STEPHEN WILLIAM HAWKING
Stephen WilliamHawking.
Vũ trụ ra đời từ đâu? Nó bắt đầu như thế nào và tại sao lại như vậy? Nó có kết thúc không, và nếu có, nó sẽ kết thúc như thế nào?". Đó là những câu hỏi luôn ám ảnh và chi phối cả cuộc đời của nhà khoa học nổi tiếng trên chiếc xe lăn - Stephen Hawking.
Gần đây, khi nói đến Stephen Hawking, người ta nghĩ ngay tới A Brief History of Time (Lược sử Thời gian - 1988) và The Universe in a Nutshell (Cái vô hạn trong lòng bàn tay - 2001) của ông, hai quyển sách được xếp vào hàng bán chạy nhất mọi thời đại, đã được dịch ra tất cả các ngôn ngữ chính trên thế giới(9).
(9) Chỉ riêng A Brief History of Time đã bán được hơn 9 triệu bản bằng 40 thứ tiếng, tính đến năm 2001.
Nhưng sự nổi tiếng thực sự của Stephen Hawking không nằm ở hai quyển sách này mà nó hình thành từ những tư tưởng đột phá và sáng tạo của một nhà khoa học gần như toàn thân bất toại (trừ bộ não), cũng là nhà vật lý lý thuyết hàng đầu thế giới với những công bố khoa học có thể làm đảo lộn mọi nền triết học của nhân loại.
Quả vậy, ông được biết đến nhờ những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý lượng tử; đặc biệt là những công trình nghiên cứu và các lý thuyết về vũ trụ học, thiên văn học, Big Bang và lỗ đen vũ trụ (black holes) vốn được toàn thế giới công nhận và kính phục... Mặc dù bị liệt cả tay và chân do tổn thương dây thần kinh vận động, nhưng ông vẫn rất thành công trong cuộc sống và sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới:
1975: Huân chương Eddington
1976: Huân chương Hughes của Hội Khoa học Hoàng gia (Anh)
1979: Huân chương Albert Einstein
1982: Huân chương Đế chế Anh (Commander)
1985: Huân chương Hội Thiên văn Hoàng gia Anh quốc
1986: Thành viên Viện Nghiên cứu Khoa học Vatican
1988: Giải thưởng Wolf về Vật lý
1989: Giải thưởng Prince of Asturias - Concord
1989: Huân chương Danh dự (Companion of Honour)
1999: Giải thưởng Julius Edgar Lilienfeld của Hiệp hội Vật lý Mỹ
2003: Giải thưởng Michelson Morley của Đại học Case Western Reserve
2006: Huân chương Copley của Hội Khoa học Hoàng gia Anh quốc.
Tuổi trẻ của nhà khoa học
Stephen Hawking sinh ngày 8 tháng 1 năm 1942 tại Oxford, Anh, trong Thế chiến thứ hai, đúng 300 năm sau ngày mất của nhà thiên văn Galileo. Cha ông, Frank Hawking là một nhà nghiên cứu sinh vật học rất có triển vọng lúc bấy giờ. Ông có hai người em gái và một người em trai nuôi.
Năm 1950, Hawking và gia đình chuyển đến sinh sống tại St. Albans, Hertfordshire. Năm 11 tuổi, ông theo học trường St. Albans. Năm 16 tuổi, ông cùng vài người bạn đã sáng chế ra chiếc máy tính được xem là một trong những tiền thân của máy vi tính ngày nay. Ông rất thích các môn khoa học tự nhiên nhưng đặc biệt "ghét" y học và sinh học vì cho rằng chúng quá chú trọng đến các tiểu tiết và không mang tính chính xác cao. Sau đó ông tiếp tục học toán tại Đại học Oxford nhưng chỉ một năm sau ông chuyển sang nghiên cứu chuyên ngành vật lý.
Ông học hành chăm chỉ và nhận bằng tiến sĩ tại Trinity Hall, Cambridge, nơi ông được mọi người xem là một sinh viên đặc biệt xuất sắc. Giáo sư hướng dẫn môn vật lý của ông, Robert Berman, sau này đã nói với tạp chí New York rằng: "Hawking chỉ cần biết điều gì đó có thể được thực hiện bằng cách nào, và sau đó tự làm lấy mà không cần quan sát bất cứ ai. Cậu ấy không có nhiều sách vở để nghiên cứu, cũng không hề chú ý nghe giảng, nhưng óc tư duy của cậu ấy hoàn toàn khác biệt với những sinh viên cùng trang lứa...".
Hawking được bạn bè ngưỡng mộ nhưng cách thức học tập của ông lại không gây ấn tượng tốt với hội đồng giáo viên. Một lần điểm bài thi cuối kỳ của ông nằm ở ranh giới giữa hạng nhất và hạng nhì nên ông phải thi tiếp phần vấn đáp để xác định thứ hạng. Berman nói về kỳ thi vấn đáp này như sau: "Tất nhiên các vị giám khảo đủ sáng suốt để nhận ra rằng họ đang nói chuyện với một người thông minh vượt trội so với hầu hết các sinh viên khác trong trường...".
Sau khi nhận bằng cử nhân hạng ưu Đại học Oxford vào năm 1962, ông ở lại trường để học ngành thiên văn, nhưng rồi lại quyết định bỏ dở nửa chừng khi nhận ra rằng nghiên cứu về những vệt đen trên mặt trời - vốn hoàn toàn có thể tiếp cận nhờ các đài quan sát được trang bị đầy đủ - không lôi cuốn ông bằng việc nghiên cứu lý thuyết vật lý. Ông rời Oxford để đến Cambridge.
Tai họa
Đến Cambridge, ông vừa học môn Vũ trụ học vừa tham gia giảng dạy toán và là người đầu tiên tiến hành nghiên cứu các lỗ đen dựa trên các định luật chi phối vũ trụ.
Năm 21 tuổi, ông bắt đầu cảm nhận những triệu chứng đầu tiên gây ra bởi chứng xơ cứng cơ vùng bên mà y học gọi là bệnh ALS, một loại bệnh về thần kinh vận động. Các bác sĩ nói rằng bệnh này sẽ tác động vào các tế bào thần kinh ở não, làm liệt dây thanh, suy yếu cơ và mất khả năng nói. Tồi tệ hơn, sự suy thoái của dây thần kinh điều khiển cuối cùng sẽ làm người bệnh tử vong. Tin này ban đầu làm Hawking hết sức đau buồn và chỉ muốn buông xuôi cho số phận. Nhưng rồi Hawking đã không tin vào điều đó, ông cố gắng vượt qua và sống lâu hơn hầu hết những người mắc chứng ALS.
Khi còn đi học, ông là một người thường xuyên tập thể thao, rất thích cưỡi ngựa và chơi đùa cùng bạn bè. Ở Oxford, ông là chỉ huy của một đội đua thuyền, một hoạt động mà theo lời ông là để làm giảm bớt sự buồn chán ở trường đại học. Triệu chứng bệnh chỉ xuất hiện khi ông vào trường Cambridge. Ông thường xuyên bị mất thăng bằng, té cầu thang... Lo mình bị mất khả năng tư duy, ông tham dự kỳ thi quốc tế Mensa để kiểm tra lại khả năng tư duy của mình. May mắn thay, tài năng thiên bẩm của ông vẫn còn nguyên đó.
Trong hai năm học ở Cambridge, ông ít gây ấn tượng hơn so với quãng thời gian học tại Oxford. Nhưng khi bệnh tình thuyên giảm, nhờ sự giúp đỡ của giáo sư hướng dẫn - Tiến sĩ Dennis William Siama - ông tiếp tục học và lấy bằng tiến sĩ.
Ông dần mất khả năng sử dụng tay, chân, khả năng phát âm, và sau đó thì hoàn toàn bị tê liệt. Hệ thống máy tính gắn kèm trên xe lăn của Hawking được điều khiển thông qua một bộ phận hồng ngoại cảm ứng chớp mắt gắn trên mắt kính của ông. Chỉ với động tác nheo mắt phải lại, ông có thể nói chuyện, soạn diễn văn, nghiên cứu sách vở, lướt web và viết e-mail. Hệ thống máy tính này cũng sử dụng nguyên lý chuyển giao sóng vô tuyến để điều khiển những cánh cửa ở nhà và văn phòng của ông.
Ông sử dụng một dụng cụ phát âm chạy điện để giao tiếp với mọi người sau khi phẫu thuật mở khí quản vào năm 1985. Dụng cụ này phát âm theo giọng Mỹ và đã không còn được sản xuất nữa. Khi được hỏi tại sao ông vẫn còn giữ nó sau nhiều năm, Hawking nói rằng ông vẫn không tìm được giọng nói nào hay hơn, và vì ông đã quen với nó. Sau một buổi diễn thuyết vào tháng 6 năm 2006 ở Hồng Kông, ông nói đùa rằng nếu ông có một máy phát âm mới theo giọng Pháp thì vợ ông sẽ ly dị ông.
Một con người hóm hỉnh - lạc quan
Hawking nói rằng bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời ông xảy ra vào năm 1965, khi ông kết hôn với Jane Wilde - một sinh viên khoa ngôn ngữ học.
Khi về sống với nhau, Stephen và Jane không hề nhận được sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, ngoại trừ những sinh viên học môn vật lý. Những người này giúp ông chỉ vì muốn được ông đặc biệt chú ý đến đề án của mình. Khi bệnh tình nghiêm trọng hơn, ông cần cả một đội y tá để săn sóc ông mọi lúc mọi nơi (Hawking không thể tự thay quần áo). Ông cũng cần có một chiếc xe lăn để đi lại, để khỏi nghĩ quẩn về sự tàn tật của mình.
Năm 1985, khi viết xong bản thảo đầu tiên của quyển A Brief History of Time, Hawking phải trải qua một cuộc phẫu thuật mở khí quản và bất hạnh thay, ông mất cả khả năng phát âm và do đó hầu như không còn khả năng giao tiếp nữa. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, đặc biệt là Brian Whitt, một sinh viên của Hawking, ông đã hoàn thành cuốn sách và thậm chí còn hài lòng về chính mình hơn so với trước đó. Ông viết: "Tôi nghĩ sẽ không thể hoàn thành cuốn sách này. Nhưng Brian không chỉ giúp tôi sửa bản thảo mà còn giúp tôi sử dụng chương trình giao tiếp Living Center do Walt Woltosz của Tập đoàn World Plus, California trao tặng tôi. Nhờ chương trình này, tôi vừa có thể viết sách báo, vừa giao tiếp với mọi người qua máy tổng hợp tiếng nói do Speech Plus, cũng ở California trao tặng. Máy tổng hợp tiếng nói này cùng với một máy vi tính được David Manson lắp ngay trên chiếc xe lăn của tôi. Hệ thống này đã làm nên một điều kỳ diệu: thực tế giờ đây tôi còn giao tiếp tốt hơn so với trước kia, khi tôi chưa bị mất tiếng nói".
Mặc dù bị bệnh nhưng ông vẫn cho mình là "người may mắn". Chứng bệnh này phát triển khá chậm, nên nó đã cho ông thời gian để tiếp tục nghiên cứu và có một gia đình "hấp dẫn", theo lời ông nói. Vợ ông chăm sóc ông đến tận năm 1991 thì hai người ly hôn vì sức ép của sự nổi tiếng và bệnh tật. Ông và y tá của mình, Elaine Mason, đã kết hôn vào năm 1995.
Hawking cũng nổi tiếng là người hóm hỉnh. Sự hóm hỉnh của ông vừa giúp người ta thấy thoải mái, đồng thời giúp họ hiểu được những vấn đề phức tạp mà ông nghiên cứu. Trong lời tri ân khi lần đầu tiên xuất bản cuốn A Brief History of Time, Hawking viết: "Có người nào đó nói với tôi rằng, mỗi một phương trình tôi đưa vào cuốn sách sẽ làm giảm số lượng bán đi một nửa. Do đó, tôi quyết định sẽ không dùng đến một phương trình nào. Tuy nhiên, rốt cuộc tôi đành phải đưa vào một phương trình, đó là phương trình nổi tiếng của Einstein E = mc2. Tôi hy vọng nó sẽ không làm cho các độc giả tiềm năng của tôi phải hoảng sợ".
Hawking cũng là người rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Gần đây, ông đã gây xôn xao dư luận khi phát biểu rằng việc di dân đến những hành tinh khác, kể cả mặt trăng, là cần thiết để đảm bảo quá trình tiến hóa của loài người. Vào tháng 6 năm 2006, ông đã có một bài phát biểu ở Trung Quốc. Trong bài phát biểu này, ông nói rằng loài người đang nung nóng bầu khí quyển và vô tình đem hành tinh này đến gần hơn với "những người láng giềng đã chết" của chúng ta như sao Hỏa, sao Kim Ông luôn đưa ra những cảnh báo về sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường Trái đất và đề xuất nhiều biện pháp rất khả thi nhằm khắc phục tình trạng này.
Thay cho đoạn kết
Năm 2001, nhân dịp sang Bombay, Ấn Độ dự Hội nghị Khoa học String, trước đông đảo sinh viên, Hawking đã nói rằng chính căn bệnh chết người mà ông phải chịu đựng bấy lâu nay đã cho ông thêm lý do để sống trên đời. Ông nói: "Vì không có nhiều thời gian để sống nên tôi muốn làm việc nhiều hơn nữa. Tôi ý thức được cuộc sống là quý giá...".
Để tạm kết thúc câu chuyện về Stephen Hawking, chúng ta hãy đọc một đoạn trích từ bài viết của phóng viên Đoan Trang trên AP vào năm 2001:
"Giờ đây, ở tuổi 59, tác giả cuốn sách "Lược sử thời gian" nổi tiếng vẫn ngồi đó, trên chiếc xe lăn được trang bị máy tính và thiết bị điện tử tạo âm thanh. Bị liệt, ông phải sử dụng sức mạnh ở đầu ngón tay chọn từng chữ trên màn hình, ghép lại thành câu. Sau đó, những câu này sẽ được thiết bị điện tử chuyển hóa thành âm. Người ta không hiểu sức mạnh nào đã giúp cho Hawking sống qua chừng ấy năm, không ngừng nghiên cứu, để rồi trở thành nhà bác học vĩ đại của thế giới. Công trình nghiên cứu bức xạ của lỗ đen của ông được giới khoa học hết sức khen ngợi và đánh giá cao. Ông đã được trao 12 bằng danh dự, rất nhiều giải thưởng, huân chương, là thành viên của Hội đồng Hoàng gia Anh và Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ. Hiện tại, Hawking đang giữ một chức vụ quan trọng ở Đại học Cambridge. Hawking cho biết: "Trước khi mắc bệnh, tôi là một người chậm chạp và hay chán đời". Bước vào tuổi thanh xuân, cái tin mình bị bệnh đã khiến ông "chẳng còn thiết gì nữa". Nhưng giờ đây ông lại tin rằng mình đang "hạnh phúc hơn bất kỳ lúc nào trong thời gian 20 năm không bệnh tật".
Hawking cho biết người ta thường xuyên hỏi ông: "Ông cảm thấy thế nào về căn bệnh của mình?". Câu trả lời của nhà bác học là: "Không có gì nhiều. Tôi cố gắng sống càng bình thường càng tốt, không nghĩ về hoàn cảnh của mình, không nuối tiếc những việc mà bệnh tật đã khiến tôi không thể làm được". Hawking khẳng định: "Rõ ràng có nhiều người còn khổ hơn tôi... Mỗi khi sắp sửa có ý than thân trách phận, tôi lại nghĩ đến điều đó".
Có người hỏi "Ông sẽ làm gì nếu không bị liệt?", Hawking đáp: "Tôi từng nghĩ mình sẽ trở thành một chính trị gia". Ông còn nói đã từng mong ước được làm thủ tướng Anh. "Nhưng sau khi suy nghĩ, tôi cảm thấy công việc của tôi chắc chắn sẽ lâu dài hơn so với công việc của một vị thủ tướng".
"Con người không bao giờ được để mất hy vọng"- đó là những gì nhà bác học Anh vĩ đại đã viết trên Website của mình.
Những câu nói nổi tiếng của Stephen Hawking
"Mục đích của tôi rất đơn giản, đó là tìm hiểu cặn kẽ về vũ trụ. Tôi muốn tìm hiểu xem tại sao nó lại như vậy, và tại sao nó tồn tại."
"Chúng ta chỉ là một dạng khỉ tiến hóa, sống trên một hành tinh nhỏ bé trong một vũ trụ bao la, nhưng chúng ta lại hiểu được nhiều điều về vũ trụ. Điều này làm chúng ta trở nên vô cùng đặc biệt."