Năm tháng dài ra và cứ thế, nặng nề, đơn điệu lẳng lặng trôi qua cuộc đời hai mẹ con bà Mơ.
Ông Khương vẫn bặt tin.
Miền Nam nổ súng quyết liệt đánh địch. Rồi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng ra miền Bắc. Máy bay địch quấy đảo suốt ngày đêm. Xung quanh nhà bà Mơ những ngày bom đạn ác liệt ấy đều có dân quân canh gác. Có lần bà bị gọi lên xã lục vấn về chuyện đi làm đồng mặc áo sáng màu. Công an nghi ngờ bà có ý muốn báo hiệu cho máy bay địch. Họ nói nếu có chuyện gì xảy ra với làng xã bà sẽ bị bỏ tù. Nghe nói vậy bà rất sợ nhưng may mà quê bà máy bay ném bom của địch chỉ xoẹt qua. Cũng có lần bà chậm treo cờ chào mừng ngày lễ cũng bị nhắc nhở là có ý gì với chế độ mà không làm theo lời loa thông tin nhắc nhở. Bà phải hứa là không bao giờ sai phạm nữa…
Nếu ví xã hội lúc ấy là một lớp học thì gia đình bà Mơ luôn luôn là một dạng học trò cá biệt cần được theo dõi, nhắc nhở và phải luôn luôn được theo dõi và nhắc nhở!
Chiến sự hai miền càng dữ dội bao nhiêu thì sự chịu đựng của gia đình bà Mơ càng căng thẳng bấy nhiêu. Mẹ con bà như cái bóng âm thầm tồn tại, âm thầm sống, âm thầm nếm trải.
Nhẫn đã lớn phổng đang học cấp III trường huyện. Năm nào Nhẫn cũng là học sinh giỏi. Đây là niềm an ủi lớn nhất đối với bà Mơ. Hôm chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 10 cho Nhẫn hai mẹ con đã có cuộc tâm sự với nhau về tương lai của con, của mẹ.
Nhẫn nói:
Con xin thi vào Đại học Sư phạm mẹ ạ ! Bà Mơ băn khoăn:
Đã nghĩ kỹ chưa con?
Vẻ tự tin, con gái khoe với mẹ:
Thầy chủ nhiệm con bảo, các em gái nên đi học làm bác sĩ, làm cô giáo. Hai việc này thầy thấy là hay nhất. Với khả năng của em thầy thấy rất hợp!
Bà Mơ xa xăm:
Bố con xưa cũng từng ao ước bao giờ đất nước yên hàn hết đánh nhau thì xin đi dạy học, vậy mà...
Nước mắt bà Mơ ứa ra rồi tràn xuống hai bên gò má. Cứ nghĩ đợi trông mãi nó sẽ làm khô đôi tròng mắt người chờ nào ngờ cứ hễ chạm tới nỗi đau chia cắt là nó lại ào ra như mưa lũ không gì có thể cản ngăn. Người vợ trong thăm thẳm tâm trạng mình vẫn mong và hy vọng những điều tốt đẹp của chồng sẽ trở về với mình bởi một đức tin có từ trái tim chung thủy.
Bà Mơ thầm thì với con:
Nhẫn ạ. Từ ngày ấy đến giờ mẹ chưa có được một đêm ngủ yên. Nín lặng trước mọi điều xung quanh, ẩn mặt vào bóng đêm mà gan ruột lúc nào cũng có than có lửa lóe sáng…
Nhẫn hơi cau mặt nhìn mẹ:
Thôi mẹ đừng nghĩ ngợi về chuyện ấy nữa. Con muốn mẹ quên đi. Người ta đã không nghĩ đến thì mẹ còn nghĩ đến làm gì?
Bà Mơ trợn mắt:
Người ta?
Mẹ?
Bà Mơ mím môi:
Con bảo ai là người ta?
Mẹ còn hỏi nữa. Người mà con gọi là bố ấy!
Nhẫn thản nhiên nói trong nét mặt bầm tím của mẹ. Bà Mơ lắc đầu thất vọng nhìn con:
Ai dạy con nói như thế? Nhẫn vẫn thản nhiên:
Đấu tranh giai cấp là không khoan nhượng. Từ ngày bỏ mẹ con mình đi ông ấy đã là kẻ thù, ông ấy đã là kẻ khác, đã là giai cấp phản động bóc lột thối nát rồi. Mấy bác bảo con đã là kẻ thù thì không thể đội trời chung với nó dẫu kẻ đó có là bố mình.
Bà Mơ thét lên:
Nhẫn! Con có im đi không! Nhẫn hồn nhiên:
Làm sao lại phải im ạ? Muốn tỏ rõ thái độ với kẻ thù mình phải hành động. Có hành động cụ thể mới thể hiện được với mọi người là mình đang thực sự cải tạo. Mấy bác ấy bảo con, mày phấn đấu như thế thì là được nhưng mẹ mày cứ lì lì xem ra còn khó hiểu lắm?
Bà Mơ lặng mặt, trầm lời:
Nhẫn? Con có thôi nói đi không!
Bà Mơ ôm mặt khóc nức lên như con trẻ.
Nhẫn vẫn lầm lì mạch nói:
Con thôi làm sao được. Khổ quá. Con muốn nói để mẹ bớt nghĩ đi mẹ có hiểu không?
-…
Mẹ ơi, con thương mẹ!
Người mẹ mím môi, lắc đầu rồi quờ tay ôm chặt lấy Nhẫn. Vòng tay mẹ rít lấy thân con. Phận mẹ đã mong manh bao nhiêu phận con càng mỏng mảnh bấy nhiêu. Đường đời bao nhiêu nước bước. Đúng và sai. Đâu là sai và đâu là đúng? Con đang là con mẹ, con bố hay con là con ai. Mới tí tuổi đầu thế này, Nhẫn ơi đã phải gánh theo bao nỗi đời của mẹ cha vô tình sẻ xuống vai con. Ôm con mà lòng mẹ rối như rạ rối:
Trời ơi, con tôi. Mày đang là ai thế này? Sao mẹ không nghĩ được hả con? Bao nhiêu năm trời biền biệt rồi…! Giờ không biết ông ấy tốt xấu, sống chết ra sao? Không. Mẹ không thể hỏi mình như thế, con ơi…
Người con lạnh lùng:
Đến giờ mà mẹ còn hỏi ông ấy tốt xấu ra sao. Rõ mồn một như ban ngày rồi còn gì?
Người mẹ lại hét lên:
Câm!
Bà Mơ chỉ tay vào mặt con định đánh nhưng vội rụt tay lại. Bà ngồi phịch xuống ghế cùng tiếng thở dài rất to. Có cảm giác như mọi người ở đâu đó có thể nghe rõ được nỗi buồn đau hắt ra bằng tiếng động giật mình này của bà…
Cứ nhắc đến chuyện chồng là bà Mơ lại buồn. Lần nào cũng vây. Nỗi buồn càng dồn nén, day trở hơn khi đứa con đứt ruột họ đẻ ra không còn tình cảm với bố như hồi bé nữa. Tiếng nói của con, cảm tình của con với bố mình càng ngày càng nhạt nhòa, xa cách…
Hàng năm vẫn có vài lần ông Chất đến thăm đấy mà sao nỗi lòng bà Mơ vẫn chẳng nguôi ngoai chút nào. Chồng thì vẫn biền biệt. Cái tiếng gia đình có kẻ phản bội vẫn cứ mỗi ngày mỗi nặng nề hơn trong lòng bà Mơ khi ngày nối ngày ông vẫn bằn bặt. Tuy rằng, bằng linh cảm của người vợ bà vẫn tin chồng mình không như thế, không phải là thế. Nhưng ông là gì trong những lúc ấy thì bà chịu. Làng xóm vẫn vậy. Lành lạnh chào thưa, giao tiếp. Có lúc tỏ ra bằng mặt nhưng sâu xa là không bằng lòng.
Định kiến vẫn là định kiến…
Và nỗi đau buồn thêm một lần nữa lại ập xuống đời bà Mơ khi Nhẫn vào năm cuối cấp Ba thi tốt nghiệp rồi thi đại học. Đây là lúc Nhẫn bị sốc ghê gớm nhất. Tuổi trẻ trong sáng và non nớt của cô bé bị cơn lốc phũ phàng của lý lịch người bố ập vào, giằng xé!
Một ngày Nhẫn khóc tức tưởi từ trường học về đến tận nhà. Thấy mẹ cô đổ nhào vào lòng bà:
- Mẹ ơi…! Con khổ quá!
Bà Mơ giật mình lấy tay xoa lên đầu con:
Nín đã nào. Có gì mà vừa về tới nhà đã nức nở lên vậy con?
Nhẫn nấc lên:
Mất hết rồi mẹ ạ!
Con mất cái gì? Nói mẹ nghe! Sao lại cứ khóc mãi thế này?
Con trắng tay. Chẳng còn gì là ý nghĩa nữa. Mọi việc thế là chấm hết. Mười năm dùi mài đèn sách giờ tròn trĩnh chỉ có một con số không?
Nhẫn ngước đôi mắt khóc nhìn mẹ. Mặt cô như bị nhúng nước khiến giọng nói phào phào. Bà Mơ bậm môi:
Con bảo gì? Mày trượt đại học rồi sao hả Nhẫn? Bài làm nghe con nói tốt kia mà! Có đúng thế thật không?
Nhẫn buông sõng câu nói:
Vâng ạ!
Bà Mơ chưa thật tin:
Con đã hỏi kĩ chưa? Nhẫn chua xót:
Những đứa đỗ đại học, trường đã gửi giấy báo về cách đây một tuần rồi?
Người mẹ nghi ngờ:
Hay trường con gọi muộn ?
Người con như vô cảm lắc đầu:
Cái Nhận cùng nguyện vọng thi với con đã có giấy gọi rồi.
Bà Mơ cũng lắc đầu theo con:
Con nói với mẹ là con làm bài tốt lắm kia mà? Nhẫn vung tay vào khoảng không:
Con còn cho cả cái Nhận xem bài. Nó ngồi cạnh con mà. Hai đứa cùng vần nh…
Bà Mơ xót xa:
Mẹ rõ rồi.
Bà Mơ như bị đóng băng. Lời bà vuột ra khỏi miệng, lạnh buốt. Nhẫn vẫn vật vã. Oan ức cho con bà quá:
- Trời ơi là trời…
Nhẫn lẩm nhẩm trong miệng:
- Thật vô lí.
Cô càng cay đắng hơn khi nghe mẹ nói:
Có lí cả đấy con ạ. Đời cha ăn mặn đời con khát nước mà.
Bà Mơ lại lắc đầu sau câu nói ấy. Nhẫn nhìn mẹ:
Nhưng mẹ có lỗi gì, con có lỗi gì ? Nhất là con. Con cải tạo, con phấn đấu đến thế kia mà?
Bà Mơ dằn từng tiếng:
Lỗi lớn nhất của mẹ là vợ của ông ấy. Lỗi lớn nhất của con là con của ông ấy. Mà ông ấy là ai thì…
Con biết rồi.
Làm sao mà biết được. Cứ âm âm u u thế này…?
Nhưng con đã…
Bà Mơ cúi đầu bất lực sau câu nói của con… Nhẫn nhớ tới những đêm thức trắng ôn bài ngủ gục lên mặt bàn, muỗi đốt sưng hết cả chân tay mà không hay biết. Rồi những hôm đi lao động Xã hội chủ nghĩa gánh đất đắp đê đến trẹo hết cả người mà vẫn cố gắng. Cho tới lúc gục xuống chân đê không nhấc người lên nổi nữa được thầy và bạn đưa đi cấp cứu vẫn còn ú ớ “em không việc gì”. Biết mình là đứa con của gia đình có vấn đề Nhẫn đã tự nhủ phải phấn đấu hết mình, bằng hai bằng ba các bạn khác để chuộc lỗi. Nhưng giờ là thế này đây.
Bà Mơ nhìn con nói câu an phận:
Con có làm đến mấy con vẫn là con gái của… tên… phản động…!?
Chả lẽ người ta dối con? Khi bảo con phải thế nọ, phải thế kia để chuộc lỗi cho gia đình, để nâng cao nhận thức tư tưởng cho bản thân mà trở thành một đoàn viên tốt là họ không nói thật?
Bà Mơ ôm con vào lòng nói câu tỉnh táo:
Người ta không dối con nhưng người ta không thể làm khác được!
Sao lại phức tạp thế này?
Nhẫn nhìn trừng trừng lên mái nhà. Nhà chỉ có xà ngang, xà dọc. Những đám mạng nhện giăng mắc. Cô lại nhìn vào mặt bà Mơ. Mặt mẹ mình hình như cũng có mạng nhện giăng. Mình khổ một mẹ khổ mười. Biết vậy cô lặng lẽ rời lòng mẹ lùi lũi đi ra sân:
Con đi đâu thế?
Không ạ. Con đi xuống bếp thôi mà mẹ!
Nói vậy nhưng cô không xuống bếp. Nhẫn tha thẩn đi lại nơi sân đất trần, bàn tay ấp chặt lên ngực mình như muốn nén lại. Mắt cô ngước nhìn bốn phương tám hướng qua hàng rào ô rô bao quanh nhà. Gương mặt trẻ trung non dại chỉ biết hỏi mà không biết trả lời.
Trời cao quá, đất rộng quá. Còn mọi người thì… Có lần đi dọn vệ sinh ở sân trụ sở xã Nhẫn đã nghe lỏm được người ta bàn tán về mình thế này. Có cả giọng nam giọng nữ. Các cô các bác lãnh đạo đang nghỉ giải lao trong cuộc họp hay sao ấy.
Lời một người nói to, chân chất:
- Con bé hoàn cảnh thế mà học tốt lắm. Giỏi! Nghe vậy Nhẫn mừng. Lại một người khác nói, giọng khen. Mừng quá:
Nghe nói điểm tổng kết của nó cao lắm. Riêng chuyện này có thể chọn nó cho đi học ở Liên Xô được?
Nhưng…
Một giọng người nữa sin sít chắc nịch:
Không thể có chuyện đó. Trong nước còn chưa được thì làm sao có thể nói đến việc sang quê hương của Cách mạng Tháng Mười, thành trì của Chủ nghĩa xã hội ăn học. Ta còn lạ gì gia đình nhà nó. Lập trường của đồng chí để đâu mà phát biểu như vây?
Đấy là tôi nghe nói thế!
Đồng chí không thấm nhuần hai chữ kiên định à? Cái gì cũng có chỉ đạo cả! Không thể nói là nghe nói…
Thấm chứ. Nhưng tôi là người mẹ. Tôi tiếc!
Tôi không tiếc? Chả nhẽ làm bố khác làm mẹ. Nhưng tình cảm là tình cảm. Cái riêng không được lấn át cái chung. Đồng chí và tôi ai cũng vậy. Chúng ta cần phải có lập trường. Giờ ta hữu khuynh để cho con cái của kẻ thù tiến bộ, phát triển có ngày nó mang cuốc về đào mồ chúng mình.
Còn chuyện thầy giáo của con bé đề nghị tổ chức xét năng lực học tập mà chiếu cố cho cái phần lý lịch xấu của bố nó đồng chí thấy thế nào?
Ai nói, ai đề nghị? Thầy giáo nào?
Thầy chủ nhiệm!
Bằng một giọng đanh chắc, một người nói:
Như vậy là ông chủ nhiệm có vấn đề tư tưởng. Thành phần công chức tiểu tư sản thường có những phức tạp!
Người ta chỉ mới đề nghị thôi…! Quyết là ở mình.
Dao có mài có sắc. Vậy là đã có mầm mống của vấn đề tư tưởng hữu khuynh khi phải giải quyết sự vụ các thành phần không cơ bản rồi đấy, đồng chí rõ chưa nào? Nên luôn luôn tự xem lại mình và cảnh giác với cả chính mình nữa đó là phương châm sống của chúng ta trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng này của vận mệnh dân tộc.
Rõ!
Tiếng mọi người. Vừa nghiêm vừa có vẻ gì têu tếu. Nghiêm vẫn phải là chính. Người tếu, ít thôi, có lúc bị người khác cau mày. Họ nắm chặt tay nhau. Nhẫn nghe họ nhìn họ, nhiều thứ không hiểu. Đầu óc còn non nớt của cô có những việc không làm sao hiểu nổi và tự hỏi rằng làm sao lại thế?
Nghĩ nhiều sinh ra nghĩ quẩn. Bí quá trong việc đời thì nước mắt Nhẫn lại ứa ra cùng cái lắc đầu bất lực. Tuổi trẻ lâm vào cảnh như thế không thương làm sao cho được!
“Trời ơi. Làm sao Nhẫn khổ thế này?!”
Nhẫn thường âm thầm thét lên trong lòng một câu như thế.
Gian nhà và bà Mơ lại hiện ra trơ trọi khi Nhẫn quay trở vào. Cô như người mất hồn. Hai mẹ con lại ôm lấy nhau. Họ như hai thân cỏ dại níu lấy nhau trong nước lũ.
Nhẫn thổn thức trong hậm hực:
Mẹ ơi! Tại sao cuộc sống cứ mỗi ngày mỗi khó khăn hơn?
Đời này có gì là đơn giản đâu con. Nhất là có người khi sống lại cứ muốn mọi cái phức tạp hơn lên.
Khó hiểu thật. Thảo nào, lúc đi thi, thầy chủ nhiệm con bảo, thầy chỉ lo nhất phần em là cái khoản lý lịch. Mới đầu con không tin. Đến giờ con đã vỡ ra. Vừa rồi thầy cũng nhìn con rồi lắc đầu. Mẹ ơi! Thế này thì tội cho con quá, oan cho con quá? Ai làm người ấy chịu. Con có làm gì nên tội đâu?
Đôi bàn tay chai sần của mẹ xoa nhè nhẹ lên lưng con:
Thôi bình tĩnh lại con. Nước đổ xuống đất rồi thì làm sao múc lên được. Con cứ khóc nữa đi cho nó nhẹ người. Rồi mai đây có bao nhiêu hờn tủi, oán trách cứ đổ lên người mẹ, mẹ chịu cả.
Nhẫn ôm chặt mẹ hơn:
Không mà. Con không trách gì mẹ cả. Con chỉ trách người bỏ mẹ con mình ra đi thôi. Con chỉ trách kẻ phản bội cho dù kẻ ấy là bố con, là người đẻ ra con thật!
Người mẹ vẫn nói lời níu kéo:
Nhẫn? Con không được hỗn với người đẻ ra mình. Người có ăn có học không ai gọi bố mình là kẻ cả cho dù ông ấy có là quỷ sứ hiện hình. Con hãy tin mẹ. Bố mình không thế đâu. Không bao giờ. Đây chỉ là sự hiểu nhầm. Mẹ sống với bố con mẹ biết. Người như bố con không thể là kẻ ác.
Mẹ không thấy con gái mẹ đang chịu hậu họa đây à?
Có bao nhiêu căm thù, bao nhiêu bực tức con hãy đổ hết lên người mẹ đây này. Mẹ xin chịu, chịu hết…
Mẹ!
…!!!
Cũng vào lúc gia cảnh nha Nhẫn tao tác nhất ấy thì ông Chất lại về thăm. Lúc ông vào nhà đôi mắt mẹ con bà Mơ vẫn còn đỏ vì khóc nhiều.
Nhẫn nắm chặt lấy tay bác Chất, khóc không thành tiếng nhưng nước mắt chảy tràn bờ mi…
Mẹ con cháu khổ quá bác ơi. Hợp tác xã không được vào. Học giỏi không được đi học Đại học, đi Trung cấp chuyên nghiệp.
Ông Chất gật gật đầu:
Xin cho bác chia sẻ nỗi thiệt thòi của con. Cả chị Mơ nữa. Là người đã có con lớn rồi tôi đau lòng lắm!
…
-…
Nhưng bác biết nói gì với mẹ con cháu bây giờ. Hệ lụy mà. không biết người làm ra nỗi này có thấu. Bác thì bác thấu lắm. Nhưng bác tin! Bác tin cháu là hạt giống tốt. Đã là hạt giống tốt thì đất cằn đến mấy cũng mọc được. Con gái ơi, dũng cảm lên nghe bác hỏi đây này. Con có dám làm cô giáo giữ trẻ không? Nếu con bằng lòng bác sẽ xin cho con vào học lớp bồi dưỡng ngắn hạn ở trên tỉnh. Trước mắt công việc làm của con là như vậy đã!
Nhẫn hồn nhiên nêu thắc mắc:
Cô giáo giữ trẻ có được là người Nhà nước không bác?
Bác Chất giảng giải:
Được chứ. Có lương này. Có tem phiếu đàng hoàng nữa. Cháu cứ tạm đi làm. Sau này có điều kiện sẽ đi học đại học. Chính sách đã vậy rồi, mình chán nản, mình lùi bước là mình thiệt. Mai đây mọi chuyện thuận lợi hơn mình sẽ đỡ ân hận chị Mơ ạ. Theo tôi, trước mắt chị cứ cho cháu đi làm cô bảo mẫu đã. Nghề giữ trẻ cũng quý lắm chứ. Cháu có việc làm chị cũng yên tâm. Rồi mai đây còn chuyện chồng con cho nó nữa!
Em xin nghe lời bác. Còn con? Lâu lắm mới thấy Nhẫn cười:
Bác hơn cả cha cháu!
Ông Chất vỗ vỗ bàn tay lên vai Nhẫn có ý là không được nói thế và bảo:
Ân nghĩa của cha cháu ngày trước đối với bác lớn lắm. Bác trả còn chưa đủ lấy đâu hơn. Mai sau lớn lên nữa con sẽ hiểu!
Nhẫn đi làm cô giữ trẻ. Niềm vui ấu thơ đã giúp cô lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Tiếng trẻ đồng thanh “Cháu chào cô ạ!” nhiều lúc đã giúp Nhẫn có lại sự ấm cúng giữa mọi người trong đó có bà giáo phụ trách. Đấy là một bà giáo hiền hậu, tốt bụng. Nhẫn quý bà như mẹ mình và thường gọi bà là cô và xưng với bà là cháu.
Hiểu hoàn cảnh gia đình của Nhẫn có lần gặp riêng bà đã động viên Nhẫn bằng câu:
Cố lên Nhẫn. Việc trông trẻ dạy trẻ này tuy nó nhỏ đấy nhưng cũng là một công việc cháu ạ. Mình hoàn cảnh vậy không đi đại học được thì làm cô mẫu giáo cũng tốt mà.
Những lúc ấy Nhẫn chỉ biết:
Cháu cảm ơn cô.
Đã giúp được gì cho cháu đâu mà vội cảm ơn. Trước mắt cứ cố gắng với công việc mình được phân công Nhẫn nhá! Sau này nếu điều kiện thuận lợi hơn cô sẽ quan tâm.
Dạ dạ…
Người khuyên khuyên chân thành, người dạ cũng dạ một cách chân thành. Tuy vậy Nhẫn vẫn không nguôi niềm ước lúc nào đó được bà giáo nhận xét tốt rồi giới thiệu lên cấp trên cho phép Nhẫn đi học đại học.
Bà giáo đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn được giữ lại công tác tiếp vì được đánh giá là diện hồng thắm chuyên sâu. Nhưng rồi bỗng nhiên bà bị đổi đến ngôi trường mẫu giáo khác làm người chăm sóc trẻ bình thường và chuẩn bị làm thủ tục nghỉ hưu.
Bà giáo chuyển công tác chưa được bao lâu thì Nhẫn được gọi lên phòng giáo dục nghe cán bộ tổ chức thông báo phải nghỉ việc vì không đủ tiêu chuẩn chính trị để tham gia việc dạy dỗ các cháu…
Thưa anh. Đây chỉ là việc trông trẻ thôi mà.
Cô cho trông trẻ những thế hệ tương lai của đất nước là không quan trọng à? Thật đúng là…! Cái nhà bà giáo nhận cô về lớp dạy trẻ cũng quan điểm thế đấy. Chả trách…
Em có thể làm việc khác được không ạ.
Cô thông cảm. Việc gì ở đây cũng nằm trong môi trường giáo dục trẻ thơ cả. Các cháu như tờ giấy trắng. Mà cô biết đấy…!? Tôi không muốn phân tích kỹ từng vấn đề, chắc cô hiểu…!?
Nhẫn đã hiểu. Quá hiểu. Việc bà giáo bị chuyển trường rồi chờ thủ tục nghỉ hưu có nguyên nhân từ Nhẫn. Việc người cán bộ tổ chức trước đây gọi Nhẫn là cô giáo giờ chỉ gọi mỗi từ cô là Nhẫn ngấm tới ruột gan nỗi đau hoàn cảnh của mình.
Ước mơ được là người được ăn lương Nhà nước đối với cô gái trẻ, trình độ tốt nghiệp cấp Ba học giỏi lúc ấy không thành.
Nhẫn có một thời gian rất dài tiếp sau đó nữa là người ngoài biên chế.