CONDOLEEZA RICE
C
ondoleezza Rice sinh ngày 14/11/1954 tại Birmingham, Alabama, Hoa Kỳ, cùng năm sinh với MC số một nước Mỹ, Oprah Winfrey.
Nếu Oprah là nhân vật hàng đầu trên truyền hình thì Condoleezza là người phụ nữ số một trên chính trường Mỹ hiện nay. Bà từng là Cố vấn An ninh (2001 – 2005) của Tổng thống George Bush và là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên, người gốc Phi thứ hai (sau Colin Powell), và là người phụ nữ thứ hai (sau Madeleine Albright) giữ chức Ngoại trưởng của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Tạp chí Forbes đã xếp hạng bà là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong hai năm liên tiếp 2004 – 2005, và đứng vị trí thứ nhì trong năm 2006. Bà cũng là một trong hai người Mỹ gốc Phi được tạp chí Time liên tục bầu chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng mạnh nhất thế giới (người kia là Oprah Winfrey).
Thời thơ ấu
Rice sinh ra tại Birmingham, Alabama và lớn lên trong khu ổ chuột Titusville nghèo khó. Bà là con duy nhất của Mục sư dòng Trưởng lão (Presbyterian) John Wesley Rice, Jr. và bà Angelena Ray, một giáo viên khoa học, nhạc lý và nghệ thuật diễn thuyết tại trường Ullman.
Condoleezza là một từ mang âm hưởng Ý, Condoleezza, trong ký xướng âm có nghĩa là “bằng sự ngọt ngào”. Tuy nhiên, Rice lại tận mắt chứng kiến những cay đắng đầu đời của bà bởi sự bất công của luật pháp Birmingham về nạn kỳ thị chủng tộc. Bà được dạy bảo phải ngẩng cao đầu mà bước ở những nơi công cộng và nên sử dụng các tiện nghi thuộc quyền sở hữu của gia đình hơn là dùng “những thứ dành cho dân da màu” ngoài phố. Rice nói về cha mình và những người bạn của ông: “Họ không chấp nhận các ràng buộc, cấm đoán và những bất công trong xã hội vốn hạn chế chân trời tự do của chúng ta”.
Nhưng rồi rất nhiều lần Rice cũng phải chịu đựng những hành động kỳ thị và ngược đãi vì màu da của mình. Có lần cô bị dẫn vào một kho chứa đồ trong cửa hàng bách hóa để thử quần áo thay vì một phòng thử đàng hoàng tử tế dành cho người da trắng. Lần khác cô bị từ chối khi đặt phòng khách sạn, hay “được” phục vụ loại thức ăn kém phẩm chất trong nhà hàng, hoặc bị chặn không cho vào công viên giải trí… Thêm vào đó, cô luôn bị cha mẹ kiềm chế không cho đi đến những nơi cô có thể trở thành nạn nhân của nạn kỳ thị nên ý thức đấu tranh vì quyền bình đẳng chủng tộc trong cô ngày càng sôi sục.
Juliemma Smith, một hàng xóm thuở nhỏ của Rice nhớ lại: “Condi(1) thường hỏi tôi ‘Chị biết hôm nay Bull Connor(2) nói sao không?’ Cô ấy chỉ là một đứa bé nhưng suốt ngày chỉ quan tâm đến chuyện chính trị thôi. Tôi buộc phải đọc cho kỳ hết các mục báo để khỏi bị “quê” trước các câu hỏi không thể lường trước được từ cô ấy”. Chính Rice nói về thời kỳ phân biệt chủng tộc trong lịch sử hiện đại Mỹ như sau: “Những sự kiện khủng khiếp đó khắc sâu vào tâm khảm tôi. Tôi phải bỏ rất nhiều buổi học vì trường tôi thường xuyên bị đe dọa đặt bom khủng bố”.
(1) Condi: tên thân mật của Condoleezza.
(2) Bull Connor (1897 – 1973): Một cảnh sát da trắng, thành viên của tổ chức phân biệt chủng tộc cực đoan 3K (Ku Klux Klan), một tổ chức chủ trương bạo hành, khủng bố và sát hại người da màu.
Thực sự, trong thời kỳ đen tối đó, Mục sư Rice đã từng tự vũ trang cho mình một khẩu súng trường và tuần tra xung quanh nhà mỗi khi con gái ông tập piano bên trong.
Ông gọi Fred Shuttlesworth, Condoleezza thời thơ ấu nhà lãnh đạo tổ chức nhân quyền địa phương và cộng sự của ông ta là “những kẻ lầm đường lạc lối”. Ông thường khuyến khích con gái và các sinh viên rằng người da đen phải chứng minh rằng mình giỏi hơn, tốt hơn gấp đôi người da trắng để có thể vượt qua những kỳ thị và định kiến vốn đã ăn sâu vào luật lệ Hoa Kỳ thời đó.
Năm Rice 8 tuổi, người bạn cùng trường Denise McNair bị giết chết trong một vụ đặt bom Nhà thờ Báp-tit trên đường số 16, do nhóm cực đoan da trắng thực hiện vào ngày 15/09/1963. Bốn mươi mốt năm sau (2004), tại một buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Vandebilt, Rice hồi tưởng:
“… Tôi không nhìn thấy vụ đánh bom, nhưng tôi nghe tiếng nổ, tôi cảm thấy sức hủy diệt của nó vì Nhà thờ Báp-tit chỉ cách nhà thờ của cha tôi vài con phố ở Birmingham. Đó là thứ âm thanh mà tôi sẽ không bao giờ quên được, nó cứ âm âm trong tai tôi đến tận bây giờ. Vụ nổ đó đã cướp đi sinh mạng của bốn bé gái, trong đó có bạn tôi, Denise McNair.
Tội ác đó được tính toán nhằm dập tắt hy vọng của những mầm non và chôn vùi hoài bão của họ.
Nhưng những kẻ đáng sợ đó đã không thể đi xa hơn, những kẻ khủng bố đã thất bại thảm hại…”
Rice nói rằng sống trong thời kỳ phân biệt chủng tộc cực đoan, bà được tôi luyện quyết tâm chống lại những điều nghịch lý và cố gắng “giỏi gấp đôi” những người không thuộc các cộng đồng thiểu số trên đất Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn sau này, Rice nói rằng nếu thời đó người ta bắt buộc phải đăng ký sử dụng súng thì có lẽ súng ống của cha bà đã bị tịch thu, và gia đình bà sẽ không có gì trong tay để phòng thủ trước những kẻ chuyên gây thảm họa về đêm thuộc tổ chức Ku Klux Klan.
Rice bắt đầu học tiếng Pháp, âm nhạc, trượt băng nghệ thuật và múa ba-lê từ năm lên ba. Đến năm 15 tuổi, bà theo học piano với ý định trở thành một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Nhưng những năm sau đó Rice nhận ra rằng dù đánh piano khá tốt nhưng bà không đủ giỏi để tự kiếm sống bằng nghề này nên bà chú tâm hơn vào chuyện học hành tại Đại học Denver. Tuy nhiên, Rice cũng có dịp thể hiện tài nghệ của mình khi song diễn cùng Yo-Yo Ma bản sô-nát cung đô thứ của Brahms tại Khán phòng Nhà Quốc hội trong lần Yo-Yo dự giải thưởng Huy chương Quốc gia về Nghệ thuật vào tháng 04/2002. Sau đó bốn năm, vào tháng 07/2006, Rice lại trình diễn chương 2 bản sô-nát này cùng với nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Mustafa Fuzer Nawi (Chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Malaysia) tại Dạ tiệc Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN. Bà cũng từng biểu diễn một tác phẩm dành cho đàn piano của Glenn Gould trong cuộc gặp Michelle Jean, Toàn quyền Canada, tại Sảnh đường Rideau vào ngày 25/10/2005.
Năm 1967, Rice cùng gia đình dọn đến Denver, Colorado, nơi cha bà được mời làm trợ lý trưởng khoa của Đại học Denver và dạy môn “Trải nghiệm ứng xử với người da đen tại Mỹ”.
John Rice cực lực phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc từ trong hiến pháp và các chính sách đàn áp người da đen của Chính phủ Mỹ. Ngoài ra, ông còn là một tiếng nói mạnh mẽ trong phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam.
Trong thời gian học tại Denver, Rice tham dự một khóa học về chính trị thế giới do Giáo sư Josef Korbel, cha của cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright giảng dạy. Kinh nghiệm này đã nhóm lên trong lòng Rice sự quan tâm về vấn đề Liên Xô và các mối quan hệ quốc tế. Sau này, Rice nói rằng Korbel “là một trong những nhân vật trung tâm quan trọng nhất của đời tôi”.
Năm 16 tuổi, Rice tốt nghiệp trung học. Vào năm 20 tuổi, Rice lấy bằng cử nhân chính trị học và bằng Phi Beta Kappa(1) của Đại học Denver.
(1) Phi Beta Kappa: Một tổ chức do những học giả hàng đầu nước Mỹ thành lập, nhằm tìm kiếm và hỗ trợ sự phát triển của các tài năng trẻ Hoa Kỳ.
Năm 1975, lúc 21 tuổi, bà lấy bằng thạc sĩ chính trị học của Đại học Notre Dame và được nhận vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1977 (23 tuổi) dưới thời Tổng thống Carter, trong vai trò thực tập sinh tại Phòng Văn hóa – Giáo dục.
Năm 27 tuổi, Rice nhận bằng tiến sĩ chính trị học của Trường Nghiên cứu sinh về Các Vấn đề Quan hệ Quốc tế tại Denver. Ngoài tiếng Anh, bà còn thông thạo tiếng Nga và giao tiếp tốt bằng các thứ tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha.
Condoleezza Rice trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình ITV tại London vào năm 2005.
Giáo sư đại học Rice bước vào nghề giảng dạy tại Đại học Standford với chức danh Trợ giảng từ năm 1981 – 1987.
Sau đó bà được phong hàm Phó Giáo sư (1987 – 1993), rồi Giáo sư kể từ năm 1993 và giữ chức hiệu trưởng, tổng giáo vụ và ngân sách của trường Standford từ năm 1993 – 2000. Trong lịch sử của trường Standford, bà là vị hiệu trưởng trẻ tuổi nhất và là người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức vụ này tại Standford. Bà cũng là Giáo sư Danh dự của Học viện Nghiên cứu Quốc tế và Học viện Hoover.
Ngoài ra, bà còn là một chuyên gia về Liên Xô và thường thuyết giảng về các vấn đề thời sự cho sinh viên Đại học Berkeley và Standford trong một chương trình hợp tác giảng dạy giữa hai trường do Giáo sư George Breslauer phụ trách vào giữa những năm 1980.
Rice là một độc giả say mê Tolstoy(1) và Dostoievsky(2). Thế giới quan của bà chịu ảnh hưởng khá lớn của Dostoievsky. Nhiều người cho rằng bà là một con người thâm trầm, thân thiện nhưng lịch thiệp, và rất hòa đồng với sinh viên. Bạn bè và đồng nghiệp của bà khi thì thấy bà tập thể dục trong phòng thể hình, lúc thì đang phục vụ thức ăn cho các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp vào Buổi Ăn sáng lúc Nửa đêm (Midnight Breakfast), một truyền thống của Đại học Standford, được tổ chức trước các kỳ thi tốt nghiệp của sinh viên.
(1) Lev Tolstoy (1828 - 1910): Nhà văn Nga, tác giả bộ tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình.
(2) Dostoievsky(1822 - 1881): Nhà văn Nga, tác giả tiểu thuyết Tội ác và Trừng phạt.
Ở cương vị hiệu trưởng của một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới, Tiến sĩ Rice chịu trách nhiệm quản trị một ngân sách trị giá nhiều tỉ đô-la của trường. Khi bà nhận chức vụ này, Standford có khoản thâm hụt ngân sách 20 triệu đô-la và bà tuyên bố sẽ đem lại sự cân bằng thu chi tài chính trong vòng hai năm. Và, hai năm sau, Hiệu trưởng Rice tổ chức một cuộc họp để thông báo rằng không những khoản thâm hụt đã được bù lỗ, mà Standford còn dư một ngân quỹ kỷ lục là 14,5 triệu đô-la.
Tiến sĩ Rice là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, và được trao nhiều bằng tiến sĩ danh dự của các Đại học Morehouse (1991), Đại học Alabama (1994), Đại học Notre Dame (1995), Đại học Luật Mississippi (2003), Đại học Luisville (2004) và Đại học Luật Boston (2006).
Bà đã viết và cộng tác viết một số sách như Germany Unified and Europe Transformed: A Study in Statecraft (1995), The Gorbachev Era (1986), The Soviet Union and the Czechoslovak Army, 1948-1983: Uncertain Allegiance (1984).
Hoạt động xã hội và kinh doanh Rice là ủy viên hội đồng quản trị của Tập đoàn Carnegie, Tổ chức Carnegie vì Nền Hòa bình Quốc tế, Tập đoàn Charles Schwab, Tập đoàn Dầu khí Chevron (Chevron đã từng lấy tên Condoleezza Rice đặt cho một chiếc tàu chở dầu của họ), Hewlett Packard, Rand, Transamerica, Hiệp hội William & Flora Hewlett và KQED, một công ty phát thanh truyền hình nhà nước ở San Francisco.
Tham gia nhiệt tình trong các hoạt động hướng về cộng đồng, Rice còn là người sáng lập Trung tâm Hoạt động vì Thế hệ Trẻ, một quỹ hỗ trợ giáo dục dành cho các trường học ở East Palo Alto và East Menlo Park, California; và là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Mỹ tại khu vực Vịnh San Francisco.
Ngoài ra, Rice cũng từng kinh qua một số chức vụ trong Hội đồng Quốc gia về Các Vấn đề Liên Xô và Đông Âu, Liên minh Các Đô thị Bán đảo Miền Trung của Standford, và Trung tâm Woodrow Wilson.
Sự nghiệp chính trị Năm 1986, khi còn là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Rice là Trợ lý Đặc biệt cho Giám đốc Tổ chức Những Người Đứng đầu các Bộ Ngành của Chính phủ. Từ năm 1989 đến tháng 03 năm 1991, bà đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống George H. W. Bush (cha) và là Giám đốc Cao cấp Các Vấn đề về Liên Xô và Đông Âu trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đồng thời là Trợ lý đặc biệt của Tổng thống về các Vấn đề An ninh Quốc gia. Tại thời điểm đó, bà là người phụ nữ da đen giữ chức vụ cao nhất trong hệ thống chính quyền Mỹ.
Năm 1991, Condoleezza Rice quay lại giảng dạy tại Đại học Standford trong khi vẫn tiếp tục làm cố vấn cho Khối Các nước Cộng hòa Liên bang Xô Viết cũ, cả trong hai lĩnh vực nhà nước và tư nhân.
Năm 1997, bà tham gia Ủy ban Cố vấn Liên bang về Huấn luyện Giới tính trong quân đội Mỹ.
Trong chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống năm 2000 của George W. Bush (con), Rice tạm ngưng giảng dạy một năm tại Đại học Standford để tham gia nhóm tư vấn vận động tranh cử của George Bush trong vai trò một cố vấn các chính sách đối ngoại.
Cố vấn An ninh Quốc gia (2001 – 2005)
Ngày 17/12/2000, ở tuổi 46, Rice được chọn làm Cố vấn An ninh Quốc gia và giã từ bục giảng của trường Standford. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đảm nhiệm chức vụ này, một chức vụ đòi hỏi một khả năng gần như hoàn hảo trong suy nghĩ, không sai sót trong phán đoán và chính xác trong hành động.
Rice đặc biệt nhạy cảm trong các vấn đề về an ninh quốc gia cũng như quốc tế. Vào mùa hè năm 2001, Rice từng thảo luận với George Tenet, Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA), trong một cuộc họp giao ban hàng ngày tại Nhà Trắng về khả năng phòng chống các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào các mục tiêu trên đất Mỹ. Tháng 07/2001, Rice đề nghị Tenet trình bày về các hiểm họa từ al Qaeda với Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Rumsfeld và Tổng Chưởng lý John Ashcroft, nhưng đáng tiếc là chính quyền Mỹ đã không có những nhận định và hành động đúng mức, nên hậu quả là cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã diễn ra gần như đúng với kịch bản của al Qaeda, gây tổn thất nặng nề cả vật chất, tinh thần và uy tín của nước Mỹ.
Ngoại trưởng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (2005 đến nay)
Ngày 16/11/2004, Tổng thống Bush đề cử Rice vào chức Ngoại trưởng Mỹ thay thế Colin Powell vừa từ nhiệm một ngày trước đó. Tuy nhiên, phải hơn hai tháng sau đó (19/01/2005) Rice mới được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu chấp thuận đề cử của Tổng thống Bush với tỉ lệ 16-2, trong đó Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ John Kerry và Barbara Boxer bỏ phiếu chống. Ngày 26/01/2005, Thượng viện chính thức chấp nhận việc bổ nhiệm Rice vào chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ với tỉ lệ phiếu bầu 85 – 13.
Tiến sĩ Condoleezza Rice ký văn bản nhậm chức Ngoại trưởng sau khi tuyên thệ trước Bộ Ngoại giao, dưới sự chứng kiến của Laura Bush (bìa trái), Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, Tổng thống George W. Bush và một thành viên trong gia đình Rice.
Vào ngày 30/10/2005, Rice tham gia một buổi lễ tưởng niệm tại Montgomery, Alabama (quê nhà của Rice) dành cho Rosa Parks, người truyền nguồn cảm hứng cho phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng ở nước Mỹ. Rice nói rằng bà và những người từng lớn lên tại Alabama trong phong trào hoạt động của Parks có thể không nhận ra tầm ảnh hưởng của Parks lên cuộc sống hàng ngày của mình, “nhưng tôi thành thực nói rằng nếu không có Parks, có lẽ tôi đã không đứng nơi đây ngày hôm nay với tư cách là một Ngoại trưởng Hoa Kỳ”.
Là một tấm gương lớn cho giới trẻ trên khắp thế giới về tinh thần học tập (nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 27 và biết hơn năm thứ tiếng) và ý chí không ngừng vươn lên, Rice thường xuyên được nhiều hãng truyền hình cũng như các tổ chức trong và ngoài nước Mỹ mời phỏng vấn. Bà đã cởi mở chia sẻ về những trải nghiệm thời thơ ấu của mình ở Birmingham cũng như công việc của một Cố vấn An Ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền của Tổng thống Bush.
Đi vòng quanh thế giới
Có lẽ do nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng từ Đại học Standford đến các tập đoàn kinh doanh cũng như các tổ chức xã hội, đặc biệt là các trọng trách quốc gia và những chuyến công du như con thoi trên khắp thế giới nên Condoleezza Rice có rất ít thời gian dành riêng cho cá nhân mình. Hiện nay bà vẫn còn độc thân dù thời sinh viên bà từng hẹn hò với cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Rick Upchurch. Vào tháng 9/2006, tờ New York Time có bài tường thuật về những đồn đoán xung quanh mối quan hệ của bà với Bộ trưởng Ngoại giao Canada Peter MacKay. Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ dừng lại ở mức độ đó.
Bà đã từng công du qua hơn 49 quốc gia (Nga, Anh, Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Ba Lan, Iran, Iraq, Israel, Palestine, Bắc Triều Tiên, Nhật, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba,…) để thực hiện những sứ mạng con thoi giữa chính phủ các nước với Washington. So với người tiền nhiệm Colin Powell, chỉ tính riêng số ki-lô-mét đường hàng không Rice thực hiện trong năm đầu tiên giữ chức Ngoại trưởng Mỹ đã nhiều hơn tổng số chiều dài quãng đường mà Colin di chuyển trong 5 năm đương nhiệm của mình. Tính đến cuối năm 2005, bà đã bay tổng cộng 500 giờ, vượt 388.000 km, tức gần … 10 vòng xích đạo.
Dưới đây là vài bức ảnh đánh dấu một số chặng dừng chân trong vai trò nhà ngoại giao con thoi của Condoleezza Rice:
Con đường tương lai
Rõ ràng Rice là người phụ nữ Mỹ gốc Phi quyền lực nhất trên chính trường Mỹ hiện nay.
Trên trường quốc tế, Rice chỉ đứng sau nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, theo xếp hạng của tạp chí Forbes tháng 08/2006 vừa qua. Trong cuộc chạy đua vào chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2008 – 2012, khả năng thành công của Rice được đánh giá vào hàng thứ tư. Những người ủng hộ bà tiên đoán rằng khả năng bà giữ chức Tổng thống hoặc Phó Tổng thống là rất lớn.
Tuy nhiên, trái với mọi lời bình luận và đồn đoán, Rice nói rằng bà không có ý định tranh cử Tổng thống trong nhiệm kỳ tới. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Tim Russert vào ngày 14/03/2005, Rice liên tục lặp đi lặp lại với Tim:
“Tôi sẽ không chạy đua vào Nhà Trắng. Vì sao?
Vì tôi không biết có bao nhiêu cách nói “không” trong tòa nhà này”.
Rice xuất hiện trong chương trình Meet the Press với Tim Russert, thời điểm bà tuyên bố không có ý định tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ.
Sau cuộc phỏng vấn với Tim Russert khoảng hai tháng, vào tháng 05/2005, nhiều đồng sự của Rice quả quyết rằng bà sẽ tham gia cuộc đua vào vị trí cao nhất của Nhà Trắng nếu được Đảng Cộng hòa giới thiệu ứng cử. Nhưng rồi vào ngày 16/10/2005 trên đài NBC, và ngày 23/10 trong mục Politics Show của đài BBC, Rice lại phủ nhận việc ra tranh cử chức Tổng thống vào năm 2008.
Thế là đã rõ: Rice không ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ vào năm 2008. Nhưng những người quý mến Rice vẫn hy vọng đó không phải là quyết định cuối cùng của bà. Họ lý lẽ rằng dù Rice tuyên bố không ra tranh cử tổng thống, nhưng bà tránh nói rằng bà sẽ không ra tranh cử trong bất cứ trường hợp nào. Rice chưa bao giờ nói rằng bà sẽ khước từ nếu Đảng Cộng hòa đề cử bà ra tranh cử tổng thống. Và, bà cũng luôn luôn tránh nói đến lời thề Sherman (Sherman Oath):
“Nếu được đề cử, tôi sẽ không ra tranh cử; nếu trúng cử, tôi sẽ không phục vụ” mà vô số các ứng viên do dư luận đồn đoán, trong đó có Phó Tổng thống Cheney, thực tế thường sử dụng trước đây.
Một số nhân vật quan trọng của nước Mỹ và thế giới cũng từng khuyến khích Rice ra ứng cử chức Tổng thống Mỹ năm 2008, trong đó có Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Laura Bush, Cựu Phát ngôn viên Nhà Trắng Scott McClellan, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Thủ tướng Úc John Howard. Có lẽ Laura Bush là người ủng hộ Rice mạnh mẽ nhất. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên CNN ngày 17/01/2006, Laura nói: “Tôi mong nhìn thấy cô ấy (ám chỉ Rice) điều hành đất nước. Cô ấy rất cừ khôi”. Ngày 24/03/2006, Laura lại phát biểu trên truyền hình CNN rằng Tiến sĩ Rice sẽ là một “tổng thống xuất sắc” và rằng bà mong nhân dân Mỹ sẽ “khuyến khích cô ấy tham gia tranh cử.” Nếu mong đợi của Laura Bush trở thành sự thật, Rice sẽ là một đối thủ nặng ký của Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2008, như tựa đề một cuốn sách của vợ chồng chiến lược gia chính trị Dick Morris và Eileen McGann Morris: Condi vs. Hillary: The Next Great Presidental Race (tạm dịch: Condi và Hillary: Cuộc Đua Lớn Tiếp Theo Vào Nhà Trắng).
Condoleezza Rice, nữ chính trị gia quyền lực nhất nước Mỹ, người phụ nữ da đen nhỏ nhắn nhưng có tầm ảnh hưởng lớn, đầy nữ tính nhưng mạnh mẽ, tài năng nhưng khiêm tốn, sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ trong tương lai gần đây hay không? Câu trả lời sẽ được đưa ra vào cuối năm 2008.
Rice (trái) và Laura Bush (thứ hai từ phải sang) gặp gỡ Tổng thống Liberia Ellen Johnson-Sirleaf (giữa), nữ tổng thống da đen đầu tiên trên thế giới, trước lễ nhậm chức của Sirleaf tại Monrovia vào ngày 16/01/2006.