Bố mẹ làm lễ hỏi vợ cho Khương khi anh đang phải vắng mặt vì công việc khẩn. Ngày cưới vợ, cũng vì công việc cần kíp nên chú rể không thể có mặt đúng lúc ở nhà. Mọi việc hôn lễ vẫn được diễn ra suôn sẻ. Hai bên gia đình đã biết nhau. Quan trọng là hai người vì chính họ là duyên mối cho hai bên thông gia với nhau.
Cô dâu yên tâm về nhà chồng khi không có chồng đi bên cạnh.
Pháo vẫn nổ, tơ hồng vẫn giăng, gia đình, hàng xóm vui vẻ thay mặt người chiến sĩ Công an trẻ tên là Khương đón cô dâu trẻ tên là Mơ về gia đình nhà trai giúp anh.
Mơ đã biết Khương và cảm Khương từ ngày hai đứa còn đi học trường làng. Gái tóc rễ tre lũn cũn, nhí nhảnh. Trai quần cộc, áo may ô, tồ tề. “Khương ơi”, “Mơ này” là lời họ hay gọi nhau. Chỉ vậy thôi. Là lạ trong quen quen. Mên mến rồi thương thương. Học trò đã thích nhau rồi thì chỉ lúc nào nhìn thấy nhau mới đỡ nhớ. Bạn bè trêu, nhiều lúc nắm tay nhau giăng hàng ngang, đồng thanh hô toáng lên:
“Mơ Khương - Khương Mơ, chông vợ hài là hai vợ chồng!”
“Khương Mơ - Mơ Khương, chông vợ hài là hai vợ chồng!”
“Mơ Khương! Mơ Khương, chông vợ hài là hai vợ chồng!”
Mới đầu hai người sợ, cứ nghe tiếng trêu là mặt đỏ rựng lên rồi bỏ chạy nấp vào chỗ kín. Sau đó quen dần nên kệ cho bạn bè hò hét. Nhưng với hai người thì lúc đó lại có một cái gì đó ngượng ngượng, khó nói. Họ cứ thấy xấu hổ khi gặp nhau. Nhưng động vắng nhau một tí là lại đảo mắt tìm…
Có một lần…
Hôm ấy mưa!
Mưa to ào ạt nối rền đêm đến sáng. Đường đến lớp đi qua một chỗ lội thật dài. Nơi này đường trũng. Lụt đến bất ngờ sau hàng mấy tiếng đồng hồ vần vũ trút nước từ trời xuống. Hai người nhìn mặt nước lạnh băng cản đường trước mắt mà sợ.
Thoáng lo lắng rồi Khương chợt nói:
Mơ đợi Khương nhé!
Khương đi đâu? Khương chắc chắn: Có cách rồi! Khương chạy vút đi. Mơ ngơ ngác nhìn theo.
Khương đang cắm đầu cắm cổ thun thút lao về phía nhà mình. Nhà có cái thúng sơn nhỏ. Anh chợt nhớ ra chỗ để dẫu lâu lắm chưa dùng đến. Cái thúng sơn này mẹ thường dùng đi hái rau muống đám ruộng lầy. Anh đã vội vã lấy ra đội lên đầu rồi nhanh chóng chạy đến chỗ lụt. Mơ vẫn đứng co ro bên bờ nước đợi, mắt sáng lên khi thấy bạn trai trở lại.
Khương nói với bạn gái:
Mơ ngồi vào đi. Mình cho hết sách vở quần áo lên thúng nhờ Mơ cầm giúp rồi Khương sẽ lội nước đẩy thúng sang bên kia cho kịp giờ học.
Mơ lắc đầu:
Không được đâu. Thúng nhỏ thế này mình leo lên nhỡ chìm thì sao? Khương lại lội ướt nữa lấy quần áo đâu đến lớp?
Khương cười:
Mình có cách rồi. Nếu nặng quá thì lấy hai tay đỡ thúng lên. Còn quần áo, có lội hết đâu mà sợ ướt.
Khương đã kiếm được mảnh bao tải rộng rồi ý tứ tìm vào chỗ khuất thay quần áo. Anh cởi vội quần dài rồi cuốn nhanh quanh cổ. Thế vào đó là mảnh bao tải cuốn quanh mình. Chiếc áo buộc lên đầu như kiểu chít khăn. Anh thấy ngại nên không dám nhờ chị cầm quần áo hộ như lúc trước đã định.
Khương cười gượng nói với Mơ:
Mơ chỉ cầm giúp mình cái túi sách này rồi ngồi lên đây mình đẩy sang bên kia cho…
Còn quần áo?
Thôi…
Mơ vẫn ngài ngại khi nhìn vào cái thúng nhỏ. Khương phải giục nhiều lần chị mới dám nhè nhẹ leo vào cái vật sẽ chở qua chỗ lụt. Khương lội, nước ngập kín ngực, phải kiễng chân đẩy thúng sơn qua chỗ sâu. Trên thúng sơn Mơ ngồi co ro ôm hai cái túi đựng sách mắt nhớn nhác. Bất ngờ gặp chỗ nước chảy xiết chiếc thúng chao mạnh bật khỏi tay anh lảo đảo, tròng trành rồi lật úp. Khương hốt hoảng lao theo. Anh ngụp lặn trong chỗ nước chảy. Mãi sau Khương mới trông thấy mái tóc đen của Mơ chấp chới trên sóng. Anh rướn người lên rồi xoải tay bơi mạnh. Khương đã kịp nắm được mái tóc Mơ kéo lên. Hú vía, vừa lúc chân anh chạm đất. Khương biết đã tới chỗ nông, mừng quá anh reo lên:
- Thoát rồi.
Mơ cảm động ứa nước mắt:
Mơ cảm ơn Khương! Khương cười gượng:
Bạn mà!
Khương lên bờ đi…
Mình…
Khương lúng túng trong nước. Anh đứng mãi đứng mãi nhưng miệng cứ ấp a ấp úng như muốn nói ra điều gì đó. Mãi sau Khương mới bật ra được câu:
- Mơ ơi… tôi… tôi…
Mơ lắc lắc đầu nghĩ ngợi, mắt đăm đăm nhìn đôi bàn tay Khương xòa xòa ngang nước như muốn che giấu cái gì, định hỏi rồi vội quay mặt đi…
-…
Khương lúng túng:
Tôi tôi… -…
Mơ ơi… tôi, tôi vùng vẫy mạnh quá…
Ối…
Mơ hiểu ra chuyện vội lấy hai tay ôm mặt. Tuổi con gái mới lớn, chạm phải điều này thấy ran ran đôi bầu má đang còn ướt vì xấu hổ. Sự nhạy cảm của người khác giới đã khiến Mơ nhận ra việc tế nhị này…
Hôm ấy cả hai đứa phải bỏ buổi học vì sự cố trẻ con này.
Câu chuyện buồn cười, ngượng đến chín mặt nhưng nhớ mãi. Mơ đã phải đầu tóc, quần áo ướt lướt thướt chạy nhanh về nhà Khương nói líu ríu câu gì đó với mẹ anh. Lát sau cô ôm mớ quần áo khô của Khương chạy vội ra chỗ lội ban nãy. Anh vẫn đang phải ngâm mình trong nước. Mơ ra hiệu cho Khương biết khi đặt mớ quần áo lên bụi duối rồi chạy tít ra tận búi tre đằng xa, quay đi hướng khác. Chưa yên tâm Mơ còn lấy hai tay bịt chặt đôi mắt mình lại.
Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Chả là vì vội cứu bạn, lại vùng vẫy mạnh trong nước nên mảnh bao tải bung khỏi Khương lúc nào không biết. Cả chiếc quần quấn quanh cổ nữa. Khương không dám lên cạn là bởi anh đang như nhộng trong nước. May mà màu nước lụt đùng đục nên không soi thấu đáy. Anh phải ngâm mình trầm mình dưới nước đợi Mơ về nhà lấy giúp quần áo là vì thế…
Sau chuyện ấy Khương bị cảm và lên cơn kinh giật bố mẹ phải đưa lên phố chữa bệnh. Nghe tin Mơ vội đến thăm nhưng không được gặp, về nhà khóc dấm dứt đến mấy ngày. Cô đòi được đi chăm nom Khương nhưng bố mẹ không cho. Gia đình càng giữ ý Mơ càng thấy nặng tình hơn. Tuổi chớm lớn, chớm yêu cái xao động ban đầu thường day dứt lắm. Lúc bận bịu thì thôi còn cứ hễ nhớ đến Khương là mắt Mơ lại thấy cay cay…
Chữa bệnh khỏi được ít lâu, Khương được gia đình gửi ăn học luôn ngoài phố. Chỗ anh thuê trọ học cũng là chỗ anh lưu lại ở nhờ và chữa bệnh lúc trước. Mơ nghe tin này thấy rã rời hết chân tay. Cô lân la muốn ra phố thăm anh và hỏi chuyện nhưng gia đình vẫn không cho đi.
Bố cô bảo:
Ai lại làm ngược thế bao giờ. Mẹ thì an ủi:
Mẹ biết hai đứa quý nhau. Nhưng nó đi rồi nó lại về chứ có đi mãi đâu mà phải thăm nom. Bố con nói phải đấy!
Vâng…
Mơ vâng lấy lệ. Cha mẹ dạy con theo lẽ chung. Con cái lại có cái lẽ riêng mình để nghĩ, để sống.
Tuy xa nhau nhưng tình cảm hai người lại càng gần nhau hơn. Không tháng nào là Khương không có thư cho Mơ. Thư anh thường gửi tay theo người làng ra phố buôn bán rồi mang về giùm. Thư nào Khương cũng viết: “Lúc nào tôi cũng nghĩ đến Mơ, không biết Mơ…? ”. Nhận thư Mơ chỉ biết cười tủm một mình. Chả nhẽ mình có, người ta lại không. Con trai gì được ra học tận phố rồi mà hỏi “dốt” thế. Mơ đâu có hay tình yêu lứa đôi mới đầu thường là ngây ngây, khờ khờ vậy đấy, nhất là đối với con trai!
Thời gian trôi lại như bến đợi với Mơ và Khương.
Càng lớn, tình hai người càng lúc càng đậm hơn. Mơ đã thôi học, ở nhà giúp bố mẹ việc nhà. Gái lớn các cụ quan niệm học chữ vừa vừa còn dành lo việc nội trợ để chờ ngày về nhà chồng. Khương vẫn được theo học ngoài phố. Con trai mà. Bố mẹ có điều kiện nên cho anh học đến bao giờ cũng được.
Khương thì luôn ước muốn lúc nào mình cũng được như hồi ở làng đi học cùng Mơ.
Một lần Mơ có việc của gia đình nên được phép ra phố. Mơ lấy trộm của mẹ năm đấu gạo nếp, hai chục trứng gà ri rồi xếp gọn vào cái bị cói. Cô đi xe ngựa ra đường quốc lộ rồi đi ô tô hàng lên phố. Gặp phố cô ngơ ngơ trước người xe qua lại hấp tấp thế nào đâm sầm vào một bà gánh chuối tiêu bán rao. Bà chuối tiêu ngã ngửa người đè lên mẹt chuối chín đang ra màu trứng cuốc. Chuối bị dập gãy nhiều. Còn Mơ bị ngã đè lên cái bị cói. Thế là trứng vỡ. Gạo nếp ướt nhoe nhoét những lòng đỏ lòng trắng của trứng. Cô ngồi bên hè phố ôm mặt khóc sau khi phải đền gần hết số tiền mang theo cho bà hàng chuối mà vẫn bị bà chê là chưa đủ nhưng thương tình… với lời trách:
Đi đứng không nhìn hả cháu? Con gái gì mà hậu đậu.
Mơ ngượng chín mặt:
Cháu xin lỗi bà…
Bà bán chuối nhìn cái bị cói của Mơ lắc đầu:
Mới ra phố hả? Vỡ hết cả trứng rồi đây này? Khổ… cháu đi thăm người thân hả…
Dạ…
Phố chật, người đông. Nhớ đi đứng cho cẩn thận. Mình là con gái nữa. Phải nhìn trước nhìn sau…
Cháu cảm ơn bà…
Này này… bà bảo đã…
Sợ bà bán chuối có thêm chuyện gì, Mơ bước vội, cắm cúi. Bực mình, giận mình cô tấm tức khóc.
Họa vô đơn chí. Vô tình Mơ đang cắm cúi bước đã vấp phải người đang đi ngược lại phía mình. Cô chúi ngã nhưng được ai đó đỡ kịp.
Có tiếng hỏi:
- Làm sao cô khóc?
Tiếng quen quen. Mơ mừng rỡ:
Ơ anh Khương! Khương rối rít:
Mơ! Mơ đi đâu thế này? Mơ lúng túng:
Em…
Nhìn sắc diện của Mơ, Khương lo lắng:
Bị mất gì à?
Không!
Khương thấy Mơ ôm khư khư cái bị cói ngồi thụp xuống lấy làm lạ nhưng không biết hỏi thế nào cho đúng. Mơ thì xấu hổ chẳng dám giãi bày. Rồi tự nhiên Mơ đứng dậy đùng đùng bỏ đi. Khương bước vội theo. Mơ bỗng nhiên vụt chạy. Khương cũng nháo nhào đôi chân…
- Mơ! Mơ!
-…
Tôi hỏi đã!
Không!
Tự dưng Mơ chùng bước, ngã chúi. Khương vươn vội kịp nắm được cánh tay Mơ. Mơ quẫy mạnh tiếp. Khương mất đà chới với. Cùng lúc ấy họ ngã đổ vào nhau. Bị gạo nếp lẫn mấy quả trứng còn lành văng tung tóe tiếp. Người xung quanh xô đến nhìn họ hô hoán…
Ăn cắp! Ăn cắp… Có người xưng xưng:
Cướp hẳn hoi!
Có ai đó nắm chặt cánh tay Khương:
Thằng này. Tôi trông rõ mười mươi. Chính thằng này…
Khương hoảng hốt:
Không không. Tôi… tôi…
Ai đó thét to:
Đưa lên bốt…!
Tôi… tôi…
Các bác giúp một tay không nó trốn mất.
Khương lúng túng giữa vòng người bủa vây. Đã nghe tiếng còi của cảnh sát từ phía xa xa. Mơ bất ngờ lao vào chỗ đám đông đang túm chặt Khương lấy tay rẽ, đẩy họ ra. Chị la to:
Nhầm rồi. Nhầm rồi ạ!
Ơ hay, sao cô?
Mơ năn nỉ:
Tôi nói thật mà!
Nhầm là nhầm thế nào? Chính mắt tôi… Bất ngờ Mơ đanh lời:
Các ông các bà bỏ tay chồng tôi ra! Nhiều người ngạc nhiên:
Chồng cô?
Mơ nói ngay, giọng chắc nịch:
Chả nhẽ tôi nói điêu? Mơ khẽ cười, mặt hiền lại:
Cảm ơn các ông, các bà, các bác! Nhiều người ngơ ngác:
Lạ thật…
Đám đông nhanh chóng tản ra. Mơ đến gần kéo Khương ra, nói to, giọng trách móc như có ý cho mọi người cùng nghe:
Đã nói rồi mà cứ đuổi theo em làm gì. Một người đi thăm bác cũng được hà cớ gì cứ phải đi hai. Anh còn đang bận học kia mà. Thấy chưa? Vỡ hết cả trứng ra rồi lại hỏng hết cả gạo nữa biết lấy quà đâu mà đi thăm bây giờ. Thôi nghe em đi về nhà đã. Để hôm khác ta cùng đi vậy!
Khương bị Mơ cầm tay kéo đi xềnh xệch. Mấy người trên phố rõ chuyện nhìn theo họ nhoẻn cười rồi lắc đầu.
Bà bán chuối lúc ấy chưa đi xa gánh hàng trở lại, nhìn họ cũng lắc lắc đầu cười vui rồi quay ra nói với mọi người:
Khổ thân nhà cô ta. Thì ra đi thăm chồng. Mới đầu tôi nghĩ là chưa có gia đình vì trông còn trẻ quá. Nay thì rõ rồi. Gớm hôm nay ra ngõ gặp gì mà vất vả thế hả cháu?
Thêm một lần nữa Mơ đỏ tím mặt nhưng vẫn ráo hoảnh:
- Vợ chồng con cảm ơn bà…
Về đến chỗ nhà Khương trọ học rồi Mơ mới toét miệng cười:
Hú vía. Tí nữa thì…! Khương cũng hoàn hồn:
Mơ tài ứng biến thật!
Tài cái chết tiệt. Em sửa lỗi của mình đấy…
Chuyện chết cười lại hóa nên duyên nợ. Mơ cho đó là cái số của mình với Khương hay sao ấy. Không thế không có chuyện lằng nhằng giữa hai người một lần nữa trước khi họ chính thức là vợ là chồng của nhau…
Chủ nhà nơi Khương trọ học có cô con gái rất ngoan lại là con duy nhất nên được bố mẹ đặt tên cho là Hiếm. Tên không phải tên chữ, không sợ thánh thần quở nên bố mẹ cô yên tâm. Cũng vì nhà vắng vẻ lại thấy Khương hiền lành, đứng đắn nên ông bà đồng ý cho anh thuê nhà với giá rẻ. Ông bà chủ muốn nhà có thêm người ở lại tiện việc giúp đỡ bảo ban con gái mình học hành nên sau đôi chút suy tính ban đầu họ đã nhận lời cho Khương ở. Vả lại trước đó anh cũng đã từng ở thuê để chữa bệnh nên đôi bên đã ít nhiều có biết nhau.
Chẳng bao lâu sau chuyện lấn thêm lên khi cái tình thân thiết của chủ nhà với người trọ trở nên đằm thắm như người thân thích. Cái này là có từ Khương. Anh chăm chỉ học hành sớm tối lại chuyên cần trong việc bảo ban Hiếm làm bài. Bố mẹ Hiếm quý Khương đã đành. Cô con gái họ cũng mê mẩn thầy giáo Khương tới mức không kìm nén được lòng mình.
Có một hôm tưởng nhà vắng người Hiếm đã mạnh bạo ôm chầm lấy Khương mà thổn thức:
- Thầy ơi, em thương thầy lắm…
Bà chủ nhà vô tình thoáng qua chứng kiến chuyện này khẽ “e hèm” trong họng rồi lặng lẽ bỏ đi.
Tối đó bà nhỏ nhẹ nói với chồng:
Cậu em ạ, tôi thấy nhà mình đang có chuyện gì đấy không ổn! May mà mới bất chợt nhìn thấy. Tôi vẫn lo quá. Suốt từ lúc ấy đến giờ…
Mợ bảo sao? Mà cái gì cơ chứ?
Ô hay, cậu không nghe tôi nói à? Cái con bé Hiếm nhà mình với cái anh giáo ấy…
Ông chủ nhà hốt hoảng:
Mợ nói gì?
Bà chủ nhà thở dài lắc đầu:
Nói gì là nói gì? Người sao mà lơ đãng. Nói là nói chúng nó đã có tình cảm với nhau ấy!
Ông chủ nhà ngồi bật lên:
Thôi chết!
Cũng chưa đến mức chết đâu ông ạ. Nhưng tôi lo, nhỡ ra…
Ông chủ nhà phân trần với vợ:
Bà tính. Tôi cứ nghĩ cái nhà anh giáo ấy nó tốt nết, chăm chỉ, đứng đắn lại học giỏi…
Vẫn vậy, nhưng…
Cũng lúc ấy Khương xuất hiện. Anh bình tĩnh trong lo lắng:
Thưa hai bác, cháu có điều muốn thưa chuyện lên hai bác!
Không dám. Còn gì phải thưa nữa?
Khương lúng túng:
- Dạ, thật tình…
Bà chủ nhà mát mẻ:
Thật tình mà, tôi biết… Khương năn nỉ:
- Xin bác trai cho con thưa lại đầu đuôi.
Ông chủ nhà khẽ cười. Nụ cười đàn ông tỏ bề thông cảm:
- Anh cứ nói. Có bà nhà tôi đây nữa…
Ông chủ nhà tuy cười nhưng giọng lạnh lùng. Đôi mắt ông nhìn người muốn thưa chuyện có ngụ ý là đã biết rồi. Khương lặng lặng chốc lát trước hai người lớn tuổi rồi thưa:
Cảm ơn hai bác đã cho cháu tá túc tại tư gia những ngày ra đây chữa bệnh rồi theo học. Nay cháu muốn xin hai bác cho phép được…
Ông chủ nhà nhướng mắt:
Anh nói gì? Bà cũng nghe rõ cả chứ!
Cậu để anh ấy nói…
Khương vẫn tiếp tục ý định của mình:
Cháu xin hai bác cho phép cháu được chuyển chỗ ở…
Anh nói sao?
Dạ cháu xin phép! Ngày mai, ngày kia, nếu tìm được chỗ trọ mới hai bác cho phép cháu…
Ông bà chủ nhà đã biết được nguyên nhân chuyển nhà của Khương nên không mấy ngạc nhiên. Họ chỉ hơi bất ngờ trước cách nói rành rẽ và kiên quyết của anh. Nhưng bất ngờ hơn với họ là chuyện cô con gái cưng dám vượt qua lề lối gia phong làm chuyện tày đình khiến bố mẹ cô sợ. Cô từng gây cho bố mẹ niềm hy vọng rồi bây giờ là thất vọng. Ông bà chủ lo cho nếp nhà của mình. Họ tìm cách nói với Khương. Lời vòng vo, né tránh:
Gia đình tôi có gì không phải mà cháu phải chuyển đi?
Dạ không ạ!
Gì thì cũng phải có lý do chứ? Cháu cứ nói…
Bà chủ thẽ thọt. Bà nhìn Khương với cái nhìn của người biết chuyện. Ông chủ thì nghĩ xa hơn. Cái này ông cũng đã định tâm từ lâu rồi. Ông muốn nó tự nhiên nhi nhiên. Nay con gái mình đã vội vàng có tình cảm như thế, tuy vụng về thật nhưng cũng đã đặt bố mẹ vào cái thế vội vàng theo. Âu đây cũng là cái cớ cho ông bà muốn xây đắp cho con cái theo ý định của mình. Cũng là cái duyên trời thúc giục người trần phải nhanh chóng thực hiện!
Cháu cứ ở. Giờ đang lúc học hành mà bỏ công đi tìm nhà nó ảnh hưởng lắm lắm tới sự tiến bộ. Có gì để hè đến. Mà đã có chuyện gì ghê gớm lắm đâu khiến cậu giáo của em nó phải gấp gáp bỏ đi ngay đến làm vậy?
Mặt Khương đỏ rựng. Ông chủ nhà đã nhắm trúng điều anh lo lắng mà nói chặn. Đến nước này Khương phải thưa thật:
Dạ, đúng là cũng chỉ vì chuyện của cháu...! Việc cũng mới dừng ở mức ấy! Cháu với…
Bà chủ nhà nói ngay:
Với em Hiếm chứ gì. Vợ chồng tôi biết cả… Khương giật mình. Ông chủ nhà đỡ lời vợ ngay:
Chuyện đâu rồi có đó. Giờ cứ như thế đã. Cháu yên tâm ở lại đây ăn học. Chuyện về em có gì hai bác sẽ bàn với cháu sau!
Lời ông bà chủ nhà thân tình. Khương đành phải bấm bụng chờ nhưng không yên lòng. Cô con gái ông chủ vẫn cứ tìm cách mặn mà hơn. Khương càng tìm cách tránh, Hiếm lại càng tìm cách gần. Ngoài những giờ phải hướng dẫn bài vở là anh ở miết trong phòng mình. Cô ấy vẫn viện đủ lý do để vào. Mới đầu còn gõ cửa lấy cớ hỏi chuyện nọ chuyện kia. Sau thì chẳng cần gõ cửa cũng tự động mở cửa với vài thứ hoa quả trên tay rồi tìm đĩa đặt lên mời Khương và lặng lẽ ngồi nhìn hoặc bâng quơ câu nọ câu kia với Khương. Bí quá Khương khóa trái cửa nhưng chẳng thể làm mãi được. Anh vẫn phải có việc đi lại. Mà đã đi lại là có giáp mặt, có sự phiền lòng. Cuối cùng Khương sợ quá tìm cớ bỏ trốn sang nhà người quen ở miết mấy ngày không về. Ông bà chủ nhà sau đó ít bữa đã hốt hoảng tìm anh. Họ thay nhau than vãn thở dài…
Bà vợ mếu máo:
Bác xin cháu. Cháu mà bỏ đi lâu thế này con gái bác nó chết mất. Mấy hôm nay nó nhịn bữa rồi. Dỗ ngon dỗ ngọt thế nào nó cũng không đụng đũa. Cứ chỉ một hai nhắc tên cháu! Cứ chỉ một hai cậu mợ tìm anh ấy về cho con!
Ông chồng ngượng ngượng:
- Thật không phải khi nói chuyện này với cháu… Khương bối rối thực sự. Anh không có ác cảm gì với người con gái ấy nhưng tư tình thì không. Anh lúc ấy đã có Mơ. Mơ đã từng đến đây thăm anh cái hôm trứng vỡ, gạo đổ. Ông bà chủ biết, cô ấy cũng biết. Vậy mà vẫn sự sinh sinh sự là ra làm sao?
Cháu quả tình…!
Anh cứ nói…
Với lại cháu đã…! Ông chồng gật gù:
Tôi biết!
Bà vợ vun vén:
- Con bé nó thật sự mến cậu!
Ông chồng sau một lúc ngẫm nghĩ nheo mắt nhìn Khương nói tiếp. Lời trói buộc:
Nói đi cũng phải nói lại. Không có lửa làm sao có khói. Bỗng dưng mà cô con gái tôi nó mê cậu, nó ôm chầm lấy cậu. Chuyện này vợ tôi biết, cậu càng biết hơn. Việc đã rành rành ra vậy cậu cũng phải cùng chúng tôi nghĩ cách chứ. Trai đã lớn, gái cũng đã đến thì. Ngày cậu đến đây gia đình cũng có phần cảm mến. Chả giấu gì cậu vợ chồng tôi cũng có lúc ước ao. Nay thì chả phải đợi, phải cầu. Tự nhiên hai đứa tìm đến nhau. Âu là số giời. Chuyện đã như chỉ se thế này muốn bền muốn chặt thì chỉ có se thêm. Vợ chồng tôi cũng người gốc quê nên thấu cái nghĩa này lắm lắm. Cho dù có là cái kẻ phải đi tìm cọc cho trâu tôi cũng muốn làm.
Ông chủ nhà dừng đi lại chốc lát rồi nói tiếp. Lúc này ông đổi thế xưng hô, giọng mềm mại:
Bác gái nói vậy là dốc lòng. Tình thực Khương a. Con cái Hiếm nhà này mà được cháu là phúc lớn cho hai bác lắm. Nhà cửa đấy, hai bác đây, tất tật là của hai đứa. Bác không khách sáo gì đâu. Có gì không nên không phải về phía gia đình cháu bỏ quá cho…
Lời bà vợ mềm giọng tiếp:
Bác trai nói phải đấy con ạ! Đúng là Trời Phật run rủi. Nó nết na, hiền đức là vậy, chính chuyên như thế mà trông thấy con cứ như là ăn phải bùa mê thuốc lú. Rồi hai đứa buộc thắt nhau. Buộc thắt cả bố mẹ vào nữa. Hôm bất ngờ thấy hai đứa tình cảm với nhau bác vừa mừng vừa lo. Nhất là sau lúc cháu cứ nằng nặc xin đi. Hai bác rối hết cả gan cả ruột mà không sao có thể gỡ ra cho nổi. Giờ thì trăm sự trông vào cháu gỡ giúp!
Thời gian dần lên, trói buộc. Kẻ vô tình người cố ý…
Cái lý của cha mẹ cô gái cứ thít dần vào Khương. Dù gì thì gì hai người đã ôm lấy nhau cho dù Khương bị động. Cả người cô ấy nóng rừng rực áp vào người anh làm anh đến mấy phút sau không gỡ nổi ra. Đúng lúc nghe tiếng người mẹ hắng giọng, vòng tay của cô con gái mới giật thốt thả lỏng. Tuổi trai mới lớn của Khương sa vào cái vòng hệ lụy này chỉ biết đứng chôn chân nhìn người già thuyết giải và có cơ phải chịu trận!
Đúng lúc đó Mơ xuất hiện. Chị hôm ấy trông người như cu cũ, dáng vẻ xanh xao. Tuy thắt bao thật nhưng cái bụng Mơ lại cứ lùm lùm sau lần áo cánh gụ. Chị xồng xộc bước vào nhà cho dù bị ông bà chủ có ý muốn ngăn cản khách ngay từ ngoài cửa:
Hai bác cứ mặc cháu. Anh Khương ở Đoài Thông đâu? Thầy em nhà tôi đâu? Học hành thế này à. Bụng tôi chửa sắp vượt mặt rồi đây mà vẫn phải dậy trước gà gáy sớm, lam lũ việc nhà, quần quật việc đồng áng suốt ngày lo cho chồng ăn học. Giờ thì hay chưa…? Tôi bảo anh đi học cho con cho vợ hay là đi tìm vợ bé cho riêng anh hả?
Mơ quay ra hỏi vợ chồng ông bà chủ nhà:
Cháu hỏi thật hai bác nhá? Có cái chuyện ấy của anh Khương nhà cháu không? Nếu có thật như thế thì bác gọi con gái hai bác ra đây, cái cô Hiếm ấy, cho cháu thưa đôi điều. Nếu quả tình cô ấy muốn cướp chồng cháu thật cháu xin vui lòng. Nhà cao cửa rộng lại ở phố mà. Vong ân bội nghĩa mà. Đi tìm nơi lầu son gác tía thì tốt quá đi rồi. Các người định dan díu với nhau thì bước qua thân xác mẹ con tôi mà tổ chức cưới.
Cháu nằm đây cho hai bác coi, hai bác chứng kiến đây này. Hai bác gọi họ ra đây.
Nói rồi Mơ nằm ra giữa nhà trước con mắt kinh ngạc của hai vợ chồng ông bà chủ. Bên tai họ còn chói lên tiếng của chị nữa:
Bác nhanh nhanh gọi họ ra đây. Họ dám bước qua xác cháu mà đi thì cháu nhường chồng mình cho con gái hai bác đấy!
Cô con gái ông chủ nhà trốn tiệt đâu không thấy. Khương lúng túng đóng kín cửa trong phòng học không dám ló đầu ra. Mãi lâu sau bà chủ nhà tìm lời nói dịu và nhẹ nhàng đỡ Mơ ngồi dậy:
Nào thôi cho bác xin. Cháu nói vậy là hai bác hiểu rồi… Lần ấy Khương được cứu nguy.
Sau này khi đã thành chồng thành vợ của nhau rồi có lần Khương hỏi Mơ vì sao mà lúc ấy gan lì đến vậy, chị đỏ mặt nói với anh:
- Dốt thế.
Khương tỏ vẻ thán phục:
Anh chịu! Giỏi như trinh sát công an ấy! Mơ khẽ bĩu môi hỏi Khương:
Không yêu có làm được thế không? Khương nghĩ tới công việc của mình:
Hay em vào Công an với anh đi. Nếu ưng ý anh sẽ báo cáo lên cấp trên. Đằng ấy có năng khiếu mà! Đơn vị cũng đang cần có trinh sát nữ nữa!
Mơ hồn nhiên lắc đầu:
Không! Em chỉ muốn làm vợ Khương thôi! Công an là việc của các anh mà! Ai lại cả hai vợ chồng đều là công an cả, cứ đi suốt lấy ai ở nhà trông nom con cái và bố mẹ?
Khương gật gật đầu:
Mơ có vẻ hiểu nghề của bọn anh nhỉ?
Mơ nhí nhảnh:
Lại không? Nếm mùi rồi còn gì? Khương thật lòng:
Giận không?
Giận thì sống với ai?
Em nói thật chứ?
Thật đấy với điều kiện…!
Mơ nói đi?
Mơ nhắm mắt nói trong tiếng thở gấp:
Cho em một đứa con!
Anh sợ thế hơi ít.
Vậy đã…!
Và…
Gì nữa…
Không được ôm ai ngoài em… Khương nắm chặt hai tay:
Anh thề mà. Từ lúc biết yêu đến giờ…
Dối…
Thật như đếm
Thế còn cô Hiếm?
Sự cố ngoài ý muốn. Anh hứa luôn luôn cảnh giác…
Leo ôi, như đánh án!
Hì hì…
Quên nhé…
Cái gì?
Cái ôm của cô Hiếm ấy…
Hì hì… vô tình mà!
Lúc ấy lại là ban ngày, hai người chỉ biết rúc rích với nhau như đôi chim chích đang chuyền cành…
Nhưng đời họ đâu có được như thế mãi.