Hồi tuần này, trong lúc đang điền vào một mẫu đơn, tôi bỗng tự hỏi không biết mình đã ghi ra tên tuổi, nơi sinh và địa chỉ của bản thân bao nhiêu lần trong đời. Có vẻ đó chỉ là những thông tin đơn giản, ấy vậy mà cũng phức tạp ra trò.
Họ tên: ...............................................................................
Đó là dòng để trống đầu tiên trong giấy khai sinh và mọi tờ đơn khác mà bạn sẽ gặp trong suốt cuộc đời. Tuy vậy, “Tên bạn là gì?” và “Mọi người gọi bạn là gì?” lại là những câu hỏi có nhiều đáp án.
Cha mẹ chọn cho tôi cái tên “Robert Edward Lee Fulghum” là vì cha tôi vốn hâm mộ cuộc nội chiến Mỹ nói chung và tướng chỉ huy Robert Edward Lee lừng danh nói riêng. Thế nhưng trong giấy khai sinh chỉ có thể viết ba chữ nên cha mẹ tôi đành quyết định đặt tên tôi là “Robert Lee Fulghum”. Và khi tôi hỏi: “Tại sao lại là Robert?” thì họ không nhớ được lý do.
“Bobby Lee” là cái tên mà cha mẹ gọi tôi.
Riêng cha thường gọi tôi là “cu con”, từ lúc tôi còn bé đến cả khi trưởng thành. Ngày tôi vào lớp một, đêm tôi lên tàu xa nhà đi học đại học, trong ngày cưới của tôi lẫn cái ngày đứa con đầu lòng của tôi chào đời, lúc nào ông cũng chỉ nói mỗi một câu: “Chúc may mắn, cu con!”.
“Bob hải ly” là tên mà lũ bạn trong nhóm chạy “Những cậu bé vui vẻ” gọi tôi thời cấp hai, trước khi nha sĩ bắt đầu chỉnh răng cho tôi.
Tiếp theo là cái tên “Bobby Fulghum May mắn” thời trung học, khi răng đã chỉnh xong.
“Số 36”, đó cũng là con số may mắn của tôi khi tham gia biểu diễn mô tô.
“Thỏ lớn” là tên gọi mà Marilyn, tình yêu đầu đời, dành cho tôi.
“Fulghy” là tên mà đám bạn sinh viên và kể cả những người bạn chơi xì phé vẫn gọi tôi.
“Bố” là tên mà các con gọi tôi.
“Thiếu úy hải quân Fulghum” là cái tên mà mọi người gọi tôi khi tôi thực tập vị trí cha tuyên úy hải quân.
“Linh mục Fulghum” là cái tên mà tôi có được sau buổi lễ thụ chức.
“Chú Bob” là tên mà những em học sinh mỹ thuật vẫn gọi tôi.
“Ano ne” (trong tiếng Nhật có nghĩa gần như
“Nè, anh!”) là tên mà người vợ thứ hai dành cho tôi.
“Châu thổ Zulu” là mật mã radio khi tôi hạ cánh tại một cuộc thi dù lượn.
“Đại úy mẫu giáo”, một tên gọi mà những người quen dành cho tôi sau khi quyển All I really need to know I learned in kindergarten(2) ra đời.
(2) First News đã xuất bản với tựa Hạt giống yêu đời.
“Giáo sư sâu sắc” là tên mà những nhà phê bình thỉnh thoảng dùng để nói đến tôi.
“Cưng” hay “Fulghum cưng” là tên mà vợ tôi hay gọi vào những ngày căng thẳng, chẳng hạn như “Chân đầy bùn thế mà định đi qua chỗ này sao, cưng!”.
“Ông nội” hoặc “Nội” là tên mà các cháu Sarah, Max và Brie gọi tôi.
“Robert-chứ-không-phải-Bob” là cái tên mà tôi tự giới thiệu với mọi người nhưng chẳng ai dùng cả. Họ chỉ đáp: “Thôi được rồi Bob, tôi sẽ gọi anh bằng bất cứ tên gì anh muốn”.
Ngoài danh sách trên còn khoảng ba mươi cái tên khác nhưng thế là đủ lắm rồi. Tất cả những cái tên đó đều do mọi người đặt cho chứ nào phải tôi tự nghĩ ra. Tên của tôi nhưng rốt cuộc lại không phải của tôi, chúng toàn của mọi người. Tựa như chuỗi phục trang mà người đời đã khoác lên cuộc đời tôi.
Tôi nhớ đã đọc trong một vài quyển sách nhân loại học viết về những nền văn hóa mà theo đó, khi đã đủ lớn, bạn sẽ có quyền chọn một cái tên để thay cái tên mà gia đình đã đặt cho khi còn nhỏ. Tôi thích như thế.
Hồi còn học trung học, tôi thích được gọi là “Doak”, “Buck” hay “Ace”, toàn những cái tên ra vẻ dân chơi, nhà giàu hay mang tầm vóc đại ca thôi.
Sau này khi vào học trường dòng ở Berkeley, tôi hay đi xem phim nước ngoài và lần nào cũng nấn ná ở lại để xem phần thông tin cuối phim, hy vọng tìm ra được một cái tên nước ngoài nào đó thật lịch lãm, huyền bí và mạnh mẽ để đặt cho mình. Chẳng hạn như “Miloslav”, “Czabt” hay “Jean-Pierre”.
Những năm sáu mươi, khi giới hippi tìm kiếm những cái tên phong cách hơn thì bản thân tôi, vốn tự cho mình là hip-pi-một-nửa, cũng đã nghĩ đến việc đặt cho mình danh hiệu “Nigel bảy ngôi sao mai”để cho hợp với Thời đại Bảo Bình(3).
(3) Tức Age of Aquarius. Ở Mỹ, tên gọi này được dùng để chỉ trào lưu đổi mới vào thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX.
Nhưng giờ thì tôi lại nghĩ chuyện ấy đã muộn và phức tạp quá. Cái tên không còn quan trọng nữa, tất cả chẳng qua chỉ là chuyện âm tiết mà thôi. Tôi thấy mình giống một con chó già mà tôi biết. Cho dù bạn có gọi nó bằng tên gì thì nó cũng đến với bạn, miễn là bạn đối xử với nó bằng tình cảm yêu thương hoặc cho nó những món ăn ngon lành.
Một diễn viên mà tôi gặp ở Roanoke, Virginia, đã giúp tôi giải quyết vấn đề tên gọi này. Anh ta bằng tuổi tôi và đã có cháu. Chúng tôi nói về những nỗi thất vọng âm thầm liên quan đến những cái tên cứ bám chặt lấy mình khi bắt đầu lên chức ông – điều chỉ xảy ra khi bạn bắt đầu cao tuổi. Lúc này, bạn cảm thấy mình từng trải và khôn ngoan, do đó cũng cần được tôn trọng ở mức độ nhất định. Rõ ràng bạn xứng đáng được như vậy chứ. Nhưng những đứa cháu hãy còn chảy nước dãi cứ ngọng líu ngọng lo gọi bạn là “Boppa” hay “Moomaw”. Ấy vậy mà mọi người lại thấy thế là hết sức dễ thương và không chỉ có đứa trẻ mà người trong gia đình cũng bắt đầu gọi bạn bằng cái tên đó. Ấy vậy bạn lại không làm gì được cả. Lúc đó, thật bạn chẳng khác gì con chó già mà tôi vừa nói trên.
Làm sao bạn có được một vị trí đáng nể trong cuộc sống gia đình khi mọi người cứ nghĩ bạn là “Moomaw” hay “Gandy Bippy” kia chứ?
Thế nhưng người diễn viên mà tôi gặp ở Roanoke đã giải quyết được chuyện đó.
Nói đúng ra thì đó là ý tưởng của vợ anh ta.
Tên của chị ấy chỉ đơn giản là “Mary”. Và suốt đời lúc nào chị cũng căm ghét cái tên đó. Chị đã liệu trước được những trường hợp tương tự như “Gandy Bippy” nên quyết định ngăn chặn ngay từ đầu. Khi đứa cháu đầu tiên của chị đến tuổi bắt đầu hình thành ý thức, chị giải thích kỹ càng cho nó nghe rằng ngày trước mọi người thường gọi bà của nó là “Delilah”, chỉ chừng đó thôi. Ái chà, cái nàng Delilah đã quyến rũ lão già Samson trong Kinh Thánh đây mà.
Chồng chị không quan tâm lắm đến việc bị gọi là “Samson”, nhưng do suốt đời anh mang tên “Fred” và cũng không mặn mà gì lắm đến cái tên này, nên anh quyết định chọn cho mình bí danh theo tiếng Đức là “Fritz”. Chẳng phải tại anh là người Đức mà chỉ đơn giản là vì “Fritz” mang âm hưởng nước ngoài và nghe có vẻ sống động hơn.
Phải mất một thời gian gia đình họ mới quen với việc ông bà thường không có thời gian để trông các cháu. Tuy nhiên, “nàng” Delilah và “chàng” Fritz luôn vui vẻ và sẵn lòng đưa đàn cháu đi sở thú hay bất cứ đâu, vào bất cứ khi nào, chỉ cần chúng gọi “đúng” tên họ.