Những suy nghĩ mâu thuẫn về số phận của chậu hoa trạng nguyên kể trên tiêu biểu cho cách suy
nghĩ bình thường của tôi. Mặc dù hoàn toàn có thể quyết định và cứ thế tiến hành mọi việc, đầu óc tôi lại như một cái kính vạn hoa, hễ lắc lên là một hình ảnh mới lại xuất hiện. Một người bà con xa của tôi nói rằng phương châm sống của họ nhà tôi vốn là “Soyez ferme”, nghĩa là “hãy kiên định”. Nói cho vui thế thôi chứ với tôi, trong đời sống nội tâm của mình, phương châm thật sự chính là “Forsan, non forsan” – nghĩa là “Có thể có, mà cũng có thể không”.
Một lần, tôi đã liệt kê danh sách những cặp phương châm tréo ngoe mà tôi cùng lúc tâm niệm trong đời mình:
Nhìn kỹ trước khi nhảy.
Chần chừ là mất cơ hội.
Hai cái đầu vẫn tốt hơn một.
Nếu muốn việc thành công, hãy tự tay làm lấy.
Không liều sao phất được.
Thà an toàn còn hơn phải hối hận.
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Người đẹp vì lụa.
Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Lắm thầy thối ma.
Tre già khó uốn.
Học hỏi không bao giờ là muộn.
Tiểu tiết không quan trọng.
Kiệt tác hay không nằm ở những tiểu tiết.
Còn nhiều lắm những cặp câu tương tự như thế mà tôi không thể viết hết ra đây. Một lần tôi chìm đắm trong luồng suy nghĩ hai chiều như thế đến nỗi phải đính thêm hai cái cúc lên áo khoác trong lúc đang dạy môn mỹ thuật ở trường. Trên một cái có đề: “Hãy tin tôi, tôi là một giáo viên, chuyện gì cũng biết, cũng hiểu”, còn cái kia thì ngược lại: “Trưởng ban thắc mắc”.
Người dân thủ đô Áo có một từ dùng để chỉ khả năng giải quyết công việc hàng ngày của chúng ta mặc cho sự lưỡng cực trong suy nghĩ. Đó là từ fortwursteln, nghĩa là xoay xở thật lâu với xúc xích và khoai tây. Từ này còn dùng để nói đến nhân vật Hans Wurst – chú hề của chương trình Punch-and-Judy, một người lộn xộn và hay né tránh mỗi khi phải ra quyết định lớn. Fortwursteln vì thế được dùng để nói đến khả năng xoay xở giữa hai tình huống trái ngược nhau, nghĩa là giữa hai trạng thái có thể có và có thể không.
Tôi nghĩ đến sự lưỡng phân này khi đến thăm một nơi đặc biệt của thủ đô nước Mỹ. Ở đầu phía Tây của đại lộ Constitution ở Washington, D.C., nhìn từ phía đường qua khu rừng cây du và cây nhựa ruồi nhỏ, có một tượng đài kỷ niệm Albert Einstein bằng đồng có chiều cao hơn sáu mét.
Albert Einstein được đặt ngồi trên ba bậc thang bằng đá granit trắng, trông thật thoải mái. Ông vận một chiếc áo len dài tay lùng thùng, chiếc quần nhung kẻ đầy nếp nhăn, mang giày xăng đan, cùng mái đầu bù xù quen thuộc. Gương mặt ông toát lên sự thông thái, lặng lẽ xen lẫn băn khoăn. Đó là toàn bộ hình ảnh của một con người đang thả lỏng mình, trải tầm mắt dài và rộng về hướng sự tồn tại.
Và ở dưới chân, trong tầm mắt ông chính là mô hình “phòng thí nghiệm” của ông: một tấm bản đồ vũ trụ rộng khoảng tám mươi mét làm bằng đá granit, trên đó có 2.700 đầu đinh nhỏ bằng kim loại, thể hiện vị trí của các hành tinh, ngôi sao và những thiên thể khác trong vũ trụ vào buổi trưa ngày 22 tháng Tư năm 1979, khi đài tưởng niệm này được khánh thành.
Bức tượng trông càng nổi bật khi được đặt cạnh những khu vực nổi tiếng khác của thành phố. Ngay phía sau là Học viện Khoa học Xây dựng Quốc gia. Phía Đông là Tháp ghi công Washington và xa hơn chút là Tòa nhà trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ.
Về phía Nam là khu vực tượng đài chiến tranh bằng đá granit.
Còn về phía tay phải, gương mặt tượng của Abraham Lincoln đang nhìn ra ngoài từ trong gian nhà tròn có mái vòm bằng đá cẩm thạch.
Và phía bên kia dòng sông Potomac, ta có thể nhìn thấy ngọn lửa trên bia mộ của John Kennedy vào lúc trời xẩm tối.
Mỗi lần có dịp thăm thủ đô, tôi đều đến ngồi trong lòng bức tượng Einstein mà suy nghĩ. Thần thái của ông thể hiện sự gần gũi, còn cái đầu gối thì luôn sẵn sàng. Với bao lời nhắc nhở về những thành quả của các vĩ nhân ở khắp mọi hướng, đầu gối Einstein như điểm giao nhau của các nguồn lực khởi phát từ chính khả năng chịu đau đớn và buồn khổ, những hứa hẹn và vinh quang, sự kỳ diệu và nỗi sợ hãi… trong chính con người chúng ta.
Hơn tất cả, Einstein chỉ muốn khám phá quy luật chung duy nhất điều khiển cả vũ trụ. Ông mong tìm ra một phương trình đơn giản thể hiện được sự liên đới của tất cả các yếu tố không gian, thời gian, sự việc, năng lượng và điện tử học. Ông mải miết đi tìm thứ lý thuyết thống nhất tất cả đó. Ông thất bại.
Một sự phân cực đầy vướng mắc đã cưỡng lại con người thiên tài của ông.
***
Einstein đã nghiên cứu phương trình của mình trong thế giới vô hình của vật lý lượng tử. Những kết luận của ông trùng hợp với nhiều trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Cả ông lẫn chúng ta đều sống trong thế giới lưỡng cực của cái ướt và khô, giữa tình yêu và thù hận, giữa hòa bình và chiến tranh, giữa cứng rắn và mềm mại, giữa ánh sáng và bóng đêm, giữa có và không.