Có nỗi đau nào hơn nỗi đau bị cách ly khỏi xóm giềng khi mà một thời nhiều người chỉ chuyên sống bằng ý chí. Họ nghiêm khắc đến mức không chịu được cái xấu cho dù cái xấu ấy có lúc nó mới chỉ trong mức đồn thổi.
Ngày ấy theo địch, phản động là tội ác ghê gớm nhất. Mẹ con chị Mơ và bố mẹ chồng chị phải sống trong nỗi mặc cảm nặng nề này. Tủi thân, cô độc mẹ con chị và bố mẹ chồng đã theo lệnh phải bồng bế nhau ra bãi đất hoang đầu làng để ở. Nào có được yên. Thỉnh thoảng dân quân xã, Công an huyện vẫn qua lại thăm dò, xét nét khi có biệt kích nhảy dù ra đất Bắc hoặc chiến sự ở phía Nam diễn biến căng thẳng. Những lúc ấy quanh nhà chị luôn có người lướt quanh, qua lại. Xa xa lại có người đứng khuất trong bụi cây, chái nhà theo dõi, để ý xem có ai đến nhà chị để tìm hiểu và tra xét ngọn nguồn.
Gia đình chị Mơ như bị giam lỏng!
Vậy mà vẫn có người dám đến với mẹ con chị Mơ. Người ấy nhiều tuổi hơn anh Khương, vẻ đĩnh đạc chín chắn. Anh xuất hiện trong ngôi nhà heo hút của mẹ con chị Mơ vào một buổi sáng đông lạnh. Anh tên là Chất. Chẳng biết bằng cách nào anh Chất qua khỏi những trạm gác vô hình của thôn xóm bủa quanh gia đình tên phản động lúc này nghe nói hắn đã làm lên chức gì to lắm trong ngụy quyền Sài Gòn.
Anh Chất mặc bộ quần áo bộ đội đã bạc màu. Vai anh đeo cái túi dết vải màu xanh cỏ úa. Mũ đội trên đầu anh là chiếc mũ lá cọ rộng vành đã cũ và sờn vành…
Chị là chị Mơ! Còn đây là cháu Nhẫn? Chị Mơ ngạc nhiên:
Bác là ai mà biết em và cháu ạ!
Anh Chất ôn tồn:
Chả giấu gì chị, tôi vốn là đồng đội cũ của anh Khương. Chị Mơ lúng túng:
Nhà em… nhà em…
Anh Chất chậm rãi:
Chị bình tĩnh lại đi. Tôi đến thăm gia đình là để cảm ơn chị. Nhất là anh! Việc nào ra việc ấy chị Mơ ạ!
Chị Mơ chân thật:
Bác vẫn chưa biết gì về chuyện nhà em! Bác không sợ liên lụy khi nói chuyện với em ạ?
Anh Chất gật đầu, tự tin:
Biết chứ! Cũng sợ nữa chị ạ. Nhưng đó là chuyện khác! Chị Mơ ân cần và tự tin hơn:
Bác ơi, em hỏi thật bác. Có thật nhà em như thế không?
Anh Chất chậm rãi:
Việc của anh Khương đã có chính quyền, đoàn thể xem xét và kết luận. Còn việc tôi với gia đình, đây là chuyện riêng, rất riêng. Đến được đây cũng phải có phép tắc cả đấy ạ. Tôi phải nói dối, chị là em họ phía bên ngoại. Cũng mong chị giữ kín cho chuyện này. Chị phải thật bí mật tôi mới dám thưa chuyện…
Chị Mơ hồi hộp:
Em xin nghe bác.
Anh Chất trầm ngâm cùng giọng nói:
Chị Mơ ạ! Tôi với anh Khương vốn là bạn với nhau từ hồi đi học cơ. Cũng từ cái dạo đó mà tôi mang ơn anh ấy suốt đời. Bây giờ thì mỗi người mỗi hoàn cảnh thật nhưng ơn cứu tử của anh ấy không bao giờ tôi có thể quên được. Chả là, lúc ấy bố tôi bị bệnh nặng, tôi định bỏ học về quê để làm lụng phụng dưỡng cha già nhưng anh ấy nhất định không cho. Anh ấy bảo, anh ấy có tiền, Chất cứ đưa bố đi nhà thương chữa bệnh rồi hai đứa vừa học vừa chăm sóc ông cụ. Thế là đằng đẵng mấy năm trời bố con tôi sống bằng tiền giúp đỡ của gia đình anh ấy. Cũng chỉ mong học lên đi làm lấy tiền trả ơn bạn thì vừa hay Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Rồi toàn quốc kháng chiến cả hai cùng tham gia lực lượng…
Nghe chuyện cũ mà ứa nước mắt. Cả hai đều lấy tay chấm giọt khóc của mình. Chị Mơ nghẹn ngào:
Cảm ơn bác đã cho em biết chuyện. Từ ngày sống với nhau nhà em chưa lúc nào kể chuyện này cho vợ con biết cả. Nay bác nói em mới rõ!
Anh Chất bóp cục tay, nhỏ nhẹ:
Người như anh ấy có mấy khi nói về tiền!
Như chạm vào nỗi đau chị Mơ bật lên tiếng nấc:
Vậy mà, bác ơi! Mẹ con em khổ quá. Hai ông bà bố mẹ chồng em cũng cơ cực không kém!
Anh Chất chỉ biết an ủi vợ người bạn học cũ:
Sông có khúc, người có lúc. Xin chị bình tĩnh. Mình cứ tin ở mình là được. Có bình tĩnh thì mới yên tâm mà nuôi cháu được. Anh ấy công tội đến đâu sẽ có cấp trên phân xử. Nhiệm vụ của chị bây giờ là nuôi cháu và dạy dỗ cháu nên người. Được như vậy khi anh ấy nhìn lại sẽ thấy mát mặt.
Chị Mơ nhướn đôi mắt đỏ vì khóc nhiều nhìn vào người khách, nói như dằn tiếng:
Làm sao mà bình tĩnh được khi chồng theo địch hả bác? Làm sao mà bình tĩnh được khi đang yên đang lành bố mẹ vợ con lại liên lụy tới kẻ phản bội, quân phản động?
Mắt anh Chất ngấn lệ. Anh nhìn chị Mơ nghẹn ngào:
Thôi, chuyện ấy nói sau mà. Giờ xin chị nhận cho tôi chuyện này. Chuyện hiện tại, trước mắt đã. Chả giấu gì chị, lâu nay tôi đã có lương, không còn túng bấn như xưa nữa. Cũng xin phép chị cho được thưa đôi điều. Không dám nói là trả nợ anh. Đây chỉ là chút lòng thành tạ ơn anh ấy đã giúp đỡ tôi thuở còn khó khăn! Rất mong nhận được sự thông cảm của chị và gia đình. Mong chị nhận cho…
Anh Chất đặt gói tiền bọc trong giấy báo lên mặt bàn. Anh đẩy nhẹ nó về phía chị Mơ. Chị đẩy lại gói tiền về phía khách:
Ấy chết, em xin bác, bác đừng làm thế. Chuyện của nhà em với bác xưa kia thế nào bác nói vậy em cũng chỉ biết vậy. Còn chuyện tiền nong lúc này là em dứt khoát không!
Anh Chất lắc đầu, lời nói như xiết vào:
Chị không nhận cho, tôi sẽ là người có tội, kẻ vô ơn đấy.
Nhưng em nào có hay chuyện giữa bác và nhà em thế nào đâu? Mà chuyện cũng đã lâu lắm rồi!
Tôi nói rồi. Lâu thì lâu vẫn phải nhớ. Trong việc này tôi có trả ơn anh ấy đến suốt đời cũng không hết.
Chị Mơ nhìn anh Chất lắc đầu. Giọng tủi thân chị nói:
Nhưng… giờ nhà em là kẻ khác rồi. Đã là tên phản bội thì làm sao còn xứng đáng nữa.
Anh Chất năn nỉ. Tiếng tiếng chân thành. Anh tha thiết:
Chị cứ vui lòng cầm giúp. Chuyện đâu rồi có đó. Chị phải thật bình tĩnh về chuyện của anh ấy…
-…
Biết đâu chỉ là chuyện đồn thổi…
-…
Mà có thật đi chăng nữa cũng là chuyện đã rồi. Đấy là tôi giả dụ như vậy. Đừng có mà nản lòng chị Mơ ạ!
Dạ dạ…
Chị cố gắng nuôi cháu nên người.
Em xin nghe lời bác.
Anh Chất nghẹn ngào:
Xin phép chị thỉnh thoảng cho tôi được ghé qua thăm gia đình. Chị cứ coi tôi như người anh họ từ bên ngoại sang chơi. Giờ tôi phải đi không ở lâu quá người ta để ý. Lúc nãy vào có người xét nét giấy tờ đấy? Tôi phải nói dối là người họ hàng bên ngoại nhà chị họ mới miễn cưỡng gật đầu. Anh họ đến thăm em gái vì chuyện gia đình thì được. Thấy tôi nói có vẻ chân thành nên họ cũng không khắt khe lắm. Cũng phải thông cảm cho người ta thôi. Mọi chuyện chỉ tôi với chị ta biết với nhau là được. Tuy vậy vẫn phải cẩn thận. Họ có mắt ở mọi nơi đấy chị ạ!
Chị Mơ nói nhỏ:
Em sợ cho anh…! Người ta lo anh bị vợ tên phản bội lôi kéo đấy mà. Mấy năm nay có người còn ngại đi qua cửa nhà em. Ra đường em chào có người còn ngoảnh mặt đi không thèm trả lời. Nhục lắm anh ạ. Biết là anh thương mẹ con em, em xin cảm ơn. Còn chuyện tiền nong xin anh cất giùm. Nhận của anh là làm liên lụy đến anh, em không dám đâu.
Anh Chất cười, lắc đầu vẻ tự tin:
Chị không có gì phải sợ hết. Cứ cầm lấy cho tôi vui lòng. Đây là tiền bác Chất nuôi cháu Nhẫn chứ có phải tiền nuôi quân phản bội đâu. Tiền này là tiền tình, tiền nghĩa thôi mà chị. Tôi cũng đã báo cáo qua với người ta rồi!
Có bóng đôi ba người qua lại trước nhà. Nghe tiếng họ e hèm, lời họ rung doạ. Họ cố ý nói to để người trong nhà có thể nghe được:
Đồng chí có tin đó là anh em không?
Người ta nói vậy biết vậy!
Tôi nghi ngờ lắm. Phải nâng cao cảnh giác?
Chả nhẽ cấm anh em người ta gặp nhau?
Đây là nguyên tắc. Đã là nguyên tắc thì bất chấp dù có là ruột thịt. Chúng ta phải có trách nhiệm. Đồng chí lên tiếng đi!
Sao lại là tôi?
Hòn tên mũi đạn tôi xung phong ngay!
Chuyện này khó hơn giữa nơi lửa khói nhiều!
Đồng chí? Nghiêm! Thi hành mệnh lệnh!
Rõ!
Người đi qua. Người đi lại.
Người đứng nghiêm nhìn, vẻ cấp trên thúc giục…
Họ nói vóng vào trong nhà:
- Đã quá giờ quy định rồi đấy!
Một giọng nói khác từ xa vọng đến:
Phải nâng cao cảnh giác. Mọi người cùng cảnh giác! Đây là nguyên tắc…! Ai ai cũng phải chấp hành.
Trong nhà, anh Chất đặt vội gói tiền lên tay chị Mơ.
Đúng ra là anh dúi tiền vào tay chị và nói rất to:
Bảo phải được. Cầm lấy mà nuôi cháu và thuốc thang cho hai cụ. Đau ốm là khổ lắm. Cô phải nghe lời anh. Chấp hành chính sách tốt, đoạn tuyệt với điều xấu để lấy lại lòng tin của dân làng. Kẻ nào phản bội kẻ đó sẽ phải chịu tội trước nhân dân…
Nói xong anh Chất đi vội ra ngoài. Gặp ba người trong tổ Tam Tam anh lên tiếng ngay:
Chào các đồng chí ạ. Xin lỗi vì đã để các đồng chí phải phiền lòng. Lâu ngày hai anh em mới gặp nhau nên có nhiều chuyện phải khuyên bảo. Hơi quá thời gian cho phép một chút xin các đồng chí thông cảm!
Ông đi đâu vội thế?
Ô…
Một người nói to:
Dừng lại đã!
Có gì thế ạ?
Gói này là gói gì mà để lại?
Thì ra có người đã vào nhà lấy từ tay chị Mơ ra gói tiền bọc trong giấy báo. Anh Chất hiểu chuyện, nói ngay:
- Tiền ạ!
Một giọng tra xét vang lên:
- Tiền?
Anh Chất thản nhiên trả lời:
Vâng! Không có gì khác ngoài tiền! Tôi mang cho em và cháu ấy mà. Mẹ con nó khó khăn quá. Nhân nhà bán được đôi lợn tăng gia cho hợp tác vợ tôi bảo mang sang giúp em và cháu!
Một giọng nghi ngờ khác cất to lanh lảnh:
Ông mở ra xem. Là tiền cho em thì được. Phản động thì phản động Nhà nước vẫn còn cứu đói kia mà. Chúng tôi chỉ sợ: Biết đâu đó lại là tài liệu phản động?
Nếu các đồng chí không tin tôi xin…
Một người gạt tay anh Chất ra và chỉ vào người cùng nhóm:
Không phải việc của ông. Đồng chí? Người kia cự lại:
Vẫn tôi?
Thi hành phận sự đi.
Rõ!
Gói giấy được mở ra. Mọi ánh mắt chúi vào nhìn.
Một giọng thoải mái vang lên:
- Báo cáo… chỉ có tiền…
Tổ trưởng tổ Tam Tam gật đầu nói:
- Duyệt!
Anh Chất hỏi lại:
- Nghĩa là thế nào ạ?
Tổ trưởng tổ Tam Tam nói tiếp:
Ông có thể đi. Lần sau phải rút kinh nghiệm đấy. Muốn đưa cho đối tượng cái gì phải trình báo tổ chức trước!
Anh Chất cười xởi lởi:
Xin cảm ơn hai đồng chí!
Một tổ viên hỏi lại cho có vẻ chắc chắn hơn:
Này…?
Dạ!
Ông cam đoan là tiền này để cho cháu chứ không nhằm mục đích gì khác chứ?
…
Sao thế?
Anh Chất vẫn hồ hởi:
Tôi nói rồi. Xin không nhắc lại. Tùy các đồng chí hiểu. Giờ xin phép... à quên, có mấy gói thuốc lào Vĩnh Bảo ngon biếu các đồng chí dùng. Các đồng chí bỏ quá cho, mải chuyện anh em, bác cháu nên quên mất thời gian các đồng chí cho phép. Tôi thành thật xin lỗi các đồng chí!
Không dám! -…
Còn đứng nữa làm gì? Ông có thể đi được rồi.
Này chị kia?
Người trong tổ Tam Tam vẫy tay vào trong nhà và gọi chị Mơ ra ngoài. Chị Mơ lập cập chạy đến chỗ người gọi:
Dạ, tôi xin nghe ạ!
Chị nhớ là chúng tôi có mặt ở mọi nơi đấy!
Dạ, tôi hiểu ạ!
Không gian lúc ấy như trĩu xuống.
Trầm trầm, day dứt theo màu sáng sẫm tối của những ánh mắt, những khuôn mặt nhìn nhau.
Mọi cái cứ mờ mờ ảo ảo.
Một ngọn đóm đồng cảm tuy chập chờn nhưng là chút ánh sáng ấm áp tình người trong gia cảnh chị Mơ đó là sự xuất hiện của anh Chất! Bố mẹ chồng thì cho là còn phúc đức nên trong cảnh ngộ u ám này vẫn có người giúp đỡ. Như mấy chục thang thuốc bổ! Như nhóm thợ làm nhà dạo nào và việc anh Chất đến nhà đưa tiền trả nghĩa xưa mới rồi chẳng hạn!
Cũng từ ấy anh Chất thành người thân của gia đình. Cứ độ vài ba tháng anh lại về thăm mẹ con chị Mơ một lần. Lần nào về anh cũng có một gói tiền nhỏ gọi là trả nợ nghĩa anh Khương. Kèm theo tiền là một ít quà. Khi thì chiếc khăn len cho mẹ, lúc là tấm áo trắng cho con. Hai cụ thường là thuốc thang gửi biếu. Ngày Tết bao giờ cũng có gói chè Thanh Hương, bao thuốc Hoàn Kiếm, hộp mứt quốc doanh! Gia đình chị Mơ mới đầu sợ, ngại nhưng rồi cũng quen dần. Được cái anh Chất cẩn thận, kín đáo và đàng hoàng. Đến thăm mẹ con chị chỉ chốc lát rồi anh đi. Gia đình chẳng biết lai lịch anh thế nào chỉ biết là anh làm thủ kho ở mãi tít ở trên vùng miền núi xa xôi nào đấy…
Ngày bố mẹ Khương vì tuổi già sức yếu theo nhau về với tổ tiên đều có mặt anh Chất. Hình như anh biết trước phút lâm chung của hai cụ hay sao ấy nên đã có mặt lúc các cụ sắp xuôi tay để giúp cô em họ lo tang lễ. Anh như con cả của gia đình!
Cả ông biếu thuốc Bắc ở thành phố vì tuổi cao không về được cũng đã gửi vòng hoa về viếng. Người mang hộ vòng hoa và đại diện thắp hương vẫn là người bán kem dạo nào. Ông đã lớn tuổi hơn nhưng vẫn dẻo dai đạp chiếc xe cọc cạch cùng lời rao kem hấp dẫn: “Ai kem dừa nóng ròn đê!”. Làng quê của chị Mơ như một phần sinh nhai của ông. Hai lần nhà có đám hiếu là hai lần ông mang hoa về thắp hương cho người quá cố.
Nhóm thợ dựng nhà cho gia đình dạo nào cũng lũ lượt kéo nhau đến đưa tang. Họ nói khó với chính quyền xã vì nhớ ơn gia đình đã tạo công ăn việc làm cho lúc khốn khó, nay nghĩa tử là nghĩa tận và cũng chỉ là thắp nén hương cúng hai cụ chứ không có ý nào khác.
Lúc cụ ông sắp nhắm mắt chỉ dặn con dâu mỗi câu:
Nếu thằng Khương có may mắn sống sót mà trở về thì đừng có cho nó thắp hương trên mộ bố. Bố không muốn nhận nén hương bất hiếu, bất trung ấy.
Cụ bà thì cứ tàn dần rồi lịm tắt trước khi thở dài nhìn con cháu Nhẫn. Cụ bà đi sau cụ ông một năm. Cả hai lần làm tang cho bố mẹ chồng thì là cả hai cảnh buồn hiu hắt. Hàng xóm lành lạnh lác đác qua thăm. Người đưa tang nhanh chóng, mắt trước mắt sau về ngay vì sợ có dính dáng. Trong đám tang của hai cụ cũng luôn luôn có người theo dõi, dò xét. Họ không to tiếng như những lúc trước nhưng vẫn tỏ ra nghiêm ngặt. Những việc này chị Mơ chỉ thoáng qua là biết và nhớ mãi. Càng nhớ chị lại càng giận chồng. Nhưng giận thì giận chẳng biết nói cùng ai. Người thì cứ mịt mờ như chim trời cá nước chẳng biết đâu mà lần đành ngậm lòng nuôi con và tuân thủ chấp hành mọi chính sách do xã đề ra đối với một gia đình có phần tử phản động theo địch. Chị chỉ muốn biết tin chồng mình dù chỉ là một tí cho dù xấu tốt như thế nào nhưng không ai trả lời.
Thân tình như bác Chất cũng chỉ nói chung chung:
- Người Bắc kẻ Nam lại mịt mù bom đạn thế này thì chị lo lắng làm gì cho nó khổ cái thân. Tốt nhất là dạy cháu Nhẫn cho nó nên người. Nay mai đánh xong địch đen trắng rõ ràng lúc ấy có tìm hiểu cũng chưa muộn. Kẻ nào có tội với dân với nước kẻ đó phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Người nào có công với dân với nước người ấy sẽ được tuyên dương, khen thưởng.
Chính quyền xã thấy chị Mơ cơ chỉ làm ăn, ý tứ trong tiếp xúc, thực hiện nghiêm chính sách nên chẳng ai làm khó cho gia đình. Tuy nhiên ông Trưởng thôn cùng ông Công an xã vẫn luôn luôn có lời nhắc nhở vì gia đình chị đang trong diện phải theo dõi. Cái ghẻ lạnh chung đối với một gia đình có quân phản động tuy không thường trực hằng ngày như trước nhưng vẫn âm ỉ một vết hằn định kiến.
Xa lánh khi có điều kiện và ngài ngại khi phải tiếp xúc. Nhiều nụ cười nhạt khi miễn cưỡng phải gặp gỡ. Sâu xa trong cõi lòng nhiều người là khinh bỉ, lảng tránh.
Hai chữ cảnh giác thời đất nước còn giặc quả là nghiêm khắc, ngặt nghèo.
Với người bình thường nhiều khi còn phải giữ ý huống chi là với những người có chuyện, có vấn đề!