được nhận vào làm cộng tác viên ở đài phát thanh địa phương cho chương trình tin tức. Tại đây, bà là nữ biên tập viên da đen đầu tiên và trẻ nhất và làm ở đó cho đến năm thứ hai đại học.
Năm 1976, Oprah chuyển đến làm việc cho kênh truyền hình WJZ-TV ở thành phố Baltimore thuộc bang Maryland, trong vai trò đồng dẫn chương trình cho bản tin sáu giờ sáng. Sau đó, bà có cơ hội chuyển sang cùng dẫn chương trình với Richard Sher cho chương trình talk show People Are Talking, được phát sóng lần đầu tiên vào tháng Tám năm 1976. Đồng thời, Oprah cũng là người dẫn chương trình chính cho một phiên bản khác có tên Dialing for Dollars.
Năm 1983, Oprah chuyển đến Chicago để thử sức mình trong nỗ lực vực dậy chương trình talk show AM Chicago của đài WLS-TV, vốn được xếp hạng số lượng người xem rất thấp. Chỉ vài tháng sau khi Oprah đến, chương trình này đã vươn lên vị trí đầu bảng xếp hạng talk show ở Chicago, thế chỗ chương trình talk show đang rất được yêu thích thời bấy giờ là The Phil Donahue Show. Ngay sau đó, chương trình được đổi tên thành The Oprah Winfrey Show và tăng thời lượng phát sóng từ nửa giờ lên thành một giờ với phạm vi phát sóng trên toàn nước Mỹ từ ngày 8 tháng Chín năm 1986.
Oprah Winfrey trong buổi phát sóng đầu tiên Chương trình The Oprah Winfrey vào năm 1986
Trong những năm đầu, vẫn có những ý kiến trái chiều, cho rằng The Oprah Winfrey Show có nội dung “lá cải”, nhưng từ giữa những năm 1990, Oprah bắt đầu định hướng lại sự nghiệp của mình. Bà hạn chế tham gia các chương trình có xu hướng giải trí đơn thuần. Bà dần mở rộng phạm vi chương trình sang những chủ đề như sức khỏe, địa chính trị(3), phát triển tinh thần, tâm linh và thiền định. Bà thường chọn các chủ đề phỏng vấn có liên quan trực tiếp với một nhân vật có tên tuổi về bệnh ung thư, hoạt động từ thiện, việc lạm dụng chất kích thích. Bà cũng phỏng vấn cả những người bình thường nhưng có những thành tích thật phi thường đang sống quanh mình.
(3) Địa chính trị là lĩnh vực nghiên cứu về tác động của các yếu tố địa lý tới hành vi của các quốc gia và quan hệ quốc tế.
Năm 1993, Oprah thực hiện buổi phỏng vấn Michael Jackson, được truyền hình trực tiếp trong giờ vàng và trở thành sự kiện đáng xem số một trong lịch sử truyền hình Mỹ cho tới thời điểm đó, với hơn một trăm triệu người xem.
Năm 1998, Oprah Winfrey trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người Mỹ gốc Phi đầu tiên đứng đầu danh sách 101 người có ảnh hưởng nhất trong ngành giải trí của tạp chí Entertainment Weekly (Mỹ). Trong cả sự nghiệp của mình, bà cũng nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng danh giá khác, trong đó có giải Emmy (Emmy Awards, tôn vinh các chương trình truyền hình), giải Tony (Tony Awards, tôn vinh những cống hiến trong lĩnh vực sân khấu) và hai đề cử giải Oscar.
Một sự kiện đáng nhớ khác trong sự nghiệp của Oprah Winfrey là vào ngày 23 tháng Mười Hai năm 2004, Oprah cùng Tom Cruise vinh dự được mời làm người dẫn chương trình cho buổi hòa nhạc Lễ trao giải Nobel Hòa bình tại Na Uy trước dàn nhạc giao hưởng gồm các tên tuổi lớn như Cyndi Lauper, Andrea Bocelli, Joss Stone, Chris Botti, Diana Krall, Tony Bennett và nhiều nghệ sĩ khác. Buổi hòa nhạc được truyền hình trực tiếp ở Mỹ. Sau sự kiện này, thậm chí một câu lạc bộ người hâm mộ Oprah Winfrey còn viết một kiến nghị đề cử bà cho giải Nobel Hòa bình vào năm sau.
Oprah đang nhận một nụ hôn từ một vị khách mời đặc biệt, Tổng thống Mỹ George Bush (2003)
Hoạt động tích cực, không ngại di chuyển, thể lực dồi dào và tinh thần luôn hưng phấn, Oprah Winfrey có nhiều cơ hội tiếp xúc với mọi tầng lớp, từ người dân đến các vị chính khách nổi tiếng. Điều đó càng làm gia tăng sự hiểu biết và thấu cảm của bà trong nhiều vấn đề về xã hội, kinh tế, con người, và hình ảnh của bà vì thế ngày càng được nhiều người, không chỉ riêng ở Mỹ mà từ khắp nơi trên thế giới, biết đến và ngưỡng mộ.
Thành công nối tiếp thành công
Tạp chí Time viết về Oprah như sau: “Chẳng ai dám đánh cược vào triển vọng đi lên nhanh như diều gặp gió của Oprah Winfrey. Cô ấy hiện được xem là người dẫn chương trình talk show truyền hình có lượng người xem đông nhất nước Mỹ. Trong một lĩnh vực vốn chỉ do đàn ông da trắng chiếm thế áp đảo, cô ấy là một phụ nữ da đen nổi trội. Thay cho phong cách chuyên nghiệp nhưng có phần cứng cỏi thường thấy của nhiều người dẫn chương trình truyền hình khác, cô ấy thẳng thắn đặt câu hỏi về những điều cô ấy muốn biết, đôi khi hài hước một cách mạnh bạo và trên tất cả là sự thấu cảm toát ra từ con người cô ấy. Oprah cùng khóc, cùng cười với những câu chuyện buồn, vui của khách mời. Về phía khách mời, tự nhiên họ cũng muốn thổ lộ với cô những điều mà bình thường họ vẫn cho là không thể chia sẻ với bất cứ ai, huống hồ là bộc bạch trên sóng truyền hình trước hàng triệu người xem trên toàn nước Mỹ. Oprah khiến cho talk show trở thành một liệu pháp chữa trị tâm lý”. Còn bình luận viên truyền hình Howard Rosenberg thì ví von: “Cô ấy như một cỗ xe(4), một bữa tiệc thịnh soạn và đầy màu sắc, to lớn, lảnh lót, ồn ào, xông xáo, một chút bốc đồng, một chút gây cười, đáng yêu, đồng cảm sâu sắc, dịu dàng, đôi khi thấp kém, đời thường và thèm khát”.
(4) Nguyên văn tiếng Anh: “round-house”. Từ này có nghĩa đen là cú đấm mạnh, cú thoi mạnh, ở đây ý nói người có tính cách mạnh mẽ, phong phú, gây ấn tượng.
Trong lần kỷ niệm hai mươi năm ngày ra đời chương trình của mình, Oprah tiết lộ rằng trước đây nhà phê bình điện ảnh Roger Ebert là người từng thuyết phục bà ký một hợp đồng cộng tác với Hãng truyền thông giải trí King World. Khi đó Ebert tiên đoán rằng Oprah sẽ mang lại doanh thu cao gấp bốn mươi lần so với doanh thu hiện tại của chương trình talk show At The Movies mà ông ấy đang phụ trách.
Thử sức với điện ảnh
Năm 1985, Oprah được mời vào đóng vai chính trong bộ phim của đạo diễn Steven Spielberg, The Color Purple, được chuyển thể từ tiểu thuyết đoạt giải Alice Walker. Ngay lập tức bà nhận được nhiều lời khen tặng cho vai người vợ khốn quẫn. Năm 1986, Oprah được đề cử giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, nhưng giải này cuối cùng được trao cho nữ diễn viên Anjelica Huston.
Năm 1998, Oprah sản xuất và đóng vai chính trong bộ phim Beloved, chuyển thể từ tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của tác giả Toni Morrison. Oprah bỏ công sức và tiền của đầu tư rất lớn cho phim này nhưng không thành công. Bộ phim được trình chiếu và bị lỗ gần… 30 triệu đô-la. Vào năm 2005, The Color Purple được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu kịch nghệ Broadway, nhưng Oprah chỉ đóng vai trò là nhà sản xuất.
Tham gia phim ảnh với vai trò diễn viên và nhà sản xuất có lẽ chỉ là một cuộc thử nghiệm khả năng của bản thân Oprah để tìm kiếm những cơ hội mới. Vì thế, ngoài vai diễn đầu tay trong The Color Purple tạo ra được chút tiếng vang, các phim còn lại bà tham gia đều không thành công, cả về phương diện nghệ thuật lẫn tài chính.
Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
Năm 1998, Winfrey thành lập Oprah’s Angel Network, một tổ chức từ thiện nhằm khích lệ mọi người trên toàn thế giới cùng chung tay góp phần tạo nên những điều khác biệt dù nhỏ cho cuộc sống của những người cơ nhỡ, kém may mắn. Song song đó, các dự án từ thiện cũng được hình thành thông qua các tổ chức phi lợi nhuận quốc tế nhằm cung cấp các khoản trợ cấp trong phạm vi chương trình này. Hiện nay, tổ chức Oprah’s Angel Network đã gây quỹ được hơn 51 triệu đô-la (riêng Jon Bon Jovi đóng góp 1 triệu đô-la). Toàn bộ chi phí điều hành quản lý quỹ do Oprah Winfrey đảm trách bằng nguồn tài chính cá nhân, vì thế một trăm phần trăm các khoản đóng góp đều được dùng vào việc thực hiện các chương trình từ thiện.
Dù nổi tiếng vì đã vận động quyên góp được những khoản tài trợ lớn thông qua các chương trình talk show có tài trợ của các tập đoàn kinh doanh lớn, nhưng những đóng góp của cá nhân Oprah ở phía sau sàn diễn vào các quỹ từ thiện còn lớn hơn nhiều. Năm 2005, bà trở thành người da đen đầu tiên có tên trong danh sách năm mươi người giàu lòng nhân ái nhất nước Mỹ do tuần báo Business Week bình chọn, với tổng số tiền đóng góp cho mục đích từ thiện lên đến khoảng 250 triệu đô-la . Bà hiện đang bảo trợ giáo dục cho tất cả nữ sinh ở Nam Phi, và tài trợ một nguồn học bổng trị giá 7 triệu đô-la cho một trăm sinh viên da đen tại Mỹ. Trong cơn bão Katrina năm 2004, tổ chức Oprah’s Angel Network của bà quyên góp được 10 triệu đô-la nhằm hỗ trợ cho các hoạt động cứu trợ.
Vì tất cả những đóng góp ý nghĩa đó, Oprah Winfrey đã được trao tặng Giải thưởng Nhân đạo Bob Hope (Bob Hope Humanitarian Award) tại lễ trao Giải Emmy năm 2002.
Năm 2004, Oprah và nhóm của bà thực hiện một chương trình có tên Oprah’s Christmas Kindness. Trong chương trình này, Oprah cùng người bạn chí thân Gayle King, bạn trai lâu năm Stedman Graham và vài thành viên khác đã đi đến Nam Phi nhằm kêu gọi sự đóng góp của người xem truyền hình trên thế giới cho những trẻ em là nạn nhân của tình trạng nghèo đói và bệnh AIDS ở châu Phi. Trong vòng hai mươi mốt ngày của chuyến đi, đoàn của Oprah đã đến thăm các trường học và trại trẻ mồ côi ở các vùng quê nghèo khó của Nam Phi và phát quà Giáng sinh cho năm mươi ngàn trẻ em, trong đó có búp bê cho bé gái và những quả bóng tròn cho bé trai, ngoài phần quà tặng chính là quần áo, những vật dụng thiết yếu và đồ dùng học tập cho từng em. Qua chương trình này, Oprah đã kêu gọi được một khoản đóng góp trên 7 triệu đô-la từ các khán thính giả truyền hình.
Lãnh đạo tinh thần
Năm 2002, tạp chí Christianity Today (tạm dịch: Cơ Đốc giáo ngày nay) lên khuôn một bài báo với nhan đề The Church of O (tạm dịch: Thánh đường của Oprah), trong đó họ kết luận rằng Oprah Winfrey nổi lên như một lãnh đạo tinh thần có sức ảnh hưởng lớn. Bài báo viết: “Từ năm 1994, và nhất là từ năm 1998, Oprah Winfrey quyết định sẽ làm mới các chương trình talk show theo hướng ‘thức tỉnh hơn, có tính giáo dục và giải trí cao hơn’. Bắt đầu bằng chương trình Change Your Life TV, Oprah, trong vai trò dẫn chương trình, đã trở thành một người dẫn dắt tinh thần. Đối với hơn hai mươi hai triệu khán thính giả phần đông là nữ, bà là một lãnh đạo tinh thần ngoài hội thánh”. Oprah luôn có quan điểm rất rõ ràng khi chọn hướng đi trong nghề nghiệp của mình. Bà giải thích ý nghĩa của chương trình Change Your Life TV như sau: “Thay đổi cuộc đời có nghĩa là thay đổi cách chúng ta suy nghĩ, cách nhìn nhận bản thân, gia đình, thế hệ sau, và những mối quan hệ của mình”. Khi nhắc đến Công nương Diana trong một chương trình talk show vào năm 1997, bà nói: “Tất cả chúng ta đều rất đau buồn trước cái chết của Công nương Diana, và cả thế giới luôn cảm kích tấm lòng nhân ái và những hoạt động từ thiện của Công nương. Tôi muốn mọi người biết một điều: bản thân chúng ta cũng có thể làm được nhiều nghĩa cử tốt đẹp trong cuộc đời của chính mình”. Theo các nhà phê bình truyền thông, tính chọn lọc và định hướng trong nội dung chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt của các chương trình của Oprah Winfrey.
Condoleezza Rice viết: “Tôi tin rằng sức ảnh hưởng là sự kết hợp của quyền lực và mục đích. Là một người dẫn chương trình truyền hình xuất sắc, chủ một tạp chí, nữ doanh nhân, và một siêu sao, Oprah Winfrey chắc chắn là một người có quyền lực, nhưng điều quan trọng là cô ấy là người sống có mục đích. Cô ấy có một niềm tin sâu sắc vào những nguyên tắc của cái thiện và lòng nhân ái của cô ấy thì vượt trên mọi sự so sánh. Đối với số đông công chúng, tầm ảnh hưởng của Oprah ít trực tiếp hơn nhưng không khó để nhận ra. Ngay cả với những con người bình thường với mong muốn bình thường là có một cuộc sống tốt đẹp và tử tế, Oprah cũng đã là một nguồn cảm hứng”.
Và tầm ảnh hưởng
Oprah Winfrey được trang báo mạng The American Spectator gọi là “người phụ nữ có thể được xem là quyền lực nhất thế giới”, Time.com bình chọn bà là một trong một trăm người có ảnh hưởng nhất thế giới ở thế kỷ 20 và trong nhiều năm của thế kỷ 21. Tạp chí Life tặng Oprah cả hai danh hiệu “Người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới” và “Người phụ nữ da đen có ảnh hưởng nhất thế giới trong thế hệ của mình”. Tạp chí Ladies’ Home Journal xếp Oprah ở vị trí đầu danh sách những phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ. Cựu Tổng thống Barack Obama, khi còn là thượng nghị sĩ, cũng đồng ý với nhận định trên: “Có lẽ cô ấy là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong đất nước chúng ta”.
Tầm ảnh hưởng của Oprah ngày nay đã vượt ra khỏi biên giới Hoa Kỳ. Chỉ riêng trong phạm vi nước Mỹ đã có hơn bốn mươi chín triệu khán thính giả theo dõi talk show của bà hằng tuần. Xin trích dẫn sau đây thêm một nhận xét của Condoleezza Rice như lời kết cho câu chuyện về Oprah Winfrey:
“Câu chuyện của Oprah là câu chuyện của nước Mỹ về một ‘nàng lọ lem’ xuất thân từ bang Mississippi, lớn lên trong nghèo khó nhưng đã nhận ra ánh sáng của cuộc đời mình bằng con đường học tập và tự lực để đạt được ước mơ của mình. Oprah, người phụ nữ đầy ý chí và nghị lực, luôn nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ người khác, rằng đôi khi chỉ bằng một hành động nhỏ bé, chúng ta đã có thể giúp thay đổi cuộc sống của một ai đó. Oprah là người có sức ảnh hưởng lớn, đó là điều không thể phủ nhận. Riêng đối với tôi, cô ấy là người mà tôi rất vinh hạnh gọi là ‘bạn của tôi’”.