Cánh cửa nhà chị Mơ lại có tiếng gõ cộc cộc, chắc nịch. Chị giật mình.
Vợ chồng mới vội vàng cùng nhau rồi xa nhau. Sự hoang hoải giờ lại váng lên. Chị vẫn còn cảm giác như chồng chị mới dứt khỏi mình được ít phút giây. Có nghĩa là anh ấy vừa rời khỏi vợ, chị vừa kịp bấm khóa lại vào nằm bên con thì đã có tiếng người khác ập đến. Thời gian trong người vợ lúc ấy cứ lộn xộn dài ngắn như không còn định lượng.
“Cộc cộc cộc…”
Mở cửa! -…
Mở cửa.
Chị Mơ chợt nhói đầu, bừng thức hẳn. Chị động tay quờ tìm, thấy mình đang nằm bên con. Cơn mộng mị rối bời hư thực bên Khương đã lãng tan. Căn nhà âm thầm nỗi thực.
Giọng chị Mơ lạnh lùng vói ra:
- Ai?
Một giọng người từ ngoài nhói vào, dứt khoát:
Chúng tôi!
…
Chúng tôi đây…!
Chúng tôi là ai?
Càng dứt khoát hơn, giọng người từ phía ngoài:
Không nhiều lời. Cứ mở ra, sẽ rõ?
…
Im lặng…
Tiếng gõ cửa mạnh hơn!
Vẫn im lặng…
Tiếng cửa bị đập mạnh. Tiếng đập như có vẻ không sợ bất cứ điều gì nên thuỳnh thuỳnh rất to:
- Mở cửa mau!
Chị Mơ bắt buộc phải mở khóa cửa. Có hai người khăn sợi dài màu thẫm che gần kín mặt chỉ hở hai lỗ nhỏ nơi mắt để nhìn, từ phía ngoài đi vào. Họ trừng trừng nhìn chị Mơ. Người cầm súng ngắn, người cầm dao găm nhọn. Từ họ một tiếng nói vọng ra ngoài:
- Các anh em cảnh giới!
Nhiều tiếng từ ngoài vọng vào, đủ nghe:
- Rõ!
Chị Mơ vội bế con lên tay, ôm chặt bé vào lòng. Chị ngơ ngác trước hai người lạ. Họ trông như lính địa phương quân của cái bốt đóng trên đường cái quan về cách giả trang ăn mặc dân thường mỗi khi về làng quấy nhiễu. Giống vậy mà vẫn chả giống. Lính trên đồn về để nguyên mặt mình chứ không che gần kín mặt như hai người này. Nghi nghi xen lẫn sợ sợ. Lúc ấy gà gáy lại đã rộ lên. Chị định kêu to mà không dám. Hai người vẫn lăm lăm vũ khí trong tay. Họ chỉ chỉ mũi dao nhọn và giơ súng về phía trước rồi nhìn mẹ con chị Mơ chằm chằm, giọng đe doạ…
Người nam cầm súng nói:
Im lặng, phải im lặng, chị rõ chưa. Không được kêu to. Giờ là lúc bọn lính đồn sắp đi sục sạo thay bọn địa phương quân. Đây là khẩu súng, kia là mũi dao. Nhà chị đã nhìn thấy cả rồi đấy. Chúng tôi từ ngoài vùng tự do vào. Người của Kháng chiến chị hiểu không. Nghe chúng tôi hỏi đây! Chị không được phép giấu diếm bất cứ điều gì. Thằng Khương chồng chị đâu?
Chị Mơ giả vờ:
Khương nào? Sao lại hỏi tôi? Hai bác nói là người của ngoài kháng chiến về? Tôi biết đâu mà tin!
Người nữ cầm dao:
Nhà chị nghi ngờ à?
Chị Mơ nói giọng bình thản:
Ai cũng vậy! Loạn ly mà. Trời đất cứ mù mù mịt mịt. Lúc bên này hỏi, lúc bên kia hỏi biết trả lời thế nào? Tôi không có liên quan với ai cả.
Người nam cầm súng khẽ cười:
Nói hay chưa! Là vợ mà không liên quan hả chị Mơ? Đùa chúng tôi đấy à?
-…
Chị nghe cho rõ đây. Ai vừa từ trong này vừa đi ra?
Ai ạ?
Giả vờ. Thật tiếc! Chị biết quá đi rồi còn hỏi chúng tôi nữa! Tên Khương vừa về thăm vợ con xong rồi hắn đi đâu?
Chị Mơ nói như không:
Tôi đã nói là không biết! Các ông là ai? Mà sao lại đến nhà tôi vào lúc đêm hôm khuya khoắt thế này. Chồng tôi bỏ gia đình đi từ ngày súng nổ. Từ đấy là biền biệt. Bây giờ anh ấy ở chỗ nào tôi đâu biết!
Người gái cầm dao bật tiếng cười lảnh lói:
A giỏi nhỉ? Ngoan cố thật! Gan chị là gan cóc tía hay sao mà dám giấu chúng tôi. Đừng có dối quanh.
Chị Mơ vẫn giả vẻ ngơ ngác:
Hai bác nói gì tôi không rõ?
Người nam cầm súng khoát tay:
Còn bao che nữa à ? Chị là vợ nó chị phải biết chứ? Một tên phản bội, kẻ dinh tê vào Thành theo giặc. Rõ ràng có tin báo là hắn vừa về nhà với vợ. Tiếc là chúng tôi đến muộn chị Mơ ạ!
Chị Mơ vẫn như người không biết gì:
Đấy là ai vào nhà tôi? Ai là vợ ai, ai chờ ai? Các bác nói gì tôi không hiểu. Tôi đã nói chồng tôi bỏ nhà đi từ ngày súng nổ kia. Giờ sống chết thế nào tôi không biết… Người cầm dao, giọng nữ sắc lẹm, từ phía sau tiến lên:
Chị Mơ!
…
Chị Mơ. Tôi hỏi lại. Chị có phải là chị Mơ?
…
Đúng chứ gì?
…
Còn đứa bé này, nó là con của hai người. Đúng hay không đúng? Con của bố Khương mẹ Mơ đúng không?
…
Sao chị im lặng thế?
-…
Người nam cầm súng cười gằn:
Còn con ai vào đây nữa. Lũ người lắm miệng Đoài Thông từng vu oan hoang thai cho chị. Chị cũng đã trót nhận lời trước họ vì muốn che giấu cho chồng. Chúng tôi nói thế có đúng không?
…
Rồi liên tục người nọ tiếp người kia, kẻ lăm lăm súng, kẻ lăm lăm lăm dao, xoi xói lời dữ về phía chị Mơ:
Quanh co mãi. Chồng chị là ai thì chị biết rồi đấy. Bao nhiêu công lao của cách mạng, của đoàn thể dạy dỗ vậy mà bây giờ, hắn đã…?
-…
Đồ phản bội! Tên Khương nhà chị đã phản bội lại kháng chiến rồi chị biết không?!
-…
Còn chị nữa, chị cũng là…
…
Vợ tên phản bội…
Người cầm dao giọng nữ sau gắt gỏng đối đáp đã tiến sát lại gần chị Mơ hơn. Mũi dao nhọn nhăm nhăm nơi tay chị ta chỉ vào mẹ con chị:
Chị không sợ chết? Chị Mơ nói to:
Trời ơi! Sao lại chỉ mũi dao vào mẹ con tôi. Đúng tôi là Mơ thật. Tôi cũng là vợ anh Khương thật. Tôi đã nói rồi. Từ ấy là bặt tin. Từ đấy tôi chỉ biết tần tảo nuôi con đã làm gì nên tội mà các bác mắng là phản bội?
Người cầm dao lạnh lùng, đập nhẹ tay lên vai chị Mơ:
Thành phần liên quan. Hỏi thằng chồng nhà chị thì rõ! Chúng tôi càng rõ. Trinh sát đã cho biết nó vừa về nhà thăm vợ thăm con. Rất tiếc là chúng tôi bị lỡ chuyến đò ngang. Vẫn còn hơi ấm của quân phản bội đây này?
Người cầm súng xuýt xoa:
Đồng chí nữ tinh thế?
Người cầm dao cười:
- Nhìn vợ thì ra chồng!
Người cầm súng xoa xoa thân súng:
Chị nói đi. Nó đã về rồi nó đã đi. Nó đi đâu chắc là chị biết. Biết thì phải chỉ cho chúng tôi hoặc vận động hắn hối cải quay về. Làm như vậy chị sẽ thoát khỏi tiếng xấu có liên quan tới tên phản động lại là người có công với đoàn thể nữa…
Chị Mơ vẫn lạnh lùng:
Tôi nói rồi. Tôi không biết. Xin bác đừng dứ dứ dao… Người cầm dao đã chúc mũi dao xuống đất:
Là phụ nữ với nhau tôi hiểu tâm trạng chị! Chị có thể cứu được cuộc đời chị và con chị nếu chị thành khẩn khai báo đấy. Chị biết tội phản bội Tổ quốc là tội thế nào không? Tội treo cổ, chém đầu. Chị thành thật khai ra có thể cứu được cả gia đình mình!
Chị Mơ tự nhiên mất bình tĩnh:
Để cho mẹ con tôi yên! Các người ra khỏi nhà tôi ngay không tôi la làng nước lên đây này!
Người cầm súng:
Chị nói to một tiếng, nếu chúng tôi bị lộ, khẩu súng này sẽ nhả đạn đáp lại liền. Nhưng yên tâm đi. Đừng cả giận mất khôn. Vòng trong vòng ngoài đều có người của chúng tôi cả bọn địch khó mà bén mảng tới...
-…
Chị không tin điều chúng tôi nói à?
Tôi không biết gì hết! Tôi không tin gì hết! Người cầm dao lấy từ trong túi ra tấm ảnh:
Nhìn đây này. Đây là ảnh chồng chị hay là ảnh tên phản bội? Cả hai đều đúng. Đọc thêm cái lệnh truy nã này rồi chị sẽ phải tin! Đây là ai? Đây là ai hả chị Mơ. Có phải đó là cha của con gái chị?!
Người nói đưa tiếp tờ giấy lấy từ túi ra nữa. Mặt tờ giấy ghi dòng chữ Lệnh truy nã tên phản bội Khương. Người ấy găm tờ giấy vào cánh cửa nhà chị Mơ rồi chỉ tay vào chị như có ý ra hiệu cho đọc trong ánh đèn pin rọi của người cầm súng…
Chị đọc được chứ. Chị rõ rồi đấy. Nếu chị không thành thật khai báo chồng mình ở đâu để chúng tôi truy đuổi chị phải chịu trách nhiệm. Còn nước còn tát. Nếu chị im lặng giấu giếm khi chúng tôi bắt được hắn thì chỉ có việc ra tòa nhận án xử bắn.
-…
Người cầm dao tiếp lời:
Biết điều thì sống cho tử tế chị Mơ ạ!
-…
Sao lại im lặng. Có gì mà phải nhìn chúng tôi đầy nghi ngờ như thế? Định diễn chèo đấy hả đồ vợ của tên phản động ngoan cố!
…
Cứ nghĩ kĩ đi xem lời chúng tôi nói có đúng không?
…
Ta đi thôi đồng chí. Nhanh lên kẻo trời sáng, bị bọn lính đồn phát hiện, lộ quân là hỏng hết việc…
Nhóm người lạ ra hiệu cho nhau đi...
Thoáng chốc sau chị Mơ tự nhiên hối hả:
Các ông các bà dừng lại cho tôi hỏi đã.
Người cầm súng:
Còn hỏi gì nữa. Muộn rồi. Chị Mơ như nói với mình:
Trời ơi! Tôi không tin. Người cầm dao cười khẩy:
Mai kia bế con vào Thành làm bà lớn thì mới tin chứ gì?
Chị Mơ rắn giọng:
Không thể có chuyện đó được.
Người cầm súng:
Chị Mơ, chị nghe cho cụ thể đây này. Tôi nhấn mạnh lại: Chồng chị đã phản bội Kháng chiến rồi. Tên Khương đã bỏ vào Thành theo giặc, làm tay sai cho giặc, chị rõ chưa! Từ nay hắn đã không còn là người của Kháng chiến nữa…
Chị Mơ thật thà:
Các bác nói gì? Anh ấy vừa về với mẹ con tôi mà!
Người cầm dao:
Đúng thế. Hắn diễn trò với mẹ con chị đấy. Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác. Lạ gì bụng dạ đàn ông buổi khói lửa này! Dù sao vẫn là tình nghĩa vợ chồng. Liều liệu mà khuyên nhủ nhau, liều liệu mà sống cho có trước có sau!
Nhóm người lạ định đi tiếp.
Chị Mơ ngăn lại…
Xin các đồng chí cho tôi hỏi…
Chúng tôi không đồng chí với nhà chị. Chị Mơ khó hiểu:
Vậy tôi phải xưng hô thế nào bây giờ?
Người của phía bên kia!
Chị Mơ nói dằn tiếng:
Không! Chồng tôi không phản bội. Các bác không có được vu oan giáng họa cho anh ấy.
Người cầm súng nói:
Chúng tôi không tự ý làm việc này. Không có lửa làm sao có khói. Mọi việc đều có xem xét, đều có chỉ đạo.
Tôi không tin!
Người cầm dao rắn giọng, đanh đá:
Không tin thì đi tìm cấp trên của chúng tôi mà hỏi. Chỉ cần chị nhớ kỹ cho một điều từ giờ trở đi tên Khương nhà chị đã theo địch, đã phản bội lại đồng bào, phản bội lại Tổ quốc. Là người Việt Nam với nhau tôi không muốn loanh quanh với chị, tôi không muốn chị đau khổ mà không biết mình đau khổ vì lẽ gì!
Chị Mơ oà khóc, phân trần:
Tôi không tin chồng tôi như thế. Tôi sẽ hỏi cho ra nhẽ. Không thể nào một người tốt như thế lại vảy bùn lên đồng đội, lên vợ con. Hơi ấm của anh ấy vẫn còn đây. Lời nói của anh ấy vẫn còn đây. Vòng tay của anh ấy ôm mẹ con tôi rất chặt. Những người như vậy không thể xấu. Không thể xấu. Tôi không bao giờ tin được. Các ông, các bà ơi…
Người của phía bên kia lặng phắc không lời: -…
Các người! Các người là ai mà lại nỡ nói như vậy?
…
Xin cho tôi biết!
Là những người mà chồng chị đã phản bội.
Không. Tôi sẽ đi hỏi. Tôi sẽ lên tận cấp trên! Người cầm súng thách:
Cứ việc. Xin mời. Trên trập trùng núi rừng Việt Bắc ấy. Chị tìm cách vượt vành đai trắng mà lên…
Xin cho tôi biết nơi ở của các ông ấy?
Hỏi cây, hỏi núi. Ai biết thì chị hỏi. Toàn dân đang phải cảnh giác với kẻ thù. Chúng tôi cũng vậy. Bí mật!
Người cầm súng nói vọng ra với những người đang canh gác ở phía bên ngoài nhà :
Ta chuẩn bị rút. Cách mạng đâu phải chuyện đùa. Chúng tôi nói thế chắc chị hiểu. Ta đi làm nhiệm vụ thôi các đồng chí!
Chị Mơ hoang mang:
Tôi biết hỏi ai bây giờ? Người cầm dao:
Đợi lúc nào tên phản bội bị ra tòa nhận tội thì chị rõ!
Người cầm súng hằm hằm nhìn chị Mơ nói như mắng:
- Thật nhục nhã!
Chị Mơ cúi mặt, càng ôm chặt con vào lòng. Nhóm người lạ vẩy tay về phía chị rồi đi nhanh ra ngoài như sợ lây dịch.
Còn lại chị Mơ và bé Nhẫn.
Người mẹ lảo đảo rồi gục mặt bên đứa con… “Nhẫn ơi, đau lòng mẹ quá. Anh Khương ơi, lẽ nào?
Lẽ nào! Con người ấy, tấm lòng ấy, cuộc đời ấy… chả lẽ lại đổi thay nhanh đến như vậy? Phẩm hạnh một đời người chứ đâu phải mớ rau, con cá giữa chợ bán mua. Không! Tôi không tin!...”
“Nhẫn ơi, con trả lời giúp mẹ đi? Sao con im lặng thế này. Con ơi, con có biết lòng mẹ đang dông đang bão? Con có biết…? Không! Không thể thế được! Mẹ không tin, Nhẫn ơi! Có thể đây là bọn địch đóng giả đến để doạ nạt mẹ con mình. Bố Khương không phản bội. Không bao giờ bố Khương của chúng mình lại thế con gái nhỉ! Cách mạng gì, đoàn thể gì mà phải bịt vải che kín mặt. Đoàn thể gì mà chưa nói đã dí súng, dí dao vào mặt người ta!
Không thể, không phải đâu con gái nhỉ? Người của cách mạng, của đoàn thể không có như thế, không bao giờ như thế!
Nhưng... cái tờ giấy này, cái dòng chữ này… cả con dấu này nữa, chả nhẽ đây lại là sự thật?”
Chị Mơ bế con lên tay quay ra nhìn chăm chăm vào tờ giấy dán trên vách nhà mình. Chị ôm chặt con hơn trong nỗi hoảng loạn. Mẹ gục mặt lên tóc con rồi quỳ xuống giữa nền nhà. Người đàn bà trong tột cùng bối rối rưng rưng giơ đứa bé ra trước mặt khóc nức, mắt mở to nhìn lên cao, rồi nhìn lên bàn thờ nhà mình như muốn thét lên giữa lặng phắc...
“Con biết hỏi ai bây giờ? Trời ơi!”
Nhoáng nhoàng tối sáng. Trong nhà, ngoài ngõ. Nhóm người lạ đi rồi mà căn nhà của chị Mơ vẫn còn như nêm kín bóng họ, lời nói của họ. Chị ôm chặt con như chỉ sợ ai đó bất ngờ bế Nhẫn đi mất. Chị áp mặt mình vào má con.
Có tiếng rền rền như tiếng súng trận, tiếng sấm trời phía xa vẳng lại.
U u, ầm ầm… rên rỉ.
Một cơn vần vũ bất chợt.
Chớp lóe và mưa ào.
Sét giật ngang, giật dọc.
Căn nhà nhoáng nhoàng những tia sáng đâm chỉa.
Mưa như trút giận vào mặt đất, dày xéo lên ngôi nhà và tâm trạng mẹ con người đàn bà của chiến tranh đang trong bất hạnh.
Cả với người của phía bên ta nếu đó là thật…
Còn với địch…
Lý Chướng đã từng huênh hoang rằng làng Đoài Thông mình có vợ một tên Việt Minh đã đoạn tuyệt với chồng, với kháng chiến. Ông ta cũng từng hí hửng vì sự ngẫu nhiên của chuyện này mà nên thành tựu của làng và những người chức dịch trước bề trên. Kẻ có quyền thường hay phồng mang nói đại, nói tướng khi kể công của mình. Nhất là với Lý Chướng kẻ có nỗi hận ngấm ngầm với người đàn bà nhan sắc đã từng khép chặt phòng the khi hắn có ý muốn sàm sỡ. May mà khi ra trước sân đình lúc ấy chị ta có ý chối không biết về tin đồn lão gõ cửa nhà gái vắng chồng lúc đêm hôm khuya vắng đã giúp cho ông Lý lẩn tội cho mình. Nghĩ vậy nhưng vẫn căm. Nay thì lấy cớ này để rêu rao thêm cho mọi người biết tay. Vả lại cũng nâng thêm thanh thế cho mình…
Ngài Lý Chướng từng có sự hoan hỉ sau phát đạn bắn ra mà hai mục tiêu bị trúng khi có tin vợ tên Việt Minh ễnh bụng. Lúc ấy ông ta đã lập kế hiểm bằng cách cho mõ đi rao khắp làng câu “tuyên dương lục cục” này đối với chị Mơ sau chuyện chị mang thai “với kẻ khác”:
Cốc cốc ớ ơ
Chiềng làng chiềng chạ
Thượng hạ tây đông
Cô Mơ căm chồng
Vì theo kháng chiến
Để lòng biến chuyển
Cho dạ mang thai
Sinh gái thay trai
Cùng anh lái gỗ
Xóm làng mừng rỡ
Mãn nguyệt khai hoa
Ích nước lợi nhà
Ủng hộ quốc gia
Xứng mặt con nhà
Bỏ tà theo chính…
Ngày ấy mõ rao khắp làng. Tiếng cốc cốc ớ ơ suốt mấy tối liền nối ngõ này sang lối khác luyên thuyên về chuyện chị Mơ vắng chồng nhưng lại có chửa. Tệ hơn, sau đó Lý Chướng còn cho tuần đinh mang quà cáp đến gia đình chị Mơ mừng sự kiện ý nghĩa này của chị đối với quốc gia, làng xóm. Chị Mơ từng ngậm lòng nín chịu trước chuyện khốn nạn này.
Nay thì…
Chuyện vu vạ trước đây lại có vẻ đúng.
Lúc ấy biết chuyện con dâu được chức dịch làng mang quà đến biếu, bố mẹ chồng Mơ cũng chỉ biết thở dài thở vắn. Họ đóng cửa ở nhà nhiều ngày. Hai ông bà không dám ra đường vì sợ giáp mặt làng xóm. Bởi, lâu rồi cứ hễ thấy nhau là người ta lại bóng gió xa gần về chuyện dâu con của ông bà. Khi trách móc. Khi thông cảm. Cả xỏ xiên nữa. Cái chua cay này hai ông bà bấm bụng bảo nhau chịu. Họ như cam phận với cảnh cô con dâu chửa hoang cho dù biết mười mươi đấy không phải là sự thật. Có người có tâm, tận mắt nhìn mặt bé Nhẫn ngờ ngợ khuôn mặt của Khương nhưng chẳng dám thổ lộ sự tự tin của mình về việc này với mọi người. Họ sợ sếp bốt, sợ lý trưởng, sợ lính đồn. Sa sẩy chân tay còn gượng gạo được, lỡ miệng tí thôi cũng là cái cớ cho bọn có quyền dễ ra uy đổ tội rồi dọa nạt, hành hạ. Dân làng vốn quen với lối hậm hoẹ, đè nén nên hễ chạm tới điều kiêng kỵ là họ lảng tránh. Tất tật gom lại là người liên quan trực tiếp phải gánh vác. Chị Mơ lúc cười, lúc khóc. Bị chửi oan mà chị vẫn phải cúi mặt chấp nhận. Được khen nhầm mà vẫn phải hoan hỉ. Tội nhất là con bé Nhẫn. Mới tí tuổi đầu mà con đã gánh chịu mọi sự hệ lụy của người lớn đưa lại! Nhưng con mãi là con của bố Khương mẹ Mơ. Mãi mãi Nhẫn ạ. Người mẹ thầm thì trong lòng tâm niệm ấy. Nó là tình, là lý của một người con, người vợ, người mẹ đang mang hoạn nạn…
Lụa tốt dẫu bị vò nhàu càng bền chất lụa.
Càng bị vu vạ bao nhiêu chị Mơ càng yêu chồng bấy nhiêu. Cho dù lúc ấy anh đã lại biền biệt.
Chuyến về tạm biệt gia đình ấy anh nói anh sẽ đi xa, xa lắm không biết lúc nào gặp lại được vợ con.
Đêm xưa về gặp vợ để chị chờ mong có Nhẫn. Đêm sau về gặp vợ anh đã có con rồi lại vội vã ra đi rồi lại vội vã quay lại…
Cái đêm sau về với chị Mơ ấy với anh Khương là đêm lần đầu tiên người bố được thấy con, lâu lắm vợ mới được gặp mặt chồng. Ly loạn và hận thù đeo đẳng nghiệp làm trai đánh giặc cứu nước nơi bom đạn tiền phương, dày vò phận làm gái ở nhà ruộng vườn bếp núc. Anh về vội rồi đi vội. Tâm trạng anh rối bời những thương cảm với người thân đã khiến anh đột ngột quyết định quay trở lại trên một lối vào khác khi thời gian còn cho phép. Anh phải bò từ ruộng lên bờ tre, cởi quần áo cầm tay, giơ cao, ngập ngực nước lội qua ao tù, vạch cây chui qua lỗ rào về nhà mình qua một vườn hoang của nhà khác. Về nhà mình mà như kẻ trộm. Khổ nhất là lúc sắp áp mặt vào cửa nhà gọi chị Mơ. Chưa có vợi được hết nỗi mong với vợ con thì đã nghe có tiếng chân người hình như đang qua lại. Anh phải lao vội về phía chuồng lợn tìm chỗ nấp. Người đành phải ở chung với lợn, ngồi cùng hôi hám. Đợi, đợi mãi mà bước chân người qua lại vẫn chẳng chịu dừng. Muỗi thì ong ong vo vo nhiều như trấu vãi. Người ngợm anh cứ ran lên. Ngứa ngáy toàn cơ thể.
Buồn ho phải bịt chặt miệng. Nghe tiếng lợn thở phè phè mà thương cho phận mình. Và tiếng hăm dọa nhỏ to rộ lên. Tiếng súng đâu đó nữa. Của ta hay của địch? Đoài Thông đã gần như là vùng giáp ranh giữa tự do và chiếm đóng. Tiếng súng ấy có thể là tiếng súng của du kích, của bộ đội địa phương thâm nhập vùng tề. Cũng có thể là của bọn lính tây, lính ngụy đi vây ráp đâu đó quanh làng…
Chiến tranh thật cay nghiệt nhưng vì nghĩa lớn nên người lâm cuộc phải chịu nhiều phần thiệt thòi. Đâu chỉ riêng mình. Có hàng ngàn, hàng vạn người như anh Khương. Được tranh thủ về với gia đình thế này đã là may mắn lắm rồi. Nhiều người, ngay sau đêm súng nổ Hà Nội rồi đi miết chẳng biết tăm hơi vợ con ở đâu. Đành phải nán đợi. Vì sự bình an cho gia đình và cho chính mình anh Khương đành chấp nhận ngồi đợi trong chuồng lợn, ở chung với lợn. Rồi anh cũng quen. Mà sao lâu thế bước chân người qua lại. Họ có việc gì ở đây? Họ là lính ngụy hay người của bên du kích, bộ đội địa phương. Trong đêm tối chỉ thấy loang loáng những vết sậm, vết nhạt. Bước chân thì nghe khi to, khi nhỏ như đang muốn đấm vào màn đen của tối. Con người có lúc cay cực, hồi hộp, lo lắng như thế. Không thể tưởng tượng nổi nếu không trong cuộc. Số phận hay là sự sắp đặt của hoàn cảnh đã đẩy họ tới nỗi này?
Đây có thể là anh Khương gặp vợ con cuối cùng trước lúc phải đi xa. Đi xa, xa lắm với biết bao diệu vợi rối rắm phía trước trong tình riêng dù nhỏ bé nhưng đằm thắm cả đời trước nghĩa chung nặng vai người trách nhiệm. Bước ra khỏi nhà, bước vội sợ bị chồn chân. Rồi bước băm băm nhìn trời nhìn đất mà văng vẳng sau lưng tiếng vợ, tiếng con. Phải quay lại thôi dù là chốc lát. Còn thời gian mà. Lúc nãy nói phải đi ngay là dối vợ con, là sợ tình nhà níu kéo.
Nay thì…
Rồi anh Khương cũng được gặp lại vợ gặp lại con lần nữa dù trong chốc lát. Anh muốn được đền bù cho chị Mơ mà không được. Đôi mắt chiến binh nhạt nhoà nước mắt. Lòng thương cảm người thân nén chịu lâu nay giờ vẫn như nước ứ đầy vỡ ào chỗ con đê yếu. Sự vỡ oà của nhân tâm trong cõi riêng tư mà nhiều khi dù lý trí có chắc như núi cũng phải nghiêng đổ.
Chuyện này nữa…
Từ lúc gặp lại chồng, bện lại hơi chồng người vợ trẻ như muốn dính chặt mình vào anh. Đôi bàn tay đồng áng chợ búa chai sần của chị Mơ lúc ấy bỗng mềm lại xoa lên da thịt chồng mơn mơn như một làn lụa mỏng.
Là sương…
Là mây…
Như nước mắt…
Như thẳm thẳm nỗi khát khao thèm muốn mà chẳng thể. Phương tiện nghệ thuật nào có thể miêu tả nổi hoặc miêu tả hết nỗi khao khát này? Chữ nghĩa hình như bất lực trước những muốn thèm tiềm ẩn và trong sáng ấy của con người…
Anh ơi…
Em bảo gì?
Anh không phải đi nữa à?
Có chứ. Anh nói rồi mà! Bọn chúng đang đi “ba tui” trên đê nên…
Em biết. Nhưng…
Chị Mơ ôm chặt lấy chồng. Da thịt chị lại như xiết vào da thịt anh. Chị lần cởi những trói buộc, những vướng bận ra khỏi cơ thể mình. Giữa nhà mình chị muốn được ở trần cùng anh. Cái suy nghĩ khỏa thân trong những động tác run rẩy nhưng thật dứt khoát. Chỉ có anh và em nên đâu còn nỗi sợ …
- Cho em đứa con nữa anh nhé!
Anh Khương nhắm mắt gật gật đầu. Người anh như mê đi trong hơi ấm của chị Mơ. Lâu lắm bàn tay trai mới có lại được cảm giác sung sướng tươi mềm của giới tính. Những thèm muốn, tê buốt bị giam hãm lâu ngày chợt bùng lên như rơm khô gặp lửa. Họ hấp tấp dìu nhau ra góc nhà. Nền gạch bát lát nhà giờ là manh chiếu. Có một cái giường duy nhất bé Nhẫn đang ngủ. Người đẻ ra bé lúc ấy lại chuẩn bị vào cuộc sinh thành mới nơi mặt đất. Nền nhà giờ đang như là cái giường hạnh phúc!
Những câu từ hối hả, gấp gáp…
Từ từ anh…
Mơ ơi…
Lâu quá rồi…
Mơ ơi, thương em quá…
Anh Khương hổn hển áp mình vào người vợ. Họ như hai vỏ trấu úp lấy nhau mà nuôi ước mơ làm ra hạt gạo. Đúng lúc cây muốn nhú mầm thì vang lên tiếng động ngoài cửa. Hình như tiếng động ấy đang lan gần đến nhà mình. Gần rất gần…
Chói!
Gắt…!
Ầm ập…!
Cuộc mưu sinh sắp sửa tới miền viên mãn đã bị đâu đó vô hình giằng ra. Niềm hứng khởi tấy thương ân hận. Họ không kịp ôm mặt khóc. Không kịp để tiếc nuối khi phải vội vàng đối phó với hoàn cảnh. Những ai ở trên đời này từng tràn trề nhục dục, phè phỡn chuyện chiếu chăn liệu có lúc nào biết chuyện này, cảm thông với chuyện này.
Thật mạo hiểm cũng thật con người trước những khao khát người!
Lần ấy là lần được gặp lại chồng, lỡ dở hơi chồng, biền biệt tình chồng để mấy chục năm sau chị Mơ mới tìm lại được khi mình đã bước vào tuổi làm bà…
Cái đêm ấy, đêm hạnh phúc được cộng thêm hiếm hoi của họ là vậy. Họ bắt buộc phải rời nhau khi niềm khát khao, mong đợi mang nỗi người nhất đang đến rất gần. Và rồi lại tiếp tục phải địu trên lưng nỗi oan khuất phận người để mãi sau này, dài gần cả đời người mới được gột rửa…
Có những khoảnh khắc mất mát lạ lùng như vậy đấy. Chẳng thể hư cấu. Cuộc đời oái oăm nhiều số phận. Chị Mơ từ lúc lấy chồng đến lúc xa chồng chỉ có một lần là trọn vẹn được hưởng lộc chồng, được làm đàn bà thật sự. Còn lại là dang dở! Những trống vắng, hoang vu dằng dặc. Phần phận người chị có nhưng phần làm người thì chị triền miên trong đói kém, thèm mong. Đời phụ nữ đến vậy là mất mát quá lớn. Ai có thể hiểu, ai có thể bù nếu không phải chính mình. Chỉ có bản lĩnh sống của bản thân mới có đủ can đảm để sẻ san cho cảnh ngộ! Khi có đứa con thật sự là của hạnh phúc chính mình mà vẫn phải giấu giếm che đậy chịu mang tiếng thất tiết với chồng nhưng lại được tiếng thơm với các ngài chức dịch rằng dám ruồng bỏ kẻ theo kháng chiến bằng việc đi ngoại tình với người trong tề và sinh hạ cho họ một thành tích chống Việt Minh! Một tuyên dương oái oăm. Chị Mơ lúc ấy chỉ biết nghĩ thầm trong dạ và cảm thấy tự tin hơn với những ứng xử của mình trước những bi hài nhân thế…!