Nỗi buồn công việc giày xéo ước ao. Nét hồn nhiên của tuổi gái mới lớn, có học và học giỏi nữa dần dần teo tóp lại và biến Nhẫn thành một kẻ cam chịu. Cô như già trước tuổi…
Chuyện này nữa.
Chuyện tự nhiên của một phận người…
Gái làng mười tám đôi mươi đã con bồng con bế. Nhẫn ngoài hai mươi lâu rồi lại xinh gái là thế vẫn chưa có ai ngó tới. Bà Mơ sốt ruột thỉnh thoảng lại nói chuyện xa, chuyện gần nhắc khéo con gái. Nhẫn linh cảm sự nóng lòng của mẹ. Cô cũng chủ tâm để ý xem có ai đó ngỏ lời sẽ xin ừ một tiếng cho xong chuyện. Nhưng người đến với Nhẫn thì nhiều mà người ướm gửi, ngỏ lời hầu như chưa có. Nhiều đám ngồi trò chuyện với Nhẫn chưa kịp ấm chỗ đã lảng đi.
Nhẫn buồn tủi rồi hốt hoảng.
Vừa hay có con ông chủ nhiệm thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự, tên Ngươn, mắt hơi lác, thuộc hạng “ê sắc” trước gái làng nhưng được cái bạo dạn đã tìm đến với Nhẫn cũng vào loại ế vì hoàn cảnh.
Họ như hai chiếc đũa bị lạc gặp nhau!
Câu chuyện tình của họ bắt đầu bên hàng rào cây, buổi trăng suông, lá ô rô bàng bạc nơi nhà Nhẫn. Cô đứng chỗ cổng ra vào. Ngươn thì mới đầu tay vịn vào bức tường lá nơi hàng rào, chân để chéo, mềm giọng mồi chuyện rồi tiến dần vào gần Nhẫn.
Trai gái đứng đêm bên nhau thế này thường là có ý rồi…
Ngươn và Nhẫn. Họ biết nhau thì từ lúc bé nhưng quen thân nhau cũng chỉ cách đây ít tháng nhân tối đi xem chiếu bóng ở bãi vô tình ngồi gần nhau rồi tự nhiên bắt chuyện. Cũng có thể là một trong hai người có ý ấy…
Nhẫn đi xem à? -…
!!!
Vô duyên. Không đi xem thì ngồi đây làm gì. Tuy vậy Nhẫn vẫn lễ phép trả lời sau chốc lát im lặng:
Vâng ạ!
Khách khí thế?
Chả lẽ ừ. Anh Ngươn hơn tuổi Nhẫn mà…
Nhưng…!
Nhưng gì?
Mà thôi. Chỉ sợ Nhẫn mắng!
Không vậy!
Còn dại mà…
Cả hai cùng cười. Thế là quen nhau rồi thân dần dần. Sự vô tình được ngồi gần nhiều khi như bà mối. Cái khát thèm của người con gái lớn tuổi nhưng muộn màng đường tình duyên cũng có thể thêm một cái cớ để quyến luyến nữa. Tuy vậy Nhẫn vẫn có ý tứ thử thách nhiệt tình của Ngươn nhiều lần. Nhiều lần Ngươn cũng đã lẽo đẽo theo sau Nhẫn nói câu nọ câu kia nhiều ngụ ý. Nhiều lần Ngươn cũng đã trồng cây chuối trước cổng nhà Nhẫn có khi chỉ nhìn vào thôi mà không dám gọi, không dám nói. Lúc ấy mặt anh chàng nghệt ra, xấu tệ hại nhưng lại có vẻ chân tình.
Thời gian như liều thuốc thử…
Giờ thì hai người đã có thể tự nhiên hơn trong trò chuyện.
Nhẫn này…
Dạ…
Lại dạ nữa rồi!
Lần này Nhẫn trìu mến hơn:
Em quen miệng mà! Có gì anh nói đi… Ngươn mừng rơn, liến thoắng:
Nhẫn này…! Em xinh quá thôi! Anh thật lòng đấy. Làng mình chả ai hơn em đâu! Mọi người cũng bảo thế. Bao nhiêu lần theo đuổi em. Thư trao tay có. Định đến nhà thăm Nhẫn cũng đã vài lần mà sao cửa vẫn đóng. Người đẹp ơi sao người đẹp cứ tránh anh mãi thế? Hay là do anh…?
Hình thức mà làm gì hở anh? Tốt gỗ mới quan trọng!
Anh chỉ thích nước sơn thôi! Anh nói thật lòng đấy Nhẫn ạ. Từ lâu rồi anh đã nghĩ đến em. Đã bao nhiêu lần định nói với em điều anh muốn mà không dám. Nay thì nhịn mãi không chịu được rồi. Anh thật lòng một trăm phần trăm với em đấy Nhẫn ạ! Đừng có lắc đầu thế mà anh buồn lắm. Em cứ nhìn vào mắt anh đây này. Cho anh cầm tay em một tí nhá. Ôi ấm quá. Đừng… đừng có rụt tay lại…! Đừng có bỏ chạy khỏi anh nữa! Mình cùng nhau lên bờ đê chơi đi.
Nhẫn rút mạnh tay ra khỏi tay Ngươn:
Anh Ngươn. Em… em cảm ơn. Em xin... em…!
Đừng mà Nhẫn! Anh thật tình mà!
Ngươn ra vẻ hiểu biết, thông cảm. Nhẫn vẫn lưỡng lự:
Nhà em thế nào anh biết rồi. Bố em thì vậy…! Còn bố anh. Bác ấy đang là Chủ nhiệm hợp tác xã. Lại là người trong lãnh đạo. Anh không sợ bố anh à?
Ngươn lại cầm tay Nhẫn. Cầm chặt. Giọng nói của con ông chủ nhiệm đã ra vẻ:
Quýt làm sao cam phải chịu. Vô lý đùng đùng. Không! Không thể có chuyện ấy được. Nhẫn ạ, anh nghĩ thế này…! Mình lấy vợ cho mình chứ có phải cho ông Chủ nhiệm, ông lãnh đạo hợp tác đâu!
Lần này Nhẫn vẫn để cho Ngươn nắm tay mình mặc dù cái nắm tay có chặt hơn, như giữ. Cô chỉ se sẽ bảo:
Chết thôi. Ai lại nói vậy. Anh Ngươn không sợ mất lập trường à? Mà anh Ngươn nói lấy ai thế?
Hề hề… Còn ai vào đây được! Nhẫn đừng đùa anh nữa! Ngươn sấn lên, muốn áp sát. Nhẫn lùi vội lại:
Anh bỏ tay em ra đi. Em xin đấy. Kìa… nhỡ người ta nhìn thấy thì sao?… Anh Ngươn. Nhẫn xin anh. Nhẫn không được như những điều anh Ngươn muốn đâu!
Ngươn thật lòng mà!
Mặt Ngươn như mếu. Nhẫn khẽ chạnh lòng:
Anh không sợ bố em là tên phản động à?
Tôi cóc cần phản động. Tôi chỉ muốn Nhẫn thôi. Thề đấy! Dù có phải chết ngay tôi cũng nói vậy! Ai dám làm gì thằng Ngươn này nào. Thách đấy. Nhẫn có muốn tôi nói to lên không?
Ngươn chạy ra giữa đường. Nhẫn theo vội ngay, kéo lại:
- Thôi mà. Em xin…
Ngươn cảm động ghé môi vào gần môi Nhẫn:
Em cho anh một cái nhá!
Đừng vội!
Đặt tay vào ngực anh mà xem này?
Bỏ tay em ra. Kìa…
Em có thấy trái tim anh nó đập như trống làng không?
- Đừng cầm tay em lâu thế nữa mà. Em sợ…
Nhẫn ríu giọng. Hai người như tự nhiên chả ai bảo ai đã lùi vào sau cánh cổng. Nhẫn âu yếm nhìn Ngươn. Bất ngờ Ngươn ôm vội và hôn vội lên môi Nhẫn. Anh ta hăm hở tỏ tình. Nhẫn lúng túng vùng vẫy rồi lặng thinh, cam chịu, dịu dịu lòng dần trong nỗi tự nhiên thèm muốn khác giới…
Rồi Nhẫn như chợt tỉnh. Cô lùi người đẩy vội Ngươn ra, thẫn thờ thở gấp. Nhẫn nhắm mắt lấy tay xoa lên má trong cảm giác bồi hồi.
Có tiếng bà Mơ ho trong nhà…
Nhẫn giật mình rời xa Ngươn ra rồi bước nhẹ về phía cổng nhà mình. Cô vẫn không quên ngoái lại nhìn chàng trai mình đã…
Anh Ngươn này?
Em nói đi?
Anh đừng có dối em đấy nhé!...
Không tin anh à ?
Em không biết nữa!
Trời ơi…!
Ngươn lại sấn lên ôm lấy Nhẫn đẩy lùi về phía tối. Nhẫn muốn nhoài ra nhưng không kịp trước vòng tay trai. Cô chỉ biết thổn thức:
Kìa…sao lại chỉ nhìn thế này? Nói đi anh… ấy… đừng… đừng mà… em sợ !!! Anh về đi không người làng trông thấy!
Nhẫn.. ôi…anh chết mất. Em đẹp quá. Anh chỉ muốn chết vì em thôi…! Kệ họ. Có anh rồi em không phải sợ ai vào đây nữa! Nếu cần chúng mình sẽ bỏ làng ra đi. Em không có lỗi, em không có tội!
Em…
Anh dối em anh chết!
Sợ lắm anh Ngươn ạ!
Em có thật tin anh không?
Em cũng không biết nữa…
Ngươn giậm chân bành bạch:
Giời ạ! Đến thế nào cô mới tin tôi. Đây này. Tôi lao đầu vào gốc cây bàng kia cho cô biết thế nào là tình yêu của thằng Ngươn…
Nhẫn ào ra cản Ngươn:
Anh Ngươn? Không được liều lĩnh.
Bỏ tôi ra.
Em xin mà!
Tin tôi chưa?
Em…! Em…tin!
Vừa lúc có tiếng dép lẹp kẹp của bà Mơ từ trong nhà đi ra cùng tiếng gọi “Nhẫn ơi”! Nhẫn dạ rất to trong lúc Ngươn lảng đi rồi mất hút trong màu trăng suông dải ngõ…
Lần ấy Ngươn đã vượt qua hình thức không được đẹp đẽ của mình để chiếm được lòng Nhẫn.
Lúc ấy anh ta không còn là Ngươn lác nữa mà đã trở nên một chàng trai đàng hoàng, dũng cảm trong niềm tin yêu của một cô gái vào loại đẹp nhất nhì trong làng.
Mọi sự của Nhẫn là hoàn hảo trừ cái lý lịch âm u của người bố.
Con ông chủ nhiệm hợp tác xã đã dám chấp nhận điều này với Nhẫn khác nào một chàng hiệp sĩ ra tay cứu người hoạn nạn. Nhẫn thấy trào lên trong lòng sự biết ơn và niềm kính trọng người đã cưu mang mình! Cô thấy tự tin hơn khi đã tìm ra chỗ dựa…
Nhưng nào Nhẫn có lấy được chồng.
Chuyện giữa cô và Ngươn không được bao lâu thì bị tổ chức can thiệp. Trước tiên là tỏ quan điểm với Ngươn bởi anh chàng là đoàn viên lại là con cái một gia đình cốt cán.
Vẫn các đồng chí lãnh đạo của xã chen ngang vào mối tình có lý lịch như đôi đũa lệch của họ. Nhiều cuộc trò chuyện tay đôi, tay ba giữa người có chức trách với chàng thanh niên mới lớn tuổi, có hình thức kém được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng lại là con ông chủ nhiệm hợp tác xã thuộc diện oách nhất nhì Đoài Thông.
Lời lời dồn dập. Câu nào cũng mang nghĩa trói buộc… - Ngươn? Cháu có biết cháu là ai không?
Ai là ai ạ?
Bố cháu đang làm gì?
Chủ nhiệm hợp tác xã. Ai mà chẳng biết. Rành rành!
Cháu có biết gia đình nào chưa được vào hợp tác xã không?
Nhà cô Mơ ạ?
Cháu biết vì sao không?
Biết chứ sao không biết!
Vậy mà cháu…?
Có sao đâu ạ?
Nói nghe đơn giản nhỉ. Có sao đâu ạ? Luyến ái với con của kẻ thù mà không can hệ gì à?
Cháu… cháu…
Cháu thuộc diện được cử đi học ở bên Liên Xô đấy!
Nhưng sao ạ?
Quan hệ với con của kẻ thù là chôn vùi tương lai của mình, cháu hiểu không…? Người sao mà nông nổi!
Cháu mà nông nổi?
Còn hơn thế nữa
Sao có thể thế được?
Về nhà mà hỏi đồng chí chủ nhiệm bố cậu xem. Ông ấy đang mài dao kia kìa? Thật là…thiếu lập trường!
Cháu mà có vấn đề về lập trường?
Nặng nề nữa là đằng khác. Muốn nên người nọ người kia chẳng muốn lại muốn vác cuốc lên rừng khai hoang!
Thật thế sao ạ?
Dồn dập nhiều lời khuyên:
Chúng ta không nói dối cháu.
Thiếu gì gái làng mà cháu lại lao vào cái mớ tóc rối ấy!
Cháu trẻ người non dạ quá!
Vẫn chưa muộn đâu Ngươn ạ.
Ngươn bối rối, lấp lửng:
- Nhưng cháu không…! Chỉ là…
Tiếp theo đó vẫn là lời lời giải thích xen kẽ những phân tích thiệt hơn, phải trái, nói một lần, nói nhiều lần. Người nói chân thành, có câu như thuộc lòng. Ai cũng như muốn dốc hết gan ruột mình ra mà khuyên nhủ. Ngươn chóng hết cả mặt khi phải ngồi đến hàng tiếng đồng hồ ở trụ sở xã. Đâu đã hết. Chi đoàn thanh niên còn lôi ra kiểm điểm hàng mấy buổi liền. Rồi ông bố chủ nhiệm của Ngươn chửi rủa con thậm tệ mấy ngày, rằng thế là dại, là ngu và tuyên bố sẽ từ Ngươn nếu Ngươn còn dính dáng tới Nhẫn, cái con bé có lý lịch chẳng ra gì.
Nhẫn nghe như có tiếng sét ngang đầu khi biết chuyện!
Hình ảnh về Ngươn, những chuyện dan díu giữa hai người gợi nhớ trong lòng Nhẫn niềm đau, nỗi xót xa của tuổi con gái lần đầu được yêu, lần đầu tình yêu bị đe doạ. Cô chỉ biết vùi nỗi khổ tâm ấy vào lòng mẹ mà giãi bày…
Mẹ ơi, con khổ quá. Con muốn chết cho rảnh nợ. Bà Mơ lắc đầu ngao ngán:
Chuyện với cái nhà anh Ngươn con ông chủ nhiệm hợp tác xã phải không?
Mẹ biết à?
Con cứ giữ kín như bưng. Gần đây mẹ mới hay!
Con có lỗi vì con giấu mẹ. Con chỉ muốn cho nó xong việc. Con thương mẹ, con thương con nên mới vội vã như thế.
Giá con nói cho mẹ biết trước! Sao nhẹ dạ hấp tấp thế con. Đã xảy ra chuyện gì lớn chưa mà để cho người ta ầm ầm lên khắp làng thế ?
Nhẫn sụt sùi:
Con dại quá. Con nông nổi quá. Chưa chi con đã nhận lời. Cứ nghĩ dựa vào con ông chủ nhiệm…
Bà Mơ nghẹn ngào theo:
Con có nghe cái lão “mua đài, mua xe” ấy nó nói gì không? Lấy con nhà ấy về làm dâu thà chôn sống thằng Ngươn đi còn hơn!
Nhẫn nức lên:
Mẹ đừng nói nữa, con khổ tâm lắm. Con biết hết cả rồi.
Bà Mơ gằn giọng:
Biết mà vẫn lao vào? Nhẫn cay đắng:
Chỉ có liều thuốc độc hay gọt tóc đi tu là xong hết mẹ ạ!
Gở mồm gở miệng nào !
Bà Mơ ôm chầm lấy con, chia sẻ:
Khổ thân con tôi…
Con xin lỗi mẹ! Mẹ tha tội cho con. Bà Mơ giật mình:
Hay đã có chuyện gì rồi?
Không mà mẹ!
Nhẫn lắc đầu. May mà những lúc quá say đắm Nhẫn không cho phép Ngươn đi quá đà. Cô biết cái quý nhất của con gái là cái gì. Trong hoàn cảnh Nhẫn cái đó lại càng phải giữ gìn. Nghĩ vậy nhưng cô vẫn rùng mình khi nhớ lại cái bàn tay quá trớn của Ngươn trên cơ thể mình. Cô có lúc muốn buông thả nhưng đã vội cắn môi ngăn lại. Với Nhẫn chỉ thế thôi đã là sự xâm phạm quá đà rồi. Tuy vậy, càng nghĩ lại Nhẫn càng thấy ân hận và tiếc nuối…
Bà Mơ lại khóc. Khóc cho con và cho chính mình.
Thân bà thôi thì chẳng tính làm gì nhưng còn Nhẫn.
“Con ơi!? Tội cha mà con phải chịu. Ông Khương ơi!?”
Trong tiếng nấc nghẹn ấy lòng bà như vang lên nỗi niềm cùng hệ lụy!
“Nào con bé có xấu xa gì mà ra nông nỗi cơ cực này. Nhẫn ơi, giá gánh được cho con gánh nặng này mẹ xin gánh hết. Mẹ có tội với con. Sinh con ra đời mà nuôi con không bằng em bằng chị. Giờ còn mẹ, còn có người an ủi. Mai kia mẹ mất con biết nương tựa vào ai?
Con cứ nói đi, cứ khóc nữa đi cho nó nhẹ người!”
Nhẫn choáng váng trong đầu. Cô nhìn mẹ. Mặt bà Mơ đã tràn nhòa nước mắt. Cô bậm môi lúc lâu, lau mắt rồi nói:
Con khóc làm mẹ khóc. Thôi, con nín rồi, mẹ cũng nín đi. Con thương mẹ quá. Mẹ vẫn còn đây thì con làm sao đi đâu cho được. Con gái chỉ lỡ lần này thôi. Không có việc gì ghê gớm đâu. Rồi cũng qua đi mà mẹ!
Khóc được tí nào vơi được tí ấy con ạ. Còn có nước mắt là mình còn sống được!
Vâng ạ!
Bà Mơ xuýt xoa:
Mọi cái rồi qua đi. May mà chưa xảy ra chuyện gì phải không?
Dạ…mẹ ơi…
Con bảo gì?
-…
Hai mẹ con lặng phắc bên nhau, im im nhìn nhau. Đột nhiên Nhẫn thấy cồn cào khắp gan ruột. Cô bỗng ngơ ngẩn, mặt đần ra, lẩm bẩm trong miệng như người nói mê.
Nhẫn nhìn mẹ mà như nói với mình:
Vâng…! Rồi sẽ qua đi? -…
Có thật không? Tôi không tin! Tôi sợ! Rồi sẽ qua. Có qua được không? Rồi sẽ qua, rồi sẽ qua…! Tôi… tôi…
Nhẫn như người bị ai lấy mất hồn. Cô nhìn mẹ mình mà như nhìn ai. Cái nhìn xa lạ.
Bà Mơ thấy con vậy, hốt hoảng:
Con làm sao thế này?
Mẹ bảo gì con?
Nhẫn! Con tôi có làm sao không?
Không! Không có gì!
Nhẫn đứng bật lên, bước loanh quanh, hai tay huơ huơ. Bà Mơ cũng đứng dậy theo, níu lấy con giọng rền rĩ:
Trời ơi, Nhẫn ơi…
Mẹ buông con ra!
Con tím tái hết cả người rồi đây này? Trời ơi… con tôi? Nhẫn ơi, có sao không con? Sao người con lại run bắn lên thế?
Nhẫn gắt lên:
Mẹ?
Con ?
Mẹ!…Con đã nói con không làm sao mà!
Bà Mơ hổn hển:
Nhẫn ơi mẹ sợ. Để mẹ ôm con vào lòng nào. Mẹ choàng tay ôm con. Con quờ tay ôm mẹ:
Kìa mẹ. Sao người mẹ cũng run thế?
Con run làm cho mẹ run. Thôi nào…! Trong vòng tay mẹ rồi đây. Con ôm chặt mẹ nữa đi. Tội cho con tôi quá. Nào…thế thế…! Áp mặt con vào ngực mẹ đi. Mẹ muốn mẹ con mình cùng được ấm lên?
Hai mẹ con cuốn chặt lấy nhau. Họ cùng run rẩy trong căn nhà vắng! Bất ngờ Nhẫn vùng người khỏi mẹ. Cô lao ra ngoài sân, ngoài ngõ, ngoài đường. Người mẹ theo đà lao theo. Bà Mơ bất ngờ bị ngã rồi lập cập đứng lên. Bà bước đi mấy bước nhưng không nổi đành phải lấy chiếc đòn gánh làm gậy chống chập chững đi về phía đứa con vừa chạy…
Mẹ làm sao mà đuổi kịp bước chạy hoảng loạn của con! Nhẫn cứ hút hút rồi xa dần và khuất bóng…