Tháng Mười vừa rồi, tôi nhận được một cú điện thoại từ cô trưởng ban giáo dục ngoại khóa của trường cấp một duy nhất tại thị trấn nhỏ gần nhà ở Utah. Cô nói: “Ông Fulghum, chúng tôi muốn mời ông tham gia một chuyến đi thực tế với các em lớp một”.
Đi thực tế, chao ôi thật là những từ kỳ diệu! Ngoài chương trình giáo dục Show-and-Tell, tôi thích nhất là những chuyến đi thực tế khi còn đi học. Thật ra, gần đây tôi cũng hay nghĩ đến những chuyến đi thực tế này. Khoảng một tháng trước khi nhận được lời mời, tôi đứng trên vỉa hè thị trấn, ghen tỵ nhìn một chiếc xe chữa cháy vừa chạy thật chậm vừa hú còi để làm vui lòng mấy cháu lớp một đang ngồi trên mấy cái ống nước ở sau xe, cười tít mắt và sướng rơn vì được đi vòng vòng trên phố với các chú lính cứu hỏa. Lúc đó, trong đầu tôi bỗng vang lên giọng nói: “Nè, cho tôi đi với!”.
Tôi còn nhớ như in những chuyến đi thực tế của mình từ cách đây năm mươi năm. Thăm trạm cứu hỏa, tiệm bánh, xưởng đóng chai Coca-Cola, trại bò sữa, đồn cảnh sát, bãi rác thành phố và một công trường xây dựng. Lên lớp hai, chúng tôi được đi thăm một xưởng sửa xe hơi, rồi đi vòng thành phố bằng xe buýt và trở về nơi xe đỗ ban đêm, lại còn được khám phá bảo tàng thành phố nữa. Chúng tôi đi lên đi xuống con đường chính của thành phố, ra vào các cửa hàng buôn bán để quan sát những gì đang diễn ra bên trong các cửa hiệu, nơi hàng hóa được dỡ xuống và tháo kiện. Và dĩ nhiên là chúng tôi đã đi thăm sở thú vài lần. Rồi gánh xiếc đến thị trấn, chúng tôi đến xem họ đưa mấy con thú từ tàu lửa xuống và dựng lều.
Việc ngồi đọc sách trong lớp không thể nào sánh bằng một chuyến đi thực tế như thế.
Và tôi tiếc biết bao khi chương trình giáo dục chuyển sang các đề tài chỉ giới hạn trong khuôn khổ lớp học. Đến khi lên đại học, tôi rất vui vì được học môn địa chất và có dịp đi thực tế trở lại, nghĩa là được nắm tận tay sờ tận mặt, nhìn thấy những gì mình đang học.
Hồi các con tôi còn nhỏ, bao giờ tôi cũng xung phong khi nhà trường kêu gọi phụ huynh cùng đi với các cháu trong những chuyến thực tế. Một lần nọ, trong chương trình có đề ra một hoạt động là xây một khinh khí cầu cao gần năm mét bằng giấy và đem thả trong công viên. Nhưng khi đang lơ lửng trong không trung thì cái khinh khí cầu lại bắt lửa, rồi dạt đến sân thượng của một ngôi nhà gần đó. Cứu hỏa! Gọi cứu hỏa ngay! Thật ngoạn mục! Khi tất cả đã bình tĩnh trở lại, các em học sinh muốn làm lại lần nữa, không chỉ là chiếc khinh khí cầu mà là toàn bộ cái thảm họa kia, từ việc thả, cho đến khi cái khinh khí cầu bốc cháy, gọi lính cứu hỏa. Không thiếu khâu nào.
Khi đã trở thành một giáo viên dạy các môn vẽ, viết và triết học, tôi học lái xe buýt để có thể tự mình chở các em học sinh đi thực tế. Khi dạy môn vẽ, tôi luôn nhắc nhở các em là để trở thành một nghệ sĩ, trước tiên các em phải biết quan sát thế giới xung quanh. Bởi công việc của một người nghệ sĩ chính là quan sát và đi ra ngoài để khám phá thế giới, sau đó mô tả lại bằng chữ nghĩa những gì mình đã trông thấy. Phải sống trong lòng thế giới, chứ không chỉ nghiên cứu về thế giới, đó mới chính là nhiệm vụ của một nghệ sĩ. Chính vì vậy, chúng tôi cùng lên xe và xuất phát.
Ngay cả khi là một mục sư, tôi vẫn giữ vững tâm niệm đó. Hồi còn học trường dòng, tôi có đọc về một phong trào hoạt động của các Cha xứ Công giáo ở Pháp. Những ngày trong tuần, họ là những người thợ ống nước, thợ điện hay giáo viên,…họ làm bất kỳ công việc hữu ích nào như bao người bình thường khác. Chỉ đến cuối tuần họ mới làm lễ cho cộng đồng của mình.
Những con người ấy quyết định trở thành một phần của thế giới chứ không chỉ làm việc trong nhà thờ.
Tôi quyết định noi gương họ. Trong suốt những năm làm mục sư, ngày thường tôi cũng đi làm như bao người khác. Cứ sáng thứ Hai là tôi lại đi làm lúc bảy giờ rưỡi. Tôi quyết định rất rõ ràng: Hoặc là tập trung vào chuyện sống trong thế giới, hoặc là dành phần lớn thời gian trong nhà thờ. Hoặc là tiếp cận thế giới xung quanh, hoặc chỉ làm những công việc của nhà thờ.
Cho đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng cuộc đời tôi chính là một chuyến đi thực tế bất tận.
Và tôi đã cố gắng để không trở thành một du khách.
Mà thay vào đó là một nhà thám hiểm, một người lữ hành, một nhà khám phá, một học trò và một người hành hương.
Đến đây hẳn bạn cũng hiểu tôi đã thích thú thế nào khi được mời tham gia chuyến đi thực tế của các em học sinh lớp một. Đó chẳng phải là chuyện trẻ con chút nào.
– Được chứ! Thật là tuyệt vời! Cô định đưa các em đi đâu? – Tôi đã hồ hởi đáp ngay.
– Xin lỗi ông Fulghum, có lẽ tôi chưa nói rõ ý mình. Thật ra là chúng tôi muốn đến thăm ông, nhà ông chính là điểm đến của chuyến đi thực tế này.
Tôi chẳng biết phải trả lời thế nào.
Vòng quay cuối cùng của bánh xe số phận đã được vặn, tôi trở thành mục tiêu của chuyến đi thực tế.
– Được, – tôi thở dài. – Mời cô và các cháu cứ đến, sở thú của tôi luôn rộng cửa.