Cứ đến cuối tháng Giêng, trong góc bàn làm việc của tôi luôn xuất hiện một chậu poinsetta – hoa trạng nguyên.
Vâng, tôi biết viết đúng chính tả thì phải là “poinsettia”.
Tôi chẳng bận tâm.
Và tôi luôn cố hết sức phớt lờ những chậu cây này. Bởi tôi sẽ lại phải vào vai một đao phủ trong cuộc đời chúng thôi.
Hàng năm, cứ vào tháng Mười Hai là một chậu trạng nguyên lại xuất hiện trong nhà tôi. Chưa bao giờ tôi mua, mà cứ có người gửi tặng loài hoa ấy. Khác với những loài hoa dùng làm quà tặng theo mùa như hoa ly, thủy tiên, cẩm chướng… hoa trạng nguyên không chỉ gửi gắm thông điệp đến người nhận rồi chết đi, để lại sự thanh thản trong mỗi chúng ta. Tuổi thọ của chúng sánh ngang với rùa biển, còn sức sống thì ngoan cường như loài xương rồng. Ngay cả khi bị bỏ quên, chúng cũng vẫn cứ sống và sống mãi. Nếu được chăm sóc tốt, loài cây này có thể phát triển thành bụi cao đến gần năm mét.
Bạn có biết vì sao loài cây này lại góp mặt trong danh sách quà tặng cho mùa Noel không? Joel Roberts Poinsett là người phải chịu trách nhiệm. Ông sống từ năm 1779 đến 1851, là một chính trị gia ở bang Nam Carolina, người đầu tiên của nơi này được bầu vào Quốc hội Hoa Kỳ, và gần suốt cả đời mình đã giữ vai trò đại sứ ở các nước nằm ở biên giới phía Nam. Trong số các quốc gia láng giềng đó phải kể đến Mexico. Poinsett là người vô cùng khéo léo, ông can thiệp đủ chuyện vào chính trường Mexico, đến độ nơi này phải tuyên bố ông là persona non grata – kẻ không mời mà đến. Người Mexico dùng hẳn từ poinsettismo để chỉ tính hay chĩa mũi vào chuyện người khác của ông.
Khi từ Mexico trở lại Mỹ, Poinsett mang theo một cây hoa Euphorbia pulcherrima, nhưng rồi người Mỹ lại gọi nó là poinsettia để “vinh danh” ông. Những chiếc lá đỏ pha xanh của loài cây này đã nhanh chóng trở thành biểu tượng truyền thống của lễ Giáng sinh cũng như mối phiền toái cho mọi người vào tháng Giêng ngay sau đó. Trong lúc ngẫm nghĩ về cái chậu hoa trên bàn, tôi chợt hiểu ý nghĩa của từ poinsettismo – cái chậu hoa rắc rối này cũng đang chĩa mũi vào cuộc sống của tôi.
Nếu vợ tôi được toàn quyền quyết định số phận những cây trạng nguyên thì hẳn chúng tôi đã giữ lại tất cả những chậu hoa từng nhận được và ngôi nhà này sẽ chẳng khác gì chỗ tị nạn cho loài thực vật này. Người vợ giàu lòng nhân ái của tôi không thích kết liễu cuộc đời của bất kỳ sinh vật nào. Chẳng có cách gì giải thích cho cô ấy hiểu cây trạng nguyên không phải là những con chó con. Và thậm chí cô ấy cũng không chịu được cảnh chúng bị bỏ rơi quanh nhà rồi từ từ úa tàn đi. Những lúc tôi không có ở nhà, cô ấy lén tưới nước cho chúng và cứ thế, chúng tôi cứ dùng dằng mãi chuyện số phận của mấy cái cây cho đến tận tháng Bảy. Cuối cùng, chúng tôi nhất trí phải “làm gì đó” với chúng, có điều vợ tôi không nghĩ ra là nên làm gì.
Như thường lệ, tôi trở thành kẻ tội đồ trong nhà. Tôi luôn là người phải làm những công việc dơ bẩn như diệt côn trùng và chuột, vứt hoa héo, dọn thức ăn thừa đã ôi trong tủ lạnh. Và giờ là làm thế nào để đám hoa trạng nguyên biến mất.
Tôi thử vài cách nhân đạo, theo khẩn cầu của vợ mình, dẫu thừa biết rằng đi cho hoa trạng nguyên vào tháng Giêng cũng chẳng khác nào nhổ bí ngòi vào tháng Tám. Chẳng ai thích nhận chúng cả. Bỏ đại chúng trên băng ghế ở trạm xe buýt cũng vô ích, ba ngày sau quay lại thì chậu hoa vẫn còn nằm đó. Thế là vợ tôi bèn mang nó về nhà lại. Chuyện tương tự xảy ra khi mang nó ra để chỗ bãi rác gần nhà.
Vậy là tôi nghĩ ra nghi thức “Giải phóng hoa trạng nguyên” để vợ mình thoải mái hơn. Thoạt đầu, tôi lấy cái cây ra khỏi chậu, cung kính hạ nó xuống nước ở bến tàu và cho nó trôi theo dòng. Có thể một số sinh vật hoang dã sẽ ăn bớt một phần của cái cây, phần còn lại sẽ thối rữa và trở về với cát bụi. Thật là một giải pháp “xanh” có lợi cho môi trường. Thế nhưng một ông bạn ngắm chim gần đó lại bảo với chúng tôi rằng loài cây này độc hại đối với những sinh vật sống dưới nước.
Một năm nọ, tôi bỏ đại cây trạng nguyên ngoài trời. Trên nền tuyết trông nó thật đẹp. Thật là một cách tiện lợi để vứt. Và nếu nó không chịu được cái lạnh thì chuyện gì tới sẽ tới thôi.
Đến tận tháng Ba, nó vẫn còn đó.
Rồi chúng tôi cũng đi đến một thỏa thuận ngầm là vào một ngày tháng Giêng, tôi sẽ lén mang chậu cây đi. Tôi đưa nó đến văn phòng mình, để nó sống thêm ít lâu trước khi chết. Lúc đó, người quét dọn sẽ vứt nó đi. Thật là đơn giản và dễ dàng.
À, cũng không hẳn.
Sự thật là trong đời sống nội tâm của tôi lại tồn tại hai ý nghĩ khác nhau về chuyện này. Nhiều khi một thứ có thể xem là tầm thường, nhưng cũng có thể xem là điều quan trọng.
Một phần trong tôi nghĩ mình nên bảo vệ những gì đẹp đẽ luôn bám trụ lấy cuộc sống dẫu không được chăm sóc nhiều. Rõ ràng chậu hoa trạng nguyên đã làm cho mùa đông ảm đạm trở nên sống động. Thậm chí chỉ cần thỉnh thoảng tưới nước thôi chúng cũng đã có thể sống lâu hơn cả tôi rồi. Lẽ ra tôi nên giữ lại những chậu hoa này và trồng chúng lên mộ của mình sau này.
Và phần còn lại trong tôi lại khuyên bản thân nên kìm lại những suy nghĩ nặng nề. Chẳng qua chúng chỉ là một món đồ trang trí vào dịp lễ, xong là vứt thôi, chẳng cần tôi phải suy nghĩ tới lui cho nhiều. Đó là một cây trạng nguyên được trồng trong chậu, không phải một kiểu mẫu sinh tồn, và dùng xong thì cứ bỏ. Thế thôi!
Sáng nay, nhìn tới thì cây trong chậu đã gục xuống, tôi bèn tưới nước.
Chỉ một ít thôi, vì tôi không muốn động viên cái gì nhiều quá.
Biết đâu, chúng chỉ có thể sống qua cuối tuần này. Mà cũng có thể không.