Thương nhau là vậy mà sao cái yêu cho nhau chẳng được thỏa lòng. Nhiều lần như vậy. Gần cả đời cũng như vậy! Hoàn cảnh tạo nên số phận hay mệnh người trước mệnh trời mệnh nước bắt họ phải chịu vậy. Với anh Khương là thế. Với chị Mơ cũng thế. Đơn giản họ là hai nhưng đã nguyền chung một trong những ngày đất nước ở giữa sự mất còn cần có sự đồng cảm, sẻ chia của mỗi một người…
Nhớ cái đêm ngồi vội bên nhau ở vạt dốc đê tay anh Khương mới chạm đến đầu gối của chị Mơ, cũng là lần đầu tiên dám chạm vào da thịt người yêu, đã bị chị huých cho đổ xiêu sang bên. Cùng lúc ấy tù và trong làng rúc lên gọi du kích tập hợp đi tuần. Chị Mơ chạy thun thút vào con đường xóm, đầu ngoái lại, giọng hổn hển ngượng ngùng:
- Mới là vợ giả vờ thôi mà. Bao giờ làm vợ thật đã… Một tiếng cười giòn, trong trẻo. Anh Khương đuổi theo sau. Anh có thể đuổi kịp chị Mơ nhưng không dám. Anh sợ mọi người trông thấy rồi đồn đoán, dị nghị. Đấy là những ngày đầu ở quê hương anh chị sau Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2 tháng 9 năm 1945.
Ngày ấy…
Anh Khương đang làm du kích xã thì được gọi lên tham gia lực lượng Công an huyện. Hôm hai gia đình làm lễ ăn hỏi cho hai người anh Khương phải theo đồng đội đi bắt bọn cướp ngô ngoài bãi sông. Dân đói trông chờ ở đám ngô đang vào hạt thì bị bọn lưu manh vặt trộm. Chẳng khó khăn gì khi vây bắt bọn này. Cả lũ đói ăn vụng, túng làm càn nên chẳng có mẹo mực trốn chạy gì. Cây đổ rạp, bắp bị bẻ, lối đi của kẻ gian rành rành. Chúng nhai ngô sống nhồm nhoàm rồi ngả ngớn bên nhau trước lúc bị bắt. Tuy vậy cũng mất thời gian. Khi anh Khương được tranh thủ về thăm nhà thì mọi việc đã xong. Biết là không phải với gia đình trong ngày trọng đại này nhưng chẳng thể khác. Anh chỉ biết bẽn lẽn nhìn gia đình cúi đầu nhận lỗi.
Bố anh khẽ cười nhìn con trai rồi nói như ra lệnh:
Từ hôm nay là anh có vợ rồi đấy. Mồng chín, giờ cát tháng sau là cưới. Ngày tốt lắm. Hai gia đình chọn hộ anh chị rồi. Liệu lên báo cáo với chỉ huy rồi xin phép mà về.
Anh Khương dạ ran, mừng quýnh. Anh tranh thủ sang nhà thăm chị Mơ thì chỉ gặp được bố mẹ vợ. Người yêu của anh đang cùng chị em Hội Phụ nữ Cứu quốc xã đi tham gia xóa nạn mù chữ ở làng bên.
Mẹ vợ anh nói:
Thấy nó mang cả mẹt với vôi đi. Lại cả cái chổi lau nhỏ để viết chữ nữa. Đâu như chỉ dạy cho thuộc hai mươi tư mặt chữ cái thì phải!
Anh Khương thưa:
Dạ, đúng thế ạ! Còn cả chống giặc đói và giặc ngoại xâm nữa bố mẹ ạ! Cách mạng mới thành công mà!
Mẹ vợ xuýt xoa:
Nhiều giặc đến thế ư? Lắm việc quá!
Dạ…
Bố vợ thông cảm bảo:
Bây giờ các con là người của Hội Cứu quốc. Làm việc nước cũng như việc nhà. Mà việc nước bây giờ thì lắm lắm. Mới được độc lập mà. Gặp chúng tôi cũng như là gặp con Mơ. Anh sang lễ tổ tiên bên đây ngay thế này là được rồi. Giờ anh đi công việc đi. Nhớ ngày cưới mà về…
Anh Khương vâng dạ rối rít nhưng lòng trống trải như nhà hoang. Lúc ấy được gặp bố mẹ hai bên là quý nhưng chẳng thể nào bù nổi cái nỗi không gặp được chị Mơ. Sao lúc sắp lấy nhau lại nhớ nhau nhiều đến thế!
Ngày cưới hai người đến tận lúc sắp đón dâu anh Khương mới được dời chỗ làm việc. Anh vừa dắt xe ra khỏi cổng cơ quan thì bị anh Đội trưởng gọi giật lại:
Khương, có việc gấp!
Tôi báo cáo rồi!
Biết! Nhưng vẫn phải quay lại.
Quân lệnh như sơn. Có một tên cướp rừng Ngang vừa đột nhập vào làng Hạ. Hắn đã bắt đi theo một con trâu mộng cùng hai người đàn bà. Trâu hắn tự dắt còn hai người đàn bà thì một người gánh muối, một người gánh dầu, gánh gạo lẽo đẽo theo sau. Cả làng kể vậy khi Công an về hỏi. Còn lúc sinh sự ấy, cả làng biết nhưng vẫn phải nhắm mắt làm ngơ vì sợ tên này có võ lại được đồn là dám giết người không ghê tay.
Có một trai tráng làng Hạ định xông lên đòi lại người đàn bà của mình. Anh ta mới kịp vung tay vung chân đã bị tên cướp quật ngã rồi rút dao và cắt phăng một miếng tai, máu chảy ròng ròng. Mọi người khiếp vía nín lặng nghe tên cướp nói điều nhân nghĩa:
Tôi ở trong rừng sâu thiếu muối, thiếu dầu, thiếu gạo. Lại thiếu cả đàn bà làm vợ nữa nên tạm mượn bà con ít thứ. Thằng này tôi cắt một tí tai là còn khá. Sống với vợ mà hành hạ, đánh đập người ta như con vật. Lại còn bắt người ta đi ngủ chạ với kẻ khác để kiếm tiền mua rượu nữa. Chó chứ không phải người. Tay đàn ông đốn mạt ấy. Nay mai ăn nên làm ra, giàu có lên tôi xin mang vợ con về trả lễ lại dân làng.
Tên cướp rời làng Hạ lúc sẩm tối mà phải đến sáng sớm hôm sau Công an huyện mới được dân làng báo tin. Vừa lúc ấy anh Khương xin phép chỉ huy nghỉ hai ngày để về nhà cưới vợ. Oái oăm là việc săn đuổi tên cướp rừng Ngang này ngoài anh Khương ra không ai trong đội thông thuộc địa bàn và tính tình tên cướp bằng. Chỉ huy đánh giá chỉ có anh vào cuộc mới hiệu quả!
Tên cướp này từng là võ sĩ, có học, có quen biết anh Khương ít nhiều hồi ở phố. Anh ta có người yêu học dưới mình hai lớp. Hai người ở cùng tổng nhưng khác làng. Việc sẽ suôn sẻ nếu chẳng có chuyện cô về quê thăm gia đình đã bị tên đội sếp gọi đến đồn xét nét rồi doạ bắt vì giấy tờ tùy thân hết hạn. Cô gái ấy bị giam một góc bốt. Bốt ở gần làng bên ngoài có bọn địa phương quân canh gác. Đêm ấy cô đã bị tên đội sếp xé quần xé áo làm nhục. Sớm sau người nhà đến nhận con thì cô chỉ còn là cái xác, quần áo rách mướp và phần lưỡi cắn gần đứt còn đỏ bầm máu nơi miệng.
Thời gian sau, một tối ở điếm canh đầu làng gần bốt ấy lúc khuya khoắt có tiếng kêu ú ớ. Mọi người đến nơi thì thấy gã đội sếp bị treo ngược nơi xà ngang, đầu tóc rũ rượi. Thảm hại hơn là cái quần soóc của hắn bị cắt dọc lòi ra cái phần hạ bộ cắt dở, treo lủng lẳng. Người tuần đinh hôm ấy có mời rượu và thịt chó ông Đội khi ông mò vào làng tìm gái. Bát đũa thịt thà vẫn còn vương vãi nhưng người mời ông Đội ăn nhậu đã biến mất dạng. Lúc ấy mọi người mới biết chuyện chàng trai tuần đinh trả thù cho bạn gái của mình là ai. Họ mừng thầm vì tên dâm ác đã bị giết còn người trả thù đã cao chạy xa bay…
Chuyện xảy ra trước Khởi nghĩa tháng Tám. Nghe chừng đã mấy năm nay. Cứ ngỡ sau Cách mạng con người ấy thay tính đổi nết nào ngờ. Cũng nào ngờ đúng ngày quan trọng của đời mình anh Khương lại phải vào cuộc săn bắt người có quen biết cũ…
Cuộc vây bắt kéo dài gần hết một ngày. Nơi tên cướp ở là một hang đá sâu hút trong rừng rậm. Anh Khương đoán vậy. Anh không lạ gì đường đi lối lại trong khu rừng này. Thuở bé anh đã từng theo mẹ vào đây kiếm củi. Hang đá ấy anh cũng đã từng cùng bạn trốn mưa suốt buổi sáng rồi cùng nhau đốt lửa nướng sắn ăn. Giờ tên cướp chỉ có thể ở trong đó là kín đáo và hóc hiểm nhất nơi vùng rừng Ngang này. Anh Khương đoán vậy nhưng anh đã thất bại khi cho trinh sát vào thăm dò.
Hang đá tối om. Bếp tro trên nền đất nguội lạnh từ bao giờ. Chỉ nhoáng nhoàng những cánh dơi bay và mục ẩm mùi lá ải. Nhìn quanh, cây cối đã um tùm hơn ngày trước anh Khương vào rừng kiếm củi nhiều. Vậy thì tên cướp đã ở đâu trong chốn rừng hoang này. Chả lẽ phải căn từng gốc cây, cành lá để tìm. Cuối cùng nhờ vào một lạch nước nhỏ có màu đục đục anh Khương đã tìm ra chỗ tên cướp ẩn trốn. Đó là một túp lều nát trong hun hút sâu giữa nhiều bụi cây rậm của mấy người đốn gỗ dựng tạm.
Anh Khương cùng đồng đội tiến đến gần.
Họ ngửi thấy mùi lửa.
Bất ngờ có tiếng cành khô gãy.
Từ trong lán vang lên lời tên cướp:
Vô ích thôi. Các người tiến sâu vào nữa là chúng tôi cho nổ lựu đạn đấy. Đã dắt díu nhau vào đến đây rồi thì coi sống cũng như chết!
Lời anh Khương chậm rãi:
Bình tĩnh đã nào. Sống mới khó, chết dễ. Đừng mang lựu đạn ra dọa nhau!
Tiếng tên cướp oà lên:
Khương hả? Sao cậu lại đi bắt tớ?
Không bắt mà là gọi về!
Nếu nhất định không về thì sao?
Sẽ bắt!
Một tiếng cười vang từ phía trong vọng ra của tên cướp đầy vẻ thách đố:
- Thử xem!
Anh Khương nói ngay:
- Không phải thách!
Tên cướp ra giọng khiêu khích:
Tớ đang chờ đây!
Anh Khương nói khích:
Những người có học không làm những chuyện như thế này?
Giọng tên cướp có vẻ hơi chùng xuống:
Sao lại mang chữ ra dọa nhau? Anh Khương thẳng thắn:
Cậy có võ bắt trâu, bắt người một cách vô lối là cách hành xử của kiểu người nào thế?
Một chuỗi cười vang lên. Tiếng cười lanh lảnh mang vẻ bất chấp và đầy thách thức!
Tên cướp ngạo nghễ, dõng dạc:
Nhầm to rồi ông Công an ơi. Con trâu ấy là ta đòi nợ nhà thằng bị thiến chết đấy. Số tiền nó lấy được của người con gái bị nó làm nhục bằng giá một con trâu. Còn hai người đàn bà theo ta là tự nguyện. Một người phải lòng ta từ những lần vào núi kiếm củi, đào củ. Một người vì thằng chồng ác quá mà bỏ nhà đi theo cướp. Nhờ họ mà ta có muối, có dầu, có gạo lại thuộc lối vào chuồng bắt trâu đòi nợ nữa.
Anh Khương lên tiếng khuyên nhủ:
Tốt nhất là cậu nên quay lại đời sống bình thường. Xã hội đã khác nhiều rồi. Oán giận cũ cũng đã xong. Ai là kẻ thù nữa mà vào rừng làm kẻ cướp?
Tên cướp đáp lời ngay:
Tốt nhất là cậu để cho ta được tự do sống theo ý muốn của mình. Ta không đụng tới các người thì các người cũng đừng có làm khổ ta nữa. Nói mãi, nói mãi!? Ông chán lắm rồi…
Nghe như có tiếng thở hắt ra từ miệng tên cướp.
Anh Khương như đọc được tâm trạng ấy:
Bình tĩnh nào. Đây không phải là chuyện riêng! Tên cướp vùng vằng:
Chung cái con khẹc!
Anh Khương mắng át:
Không được hỗn!
Sao ta muốn tử tế mà không được? Anh Khương dõng dạc:
Kẻ đã đi ăn cướp là không ai tử tế cả. Tên cướp nói gằn:
Ta đòi nợ!
Anh Khương hứ hứ trong miệng:
Lấy thịt đè người hay ho lắm sao? Không thể có kiểu đòi nợ ấy!
Ta thế đấy.
Các đồng chí!
Anh Khương cất giọng chỉ huy. Lời anh vẻ kiên quyết. Từ trong vang ra tiếng tên cướp cũng bướng bỉnh không kém:
- Các em…
Anh Khương nháy mắt cho một trinh sát người nhỏ thó đang trùm lá lên người. Anh trinh sát bước lùi lại rồi lẩn nhanh vào bóng cây như một con sóc. Theo sau anh còn có hai người nữa cũng hóa trang bằng lá lên người. Trông họ như các lùm cây di động chậm…
Vẫn tiếng đối đáp qua lại giữa anh Khương và tên cướp. Giọng hai bên căng cứng, lý sự. Có vẻ như không ai chịu ai. Kiểu này có thể cãi nhau đến tối… Bất ngờ từ trong khu lều nát vẳng ra tiếng thét:
Đứng im, giơ tay lên…
Tôi xin hàng!
Run rẩy tiếng đàn bà cất lên vội vã. Tiếng thét tiếp:
- Tên cướp đâu?
Vẫn run rẩy tiếng đàn bà:
Anh ấy… nó nó…! Chúng con cắn rơm cắn cỏ con lạy các ông. Các ông đừng bắn. Hai quả lựu đạn ấy là hai quả lựu đạn thối nhà con mới nhặt từ bốt về đấy. Không tin con cầm lên để ông xem!
Để nguyên.
Dạ dạ…
Chuyện kẻ ăn cướp mà cứ như chuyện đùa. Chuyện người đi bắt cướp cũng vui không kém. Khi bị trói tay dẫn đi, tên cướp cười hiền lành, nói với anh Khương:
- Cậu bắt tớ thật à. Mình giả vờ thôi mà…
Anh Khương tí nữa bật cười. Tên cướp hỏi tiếp:
Khương này…!? Có bị tù lâu không? Dại quá! Tôi…
… Hà hà?!
Lần này thì anh Khương cười thành tiếng thật. Anh nhìn tên cướp khẽ nhếch miệng rồi lắc đầu. Khương tiếc cho hành động nông nổi, bản năng của hắn. Cũng là kiểu giận quá mất khôn. Giờ nhìn lại thấy hối thì đã muộn.
Khi anh Khương về đến nhà thì đã gần rạng sáng. Chị Mơ vẫn vặn nhỏ đèn chờ chồng. Họ ôm chầm lấy nhau. Mặt chị Mơ vẫn còn nhòe nước mắt. Bao nhiêu dồn nén. Vừa giận vừa thương. Rồi thì đèn được vội tắt. Họ ùa tay, ùa chân, ùa người vào nhau. Hai người hổn hển như leo núi. Vừa độ ấm mùi trai gái thì có tiếng bà mẹ chồng ho húng hắng ngoài cửa:
Mẹ Khương đã tỉnh ngủ chưa. Gà sắp gáy lần nữa rồi. Dậy đun nước cho thầy pha trà uống sớm nhá!
Có tiếng bố chồng nói vội theo:
Kìa bà…
Tiếng mẹ chồng nói nhỏ:
Để dâu quen với nếp nhà ông ạ… -…
Và từ trong buồng tiếng con dâu nói vọng ra:
Dạ con dậy rồi ạ!
Lời Mơ cuống quýt. Chị nhổm dậy cùng với đôi tay vơ vội quần áo. Vợ nói với chồng:
Anh ngủ một lát đi. Mai sớm còn bận lên huyện đấy…
Sắp sáng rồi còn gì?
Không sao đâu. Nếu mình ngủ quên em gọi…
Đun nước đừng mở vung giữa chừng mà oi khói đấy.
- Em biết rồi…
Cũng vừa lúc chú gà trống ngoài chuồng vỗ cánh… Đêm chồng vợ đầu tiên của họ lỡ dở như vậy. Khương nằm đuỗn người trên chiếc giường còn thơm mùi chiếu mới phơi và mùi da thịt người vợ trẻ. Anh vô vị nằm suông đợi gà gáy tiếp. Sáng mai sớm anh sẽ phải trở lại cơ quan báo cáo về vụ án và hỏi cung tên tội phạm vừa bị bắt có kèm theo việc phải giải quyết vì cả hai người đàn bà đã được tha bổng nhưng nằng nặc đòi ở lại xin được đi tù cùng người tình của mình nữa.
Họ đã nói với anh Khương khi bị dẫn giải về huyện.
Một người lo hoảng, lắp bắp:
Thưa ông! Thưa thưa…
Có gì chị nói đi?
Ông ơi… nhà con rồi có bị làm sao không ạ? Anh Khương trả lời ngay:
Việc tới đâu xử tới đó.
Người kia rối rít:
Bẩm ông… tội của nhà con cũng từ chúng con mà ra. Hai chị em con chắp tay xin lạy các ông ra tay cứu giúp.
Đừng đừng…! Chị không được lạy chúng tôi như thế…
Bẩm thưa… nhà con mà có làm sao thì… hu hu… chúng con biết sống với ai, biết sống ra làm sao bây giờ? Cắn rơm cắn cỏ con xin các ông cho chúng con được đi tù…
Hay chưa. Ai bắt các chị phải như thế…?
Nhưng nhà con…? Xin lạy các ông… Anh Khương nhíu mày:
Tôi đã nói là không được lạy cơ mà…!
Nhưng bẩm thưa ông…
Tôi xin được nói lại. Các chị không phải bẩm thưa gì hết. Giờ hai người cứ về. Nhớ bảo ban nhau làm ăn. Đừng nhẹ dạ, nông nổi như lần này nữa. Tội ai gây ra người ấy chịu…
Hai người đàn bà ấy quá nặng lòng với tên cướp. Thật quý. Nhưng lòng tốt ấy chỉ là cá biệt và đặt không đúng chỗ. Anh Khương và cơ quan anh đang là nơi thực hành pháp luật. Nước mắt của họ có làm anh se lòng chứ chẳng thể mủi lòng. Tội ai gây ra người ấy phải chịu. Chỉ thương cho hai thân phận yếu mềm ấy. Nỗi niềm này khiến anh lương vương cả đến khi về nhà. May mà được ở bên chị nó khiến cái rối bời của công việc nguôi ngoai phần nào. Nhưng rồi sự nguôi ngoai ấy đâu có trọn vẹn. Tự nhiên thôi, vợ lại phải rời tay chồng. Chị phải làm phận sự. Anh thương vợ và biết nhủ lòng tự an ủi mình, định chợp mắt chốc lát mà không sao ngủ được...!