Một làng quê miền Bắc…
Làng quê của chị Mơ và anh Khương. Làng có tên là làng Đoài Thông. Đoài Thông ở gần núi. Đầu làng qua một cánh đồng phẳng với xa xa viền trên một lớp tre mờ kéo thành rặng là nổi lên hình núi màu sậm. Núi là núi ở rừng Ngang, đi vã độ đôi giờ là tới nơi. Làng lại có sông ở cạnh. Sông bắt nguồn từ phía núi rừng Ngang chảy ra. Sông có đôi bờ sỏi ong nên gọi là sông Đá. Cũng có người gọi nó là sông Tầm Xuân bởi hai bên bờ sông vào mùa loại cây này trổ bông, hoa trắng pha tím nở lan tràn, thơm ngan ngát cả dòng nước, thơm vào tận các bậc đá ong xuống bến.
Nhiều người ở Đoài Thông trong đó có anh Khương và chị Mơ thuộc làu những câu ca dao này về làng mình:
Đoài Thông có ruộng tư bề
Có sông tắm mát có nghề cửi canh
Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về xe sợi với anh thì về…
Họ còn thuộc cả những câu này nữa. Nghe nói những câu ấy là do mấy thầy đồ sính chữ lại giỏi hát ví đã làm ra để tặng một mối tình dang dở của một đôi trai gái yêu nhau mà chẳng đến được với nhau. Nhiều người thuộc lòng rồi thành ca dao truyền miệng cho nhau. Chuyện có từ hàng bao nhiêu đời nay rồi. Người kể còn đưa thêm chi tiết: Khi họ mất đi, trên mộ của đôi lứa lỡ duyên ấy mọc lên đôi cây tầm xuân. Cây có gai, lá nhỏ nhưng hoa thì trắng muốt và ánh màu tim tím. Người có chữ bảo đó là màu của luyến tiếc. Và trời thương trời cho gió mang giống cây tình nghĩa ấy gieo giống dọc hai bờ sông Đá để bây giờ nó thành sông Tầm Xuân làm cho ai cũng nhớ:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay…
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra…
Đấy là chuyện xưa xửa của Đoài Thông những ngày làng xóm còn yên bình. Câu chuyện tình này được trai làng kể ra là có thật hay là tưởng tượng. Không biết ở nơi khác có chuyện tương tự như thế này không vì những câu ca dao trên không chỉ Đoài Thông mới có. Gì thì gì nhưng đó là tình yêu. Thực hay mộng, có hay không thì vẫn ấm nồng màu trai gái. Câu hát thơ ấy sinh ra chỉ mang cái đẹp của một tình yêu dang dở và nỗi trăn trở về hạnh phúc!
Nay thì đã khác…
Sau Toàn quốc kháng chiến làng Đoài Thông thuộc vùng đất tạm bị địch chiếm. Người lương thiện khi bị địch kè kè vũ khí bên cạnh, lúc bị kẻ xấu, kẻ ác luôn lùng sục, doạ dẫm. Người dân sống ở nhà mình, làng mình mà khác nào bị nhốt kín, vây kín trong ngục!
Đêm đêm địch ban lệnh thiết quân luật khắp các đường ngang ngõ tắt Đoài Thông. Rồi bọn lính trên bốt đóng ở đầu làng chia quân đi tuần tra khắp nơi. Bọn lính địa phương cùng tuần đinh thay nhau túc trực ở điếm canh, rồi đầu ngõ, cuối ngõ. Cuộc sống trong nơm nớp trước họng súng, sự dòm ngó theo dõi và tiếng giày đinh dày xéo là cuộc sống của kìm kẹp cho dù không có song sắt! Những lúc ấy người ta thèm vang lên một âm thanh gì đấy đặng cứu rỗi nỗi lo sợ triền miên của kiếp người trước những mưu toan xấu của con người!
Vào khoảng thời gian khuya khoắt lắm.
Mọi vật im lìm như chết bỗng thé lên một âm sắc.
Một tiếng thé đơn lẻ mà sao chói gắt và sắc lạnh.
Một tiếng người. Tiếng người non nớt nhưng sao dữ dằn…
Chao ôi chỉ là một tiếng trẻ.
Tiếng trẻ khóc.
Làng xóm đang đen kịt và chết lặng trong bóng đêm bỗng như bừng dậy sau tiếng trẻ có tên mẹ tạm đặt là Nhẫn ấy.
Con bé Nhẫn đang ngủ, giật mình khóc thé lên. Chị Mơ nửa tỉnh nửa mê cũng giật mình theo. Mẹ ôm chầm lấy con vỗ về.
Chị Mơ cũng chỉ mới vừa chợp mắt được một tý. Mẹ một mình. Con một mình. Cả hai cộng lại vẫn một mình. Có chồng có cha đấy mà họ khác gì kẻ côi cút. Chiến tranh đồng nghĩa với ly loạn. Từ ngày anh Khương chồng chị chuyển sang bộ đội rồi đi miết đánh giặc hết nơi này đến nơi khác đâu có được về nhà với vợ với con. Anh là lính chủ lực lại làm quân báo nên cơ động nhiều chiến trường.
Anh Khương xa nhà trước cả lúc quê hương anh bị giặc chiếm trở lại. Cũng may mà giờ có được con bé Nhẫn làm niềm chia sẻ. Cũng may mà có lần ấy được gặp chị Mơ để bây giờ vợ chồng anh có được con bé Nhẫn như một sự chằng buộc gắn bó giữa hai người!
Sau ngày nổ súng, quê hương bị tạm chiếm, có một lần anh Khương liều lĩnh trở về nhà thăm vợ. Đấy cũng là đêm lính kéo quân đến vây làng. Hôm ấy anh Khương về công tác trong vùng địch hậu. Nơi này lại quá gần quê anh. Khi đi anh không có ý định tạt qua nhà nên không xin phép chỉ huy. Còn lúc ấy khi quyết định ghé quê thăm vợ cũng là về liều, kiểu vô kỷ luật khi hoàn cảnh cụ thể cho phép vì nhớ nhà quá. Từ ngày hai người lấy nhau nhưng chưa lần nào được thực sự chan hòa giao cảm với nhau. Có vợ mà nhiều lúc việc trai gái đằm thắm muốn hết mình thường chỉ có với nhau trong thoáng chốc.
Đêm ấy…
Khương băng qua cánh đồng rộng lúa đang mùa chín. Lúa che cho anh, mở lối cho anh về. Anh luồn qua bụi tre nơi rìa làng. Men theo ngõ tối. Lách giậu cúc tần. Người của nhau mà phải bò như tên trộm vào nhà mình. Đến vách buồng vợ, anh giả tiếng chuột rúc. Cái lối giả tiếng chuột này anh đã trêu chị Mơ nhiều lần nên chị quen. Cũng là linh cảm của người vợ nữa. Nghe ám hiệu chít chít của chồng, vợ tỉnh táo ngay.
Chị Mơ bình tĩnh hỏi vọng ra, tiếng rất nhỏ:
- Mình à?
Nghe lời chị Mơ thì thào qua vách, anh Khương nói nhỏ theo:
- Khe khẽ thôi! Anh đây. Gấp lắm!
Anh Khương nói trong tiếng thở. Chị Mơ bình tĩnh lại:
Để em mở cửa.
Không không…! Đừng để ai biết. Anh phải đi ngay… Chị Mơ bối rối:
Làm sao bây giờ?
Như đã tính sẵn anh Khương nói ngay:
- Lách liếp mà ra. Tí thôi. Anh đợi em ở chái bếp.
Chị Mơ nép người đẩy vách liếp chui ra. Anh Khương ôm chầm lấy vợ rồi hai người dìu nhau ra phía đống rạ đầu hồi bếp. Vội vàng, hối hả. Chỉ kịp nhào vào nhau. Người với rạ cứ rối lên. Lâu quá rồi mới có dịp có vợ, có chồng. Thôi thì chỉ biết thẫn thờ, chìm nghỉm. Đến lúc chị Mơ xuôi tay nhắm mắt hít hà hơi chồng thì bỗng đâu không trung vang lên ba tiếng súng trường. Tiếng súng bọn lính trên đồn xuống làng đi “ba tui” mà người dân quen gọi là tiếng “tắc bọp”. Nguy hiểm như cận kề. Chị Mơ cắn mạnh vào tay anh Khương rồi khẽ đẩy anh bật ra khỏi mình theo bản năng phòng vệ:
Anh chạy nhanh lên. Tiếng súng này là bọn chúng đã gần lắm rồi đấy. Nghe nhiều rồi, em biết!
Anh Khương oà khóc. Nước mắt trên mặt anh vỡ ra. Anh úp mặt vào mặt vợ day day:
Khổ thân em quá, Mơ ơi! Biết nói gì với em bây giờ? Em giữ gìn nhé. Có tin vui tìm cách báo cho anh!
Chị Mơ nức lên, gật gật đầu. Mái tóc chị chạm mạnh vào ngực anh nhẹ vậy mà nặng trĩu như đá đập.
Họ dứt nhau ra trong đau đớn…
Lần gặp nhau ấy đã cho chị Mơ kết quả. Vội vã đấy nhưng cũng trọn vẹn. Tháng sau chị Mơ tắt kinh. Rồi tháng sau tháng sau nữa bụng chị cứ lùm lùm dần lên. Bà mẹ chồng thấy Mơ có sự ấy đã hốt hoảng căn vặn con dâu. Bà không biết có tối con trai mình về nhà. Chị Mơ giập đầu xuống đất kể hết sự tình với mẹ chồng rồi nhờ mẹ nói với bố chồng. Bà mẹ vẫn nghi nghi:
Chị nói vậy tôi biết vậy…
Mẹ ơi xin mẹ hãy tin con! Bà mẹ thở dài, não nuột:
Trớ trêu quá!
Chị Mơ phải lấy con dao nhọn đặt trước mặt mình, quỳ hẳn xuống đất lạy mẹ chồng ba lạy rồi cầm con dao lên ngang cổ mình và thưa với bà:
- Nếu mẹ không tin con xin chết để mẹ tin!
Người mẹ chồng vội giằng con dao ra khỏi tay con dâu rồi vứt mạnh nó xuống nền đất. Bà ôm lấy chị Mơ, vuốt vuốt tấm lưng đã cưng cứng dáng của con dâu. Nước mắt người mẹ chồng tràn ứa ra. Bà đã tin con dâu của mình mà bỏ qua tai những lời úp mở của người nọ người kia rằng cái Mơ đang thế nọ, rằng nhà Mơ đang thế kia.
Có chuyện dựng lên là chị Mơ có tư tình riêng với gã cai đội răng vàng trên phố huyện, bà mẹ chồng nghe được chỉ biết lẳng lặng cười thầm. Cả đến khi làng xóm loan tin ầm ầm chị Mơ can tội chửa hoang bà cũng lặng mặt, nhẹ lời nói với mọi người:
Thời buổi loạn lạc này biết thế nào mà tính. Con mình cứ biền biệt. Loạn ly mãi sẽ sống chết thế nào. Đàn bà ai cũng có thì. Nay giả sử nó có trót lỡ với người nào rồi khi sinh ra thì đứa trẻ ấy sẽ là cháu mình. Bé thơ như búp như mầm. Nó có làm gì nên tội. Cũng mong ông bà, làng xóm rộng đường đại xá cho dâu con tôi. Mọi sự lầm lỡ của nó người già chúng tôi xin chịu…
Bà ơi, bà là người đời à? Có dở chứng dở nết không thế mà ăn nói vậy. Con dâu mình hẳn hoi, vợ của con trai mình kia mà?
-…
Nay mai nhỡ nó sinh ra thằng mắt trắng, môi thâm thì bà tính sao?
Lạy Trời, lạy Phật!
Gái làng ta lâu nay vốn chính chuyên, giờ mới có chuyện này là một…
Nghe vậy, biết vậy. Vẫn phải im lặng quay đi, lấy vạt áo chấm nước mắt. Người mẹ chồng không dám lộ chuyện.
Tin thì tin vậy nhưng thâm tâm bà thỉnh thoảng vẫn hoang hoang có điều gì đó nghi nghi, sợ sợ nên chỉ biết thấp thỏm mong đợi!
Ngày chị Mơ sinh con, bà mẹ chồng trông thấy cháu đã nhận ra con trai mình ngay. Hai con mắt như đúc cùng một khuôn thế kia làm sao mà lẫn được. Có nỗi nào mừng hơn nỗi mừng này!
Mắt bà nội rưng rưng rồi tràn ra bao nhiêu là bao nhiêu nước mắt cho dù làng xóm vẫn không thôi điều tiếng. Có người tuy chưa rõ mặt đứa trẻ vẫn xưng xưng lên rằng con bé chẳng có tí ti nào nét bố nó cả mà sao gia đình nhà chồng vẫn để yên. Quả là người từ đâu rơi xuống. Rồi thì mặt nó y sì kẻ nọ, người kia. Vậy mà nhà chị ta vẫn như gan cóc tía. Vậy mà cái nhà bà mẹ chồng ấy vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt. Lại còn có câu đỡ câu nâng về hùa với cô con dâu hư hỏng nữa chứ. Lạ thật. Làng này xưa nay việc mẹ chồng bênh dâu kiểu đó chỉ có một chứ không có hai...
Biết là oan, nín lặng nhưng vẫn chẳng thể bỏ ngoài tai. Bình tâm chịu đựng được nhưng chị Mơ vẫn cảm thấy đau lòng. May mà được gia đình nhà chồng cũng cùng lặng yên, thông cảm.
Bà mẹ chồng nói với dâu con:
Bỏ ngoài tai mọi chuyện Mơ ạ. Còn chuyện đặt tên cho cháu, bố nói là dành quyền cho hai con.
Con và cháu xin tạ ơn mẹ. Còn tên cháu định đợi bố cháu về đặt cho còn giờ con tạm gọi là Nhẫn mẹ thấy có được không ạ?…
Bà mẹ chồng ôm chầm lấy chị Mơ, nghẹn ngào bảo với dâu:
Trời mang nó đến cho mẹ con mình đấy. Bố mẹ thương lắm nhưng chả gánh vác gì được cho con trong lúc bây giờ. Oan này mình con phải chịu. Thanh minh làm sao được lúc này. Hơi tí thì họ doạ bắt, doạ tù đày. Gì cũng chịu được miễn nó là con cháu của ông bà. Cầu Trời cầu Phật cho chóng yên hàn để bố nó về bố nó đặt tên đẹp cho con gái của mình. Giờ thì cứ tạm như con chọn gọi nó là cái Nhẫn cũng được nhà Khương ạ!…
Người con dâu nắm chặt tay mẹ chồng:
Bố mẹ khổ vì chúng con quá! Vợ chồng con có lỗi với hai bên ông bà nội ngoại nhiều. Nay mai yên hàn nhà con về chúng con xin được tạ tội!
Bà mẹ chồng lắc lắc đầu:
Không được nói thế. Cứ bình tâm nuôi con. Rồi làng xóm cũng có ngày sẽ hiểu hết thôi. Giờ mình chưa nói được thì mai kia nói cũng không muộn. Căn bản là cái tâm cái tình của mình. Lấy chồng thời loạn nó khổ như vậy đấy con ơi! Cứ nghĩ trai thời loạn gái thời bình mà đâu hẳn có như thế. Trai thời loạn, gái cũng thời loạn chứ có kém gì?
Còn bố chồng chỉ nói với con dâu một lời này:
Bố chịu đựng được! Đời bố sinh ra để gánh chữ Nhẫn, thờ chữ Nhẫn mà nhà Khương ạ. Bố mẹ biết, bố mẹ khổ một thì con khổ mười. Cả nhà mình cùng chung vai gánh vậy. Mây mù rồi cũng có lúc tan…
Chị đã có con. Ông bà đã có cháu. Giữ ý với làng xóm lại muốn tránh cho bố mẹ chồng phải chịu lời ra tiếng vào ngày ngày chị đã xin được với ông bà cho mẹ con mình ra ở riêng. Ông cụ ngậm mật đắng làm ngọt trước cái nhìn ra chiều trách móc của các bậc cao niên trong làng mà không dám hé sự thật. Ông là người có đôi ba chữ Nho cùng chữ Quốc ngữ, được tiếng là người có học của làng nên cái sự con dâu bị đồn chửa hoang nó nặng nề, u uẩn lắm. Biết làng xóm khinh oan gia đình mình mà không dám thanh minh. Sự nén chịu đối với người có chữ khổ vô chừng nhưng đành chấp nhận. Dù sao nó cũng nhẹ hơn nhiều khi phải nghe kẻ vô học hoạnh hoẹ, doạ dẫm. Bọn chúng có súng, có dao, có dây thừng, có nhà giam… có tất cả quyền lực để làm khổ gia đình ông nếu có điều gì liên hệ với người theo chính đuổi tà ở ngoài vùng tự do kia. Với chúng, dẫu là vợ, là dâu con thật nhưng chị Mơ không được phép gặp gỡ che giấu, đi lại ăn nằm với kẻ thù, hơn nữa lại còn sinh ra đứa kẻ thù con nữa.
Thật tệ hại cho sự yêu ghét bản năng gần thú hơn gần người của những con người!
Anh Khương thì vẫn biền biệt…
Làng Đoài Thông vẫn thấp thỏm ngày đêm giữa vùng tạm chiếm của kẻ ác. Bọn lính trên đồn động tí là hô quân về bắt bớ tra tấn người nọ người kia nếu phát hiện ra họ có liên quan tới ngoài kháng chiến. Nhiều gia đình quá sợ nên cứ phải cắn răng đóng cửa im ỉm chịu đựng trong đó nặng nề hơn có gia đình anh Khương, một gia đình Việt Minh!
Rồi nữa…
Họa vẫn chồng lên họa!
Họa này đến từ những người xấu dạ, hẹp lòng, nhiều ham muốn. Nặng nề hơn, u uất hơn là việc đó lại khởi sự từ những kẻ có quyền…
Sau chuyện đồn chị Mơ chửa hoang, lại rộ lên từ miệng những tâm địa này câu chuyện hình như tay Khương đã lẻn về ăn nằm với vợ. Không thế thì sao có chuyện hình như con bé có vẻ giông giống bố nó. Không thế thì lý gì bố mẹ chồng nó lại để cho nó yên được? Ghê thật. Cái tay Việt Minh ấy được gia đình che chở dung túng. Phải tìm cho ra nhẽ…?
Lý trưởng làng Đoài Thông có tên gọi chệch từ Trưởng thành Trương, theo nghĩa trương phềnh, rồi còn là Chướng nữa như kiểu chướng tai, gai mắt. Thường thì khi phải giáp mặt với vị quan làng này dân có việc cần xin xỏ nhờ vả thường gọi là ông Lý Trương cho ra vẻ lễ độ còn đằng sau thì cứ Chướng nọ Chướng kia họ lôi ra mà réo.
Một số cường hào của Đoài Thông với Lý Chướng vẻ ngoài thì thưa bẩm nọ kia nhưng trong dạ có những ghen ghét, khinh bỉ khác. Là quan to nhất làng Đoài Thông đấy nhưng Lý Chướng thuộc diện bỏ tiền mua quan. Là quan thì phải có chữ nhưng Lý Chướng mới đầu chỉ biết điểm chỉ, sau phải thuê thầy giáo người hàng tổng dạy viết tên mình để ký được chữ loằng ngoằng lên giấy vì bề trên không cho phép kẻ làm quan, dẫu là quan thôn quan làng được in ngón tay điểm chỉ bên cạnh cái triện. Làm như thế là làm việc kiểu thằng mù. Muốn bảo ban dân thì ông Lý không được nhắm mắt dò gậy dẫn đường, kể cả thong manh nếu phải lờ mờ tìm lối. Ông Lý Chướng đã tập đến méo cả mồm mới ra được chữ tên mình. Chữ là chữ ký của kẻ có trách nhiệm cũng là nhân cách tư cách của người được giao trọng trách trước mọi người. Vậy mà khi phải thay mặt nhà quan tra khảo chị Mơ ông ta đã oang oang nói giọng hàng tôm hàng cá:
Nhà mày có chữ, có học không? Sao chưa chịu viết đơn khai báo với làng với xã để chúng ông xem, chúng ông đọc rồi chúng ông còn mang lên quan trên vạch tội? Có phải đây là con thằng Khương Việt Minh không, này cái ả kia?
Chị Mơ bầm mặt, nhức tai nhưng vẫn từ tốn, nhún nhường:
Ông Lý biết hết mọi chuyện rồi còn hỏi nhà cháu làm gì nữa cho nhà cháu thêm đau lòng? Cháu là cháu… bẩm thưa ông Lý chứ không phải là…
Lý sự…
Bẩm thưa ông Lý… ông Lý chả nói “nhà mày có chữ”… Cháu biết ông Lý cũng “có chữ”…
Lý Chướng giật mình, chững mặt. Câu nói của chị Mơ như cái tát giáng vào miệng kẻ quen lối hỗn hào với người yếu thế. Lát sau Lý Chướng hạ giọng:
Thôi được. Bẩm bẩm thưa thưa mãi làm cái quái gì. Nói cho đúng là thế này: Cô là vợ Việt Minh cô hiểu chưa! Cả nhà cô có liên quan tới kháng chiến làng không thể cho qua. Nếu nó là con thằng Khương thì phải trị. Bỏ làng xóm theo Việt Minh lại còn lén lút trở lại gieo rắc nên cái thứ Việt Minh con này. Cái tên Khương nhà cô ấy. Hư hỗn quá, không thể được! Phải trị.
Chị Mơ lắc đầu than thở, giọng day dứt:
Từ ngày nhà cháu đi đến nay nào đã... Giờ không may trót rồi, ông Lý thương cho thì mẹ con cháu được nhờ. Nhược bằng ông Lý với làng có đánh đòn phạt vạ thì mẹ con cháu cũng phải chịu…
Lý Chướng cười khẩy, giọng dịu hẳn:
Thương thương cái mả nhà cô. Sướng cho lắm vào giờ thì chối quanh, chối quẩn. Cô nói không may đã trót? Trót với ai? Có đúng là không phải với thằng Khương không?
Dạ thưa…
Lý Chướng nhíu mày. Kẻ có quyền bĩu môi:
Vậy thì… với đứa, đứa nào?! Chị Mơ rối rít:
Dạ… dạ…
Lý Chướng dồn ép, vẫn giọng điệu bề trên:
Nói ngay. Nhà chức trách có ăn thịt mất cái của cô đâu mà sợ. Nó vẫn trơ trơ ra đấy. Ỡm ỡm, ờ ờ…! Gớm ghê.
Chị Mơ muốn bật cười về cái lối nói ghẹo gái của ông Lý sau vội nín lại rồi ra vẻ lúng túng:
Thưa thưa… có… có… nhưng… ở xa lắm ạ! Ông Lý Chướng cười nhạt dỗ dành:
Xa xa thì cũng phải có chốn có nơi chứ. Nói đi, nếu tiện tôi sẽ gô cổ nó về chịu tội nuôi con cho. Bằng không… hì hì…
Chị Mơ lừ mắt, tỏ vẻ khó chịu rồi cúi mặt nghĩ cách, ấp úng:
- Dạ… ở …ở mãi tít trên rừng sâu núi thẳm kia ạ! Nhà chức trách có tên quen gọi là Chướng vẫn dồn ép:
- Cô đi đâu vào tận rừng?
Người bị truy hỏi có tên là Mơ khẽ cúi mặt, giọng lạnh lùng:
- Dạ… cái hôm đi lên ngược buôn măng về bán Tết ạ. Ông Lý Chướng lúc này như kẻ vừa phát hiện ra sự tình gì mới lắm bèn hấp háy mắt, cười phá ra:
Gặp bọn đào củ chứ gì, úng bụng là phải. Cho chết. Hư hư quá. Mà thôi quan tha, làng cũng chẳng bắt vạ nữa. Thế cũng là ủng hộ quốc gia rồi. Dắt díu với cái thằng Việt Minh phản động kia chỉ có tổ tù tội thôi cô Mơ ạ! Còn có muốn ủng hộ quốc gia nữa ở làng mình cũng ối chỗ mà. Tỉ như…
Lý Chướng nhắm một bên mắt, xếch miệng. Môi quan làng trước cứng như mo nang giờ mềm như giẻ nhúng nước. Chị Mơ chỉ biết im lặng. Người mang tiếng chửa hoang đã được ông Lý khen vì lý do rất chính trị. Truyền thống đạo đức của Đoài Thông đã được chức dịch làng sang sửa nội dung vi phạm thành sự hợp lý hợp tình do hoàn cảnh vắng chồng không chịu nổi đâm sinh sự cho hợp với tình hình thôn xóm lại còn gợi mở cho lối đối nhân xử thế của quan làng để tăng thêm giá trị nhân nghĩa nữa!
Trước khi tha cho chị Mơ về ông Lý còn lấy tay đập khẽ lên mái tóc của chị Mơ. Cái đập đập của ông Lý ngỡ như đánh lại không không ra đánh mà có vẻ như vỗ vỗ, giong nhỏ nhỏ với nhiều ngụ ý:
Cô vẫn còn đẹp lắm đấy cô Mơ ạ. Xưa đã nhất làng giờ cho dù đã là gái một con vẫn nhất nhất đấy. Lý tôi chỉ nói thế thôi cho đúng với phép làng phép nước nhưng lòng dạ vẫn có cái khác đấy. Đứa con của Mơ ấy dù có chuyện nọ chuyện kia nhưng mẹ nó vưỡn…
Dạ cảm ơn ông Lý có lòng cảm thông…
Thôi cô về đi. Nhớ đấy… tôi…
Đa tạ…
Chị Mơ lừ mắt nhìn chéo lên gương mặt như ngỗng ỉa của viên quan làng rồi lùi lũi bước đi. Chị có cảm giác như đôi mắt của ông Lý Chướng vẫn đang soi sói nhìn vào lưng áo, lưng váy của mình gây sự.
Linh tính như một sự mách bảo!
Quả tình có chuyện…
Khuya ấy khoảng gần gà gáy nửa đêm chị Mơ đang thiêm thiếp ngủ thì nghe có tiếng động ngoài cửa. Hình như gió? Không phải. Gió làm sao mà làm ra tiếng “cạch cạch cạch” được. Tiếng này chỉ là tiếng người gõ cửa.
Im im lắng nghe chị Mơ thấy lẫn trong tiếng gió nhẹ có cả tiếng thở chen tiếng người nữa...
- Cô Mơ… cô Mơ ơi…
Định bật lên câu “ai đấy” nhưng chị Mơ đã vội nín ngay và lặng người nghe tiếp:
- Mơ ơi… Mơ…
Thôi chết. Tiếng như tiếng Lý Chướng!
Chả nhẽ…?
Có khi thế thật.
Lúc gặp chị Mơ tiếng lão rắn đanh nhưng mắt thì ỡm ờ cứ như ma làm khi thả cho chị ra về. Cái cung cách ấy là cung cách của đàn ông háu gái. Chị là đàn bà chị biết…
Tiếng gõ cửa vẫn đều đều cùng tiếng gọi:
Mơ ơi...t…ô…i…đ- â- y… m- à… -…
Chị Mơ giật mình lùi vào phía trong nơi cửa ngách có lối ra vườn.
Lâu lâu sau…
Bất ngờ, phía ngoài đường thôn trước cánh cửa nhà chị Mơ, người gõ trộm cửa giật bắn mình quay lại khi nghe có tiếng nói gắt gỏng:
Ai?
Tôi tôi… Lý Chương đây…
Ra vậy. Chị Mơ thoáng nghĩ rồi nói rõ to, dồn dập:
Nhà cháu chào ông Lý. May quá là may… thật hú vía!
Chị… chị…
Ôi làng xóm ơi, đa tạ ông…! Ông Lý ơi…
Đa tạ cái gì. Be bé cái miệng. Nhà chị đi đâu mà tay cầm đòn gánh thế này…
Chị Mơ vươn tay cầm đòn gánh ra phía trước, giọng nói có vẻ lớn hơn, dồn dập hơn:
May quá là may, ông Lý ơi. Đang định kêu lên để làng xóm biết. Chả là nhà cháu nghe như có trộm. Nó có ý định lẻn vào. Cháu phải vác đòn gánh lẻn cửa sau ra rình đấy ông Lý ạ. May mà lại có ông đây. Cháu… cháu…
Lý Chướng ấp a ấp úng nói nhỏ:
Nói nho nhỏ thôi…
Cháu… cháu…
Cháu cái mả nhà chị…! In ít cái mồm…! -…
Ông Lý bỗng nói to lên như muốn lấn át mọi chuyện:
Giờ nó chạy rồi chứ gì? Cái bọn trộm ấy?
Dạ dạ… nó… nó…
Thôi nhà chị vào nhà đi. Bọn chúng trốn rồi phải không? May mà có tôi đấy. Vào nhà đi. Đóng cửa cho chặt. Tôi còn phải đi tuần tiếp đây…
Dạ… em cảm ơn ông Lý. Không có ông thì…
Thì thì… em đấy…
Ông Lý vung tay. Chị Mơ vội lùi nhanh vào trước cửa nhà mình tay vẫn nắm chặt chiếc đòn gánh. Lý Chướng sững lại nhìn chằm chằm vào người đàn bà đáo để định tỏ một động tác gì đấy nhưng lại thôi ngay và nói to tiếp:
Hư hừ… trộm cắp nhiều quá. Nhà chị đi ngủ đi. Nhớ phải đóng cửa cho thật chặt. Liệu mà be bé cái miệng thôi. Có gì động tĩnh thì kêu to như ban nãy ấy cho làng biết…
Cảm tạ ông Lý ạ…
Chị Mơ nói lời trơn tuột và nheo mắt nhìn kẻ quyền hành. Đang trong bóng tối hắn chẳng thể rõ thái độ của chị. Lúc ấy chị chỉ nghe thấy Lý Chướng đập tay vào người lão ta bồm bộp rồi mất hút giữa đêm. Ông Lý có vẻ bực tức khi sự lỡm lờ bị cái chính chuyên ngăn chặn một cách ý nhị. Chị Mơ luôn tự nhủ mình phải nhún nhịn, tối nay chị cũng đã nhún nhịn. Chị biết càng nhún nhịn nhiều càng tốt hơn cho hoàn cảnh của mình!
Nhưng… nặng nề lại nối tiếp nặng nề.
Tai mắt người đời vẫn đâu chịu buông tha chị. Sau đêm va chạm với bóng đêm có chứa ông Lý Chướng ấy người Đoài Thông biết chuyện lại vạch ra rồi thêu dệt thêm …
Làng ồn ào rằng nửa đêm hôm ấy ông Lý Chướng đến gõ cửa nhà chị Mơ. Sự ồn ào này được nhóm lên nhiều nhất là ở một số chức dịch có liên quan tới công việc thôn cùng ông Lý. Họ thì thào như thật rằng, rằng “cái mụ Mơ thị Hến ấy”, mụ ấy ấy có tình với tay lý. Lại có người xưng xưng lên rằng là mụ ta đã dùng cái ấy biếu không ông Lý Chướng để gỡ tội cho chồng mình. Chuyện gai góc đến mức mọi người phải loa loa khắp nơi rồi đưa nhau ra giữa đình làng luận giải.
Đấy là cảnh sân đình làng Đoài Thông ninh ních người là người. Các vị có chức tước áo dài khăn xếp ngồi xếp bằng tròn trên chiếu hoa. Dân tình vây quanh kẻ đứng, người ngồi. Miệng nọ mắt kia ai cũng xéo nhau, nhìn ngắm, to nhỏ. Họ châu vào chỗ giữa sân nơi có chị Mơ ngồi trên manh chiếu cũ trước các quan làng đang lộn xộn nhấp nhổm trên mảnh chiếu hoa mới và ông Lý Chướng tay chống nạnh đi đi lại vẻ bầm gan bầm ruột cùng chất giọng oang oang:
Đứa nào ngứa miệng đơm đặt, thằng nào to lời bôi chuyện…? Ông là ông gô cổ nhốt vào điếm canh hết.
Người cùng hàng quan xã với ông Lý lại có ý đang tranh chức tranh quyền với ông thẽ thọt:
Đom đóm bay đêm cái đít lập lòe giấu làm sao được ngài Lý hỉ…
Ông này từng mon men lẻn đến xúi chị Mơ:
Nhà chị mà không nói ra là nhà chị thiệt. Thiệt về nhân phẩm, thiệt về tình nghĩa. Láng giềng còn ai thương mình, thông cảm với mình nữa. Lão ta thì no xôi chán chè. Riêng mình là mất đơn, mất kép.
Chị Mơ thành thật:
Nhưng dạ thưa… quả tình không có chuyện đó.
Chị nói chuyện đó là chuyện nào? Chị nói chị nghe. Thử hỏi dân làng ai nghe chị, tin chị?
Nhưng…
Có chuyện ông Lý Chương đến gõ cửa nhà chị không?
Dạ thưa… ông Lý chỉ đi tuần qua…
Hừ… tuần qua. Việc ấy là việc của tuần đinh chứ đâu là việc của kẻ đứng đầu Đoài Thông. Thôi nhà chị đừng có ỡm ờ nữa. Cứ ra mà thưa chuyện với dân làng. Mình con sâu cái kiến nói rõ đầu đuôi mọi người sẽ thương. Đứa háo danh háo sắc dẫu có là thằng nọ thằng kia cũng chẳng thể chối mãi được…
Dạ thưa…
Không nhiều loanh quanh nữa. Tôi cũng là kẻ có trọng trách của Đoài Thông biết chị có hoàn cảnh nên khuyên thật. Biết nghe lời sau này có vướng mắc gì tôi sẽ gỡ giúp cho. Chuyện này cũng chỉ tôi biết, chị biết thôi đấy nhé. Cái tay Lý này như chó dại hay cắn càn lắm mình phải đề phòng…
-…
Nghe thì lành ấm thân mình…
-…
Kín miệng có lúc rã xác ra không có ai cứu…
Nhà cháu hiểu ạ. Nhưng thưa…
Thưa bẩm ích gì khi chỉ có ta và nhà chị. Cần là cần nhà chị ra thưa bẩm với dân làng kia kìa…
Dạ, vâng ạ…
Ta muốn cứu người, nên nhà chị phải biết điều? -…
Ai cứu, cứu ai? Cũng một phường cả thôi, tranh nhau chỗ chiếu ngồi. Họ thương gì mình đâu. Chị Mơ nhận ra mặt thật của đứa xúi bẩy nhưng vẫn nhận lời ra đình thưa hết chuyện có thật với dân làng và các quan viên. Chị nghĩ mưa gió thất thường thế này mình là kẻ đang đi trên đường phải biết lối mà che giữ.
Còn các đối thủ của ông Lý Chướng khi hay tin này như sắp mở cờ trong bụng vì nghĩ mình sẽ được cuộc với chuyện trai gái nọ. Họ cho rằng “Thị Hến Đoài Thông” sẽ rũ váy vào mặt gã Lý Chướng vô học và bệnh hoạn. Lúc ấy là lúc đánh bài ngửa với đứa tham quyền cố vị. Hắn sẽ trắng chiếu trước làng xóm cho dù cái nhà chị kia có thật hay không thật dâng thịt cho hắn nhắm thì ông Lý vẫn đi đời ông Lý, còn cái ả có chồng theo Việt Minh kia cũng chẳng giữ nổi hai chữ chung tình với tên gây loạn.
Kẻ ác mượn cớ diệt kẻ ác bằng nỗi oan khổ của người lương thiện, thật ác!
Nhưng khi đứng giữa sân đình sự việc đã khác. Trước dân làng và quan viên chị Mơ bình tĩnh, rành rọt:
Nhà cháu có trộm lọt vào vườn định ăn cắp gà. May mà có ông Lý đi tuần qua đuổi giúp.
Nói sai. Nói sai…
Có người nhìn thấy ông Lý gõ cửa nhà chị.
Lý Chướng tái mặt. Chị Mơ bình tĩnh:
- Ai nhìn thấy ạ xin cho nhà cháu biết.
Tất cả lại im. Mắt nhiều người ngây đơ. Cả kẻ xúi chị đổ tội cho Lý Chướng mặt cũng im phắc như đất nặn. Đúng là đồ ném đá giấu tay…
Lý Chướng mừng quá, đứng phắt lên:
Thấy chưa. Nào những ai muốn gắp lửa bỏ tay người đứng lên cho dân làng xem mặt... Ai? Ai!
Ai đó trong đám quan viên thét to, hở lời nhưng che mặt:
- Một giuộc cùng ăn ốc cùng đổ vỏ rồi các cụ ơi… Lại có kẻ thẽ thọt, thầm thì chõ miệng vào tai nọ tai kia nhưng mắt thỉnh thoảng vẫn liếc trộm ông Lý sợ bị phát hiện:
Cơm no bò cưỡi. Đàn bà hư thì hết chỗ bàn. Quan vua gì gì cũng phải thua. Có mỗi cái ấy thôi mà lắm đứa xiêu ghế, xiêu giường, rách chăn, rách chiếu…
Lý Chướng được đà vung tay:
Không được đơm đặt, vu cáo. Ai? Ai!
Lại có tiếng rỉa rói thì thầm:
- May mà cái ấy không thể làm dấu…
Một người trong đám ngồi chiếu hoa ngó nghiêng rồi vuốt râu, thét to:
Đình làng hay là cái chợ các vị ơi. Hay ho gì chuyện trai trên gái dưới ở chốn đèn nhang. Chung quy chỉ vì mỗi cái…! Ngồi trên chiếu hoa là để bàn chuyện nhang khói, hương hoa. Nhục nhục quá là nhục. Thôi giải tán. Ai về nhà ấy lo việc làm ăn.
-…!!!
Còn ông Lý ông là người quyền to nhất làng nhưng phải nghe tôi. Dẫu sao tôi cũng là người nhiều tuổi nhất làng. Dẹp cái chuyện này lại. Mặt mình sạch ai cố tình bôi bẩn rửa cái là xong…
Mọi người cười ồ.
Lý Chướng nhìn cụ Nhất của làng lim dim mắt gật gù về những lời cụ nói rồi liếc vội nhìn trộm chị Mơ và nhanh chóng quay mặt đi. Mọi người dần tản ra. Chị Mơ nhìn các vị ngồi trên chiếu hoa có ý nếu các cụ không còn dạy bảo điều gì nữa nhà cháu xin phép được cáo lui với nụ cười thầm trong bụng. giữa đình làng, nghe mọi người, hầu hết là đàn ông có chức có quyền cãi nhau rồi vặn vẹo về mình một cách vô cớ, vô tình mà chị Mơ uất đến muốn vung tay vung chân nói lời nọ lời kia cho hả dạ. Chị vốn có chút ăn học nên chả thiếu lời đối đáp. Nhưng trong cảnh ngộ này đành phải ngậm đắng nuốt cay, chôn giấu trong dạ nỗi căm, niềm tủi cho qua ngày qua tháng. Chị sợ họ như sợ hủi và muốn tránh họ như tránh tà. Dù sao vẫn phải sống để chăm sóc bố mẹ già và nuôi con, chờ chồng. Lương tâm sạch dù sống giữa những nhá nhem, bụi bặm chị vẫn bền gan gánh chịu với vẻ ngoài nhũn nhặn, cam phận. Gan chịu đựng của chị là gan lim, gan sến trong một dung nhan từng khởi sắc, dịu dàng…
May mà chuyện ấy qua.
Kẻ cố tình vùi dập người khác rồi cũng có khi mỏi tay, chán óc. Lý Chướng sau đó mỗi lần gặp chị Mơ đều có ý lánh mặt. Chị Mơ đã gỡ bẫy cho ông Lý ở giữa chốn bon chen lợi quyền. Thực tình Lý Chướng đã không bị nhuốm chàm trước cách chống đối khôn ngoan của người vắng chồng biết thủ tiết với chồng. Lý Chướng muốn dựa vào hoàn cảnh của chị để lợi dụng chị nhưng đã thất bại trước chị. May mà ông Lý không bị trắng chiếu trước bon chen, đố kỵ của các đối thủ. Được vậy cũng là nhờ sự phân minh của người phụ nữ đẹp của làng mà Lý Chướng từng muốn vu vạ để kiếm chuyện ăn hôi.
Lão mà biết xấu hổ là gia cảnh chị Mơ được thêm ngày bình an.
Lạy Trời, lạy Phật…!
Đi với bụt mặc áo cà sa đi với ma mặc áo giấy, người xưa dạy đố có sai. Ngay cả lúc này càng đúng.
Chị Mơ tự nhủ mình ngày ngày rằng phải biết cách sống giữa bầy quỷ để tồn tại dù cảnh ngộ có trớ trêu bày đặt thế nào?