Sau dòng tên tuổi và nơi sinh sẽ là:
ĐỊA CHỈ: ..................................................................................
Bạn sống ở đâu? Với nhiều người trong chúng ta, câu trả lời này thay đổi thường xuyên trong suốt cuộc đời.
Gần như một phần năm dân số Mỹ chuyển nhà hàng năm. Theo kết quả thống kê điều tra dân số mới nhất, khoảng phân nửa dân số chuyển nhà trong vòng năm năm qua. Riêng trong năm nay đã có hơn mười chín triệu người chuyển nhà trong khoảng thời gian giữa hai dịp Lễ Tưởng Niệm vào cuối tháng Năm và Lễ Lao Động vào đầu tháng Chín.
Điều đó cũng chẳng có gì là ngạc nhiên cả, bởi nước Mỹ xưa nay vốn là đất nước của những người di dân. Hãy nghĩ xem, đầu tiên là những cư dân châu Á đã băng qua phần đất nối liền các lục địa, rồi từ thế kỷ 17 đến thời Đệ nhị Thế chiến là thêm 65 triệu người châu Âu giong buồm đến Bắc Mỹ. Ngay cả khi đã đến rìa lục địa này, chúng ta vẫn tiếp tục di chuyển.
Các nhà phả hệ học trong dòng họ của tôi cho biết dòng chảy di truyền của họ nhà tôi bắt đầu từ một chiếc tàu chiến Đan Mạch cập bến nơi trở thành vùng đất Normandy vào thế kỷ thứ tám. Từ đó, chuỗi gen này bắt đầu xâm lấn vào nước Anh, rồi tiếp đó là các bang Virginia, Bắc Carolina, Tennessee, Texas và Washington.
Ấy vậy mà vẫn chưa hết. Tôi đã dời nhà hai mươi bảy lần trong vòng năm mươi lăm năm qua. Đó là chưa kể đến những địa chỉ ngắn hạn như thời ở ký túc xá đại học, những việc làm thêm mùa hè hoặc khi huấn luyện trong quân đội.
Và năm nay tôi lại chuyển nhà. Thông báo chuyển nhà của tôi sẽ như sau:
“Tôi đã và đang sống trên một nhà thuyền tại Seattle. Nhưng từ nay đến cuối năm, tôi sẽ chuyển đến sống ở hạt San Juan, bang Utah”.
Có thể bạn không biết nhưng Utah là một vùng sa mạc đầy những hẻm núi đá đỏ. John Wayne đã từng chọn nơi đây làm bối cảnh cho vài bộ phim cao bồi nổi tiếng của ông. Và thỉnh thoảng trên ti-vi chiếu một mẩu quảng cáo, trong đó có một phụ nữ xinh đẹp mặc chiếc áo ngủ màu hạt dẻ ngồi trong xe tải đậu trên đỉnh một khối sa thạch hình xoắn ốc giữa trời. Chỗ tôi sẽ chuyển đến sống ở gần địa điểm quảng cáo đó.
Xem mẩu quảng cáo đó, tôi không hiểu tại sao mình phải mua chiếc xe kia nhưng lại hiểu tại sao mình muốn dành thời gian sống ở một nơi tưởng chừng như chỉ có trời và đất, hoang vắng và tách biệt với nền văn minh. Đó là vì nơi đó chỉ có trời và đất, hoang vắng và tách biệt với nền văn minh.
Tôi và vợ từng sống trong một ngôi nhà nhỏ giữa phong cảnh ấy hồi năm ngoái, cách thị trấn hai mươi dặm. Không điện thoại, không ti-vi, không ra-đi-ô, không báo chí. Phần thông tin hàng ngày ở đây là bình minh và chu kỳ của mặt trăng, hôm nay có củi hay không, và sự ảnh hưởng của các mùa lên sinh vật nơi đây, trong đó có cả tôi.
Nếu có dịp bay ngang qua vùng đất này, từ trên nhìn xuống bạn sẽ thấy nó có vẻ khô cằn, trơ trọi. Cũng không hẳn đâu. Những gì đẹp nhất của vùng đất này cứ trải dài qua cả thời gian và không gian. Và bạn phải ngắm nhìn kìa. Cách nhà khoảng một tiếng đồng hồ xe chạy, tôi đứng trong những đường hẻm khủng long đã có trên 140 triệu năm tuổi và nhặt những quả thông cho bữa ăn trưa, rồi nhìn những đàn ngựa hoang tung vó, ngủ lại dưới những phế tích của người da đỏ từ chín trăm năm trước. Tôi đã đến tận một nơi thật yên tĩnh mà vẫn nghe được những tiếng đập cánh của loài quạ đen khi chúng bay trên đầu mình.
Nơi đó không hoang vắng như tôi nghĩ. Có lẽ chẳng còn nơi nào hoang vắng nữa. Con đường cao tốc nối giữa các tiểu bang cách đó gần 50 cây số. Tại thị trấn nhỏ gần nhất, nhà nhà đều có chảo bắt tín hiệu vệ tinh và thậm chí còn có thể thu được nhiều chương trình ti-vi hơn tại thành phố. Tại đây, ngày nào cũng có tờ USA Today. Còn UPS và Federal Express thì chuyển hàng chỉ hai ngày là đến. Riêng bọn trẻ ở trường trung học thì ăn mặc và suy nghĩ chẳng khác gì bạn bè đồng trang lứa ở Seattle hay Los Angeles.
Ở vùng hẻo lánh này cũng có khá nhiều người qua lại. Suốt một ngàn năm qua, văn hóa vùng này đã hình thành dưới bàn tay người Anasazi, Ute, Navajo Indian, các nhà thám hiểm Tây Ban Nha, người Mormon, những người chăn nuôi gia súc, những người chăn cừu, các nhà trồng đậu, những người khai thác quặng urani, những nhà đạp xe leo núi, những người chạy bộ, các tay lái xe jeep, những người thợ săn thú lớn và các du khách đi ngang qua đây. Mỗi người trong số họ đều để lại một dấu vết nào đó lên nền văn hóa này.
Nơi đây chẳng phải là thiên đường. Cái thị trấn bé nhỏ từng rất nên thơ đã chết, giờ đây nhường chỗ cho một khu vực đầy ắp nhà trọ. Sự tương phản thời tiết ở đây thật khắc nghiệt. Khô cằn hoặc mưa như trút nước, nóng đến 41 độ C vào tháng Tám và lạnh đến – 23 độ C vào tháng Giêng. Một tuần bão cát rồi tiếp đến một tuần bão tuyết là chuyện bình thường ở đây. Nếu bị lạc đường ở đây, bạn sẽ dễ dàng chết vì khát. Nỗi sợ rắn đuôi chuông, nhện góa phụ đen, bọ cạp và ruồi hút máu cũng nhiều ngang ngửa với nỗi ngóng trông hoa dại nở vào mùa xuân và những cây dương rụng lá vào mùa thu.
Dù vậy tôi vẫn thích vùng đất này. Có cái gì đó ở nơi đây giúp tôi cảm thấy tinh thần thăng hoa.
Đó là vấn đề thuộc về vùng đất, địa phương. Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng yêu thích một vùng đất đặc biệt nào đó. Tôi lớn lên ở vùng quê thoáng đãng, một vùng đất khô và nóng, suốt ngày chỉ ngồi trên lưng ngựa như một anh cao bồi đang làm việc hoặc chưng diện đi chơi. Những bức ảnh của cha tôi, ông nội và ông cố tôi đều chụp trên lưng ngựa, trong bộ quần áo đang làm việc.
Giờ đây tôi không phải là một anh chàng cao bồi, nhưng tôi hoàn toàn dễ chịu giữa vùng đất đặc sệt chất chân phương và cảm thấy rất thoải mái được là chính mình giữa thiên nhiên xù xì ấy. Những lúc cảm thấy rối rắm trong lòng, tôi đều đến đó. Chỉ một chốc là đủ rồi, giữa nơi có thể nghe tiếng gió thổi, chỉ để nhìn thấy chung quanh là hoang vu vào ban ngày và một bầu trời đầy sao lấp lánh ở trên đầu mình vào ban đêm. Ở nơi đó, vào lúc đó, tôi biết mình không lạc lối.