Lời đồn úp mở tin anh Khương bỏ kháng chiến đi vào Thành theo giặc rồi cùng chúng di cư vào Nam được ít thời gian thì làng Đoài Thông quê anh được giải phóng.
Với làng xóm, quê hương thì niềm vui, nỗi đau của con người sau tám, chín năm kháng chiến và chịu đựng đã được hóa giải bằng chiến thắng!
Gia đình anh Khương không có sự hóa giải ấy! Ngày người dân vùng tạm bị chiếm đón đoàn quân giải phóng trở về giải phóng cho thôn xóm của mình không có anh Khương. Có tin đồn là anh làm ở Thành một thời gian, hành tung bí ẩn, được mật vụ ngụy bảo vệ nghiêm ngặt, ngay cả gia đình cũng không được biết. Từ vào Thành với địch là anh mất hút. Sau lại nghe nói anh đã đi một chiếc xe Jeep bận đồ sĩ quan ngụy có hai lính bảo vệ hai bên xuống tàu cùng chúng vào Nam. Tên phản bội là Khương đã lộ rõ dần trong tâm chí mọi người bộ mặt thật nguy hiểm của nó cho dù vẫn chỉ là lời đồn nhưng người nói bao giờ cũng xưng xưng như thật.
Trong con mắt của nhiều người, gia đình anh Khương là gia đình của tên phản bội, phản động!
Hòa bình lập lại mang yên ổn đến cho mọi nhà.
Gia đình anh Khương không có sự yên ổn đó!
Ngày đón cán bộ, bộ đội kháng chiến về làng cờ đỏ cắm trên mái đình gió bay phần phật. Cột cờ dựng giữa sân đình được dân treo cờ hội cũng to như cờ nước. Có người góp ý nên treo cờ hội lẫn với cờ nước rồi kéo lên cao cho cả tổng cùng xem nhưng lãnh đạo không duyệt, ngầm ý tế nhị là cờ của cách mạng không nên ở chung với cờ của thần thánh sợ bị cấp trên phê bình là mê tín.
Ông Chủ tịch xã đọc lời chào mừng chiến thắng, tiếng vang vang phát ra từ chiếc loa sắt tây ông cầm nơi tay. Giọng ông hùng dũng:
Thưa các đồng chí, đồng đội! Thưa toàn thể bà con. Điện Biên Phủ đã được giải phóng hoàn toàn. Bọn xâm lược đã hết hơi hết sức rồi. Đề nghị mọi người hoan hô!
…
Mọi người có nghe rõ tôi nói gì không?
Có có…
Thế thì hoan hô!
Gì gì…?
- Vỗ tay. Vỗ tay!
Mọi người ồ to. Rồi rào rào tiếng vỗ tay. Ông Chủ tịch xã cũng vỗ tay như mọi người và hào hứng:
Tôi xin thưa tiếp: Tướng địch đã phải kéo cờ trắng dẫn đầu đám quân thua trận lũ lượt ra hàng. Cụ thể là như hôm qua nghe chị cán bộ tuyên truyền về “Việt Nam trên đường thắng lợi” dưới gốc đa đầu làng mọi người đã rõ cả rồi đấy. Đại binh của ta sẽ về tiếp quản Thủ đô. Quê ta là vùng du kích nên được bộ đội về giải phóng trước thành phố. Từ giờ trở đi không còn quân đế quốc xâm lược nữa. Mọi người từ nay ấm no hạnh phúc như bài hát “dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa”.
Ông Chủ tịch cất giọng thuốc lào theo nhịp điệu. Mọi người cười vui theo. Ông Chủ tịch hùng hồn cao giọng hơn:
Đề nghị mọi người cùng tôi hô vang khẩu hiệu: Nhiệt liệt chào mừng ngày quê hương Đoài Thông được giải phóng. Nhiệt liệt, nhiệt liệt...!
Nhiệt liệt! Nhiệt liệt…
Hầu như cả làng đều ra dự mít tinh mừng ngày quê hương được giải phóng. Sau lời hô khẩu hiệu của ông Chủ tịch xã hàng loạt cánh tay, không thiếu một ai, đều giơ cao cùng với tiếng nói của mình!
Ông bà thân sinh ra anh Khương và chị Mơ cùng cháu Nhẫn cũng có mặt trong cuộc mít tinh. Họ theo dòng người ra dự ngày vui chung của làng của nước sân đình với dáng vẻ ngượng ngượng. Ruột gan ai cũng rối bời. Trong nhiều người từ chiến khu trở về không có anh Khương, họ biết. Lời đồn anh vào Thành rồi theo địch xuống tàu đi Nam càng ngày càng dằn dữ hơn vì đến giờ anh vẫn mất dạng, biệt tăm. Tuy vậy chính quyền xã vẫn chưa ai nói cho gia đình rõ về cái sự trắng hay đen kia của anh Khương nên gia đình anh vẫn hy vọng ở một sự vô tình còn khuất lấp nào đó. Có thể là mất tích. Có thể là bị thương đang nằm điều trị trong một bệnh viện nào chăng. Có thể là ai đó ác mồm, ghét bỏ đã đồn việc anh theo giặc. Lời đồn thì luôn là đặc tính của người thích đưa chuyện. Trong hoang mang vô vọng người ta thường tìm ra trăm thứ lý do để biện hộ rồi trông chờ nó qua may rủi, đấy là hoàn cảnh của người có liên quan.
Trong cuộc mít tinh chào mừng kháng chiến thắng lợi ấy bố mẹ anh Khương ý tứ tìm chỗ xa, chỗ khuất để đứng. Chị Mơ bế Nhẫn còn tìm chỗ khuất hơn ở phía bên kia cầu ao. Nhưng sân đình rộng, bờ rào râm bụt cao ngang ngực người, mấy bụi tre đực thì gầy guộc cao vổng lên nên họ dù có nấp ở đấy cũng chẳng giấu mặt được trước mọi người. Riêng đôi tai của họ thì nghe rõ mồn một câu ra câu vào của người nọ, người kia. Mọi người không thẳng mặt chỉ tên nhưng nghe rõ ra là có ý chỉ mình, nói về mình. Lời lời mát mẻ mà sắc như cật nứa lướt vào da thịt gia đình anh Khương.
Đại loại:
Hay thật. Còn dám ra đây nữa cơ nhỉ? Vào Thành theo địch sao không đưa bố mẹ, vợ con theo cùng cho nó trọn một mối lại còn để họ đến đây giả vờ...
Và:
Cũng dám giơ tay hô khẩu hiệu đấy. Dơ quá đi thôi. Mọi người xem kìa. Cúi mặt một lũ. Cả cha, lẫn mẹ, lẫn con. Đúng là… quân phản bội!
Cũng có người nhẹ lời hơn:
Cơ sự này người ta cũng khổ lắm chứ.
Nói vậy là ba, bốn phải.
Tôi đâu có bênh.
Nhưng mất lập trường.
Thì xin nhận khuyết điểm…
Vậy là thông chính sách. Gì thì gì cũng là thành phần phản động…
Cứ vậy, suốt cuộc mít tinh không mấy lúc nguôi ngoai tiếng chì chiết, rủa xả ấy. Người chiến thắng hả hê trước công quả của mình. Điều tự hào chính đáng. Họ vẫn không quên nỗi căm ghét kẻ thù. Ghét căm thậm tệ hơn lại là bọn phản động theo địch, bọn phản bội nhân dân, Tổ quốc, quay súng chống người mình. Trong bọn đó có anh Khương cho dù vẫn đang trong lời đồn. Lòng người thành thật. Cho nên lời lời dao chặt, giáo đâm cũng thành thật và thô mộc như thế. Mọi người đều tốt trừ kẻ theo địch và những người có liên quan đến kẻ theo địch ấy là xấu.
Cả con bé cháu Nhẫn cũng bị người ta lôi ra để nói:
Cái giống ấy nay mai lớn lên có khi lại một giuộc cùng thằng cha nó thôi dù cho là gái. Rau nào sâu ấy mà.
Trẻ con cũng chẳng được tha khi người đẻ ra nó dính dáng tới kẻ thù.
Cay đắng tiếp cứ tiếp vào cay đắng.
Thời gian trôi cùng bằn bặt tin anh Khương bên những thêu dệt này nọ. Nỗi vui mừng nhất của làng sau ngày quê hương thanh bình cũng là nỗi buồn tủi nhất của gia đình anh. Họ lạc giữa mọi người, làng xóm. Vì anh Khương mà gia đình phải sống trong nghi kỵ, hắt hủi. Bố mẹ anh như cây yếu bị bão tố chực quật ngã.
Ông bà thân sinh ra anh Khương đổ bệnh nặng. Chị Mơ phải khóa nhà lại, đưa con về ở với bố mẹ chồng để tiện chăm sóc ông bà. Bệnh ông nặng hơn bệnh bà. Cả hai ông bà đều bị bệnh nhân tâm. Ông nằm liệt giường. Một ông đồ nho bị nằm bệt, suốt ngày chỉ biết trằn mình trên cái đệm chăn dạ rách thở ra thở vào. Tiếng thở của ông yếu và thườn thượt. Có những lúc như muốn lịm đi…
Khi bưng cháo vào cho bố chồng ăn chị Mơ nói:
Ông ơi, ông phải thương cháu Nhẫn, thương con mà ăn thêm cho con mấy thìa cháo này. Ông có ăn được con mới yên tâm. Bà cũng đã nhấc chân, nhấc tay được rồi. Ông bà khoẻ lên còn trông cháu Nhẫn cho con đi làm. Mai cháu lớn lên ông còn phải dạy chữ cho cháu học nữa. Ông cứ ốm đau mãi thế này mẹ con con biết trông cậy vào ai?
Ông cụ đấm tay vào ngực mình thều thào:
Bố đau ở trong tâm này lắm!
Nói rồi ông lại thở dài và lắc đầu. Tuy vậy ông vẫn gắng gượng ngồi dậy húp hết lưng bát cháo do con dâu mời.
Chị Mơ lại lựa lời an ủi bố chồng:
Ông đừng nghĩ nhiều nữa. Dù sao thì mọi chuyện cũng đã rồi. Ông sinh ra nhà con chứ có sinh ra được việc anh ấy làm đâu. Mà việc anh ấy làm sao mà khó hiểu đến vậy. Giờ có lần cũng chẳng biết đâu mà lần. Con thì con vẫn không tin có chuyện ấy! Còn phải nói vì sao thì con chịu. Con cũng đã thăm dò hỏi chỗ nọ chỗ kia nhưng ai cũng lắc đầu hoặc quay người im lặng. Nhà con tính khí như thế nào con biết chứ ạ. Người như thế thì tin làm sao có việc ấy ạ!
Ông cụ thẫn thờ khuôn mặt nhìn dâu mắt ngấn lệ:
Không tin mà được ư? Thực tình thì chuyện nó sờ sờ ra đấy chứ có phải cái kim mà giấu đi được! Người đi đánh địch, đi theo kháng chiến thì đều về cả, còn con mình…? Nào là vào Thành ư, nào là di cư vào Nam ư! Không có lửa làm sao có khói hả con?
Bố chồng nói đến vậy nàng dâu đành chịu. Mẹ chồng còn chua xót, đau đớn hơn. Mỗi lần bế Nhẫn lên tay bà cũng lại thở dài than vắn như ông nhưng cách nói có khác ông:
Khổ thân cho cháu tôi. Mới tí tuổi đầu đã mắc tội thay bố. Trời cao đất dày ơi xin các ngài hãy thương lấy đứa cháu bé bỏng này của chúng con. Nhẫn của bà ơi, lúc bà đẻ ra bố mày bà đâu có nghĩ tới cơ sự này? Cay đắng nào bằng cay đắng mất con vì con mất dạy. Cay đắng nào bằng mất dân mất làng vì trót đẻ ra đứa con hư…
Mẹ chồng nói những lời ấy làm cho chị Mơ khóc.
Giọng chị cũng nức lên từng hồi:
Mẹ ơi mẹ nói câu nào con đau câu ấy. Mẹ ơi, mẹ đừng nghĩ nhiều nữa mà. Lúc nào có tin chính thức hãy hay. Còn bây giờ…? Mình ơi ở đâu thì về với gia đình. Nhược bằng thế nọ thế kia thì nhắn cho bố mẹ một câu! Anh làm thế này có khác gì chém người thân không bằng gươm bằng giáo mà làm đau đớn cả gia đình không.
Mẹ chồng mắng con dâu:
Con đừng mong hão con ạ! Còn lúc nào vào lúc nào nữa. Có thì đã có rồi còn không cũng đã không. Có phải mới giải phóng đâu. Đã bao nhiêu ngày nay mà vẫn bóng chim tăm cá…
Bà không đấm vào ngực mình như ông mà ôm cháu rồi úp mặt vào người nó. Nước mắt già ướt nhòe trên má trẻ. Tâm trạng Mơ khác nào bị nấu cao. Bề ngoài chị im lặng nhưng là im lặng trong nỗi sôi sục của riêng mình. Chị im lặng để tự chịu đựng và nuôi hy vọng…
Rồi sức khoẻ hai ông bà cũng vực lên được. Do nghị lực hay do cái gì? Chẳng biết có phải do mấy chục thang thuốc của một người có họ xa mãi tận trên thành phố gửi biếu bảo sắc cho ông bà uống.
Người mang thuốc về chỉ là người đưa hộ. Ông ta bán kem rong. Một hôm ông dừng trước cổng nhà bóp cái còi “bí bo” hỏi vọng vào:
Xin hỏi, đây có phải gia đình của ông thân sinh ra anh Khương không ạ?
Chị Mơ từ trong nhà chạy ra:
Phải rồi ạ!
Chào chị! Chị là…
Anh Khương là chồng tôi!
Vẫn biết vậy. Chị đang có gì lo lắng? Hỏi khí không phải, vì anh Khương có vấn đề nên khiến gia đình phiền muộn đúng không ạ! Chị và ông bà chắc sẽ có ảnh hưởng nhưng tin là không sao đâu. Ai có tội người ấy chịu. Tất nhiên cũng sẽ có ít nhiều liên lụy. Ngoài thành phố chúng tôi ở cũng ối chuyện như vậy. Chính phủ mình nhân từ, nhân đức lắm. Công tội phân minh mà…
Chị Mơ điếng người và nín miệng. Người bán kem nói tiếp:
Có một người họ hàng của ông bà nghe tin ông bà ốm có gửi tôi mang giùm mấy chục thang thuốc này về biếu gia đình. Chị sắc để hai cụ uống tĩnh dưỡng tuổi già nhé…
Một bọc thuốc to để trong cái tay nải nâu được người bán kem đưa ra. Chị Mơ nhận bọc thuốc vào trong tay mà ngờ ngợ:
Bác nói họ hàng gì ạ?
Thời các ông còn đi học chữ Nho của cụ đồ Hậu…
Dạ, tôi có nghe. Nhưng…
Chị Mơ lưỡng lự muốn trao trả lại người bán kem túi thuốc. Người bán kem cười xòa vẻ vô tư:
Thuốc bổ chứ không phải thuốc độc đâu mà chị sợ. Nếu không tin tôi mở ra tôi cho vào miệng ăn thử cho chị xem bây giờ đây này.
Người bán kem làm thật. Chị Mơ lúng túng can ngăn:
Dạ không ạ! Nhưng…
Ông ta giàu lắm. Con cái buôn hàng tấm mà. Xa làng lâu rồi nhưng vẫn nhớ công của đồng môn xưa chép chữ cho mình. Giờ biết tin bạn ốm không về thăm được nên có mấy chục thang thuốc này về thăm thay mình. Chị đừng có ngại. Người tốt với nhau cả. Lúc hoạn nạn phải có nhau chứ. Chuyện nào ra chuyện đó mà…
Đúng là như có tiên đến giúp. Ông bố chồng chị Mơ nhận ra là ngày xưa có đi học cùng những người bạn như thế này. Tên họ thì ông không nhớ hết nhưng chép chữ cho người nọ người kia thì có. Chữ ông đẹp nên hay chép làm mẫu cho bạn theo. Ông chép cho đến mấy người kia. Nay có chuyện này nên nhớ lại mà thấy thêm cảm động về tình người, dẫu xưa rồi vẫn không cũ cái lòng với nhau!
Những thang thuốc bổ gần như vô danh lại hữu ích. Lòng tốt thì luôn có thực. Sự nhẫn nại của người con dâu đã khiến ông bà không thể ốm thêm. Nỗi buồn nguôi ngoai dần khi hai người già biết vận vào số trời cho rằng mình đang cung hoạn nạn để nhẹ vơi sự nghĩ suy!
Thời gian trôi đi nhưng chẳng làm chị Mơ hết cồn cào gan ruột. Ngày ngày chị vẫn lẳng lặng dắt Nhẫn ra ngõ rồi ra xa tít tận đầu đê chỗ lối rẽ vào làng ngóng chồng, đợi chồng.
Mỗi sớm mai chị vẫn thường từ ruộng ngóng lên xem có ai từ đường đê đang ba lô khoác vai rẽ xuống.
Mỗi chiều tà bấm chân vào lối đất chị hay bế con leo lên mặt đê nhìn hút xa xem có ai khăn gói đang về.
Đường về làng chỉ có một lối từ đê rẽ xuống. Cứ thế mà chị lần hồi trông đợi. Cứ thế mà chị lẩn thẩn ước ao!
Người qua lại nhiều, nhìn chị có người đoán là đang dở chứng tâm thần. Cũng có người nói đau khổ quá nên làm ra thế cho nguôi ngoai cảnh ngộ.
Lặng thầm vẫn là cách để chị Mơ tồn tại…
Một hôm Chủ tịch xã gọi chị Mơ lên trụ sở. Không một câu mời ngồi, ông chỉ thẳng vào mặt chị mà nói:
Tôi xin thông báo cho chị biết: Chồng chị đã phản bội nhân dân, phản bội Tổ quốc. Anh ta đã đứng trong hàng ngũ ngụy quyền Sài Gòn. Còn chờ đợi gì nữa mà chiều nào chị cũng mang con ra đầu đê ngóng chồng! May mà có chính sách rộng lượng khoan hồng của Chính phủ nên bố mẹ vợ con của kẻ phản bội mới được như thế này đấy. Tôi xin nhắc, gia đình phải nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chủ trương của cấp trên. Thường xuyên trình báo theo yêu cầu của Công an. Tuyệt đối không được liên hệ với kẻ thù. Nếu có việc lạ phải nhanh chóng báo với xã ngay!
Chị Mơ chưa hết ngỡ ngàng thì ông ấy nói tiếp:
Chị không tin hử? Mang một túi dết tài liệu vào Thành hàng địch sau đó tếch theo chúng nó vào Nam rồi. Cái tên Khương nhà chị ấy. Không hy vọng gì đâu. Đồ hai lòng! Quân phản bội! Mới đầu còn nghi nghi.
Giờ thì rõ rồi. Đã có thông báo chính thức của tổ chức nay tôi thông báo lại cho chị và gia đình rõ!
“Đồ hai lòng! Quân phản bội!”…
Âm thanh, ngữ nghĩa này cứ được láy đi láy lại nhiều lần ở nhiều miệng người rồi quay lại vây bủa lấy gia đình chị Mơ. Không gian làng xã như có dông có gió dồn lại, ứ lên làm nền cho những lời nguyền rủa quanh một gia đình đối tượng thuộc diện mà nhân dân làng xã luôn phải nêu cao cảnh giác.
Từ lúc chính quyền chính thức gọi gia đình chị Mơ là gia đình của “quân phản bội” rồi có ai đó vì quá căm uất mà viết cả ba từ ấy bằng than đen lên bức tường nhà chị thì mấy chữ ấy cứ suốt ngày vây bủa ám ảnh lấy tâm trạng chị. Nó trĩu nặng u ám nhất mỗi khi chị rảnh việc, được ở bên con, khẽ tay đưa võng ru con với câu ru ai oán mà hình như gần đây hay đay đi đay lại đã ngày càng trở nên quen thuộc trong gian nhà vắng:
Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông thế cò
Không không tôi đứng trên bờ
Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi
Chả tin thời ông tới nơi
Mẹ con cái vạc còn ngồi ở kia
à ơi..
à ơi…
Vẫn là cánh võng đưa ấy nhưng tay đưa đã nặng nhọc hơn. Nhẫn đang ngủ, giấc ngủ thường nhật mà sao nó có gì đó khang khác. Một giấc ngủ của con trẻ thôi mà chớp ngang chớp dọc lòng mẹ những âu lo, hờn tủi. Có lúc chị Mơ như cái cây thiếu nước ủ rũ bên con. Có lúc lại như người sắp mất của hốt hoảng nắm chặt lấy tay con như chỉ lơi ra một tí là nó sẽ rời xa khỏi mình…
Nhìn con mà chị lại như muốn nói với chồng:
“Anh Khương ơi, lẽ nào? Ngày vào lực lượng, anh từng thề không đội trời chung với giặc. Vậy mà anh đã thay đổi đến thế ư ? Hay là cuộc sống chốn phồn hoa đã làm anh loá mắt.
Anh là người có chữ, có học mà sao nông nổi đến vậy. Dốt nát, quê mùa đã đành. Đằng này bao năm vào sinh ra tử, khi đồng đội mở con đường sáng về quê thì anh lại một mình tăm tối bỏ quê bỏ nhà theo địch. Nỗi đau này bây giờ em chịu. Nhẫn ơi, phải chăng bố con rắp tâm theo địch nên mới cùng mẹ đồng ý chọn tên ấy đặt cho con để bây giờ sự ai oán này oằn trên vai mẹ con mình?
Anh Khương ơi, lẽ nào?
Một miếng ngon không quên cha mẹ, gặp con gái chưa nói được câu nào đã đỏ hết cả hai tai. Kể chuyện về tội ác của địch mắt như có lửa, đóng kịch ở trường chỉ thích sắm vai dũng tướng Trần Bình Trọng. Ta thà làm quỷ đất Nam còn hơn làm vương đất Bắc!
Con người như thế liệu có thể bỗng chốc đổi thay?” Lời anh Khương cùng lúc vang lên trong nỗi day dứt khôn cùng nhớ lại của người vợ trẻ…
“Mơ ơi, anh dặn câu này. Dù thế nào cũng phải gắng nuôi con. Dù thế nào cũng phải tin anh. Mọi việc Mơ gánh vác cho anh!”
Họ đối thoại với nhau trong ắng lặng của nỗi niềm… “Anh Khương ơi, lẽ nào? Liệu em có tin được rằng anh đã bỏ đồng đội theo địch, anh đã mang tài liệu vào Thành phản bội lại cách mạng. Hãy trả lời em đi, Khương ơi? Em biết gọi ai bây giờ nữa ngoài anh? Trời ơi!”
Lòng người vợ trẻ ngổn ngang giữa thực và hư. Tận đáy sâu suy nghĩ của mình chị vẫn không tin sự bỏ đi của chồng là thật vậy mà chẳng biết lấy ai để tìm cách giãi bày. Chồng chị thì vẫn bặt vô âm tín. Anh như hòn đá ném vào lòng giếng sâu hun hút không một hồi âm.
Ba tiếng “Quân phản bội” vẫn ngày ngày như đám mây đen phủ trên cuộc đời nhỏ bé của bố mẹ chồng chị, của hai mẹ con chị.
Lúc này sao mà cơ cực, sao mà phũ phàng.
“Trời ơi! Tại sao? Vì sao?.,..”.
Nhiều lúc chị Mơ ôm con vào lòng ngửa mặt nhìn cao xanh mà thét lên câu ấy.
“Trời ơi! Tại sao? Vì sao?”
Nhưng trời thì cao quá, xa quá còn cuộc sống lại ở gần, rất gần.
Làng vẫn làng mình đây mà sao chẳng như xưa. Người vẫn người quê mình đây mà sao càng ngày càng nhiều cái nhìn lạnh lùng, xa lạ.
Mẹ con chị vẫn lành lặn mà sao vẫn có người nhìn vào như nhìn một con hủi, nhìn kẻ què quặt, tật nguyền.
Ngồi nhìn giấc ngủ thanh bình vô tư của con, người mẹ quặn lòng nhớ lại ngẫm lại biết bao nhiêu là chuyện…
Có hai người. Thường là vậy. Có nam, có nữ. Lúc người này, lúc người khác. Họ hay đi qua đi lại phía ngoài nhà chị Mơ. Họ trò chuyện với nhau như ngụ ý muốn cho chị nghe rõ…
“Chồng theo địch thế mà mẹ con chị ta vẫn nhơn nhơn!” “Sống gần bọn phản động tôi ghê lắm. Nhỡ ra…” “Có khi nó còn làm gián điệp chỉ điểm cho địch cũng nên!”
“Họp phụ nữ ngồi cạnh chị ta nhiều người thấy sợ sợ.”
“Làm ruộng đổi công tôi lo chị ta nhét tài liệu phản động vào mạ đang cấy đấy. Sợ quá…”
“Làng mình có người ho lao, người hủi đã ngại. Giờ ở gần mẹ con nhà tên phản động này cứ thấy ghê ghê.” “Tôi mà là chủ tịch xã tôi đuổi mẹ con nhà nó ra bãi hoang mà ở. Cả hai kẻ thân sinh ra chúng nữa…”
“Thế còn khá đấy. Như tôi là đuổi khỏi làng. Đất ta là đất cách mạng không có chỗ chứa cho bố mẹ, vợ con quân phản động, phản bội Tổ quốc.”
Chị Mơ gục mặt bên con khóc nức lên mỗi lần nhớ lại những câu nói ấy. Và còn nhiều nhiều nữa những câu nói của người nọ người kia, chỗ này chỗ khác để rồi tới một ngày người phụ trách Công an xã đến gia đình chị Mơ truyền đạt chỉ thị của lãnh đạo yêu cầu gia đình phải rời khỏi nơi cư trú cũ. Lúc này bố mẹ chồng và mẹ con Mơ đã lại về ở chung với nhau được một thời gian.
Người ấy nói:
Lý do phải đi ông bà và chị đã biết rồi. Tuy không trực tiếp theo địch nhưng có người thân theo địch như thế là có liên đới. Hiện tại chiến trường miền Nam đang ngày càng ác liệt nên càng phải cảnh giác cao với những người có vấn đề. Nói vậy chắc gia đình hiểu?
Chị Mơ ôm con vào lòng, ứa nước mắt nhìn bố mẹ chồng rồi nhìn nhà chức trách nói:
Thưa ông… bố mẹ tôi đã già, cháu còn nhỏ dại…
Việc này đâu có liên quan đến việc chuyển nhà, chuyển đất. Xã vẫn có đất có nhà cho gia đình ở kia mà. Đây là chúng tôi làm theo chỉ đạo. Vì nửa nước còn địch, vì bài học phải nêu cao tinh thần cảnh giác mài sắc ý chí chiến đấu, vì tên Khương phản bội quê hương phản bội dân tộc, nhỡ ra…
Nhưng…
Không nhưng gì cả. Chị không được phép lý sự với chính quyền. Gia đình đã có người theo địch, lại thành phần phú nông, gần như địa chủ, phải ra ở chỗ bãi hoang rìa làng là đúng rồi còn thắc mắc cái nỗi gì? Được ở chỗ ấy là đã tốt lắm. Mất mấy cuộc họp liền mới quyết định được đấy!
Thưa ông, đấy là bãi tha ma!
Gần nghĩa địa thôi. Chị nói vậy là có ý vu cáo chúng tôi phải không?
Bố chồng chị Mơ vội đỡ lời con dâu:
Báo cáo ông. Cháu nói vậy là cháu sợ gần chỗ người âm chứ có dám đụng gì tới người dương đâu ạ. Con ơi việc đến thì phải làm. Xã đã dạy vậy gia đình tôi xin chấp hành!
Cụ nói vậy chúng tôi còn nghe được. Nhà chị cứ theo lời tôi nói mà thi hành.
Không còn cách nào khác ngoài cách nghe lời.
Một bãi đất để hoang sau ít ngày thuê thợ vật vã đẵn tre, cắt rạ, ngào bùn trát vách, ngôi nhà khá chắc chắn đã được dựng lên. Tốp thợ thật tốt. Họ người thiên hạ. Nghe nói gia đình muốn làm nhà họ hồ hởi nhận việc với giá rất rẻ lại không phải cơm nuôi. Lạ cái không biết ai mách bảo mà họ đã tự động đến gặp chị Mơ và chủ động xin việc:
- Anh em chúng tôi cũng con nhà khó cả. Biết tin chị sắp làm nhà như vớ được mỏ vàng. Chị yên tâm.
Chúng tôi đều có tay nghề lại thạo việc và tốt bụng.
Chỉ xin chị ít yến gạo giúp cho các cháu.
Chị Mơ lo lắng, ngập ngừng:
Việc này tôi còn phải báo cáo lên xã nữa ạ!
Chị khỏi lo đi. Làm nhà chứ có phải tụ tập tuyên truyền phản động gì đâu. Ai dại gì. Chúng tôi đã xin phép người có trách nhiệm hẳn hoi rồi!
Và ào ào ai vào việc nấy. Thợ khéo lại ít vòi vĩnh. Bất quá chỉ đôi ấm nước chè và ít thuốc lào. Thỉnh thoảng có thêm nồi khoai luộc, sắn luộc gia đình mời lúc nghỉ giải lao. Đúng là cảnh khó gặp người lành.
Mẹ chồng nói với con dâu hôm xong nhà:
Mơ ạ, được ở thế này là phúc đức lắm rồi. Không phải đi tù thay đứa phản bội là Nhà nước đã nhân đức lắm!
Mẹ động viên bố giúp con!
Ông ấy động viên tao thì có. Con có biết bố con nói với mẹ thế nào không? Thằng Khương tôi không ngờ nó lại đổ đốn ra đến vậy. Tâm tính nó tôi với bà còn lạ gì? Lắm lúc tôi không tin nhưng lại ngờ ngợ biết đâu nó ăn phải bả của ai…! Cha sinh con, trời sinh tính mà bà ơi. May mà còn có mẹ con cái cháu Nhẫn!
Con cũng bất ngờ quá mẹ ạ!
Nói vậy để thấy trong chị Mơ luôn luôn có nỗi mơ hồ nào đó về chuyện tốt xấu của chồng. Chị chỉ biết hoài nghi rồi đổ lỗi cho số trời. Hôm bế con về nhà mới nhường lại nhà cũ cho tổ đổi công chứa phân hóa học và cày bừa, chị vừa khóc vừa nói với con:
“Nhẫn ơi… Con có thấy gì không? Mình không còn nhà nữa rồi. Cả hàng xóm láng giềng cũng mất. Anh Khương ơi, thà anh giết mẹ con em trước khi vào Nam theo địch còn hơn để gia đình phải sống như thế này. Khổ nào hơn nỗi khổ bị xóm giềng ghẻ lạnh hả anh. Nhẫn ơi, đi thôi. Đi với mẹ ra bãi gò hoang ở thôi…”
Chị Mơ bế con lên tay. Hôm ấy trời mây đen vần vụ rồi ào ào mưa.
Tiếng mưa như khúc nhạc buồn, day dứt. Bố mẹ chồng rét run ngồi hơ tay trong bếp rạ mới có một ít tro. Chị Mơ bế con tựa vách đất vừa kịp khô ôm chặt lấy con ủ ấm. Cả một khối người trong một ngôi nhà mà tâm trạng ai cũng như bị tách ra, rã rời.