LUDWIG VAN BEETHOVEN
Ludwig van Beethoven ( 1770 - 1827)
Ludwig van Beethoven sinh ra trong một gia đình công giáo gốc Bỉ vào ngày 16 tháng 12 năm 1770 tại Bonn, Đức. Cha ông là nhạc công của dàn nhạc thành Bonn, còn mẹ là một phụ nữ đôn hậu và nồng ấm. Beethoven luôn xem mẹ là người thân yêu gần gũi nhất của mình. Ông có tất cả bảy anh chị em, nhưng chỉ có ba anh em trai là còn sống, trong đó Beethoven là anh cả.
Từ khi còn bé, Beethoven đã sớm bộc lộ năng khiếu và lòng đam mê âm nhạc đến kỳ lạ. Ông được cha của mình là Johann, dạy nhạc mọi lúc mọi nơi. Johann luôn nghĩ rằng con ông là một Mozart(1) thứ hai; và thật vậy, cậu bé Beethoven là một thần đồng âm nhạc!
(1) Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791), nhạc sĩ thiên tài người Áo.
Ngày 26 tháng 3 năm 1778, chưa đầy 8 tuổi, Beethoven đã có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng.
Vì khả năng âm nhạc của Johann vẫn còn hạn chế nên Beethoven được gởi đến học với Gottlob Neefe, một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng đương thời. Neefe nhanh chóng nhận ra tài năng đặc biệt của Beethoven. Ngoài việc dạy nhạc, ông còn dạy Beethoven cả những vấn đề về triết học cổ điển lẫn hiện đại.
Năm 12 tuổi, Beethoven cho ra đời tác phẩm đầu tiên của mình: 9 khúc biến tấu cung Đô thứ dành riêng cho đàn dương cầm trong một bản hành khúc của Ersnt Christoph Dressler. Một năm sau, Neefe nhận xét về người học trò của mình trên "Tạp chí Âm nhạc" như sau: "Nếu cứ tiếp tục sáng tác như thế này, cậu ấy sẽ trở thành Mozart mới của chúng ta".
Beethoven thay thế dần vị trí của cha mình khi trở thành trụ cột tài chính trong gia đình, sau đó ông thay thế luôn vị trí của cha trong dàn nhạc thành Bonn vì Johann thường xuyên say xỉn.
Tháng 6 năm 1784, với sự giới thiệu của Neefe, Ludwig được chỉ định chơi đàn oóc trong cung điện của Maximilian Franz, Hoàng thân xứ Cologne. Đây là một bước ngoặt giúp ông có cơ hội tiếp cận với tầng lớp quý tộc, nhờ đó ông gặp được nhiều người mà sau này đã trở thành những người bạn thân thiết: gia đình Ries, gia đình von Breuning, nàng Eleonore xinh đẹp, nghệ sĩ vĩ cầm Karl Amenda, bác sĩ Franz Gerhard Wegeler và một người bạn thân khác sẽ đi cùng ông đến Vienna...
Hoàng thân Maximilian Franz ngay lập tức nhận ra tài năng thiên bẩm của Beethoven. Vì thế vào năm 1787, ông tiến cử Beethoven đến gặp Mozart tại Vienna(2), kinh đô văn hóa và nghệ thuật của cả châu Âu để mở rộng kiến thức âm nhạc. Cho đến nay, cuộc trò chuyện giữa Beethoven và Mozart vẫn còn nhiều bí mật chưa được hé mở, nhưng người ta kể lại rằng, sau buổi nói chuyện ấy, Mozart đã phải thốt lên: "Mọi người đừng quên cái tên này - rồi đây người ta sẽ còn phải nhắc đến nó nhiều!".
(2) Vienna - Thủ đô Austria (Áo), Di sản Văn hóa Thế giới, được UNESCO công nhận năm 2001.
Ở Vienna chưa được bao lâu thì Beethoven phải gấp rút quay về Bonn khi nhận được tin Magdalena Keverich van Beethoven, mẹ ông, đang hấp hối. Bà qua đời sau đó, vào ngày 17 tháng 7 năm 1787.
Năm năm sau, Beethoven quay trở lại Vienna. Ở đây ông lại được một hoàng thân của triều đình bảo trợ trong hai năm để tiếp tục nâng cao vốn kiến thức về âm nhạc. Kể từ đó, Beethoven không bao giờ quay trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình nữa.
Tại Vienna, theo lời một người bạn tên Waldstein, chàng trai trẻ Beethoven đã theo học Haydn(3), và sau đó là Salieri(4) và nhanh chóng chiếm được sự chú ý của công chúng thành Vienna nhờ tài năng biểu diễn piano điêu luyện và đầy ngẫu hứng của mình. Năm 1794, Beethoven công bố tác phẩm nổi tiếng gồm ba phần viết riêng cho đàn piano. Một năm sau, Beethoven có buổi công diễn đầu tiên ở Vienna, sau đó là một chuyến lưu diễn qua nhiều nơi: Prague (Tiệp Khắc), Dresden, Leizpig và Berlin (Đức) trước khi kết thúc bằng một buổi hòa nhạc tại Budapest (Hungary).
(3) Joseph Haydn (1732-1809): Nhạc sĩ vĩ đại người Áo.
(4) Antonio Salieri (1750-1825): Nhạc sĩ người Ý nhưng sống phần lớn cuộc đời mình tại Áo.
Beethoven có nhiều mối quan hệ ở Vienna. Bất cứ ai thuộc tầng lớp quý tộc và yêu thích âm nhạc đều biết và rất khâm phục nhà soạn nhạc trẻ tuổi này. Họ luôn là những người ủng hộ Beethoven. Đôi khi ông thiếu kiềm chế đối với một vài người trong số họ, nhưng sau đó lại tìm mọi cách để làm lành. Tài năng xuất chúng của Beethoven làm người ta dễ bỏ qua tính khí thất thường và cách cư xử kỳ quặc của ông.
Năm 1800, Beethoven tổ chức một buổi hòa nhạc ở Vienna, trong đó đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của bản giao hưởng đầu tiên. Ngày nay, khi nghe lại tác phẩm này, chúng ta đều thấy nó thật kinh điển và gần gũi với những tác phẩm của Mozart hay Haydn, nhưng khi lần đầu tiên nó được công diễn, người ta lại đánh giá tác phẩm này là kỳ quặc, ngông cuồng và lố lăng. Dù còn rất trẻ, nhưng người nhạc sĩ thiên tài này đã góp phần tạo nên những ranh giới vô hình giữa thị hiếu và tài năng trong âm nhạc.
"Chữ tài liền với chữ tai một vần"
Tài năng của Beethoven bắt đầu phát triển mạnh mẽ thì tai họa ập đến.
Vào khoảng năm 1801, Beethoven nhận ra rằng ông đang mất dần thính lực. Chứng ù tai ngày càng nặng làm ông không thể nghe được những cung bậc tuyệt diệu do chính mình viết nên. Ông sống khép kín, cáu bẳn và lảng tránh mọi cuộc giao tiếp.
Cũng trong thời gian này, ở trời Đông xuất hiện một đại thi hào có tên là Nguyễn Du (1765 - 1820), hiệu là Tố Như, với bộ Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát trong đó có câu "Chữ tài liền với chữ tai một vần". Đây là một ứng nghiệm trong mối liên kết Đông - Tây hay chỉ là một sự tình cờ của tạo hóa?
Năm 1802, chứng điếc trở thành cấp tính và chuyển biến ngày một nặng hơn. Thất vọng, đau khổ và luôn mang trong đầu ý định tự tử, Beethoven rời Vienna đến sống tại một thị trấn nhỏ có tên Heiligenstadt, nơi mà sau đó ông viết một "bản chúc thư" nổi tiếng (Heiligenstadt Testament) cho hai em trai, những người ông luôn cho rằng mình phải có trách nhiệm quan tâm chăm sóc.
Trong sự tức giận trước những bất công mà ông phải gánh chịu, ông viết rằng: "Đối với tôi, một nhạc sĩ, việc bị điếc là một đòn chí mạng. Nhưng âm nhạc đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi biết rằng thế giới âm nhạc vẫn còn vô số điều để tôi khám phá...".
Việc mất thính lực dù vậy không ảnh hưởng đến khả năng sáng tác nhạc của Beethoven. Nó chỉ làm cho các buổi hòa nhạc, vốn mang lại nguồn thu nhập chính cho ông, gặp muôn vàn khó khăn. Hơn một lần ông đã loay hoay quay vòng trên sân khấu vì không định hướng được những lời khen tặng của khán giả xuất phát từ đâu để cúi chào cảm ơn họ.
Tuy nhiên, hậu quả của việc mất thính lực là sự ra đời của một kỷ lục độc nhất vô nhị trong lịch sử được bảo tồn cho tới tận ngày nay: Beethoven đọc các sách bàn về âm nhạc và các vấn đề khác, sau đó cho chúng "thẩm thấu" vào trí não của mình để sáng tác ra các bản giao hưởng bất hủ. Ngày nay, chính những cuốn sách bàn luận về âm nhạc này là cơ sở để các nhà khoa học nghiên cứu xem làm thế nào Beethoven có thể biết được một bản nhạc do ông sáng tác phải được trình diễn ra sao, sự khăng khít giữa ông và âm nhạc sâu xa đến mức nào, ...
Vào ngày 7 tháng 4 năm 1805, bản giao hưởng Eroica được biểu diễn trước công chúng lần đầu tiên. Cũng trong năm này, Beethoven hoàn tất vở nhạc kịch duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của mình, vở Leonore, được ra mắt công chúng ngày 20 tháng 11 năm 1805.
Trong những năm sau đó, sức sáng tạo của Beethoven ngày càng bùng nổ hơn. Ông hoàn thành nhiều bản giao hưởng, trong số đó có các tác phẩm như Pastoral, Khúc mở đầu Coriolan và đặc biệt là kiệt tác Thư cho Elise. Ông nhận dạy rất nhiều học trò, thậm chí còn yêu một vài người trong số họ. Tổng Giám mục Rudolph, anh trai của đức vua, cũng là một trong số các học trò của ông, ngoài ra còn là người bạn thân thiết và là mạnh thường quân tích cực nhất của Beethoven.
Năm 1809, Beethoven có ý muốn đi khỏi Vienna theo lời mời của Jérome Bonaparte nhưng một người bạn lâu năm của ông, nữ Bá tước Anna Marie Erdody, với sự trợ giúp của những người hâm mộ giàu có nhất của Beethoven như Tổng giám mục Rudolph, Hoàng thân Lobkowitz và Hoàng thân Kinsky, đã tiếp tục lưu giữ ông tại Vienna. Họ chu cấp cho Beethoven một khoản tiền 4.000 flo-rin một năm. Số tiền này giúp ông không phải lo nghĩ gì về tài chính gia đình. Ngược lại, điều kiện duy nhất của khoản trợ cấp này là Beethoven không được rời khỏi Vienna.
Khoản tiền trên như một hợp đồng biến Beethoven trở thành nhà soạn nhạc độc lập đầu tiên vì trước đó, ngay cả Bach, Mozart và Haydn đều chỉ là bầy tôi của các gia đình quý tộc. Họ không có quyền lợi gì khác so với những tôi tớ khác trong khi phải kiêm thêm nhiệm vụ sáng tác và biểu diễn. Vì thế, với tư cách là nhà soạn nhạc hàng đầu lúc bấy giờ, Beethoven đã có được một điều kiện vô cùng thuận lợi: ông được quyền tùy ý và tự do sáng tác, sáng tác bất cứ khi nào thấy thoải mái.
Năm 1811, sau một cố gắng thất bại trong việc trình bày bản Concerto số 5 dành cho piano (Emperor), Beethoven không bao giờ trình diễn trước công chúng một lần nào nữa.
Năm 1812, Beethoven đi Teplitz để chữa bệnh bằng phương pháp thủy liệu. Chính tại nơi đây ông đã viết một lá thư nồng cháy cho "Tình yêu bất diệt" của mình. Lá thư này được tìm thấy trong một ngăn kéo bí mật cùng với bản chúc thư Heiligenstadt nổi tiếng, đã khơi nguồn cho vô số những giả thiết về người nhận của nó. Rất nhiều phụ nữ trong số những học trò và bạn bè của Beethoven đã lần lượt được người đời sau phỏng đoán là đối tượng của lá thư này. Trừ phi có một tư liệu mới xác thực hơn được tìm thấy, dường như sự thật về cuộc sống tình cảm của Beethoven sẽ mãi mãi là một điều bí mật.
Cuối tháng 7 năm 1812, Beethoven gặp Goethe(5) qua sự sắp đặt của Bettina Brentano. Hai con người vĩ đại này tuy rất khâm phục nhau, nhưng lại không hiểu nhau nhiều. Nhà soạn nhạc thấy thi sĩ nọ quá ư lệ thuộc, còn nhà thơ thì cho rằng Beethoven là một con người "hoàn toàn không biết kiềm chế". Với lòng ngưỡng mộ, Beethoven đã phổ nhạc vài bài thơ của Goethe và tiếc rằng "Goethe đã không hiểu rõ tôi hơn".
(5) Goethe (1749 - 1832): Đại thi hào người Đức.
Sau đó, các mạnh thường quân của Beethoven, người rơi vào cảnh khó khăn về tài chính, người thì qua đời. Những người kế vị Hoàng thân Kinsky quyết định chấm dứt hợp đồng tài trợ cho Beethoven. Đây là điểm khởi đầu cho một quãng thời gian rất khó khăn của Beethoven.
Một nhà phát minh thiên tài người Cezch tên là Nepomuk Maelzel đã tình cờ quen biết Beethoven. Ông chính là người đã giúp đỡ Beethoven rất nhiều với việc sáng chế ra những thiết bị trợ thính đặc biệt. Nhờ những phát minh này mà Beethoven có thể sáng tác một cách dễ dàng hơn.
Năm 1813, Beethoven viết "Chiến thắng Wellington", một tác phẩm dành riêng cho một nhạc cụ cơ khí được Maezel phát minh: cây kèn "panharmonica". Nhưng chính chiếc máy nhịp mới là cầu nối giữa Beethoven và âm nhạc. Beethoven rất quan tâm đến chiếc máy này, và đã ghi chép rất kỹ lưỡng trên các bản tổng phổ của mình để các nhạc công có thể chơi nhạc theo đúng ý ông.
Vào ngày 15 tháng 11 năm 1815, Kaspar Karl - em trai của Beethoven - qua đời bỏ lại người vợ và đứa con trai mới 9 tuổi cũng tên Karl. Đây là lúc cuộc đời của Beethoven thay đổi theo chiều hướng bi kịch. Em trai ông di chúc lại rằng ông muốn cả Beethoven và vợ cùng có quyền giám hộ đối với Karl. Beethoven xem đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhưng một người đàn ông 45 tuổi độc thân và mắc bệnh điếc làm sao có thể sống hòa hợp với một chú nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn? Rất nhiều rắc rối đã phát sinh từ đây.
Năm 1816, Carl Czerny (thầy giáo tương lai của Franz Liszt(6) và từng là học trò của Beethoven) trở thành thầy dạy nhạc cho Karl, nhưng ông không tài nào tìm thấy chút tài năng nào ở cậu bé mà Beethoven đặt rất nhiều kỳ vọng này. Đây cũng là thời điểm mà Beethoven không còn viết thư cho "người tình bất tử" của ông nữa, và bắt đầu chuẩn bị sáng tác bản giao hưởng số 9.
(6) Franz Liszt: Nhà soạn nhạc tài hoa người Hungary, tác giả của bản 'Hành khúc Hungary' nổi tiếng.
Bản giao hưởng số 9(7) ra mắt công chúng vào ngày 7 tháng 5 năm 1824. Tuy buổi diễn ra mắt không mấy thành công, nhưng nó vẫn gây được tiếng vang lớn dù không giúp đỡ Beethoven bao nhiêu về mặt doanh thu. Những vấn đề về tài chính luôn chi phối nhạc sĩ, cản trở con đường sáng tạo của ông.
(7) Đây được xem là một trong những bản giao hưởng hay nhất mọi thời đại.
Vào năm 1826, Beethoven bị nhiễm lạnh khi đang trên đường từ nhà người em trai trở về. Ông lâm trọng bệnh và ra đi trong vòng tay của bè bạn vào ngày 26 tháng 3 năm 1827 trong một cơn bão lớn. Đất trời tối tăm như than khóc cho một tài năng xuất chúng vừa vĩnh viễn ra đi.
Khoảng 30.000 người đã đến tham dự tang lễ của Beethoven. Franz Schubert(8), một con người rụt rè nhưng rất ngưỡng mộ Beethoven dù hai người chưa bao giờ tiếp xúc với nhau, đã cùng với nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng khác khiêng quan tài của ông đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Schubert qua đời một năm sau đó và được chôn cất bên cạnh Beethoven.
(8) Franz Schubert: Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo, cùng thời với Mozart và Beethoven.
Sự thật về cuộc đời của Beethoven được bao phủ bởi rất nhiều huyền thoại, và bản thân ông đã là một huyền thoại. Beethoven như một ngôi sao rực rỡ trên bầu trời của nền âm nhạc giao hưởng thế giới, một ngôi sao mà độ chói sáng của nó vẫn còn lan tỏa mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay. Dù bị mất cả thính lực, nhưng bằng một nghị lực phi thường, một tài năng thiên phú và một tình yêu âm nhạc vô bờ bến, Beethoven đã để lại cho đời những tuyệt phẩm sống mãi với thời gian.