Ngôi nhà nhỏ ấy ở ven làng Đoài Thông. Nhà lợp rạ, thấp tè, sùm sụp, cũ kĩ trông như người lùn đội nón mê rách trên bãi đất cằn. Ban ngày nhìn vào cứ tưởng nó là cái lều hoang bị bỏ quên hơn là một ngôi nhà đang có người ở vì lúc nào nó cũng im ắng như không có người. Khi đêm xuống trông nó lại càng trơ trọi, heo hắt và lầm lì hơn. Đấy là một khối lùm lùm sâm sẫm hình một cái thúng úp trên bãi đất hoang hơn là chốn ở của người.
Ngôi nhà ấy là của mẹ con chị Mơ. Nó được dựng lên sau hồi chị sinh con. Sợ lây điều tiếng sang bố mẹ chồng chị đã ngỏ lời xin ông bà ít đất ngoài rìa làng rồi vun vén tiền nong, mua sắm tre lạt… nhờ thợ đến làm cho. Chị muốn hai mẹ con có chỗ chui ra chui vào của riêng mình cho yên phận trong lúc điều tiếng nọ kia về sự chồng biệt tích mà “vợ vẫn ễnh ra lại còn trơ ì chống chế” vẫn râm ran ngõ to ngõ nhỏ Đoài Thông. May mà bố mẹ chồng biết cảm thông cùng dâu con và dám nén chịu để đợi chờ cùng chị. Nỗi oan này chỉ khi im tiếng súng, anh Khương chiến thắng trở về may ra mới có thể gỡ được.
Mặc dù ra ở riêng ở chỗ đất vắng, lại có ý tránh chạm mặt người nọ, người kia nhưng qua vách đất mỏng, qua khe cửa gió lùa thỉnh thoảng chị Mơ vẫn nhận được những câu gai nhọn, những lời sung chát, khế chua…
Có chập tối, ai đó đi qua ghé mồm nói qua khe cửa:
Ở một mình thế này thì tha hồ mà mèo chuột nhỉ. Ai đó đứng cạnh cũng đế thêm:
Nhan sắc lắc ra tiền mà.
Và cười hích hích:
Đẹp lại hơ hớ ra thế làm sao không có thợ cối gọi rao đóng đồ…
Ngồi trong nhà nghe người ta chõ mồm vào nhà mình mà vẫn phải cắn răng chịu. May mà con bé đã ngủ lại chưa hiểu gì. Chỉ có chị Mơ nghe thấy và thấm buốt đến từng thớ thịt.
Lại có đêm hôm vào khuya, ai đó, cả đàn ông lẫn đàn bà kháo chuyện bên đầu hồi nhà chị.
Một giọng nữ:
Này này… nghe như mấy lão đi tuần đêm, qua nhà ấy… nhà ấy… thỉnh thoảng có ghé vào. Lại còn đứng canh cho nhau nữa…
Thật vậy sao? Cụ Lý cụ Chánh mà biết chắc chắn là tội chết…
Một lời nam văng tục:
Chết cái củ nhà nó. Cụ Lý đã chẳng tòm tem cái hũ mắm tôm mãi rồi..
Láo! Việc đã đưa nhau ra sân đình phân giải kia mà. Chính ả ta…
Nhiều tiếng cười to:
Gái đĩ già mồm thôi. Ông Lý thế mà may đấy. Không thì… áo the khăn xếp khi lấm lờ là chắc chắn sẽ mất cảnh ăn trên ngồi trốc…
Leo ơi. Nói ghê quá. Nhưng nhà ấy, nhà ấy là nhà nào?
Bố ai dám nói…
Điêu…
Một giọng đàn bà the thé:
Thôi thì thôi vậy. Kệ. Nhà nào có chồng thì biết điều thít nút quần chồng cho thật chặt. Chỉ nói lăng nhăng thế thôi. Nghe thì nghe không lấy bông nút hai lỗ tai vào…
Trời cao đất dày ơi. Miệng người sao cay độc. Xin đừng cay độc trước một nỗi niềm oan khuất khó nói khó thưa. Đã phải cắn răng, chai mặt nơi sân đình trước ông Lý ông Chánh rồi mà sao…
Đêm đêm thỉnh thoảng cứ u u tối tối như thế này thì làm sao mà sống nổi. Lắm lúc chị Mơ muốn nhắm mắt xuôi tay để thân xác được trôi xuống tận thăm thẳm âm ti cho quên lãng sự đời mà không dám. Bên cạnh chị là hơi ấm của con, là sinh linh của chồng trao gửi. Anh Khương ơi có nỗi khổ nào hơn nỗi khổ này?! Anh Khương ơi, sao mà cứ biền biệt mãi vậy. Với em ngày nào cũng ngắn, đêm nào cũng dài. Chồng Việt Minh lính Tây lính ngụy săn lùng. Vợ ở nhà, thời gian hừng hực trong vòng vây bủa của lửa, của tro than, của ganh ghét và ham muốn. Một không gian hành xác. Nhưng em phải sống, phải gan góc như đất như đá nuôi con, chờ anh. Mệnh kiếp thế rồi làm sao có thể thay đổi nếu anh không trở về sau kháng chiến…
Chỉ có chấm đèn dầu là tri âm, tri kỷ mỗi đêm. Một chấm lửa xanh nhỏ hơn hạt đỗ le lói nơi góc nhà chỗ cuối giường luôn luôn là bạn. Chấm đèn thức giữa khuya khoắt tựa cái chồi mầm bé xíu. Nó như thể muốn nói với muôn vật xung quanh rằng nó vẫn đang sống, đang tồn tại, đang âm thầm thở giữa thinh không thăm thẳm đen ngòm của đêm và réo rắc ma quái của tiếng côn trùng. Còn con người bên nó thì đang ngủ hoặc thức trong im lặng. Họ nín thít giữa đêm hôm tìm sự an toàn cho chính mình sau lời qua tiếng lại dị nghị, trong ánh đèn pin thỉnh thoảng lại lóe lên ngoài xa, vào gần cùng những bước chân lạo xạo trên đường làng của bọn lính đồn đi tuần tra, cảnh giới.
Làng Đoài Thông đã là làng tề nhiều năm nhưng chẳng mấy khi yên. Vì tính nhát gan của bọn cai trị trước khí thế của người kháng chiến sau chiến thắng lừng lẫy của họ trên mặt trận Biên giới nên người dân vùng tạm bị chiếm luôn luôn bị xét nét, đe doạ. Kẻ yếu bóng vía sợ đêm khi bóng tối lan về. Người lương thiện tay không tấc sắt sợ lũ cùng đường. Với chị Mơ không gian sống của hai mẹ con lại như có gì đó dị biệt hơn bởi có chồng đi theo Việt Minh.
Làng nào buổi tạm bị địch chiếm không là vậy! Nặng nề, lắt léo, uẩn khúc vô cùng. Nhất là những người có hoàn cảnh như chị Mơ. Nhưng nó chẳng thể ngăn nổi tiếng trẻ khóc khi bé giật mình, khi ấu thơ chợt giấc thức. Khóc váng lên hoặc ẹ ẹ quờ tay tìm hơi mẹ đó là thói quen măng sữa của trẻ thơ và niềm vui tự nhiên của người có con. Đó là sự sống cũng là sức sống.
Tiếng trẻ là tiếng tự nhiên mầm hạt nẩy chồi.
Bọn địch cũng đã quen với tiếng trẻ khóc đêm như thế ở nhà chị Mơ nên dần dần bơn bớt cái giọng ngoáo ộp dọa dẫm mỗi khi đi qua.
Đêm nay như mọi đêm sau giấc ngủ say, chợt thức bé khóc. Ngôn ngữ đầu của những đứa trẻ mới sinh gọi mẹ. Ngôi nhà chật hẳn lên. Chị Mơ chợt tỉnh táo đưa vội tay choàng lên con vỗ vỗ…!
Rồi tiếng ru, à à ơi, à à ơi, à à ời…
Lời ru nhỏ nhỏ như chỉ dành riêng cho mỗi hai mẹ con nghe. Lời ru lo hãi trong đêm vây bủa ấy như chỉ muốn nép vào lòng người mẹ rồi nhè nhẹ tỏa xuống người con. Chả gì có thể ngăn nổi câu hát mẫu tử như nước chảy từ nguồn lan xuống ấy. Nó bất chấp tất cả!
À… à… ơi!
Cái cò, cái vạc, cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông thế cò?
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi
Chẳng tin thì ông đến nơi
Mẹ con nhà nó còn ngồi ở đây…
À à ơi, ạ à ơi!
Tiếp đó là tiếng nựng con của chị Mơ. Tiếng mẹ cũng nho nhỏ như tiếng ru. Lời của người nép vào người giữa xung quanh chập chờn bóng thú. Âm thanh trong trắng ấy khiêm nhường và da diết làm sao…
“Ngủ đi con, ngủ đi. Mẹ thương rồi, thương lắm mà. Chớp chớp mắt mãi làm gì. Bố mình chưa về được đâu. Súng còn nổ mà. Con mong chờ thay mẹ ư? Mẹ cảm ơn. Việc ấy là của mẹ, à ơi…”
Một lần, lúc bé vừa mới sinh, cũng cảnh đêm như thế này chị Mơ thầm thì trong hơi sữa phả ra từ ngực mình, từ miệng con. Người mẹ diết con vào lòng và thầm thì: “Cũng đúng thôi. Từ ngày cất tiếng chào đời đến giờ con đã được gặp bố đâu. Phải chịu đựng mà. Mẹ trĩu vai quá rồi. Con nho nhỏ thế này cũng phải ghé vai đỡ mẹ. Nhẫn ơi…”
Bất giác chị Mơ kêu lên thế. Ôi tên con!? Nhẫn ư? Sao tự nhiên mẹ lại thốt lên từ ấy. Hay là từ cao xa Trời Phật mách bảo. Không. Hình như số phận đang xui khiến. Con sinh ra là phải có tên để gọi mà. Cứ bé tí mãi sao. Mẹ con mình còn đang đợi bố về, muốn được bố đặt tên cho con.
Nhưng…!
Đợi.
Đợi mãi…
Đến bao giờ bố Khương mới về. Chiến trường chưa ngày ngơi tiếng súng. Dạo này thỉnh thoảng đâu đó có đánh nhau gần gần quê mình nữa. Nghe nói du kích cũng đã hoạt động mạnh. Nhiều nơi có phong trào phá tề trừ gian. Mỗi lần nghe tin ấy mẹ lại mừng mừng và mong mong. Nhưng đợi vẫn là đợi. Một ngày chưa nhìn thấy mặt bố con thì nỗi trông ngóng vẫn luôn thăm thẳm. Nhẫn ơi, mẹ đã mạn phép bố con và thưa chuyện với ông với bà về việc tạm đặt tên con:
Thưa thầy mẹ, con muốn tạm đặt tên cho cháu như vậy. Lúc nào nhà con về con xin nhường quyền cho bố cháu đặt tên con…
Bà bảo:
Cứ tạm tạm thế đã cũng được. Nhưng…
Nói với con dâu mà bà cụ thở dài. Cái tên cơ khổ ấy thực lòng bà không muốn mặc dù ông cháu nói về mặt chữ nghĩa thì được.
Nhẫn nhịn, chịu đựng mãi với người lớn thì không có gì nhưng áp vào cho đời con trẻ nó cay cực lắm Mơ ạ.
Mẹ ơi… vậy thì…
Nhưng thôi con đã chọn...! Tàm tạm thế đã cho bà mụ đỡ quở. Sinh ra là phải có cái tên để gọi. Lại còn khi lễ bái thưa gửi lên các đức thần linh nữa.
Bố chồng nhìn vợ mình gật đầu nhẹ nhẹ:
Bà nói thế là phải phép lắm. Tôi hiểu cái đa sầu đa cảm của bà nhưng suy cho cùng ở đời này ai không phải gánh chữ Nhẫn trên vai. Cứ đặt tạm tên cháu là thế như ý con. Mai kia Khương về mình chọn tên khác cho cháu cũng được. Giờ loạn lạc cũng chưa có thời gian làm khai sinh cho cháu. Vả lại gia đình ta đang có chuyện éo le. Khai sinh phải có đầy đủ tên bố tên mẹ…
Bố chồng thở dài trước cảnh ngộ của con dâu của cháu. Vết hoen ố oan uổng vẫn chập chờn. Nghi kỵ giày xéo lên gia cảnh kẻ có người làm Việt Minh. Mẹ chồng lấy vạt áo chấm nước mắt. Con dâu buốt nhói tận gan, tận óc…!
Chị Mơ run run thưa:
- Dạ! Con xin theo lời thầy mẹ.
Bà có vẻ chưa thật xuôi lòng. Bà không muốn cháu phải như vậy.
“Mẹ biết lắm Nhẫn ơi…”
Chị Mơ nhiều lần thầm thì với con như vậy. Vì thế mà bà ít gọi tên con là Nhẫn mà hay gọi là Bé Tí mỗi lần qua thăm cháu. Bà có ý muốn đợi con trai mình về. Người đẻ ra con sẽ đặt tên cho con, Bé Tí của bà ạ. Ông bà nhường phần hạnh phúc này cho bố con mà, Nhẫn ơi…”
“Ư, ngủ đi, ngủ ngoan nào Nhẫn của mẹ. Mẹ con mình cùng đợi, cùng mong bố Khương mà, đúng không? Cứ im súng nổ là thế nào bố của Nhẫn cũng sẽ trở về…”
Lời của chị Mơ nựng con…
Nói với con mà như nói với mình…
Lời chị đủ để chị nghe, chị ngấm!
Bé Nhẫn ấu thơ chưa hiểu được mẹ nói lời gì. Nó chỉ nhận thấy dịu dàng từ miệng mẹ những âm thanh âu yếm. Âm thanh ấy khác nào những làn mưa xuân gieo nhẹ lên cuộc đời non nớt của con trẻ mà vun xới, chăm bẵm cho nó, cho dù...! Nó cũng đang oan ức như mẹ. Là con bố Khương thật mà với làng xóm nó bị coi như đứa con hoang. Chỉ có mẹ nó biết nó là thật, ông bà nội biết nó là thật nhưng chẳng ai dám hé răng một lời sợ lộ sẽ càng hệ lụy hơn. Ngôi nhà của người có kẻ đi kháng chiến luôn luôn bị vây bủa, xét nét! Ngôi nhà chỉ những người hiền ở với nhau mà sao luôn bị quỷ ám. Họ thật là mình của làng của xóm mà sao phải lẩn khuất như cái bóng ma giữa đời. Chẳng ai muốn gần họ dù biết họ là ai. Chỉ họ biết lấy họ, mình tin lấy mình!
Lời ru lại cất lên “ạ ạ ời ời, ạ ơi ời…!”. Tiếng tiếng người nối nhau là của thứ âm thanh trong một giai điệu buồn nhiều xúc động ấy cứ như thừng xoắn chặt lấy người nghe, người cất...
Đời người vốn buồn. Có cảnh ngộ càng buồn hơn.
Tiếng tiếng mẹ ru con rã ra như đất mềm gặp lũ lụt.
Rền rĩ vô chừng, não nuột vô chừng, chị Mơ ơi.
Âm thanh ấy nhiều lúc thật có hồn mà lại như vô hồn.
Buồn có cớ: Bầm gan bầm ruột!
Buồn như vô cớ: Hoang hoang lo sợ tứ bề!
Buồn của nỗi nhớ kẻ xa: Hy vọng cùng Vô vọng… Buồn ấy là nỗi buồn của người vợ thương chồng… Màu ánh sáng của chấm đèn dầu hạt đỗ trong mắt chị Mơ nhiều đêm khi mờ khi tỏ. Chị cảm thấy như vậy.
Là ảo giác hay linh giác?
Nỗi khắc khoải của thời gian, theo thời gian chỉ có đêm đêm chấm đèn leo lét này rõ nhất. Trông vào ngọn đèn, thức cùng ngọn đèn và nín lặng.
Đấy là lúc tiếng lòng người được thốt lên dữ dằn, dội xói…
Và rồi, có một đêm, khuya lắm, hình như đang sắp ngả sáng thì phải.
Lạ vô cùng…
Đang lặng chìm trong nỗi người côi cút bỗng người chị Mơ hừng lên. Cái cảm giác như người đang nơi lạnh gặp hơi lửa. Từ chị âm âm rồi vẫn từ chị rền lên một một điều gì đó…
Có tiếng thì thào…! Gió ư? Không phải! Tiếng người?! Nhẫn ơi, con có nghe? Hay mẹ nghe nhầm? Hoang hoang quá tâm trạng người giữa đêm vắng. Vẫn…
“Thì thào, thì thào…!”.
“Không phải là gió.”
Tiếng gì như tiếng người ấy. Người nghe thấy ù hết cả hai tai.
Vẫn…
“Thì thào…thì thào…thì thào!”
Lại thì thào nữa…
“Không phải là gió. Gió không như thế! Không như thế.”
Tiếng người thật. Lạ lạ quen quen. Hình như có cả hơi thở của thứ âm thanh thì thào ấy đang ùa vào nhà mình một hương vị quen thuộc. Chị Mơ ngồi bật lên, định thần lại. Chị lần lần từ trong buồng đi dần ra phía nhà ngoài, đến gần cánh cửa ra vào.
Có tiếng động mạnh ngoài xa. Hình như tiếng vật hoang chạy đêm hay là tiếng chân của tuần đinh. Rồi lại bặt im. Chốc lát. Lâu lâu. Không gian như loãng ra, trống trải. Chị Mơ cảm giác như mình đang bị cơn ảo mộng hư thật nào đó dày vò. Tâm rối óc cũng sẽ rối theo. Cái thật cái giả nhiều lúc trớ trêu, hỗn tạp. Nghĩ vậy chị ngồi vội xuống nền nhà, ôm mặt tìm khúc tĩnh tại…
Lại tiếng thì thào… lần này như to hơn, rõ hơn! Đầu óc chị Mơ đã tỉnh táo lại đủ để nhận biết!
Linh tính như mách bảo. Có gì đấy đang gọi mình… Người chị Mơ run lên phả hơi nóng vào lòng ngôi nhà. Ngọn đèn nhỏ xíu đang lay lay theo tâm trạng chị bỗng nhiên bừng sáng lên chút ít rồi vụt tắt. Chị Mơ hoảng hồn ôm chặt ngực mình chực ngã. Chị vội khêu bấc, thắp lại đèn và vặn nhỏ chỉ đủ sáng nhờ nhờ. Chị mở to mắt trong nhập nhoạng dò quanh đây đó mà chỉ thấy mờ mờ những đồ những vật thân quen trong lặng phắc.
Hay là ma xó ở đâu về đây dọa nạt mẹ con mình? Vốn cứng vía chị Mơ thường ít sợ. Vả lại rằm, mùng một nào chị cũng cúng vái đầy đủ cả kia mà…
Nhưng đã nghe có tiếng người. Rất nhỏ nhưng rõ.
Lời thầm thào ấy từ bên ngoài vọng vào:
- Mẹ em! Mẹ em!
Chị Mơ run hết cả người, lắp bắp:
- Ai !... Ai thế?
Tiếng bên ngoài to hơn:
Tôi đây. Tôi đây mà! Có nghe rõ tiếng tôi gọi không? -…Ai?...Ai nhỉ?...
…
Khuya rồi, ai có việc gì mai hãy đến. Tôi không mở cửa đâu. Làng đang thiết quân luật. Các người biết mà? Ai lại đi gọi cửa nhà người ta lúc quá nửa đêm thế này. Về đi. Mai sớm có gì cần hãy đến!
-…
Giọng Mơ nhấn lên lạnh lùng:
Có việc gì để ban ngày ban mặt nhé!
Lời thì thào bỗng run lên:
Mẹ em… không nhận ra… tiếng tôi à?
Giờ thiếu gì người giống tiếng nhau?
Không nén nổi xúc động, tiếng thì thào bỗng to lên:
Mơ ơi! Khương đây! -…!!!
Anh đây! Chít chít chít…
Trời đất, ám hiệu của anh ấy. Chị Mơ bàng hoàng. Người chị lạng đi như bất ngờ bị rơi vào khoảng trống. Chị thì thào gọi con trong lúc tiến gần về phía có tiếng gọi:
Nhẫn ơi…
…
Anh ấy đã về, chồng chị đã về. Bố mình về rồi con ơi. Cái tiếng chít chít quen thuộc ấy làm sao mà lẫn được.
Người vợ ghé miệng vào khe cửa, nói nhỏ:
- Khương ơi, em đây!… Chờ em!
Chít chít chít… Mơ ơi, Khương đây! Khương đây mà!
Dạ… em đây… em đây…! Biết rồi mà… chít chít chít…!
Chị Mơ nín thở lúng túng lấy chìa khóa từ trong túi áo ra. Động tác bối rối, cứ lặp đi lặp lại. Chị thường cẩn thận khóa trái cửa vào ban đêm. Chìa khóa chị luồn vào kim băng rồi cài vào bên trong túi. Lúc này khi cần đến thì quả là phiền phức…
Tiếng khóa khẽ cạch cạch. Tiếng mở cửa rất khẽ. Một hơi ấm ùa vào. Hai người nhìn nhau, đăm đắm lấy nhau trong ánh xanh mờ của ngọn đèn dầu. Rất nhanh là tiếng cánh cửa khép và tiếng khóa bấm vội…
Anh Khương ôm chầm lấy vợ, rất khẽ:
- Mơ!
Chị Mơ cũng rất khẽ:
Anh!
Trời ơi, vợ tôi! Em gầy quá…
Chị Mơ nghẹn ngào:
Tôi có chiêm bao không thế này? Anh Khương! Có thật là Khương của em không?
Anh Khương nghẹ ngào:
Thật mà…! Khương của em đây.
…
Ôi vợ tôi! Nhớ nhà, nhớ em quá, Mơ ơi…
Anh Khương ôm chặt lấy vợ. Chị Mơ khẽ cựa mình:
- Tức thở em…
Khương hổn hển:
Anh xin lỗi…! Mơ ơi…Thương em quá…! Em có… anh nghĩ…
Chị Mơ ôm chặt anh Khương hơn:
Nào thôi không nghĩ nữa. Về đến nhà mình rồi kia mà. Sao anh run thế. Ngoài trời rét à?
Anh Khương lúng túng:
Không! Nhưng…
Chị Mơ lấy tay cốc vào trán chồng mắt hướng về phía giường nơi bé Nhẫn đang ngủ:
Con gái của mình kia kìa! Để em vặn to ngọn đèn…
Đừng em. Sáng quá lúc này là nguy hiểm.
Chị Mơ giật mình. Chị nhận ra nỗi lo của chồng.
Để anh đến bên con. Chị đặt tay lên miệng anh:
Em hiểu. Se sẽ thôi. Con nó dậy mà khóc lúc này không tiện…
Anh Khương như muốn thét to lên, lao đến chỗ con đang ngủ ngoan nhưng vội kìm lại được. Anh hiểu hoàn cảnh của mình.
Anh Khương ôm diết lấy vợ rồi bế bổng lên tay, dúi mặt mình vào mặt chị, đi nhẹ đến nơi con nằm. Anh khẽ đặt chị Mơ xuống rồi quỳ vội bên giường. Anh Khương giơ tay về phía con vỗ nhè nhẹ rồi quay về phía vợ. Anh gục mặt vào vai chị thì thào:
Thật đáng trách? Bố có lỗi quá con ơi. Ôi… mình đã được làm bố lâu rồi mà sao bây giờ mới có mặt bên con. Đặt tên con là gì hả Mơ?
Chị Mơ nghẹn ngào. Giọng chị trở nên lúng túng:
Em…! Em định chờ anh về…! Rồi sợ lâu quá không đặt tên con sẽ bị bà mụ quở. Em tạm gọi con là Nhẫn. Có hỏi ý của bà, của ông. Bà mới đầu có vẻ không ưng. Bà không muốn cháu khổ. Ông bảo thế cũng được. Con biết lẫy rồi. Muốn nhắn tin cho anh nhưng mà loạn lạc, cách trở quá. Người đi vào mặt trận nhiều. Ai cũng bận bịu cả. Nói đơn vị của anh người ta chỉ nghe thấy mà không rõ nơi ở. Em biết rồi thể nào cũng có lúc anh về. Em mạn phép anh. Tên con mới chỉ tạm gọi thế thôi...
Anh Khương như chợt nhớ ra:
Em sinh con được tám tháng rồi còn gì?
Chị Mơ rành rẽ:
Tám tháng, hai ngày. Anh Khương lẩm nhẩm:
Anh vẫn nghĩ như thế nếu lần ấy mình gặp nhau mà đậu quả. Giờ thì cây ra trái rồi Mơ ơi. Anh hạnh phúc quá em ạ! Bố xin lỗi con gái. Việc nhiều quá. Toàn những chuyện hệ trọng cả. Được làm cha rồi mà không biết. Cứ biền biệt mãi. Con giờ đã có mặt trên đời hơn tám tháng rồi mà vẫn chưa biết mặt bố. Còn bố thì…! Anh có lỗi với em và con quá Mơ ơi! Có ai lại vô tình như thế không?
Lặng người, nén một tiếng thở dài. Hình như cả hai. Tiếng thở của anh Khương có vẻ dài và nặng hơn…
Chị Mơ tinh ý hỏi:
Anh sao thế? Có gì không vui à? Anh Khương ấp úng:
Không! Anh vui chứ. Sao không vui cho được khi chúng mình đã có được với nhau một đứa con.
Anh Khương đặt tay lên vai chị Mơ nắm nhẹ như thay lời cảm ơn.
Chị Mơ thổ lộ:
Em chỉ lo các anh mải súng đạn không nghĩ đến chuyện này? Giờ anh đã về đây rồi. Việc đặt tên cho con em nhường anh…
Anh Khương nói lảng:
Em gan thật.
Chị Mơ hồn nhiên:
Không gan mà xong được với cái thời buổi khói lửa loạn ly này hả anh?
Anh Khương nói chung chung:
Đây là việc của bọn anh mà. Các cụ xưa vẫn bảo, trai thời loạn, gái thời bình…
Chị Mơ nói thêm:
Gái cũng thời loạn, bà bảo thế. Các anh đi chiến trường chả nhẽ vợ con ở nhà không chiến trường? Anh không biết chứ có khi bọn em còn khổ gấp mấy lần các anh!
Anh Khương lặng đi chốc lát rồi nghẹn ngào:
- Anh biết mà. Cảm ơn em.
Chị Mơ cầm cây đèn lên, khẽ vặn to ngọn một chút, tứ che tay cho bớt sáng rồi rọi xuống mặt giường:
Con mấp máy miệng kia kìa. Nó biết đấy. Nó đang đòi bố Khương đặt tên cho nó đấy bố ạ!
Anh Khương ngẫm nghĩ, lặng mặt và thốt ra lời…
Con cảm ơn bố mẹ đã bằng lòng để nhà con chọn tên này cho cháu.
Chị Mơ cầm tay chồng rung rung:
Vậy mà sao… Từ lúc vào nhà thấy con đến giờ anh vẫn chưa… Anh chỉ nói con con. Hay là…?
Em bảo sao?
Mình có thể đặt tên khác cho con mà. Với lại lắm lúc nghĩ cái tên Nhẫn ấy nhỡ nó vận lấy đời con thì khổ. Bà lo là đúng!
Anh Khương lạng người, ôm trán:
Nhẫn! Nhẫn! Chỉ có Nhẫn thôi. Bố vô tâm quá Nhẫn ơi. Còn tên nào hợp hơn tên này nữa. Mơ ơi! Anh cũng trùng ý với em. Vẫn đặt tên con là Nhẫn, Nhẫn nhé, được không?
Chị Mơ hỏi chồng mà như hỏi mình:
Sao?...! Sao…! Nhiều lúc em cứ tự hỏi sao mình lại nỡ đặt cho con cái tên vất vả như thế. Em thấy có lỗi. Mà sao giờ…!? Anh cũng bằng lòng đặt tên con như vậy hả anh?!
Anh Khương lặng người:
Cuộc sống còn nhiều thử thách, chịu đựng mà em. Anh muốn…! Con gái ơi con có hiểu cho tấm lòng của bố không? Em nữa, Mơ ơi?
Tùy anh thôi. Đừng gọi con dậy. Để cho Bé Tí ngủ đã. Nó thức mãi chờ bố vừa mới nhắm mắt đấy. Hình như con bé linh cảm thấy bố về hay sao ấy. Đêm qua mắt nó cứ chong chong, miệng thỉnh thoảng còn toe toét cười nữa. Để lúc con gái dậy bố con tha hồ trò chuyện.
Anh Khương lắc đầu. Anh đăm đăm nhìn vợ, nhìn con. Chị Mơ nhìn lại chồng. Trong đêm tối mà họ như nhìn rõ nhau. Lạ vậy. Chị đọc thầm trong óc mà cảm thấy chuyến về thăm này của chồng mình hình như có gì đó vội vã, hối hả. Người anh có lúc như không thật là anh. Ôm chồng trong tay mà người chị như run lên theo cái run rẩy của chồng. Lâu ngày gặp nhau ai chả vậy. Nhưng sự run rẩy lần này của Khương đã gieo vào lòng chị Mơ một linh cảm lạ. Hình như sắp có điều gì đó xảy ra. Chị mấp máy môi mãi sau mới nói ra được với chồng câu hỏi của mình:
Anh về với con và em có được lâu không? Anh Khương chậm rãi, lừng khừng:
Mơ ơi…! Có chuyện này…
Chị Mơ bình tĩnh hơn:
- Có gì anh nói đi?
Vội vàng trong hơi thở anh Khương nói nhanh:
Anh phải đi ngay. Thời gian gấp quá. Chị Mơ ngạc nhiên:
Sao vội thế?
Bằng cách nói chung chung anh Khương bảo vợ:
Việc đánh nhau mà em. Chị Mơ khẽ thở dài :
Đợi gà gáy sáng đi được không? Anh Khương lắc đầu, giọng nghẹn lại:
Liên lạc đang chờ anh ở ngoài bến đò. Chậm trễ, sợ Tây nó đi “ba tui” sớm bị lộ chỉ có ăn đạn. Lần này có thể anh vào Thành lâu lâu. Có gì em đừng sốt ruột nhá!
Chị Mơ ra vẻ giận, giọng hơi lành lạnh:
Vâng. Em hiểu mà! Nhưng sao lại gấp thế? Hay là có chuyện gì với em. Anh…?
Choàng tay ôm chặt vợ, anh Khương lắc đầu:
Không! Hoàn toàn không. Em lúc nào cũng là vợ của anh mà. Em đừng nghĩ khác như thế mà anh khổ tâm.
Thấy chồng càng lúc càng tỏ ra không bình thường, chị Mơ căn vặn:
Anh hôm nay làm sao thế? Anh Khương cười gượng:
Bình thường mà em!
Mơ như trở về cảnh thực, chị hối hả:
Vậy thì để em nấu cho anh bát cơm nếp anh ăn. Gạo mùa mới đấy. Em vừa mua ở chợ về chiều qua.
Đừng em.
Cửa bếp từ lâu em đã che chắn không để ánh sáng lọt ra ngoài để tiện đêm hôm nấu cháo nấu bột cho con ăn khi nó đói. Anh đừng lo…
Anh biết... nhưng...!
Về với vợ con chưa được ấm chỗ đã đi! Làm sao mà vội thế? Ăn với mẹ con em miếng cơm đã. Mới qua giờ Tí thôi mà. Cho em và con được ở gần anh một chút không được sao?
Anh Khương đứng lặng: -…
Chị Mơ căn vặn:
Anh đang có chuyện gì đúng không?
Anh Khương lúng túng hơn:
- Không! Không mà…
Có vẻ giận chồng, chị Mơ nói:
Cần kíp đến vậy kia ư? Thà anh… Anh Khương thanh minh:
Anh đâu muốn thế này. Có người chồng nào lại muốn xa vợ, người bố nào lại muốn xa con. Anh thương em, thương con lắm lắm mà. Hai mẹ con có thương bố không? Nhẫn ơi, Mơ ơi…
Có tiếng gà gáy xa xa…!
Chị Mơ lặng người nghĩ ngợi rồi hỏi lại chồng:
Sao anh lại hỏi em câu ấy? Khương nói lời nhẫn nại:
Nếu thương thì để anh đi! Đường từ đây vào Thành bao nhiêu là bốt gác. Càng gần sáng bọn địch đi “ba tui” càng nhiều. Dạo này thua trận chúng như con thú bị thương làm càn. Anh sợ…
Anh Khương vừa nói vừa níu tay vào người chị Mơ rồi lại ôm chặt lấy chị. Người anh lại run lên. Sự hốt hoảng hiện trên nét mặt người vợ:
Anh? Sao anh lại run nữa thế này. Bệnh sốt rét phải không? Thuốc kí ninh em mua cho dạo nào vẫn còn chứ.
Còn mà! Anh không sao đâu.
Ôi… nghẹt thở em.
Anh Khương bộc lộ bằng cách nói chung chung:
Mơ ơi, anh dặn câu này. Dù thế nào cũng phải gắng nuôi con cho nên người em nhé. Dù thế nào em cũng phải tin anh. Mọi việc gia đình, nuôi con, Mơ gánh vác cho anh.
Chị Mơ nhướn mắt nhìn chồng:
Anh nói gì mà gở vậy?
Anh Khương lại lắc đầu:
Không! Anh nói thật đấy. Chiến tranh mà em. Không có gì là không thể. Chỉ có anh là mãi mãi của em và con thôi.
Anh Khương lả xuống bên cạnh con. Anh nói tiếp với vợ:
Cho anh đánh thức con một tí nhá. Mà thôi. Để cho nó ngủ. Bắt Nhẫn của bố dính vào chuyện người lớn này làm gì. Ôi, má con thơm quá! Bố đi con gái nhá. Đừng quên lời anh dặn đấy. Mơ ơi, anh thương em vô cùng! Anh…
Anh Khương tỏ vẻ dứt khoát muốn đi. Mắt anh ứa lệ. Chị Mơ ôm chầm lấy chồng. Lần này chị xiết anh vào mình thật mạnh:
Anh Khương! Sao lạ thế này? Lần trước anh có khóc nhiều như thế này đâu. Nước mắt anh ướt hết vai em rồi. Có chuyện gì xảy ra với anh phải không?
Anh Khương lại lắc đầu:
Không!
Chị Mơ nói dồn:
Anh đừng dối em! Anh Khương chắc lời:
Không. Thật mà!
Chị Mơ đập đập mặt vào ngực chồng:
Em biết tin ai bây giờ? Anh Khương nhấn tiếng:
Tin anh. Em phải tin anh. Nói với con giúp anh nhé. Anh đi…
Chị Mơ níu kéo:
Đợi em đã. Anh cầm lấy ít tiền…
Đơn vị cho anh rồi. Em giữ lấy còn nuôi con! Chị Mơ nghẹn ngào nài nỉ:
Em ngày ngày chợ búa vẫn đủ tiền nuôi con và nuôi được anh mà. Anh cầm đi.
Chị Mơ đưa tiền cho chồng. Anh Khương dúi tiền về lại phía vợ:
Không. Anh đâu nỡ. Anh không dám… Chị Mơ nói lời giận hờn:
Tiền của vợ anh nuôi anh chả nhẽ anh chê? Anh Khương bối rối:
Anh xin. Mơ ơi, thế này là tội anh lớn lắm đây. Anh đi nhá, muộn giờ hẹn rồi. Em và con yên bình…
Anh…? Anh…? Em…!!!
Chị Mơ như muốn díu vào chồng, hòa thân thể mình vào thân thể chồng. Anh Khương cắn răng giằng mình ra khỏi tay vợ. Anh quỳ xuống trước vợ con. Rồi mở cửa lao nhanh vào bóng đêm. Chị Mơ như muốn chạy theo chồng nhưng chẳng thể. Người vợ tựa cửa nhìn vào bóng đêm chốc lát rồi bải hoải quay về chỗ đứa con gái bé nhỏ của mình đang ngủ. Chị cùng những làn nước mắt đang tràn ra trên mặt mình thủ thỉ với con…
“Nhẫn ơi thế là bố mình đi rồi. Người về vẻ như không muốn về. Lúc đi lại như không muốn đi. Sao anh vội vã thế Khương ơi? Anh như không còn là anh nữa. Hay có gì đang đến với anh. Mà sao nhìn anh em cảm như không phải là anh như em thường gặp. Nhẫn ơi! Bố mình hôm nay làm sao ấy, mẹ lo quá. Có bao giờ Khương của em thế đâu. Lần trước gặp vợ anh hồn nhiên mộc mạc thế kia mà. Còn lúc này mặt anh đang có gì ám vào. Lại có thêm cả con nữa mà sao khuôn mặt ấy cứ bất chợt sáng, bất chợt tối. Bất chợt vui, bất chợt buồn. Nhìn mắt anh em muốn tìm mà tìm không ra. Rắc rối, bí hiểm. Nhẫn ơi, cho mẹ gục vào con một tí nhá. Mẹ bối rối quá. Ôi, ấm làm sao. Bếp lửa của mẹ, chỗ tựa nương của mẹ. Con có biết không, bố mình đi rồi…”
Thời gian chậm trôi…
Tiếng côn trùng vẫn tấu lên khúc nhạc đêm hoang dã. Ngôi nhà như tối hơn mặc dù chấm xanh đèn vẫn leo lét cháy. Chị Mơ vẫn lặng phắc bên con như tượng… rồi lịm đi!
Bỗng vang lên tiếng cộc cộc ngoài cửa. Lại ai nữa thế này? Mơ giật mình choàng tỉnh. Đâu đó âm âm tiếng gọi…
- Mơ ơi, Khương đây!
Là tiếng của chồng mình. Không! Không thể… - Khương mà…
Chị Mơ bấu tay vào da thịt mình thấy đau.
- Trời ơi… Khương của em…
Anh ấy quay lại. Đúng là Khương của em rồi. Người chị Mơ đang cứng như đá tảng rồi bất thần giãn ra. Chị hối hả lần tay vào túi áo lấy chìa khoá. Lần này có vẻ bình tĩnh hơn và nhanh hơn. Ra tới cửa. Tiếng gọi bỗng im bặt. Người chị bồn chồn khuỵu gục. Chị Mơ úp mặt mình vào cánh cửa nức nở. …
Gà lại gáy.
Trời đã qua nửa đêm lâu rồi. Tiếng gà lại có phần hối hả hơn cùng với tiếng người:
Anh mà! Khương đây… Chị Mơ lắp bắp tỉnh mê:
Tôi…tôi…! Ai… ai… gọi!?
Anh mà…! Khương đây mà…!
Chị Mơ quờ qua quờ lại thân mình giữa căn nhà vắng. Đâu đâu như cũng có tiếng chồng, lời chồng. Rồi chị lả đi, gục lịm trong hơi ấm và mùi khai của con…
Mơ ơi…! Khương thật đây mà…! -…
Chít chít chít…
Trời…
Chị Mơ ngồi bật dậy. Đúng chồng mình thật rồi. Anh ấy đã quay lại. Không kịp nghĩ thêm chị lao vội ra cửa. Hoang hoang rồi tỉnh tỉnh. Trán chị đập vào khung gỗ đau điếng.
Họ lại được gặp nhau. Thổn thức nỗi xa vợ, nhớ thương vợ, Khương bất ngờ quay lại nhà mình khi còn thời gian trước hẹn. Họ hổn hển tìm lại hơi nhau nhưng chưa kịp hòa vào nhau, cho dù chỉ trong chốc lát bởi những tiếng động khác…
Tiếng động lạ…
Xa rồi gần.
Rất gần…
Những âm thanh bất an. Những âm thanh đầy hăm dọa. Nó như báo hiệu một điều gì đó có vẻ nhưng đang càn quét, truy đuổi. Bắt buộc người muốn gặp lại nhau phải xa nhau, phải trốn chạy - Cái tiếng động oái oăm ấy!
Đau đớn bởi cảnh ngộ đã nức lên một âm thanh chìm nặng trong mỗi người và bất ngờ lại từ đó xé đôi họ ra.
Và sau đấy…