Một quả gò hoang trơ trọi, cỗi cằn… Những khóm sim lá bạc phếch không hoa. Vài bụi phèn đen đã trụi quả. Dăm đám cây sòng sọng đầy gai. Cỏ cằn mọc xác xơ mặt đất. Loi thoi những cây cỏ may gầy khẳng. Một đôi cây ổi dại trơ thân bạc phếch là ra vẻ cây. Đây là nơi trẻ chăn trâu đùa nghịch. Người đi làm đồng xa nghỉ chân. Chỗ trai gái hẹn nhau lúc chiều tà hoặc những đêm trăng…
Khu gò hoang ấy vẫn là một phần của quê hương. Nó là vậy, vốn vậy. Lâu rồi. Côi cút một đống đất nhô lên giữa bốn bề. Nó ngỡ như bị bỏ quên giữa vườn tược, cây trái, đồng ruộng nhưng lại thân thiết như một niềm che chở cho nhiều đôi lứa tìm hiểu nhau thời này qua thời khác. Dân làng nhiều người quen miệng gọi vui đó là gò trai gái, gò phải lòng.
Ngươn và Nhẫn hay ngồi bên nhau tại nơi này trò chuyện những lúc hẹn hò. Họ như bao người nối nhau tụ lại nơi đây tình tự. Cũ là vậy cũng mới là vậy. Những hôm yên ả chưa sóng gió mảnh gò như khúc tình ca ru họ. Còn lúc này là chập choạng chiều trong một tâm trạng ngổn ngang trăm mối của con người thì nó lại lù lù như một nấm mộ đầy đe doạ và hận thù.
Nhẫn đã tìm đến nơi đây.
Hình như có cả Ngươn…
Ai đó đang xa xa rồi gần gần. Lạ lạ cũng quen quen như đã gặp giờ lại thấy. Linh cảm của người từng có tình cảm với nhau chăng? Hay là trời xui đất khiến cho duyên phận mà ai đó cứ từ từ tiến lại. Hơi trai đã bén dù xa ngái vẫn nhận ra người.
“Ngươn!
Đúng là Ngươn rồi.”
Nhẫn hoang mang tâm trạng trong những có và không. Hai người không hẹn mà gặp hay là muốn gặp nhau để nói một điều gì đó nên tìm đến chỗ đã từng kỷ niệm…
Trong nhờ nhờ vàng vọt xây xẩm của hoàng hôn Nhẫn nhận ra Ngươn. Không còn là linh cảm nữa. Anh ta đang đi thất thểu lại phía cô. Ngươn cũng chẳng khó khăn gì khi nhận ra Nhẫn. Phải chăng hai cái bóng như kẻ mất hồn ấy muốn đổ về nhau…
Tiếng Ngươn bàng hoàng:
- Nhẫn?
Im lặng.
-…
Bàng hoàng tiếp:
Nhẫn phải không? Vẫn là im lặng.
-…
Tiếng Ngươn nhói cao:
Sao em không trả lời tôi?
…
Sốt ruột lời Ngươn:
- Nhẫn?
Nhẫn trầm tiếng, trầm lời:
Anh còn gọi tôi làm gì? Ngươn thở than:
Dù sao cũng phải cho tôi nói đôi lời chứ! Nhẫn lạnh lùng:
Anh đi mà nói với người khác ý.
Ngươn rền rĩ:
Tôi xin em đấy! Nhẫn giận dỗi:
Tôi có còn là gì mà anh phải van nài nữa đâu? Ngươn xòe đôi tay ám bóng chiều:
Tôi…!
…
Thực tình tôi rất yêu em! Không thế tôi không đi lang thang như một thằng điên thế này.
Giọng Nhẫn chua chát:
Tôi có hơn gì anh đâu. Mà không! Chỉ có tôi mới đáng như thế. Tôi khờ khạo. Tôi dại dột. Tôi u mê…
Ngươn quỳ gối xuống mặt cỏ cằn đồi sỏi:
Nhẫn ơi, thôi mà. Đừng tự hành hạ mình nữa. Nhẫn đau bao nhiêu tôi cũng đau không kém đâu. Tôi xin Nhẫn…
-…
Em nói đi chứ?
-…
Em im lặng thế này khác nào em chất đá vào đầu tôi?
Hai người đối thoại với nhau. Là hai diễn viên kịch đang sắm vai? Với Ngươn có thể nhưng Nhẫn thì không. Phải đây là lời của những người muốn tâm tình. Nhẫn luôn luôn có, còn Ngươn?
Ngươn vẫn quỳ trước mặt Nhẫn. Mặt anh ta hình như loáng ướt hay bóng chiều nhòe tia sáng buồn trên da thịt kẻ lụy tình. Nếu như vậy là Ngươn có khóc?! Trên đời này ai biết khóc dù chỉ là chút ít thì người đó vẫn có tâm can biết xao động, vẫn còn là người. Anh ta lại còn tự lấy tay tát vào mặt mình, đấm vào mặt mình nữa. Một động tác dễ làm yếu lòng người khác…
Cả hai lặng lặng hồi lâu. Bỗng Ngươn ôm mặt nức nở:
Không có em anh chết mất Nhẫn ơi…
...
Vì sợ mà phải nói dối người ta thôi. Nhẫn nghiêm mặt hỏi Ngươn:
Anh nói thật đấy chứ?
Ngươn vội đứng dậy:
Thật mà. Hai đứa mình có giấu nhau cái gì đâu! Nhẫn như muốn quay đi:
Trời! Anh im đi. Anh nói nữa tôi lao đầu vào gốc cây ổi tôi chết cho anh xem đây này.
Ngươn lại quỳ xuống bên Nhẫn…
Đừng mà. Em làm thế tôi sống với ai?
Anh biết đấy.
Giờ tôi chỉ biết có em. Em đừng hắt hủi mà tội cho thằng Ngươn này lắm. Nhẫn ơi, tôi yêu em thế nào em biết rồi đấy.
Còn tôi chắc anh không biết?
Tôi có nói là không đâu? Sao mấy hôm nay thấy tôi đâu Nhẫn chỉ chực bỏ chạy là thế nào?
Anh biết mà. Ai bỏ chạy trước ai?
Oan cho anh quá. Tại, tại…! Còn anh…
Ngươn mở tay choàng lên vai Nhẫn. Nhẫn vùng ra, lùi lại:
Anh đừng động đến người tôi nữa. Ngươn vẫn xán lên:
Nhớ em quá Nhẫn ơi!
Nhẫn vùng vẫy:
Không.
Kìa…
Buông tôi ra!
Ôi vợ của tôi!
Ngươn sùng sục lần tìm. Nhẫn vùng vẫy chối bỏ:
Không…
Có mà. Nhẫn ơi. Tôi yêu Nhẫn, tôi thương Nhẫn. Dù chết tôi cũng không bỏ Nhẫn…
…
Nhẫn ơi…
Ngươn đổ người chùm ôm người Nhẫn. Nặng trĩu và buộc trói. Nhẫn như người bị đẩy rơi xuống vực. Cô bàng hoàng khi thấy lưng mình có lúc chạm mặt cỏ đồi. Hơi tình bản năng muốn thành lú lẫn. Người con gái chậm tình lại lụy tình bối rối trước hơi nóng con trai…
K-h-ô-ng…không… mà…ôi…anh!
Em!
Tôi…em…!
Anh Ngươn? Không!
Nhẫn vùng vẫy nhưng không được. Ngươn vẫn níu chặt lấy cô:
Đây mà…nào…
Ôi…! Không …!
Nhẫn bật mạnh lên khiến Ngươn chới với:
- Em bỏ về đây này?
Ngươn đấm tay vào ngực mình rồi ôm mặt khóc tiếp:
Anh… anh chỉ có Nhẫn thôi dù chuyện thế nào. Hãy tin lời anh. Đừng tin ai cả. Nhẫn ơi…
…!...!
Ngươn ôm mặt, giọng vẫn nức nở. Tiếng khóc gã con trai ông chủ nhiệm hợp tác xã như muốn vượt qua định kiến xã hội để đến với Nhẫn, che chở cho Nhẫn, cưu mang Nhẫn. Cái tình thật kéo theo cái lý chân thành trong lúc này qua lời nói của Ngươn, hành động của Ngươn đã lung lay tâm trạng Nhẫn. Cô như quả đồi cằn muốn hóa đá bỗng gặp trận mưa hối hả khiến những mầm cây ứ hạn lâu ngày muốn bật búp xanh. Lăn tăn, lợn gợn qua. Giận hờn như trò ú tim đã biến đâu mất để chỉ còn…
Kỳ lạ cho cái chuyện trai gái…
Dấm dẳng bên nhau. Câu chả nên câu. Hờn ghét xen tiếc nuối. Rồi thì cái men cũ dâng mùi rượu. Hai người đắm vào nhau với những va quệt âu yếm trong ngoài…
Nhập nhoạng hoàng hôn muộn rồi tắt hẳn cho đêm về. Ngươn Nhẫn lờ mờ bên nhau. Trai gái đã bện hơi khi hợp lại thì nhiều người như muốn ngào đất đóng gạch cùng nhau. Với Nhẫn từ không rồi lại có. Cô từng biết chừng mực mà sao lúc này Ngươn đang như con mèo vờn chuột. Nhẫn mê đi cùng bản năng nhưng óc vẫn vẫn muốn cố gắng gìn giữ cái phần quý nhất của mình. Cái đó Nhẫn luôn luôn nhủ lòng rằng mình chỉ trao nó cho người mình yêu sau ngày cưới. Bà Mơ luôn luôn dạy con như vậy. Với hoàn cảnh gia đình Nhẫn đã nằm lòng câu nhủ khuyên này của mẹ. Nhưng lúc này, lúc mà cái giận cái hờn của người con gái như bị chìm xuống vì cái ngỡ như hối hận của Ngươn chùm lấp. Quả tình dù chuyện oái oăm mới xảy ra nhưng Nhẫn vẫn chưa quên được Ngươn. Cô vẫn muốn lấy sự bằng lòng, cầm lòng trở lại của mình để níu kéo, giàng buộc vì lý do hoàn cảnh. Đời con gái chỉ có một lần. Với Nhẫn không có quyền lựa chọn nhiều. Cô nghĩ vậy và mong muốn...
Hai người bên nhau, đang có nhau. Ngươn như thực sự muốn thương Nhẫn. Không thế anh ta không lang thang như tên ăn mày đi tìm cô. Nhẫn lúc này hơn lúc nào hết lại đang cần có một có một bóng mát đàn ông để cho cô nương tựa khi tuổi đã lớn. Mọi tính toán thiệt hơn của người đang hoàn cảnh lại đang bị hoàn cảnh rủ rê. Quả đồi quê của những người yêu nhau đêm nay vô tình hay hữu ý dung dưỡng một lứa đôi tưởng đã lìa nhau đã vô tình hay hữu tình gặp lại nhau. Nó như có vị thần linh nào xui khiến hay là quỷ ma ám quẻ? Gì cũng vậy khi mà lửa đã gần rơm và rơm đang cần lửa.
Rồi bật cháy…
Một màn đêm mờ ảo tưởng như tấm màn hạnh phúc trời ban đang nhè nhẹ phủ lên người ở tuổi thèm hạnh phúc và đang có hạnh phúc…
Ôi, tuyệt quá Nhẫn ơi. Em tin anh chưa? -…
Từ lúc này mình đã vợ chồng…
Em sợ…
Có Ngươn mà…
Ngươn Nhẫn bíu chặt lấy nhau.
Quả đồi cằn bỗng mềm mại đu đưa như cánh võng gai mẹ ru con gái ngày nào.
Lẳng lặng, ngoan ngoan bên Ngươn, Nhẫn như muốn chìm vào những ước mong tốt đẹp.
Lúc ấy Nhẫn cảm thấy yên lòng cho tính toán và biết thế nào là hạnh phúc khi được tận hưởng cho dù mới chỉ là phần xác thịt!
Nhưng…
Thật đau lòng cho những ước nguyện trong sáng bị nghi kỵ, hờn hận rình rập mà không biết kẻ mang cho mình cái khoái cảm nhất thời lại đang là tòng phạm của sự u ám ấy.
Khi….
Từ đâu đó một đôi người cùng lúc nhô ra nơi quả đồi. Họ bấm đèn pin. Tia sáng loang loáng tìm kiếm. Họ chỉ đèn về phía đôi trai gái. Ánh đèn xoi xói. Ngươn Nhẫn nhoáng nhoàng bừng tỉnh…
- Đồng chí Ngươn!
Đôi trai gái ấy giật mình, hoảng sợ. Ngươn bỗng đứng phắt dậy như muốn dứt mình ra khỏi Nhẫn. Anh ta ngây người. Nhẫn lấy tay níu kéo Ngươn nhưng tuyệt vọng trước cái đẩy tay của anh ta. Ngươn vội vã bước nhanh ra xa chỗ Nhẫn. Cô giận dữ vùng lên bỏ chạy vào bóng đêm. Lúc ấy người Nhẫn như bị ma đuổi…!
Ngươn chậm chạp, run rẩy đi về phía tiếng gọi… Tại nơi canh gác đầu làng, hai người theo dõi đôi trai gái nọ lại vào cuộc giảng giải với riêng Ngươn:
Tôi đã nói rồi…
Cháu…
Cháu chiếc gì ở đây. Đồng chí Ngươn?
…
Đồng chí có phải là đoàn viên không?
Dạ phải ạ.
Tôi đã nói, đã bảo. Nhiều lần rồi. Đồng chí đang là nguồn triển vọng của quê hương, của xã hội. Nghe cho rõ đây: Luôn luôn nhớ mình là người trong tổ chức đồng chí Ngươn ạ? Đối với kẻ thù là chúng ta không đội trời chung. Chính sách rõ ràng là như thế.
Cháu hiểu chứ!
Hiểu mà vẫn vậy?
Báo cáo… chỉ một tí thôi ạ!
Một tí thôi cũng là vi phạm. Đồng chí không nhớ câu luyến ái giai cấp à? Quan điểm để đâu? Một tí thôi cũng liên quan, cũng là luyến ái. Đồng chí có biết loại trùng gây bệnh nó nguy hiểm thế nào không?
Nhưng đây là…
Đây là người chứ gì? Sao quan niệm của cháu bản năng, nông nổi đến thế? Đã là kẻ thù thì không đội trời chung. Quân phản bội lại càng nguy hiểm hơn thế. Kẻ đối mặt trên chiến hào nhiều khi lại là kẻ không hiểu nhiều về ta. Đứa từ trong cùng ổ chui ra rồi quay trở lại làm hại đồng đội mình mới là thằng nguy hiểm. Nó biết tất tần tật về mình cháu hiểu chưa.
Chú…! Đây chỉ là Nhẫn thôi mà?
Một lời vang lên, chắc nịch:
Đồng chí bảo sao? Không phải giọt máu nhà nó ư? Rau nào sâu ấy. Các cụ đã dạy rồi!
Cháu nghĩ…
Một lời khác cũng chắc nịch không kém khi vang lên:
Chính vì vậy ta càng phải nêu cao cảnh giác! Không được nghĩ gì khác.
Lời nối tiếp lời:
Tháng sau huyện đoàn có cuộc học nghị quyết mới đồng chí phải sắp xếp công việc để đi. Có đến đấy đầu óc mới sáng ra!
Cháu…! Tội cho cô ấy lắm!
Một giọng doạ, tình lý:
Dại mồm nào. Không được ăn nói mất quan điểm lập trường như vậy. Chúng tôi nghe thì bỏ qua được chứ người khác biết là có vấn đề đấy!
Còn có cách gì khác nữa không?
Cháu còn lương vương cái gì nào?
Dạ…
Một giọng chân tình, dứt khoát, rạch ròi:
Còn người yêu thì không còn tổ chức. Đồng chí Ngươn có quyền chọn! Chúng tôi không gò ép ai. Dân chủ nhưng phải tập trung! Một là được ở trong diện xét cho đi nước ngoài học thành tài trở về phục vụ Tổ quốc, hai là lên rừng vỡ đất khai hoang trồng sắn!
Giọng nối theo:
Trong hai thứ đó cháu chỉ có quyền chọn một. Cháu phải suy nghĩ và quyết định!
Giọng khẳng định như kết luận:
Còn chúng tôi là kiên định đấy!
Một giọng gắt gỏng nhưng trìu mến tiếp theo:
Tương lai cháu còn rất dài Ngươn ạ. Mình có học hành, gia đình cơ bản. Bố lại là diện cán bộ chủ chốt. Cháu làm theo ý mình là cháu gây ảnh hưởng tới người đẻ ra mình đấy. Sao cháu hồ đồ dại dột quá thế?
Một giọng đế thêm:
Ngoan cố! Dốt nữa thì đúng hơn!
Cháu khó nghĩ quá…! Bộ dạng như cháu đi đâu được ạ? Với lại…
Tùy cháu thôi!
Một giọng phân tích:
Đồng chí Ngươn nghe cho rõ đây. Nếu đồng chí cố tình mềm yếu nghe theo sự quyến rũ của hình thức tiểu tư sản, phú nông, địa chủ cho dù nguồn gốc gia đình mình có bần, cố đi chăng nữa thì kẻ ăn nằm với con bọn phản động sẽ không được yên thân đâu. Nhớ cho kỹ điều này. Lúc ấy dù có cầu xin đến mấy cũng không ai dám giơ tay ra cứu nổi! Đừng nghĩ mình sẽ không phải là phản động nếu không phải là con đẻ của bọn chúng nhá!
Một giọng bổ sung:
Con rể cũng là dính dáng rồi! Nghe chúng tôi đi. Có quan tâm đến cháu, có cốt nhục với cháu chúng tôi mới chân thành khuyên như vậy! Chúng ta cùng chung lý tưởng mà!
Ngươn lúng túng:
…
Chậm tiến quá. Khó bảo quá. Trai gái là cái gì mà lắm đứa u mê thế này. Thiên hạ người ta đang nhảy vọt ầm ầm lên kia kìa!
Một gợi ý mở đường:
Thiên hạ cũng chả thiếu gì người đẹp lại có lý lịch rõ ràng, gia đình cơ bản nữa. Dan díu với con quân phản động thì chỉ có ra mép làng dựng túp lều mà ở hoặc lên núi vỡ đất. Cửa trường đại học, rồi chuyện đi nước ngoài sẽ không bao giờ đến với kẻ thối chí đâu. Nhớ lấy lời tôi nói. Thôi ta về đi đồng chí!
Tiêm nhiễm! Tiêm nhiễm…
Hai người giận dỗi bỏ đi. Nguy hại đang cận kề. Bố thể nào cũng biết chuyện. Ông ấy sẽ từ Ngươn. Bố bỏ con không sợ bằng tổ chức nghi kỵ, khai trừ. Một nỗi sợ ghê gớm và dai dẳng của một thời nó ngấm ngầm in hằn vào nhiều người.
Ngươn mặt mày căng thẳng…
Chốc lát nghĩ ngợi thôi anh ta đã vội chạy theo:
Cô chú ơi…!... Hai đồng chí?...Dừng lại đã…Xin chân thành…Kìa, đứng lại đi…! Tôi xin nghiêm khắc kiểm thảo mà…! Dạ thưa hai đồng chí…! Hãy nghe cháu nói…! Dạ thưa…! Bắt đầu từ giây phút này trở đi tôi xin đoạn tuyệt!
Hai người quay lại:
Quyết tâm chứ?
Nghĩ kỹ đi!
Tôi xin thề!
- Thế chứ…
Những nụ cười tươi nhưng không thành tiếng. Nụ cười của người chiến thắng. Trật tự và nghiêm chỉnh.
Mưa đã thấm đất. Người chậm hiểu đã hiểu ra chân lý của người nói. Người giảng giải đã có người chịu nghe và chịu hiểu. Ngươn đã về lại đúng vị thế của mình. Vị thế ấy đang là hy vọng và triển vọng cho một chàng trai có nguồn gốc tốt. Không làm được việc này người giảng giải, người theo dõi, giúp đỡ không hoàn thành nhiệm vụ. Tất nhiên sẽ có lỗi. Ngươn cũng vậy. Cả hai!
Tất cả cũng chỉ muốn tốt!
Nhưng…