Tên của cô là “Lovey” – tên thật, và đây cũng là câu chuyện có thật. Cô là người đã dạy tôi chửi thề, hút thuốc, dạy tôi hát và ủi áo sơ mi. Mỗi tuần năm ngày cô tới làm việc nhà và nấu ăn cho gia đình tôi. Những năm tôi học trung học, mẹ tôi bận bịu với công việc kinh doanh của gia đình. Mỗi chiều đi học về, cô Lovey thường đã có mặt ở nhà để trông chừng tôi, và cũng để dạy tôi những môn mà nhà trường không hề dạy.
Khi ấy cô Lovey hãy còn trẻ, có lẽ chỉ tầm ba mươi lăm tuổi, nét mặt thanh tú, mái tóc xoăn màu đen và làn da nâu sáng. Cô làm việc rất gọn gàng và chính xác, lại mạnh mẽ và rõ ràng khi cần đưa ra ý kiến. Lovey không kết hôn, cô ở vậy và chăm sóc người cha mù. Hàng ngày, ông chơi đàn guitar và hát rong trên hè phố, trước mặt để một cái ca thiếc.
Lovey không thuộc loại phụ nữ nhún nhường, đức hạnh hay được ca tụng. Có thể mẹ tôi đã tưởng cô là một người như thế, nhưng sau lưng bà, cô nhại lại mẹ tôi, hát những bài hát tục tĩu, hút thuốc, nói xấu người da trắng và dùng đủ những ngôn từ thô tục mà một thiếu niên nổi loạn như tôi vô cùng ngưỡng mộ. Trong mắt mẹ tôi, cô chỉ là một người giữ trẻ. Thế nhưng thật ra, Lovey chẳng khác gì một vị nữ thánh đang hướng dẫn tôi thực hiện mọi nghi thức cần thiết cho cái ngày tôi trưởng thành; vì thế, cô trở thành một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đối với cuộc đời tôi.
Một hôm, cô đưa tôi hộp thuốc lá bột và bảo rằng cô ấy biết tôi chỉ chờ cô không để ý là lén thử ngay. Bởi vậy cô ấy muốn dạy tôi cách hít cho đúng.
Trước tiên, tôi phải lấy một cành cây con và nhai một đầu cho mềm đi. Sau đó, tôi phải nhúng cái cành vào chỗ bột thuốc và đặt vào dưới lưỡi rồi mút chỗ thuốc ấy.
Nếm được chừng ba lần, tôi đã buồn nôn và thấy chóng mặt nên phải nằm xuống một lát. Thế là tôi càng ngưỡng mộ Lovey hơn vì cô ấy có thể hút được thuốc lá nặng trong khi tôi thì không. Cũng nhờ cô mà tôi có thể khoác lác với đám bạn rằng: “Được chứ sao không, tao đã từng hít mà”.
Tương tự, cô ấy cho tôi uống rượu bắp nấu tại nhà, thứ bia rượu đầu tiên tôi uống trong đời. Và kết quả cũng tương tự. Từ đó về sau, tôi không bao giờ đụng đến thuốc lá bột hay rượu bắp nữa.
Khi mẹ tôi đi vắng, Lovey hát những bài hát dành cho người lớn. Cô không bao giờ hát về Chúa hay thiên đường. Những bài hát của cô nói về chuyện thức dậy vào buổi sáng, về những công việc trong ngày, về tình yêu, tình dục, về sự khổ đau, thất vọng, về chuyện không có tiền, về cái mái nhà bị dột, về những thỏi kẹo dẻo vị trái cây, về chuyện đón chuyến tàu tiếp theo đến Chicago và tìm một người đàn ông khác tốt hơn kẻ sẽ không bao giờ ghé đến nữa.
Và thế là tôi liên hệ ngay đến bản thân mình. Khi ấy, tôi sắp trưởng thành rồi nên cũng vương nhiều nỗi lòng lắm. Nào là chuyện còi cọc, yêu đương quá độ, xấu xí, gầy trơ, non nớt và cô đơn. Rồi nào là cần tiền, cần một cô gái tử tế, cần những giây phút vui vẻ với đám bạn, bên cạnh điểm số cao hơn và chiếc xe hơi của riêng mình.
Bài than van cho nỗi lòng kẻ mới lớn.
Và trong khi những thứ như bộ niềng răng, hormone, gen, kiểu tóc đuôi vịt và chiếc Chevrolet đang tôn tạo hình ảnh của tôi thì một ngày, cô Lovey thông báo đã đến lúc tôi phải học cách tự ủi áo sơ mi.
Tôi hoàn toàn chẳng biết phải ủi một cái áo sơ mi như thế nào, bởi Lovey thường làm chuyện này một mình trong căn phòng đẹp nhất nhà, gian phòng ăn có nhiều ánh sáng và nhìn xuống đường. Thỉnh thoảng, tôi đi học về thì cô cũng vừa ủi xong, lúc nào cũng vui vẻ, vừa làm vừa hát và cười nói một mình.
Thế nhưng tôi tôn thờ Lovey đến nỗi nếu cô thích ủi quần áo thì tôi cũng thích luôn.
Và đây là những gì tôi đã học được.
Trước tiên, bạn phải chọn những chiếc áo đẹp đẽ, nghĩa là trắng tinh, nếu không sẽ chỉ tổ mất thời gian. Phải nhớ kiểm tra mấy cái túi và giũ mạnh chiếc áo để loại sạch bụi bẩn, chỉ và vải xơ. Thêm nữa, phải kiểm tra mấy cái nút xem có bị lỏng hay đã rơi mất không. Tiếp theo, bạn phải giặt cho đúng cách, giặt đồ trắng riêng và không bao giờ giặt chung với đồ màu. Nên dùng chút thuốc tẩy và hồ vải để áo trắng sáng. Sau đó, treo áo ngoài nắng cho đến khi chỉ còn hơi ẩm rồi bọc trong một miếng khăn ẩm màu trắng và cho vào tủ lạnh.
Tiếp đến là sửa soạn mặt bàn để ủi, đảm bảo lớp phủ trên mặt bàn phải sạch sẽ và vừa khít rồi đặt bàn ở chỗ thích hợp – chỗ mà bạn thích ấy. Chuẩn bị một cái bình xịt nước và đổ đầy nước lạnh vào, để sẵn ra vài cái móc treo quần áo. Giờ thì chuẩn bị bàn ủi, loại to và nặng, nhớ kiểm tra xem đáy bàn ủi có sạch hay không. Xong xuôi, hãy cắm phích bàn ủi và vặn nút cao nhất. Bạn cứ thong thả mà nhấm nháp cà phê trong lúc chờ đợi, không có gì phải vội cả.
Mỗi lần ủi, hãy lấy một cái áo ra khỏi tủ lạnh. Hãy chuẩn bị tâm lý ngay từ đầu rằng với mỗi cái áo như vậy, bạn phải ủi tới ba lần. Lần đầu tiên là để xóa những nếp nhăn và “tạo nếp” cho áo. Hãy xịt chút nước lên những chỗ vải chưa đủ ẩm. Lần thứ hai là để làm cho cái áo khô hẳn và cứng nếp. Còn lần thứ ba là để chỉnh sửa lại những chỗ chưa hoàn hảo và xử lý phần cổ áo, ống tay chưa vào nếp.
Mỗi lần ủi như vậy, bạn phải đi theo trình tự như sau: cổ tay áo (cả hai mặt), ống tay áo, cổ áo (cả hai mặt, mặt sau trước, tránh phần mũi nhọn) rồi mới đến phần thân áo (thân sau trước, từ trên xuống dưới, căng vải thẳng ra khi ủi) rồi vòng khắp thân áo từ trước ra sau, cẩn thận ủi quanh phần nút áo.
Sau đó lặp lại một lần nữa các công đoạn trên, lần này chú ý kỹ đến phần vai và miếng đô sau, vì đây là phần tạo ra vẻ ấn tượng của chiếc áo. Phải làm thế nào để cái áo khô và cứng nếp hoàn toàn.
Trong lần ủi cuối, bạn phải kiểm tra xem mình có còn sót một đường nhăn nào hay không, cũng như phần cổ áo và cổ tay áo có thật thẳng hay chưa. Ngay cả người thợ ủi lành nghề nhất cũng cần phải nghiêm túc kiểm tra lại thành quả của mình. Và giờ thì hãy cẩn thận treo chiếc áo lên móc, chỉ cài nút trên cùng, rồi treo nó ra ngoài nắng để áo thơm mùi nắng. Sau khi đã ủi xong một cái áo, hãy nghỉ ngơi một lát và hít chút thuốc lá bột.
Tuyệt đối không được nóng vội, không thì bạn sẽ làm cháy mất chiếc áo cũng như làm cháy cả tâm hồn mình.
Khi tôi phàn nàn là ủi áo quá rắc rối, Lovey giải thích: “Rồi cháu sẽ không phải hối tiếc vì biết cách thực hiện chính xác một việc gì đó đâu. Và nếu ngay từ đầu đã không làm chính xác được thì bao giờ cháu mới có thời gian để quay lại chỉnh sửa hả?”.
Không vội vàng nhưng hiệu quả – để hiểu ra cách làm của cô, tôi mất vừa bằng khoảng thời gian Lovey ủi một cái áo. Nhưng để ủi một cái áo, tôi mất gần như cả buổi chiều, đã thế lại còn làm cháy xém cả cổ áo. Và chỉ một thời gian sau, tôi đã khá hơn. Đó là khoảnh khắc đáng tự hào khi Lovey kiểm tra cái áo tôi vừa ủi và khen là không tệ đối với một cậu bé da trắng như tôi.
Lovey nói đúng, dẫu là thất bại hay thành công, hay bất cứ chuyện gì tôi đã dốc hết sức mình, trong lòng tôi vẫn biết rõ một sự thật chắc chắn: ít ra thì tôi cũng có thể ủi cho ra hồn một chiếc áo, và chiếc áo đó hoàn toàn có thể được đặt trong bảo tàng vinh danh những sản phẩm giặt ủi của thời đại.
Năm 1972, tôi đến Nhật và sống tại một tu viện Phật giáo để tìm kiếm sự khai sáng tinh thần. Vì không thể nào tuân thủ sự khổ hạnh của việc ngồi thiền tĩnh lặng, tôi được giới thiệu phương pháp thiền năng động. Bộ môn này đòi hỏi thực hành một mình và lặng lẽ, bao gồm việc thực hiện những công việc trần tục một cách thật từ tốn để người tu luyện tập trung tư tưởng. Người thầy dạy thiền giải thích với tôi: “Khi đã cẩn thận và chú tâm, bất kỳ hoạt động nào cũng có thể trở thành khung cửa sổ mở ra vũ trụ và là cánh cửa dẫn đến sự thấu suốt”.
Trong lúc quét dọn con đường rải sỏi trong vườn tu viện, tôi chợt ngộ ra: Ồ, dĩ nhiên, tôi đã biết về điều này rồi. Không phải nhờ Đức Phật mà chính là nhờ Thánh nữ Lovey, chính cô Lovey đã dạy cho tôi xưa kia. Quét dọn con đường cho đúng cũng giống như thao tác chính xác việc ủi một cái áo.
Chuyện này vẫn thường xảy ra trong đời tôi, tôi cứ phải gặp cả đống rắc rối và tốn nhiều công sức để khám phá ra điều mình vốn đã biết từ trước.
Tôi vẫn nhớ rõ từng chi tiết mỗi bước ủi áo bởi tôi vẫn luôn làm thế. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thường tự ủi lấy áo cho mình mà.
Chẳng qua vì công việc này mang lại cho tôi một niềm hứng thú riêng tư.
Tương tự sự thích thú mà chúng ta vẫn có khi một mình cắt móng tay, tắm rửa, cạo râu, nhổ cỏ trong vườn, chẻ gỗ, đan lát, nướng bánh hay sắp xếp tủ quần áo.
Phải, đôi khi đó chỉ đơn giản là vấn đề chăm sóc bản thân, lo chuyện cá nhân hoặc làm các công việc thường nhật, và đó chính là lúc chúng ta tự phản ánh và trò chuyện với nội tâm mình.
Cũng giống như khi ta thiền, hoặc thậm chí là cầu nguyện.
Không phải vì không quỳ gối trong nhà thờ hay không ngồi xếp bằng mà bạn không thể trò chuyện với các đấng thiêng liêng. Và cũng không phải chỉ vì cả bạn lẫn các vị ấy đều quá bận bịu nên không thể liên hệ với nhau.
Những khoảnh khắc tập trung cho niềm hứng thú riêng tư đó chính là những phần thiêng liêng của đời sống nội tâm.
Bởi chúng giúp tâm hồn tôi được lành mạnh.
Hồi trước mỗi khi tôi hỏi mẹ những câu hỏi khó, bà thường tránh giải thích rườm rà bằng cách đáp: “Mai mốt con sẽ hiểu”. Cô Lovey đã dạy tôi rằng trong lúc chờ đến ngày ngộ ra chân lý, ít ra tôi cũng có thể ủi được một cái áo sơ mi.