Nhiều cặp vợ chồng đã sai lầm khi nghĩ rằng chỉ cần cùng nhau có những trải nghiệm thú vị và tích cực là họ có thể hàn gắn lại hôn nhân. Đúng là các bạn cũng cần có thời gian vui chơi và thư giãn, nhưng điều đó không thể thay thế cho việc thổ lộ nỗi đau và sự bất mãn của bạn với bạn đời và được anh ấy/cô ấy lắng nghe, thấu hiểu. Trừ khi bạn biết đón nhận cảm xúc của bạn đời và biết cách bộc lộ nỗi lòng, nếu không thì những nỗ lực của bạn cũng chỉ như nước đổ lá khoai. Vì vậy, chúng ta hãy chuyển sang chủ đề của chương này: cách nói chuyện và lắng nghe thân mật hơn.
Mắc kẹt trong im lặng, quay cuồng giữa bão giông
Bây giờ đã đến lúc cần nói chuyện chân thành và rõ ràng về cuộc tình sai trái kia, cho dù nó mới vỡ lở gần đây hay bạn đã biết từ lâu. Nếu không làm rõ chuyện này thì nó sẽ mãi tồn tại giữa hai người như cái gai trong tim. Đây cũng là lúc để các bạn nói về những nỗi bất bình mà mỗi người còn đang đeo mang. Đối với một số bạn, điều này có nghĩa là thôi u sầu và xả cơn lũ thịnh nộ. Đối với những người khác, điều đó có nghĩa là thôi giận dữ để bộc lộ nỗi buồn, nỗi sợ hãi hoặc sự xấu hổ thầm kín.
Có hai sai lầm thường gặp khi bạn kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc của mình. Một là im lặng và giữ mọi thứ cháy âm ỉ bên trong. Hai là nổi trận lôi đình để bộc lộ cảm xúc mà không cần kiềm chế. Chúng ta hãy xem xét hai sai lầm này và những suy diễn dẫn đến điều đó.
Im lặng
Nếu bạn vẫn còn quá nhiều điều chất chứa trong đầu, thì có lẽ là bạn trò chuyện chưa đủ với bạn đời – người mà bạn nên trò chuyện nhất. Giữ im lặng có thể giúp bạn không bị tổn thương hoặc thất vọng thêm, nhưng nó cũng có thể cướp đi cơ hội để bạn được thấu hiểu, được thỏa mãn nhu cầu, được thừa nhận sai lầm của mình và xây dựng lại mối quan hệ. Tiết lộ những gì bạn cảm nhận và mong muốn là một hành động yêu thương, một khúc dạo đầu cho sự thân mật.
Chúng ta hãy xem hai suy diễn có thể ngăn cản bạn lên tiếng:
1. Nói cho anh biết điều em thấy phiền lòng thì chỉ đẩy chúng ta xa nhau.
2. Nếu anh thừa nhận mình cũng có lỗi trong chuyện của chúng ta thì em sẽ bớt quan tâm anh hoặc dùng nó chống lại anh.
Suy diễn thứ nhất: “Nói cho anh biết điều em thấy phiền lòng thì chỉ đẩy chúng ta xa nhau”
Người bị tổn thương
Có thể bạn rất vui khi bạn đời quay lại, vì thế bạn sẵn sàng làm bất cứ điều gì để không có nguy cơ bị từ bỏ một lần nữa, cho dù điều đó có nghĩa là bạn phải tự kiềm chế cơn giận và những suy nghĩ rối bời. Nhưng những điều bạn chôn chặt trong lòng thì vẫn còn đó và sẽ dần dần đầu độc mối quan hệ của vợ chồng bạn.
Một người vợ bị tổn thương tâm sự: “Cuộc hôn nhân của chúng tôi phải thay đổi để tôi có thể tìm lại cảm giác gần gũi với Howard. Điều mà tôi cần còn nhiều hơn là sự yên tâm. Tôi muốn được là chính mình, nghĩa là tôi muốn được thổ lộ cảm xúc thật của mình. Nhưng Howard bảo không muốn nói chuyện và tôi sợ làm phiền anh ấy. Anh ấy nói với tôi: ‘Lúc đó là lúc đó, bây giờ là bây giờ. Anh chỉ muốn hướng tới tương lai’. Vậy nên tôi không thúc ép anh ấy nữa, nhưng chúng tôi cũng chẳng hướng tới tương lai”.
Một người bị tổn thương khác kể: “Một năm sau khi Joe chấm dứt với cô bồ, tôi nghe tin cô ấy có con. Kể từ đó, tôi đã bí mật nhờ con gái tôi thu thập thông tin về cô ta vì con bé làm cùng bộ phận với cô ấy. Mỗi lần nhìn chồng, tôi đều muốn hỏi anh ấy có phải bố của đứa bé không, nhưng tôi không thể thốt nên lời. Vậy nên điều ám ảnh anh ấy có con riêng với bồ cứ nằm chen giữa chúng tôi”.
Để có thể hàn gắn và tha thứ, bạn phải tin tưởng rằng người bạn đời hiểu được bạn đã bị tổn thương sâu sắc như thế nào. Để bạn đời hiểu được nỗi đau của bạn, bạn phải nói về chuyện ngoại tình cũng như ảnh hưởng của nó đến cá nhân bạn. Bạn có thể tham khảo thêm danh sách 9 nỗi mất mát ở Chương 1 và thảo luận về những mất mát bạn đã trải qua kể từ khi biết chuyện ngoại tình của bạn đời. Đừng dùng sự tức giận để xua đuổi bạn đời, để trả thù cho những mất mát hoặc để che giấu sự đồng lõa của bạn. Hãy để bạn đời thấy những gì đang diễn ra trong bạn là một bước tiến hòa giải. Bạn có thể bắt đầu quên đi nỗi đau khi san sẻ nó với người bạn đời.
Người không chung thủy
Bạn có thể im lặng để tránh xung đột, nhưng đừng nhầm lẫn trạng thái hòa hoãn với sự gần gũi. Giữ sự bất mãn trong lòng không phải là hành động yêu thương hay bảo vệ mà chỉ khiến cả hai bạn dễ rơi vào một lần phản bội khác. Nếu bạn đang chờ thời điểm thích hợp hơn để lên tiếng thì hãy quên chuyện đó đi, thời gian sẽ không giúp mọi việc dễ dàng hơn đâu. Hãy trút bỏ những lo lắng của bạn ngay bây giờ, nếu không thì sự ưu phiền ngày càng tích tụ sẽ gây nguy hiểm.
Trước khi đến với người tình, Vanessa đã rất đau khổ một thời gian dài nhưng cô không nói gì. Thay vào đó, cô bảo chồng dành thời gian cùng đi mua sắm và làm việc nhà. Chồng cô chẳng biết gì về những bất ổn đang ngày càng chồng chất nên lịch sự từ chối. Điều mà Vanessa không nói với anh ấy là: “Anh xem này, em cô đơn lắm. Em cần anh nhiều hơn. Anh toàn chúi đầu vào công việc khiến em thấy mình chẳng liên quan gì đến anh. Đối với em đây là điều nghiêm trọng. Hãy lắng nghe em”. Nếu chồng vẫn không hiểu, cô có thể thẳng thắn hơn với anh rằng: “Em đang có tư tưởng ngoại tình. Em thấy mình bị thu hút trước những người đàn ông khác”, hoặc “Em đang nghĩ đến việc rời xa anh. Em nói thế không phải để dọa anh mà để giữ chúng ta bên nhau”.
Nếu Vanessa thổ lộ suy nghĩ của bản thân sớm hơn và thẳng thắn hơn, có lẽ cô đã không ngoại tình. Nhưng thật khó cho cô vì cả đời cô được dạy “im lặng là vàng” và nên giữ kín nỗi muộn phiền của mình.
Suy diễn thứ hai: “Nếu anh thừa nhận mình cũng có lỗi trong chuyện của chúng ta thì em sẽ bớt quan tâm anh hoặc dùng nó chống lại anh”
Người bị tổn thương
Bạn có thể thấy khó mà thừa nhận mình đã góp phần gây ra chuyện ngoại tình, nhưng việc bạn chấp nhận chia sẻ phần trách nhiệm tương xứng ít ra cũng phần nào giải phóng bạn khỏi vai trò nạn nhân. Bạn có thể được tiếp thêm sức mạnh khi biết rằng thay vì thụ động chờ bạn đời thay đổi thì bạn cũng có thể hành động để tạo ra sự khác biệt.
Người không chung thủy
Nếu bạn ích kỷ hay vô cảm, nếu bạn bị dẫn dắt bởi những kỳ vọng không thực tế, nếu mong muốn của bạn vượt quá khả năng đáp ứng của bạn đời, thì đã đến lúc bạn phải thừa nhận điều đó và xin lỗi. Hãy nhớ rằng, món quà quý giá nhất mà bạn có thể dành cho bạn đời – để anh ấy/cô ấy yên tâm rằng bạn sẽ không sai lầm nữa – là bạn sẵn sàng đối mặt với các vấn đề cá nhân đã khiến bạn ngoại tình cũng như thừa nhận chúng một cách cởi mở và có trách nhiệm.
Sau đây là một vài lời biện giải của các thân chủ của tôi, bạn có thể xem qua để tìm lời giải thích cho riêng mình:
• Anh suy sụp khi việc kinh doanh thất bại. Anh thấy rất xấu hổ!
• Khi mẹ mất, em không biết làm sao để nói với anh là em cảm thấy đau khổ và cô đơn biết nhường nào, cũng như em cần anh đến nhường nào.
• Em chưa bao giờ đối mặt với cơn tức giận của anh, cũng như chưa bao giờ đối mặt với sự giận dữ của cha em. Em là người yếu đuối nên đã để cho anh lấn lướt. Em ghét anh vì như vậy thì dễ hơn ghét chính bản thân mình.
• Anh chưa bao giờ thấy mình thu hút hay thông minh. Anh phải dựa vào lời tâng bốc của những phụ nữ khác để thấy mình có giá trị.
• Thực lòng mà nói, anh không biết vì sao mình lại ngoại tình, nhưng anh sẽ đến gặp chuyên gia tư vấn để tìm hiểu và chia sẻ với em những gì anh biết được. Em cũng cần làm cho anh hạnh phúc nhưng em không có bổn phận phải giữ cho anh chung thủy. Tự anh sẽ lo việc đó, anh hứa.
Có thể cả hai bạn đều không thích tiết lộ điều mà bạn vô cùng hối hận hoặc cảm thấy xấu hổ, vì có lẽ điều đó khiến bạn trở nên đáng trách và dễ bị công kích. Nhưng trường hợp ngược lại cũng thường xảy ra.
Tính bộc trực và tự soi xét bản thân có thể giúp bạn nguôi giận và khiến bạn có vẻ dễ mến hơn, nhân văn hơn trong mắt bạn đời. Nó cũng có thể giúp họ ít thủ thế hơn và nhờ đó sẵn lòng đối mặt với phần trách nhiệm của họ trong chuyện ngoại tình. Bạn càng đổ lỗi cho bạn đời thì họ lại càng cho là mình phải gánh ít trách nhiệm hơn. Vì thế, hãy cho phép bản thân bạn cũng như bạn đời cùng chịu trách nhiệm về phần lỗi của mỗi người.
Bão giông
Khi giữ im lặng, bạn tự bịt miệng sự bất mãn của mình. Khi nổi cơn thịnh nộ, bạn lại dùng nỗi bất bình của mình để công kích bạn đời. Đằng sau một cơn giông bão, cũng như đằng sau sự im lặng, có thể là một số suy diễn sai lầm khiến bạn mất kiểm soát và cứ thể mà trút giận, trong khi hầu như bạn đời sẽ phớt lờ hoặc đáp trả bạn kịch liệt. Hãy xem xét các suy diễn sau:
1. Tôi cần trút bỏ cảm xúc của mình, chả hay ho gì khi che đậy nó cả.
2. Nếu tôi không nổi xung lên, sẽ chẳng ai nghe tôi hoặc hiểu cho nỗi đau của tôi.
3. Tính tôi là vậy đó!
4. Khi nào hả lòng hả dạ thì tôi mới dừng lại.
Suy diễn thứ nhất: “Tôi cần trút bỏ cảm xúc của mình, chả hay ho gì khi che đậy nó cả”
Một số chuyên gia vẫn cho rằng tự do bộc lộ cảm xúc là một liều thuốc giải cho những cảm giác độc hại chất chứa trong bạn. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia ngày nay đều tin rằng việc nổi cơn thịnh nộ thiếu kiểm soát chỉ làm tăng thêm sự tức giận ở cả người đang trút giận lẫn người bị trút giận.
Nói như vậy không có nghĩa là lúc nào bạn cũng nên hạ giọng, hoặc bạn sẽ sai nếu cứ nổi trận lôi đình. Bạn đời không thể hiểu cảm giác uất ức của bạn nếu bạn giữ rịt lấy nó và... mỉm cười. Nếu bạn biết tiết chế giọng nói cũng như lựa chọn từ ngữ cẩn thận thì không có lý do gì mà người bạn đời lại không nghe bạn bộc lộ nỗi uất ức. Có thể bạn cần giải tỏa cảm giác cay đắng trước khi có thể vun đắp cảm xúc yêu thương, và có nhiều cách để làm điều này mà không tạo thêm cay đắng. (Tôi liệt kê một số cách ở cuối chương.)
Suy diễn thứ 2: “Nếu tôi không nổi xung lên, sẽ chẳng ai nghe tôi hoặc hiểu cho nỗi đau của tôi”
Có thể bạn đúng – người bạn đời có thể chẳng thèm chú ý đến bạn trừ khi bạn nổi giận, nhưng sau đó có thể anh ấy/ cô ấy lại thấy bạn điên rồ, nói năng vô lý. Nếu điều đó xảy ra, bạn không còn lối thoát nào và chắc chắn càng cảm thấy tức giận hơn.
Cũng có thể bạn sai. Kể cả khi cơn thịnh nộ của bạn gây được sự chú ý, nó vẫn có thể đẩy bạn đời ra xa và khiến bạn cảm thấy cô đơn, hụt hẫng hơn trước. Nếu bạn nói chuyện một cách bình tĩnh và thẳng thắn hơn, chồng/vợ bạn có thể lắng nghe hơn và cảm nhận được nỗi đau của bạn rõ ràng hơn so với khi bạn nổi trận lôi đình.
Martha những muốn quát tháo người chồng không chung thủy của mình rằng: “Anh có thể lây cho tôi căn bệnh nguy hiểm chết người vì anh là một con lợn ích kỷ! Anh chưa bao giờ quan tâm đến ai, trừ bản thân anh”. Nhưng rồi cô ấy đã nói: “Em cảm thấy cơ thể mình không được an toàn. Anh có hiểu điều đó khiến em cảm thấy kinh khủng như thế nào không? Có thể anh đã lây bệnh AIDS cho em rồi. Em không thể tưởng tượng được điều gì có thể quan trọng đối với anh tới mức anh đặt mạng sống của em vào tình thế rủi ro như vậy”.
Suy diễn thứ 3: “Tính tôi là vậy đó!”
Bạn có thể khăng khăng rằng bạn là một “người sống thật với lòng mình”. Tuy nhiên, những kiểu nói như vậy chỉ là cái cớ để biện minh cho cách hành xử không phù hợp và cho phép bạn nổi nóng. Nếu bạn muốn truyền tải thông điệp của mình thì bạn đừng giấu mình sau cái lý lẽ đầy sai lầm và dễ dãi rằng bạn không thể thay đổi.
Suy diễn thứ 4: “Khi nào hả lòng hả dạ thì tôi mới dừng lại!”
Về cơ bản, nhiều người bị cuốn vào xung đột và sau đó không thể thoát ra vì họ cho rằng mình phải thấy hài lòng trước khi dừng lại. Vấn đề với chiến lược này là nó có thể khiến bạn đời thấy bạn uy hiếp họ và do đó trở nên thủ thế, đồng thời anh ấy/cố ấy cũng không muốn nhượng bộ, không muốn thảo luận thêm với bạn. Nếu bạn muốn được lắng nghe, bạn cần phải dừng lại khi đã được cảm thông, cho dù bạn đã cảm thấy hài lòng hay chưa. Đừng nghĩ đến chuyện tiếp tục lấn lướt, nếu không bạn sẽ quay về xuất phát điểm. Sau đó, bạn còn có thể bị phản đòn hoặc khiến người bạn đời chạy trốn khỏi sàn đấu.
Nên nhớ, tức giận do ngoại tình có thể dẫn đến hành vi bạo lực đối với bạn đời hoặc với chính bạn. Ngay cả những người trước đây chưa từng cư xử bạo lực cũng có thể hành động mất tự chủ và gây nguy hiểm cho cả đôi bên.
Torben và Kathy không thể nói chuyện một cách bình tĩnh về chuyện ngoại tình của Torben. Một đêm nọ, trước khi đi ngủ, Kathy nổi xung thiên và dọa tự tử. Không kìm được cảm giác tội lỗi, Torben kề một con dao lên cổ và nói với vợ: “Giết anh đi. Anh thật tệ”. Trong khi Kathy lẻn vào phòng tắm để lấy thuốc an thần thì Torben đã đập chiếc đĩa xuống sàn nhà. Một mảnh vỡ bay thẳng vào mặt Torben và làm rách môi anh. Cả hai vợ chồng cùng dừng lại và nhìn nhau sững sờ. Họ nghĩ: “Trời đất ơi. Chúng ta đang làm gì vậy? Điều gì đang xảy ra với chúng ta?”.
Những cơn giận mất khôn này thường xảy ra sau sóng gió của một cuộc ngoại tình. Vào thời điểm mà cảm xúc của bạn đang dâng trào, ý thức về bản thân bị tổn thương, hôn nhân rạn nứt, bạn phải học cách nhận ra những dấu hiệu ban đầu của bạo lực leo thang và thoát ra trước khi các cuộc đối đầu của bạn trở nên mất kiểm soát. Đừng uống rượu và đánh nhau – rượu sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Đừng đe dọa ly hôn – cuộc hôn nhân của bạn quá mong manh để có thể chịu đựng được kiểu đe dọa này.
Nếu bạn thấy mình đang quá nóng nảy, hãy nhắc nhở bản thân rằng có lẽ bạn không đủ kỹ năng giao tiếp hoặc chưa đủ tự chủ để nói chuyện về một chủ đề gây hấn như thế này. Hãy tạm đình chiến bằng những câu như: “Em thấy chúng ta căng thẳng quá rồi. Mình tạm dừng lại ở đây nhé. Chúng ta sẽ nói chuyện trở lại vào lúc 5 giờ chiều nay. Em thực sự muốn nghe những gì anh cần nói”.
Điều quan trọng là các bạn đồng ý đình chiến nhưng cũng phải đồng ý quay lại vào một thời điểm cụ thể để người muốn trút giận không cảm thấy bị bỏ rơi.
Khuôn mẫu giao tiếp từ gia đình
Để hiểu vì sao bạn im lặng hay nổi giận, hãy nhìn lại cách gia đình bạn đã giao tiếp với bạn và với nhau như thế nào, từ đó bạn có thể biết cách biểu lộ bản thân hơn. Sau đây là một vài ví dụ:
• Cha mẹ bạn luôn hét vào mặt nhau và bạn lớn lên với nỗi sợ hãi những xung đột.
• Anh chị em của bạn rất nóng nảy, họ dạy bạn cách duy nhất để được lắng nghe là hét lên.
• Người mẹ cam chịu đã dạy bạn biết giữ im lặng về nhu cầu của mình.
• Bạn học thói quen mắng nhiếc từ người cha độc đoán và nóng tính.
• Bạn học từ người mẹ khó tính rằng cách để được chấp thuận là nói những gì người khác muốn nghe và bỏ qua nhu cầu của chính mình.
• Bạn học được từ người cha vô tâm rằng để được chú ý thì phải mè nheo, la hét hoặc khóc lóc.
Ngày hôm nay khi giao tiếp với bạn đời, có khả năng bạn đã diễn lại những cảnh mà bạn đã thấy từ thời thơ ấu. Ví dụ, nếu bạn lớn lên với cảm giác bị hiểu lầm, bạn có thể im lặng không thổ lộ những mong muốn của bản thân và chắc chắn là bạn đời sẽ không thể nào hiểu bạn cần gì. Nếu bạn lớn lên với cảm giác không được người thân lắng nghe, bạn có thể la hét và chắc chắn là bạn đời của bạn sẽ không nghe.
Phá vỡ thói quen này có thể khiến bạn cảm giác như bơi trong vùng nước xoáy. Nhưng nếu dám đương đầu, bạn có thể giải phóng bản thân khỏi những khuôn mẫu cũ để giao tiếp thân mật hơn và cho phép bạn đời được biết cũng như xem xét nhu cầu của bạn một cách nghiêm túc.
Curtis lớn lên bên người cha độc đoán. Ông đã chăm sóc gia đình và tạo ra một ra bầu không khí vô cùng êm ấm khi nhìn từ bên ngoài. Nếu Curtis cảm thấy bực bội, anh không bao giờ thừa nhận điều đó với bất kỳ ai, kể cả bản thân mình.
Khi kết hôn với Alice, anh đã khoác lên mình vẻ ngoài ngọt ngào, khiêm tốn mà anh đã thể hiện với mọi người từ khi còn nhỏ. Anh phục tùng mọi mong muốn của cô như đã phục tùng cha mình và tạo cho cô thói quen bỏ qua các nhu cầu của anh. Cuộc sống hôn nhân của anh dường như không có mâu thuẫn.
Alice cũng lớn lên với một người cha độc đoán, nhưng thay vì tránh né, cô học cách bật lại cha. Hai cha con thường xuyên xung đột với nhau. Khi kết hôn, cô bước vào vị trí của cha mình và thường nổi giận với Curtis vì anh quá mềm mỏng và thiếu quyết đoán. Dần dần cô coi thường chồng vì anh đã không phản kháng lại cô.
Hôn nhân của họ kéo dài hai mươi năm, cho đến khi Curtis mắc sai lầm với một khoản đầu tư kinh doanh lớn, Alice đã buông ra những lời miệt thị chồng. Curtis không nói gì nhưng sau đó thể hiện niềm phẫn uất chất chứa trong lòng bằng cách bỏ vợ và chuyển đến sống với cô nhân viên kế toán của mình. Hai tháng sau vụ việc, tôi gặp Curtis, anh vẫn còn giận Alice vì đã không ủng hộ chồng. Anh nói: “Cả đời tôi đều quan tâm đến tâm trạng của cô ấy. Tôi chỉ xin cô ấy quan tâm ngược lại tôi một lần thôi, vậy mà cũng không được”.
Tôi chỉ cho anh thấy rằng trong những năm bên nhau, anh chưa bao giờ đưa ra bất kỳ lời cảnh báo nào, bất kỳ phản hồi nào để vợ sửa đổi, để vợ biết rằng anh không hạnh phúc hoặc yêu cầu cô phải quan tâm đến anh. Tôi hỏi anh làm sao có thể mong vợ cư xử khác đi sau bao năm anh gieo vào cô cái tư tưởng rằng cô không cần đoái hoài gì đến anh.
Curtis lẽ ra vẫn có thể mở lòng với Alice vì cô vô cùng hối hận về cách cư xử với anh và muốn anh quay lại. Nhưng như thường lệ, Curtis vẫn im lặng và tiếp tục tự mình thỏa mãn nhu cầu của mình bằng mối tình ngoài hôn nhân.
Trái với Curtis, câu chuyện của Sarah có kết thúc tốt đẹp hơn. Lớn lên với người mẹ mắc bệnh tiểu đường, cô trở thành một đứa con vô hình, không bao giờ yêu cầu người khác đáp ứng nhu cầu của mình. Thỉnh thoảng cơn giận của cô lại bùng lên, nhưng lập tức cô cảm thấy tội lỗi và thu mình lại. Trong cuộc hôn nhân với John, cô vẫn duy trì xen kẽ sự im lặng và bão tố.
Gần một năm sau khi chấm dứt chuyện ngoại tình với thư ký riêng, John thông báo anh ở lại muộn vì công ty có bữa tiệc Giáng sinh và rủ Sarah đến tham gia. Cô giận sôi lên: “Rõ ràng là anh vẫn gặp cô ta. Nếu anh tự hào về em và muốn em đến dự, anh sẽ không đợi đến phút cuối mới nói với em trong khi anh thừa biết bây giờ đã quá muộn và em không thể đi được”.
John thấy bẽ bàng. Anh khẳng định mình đã quên mất bữa tiệc, đơn giản vì nó không quan trọng đối với anh và anh cũng đang ngập đầu trong công việc. Sarah muốn tin lời Curtis nhưng cô vẫn tiếp tục xỉ vả anh.
Tối hôm đó, khi John dự tiệc về sớm, Sarah muốn làm hòa nhưng sự im lặng của chồng đã cản trở ý định của cô. Hôm sau cô nói với tôi: “Như thường lệ, cách giải quyết mâu thuẫn của John là đi ngủ. Tôi biết anh ấy đặt lưng xuống giường là ngáy, còn tôi thì trằn trọc trắng đêm. Đến sáng, tôi cảm thấy khó chịu và thậm chí còn giận anh ấy nhiều hơn. Chúng tôi không nói chuyện cả ngày, và khi anh ấy đi làm về, tôi như phát điên. Tôi thực sự muốn làm lành với anh ấy trước khi ngủ, nhưng tôi chỉ nằm ì ra đó. Tôi tự nhủ: ‘Đồ ngốc, tại sao mình không thể nói lời xin lỗi và yêu cầu anh ấy ôm mình? Hễ muốn yêu cầu bất cứ điều gì là mình lại thấy khó mở lời. Tại sao lại khó vậy chứ? Hãy nói với anh ấy đi’.
Và thế là tôi đã làm. Tôi quay sang John và cất lời tha thiết: ‘Em không ngủ được. Anh có phiền không nếu em bật đèn ngủ đọc sách?’. ‘Không, không sao cả’, anh nói và nhắm mắt ngủ tiếp.
Tôi nằm đó nghĩ ngợi, độc thoại với bản thân: ‘Không thể hiểu nổi mình nữa! Bộ mình muốn đọc sách thật sao? Phải làm gì đi chứ. Hãy nói cho anh ấy biết mình muốn gì’. Thế là tôi lay anh ấy dậy và nói: ‘John này, kể ra thì ngốc thật đấy. Em thấy trận cãi vã hôm qua thật khủng khiếp. Em thấy bất an về chúng ta và giận bản thân mình vì đã gây gổ với anh. Xin anh đừng ngủ và để em mắc kẹt trong mớ bòng bong này. Chỉ cần anh ôm em là đủ’.
John mở mắt, mỉm cười và nhích sang một bên cho tôi có chỗ nằm vào. Lần này thì tôi đã chấp nhận lời mời của anh ấy.
Thật khó tin là tự mình lên tiếng cũng khó khăn đến vậy. Tôi phải vượt qua một thứ gì đó sâu thẳm bên trong đã cầm tù tôi bấy lâu nay. Tôi đã sống cả đời theo cách đó, im lặng hoặc bùng nổ. Cuối cùng, khi đã tìm thấy tiếng nói của chính mình, tôi đã cho John cơ hội ở bên tôi, và tôi đã trải nghiệm bản thân theo một cách mới – đồng điệu hơn với chồng và được anh ấy hỗ trợ nhiều hơn”.
Nói lời chia tay với người thứ ba
Nhiều người ngoại tình chọn giải pháp ngừng gặp người tình mà không nói lời chia tay chính thức. Dù lý do của bạn là gì – cảm giác tội lỗi, sợ bị cám dỗ, sợ phải đối đầu – thì người bạn đời vẫn cho rằng bạn chưa thật hồi tâm chuyển ý và quyết giữ cho mình một phương án dự phòng. Điều này không có lợi cho việc khôi phục lòng tin. Nếu người tình viết thư hoặc gọi điện, bảo đảm vợ chồng bạn sẽ gây chiến bất cứ lúc nào.
Có ba cách hiệu quả để truyền đạt lời cam kết chung thủy của bạn tới bạn đời. Đầu tiên, bạn phải nói lời chia tay dứt khoát với người thứ ba. Đừng cố gắng bảo vệ người này bằng cách không nói gì hoặc nói tránh nói khéo. Đừng tạo điều kiện cho sự nghi ngờ nảy sinh. Hãy nói rõ rằng bạn muốn anh ấy hoặc cô ấy (người tình của bạn) có một mối quan hệ khác, trọn vẹn hơn. Thứ hai, bạn phải hứa với bạn đời rằng bạn sẽ không bao giờ liên lạc lại với người thứ ba. Nếu điều này không thể thực hiện được thì bạn phải hứa hạn chế tối đa việc gặp gỡ và những cuộc gặp ấy không được mang tính cá nhân. Thứ ba, nếu bạn đời muốn được biết mỗi khi bạn và người thứ ba gặp nhau thì bạn phải đồng ý, nếu không, khi sự thật vô tình lộ ra thì nó có vẻ như một bí mật mà bạn đang cố tình che giấu.
Nói về chuyện ngoại tình
Khi nói về chuyện ngoại tình, người bị tổn thương cần quyết định họ muốn biết điều gì, và người không chung thủy cần quyết định cách kể lại điều đó. Đây là những vấn đề có thể khiến đôi bên cãi vã dữ dội nên các bạn cần suy nghĩ kỹ trước khi trò chuyện.
Người bị tổn thương
Bạn cảm thấy không thể dung thứ khi biết rằng người thứ ba chia sẻ điều bí mật gì đó với chồng hay vợ bạn, rằng hai người họ biết những điều mà bạn không biết, và điều đó khiến bạn càng khăng khăng muốn được biết tỉ mỉ từng chi tiết.
Vấn đề là, khi biết tường tận mọi chuyện thì bạn có thể đau lòng và thấy khó nuốt trôi nỗi ám ảnh trong lòng. Sự tò mò của bạn là điều dễ hiểu, nhưng trước khi bắt đầu điều tra, bạn nên viết ra các câu hỏi của mình và tự hỏi bản thân: “Liệu câu trả lời có giúp mình, đúng ra là có giúp vợ chồng mình, hàn gắn không? Chúng sẽ xóa tan mây đen hay lại kéo thêm giông tố? Mình muốn câu hỏi của mình mang lại điều gì?”.
Hầu hết những người bị tổn thương thường cố moi bằng được thông tin sẽ khiến họ thêm đau khổ. “Anh có còn nhớ cô ta không?”, “Em thích làm tình với anh ta hơn với anh à?”, “Có bao giờ anh nghĩ đến cô ta khi chúng ta đang ân ái với nhau không?”, “Em có nghi ngờ gì về tương lai của chúng mình không?” – những loại câu hỏi tiêu cực như thế này chỉ khiến con dao đâm cứa hơn vào vết thương lòng. Điều này liệu có ích gì?
Khi người bị tổn thương tìm đủ cách để vặn vẹo, thì vợ/ chồng họ đều chịu thua. Jill, một biên tập viên 36 tuổi cũng không ngoại lệ. Cô kể: “Mối tình của Howard với cô nhân viên bán hàng đã kết thúc được hai năm và anh ấy hứa chỉ nói chuyện một cách trong sáng vô tư với cô ta, nhưng tôi vẫn thấy cần phải theo dõi chồng thật kỹ. Sau một cuộc họp kinh doanh, tôi đến gặp anh ấy và bắt đầu giăng bẫy. Tôi dò hỏi: ‘Gần đây anh có gặp Janet không?’. Tôi biết chồng tôi đã gặp cô ta và anh cũng thừa nhận điều này. Sau đó tôi nhử tiếp: ‘Thế cô ấy vẫn hẹn hò với anh chàng từ Arizona đó à?’. Nếu chồng tôi trả lời được câu này, tôi biết chắc cuộc trò chuyện của họ đã vượt giới hạn. Howard cố lái sang chủ đề khác an toàn hơn. Anh nói: ‘Anh thấy vui khi em nghĩ một cô gái trẻ như vậy vẫn có thể quan tâm đến anh’. Tôi không để anh lảng tránh dễ dàng như vậy, thế là tôi đáp trả: ‘Xem ra anh có vẻ tự hào khi được một cô nàng trẻ măng như vậy quan tâm nhỉ’. Tôi đã chất vấn anh ấy cho đến khi anh giơ tay đầu hàng và bỏ di. Tôi nhận ra Howard không thể nói gì để trấn an tôi. Tôi nhất định phải đóng đinh anh ấy dù anh ấy có tội hay không”.
Lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể dành cho bạn là, hãy tập trung vào cuộc hôn nhân của bạn chứ không phải vào người thứ ba. Hãy thử đặt những câu hỏi như “Em cần anh làm gì để cảm thấy được yêu thương và quan tâm nhiều hơn?”, “Anh thấy cuộc hôn nhân này còn thiếu điều gì?” hoặc “Em thích anh vuốt ve em như thế nào?” – những câu hỏi này sẽ giúp bạn gạt chuyện ngoại tình cũng như những ám ảnh của bạn về người thứ ba lại đằng sau.
Người không chung thủy
Khi đã đi đến cái kết cục phải trả lời các câu hỏi về người thứ ba, tôi tin rằng quyền quyết định bạn phải kể lại những gì là thuộc về người bị bạn phản bội chứ không phải bạn. Bạn nên trả lời bất kỳ chi tiết nào mà bạn đời của bạn muốn nghe. Nếu bạn cố gắng che giấu hoặc nói giảm nhẹ sự thật để không làm cho vợ/chồng mình đau lòng thì bạn có thể bị coi là lảng tránh hoặc lừa dối. Bạn cứ việc nói rõ cho bạn đời biết rằng, sự thật có thể khoét sâu thêm vết thương hơn là chữa lành nó, nhưng đừng mong bạn đời sẽ lắng nghe lời khuyên của bạn.
Tất nhiên, tôn trọng mong muốn của bạn đời không có nghĩa là bạn được phép trở nên tàn nhẫn. Hãy chọn từ ngữ một cách tế nhị và cố gắng trả lời theo hướng tích cực. Khi vợ bạn hỏi “Em có phải là một người tình hấp dẫn?”, nếu bạn chỉ nói “Không” thì đó là câu trả lời vô nghĩa và nhẫn tâm. Tuy nhiên, nếu bạn nói: “Quan hệ bên ngoài dẫu có khá hơn chuyện ân ái của đôi ta thì cũng do cảm giác vụng trộm mang lại mà thôi, và cũng vì đôi khi anh thấy em không hào hứng chuyện ấy cho lắm”, thì câu trả lời này mới mang tính cung cấp thông tin mà bạn đời của bạn cần biết (và nên biết).
Lắng nghe chân tình
Lắng nghe chân tình có nghĩa là đặt cảm xúc và niềm tin của bạn sang một bên, và nhìn nhận bản thân cũng như chuyện ngoại tình của bạn theo quan điểm của bạn đời. Nó cũng có nghĩa là bạn phải tự nhắc bản thân rằng: “Chồng/vợ mình đang cố gắng truyền đạt cho mình điều gì? Anh ấy/cô ấy muốn mình hiểu điều gì?”. Đừng xem bạn đời là kẻ thù đang buông lời chỉ trích, hãy xem họ là người có thể bị tổn thương và đang mong muốn được bạn cảm thông.
Marsha là người ngoại tình. Cô cảm thấy rất khó để biết được chồng mình thực sự suy nghĩ gì, nhưng cô đã tập làm điều đó. Khi chồng của cô, Bob, nói rằng: “Em không làm cho anh cảm thấy là em yêu anh”, bản năng đầu tiên của cô là phản pháo: “Cái gì! Anh nói thế sau tất cả những gì em làm cho anh sao!”. Nhưng thay vì để bản năng phát thành lời nói, cô cố đặt mình vào nỗi đau của chồng và thể hiện sự quan tâm. Cô nói: “Em rất buồn khi nghe anh nói thế. Em làm gì khiến anh cảm thấy như vậy?”. Cô nhắc bản thân mình: “Hãy để anh ấy nói. Anh ấy đang tiết lộ điều gì đó quan trọng về bản thân anh ấy, và có lẽ về mình nữa đấy. Anh ấy có sai hay có thiếu công bằng hay không cũng không quan trọng. Quan trọng là mình muốn gần gũi với anh ấy hơn, nên mình cần lắng nghe và cố gắng đánh giá cao lời anh ấy nói”.
Có nhiều cách để người bạn đời biết bạn đang lắng nghe, nhưng tôi khuyên bạn nên sử dụng hai cách cụ thể sau đây, được gọi là phương pháp vượt qua và phương pháp làm nguôi giận.
Phương pháp vượt qua
Các cặp vợ chồng thường cãi nhau mà không biết họ đang cãi về điều gì hoặc cứ lao vào chỉ trích trước khi hiểu rõ quan điểm của nhau. Phương pháp vượt qua sẽ giúp bạn nghe được những gì bạn đời đang nói – nếu bạn là người nghe, đồng thời cũng giúp bạn cảm thấy mình đang được lắng nghe – nếu bạn là người nói.
Khi các bạn đang tranh luận về một chủ đề nào đó và một trong hai người bắt đầu nổi nóng hoặc khó chịu, các bạn hãy dừng lại và “vượt qua”. Điều này có nghĩa là cả hai bạn ngừng nhấn mạnh quan điểm của mình, ngừng lấn lướt người kia và cố gắng bước vào thế giới của nhau. Bạn hãy cố gắng diễn giải lại những ý quan trọng nhất trong thông điệp của bạn đời, cả về nội dung lẫn tinh thần. Sau đó, bạn đời đánh giá mức độ tiếp thu của bạn theo cảm nhận của họ trên thang điểm từ 1 đến 10. Điểm 9 là đạt. Nếu bạn chưa đạt, bạn đời sẽ nói lại phần thông điệp mà bạn chưa hiểu để bạn cố gắng “nắm bắt” nó cho đến khi chồng/vợ bạn thấy hài lòng vì bạn đã hiểu đúng. Đừng thấy bị xúc phạm hay nản lòng khi bạn chưa hiểu rõ ý của bạn đời ngay từ đầu. Thường chỉ sau khi bạn diễn đạt lại thông điệp thì bạn đời mới nhận ra họ còn chưa nói đến điều nào đó với bạn.
Roberta và Neil gặp khó khăn khi thỏa thuận cách sử dụng thời gian rảnh của họ. Neil (người bị tổn thương) muốn hai vợ chồng có nhiều thời gian bên nhau hơn, còn Roberta thì không. Neil thấy vợ lạnh lùng và chối bỏ mình, Roberta thì thấy chồng bất an và đòi hỏi. Một ngày nọ, họ nổi nóng với nhau khi Roberta khăng khăng muốn đi một mình để làm việc linh tinh. Neil áp dụng phương pháp vượt qua, anh lắng nghe Roberta thật kỹ và sau đó cố gắng diễn đạt lại lời vợ. Anh nói: “Em muốn anh để em tự đi một mình và không coi đó là em muốn bỏ mặc anh. Em thấy việc anh muốn ở bên em là một cách kiểm tra em và chỉ để anh tự trấn an rằng em sẽ không lừa dối anh nữa. Điều này không khiến em có cảm giác được yêu thương mà chỉ thấy như bị cầm tù”.
Đến lượt Roberta, cô lắng nghe Neil và diễn đạt lại cảm xúc của anh ấy: “Anh muốn em hiểu rằng em đã khiến anh bất an khi cứ liên tục đẩy anh ra xa và không bao giờ làm cho anh cảm thấy anh là người đặc biệt đối với em. Anh sẽ dễ chịu hơn khi để em tự đi chơi nếu một lúc nào đó em chia sẻ với anh những điều thú vị của mình”.
Cả hai vợ chồng đã lắng nghe và đều cảm thấy được lắng nghe.
Phương pháp làm nguôi giận
Đây là phương pháp lắng giúp bạn giảm bớt cảm giác đối đầu và tìm thấy một số điểm chung bằng cách buộc bạn tập trung vào những gì bạn đời đang nói với bạn hơn là vào những gì bạn định nói để bào chữa cho mình. Các bạn sẽ lần lượt tìm hiểu sự việc theo góc nhìn bạn đời – phần mà bạn thực sự đồng ý – và thừa nhận điều đó một cách đầy nhã nhặn và thuyết phục.
Ed và Miriam gây nhau về việc Ed còn làm chung công ty với người tình cũ của anh, Sandy. Tôi đã đề nghị họ thử dùng phương pháp làm nguôi giận. Thay vì bào chữa cho bản thân hoặc cố tránh va chạm, Ed thừa nhận điều mà anh tin là đúng khi đứng ở vị trí của Miriam. Anh nói với cô:“Thật khó để em tin anh và thôi ám ảnh về Sandy khi em biết anh sẽ gặp cô ấy mỗi ngày. Anh có thể hiểu vì sao em muốn anh tìm việc ở nơi khác cho dù lương có thấp hơn”.
Miriam nghe Ed xác nhận quan điểm của mình nên cũng dễ dàng làm điều tương tự với anh. Cô nói: “Em biết anh cũng có thế khó của mình. Anh muốn làm em hài lòng nhưng lại lo lắng khi phải tìm một công việc khác. Em biết em nói tiền không quan trọng nhưng bản thân em lại tiêu tiền rất nhiều. Thật khó cho anh khi phải rời bỏ một công việc tốt và ổn định như vậy”.
Bạn cũng cần thấy là dù bạn đang tranh cãi chuyện gì đi nữa thì những điều bạn đời đang nói cũng thường có một phần sự thật. Việc của bạn là phải tìm ra và khẳng định sự thật đó. Lời khẳng định của bạn có khả năng sẽ kéo hai bạn ra khỏi thế cực đoan, tự cho mình là đúng và đưa hai bạn xích lại gần nhau hơn.
Để nối lại mối quan hệ, các bạn phải hiểu nhau nhiều hơn, nghĩa là hiểu được cảm nhận của bạn đời và nghiêm túc xem xét họ muốn gì ở bạn. Nếu hai bạn có thể trò chuyện cởi mở mà không phải thủ thế hay gây hấn với nhau thì các bạn có thể kiểm soát mâu thuẫn để cảm thấy mình được quan tâm và thấu hiểu nhiều hơn.
Tại sao chúng ta không muốn lắng nghe?
Có ba kiểu suy diễn thường thấy có thể làm bạn giảm khả năng lắng nghe lời than phiền của bạn đời (ý tôi là lắng nghe chân tình, không chỉ là sẵn sàng nghe những điều họ nói mà còn trân trọng quan điểm của họ).
Có thể bạn nghĩ rằng lắng nghe bạn đời nghĩa là bạn đồng ý với họ. Thực sự, lắng nghe chân tình chỉ có nghĩa là bạn quan tâm đúng mực để hiểu bạn đời đang nói gì. Nếu bạn nhầm lẫn giữa lắng nghe thông điệp với xác nhận thông điệp, bạn sẽ không lắng nghe và bạn sẽ không biết mình đang tranh cãi điều gì. Chỉ khi chịu nghe những lời phàn nàn của bạn đời thì bạn mới có thể hiểu hoặc phản hồi cho đúng.
Bạn có thể lo lắng rằng việc lắng nghe sẽ khiến bạn đời được thể lấn lướt. Nếu bạn thuộc tuýp người sợ mâu thuẫn thì bạn không muốn đổ thêm dầu vào lửa. Tuy nhiên, lắng nghe lại có thể làm nguôi cơn giận. Sự đồng cảm – cách gọi khác của lắng nghe chân tình – không làm tăng mâu thuẫn, mà là ngược lại. Bạn đời có thể thoải mái, tin tưởng và đáp lại bạn một cách yêu thương hơn khi họ cảm thấy được bạn thừa nhận và thấu hiểu.
Cuối cùng, đừng nhầm lẫn lắng nghe nghĩa là tha thứ. Như tôi đã nói, lắng nghe chỉ có nghĩa là bạn sẵn sàng cởi mở với lý lẽ của bạn đời chứ không phải là bạn chấp nhận, tha thứ hoặc miễn tội cho hành vi của họ. Lắng nghe có thể dọn đường cho tha thứ, nhưng đó mới là bước khởi đầu.
Đàn ông thích khuyên răn, phụ nữ cần đồng cảm
Đàn ông và phụ nữ có cách nêu ý kiến và lắng nghe rất khác nhau. Mặc dù sự khác biệt này không chắc chắn luôn đúng cho tất cả mọi người, nhưng hiểu được điều đó có thể giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn và khoan dung với những phản ứng của bạn đời khiến bạn khó chịu hay buồn bực. Sau đây là một vài ví dụ phổ biến:
1. Đàn ông thường cho lời khuyên khi phụ nữ muốn được nâng đỡ về mặt tinh thần. Đàn ông xem lời khuyên của họ là thể hiện của lòng yêu thương, trong khi phụ nữ lại cảm thấy đó là sự trịch thượng hoặc thái độ thiếu cảm thông.
2. Đàn ông thường cảm thấy ngu ngốc hoặc giả tạo nếu bày tỏ sự đồng cảm. Họ không tin vào lợi ích của việc được lắng nghe và ghi nhận cảm xúc. Phụ nữ biểu lộ sự đồng cảm một cách tự nhiên hơn và hiểu giá trị của nó.
3. Khi gặp căng thẳng trong tình cảm, đàn ông có nhu cầu trốn tránh. Ngược lại, phụ nữ thấy gần gũi hơn khi được bộc bạch những rối rắm trong lòng và cảm thấy khó chịu khi chồng cứ tránh né, không muốn nghe.
Sự khác biệt trong cách giao tiếp này thường trở nên trầm trọng hơn khi người bị tổn thương là phụ nữ và người không chung thủy là đàn ông. Phụ nữ thường muốn tâm sự nỗi đau của mình và họ càng có nhiều nỗi đau cần thổ lộ hơn khi bị phản bội. Đàn ông thường muốn tránh xung đột và họ tiếp tục làm như thế khi họ không chung thủy. Mỗi bên đều giao tiếp theo cách khiến bên kia thất vọng và càng muốn xa lánh.
Để vượt qua những khác biệt này, cả hai phía phải thỏa thuận rằng: Đàn ông không được tránh xung đột, còn phụ nữ đừng làm cho chồng mình ngập trong cảm xúc.
Là đàn ông, bạn phải dấn thân vào cuộc chiến và cố gắng đồng cảm với cảm xúc của vợ. Bạn phải chứng minh cho cô ấy thấy rằng nếu cô ấy nói chuyện với bạn điềm tĩnh hơn và ngắn gọn hơn, bạn sẽ cố duy trì cuộc đối thoại và hiểu quan điểm của cô ấy.
Là phụ nữ, bạn phải ghi nhận nỗ lực của chồng bằng cách tạo điều kiện cho anh ấy đồng cảm với bạn và giúp bạn bình tĩnh lại, đồng thời nói chuyện ngắn gọn hơn. Bạn cũng nên xem việc anh ấy đưa ra lời khuyên không phải là để hạ thấp hay kiểm soát bạn mà là để hỗ trợ và yêu thương bạn hơn.
***
Sau đây là một số lời khuyên chung mà các bạn cần ghi nhớ khi giao tiếp với vợ chồng mình:
• Đừng cho rằng những gì bạn đang nghe là những gì bạn đời muốn nói. Có thể bạn chỉ nghe những gì bạn biết hoặc muốn nghe.
• Trước khi bắt đầu nói, bạn hãy nghĩ xem bạn muốn cuộc hôn nhân của mình đi về đâu và tự hỏi bạn cần nói gì để đạt được điều đó. Hãy cố tránh kiểu giao tiếp quen thuộc nhưng không còn phù hợp. Ví dụ, thay vì mỉa mai bạn đời “Em đoán anh sẽ chẳng quan tâm đến lời em nói”, thì hãy tập cách nói hòa nhã “Em muốn anh biết rằng điều thực sự quan trọng với em là được anh lắng nghe”.
• Cách nói thì quan trọng hơn nội dung câu nói. Khi nói chuyện với nhau, đừng quên truyền đạt cho đối phương hiểu rằng: “Em tin tưởng anh, tự hào về anh, quan tâm đến anh”, “Anh quan tâm đến những gì em muốn nói và cảm xúc của em”.
• Đừng mổ xẻ từng câu từng chữ của bạn đời. Hãy kiên nhẫn và chú ý khi bạn biết bạn đời đang cố gắng giao tiếp với bạn. Hãy cố gắng nghe thông điệp đằng sau lời nói.
Có nhiều kỹ thuật giao tiếp có thể giúp bạn trò chuyện và lắng nghe nhau một cách tích cực và xây dựng hơn. Dưới đây là một số kỹ thuật:
• Lắng nghe bạn đời và không tự bào chữa.
• Đừng lấn át bạn đời bằng những lời chỉ trích kịch liệt.
• Hãy để bạn đời nói hết những gì họ muốn nói chứ đừng ngắt lời.
• Sau khi bạn đã đưa ra quan điểm của mình và bạn đời đã diễn giải nó lại thì hãy ngừng tranh luận, ít nhất là trong một lúc.
• Hãy bám sát chủ đề đang nói.
• Hãy nói cụ thể chứ đừng nói chung chung như: “Anh luôn làm như vậy” hoặc “Em chẳng bao giờ làm như thế cả”.
• Chỉ phê bình suy nghĩ và hành động chứ không chỉ trích cá nhân. Chẳng hạn bạn có thể nói: “Em không thể tin tưởng anh khi anh nói dối em về việc tình cờ gặp bạn gái cũ của anh” thay vì “Anh là một kẻ nói dối không chớp mắt”.
• Đừng gán động cơ cho hành vi của bạn đời. Hãy thừa nhận rằng những suy diễn của bạn mang tính chủ quan và có thể không đúng.
• Nếu bạn đời nói với giọng khó nghe thì hãy cho anh ấy/ cô ấy biết và yêu cầu anh ấy/cô ấy nói một cách bình tĩnh hơn. Đừng bỏ đi hoặc đổ thêm dầu vào lửa.
• Hãy nhìn vào mắt bạn đời khi đang nói chuyện, hãy dành toàn bộ sự chú ý cho anh ấy/cô ấy.
• Nếu bạn không thể nói chuyện vì quá bận rộn, mệt mỏi, khó chịu,... thì hãy giải thích và hẹn nói chuyện lần khác.
Điều quan trọng là phải cho bạn đời biết bạn muốn nghe họ nói điều gì. Sau đây là một số yêu cầu phổ biến mà các thân chủ của tôi đã đưa ra cho vợ/chồng họ. Hãy thêm vào những yêu cầu của riêng bạn.
• Hãy cho anh biết khi nào em cần được trấn an. Đừng có đem chuyện ly hôn ra dọa để thu hút sự chú ý của anh.
• Hãy cho anh biết khi nào em muốn gần gũi anh.
• Hãy cho em biết khi nào anh thấy phiền muộn, đừng im lặng và che giấu nỗi đau của anh.
• Thay vì tức giận, hãy nói với em một cách bình tĩnh và thẳng thắn chuyện gì đã làm anh khó chịu hoặc anh muốn gì.
• Hãy nói với anh về bản thân em và về chúng ta, chứ đừng lôi kéo người thứ ba vào.
• Hãy thành thật khi em hỏi anh về người thứ ba, đừng cố bảo vệ cảm xúc của em.
• Hãy cho anh biết em đồng ý phần nào trong những điều anh vừa nói.
• Đừng cho rằng em cần anh giải quyết giúp vấn đề của em, trừ khi em nhờ anh giúp đỡ.
• Hãy chân thành xin lỗi vì anh đã làm em tổn thương và thất vọng.
• Hãy thừa nhận em cũng có phần trách nhiệm trong vấn đề của chúng ta.
Giao tiếp cởi mở và chân thành là điều cần thiết để khôi phục cảm xúc thân mật, kể cả sự gần gũi thể xác. Chương tiếp theo sẽ giúp bạn có lại sự ân ái mặn nồng theo những cách vượt ra ngoài mối quan hệ thể xác thông thường. Tôi hiểu cảm giác ngại ngần của các bạn khi gần gũi trở lại trong giai đoạn nhạy cảm này. Nhưng vẫn có cách để bạn bày tỏ mong muốn lẫn nỗi sợ hãi của mình, cũng như hiểu đúng những gì đang xảy ra giữa hai người, từ đó bạn hoàn toàn có thể bước vào phòng ngủ để tìm lại hạnh phúc ái ân.