Niềm đau vẫn nối vào nỗi đau…
Tin anh Khương bỏ vào Thành theo giặc lan rộng ra khắp nơi. Bố mẹ anh rơi vào cảnh ngộ cười giả, khóc thật, đau buốt tận xương tủy. Tay cán bộ Việt Minh Khương trở về với chính nghĩa quốc gia, trong con mắt của các chức dịch làng lại trở nên một người hùng đầy kiêu hãnh. Những người có quyền của quận của tổng đến chúc mừng gia đình họ. Chuyện oái oăm vậy chả nhẽ mọi người lại nhăn mặt. Thôi đành ngẩn mặt làm ngơ nghe họ nói cười.
Sếp bốt giảng giải với quân lính:
Me sừ Khương, xin lỗi, ngài cựu cán bộ Việt Minh là một anh hùng của làng, của nước. Ông ấy là người có học nên biết thời biết thế. Kẻ sáng dạ là phải ứng xử như vậy. Theo nhau đi kháng chiến chỉ có ăn rau tàu bay và uống nước lá ổi. Khổ hơn con vật, chịu sao nổi. Về Thành là thượng sách. Xưa là giặc, nay là quan, chuyện đương nhiên của kẻ thức thời có học biết theo chính bỏ tà!
Lý Chướng hùa theo bề trên:
Dạ thưa, quan nói rất phải. Tỉnh ngộ thế là sớm, là rất rất hợp cảnh. Con người này vốn được ăn học có khác. Từ ngày ngài ấy lên tỉnh theo học trường phố tôi đã nhận ra. Tiếc rằng con vợ ông ấy lại là đứa đa tình, mất nết…
Lý Chướng quay ngoắt thái độ với chị Mơ. Ông ta từng gọi chị là vợ tên kháng chiến phản động biết cải tà giờ gọi chị là con đĩ mất nết phụ tình chồng. Trước ông Lý khen chị Mơ bao nhiêu thì giờ ông Lý chê chị bấy nhiêu. Ông ta còn đến tận nhà bố mẹ anh Khương xúi ông bà đòi lại đám đất đã trót cho con dâu dựng nhà ra ở riêng vì nó là đứa đàn bà hư hỏng.
Lý Chướng nói:
Hai cụ từ nay thế là nở mày nở mặt nhé. Còn con vợ ông Khương ấy thì phải cho ăn đòn. Hư nết quá. Đổ đốn đến vậy. Có vàng mười mà không biết giữ, thật tiếc. Không xứng đáng với ông Khương nhà mình một tí nào hai cụ ạ!…
Bố mẹ chồng Mơ cũng chỉ biết nhìn Lý Chướng tỏ vẻ ngờ ngợ về chuyện con trai vào Thành rồi ngơ ngác nhìn đi đâu đó, nói câu chung chung:
Không dám ạ! Cái cháu Khương nhà tôi ấy...
Dám chứ sao lại không? Ông Khương giờ đã là người của quốc gia chính nghĩa rồi! Hai cụ phải rắn mặt với cái quân lăng loàn ấy. Trai anh hùng thiếu gì gái thuyền quyên. Dâu đã hỏng, vợ càng hỏng thì còn tiếc cái nỗi gì. Gia đình không lo được thì xin để làng lo!
Lý Chướng sừng sộ. Bố chồng chị Mơ cười gượng, đỡ lời:
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà ông Lý ạ! Lý Chướng hầm hầm mặt:
Hai cụ không dám dạy dâu con thì xin để chính quyền ra tay dạy. Chúng tôi không thể muối mặt với ngài Khương được…
Mẹ chồng chị Mơ chắp tay vái Lý Chướng;
Tôi xin thầy…
Lý Chướng phẩy tay:
- Không!
Bố mẹ chồng chị Mơ năn nỉ, xuống nước vậy vẫn không ngăn nổi bước chân nhà chức dịch.
Một hôm ông Lý kéo hai tuần đinh theo cùng hùng hổ đến nhà chị Mơ.
Mới thấy mặt chị Mơ, Lý Chướng đã mắng át ngay:
Cô không biết xấu hổ à?
Cụ Lý nói ai ạ?
Lý Chướng chỉ vào mặt chị Mơ:
Còn ai vào đây nữa? Chị Mơ ngơ ngác:
Sao thế ạ?
Sao trên giời. Dưới đất chỉ toàn hư đốn đĩ thõa thôi.
Tôi không hiểu?
Cô là một trong những đứa ấy. Nghe cho rõ lời tôi nói đây. Khôn hồn thì liệu tính!
Ông Lý dạy sao nữa ạ?
Dọn đi nơi nào khác mà ở. Ra bãi hoang ngoài bờ sông ấy. Nhà này trả cho ông bà cha mẹ ngài Khương. Ăn ở thất tiết với chồng như vậy không đáng ở trên đất hương hỏa nhà người ta đâu.
Ông Lý có nói hai lời không ạ?
Tôi chỉ có nói đúng.
Chắc ông Lý không quên chuyện có lúc mình cũng…
Chị Mơ ngụ ý chuyện Lý Chướng có lúc muốn xấu với mình…
Ông Lý hơi đỏ mặt, ấp úng:
-Ờ…à…
Chị Mơ nhẹ nhàng:
- Tôi chỉ lo…
Lý Chướng trợn mắt:
Còn tôi thì sợ. Rõ chưa. Tôi sợ mấy thứ đàn bà các người lắm rồi…
Chị Mơ cười nhạt:
Nhà cháu biết ông sợ cái gì rồi…
Lý Chướng bặm môi:
Không nhiều lời. Một mai không dọn đi tôi sẽ cho tuần đinh đến dọn hộ. Lúc ấy nhà chị sẽ trắng mắt ra mà nhìn…
- …
Chị Mơ giật mình.
Toàn thân chị rã rời. Tâm trạng như đá nhọn ghè lên đá nhọn. Ngôi nhà còn vương vất hơi chồng giờ bỗng sặc mùi chức dịch. Biết làm sao bây giờ khi hai tuần đinh lăm lăm tay đao tay thước đứng bên cạnh ông Lý. Cãi với họ, bướng với họ lúc này khác nào đập đầu vào đá. Chị Mơ đành phải nuốt đắng vào lòng nói câu ngọt:
Xin ông Lý và hai bác thương tình. Đây là nhà của bố mẹ chồng tôi cho mẹ con tôi ở mà! Vả lại, cháu bé nó…
Nó là con hoang…
Dạ… không…
Á à… chính miệng nhà chị đã nói!
Tôi vì sợ hãi quá nên khai quẩn…
Ông Lý thét to:
Láo. Không được thay trắng đổi đen. Ai thừa đất chia của cho quân thất tiết với chồng. Đợi đấy. Yên hàn ông Khương về, ông ấy sẽ trị tội…!
-…
Rõ chưa?
Tôi biết ạ…
Chị Mơ chỉ biết lấy nước mắt để tự an ủi mình. Chị đành phải vâng dạ rồi lần lữa hoãn chuyện chuyển nhà. Có được việc này vì bố mẹ chồng chị đã nói khó với Lý Chướng:
Mong ông thương cháu. Con gái nó còn nhỏ dại. Làm cái nhà chứ có phải đan cái rổ cái rá đâu mà ngay tắp lự được a. Cháu nó thân hèn sức yếu nên chưa lo nổi ngay việc việc này đâu ạ. Ông cứ cho cháu nó ở đấy đã. Rồi mai kia thư thư con nó lớn lên chúng tôi sẽ bảo cháu thu xếp!
Lý Chướng căn vặn:
Nhưng đây là việc làng đáp lễ với ngài Khương! Bố chồng Mơ từ tốn:
Việc làng cũng từ việc nhà mà thưa ông Lý!
Lý Chướng lên giọng kẻ có quyền:
Hai cụ có cho tôi làm việc nước không? Tôi bảo đi là đi. Ra ngoài bãi ở là còn nhân nghĩa đấy. Ngữ ấy chỉ có biệt xứ hoặc trôi sông!
Bố chồng chị Mơ nói cứng:
Nhưng đây là đất hương hỏa nhà tôi mà! Vả lại chúng tôi là bố mẹ cháu Khương kia mà.
Lý Chướng trợn mắt:
Đất không quan trọng bằng người. Con dâu cụ nó hư làng xóm phải có trách nhiệm với quan trên, với ngài Khương. Tôi nói đi là đi. Các vị cũng đừng đứng ra bênh cái việc ngang tai trái mắt nữa.
Dạ thưa…
Xin hai cụ chớ chớ có chắp tay như vậy. Tôi giờ còn là hàng dưới của ngài Khương.
Không dám. Ngài là quan của Đoài Thông…
Hai cụ ơi… xin hai cụ tha cho Lý Chướng này làm việc làng việc tổng. Tôi cũng không ngờ bố mẹ chồng mà lại hết lòng hết dạ đi bênh vực đứa con dâu hư hỏng đấy.
Ông cụ bố chồng chị Mơ muốn nói thật chuyện của đứa bé cháu nội ông đã được sinh ra như thế nào nhưng vẫn tư bề ngần ngại. Dân làng gần đây cũng đã nguôi dần chuyện cháu ông là đứa con hoang khi nhỡn tiền hàng ngày họ xem nó, nhìn nó lớn lên đều nói cái Nhẫn ấy, là cháu ông thật và nó giống bố Khương, con trai ông cứ như đúc. Ông bố chồng chị Mơ vui thầm trong bụng nhưng đành phải nín tiếng, kiệm lời với chức dịch làng. Ông sợ Lý Chướng thù hằn chuyện cũ, ganh ghét sợ hãi chuyện mới dễ sai tuần đinh gây chuyện bậy bạ cho gia đình mình. Lý Chướng như ông được biết cũng đã từng thậm thụp muốn nọ kia với con dâu ông, không được ăn vụng lại còn bị dị nghị ảnh hưởng đến chức tước. May mà có buổi dâu con ông ra sân đình nói thác đi, gỡ tội cho chuyện phải trái của ông Lý. Mà sao hắn ta không biết hàm ơn, giờ lại cứ lúc thế nọ, khi thế kia với người yếu thế. Đúng là, ở cái tên chức dịch có cách hành xử như quân thò lò này thật đáng ghê, đáng sợ. Dâu con ông, vợ chồng ông đành phải nín chịu. Tránh voi chả xấu mặt nào. Chuyện gì cũng nín lấy chữ Nhu làm trọng để tâm niệm, để cho qua. Chao ơi là rối bời chen với rối bời. Rồi lại gặp đận này. Thực hư chuyện Khương về Thành thế nào ông bà chưa rõ. Thương cháu, thương dâu phải giấu kín trong lòng. Đành đấu dịu với chính quyền xin nán lại thời gian ông bà phải chấp hành lệnh đòi nhà đòi đất với mẹ con chị Mơ của họ. Nếu cần ông sẽ nói thật ra với nhà chức trách về việc dâu con có cháu Nhẫn. Chuyện này phải để bố chồng kể ra là việc bất đắc dĩ. Vợ ông thì vốn ít lời, kín tiếng. Bà cứ một mực, để thiên hạ có mắt tự xét soi. Nhìn cháu bà thì ra nó là con ai chứ cần chi phải giãi bày, rối ruột. Còn ông, chả nhẽ cứ kín bưng? Không gì rửa mặt sạch bằng sự thật.
Ông nghĩ vậy và đã quyết…
Một đêm ông bố chồng chị Mơ gọi vợ dậy nấu và nắm cho mình nắm cơm trộn sắn rồi lững thững cuốc bộ từ mờ đất rời làng lên huyện. Đường dài từ nhà lên tới trên ấy có tới bảy, tám cây số. Ông đã xin vào gặp được quan huyện. Ông kể chuyện gia cảnh của mình. Quan huyện vốn là người có được học hành tử tế. Nơi quan học cũng là nơi anh Khương từng theo học. Hai người chưa biết nhau nhưng được là người cùng trường nên có vẻ trọng nhau. Giờ anh Khương đã về Thành với quốc gia nên quan huyện càng phải lưu tâm.
Quan nghe chuyện gia đình anh Khương, đã nói với bố anh:
Đa tạ cụ thân già sức yếu đã phải lặn lội lên tận đây. Thật không phải khi để cụ vất vả. Chức dịch bây giờ lắm người ít học, thô lỗ. Họ chỉ giỏi giơ chân, giơ tay, dọa nạt, vòi vĩnh. Xin cụ cứ an tâm lại nhà rồi tôi sẽ có cách! Tôi sẽ bảo anh ta phải đến tận nhà tạ lỗi cụ!
Ông bố chồng chị Mơ nói lời lễ phép:
Dạ thôi ạ. Quan cứ giúp cho cái chuyện ông Lý không đến nhà mẹ con cháu gây phiền hà là được.
Nhẹ vậy thôi thưa cụ?
Được vậy là gia đình tôi mừng lắm rồi. Còn quá tí nữa tôi sợ phép vua không bảo được lệ làng gia đình tôi lại chịu phiền hà hơn thì khổ…
Quan huyện cười ha ha:
Tôi xin nghe lời cụ.
Đa tạ quan trên. May mà hôm nay lại gặp được người đã từng là học sinh cùng trường với thằng Khương nhà tôi…
Quan huyện xua xua tay nói ngay:
Cũng không hẳn là chuyện đó đâu! Làm quan mà chỉ để dân sợ thôi là mất dân cụ a! Với lại anh Khương nhà giờ đã khác!
Ông bố chồng chị Mơ bối rối, vẻ ngại ngùng nhưng vẫn chốt với quan mong muốn của mình. Giọng ông chậm rãi:
Trước khi thưa chuyện này tôi có lời xin lỗi quan trước. Chuyện rất nhỏ thôi, chả hay ho gì cả. Người già mà phải bẩm với quan chuyện này tôi thấy ngượng lắm.
Quan huyện cầm tay người mách chuyện:
- Cụ ơi, cụ đừng ngại. Cháu đang nghe cụ đây mà… Ông bố đẻ ra Khương giật mình khi nghe quan huyện xưng cháu với mình. Ông vội vàng xua tay:
Không dám! Không dám. Xin quan đừng có xưng hô như thế, tôi…
Cụ ơi cháu là bạn học cùng trường với anh Khương mà!
Nhưng..
Xin cụ cứ tự nhiên cho…
Ông cụ bố chồng Mơ trấn tĩnh một lát rồi nói:
Thưa quan. Chuyện là chuyện con trẻ nhưng chung quy lại vẫn là do người lớn. Chả là em Khương nhà tôi bỏ bố, bỏ mẹ, bỏ vợ đi ra vùng tự do. Từ đấy là biền biệt. Ai ngờ có tối nó trốn về gặp vợ rồi sau đó sinh ra cái cháu Nhẫn. Quan cũng biết đấy cảnh vợ xa chồng mà lại có chửa thì nó phiền muộn đến thế nào. Nhất là chồng mình lại đang là…
Quan huyện lặng mắt nhìn người mách chuyện rồi trầm giọng nói:
Cụ nói vậy là cháu hiểu rõ hết cả rồi. Giờ cái chuyện ấy không còn phải giấu giếm tránh trớ nữa. Cụ cứ bình tâm…
Một câu nói tử tế. Càng tử tế hơn đấy lại là từ miệng một vị có quyền. Nói hay. Hay lắm. Nhưng chỉ sợ không làm. Ông bố chồng Mơ nghĩ trong bụng như vậy khi quay về. Ông cũng có vẻ chờ một hôm nào đó Lý Chướng sẽ có lời đến nói lại với mình. Tiệt nhiên không có chuyện này. Ông nghĩ mình luận không sai. Từ quan nói đến quan làm là cả một khoảng cách. Nhưng ông đã ngẫm chưa đúng lắm. Tuy không thấy Lý Chướng đến nhà mình nhưng chuyện đuổi nhà mẹ con chị Mơ ra ngoài bãi hoang ven sông không thấy ông ta nhắc nhở đến nữa. Lý Chướng lại còn cho phép chị Mơ làm giấy khai sinh cho con mình với tên bố mẹ đàng hoàng…
Nghe đâu, sau việc ông nội cháu Nhẫn thưa chuyện nhà, quan huyện đã cho gọi kẻ cấp dưới lên gặp riêng và nói nhẹ, hàm ý dăn dạy:
Ông Lý lo việc lớn hơn đi. Lặt vặt chuyện ấy mãi, làm gì phải phí công nhũng nhiễu cho dân người ta ghét. Bảo ban nhau là được rồi. Bố mẹ chồng họ còn không đến nỗi xót sao ông xót quá đáng đến vậy. Hơn nữa đây là việc của ngài Khương, do ngài Khương. Mà giờ ngài Khương, tôi nghe nói, đã khác, khác lắm rồi. Tôi nói vậy chắc ông Lý hiểu? Nếu không may ta làm trái ý ông ấy, ông ấy biết được mà về làng hỏi tội các vị thì các vị tính sao…?
Dạ thưa quan… cũng vì muốn giữ phong hóa cho làng, phẩm hạnh cho gia đình ngài Khương mà…! Thưa…
Vứt cái thưa của ông ra bãi tha ma đi. Tôi cần ông làm chứ không cần ông thưa. Đừng để quan phải bận lòng lần nữa…
…
Về nhìn lại con cháu người ta xem nó giống ai?
Trời đất?!
Lần ấy Lý Chướng có đem biếu quan một đôi cân giò lụa và một yến gạo nếp cái hoa vàng. Quan ngắm nghía đồ biếu, cười cười và bảo:
Bị quan mắng mà cũng hối lộ hả ông Lý? Lý Chướng cúi mặt, gãi đầu:
Dạ, lại càng phải ạ!
Quan huyện lừ mắt:
Ông Lý nói gì?
Dạ dạ…con…! Con nói con đấy ạ… Quan huyện cười khẩy:
Hay thật. Nói gì cũng đúng…
Quan dạy gì ạ…
Bọn công bộc chúng ta ấy. Nói gì cũng phải… Cả hai đều tít mắt nhìn nhau.
Còn món quà này ấy mà…
Quan huyện đập đập tay vào vai Lý Chướng nói to:
Lần sau mà còn mang như thế nữa là quan phạt đấy. Lý Chưởng chắp tay vái bề trên:
Dạ dạ...