“Trái tim không phải là món quà, nó là điều mà những ai chưa hoàn hảo phải tìm mới có.”
– William Butler Yeats
A Prayer for My Daughter (Lời nguyện cầu cho con gái tôi)
“Trái tim không phải là món quà, nó là điều mà những ai chưa hoàn hảo phải tìm mới có.”
– William Butler Yeats
A Prayer for My Daughter (Lời nguyện cầu cho con gái tôi)
Lòng tin không phải là một món quà để trao nhận, cũng không thể có được bằng những lời thề thốt mà phải bằng những thay đổi trong cách cư xử. Nếu bạn là người không chung thủy, bạn cần dùng hành động cụ thể để chứng minh cho bạn đời rằng “Anh sẽ tận tâm với em. Hãy yên tâm ở anh”. Nếu bạn là người bị tổn thương, bạn cần mở lòng để tin tưởng trở lại và tạo cơ hội cho bạn đời nỗ lực lấy lại lòng tin của bạn. Bạn không thể cứ trừng phạt mãi mãi, bạn cũng không thể lạnh lùng và xa cách mãi mãi, nếu không thì bạn đời sẽ từ bỏ nỗ lực hàn gắn. Bạn cần giải thích chính xác những gì mà bạn đời có thể làm cho bạn và dẫn lối cho anh ấy/cô ấy trở về cuộc sống của bạn.
Khi nói đến sự tin tưởng, dĩ nhiên tôi đang đề cập đến niềm tin của bạn rằng bạn đời sẽ chung thủy. Nhưng có một loại niềm tin khác cũng quan trọng không kém và cần thiết cho cả hai vợ chồng, đó là niềm tin rằng nếu bạn đồng ý hàn gắn hôn nhân, bạn đời phải hóa giải những phẫn uất của bạn và không để bạn hối hận vì đã quyết định làm lại từ đầu.
Phần đầu tiên của chương này hướng dẫn bạn cách thay đổi cư xử để khơi dậy cả hai loại niềm tin. Phần thứ hai nêu một số lỗi suy diễn phổ biến thường cản trở bạn khi đang cố gắng cải thiện lòng tin. Bằng cách thực hiện cả hai bước – thay đổi cách cư xử và vượt qua trở ngại để thay đổi – bạn sẽ gia tăng đáng kể cơ hội loại bỏ chuyện ngoại tình và xây dựng lại cuộc hôn nhân có tình yêu.
Cứ thay đổi, rồi tình yêu sẽ tìm về
Nếu bạn định thay đổi cách mình cư xử với bạn đời, đôi khi bạn phải làm như thể bạn yêu thương, yên lòng hoặc tha thứ nhiều hơn những gì mà bạn đang thực sự cảm thấy. Nếu bạn đợi cho đến khi tình cảm tràn đầy trở lại mới hành động, thì rất có thể bạn sẽ lỡ hẹn với cuộc hôn nhân này. Nếu bạn cứ đắm chìm trong nghi ngờ và sợ hãi, thì cuộc hôn nhân của bạn có thể sẽ chết. Trước tiên, hãy thay đổi hành vi của bạn – hành động một cách có ý thức và tích cực hơn – rồi những cảm xúc yêu thương có thể theo sau.
Có rất nhiều điều bạn có thể làm để khôi phục lòng tin. Tôi thấy nên chia chúng thành hai loại, đó là hành vi nhỏ cho thấy sự quan tâm và hành vi bù đắp đòi hỏi sự hy sinh. Các hành vi quan tâm thường dễ thực hiện hơn vì chúng ít đòi hỏi bạn phải vận dụng cảm xúc. Các hành vi bù đắp thì đòi hỏi bạn phải hy sinh nhiều hơn.
Hành vi nhỏ cho thấy sự quan tâm
Dưới đây là một số cách xây dựng lòng tin có chi phí thấp mà có thể bạn mong muốn bạn đời làm cho mình. Hãy tham khảo những hành vi này để lập danh sách của riêng bạn về những gì bạn muốn từ bạn đời và viết nó vào cột chính giữa của Biểu đồ xây dựng lòng tin ở trang 205.
Nếu bạn là người bị tổn thương, bạn cần yêu cầu ở bạn đời những hành vi khiến bạn yên tâm, thấy mình được chăm sóc và trân trọng. Nếu bạn là người không chung thủy, bạn cần yêu cầu ở bạn đời các hành vi trấn an bạn rằng những nỗ lực khôi phục lòng tin của bạn đang được đền đáp. Hãy đảm bảo rằng bạn xem xét đầy đủ mọi khía cạnh trong cuộc hôn nhân của bạn – giao tiếp, thời gian rảnh, tài chính, tình dục, con cái và người thân, thói quen cá nhân,... Có thể nhiều hành vi mà cả bạn lẫn bạn đời đều yêu cầu ở nhau.
Sau đây là danh sách mẫu:
• Hãy cho em biết chính xác lịch trình khi anh đi công tác.
• Hãy hạn chế đi công tác qua đêm.
• Hãy nói anh nghe em đã gặp hoặc nói chuyện với người tình khi nào.
• Hãy cho em biết anh thấy em hấp dẫn như thế nào.
• Hãy cho anh biết điều gì làm em thỏa mãn lúc ái ân.
• Hãy nói cho anh khi nào em cảm thấy tự hào về anh, và tại sao.
• Hãy gọi và nhắn tin cho em thường xuyên.
• Hãy chia sẻ những suy nghĩ thầm kín của em với anh.
• Hãy cho anh biết khi nào em thấy hạnh phúc hoặc lạc quan hơn về tương lai của chúng ta
• Hãy đi làm về đúng giờ để cùng ăn tối với gia đình.
• Hãy dành nhiều thời gian hơn cho màn dạo đầu, như ôm hôn và vuốt ve.
• Hãy nói em nghe điều gì khiến anh buồn bực cả ngày.
• Hãy nói anh nghe điều gì khiến em vui vẻ cả ngày.
• Hãy tập trung lắng nghe điều em nói.
• Hãy cho em biết khi nào anh thấy em làm anh thất vọng.
• Anh hãy cố hạ hỏa và cùng em sửa chữa chỗ sai.
• Đi học mát-xa cùng em đi nào.
• Hãy thể hiện tình cảm với em dù là bên ngoài phòng ngủ.
• Hãy mua đồ nội thất mới cho phòng ngủ của chúng mình (ở cửa hàng mà anh và cô ta đã đến ấy).
• Hãy nói trực tiếp với anh về cảm xúc của em. Đừng im lặng rút lui hoặc công kích anh. Đừng nói kiểu trêu đùa hay chế nhạo anh để nêu quan điểm của em.
• Hãy hỏi em cảm thấy thế nào. Đừng suy diễn hành vi của em hoặc tự cho là anh biết em nghĩ gì.
• Hãy ôm em và tỏ ra thông cảm khi em buồn, đừng bỏ mặc em.
• Hãy lên kế hoạch đi chơi cuối tuần cho chúng ta.
• Hãy xin lỗi em càng sớm càng tốt khi em nói với anh với giọng bất cần như vậy.
• Hãy cho anh biết khi nào em cảm thấy bất an thay vì suy diễn là anh đang lừa dối em.
• Hãy đọc sách tư vấn và thảo luận cùng em để cải thiện cuộc hôn nhân của chúng mình.
Khi tổng hợp danh sách những điều bạn mong muốn ở bạn đời, hãy đảm bảo rằng:
1. Đưa ra những hành vi tích cực và cụ thể nhất có thể. Đừng liệt kê một loạt lời than phiền, vì làm thế thì bạn chắc chắn sẽ đẩy anh ấy/cô ấy vào thế phòng thủ. Hãy đưa ra những điều mà bạn muốn anh ấy/cô ấy làm cho bạn – những hành vi cụ thể. Ví dụ, thay vì yêu cầu chung chung hoặc tiêu cực như “Đừng có gia trưởng như vậy”, bạn hãy dùng lời lẽ cụ thể và tích cực diễn tả chính xác điều bạn cần: “Hãy làm theo kế hoạch của em nhé, dù có thể anh không muốn như vậy”.
2. Tôn trọng yêu cầu của bạn đời vì đó là điều quan trọng đối với họ. Mỗi danh sách đều mang tính cá nhân rất cao, điều làm bạn vừa lòng có thể lại khiến bạn đời thấy khó chịu (ví dụ: Hãy gọi điện cho em cả ngày và quan tâm đến cảm xúc của em). Ngược lại, bạn cũng cần tôn trọng những thay đổi mà bạn đời muốn bạn thực hiện – chúng có vẻ rất phù phiếm và vô lý đối với bạn nhưng lại rất ý nghĩa với anh ấy/cô ấy.
3. Mỗi ngày hãy đáp ứng các yêu cầu khác nhau của bạn đời. Đừng chỉ lặp lại một vài yêu cầu và bỏ qua phần còn lại. Hãy nhớ là những điều quan tâm nhỏ bé mà các bạn làm cho nhau hằng ngày sẽ đem lại sự khác biệt to lớn trong cách các bạn cảm nhận về nhau.
4. Đặt danh sách của bạn ở nơi dễ thấy. Hãy hiển thị danh sách này trên trang chủ máy tính của bạn, dán ở cửa tủ quần áo hoặc nơi dễ thấy để các bạn liên tục được nhắc nhở đáp ứng yêu cầu của nhau.
5. Ghi ngày tháng vào Biểu đồ xây dựng lòng tin mỗi lần bạn đời đáp ứng một yêu cầu của bạn. Điều này nghe có vẻ gượng ép nhưng nếu bạn ghi nhận lại những nỗ lực của bạn đời, họ sẽ thấy được khích lệ và muốn tiếp tục. Đồng thời, nhờ ghi rõ ngày tháng mà bạn đời có những hành động thay đổi, bạn có thể sửa chữa nhận thức sai lầm của mình là cứ xoáy vào những mặt tiêu cực và bỏ qua điểm tích cực của anh ấy/cô ấy. Bạn sẽ tự nhắc nhở bản thân được rằng mọi chuyện đều có thể thay đổi tốt hơn. Thậm chí, nếu bạn tuyệt vọng, không muốn tiến về phía trước; nếu bạn tin mình là người duy nhất cố gắng; hoặc cho rằng dù mình có làm gì đi nữa thì vẫn không được tha thứ, thì bạn chỉ cần xem lại ngày tháng ghi trên biểu đồ để có thêm hy vọng và kiên nhẫn hơn.
6. Làm những gì bạn đời yêu cầu dù bạn có hy vọng về tương lai hay không. Có thể đôi khi bạn thấy việc hàn gắn thật khó khăn, và bảng danh sách này sẽ là điểm tựa cho bạn tiếp tục cố gắng. Có thể người ấy đang tạm thời phớt lờ nhu cầu của bạn để kiểm tra xem bạn có quyết tâm hay không và đánh giá xem mức độ cam kết của bạn sâu sắc đến mức nào. Nếu bạn ngừng cố gắng, bạn sẽ cho người ấy cơ hội để đổ lỗi cho bạn về cuộc hôn nhân tan vỡ. Nếu bạn tiếp tục thực hiện các yêu cầu của bạn đời và không đi chệch hướng, người ấy buộc phải đối đầu không chỉ với bạn mà còn với sự phản kháng của chính họ.
7. Thêm các yêu cầu mới vào danh sách của bạn và thảo luận với bạn đời khi bạn thấy cần thiết. Khi chồng của Martha đưa cô đến bữa tiệc của công ty, anh ta bỏ mặc cô bơ vơ tại bàn ăn và hầu như không nói chuyện với cô cả tối. Ngày hôm sau, Martha thêm vào danh sách của mình yêu cầu sau: “Khi chúng ta đi chơi cùng nhau, hãy thường xuyên chạm vào người em, choàng tay ôm em hoặc nắm tay em nếu anh thấy yêu em, đồng thời hãy chứng tỏ cho em thấy anh tự hào về em bằng cách giới thiệu em với bạn bè anh”.
Chúng ta hãy xem trường hợp của cặp vợ chồng Arlene và Tim đã sử dụng các hành vi thể hiện sự quan tâm để khôi phục lòng tin.
Arlene đã ngủ với một đồng nghiệp. Cô khăng khăng mình làm điều đó không phải để tìm người thay thế Tim mà vì cô cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Arlene muốn thấy mình được chồng yêu thương nhiều hơn, còn Tim muốn được vợ chấp nhận cho anh sống theo con người thật của mình. Danh sách các hành vi nhỏ thể hiện sự quan tâm của Arlene tương đối ngắn và tập trung vào những gì Tim có thể làm để cô cảm thấy được chồng yêu thương:
• Hãy mỉm cười với em và dành cho em sự quan tâm trọn vẹn khi anh nói chuyện với em.
• Hãy nói với em bằng giọng ấm áp và trìu mến hơn.
• Hãy rủ em cùng đi chơi và lên kế hoạch trước để em thấy háo hức.
• Hãy nắm tay em khi chúng ta đi dạo.
• Hãy nói cho em biết khi anh cảm thấy yêu em.
• Hãy nói cho em biết tại sao anh yêu em.
Danh sách của Tim cũng ngắn gọn, cho thấy anh có nhu cầu được là chính mình trong cuộc hôn nhân của hai người:
• Nếu anh im lặng, hãy hỏi xem anh đang nghĩ gì chứ đừng tự suy diễn là anh đang tránh né em hoặc trầm trọng hóa vấn đề.
• Hãy hiểu rằng anh có nhu cầu làm việc tại văn phòng vài giờ vào cuối tuần.
• Hãy hiểu là anh nói chậm hơn em và đừng ngắt lời anh. Hãy diễn giải quan điểm của anh và giúp anh mở lòng.
• Hãy quan tâm nhiều hơn đến những điều anh quan tâm, chẳng hạn như chính trị;
• Hãy cùng anh chia sẻ tiền mua nhà.
Khi lập danh sách, bạn đừng ngại viết ra mọi điều quan trọng với bạn vì không có gì bị xem là đòi hỏi vòi vĩnh cả. Sau khi hiểu rõ các yêu cầu của bạn đời, bạn hãy cố gắng làm theo trong khả năng có thể và làm theo những cách mới mẻ. Nếu bạn đang phân vân, hãy hỏi: “Mình thường làm gì trong tình huống này? Nó khiến chồng/vợ mình phản ứng lại như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra nếu mình cư xử khác đi?”.
Khi hai vợ chồng cùng ngồi trong nhà hàng và Tim trầm ngâm im lặng, Arlene thấy mình lại bị thôi thúc bởi thói quen chộp lấy “sai lầm” đó của Tim, nhưng cô kịp ngừng lại và tự hỏi: “Mình có thể làm gì trong danh sách các yêu cầu của Tim để anh ấy cảm thấy được chấp nhận hơn? Mình có đang phán xét hành vi của anh ấy theo quan điểm cá nhân không?”. Thế là thay vì cáu gắt với chồng, cô nắm tay anh và nói: “Hình như anh đang mải nghĩ gì đấy. Có chuyện gì vậy?”. Tim đánh giá cao nỗ lực của vợ trong cách cư xử nên nói với cô rằng anh đã theo dõi cặp đôi ngồi bàn bên cạnh và nghĩ mình quả là người không biết cách nói chuyện. Nhớ lại danh sách yêu cầu của Arlene, Tim thổ lộ với vợ cảm xúc thực sự của mình, rằng cho dù anh im lặng nhưng anh vẫn cảm thấy gần gũi với cô.
Những hành vi quan tâm như thế này có thể tiếp thêm sức sống cho cuộc hôn nhân vào thời điểm nó đang hấp hối. Tiếc thay, tác dụng của chúng thường mất dần trong vài tuần và hiếm khi đủ sức làm hồi sinh một cuộc hôn nhân đã quá hao mòn. Cả hai nên tiếp tục thực hiện những hành vi quan tâm nho nhỏ để xây dựng lại mối quan hệ và giúp vợ chồng tin tưởng nhau lần nữa, và bạn cũng phải sẵn sàng hy sinh nhiều hơn – đặc biệt khi bạn là người không chung thủy.
Hành vi bù đắp đòi hỏi sự hy sinh
Nếu bạn là người không chung thủy, bạn thường muốn mọi chuyện qua đi. Bạn đã thú nhận chuyện ngoại tình, đã hứa hẹn chung thủy; bạn thường cảm thấy nhẹ nhõm, trong sạch và đã sẵn sàng để tiếp tục. Bạn thậm chí còn thấy tình cảm vợ chồng thắm thiết hơn do chuyện ngoại tình đã giúp bạn khẳng định lại mình thực sự muốn gì. Tóm lại, điều bạn quan tâm là sự tin tưởng và tha thứ, trong khi bạn đời của bạn lại không nghĩ vậy, ít nhất là trong thời gian ngắn sau khi chuyện tình bí mật bị vỡ lở.
Như chúng ta đã thấy trong Chương 1, dù cả hai vợ chồng đều rất vất vả để hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng người bị tổn thương vẫn luôn chịu sự tổn thất tình cảm nặng nề hơn. Vì thế, các hành vi bù đắp là trách nhiệm của riêng bạn nếu bạn là người không chung thủy. Chúng là những món quà hy sinh, là sự ăn năn mà bạn phải thực hiện để khắc phục tổn thương mà bạn đã gây ra. Nếu bạn chỉ nói “hãy tin ở anh, em yêu, anh sẽ ở đây bên em” thì chưa đủ. Bạn phải hỗ trợ lời tuyên bố của mình bằng những hành động “đắt giá” hơn – nói cách khác là bạn phải hy sinh thực sự, thậm chí có thể thấy khó chịu và bị xúc phạm.
Những hành vi này không nên tùy tiện hoặc mang tính trừng phạt. Đó là những hành động cụ thể mà bạn đời yêu cầu ở bạn hoặc bạn tự cam kết thực hiện, điều này giúp bạn đời có lý do để tin rằng bạn sẽ không sai lầm lần nữa và việc hàn gắn hôn nhân không phải là lãng phí thời gian vô ích.
Sau đây là một vài ví dụ:
• Đừng liên hệ hay qua lại với bạn bè hoặc bà con của người kia nữa.
• Hãy ra khỏi cái câu lạc bộ hay hiệp hội mà người kia đang tham gia đi.
• Hãy sang tên cho em một số tài sản đang đứng tên anh.
• Hãy gửi tiền của anh vào tài khoản chung.
• Hãy giao công việc của cô thư ký (người thứ ba) cho người khác, nếu không thể thì anh tìm việc chỗ khác đi.
• Hãy cùng em có một kỳ nghỉ lãng mạn.
• Hãy trả toàn bộ học phí chương trình đại học cho em.
• Hãy cho em xem bản sao kê ngân hàng, bản sao kê thẻ tín dụng và hóa đơn điện thoại hằng tháng của anh.
• Hãy đi gặp chuyên gia tư vấn và thảo luận về việc xây dựng lại gia đình với em.
• Hãy làm bất cứ điều gì có thể để bỏ thuốc hoặc rượu.
• Hãy chuyển đến thành phố khác cùng anh.
• Hãy tìm hiểu ảnh hưởng của việc khi xưa cha mẹ anh ngoại tình đối với anh.
• Hãy tham gia các buổi tư vấn cho vợ chồng cùng với em và hợp tác cùng nhau để hiểu được chuyện ngoại tình cho biết điều gì về anh, về em và về chúng ta.
• Hãy trả lời mọi câu hỏi của anh về người thứ ba trước chuyên gia tư vấn để anh biết chắc là em đang nói sự thật.
Sự khác biệt giữa hành vi nhỏ cho thấy sự quan tâm và hành vi bù đắp đòi hỏi sự hy sinh là hoàn toàn chủ quan và thay đổi theo từng người. Điều mà người này thấy dễ thực hiện (ví dụ: hãy đăng ký xe đứng tên em) thì người khác lại có thể thấy bị đe dọa và ép buộc. Tùy vào hoàn cảnh mà bạn đánh giá hành vi nào là quan trọng đối với bạn. Nếu vợ bạn chi tiền để hẹn hò hằng tuần từ tài khoản cá nhân, bạn có thể thấy cần phải có quyền truy cập sao kê ngân hàng và thẻ tín dụng của cô ấy. Nếu chồng bạn ngủ với cô thư ký, bạn có thể yêu cầu anh ấy thay đổi công việc hoặc đổi thư ký.
Nếu bạn là người không chung thủy, bạn có thể rất căng thẳng khi thỏa thuận các hành vi đòi hỏi bạn phải hy sinh vì bạn thấy cái tôi của mình bị đe dọa. Tuy nhiên, vẫn có cách để thỏa hiệp như trong trường hợp của vợ chồng Roy và Barbara sau đây.
Roy là luật sư có uy tín trong một cộng đồng đô thị nhỏ. Anh có nhiều cuộc tình một đêm, thường là với những phụ nữ gặp trong quán bar. Một đêm, Barbara, vợ anh, về nhà sớm hơn thường lệ và bắt quả tang anh lên giường với cô bồ mới nhất. Khi thổ lộ nỗi đau của mình với một người bạn, Barbara phát hiện ra rằng mọi người trong thị trấn đều biết chuyện chồng cô lăng nhăng – hàng xóm, chủ nhà hàng mà cô thường đến, thậm chí cả con trai của hai người. Cô nói: “Tôi đã bị sỉ nhục công khai, tôi không còn mặt mũi nào để gặp mọi người nữa”.
Roy có vẻ chân thành khi hứa hẹn sẽ kiểm soát chứng nghiện tình dục của mình và tham gia trị liệu cá nhân cũng như cùng vợ đến gặp chuyên gia tư vấn. Nhưng Barbara vẫn lo lắng về tương lai. Là một phụ nữ kiêu hãnh gần đến tuổi nghỉ hưu, cô cảm thấy tự mình không đủ khả năng tài chính để duy trì một phần lối sống hiện tại. Cô hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu Roy không chỉ lừa dối tôi lần nữa mà còn bỏ rơi tôi? Nếu tôi thấy mình buộc phải ly hôn anh ấy thì sao? Tôi sẽ sống như thế nào?”.
Barbara cân nhắc việc kết thúc cuộc hôn nhân ba mươi sáu năm theo phương án tốt nhất mà tòa xử cho cô. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng rõ ràng đều muốn ở bên nhau, vì vậy tôi khuyến khích Barbara nói thẳng những lo lắng của mình với Roy và cùng anh ấy xây dựng một danh sách các hành vi bù đắp để trực tiếp giải quyết những lo lắng đó. Những gì mà Barbara yêu cầu là:
• Tôi muốn anh ấy tiếp tục đến gặp chuyên gia tư vấn.
• Tôi muốn anh ấy chuyển 75% tài sản riêng sang tên tôi. (Cô ấy cần điều này để giảm bớt mối lo lắng về tài chính và tự thuyết phục mình là chồng nghiêm túc về lời cam kết chung thủy).
• Tôi muốn anh ấy tìm công việc mới ở một cộng đồng khác và chuyển đến đó sống cùng tôi. (Cô cảm thấy ở đây ai cũng đã biết chuyện của cô).
Roy sẵn lòng tiếp tục đến chuyên gia tư vấn để được hỗ trợ những vấn đề mà anh cũng thấy rắc rối. Anh cũng thấy thoải mái chuyển phần lớn tài sản sang tên Barbara để chứng minh lòng thành của mình. Nhưng yêu cầu thứ ba – chuyển chỗ ở – là Roy thấy khó đáp ứng. Anh thấy mình bị xúc phạm và thao túng. Anh là một luật sư chuyên nghiệp và uy tín. Chuyển đi nơi khác đồng nghĩa với việc mất đi địa vị và thu nhập. Tuy nhiên, Roy thấy rằng anh có nguy cơ mất Barbara nếu không đáp ứng đủ yêu cầu của cô hoặc cứ chần chừ. Roy hiểu rằng Barbara muốn anh làm lại mọi thứ từ đầu không phải để làm tổn thương anh mà để giúp cô tin tưởng vào anh lần nữa và vượt qua cảm giác xấu hổ.
Cuối cùng, Roy cũng quyết định chuyển đến một thị trấn khác. Thật may mắn là vào thời điểm đó Barbara lại thấy có thể tái hòa nhập với cộng đồng nơi họ đang ở nên cô không muốn rời đi nữa. Việc Roy sẵn sàng hy sinh là điều rất quan trọng để giúp cô tin tưởng anh lần nữa, và đối với cô thế là đủ. Hành vi hy sinh của anh không tự nó khôi phục lòng tin, nhưng khi kết hợp với các hành vi khác, nó đóng vai trò như một cầu nối để phục hồi.
Bế tắc: Khi bạn không thể đồng ý với những hành vi bù đắp đòi hỏi sự hy sinh
Đôi khi bạn sẽ không thể đồng ý với những hành vi bù đắp vì chúng mang những ý nghĩa liên quan đến vết thương lòng thời thơ ấu cũng như mâu thuẫn hiện tại. Chẳng hạn, một trong hai vợ chồng muốn lúc nào mình cũng được xem là số một vì bị phớt lờ khi còn nhỏ, trong khi người kia có thể từ chối đối xử đặc biệt với bất kỳ ai vì đã dành cả tuổi thơ để phục vụ nhu cầu của cha mẹ mình. Những gì mà người này yêu cầu thì người kia có thể thẳng thừng cự tuyệt.
Nếu gặp bế tắc, bạn cần lùi lại và kiểm tra xem các vấn đề cá nhân của bạn có thể cản trở một thỏa hiệp có ý nghĩa như thế nào (đây là những vấn đề mà chúng ta đã thảo luận trong Chương 5). Đó cũng là những gì Ed và Miriam đã làm.
Bốn năm họ kết hôn cũng là ngần ấy thời gian Ed ngoại tình với thư ký riêng. Khi bị phát hiện, Ed hứa sẽ chung thủy, nhưng Miriam thấy rằng không thể tin chồng chừng nào anh và cô thư ký còn làm việc cùng nhau.
Trước tiên, Ed đã thử các hành vi quan tâm nho nhỏ. Anh tan sở lúc sáu giờ như vợ yêu cầu (khi ngoại tình, anh thường ở lại muộn). Anh làm việc với một thư ký khác. Anh gọi điện cho vợ trong ngày để cô biết anh ở đâu, và anh thường xuyên rủ vợ đến văn phòng để ăn trưa.
Tuy nhiên, đối với Miriam như thế là chưa đủ. Cô cần một điều gì đó thuyết phục hơn. Nếu Ed vẫn làm việc cùng văn phòng với người thứ ba thì Miriam muốn anh nghỉ và tìm một công việc khác. Ed hoảng sợ. Anh vừa được cấp cổ phần trong công ty và có một tương lai vững chắc ở đó. Miriam lại đang mang thai. Giờ không phải là lúc để tìm việc mới.
Họ rơi vào bế tắc. Ed thấy vợ quá căng thẳng về mặt cảm xúc và không vị tha. Đối với anh, những yêu cầu của vợ chẳng có ý nghĩa gì ngoài mục đích kiểm soát chồng. Anh nói: “Ngay cả khi tôi đáp ứng mọi yêu cầu của cô ấy thì cô ấy cũng chẳng bao giờ tin tôi nữa, vậy thì có ích gì?”. Cả hai đều không chịu nhân nhượng.
Tôi khuyến khích họ nêu ra những vấn đề cá nhân khiến họ cứ ở thế không khoan nhượng như vậy. Đối với Ed, điều này có nghĩa là anh phải đối mặt với cảm giác kém cỏi sâu trong thâm tâm, bắt nguồn từ việc anh cứ phải tranh đua với những anh chị em giỏi giang của mình. Vì thiếu tự tin nên anh nghi ngờ giá trị của mình. Đối với Miriam, điều đó có nghĩa là cô phải đối mặt với cảm giác bị xâm phạm suốt đời. Cô nói: “Khi cha dượng quấy rối tôi, mẹ tôi biết nhưng vẫn chọn ở lại với ông ta thay vì chọn tôi. Những gì Ed làm khiến tôi nhớ lại tất cả nỗi buồn đau và cay đắng của mình. Tôi muốn anh ấy hy sinh không chỉ để tôi có thể tin tưởng anh ấy lần nữa mà còn để tôi có thể quên đi tất cả những năm tháng đau khổ đó”.
Những thổ lộ cá nhân này đã giúp họ dịu đi. Cuối cùng, Ed đã tìm được một công việc mới và nỗ lực để thoát ra khỏi cái bóng của gia đình. Miriam đánh giá cao sự hy sinh của chồng, cô trở nên kiên nhẫn và tin tưởng hơn, đồng thời học cách không bắt Ed phải chịu trách nhiệm về mọi thứ tồi tệ đã xảy ra trong cuộc đời cô.
Cũng như với Ed và Miriam, bạn cần tìm hiểu tại sao có những hy sinh là cần thiết và có những hy sinh không thể thực hiện được. Bạn cũng cần đánh giá cao ý nghĩa của chúng đối với bạn đời và cố gắng tìm cách thỏa hiệp.
“Tôi rất muốn thay đổi, nhưng không thể!”
Dù bạn rất thích các bài tập xây dựng lòng tin như tôi đã đề cập ở trên nhưng tôi đảm bảo bạn cũng sẽ không muốn thực hiện một số phần trong bài tập đó. Không phải bạn là người xấu hoặc bạn không muốn cải thiện cuộc hôn nhân, mà có thể bạn bị cản trở bởi một số giả định của mình. Những giả định ấy có thể khiến bạn không diễn đạt được nhu cầu của mình cho bạn đời hiểu hoặc ngăn cản bạn thỏa mãn nhu cầu của anh ấy/cô ấy. Cũng có những giả định khiến bạn coi nhẹ bất cứ điều gì mà bạn đời cố gắng làm cho bạn. Chúng ta hãy xem 9 rào cản nhận thức phổ biến:
1. Tôi không có quyền yêu cầu chồng/vợ tôi thay đổi vì tôi.
2. Nói ra điều tôi muốn sẽ chỉ làm chồng/vợ tôi thấy tổn thương hoặc giận dữ, và thế là mâu thuẫn càng nặng hơn.
3. Chồng/vợ tôi nên biết tôi cần gì, chứ sao để tôi phải nói ra?
4. Tôi không thể hỏi xin tình yêu được. Nếu phải làm vậy thì tôi cũng không cần tình yêu đó.
5. Nếu chồng/vợ tôi làm những gì tôi yêu cầu nhưng không phải là tự nguyện mà chỉ vì muốn tôi tin tưởng, thì tôi cũng chẳng muốn.
6. Chồng/vợ tôi chỉ vờ vĩnh đáp ứng yêu cầu của tôi và lôi kéo tôi quay lại. Tôi mà tin tưởng thì mọi chuyện sẽ y như cũ cho xem.
7. Tôi không cần phải ghi nhận các hành vi xây dựng lòng tin của chồng/vợ mình.
8. Chồng/vợ tôi đã khiến tôi tổn thương và thất vọng nên chính họ cần phải thay đổi trước.
9. Tôi không thể và không nên xây dựng lòng tin khi đang tức giận.
Rào cản thứ nhất: “Tôi không có quyền yêu cầu chồng/vợ thay đổi vì tôi”
Thái độ này không phù hợp vì nó khiến bạn im lặng và chia cắt bạn khỏi bạn đời cũng như bản thân bạn. Nó cũng cướp đi của bạn cơ hội tìm hiểu xem chồng/vợ bạn có sẵn lòng đáp lại những lời than phiền của bạn hay không cũng như cướp đi cơ hội làm lành.
Hãy nhìn lại bản thân và tự hỏi: “Tại sao mình lại thấy khó yêu cầu chồng/vợ mình làm một điều gì đó chỉ vì mình? Cảm giác tự nhận thiệt thòi này do đâu mà có? Cha mẹ có từng phớt lờ hoặc phạt mình khi mình cố lên tiếng không? Có phải mình lớn lên trong một gia đình mà mọi người cho rằng nói ra nhu cầu của bản thân là tạo gánh nặng cho người khác không? Cha mẹ mình có phải là kiểu người quá khiêm tốn không?”.
Có thể bạn phát hiện ra rằng bạn đã bị mắc kẹt trong suy nghĩ của chính mình, đã tự cô lập bản thân một cách không cần thiết và đã từ chối nhu cầu cơ bản muốn được chăm sóc trong một thời gian dài. Bạn nên có hành động chống lại rào cản nhận thức này và viết ra những điều mà bạn muốn bạn đời thực hiện cho mình.
Rào cản thứ hai: “Nói ra điều tôi muốn sẽ chỉ làm chồng/ vợ tôi thấy tổn thương hoặc giận dữ, và thế là mâu thuẫn càng nặng hơn”
Muốn giữ hòa khí bằng mọi giá để khôi phục lòng tin và sự gần gũi là một trở ngại phổ biến và nguy hiểm. Đó cũng là thái độ của Teri sau khi cô ngoại tình. Cô cần anh chồng nghiện rượu của mình biết rằng cô ngoại tình là vì anh, và cô sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu anh không cai rượu. Nhưng Teri đã giữ im lặng và hy vọng mọi chuyện sẽ tự trở nên ổn thỏa.
Thời gian trôi qua, Teri nhận ra rằng yêu cầu chồng thay đổi không phải là công kích tính cách của anh ấy, mà là một món quà để cải thiện cuộc hôn nhân của họ. Cô kể lại nỗi sợ hãi khi đối đầu với cha mình, người đã dạy cô phải nhất nhất vâng lời ông và phạt cô vì dám cãi lại. Cô nói với chồng: “Em cần nói thật với anh theo cách mà em không bao giờ được phép nói với cha em. Em sợ mình nói ra sẽ làm cho anh xa lánh em, nhưng hóa ra cách em im lặng mới đẩy anh ra xa hơn nữa khi lừa dối anh và không nói thẳng cho anh biết em cần anh thay đổi như thế nào”.
Nói chuyện cởi mở như vậy giúp Teri không còn sợ hãi và nhận ra rằng mâu thuẫn nào cũng có thể giải quyết và không nên trốn tránh.
Rào cản thứ ba: “Chồng/vợ tôi nên biết tôi cần gì, chứ sao để tôi phải nói ra”
Giả định này là mầm mống cho sự hiểu lầm và thất vọng, như câu chuyện của Helen. Khi Richard quay lại với cô sau một tháng xa cách, anh không đeo nhẫn cưới. Ý nghĩa của việc này với Helen rất rõ ràng: Anh ấy vẫn còn băn khoăn chuyện hàn gắn và muốn phụ nữ nghĩ rằng anh ấy không vướng bận gia đình. Tuy nhiên, Helen không nói ra và tự dằn vặt mình. Cô tâm sự với tôi: “Anh ấy biết điều đó quan trọng đối với tôi, tại sao tôi phải nói ra chuyện đó chứ?”.
Tôi khuyến khích Helen đưa thêm yêu cầu chồng đeo nhẫn cưới vào danh sách các hành vi nhỏ thể hiện sự quan tâm và thảo luận với anh ấy. Thế là cô phát hiện ra anh đã làm mất chiếc nhẫn và sợ cô buồn nên không cho cô biết. Khi vấn đề đã sáng tỏ, chồng cô mua một chiếc nhẫn mới và rất vui vẻ đeo nó.
Nên nhớ bạn đời không phải là thầy bói, việc của bạn là nói rõ nhu cầu của mình. Và nếu chồng/vợ bạn không đoán được bạn muốn gì thì cũng không có nghĩa là anh ấy/cô ấy không yêu bạn.
Rào cản thứ tư: “Tôi không thể hỏi xin tình yêu được . Nếu phải làm vậy thì tôi cũng không cần tình yêu đó”
Hầu hết mọi người đều cảm thấy bị mất phẩm giá khi yêu cầu bạn đời bày tỏ tình yêu với mình và nghĩ rằng khi bị đòi hỏi phải thể hiện tình yêu thì người kia sẽ không muốn làm. Nhưng nếu bạn thấy muốn bạn đời thổ lộ tình yêu của họ dành cho bạn, hãy mạnh dạn thêm yêu cầu này vào danh sách. Hãy nói rõ là bạn chỉ muốn nghe những lời yêu thương thật lòng. Bạn cần giải phóng bản thân để nói ra điều bạn muốn.
Rào cản thứ năm: “Nếu chồng/vợ tôi làm những gì tôi yêu cầu nhưng không phải là tự nguyện mà chỉ vì muốn tôi tin tưởng thì tôi cũng chẳng muốn”
Một số người có thể đánh giá thấp nỗ lực của bạn đời khi chúng không phải là những hành động tự nguyện mà là có chủ ý hàn gắn hôn nhân. Bạn nói: “Tôi muốn anh ấy/cô ấy cư xử tự nhiên và làm những điều xuất phát từ trái tim”. Vấn đề của thái độ này là bạn đời của bạn càng cố gắng bao nhiêu thì bạn càng thấy họ kém chân thành bấy nhiêu. Khi coi trọng cảm xúc yêu thương hơn những hành động biểu đạt tình yêu, bạn đang không cho bạn đời tiếp cận bạn theo cách duy nhất mà họ có thể vào lúc này.
Chúng ta phải cố gắng thực hiện cho được những hành động yêu thương ngay cả khi chúng ta không cảm thấy yêu thương gì cả, có vậy thì chúng ta mới vượt qua được thử thách thực sự của tình yêu. Chúng ta phải nhìn sâu vào bên trong bản thân, nỗ lực hết mình và bày tỏ những điều mà ta thực sự xem trọng. Hành động vì cảm giác gắn bó lâu dài và tận tâm với người khác có thể là tình yêu đích thực.
Rào cản thứ sáu: “Chồng/vợ tôi chỉ vờ vĩnh đáp ứng yêu cầu của tôi để lôi kéo tôi quay lại . Tôi mà tin thì mọi chuyện sẽ y như cũ cho mà xem”
Một số bạn có thể nghi ngờ sự chân thành trong nỗ lực của bạn đời và xem đó chỉ là trò lừa dối. Một người không chung thủy nói với tôi: “Vợ tôi đang cố làm tôi hài lòng để níu kéo tôi quay lại. Cô ấy chỉ cần tiền của tôi thôi”. Một người bị tổn thương lại giải thích: “Chồng tôi thay đổi chỉ để tôi chấp nhận anh ấy quay về. Anh ấy sợ ly hôn thì sẽ mất kha khá tài sản. Bây giờ anh ấy thay đổi đó, nhưng chẳng được bao lâu đâu”.
Vấn đề của thái độ này là nó cản trở chuyện hàn gắn hôn nhân. Nếu bạn không cho bạn đời cơ hội để thay đổi, để lấy lại lòng tin, thì làm sao bạn biết được điều gì có thể xảy ra? Nếu bạn luôn nghi ngờ mọi hành vi của họ thì làm sao họ có thể an ủi hoặc trấn an bạn được? Bạn không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn sự hoài nghi vì điều đó sẽ không thực tế, mà bạn nên tạm ngừng nghi ngờ trong một khoảng thời gian đủ để cuộc hôn nhân có cơ hội được phục hồi.
Rào cản thứ bảy: “Tôi không cần phải ghi nhận các hành vi xây dựng lòng tin của chồng/vợ mình”
Một số bạn có thể không muốn ghi lại sự thay đổi của bạn đời trên Biểu đồ xây dựng lòng tin với lý do là người ấy đã trưởng thành, họ tự khắc biết cách hành xử chứ không cần phải ghi nhận để khuyến khích. Một anh chồng bị tổn thương tên Tom nói: “Tại sao tôi phải ghi nhận mỗi khi vợ tôi làm điều gì đó tốt cho tôi? Tại sao tôi phải tán thưởng cô ấy vì đã cố tự giải quyết mớ rắc rối của chính cô ấy? Cô ấy đâu phải trẻ con? Nếu cô ấy chọn thể hiện tình yêu với tôi, cô ấy nên tự làm chứ đừng mong đợi tôi ca ngợi là cô ấy tuyệt vời như thế nào”.
Điều mà Tom cũng như bạn có thể đồng ý với tôi là ai cũng cần được khen ngợi và công nhận, ai cũng cần được biết rằng nỗ lực của họ được người khác trân trọng và tạo ra sự khác biệt. Nếu bạn từ chối thừa nhận những gì bạn đời đang làm để cải thiện cuộc hôn nhân, bạn sẽ ngăn cản họ thực hiện chính những điều mà bạn đang mong muốn.
Rào cản thứ tám: “Chồng/vợ tôi đã khiến tôi tổn thương và thất vọng nên chính họ cần phải thay đổi trước”
Thái độ đòi hỏi người khác phải thay đổi trước khiến cho việc cải thiện hôn nhân không còn suôn sẻ, bởi lẽ người này phải làm quá nhiều cho người kia mà không được ghi nhận. Nó cũng khiến bạn có những hành vi nhỏ nhen, trả đũa và khiến bạn không còn muốn thực hiện các bài tập khôi phục lòng tin và sự quan tâm. Từ chối thay đổi trước có thể khiến cơn phẫn nộ trong bạn nguôi ngoai, nhưng chẳng có tác dụng gì để chữa lành vết thương. Do đó, bạn nên hiểu rằng cách tốt nhất để thay đổi hành vi của bạn đời là thay đổi hành vi của chính mình trước đã. Thực chất, bạn nên tạo điều kiện để bạn đời có nhiều cơ hội đáp ứng nhu cầu của bạn. Nếu đã tạo điều kiện mà vẫn không có gì xảy ra, ít nhất bạn cũng biết bạn đã làm xong phần mình.
Rào cản thứ chín: “Tôi không thể và không nên xây dựng lòng tin khi đang tức giận”
Đôi khi, vì giận quá mất khôn mà bạn không chịu tha thứ hoặc hòa giải.
Một người chồng không chung thủy đã nói: “Tôi không thấy yêu và được yêu, vậy làm sao chị mong đợi tôi hành động vì tình yêu được? Thậm chí tôi còn không thể tưởng tượng nổi cảnh nắm tay vợ mình”.
Một người vợ bị tổn thương lại nói: “Cứ nhìn thấy chồng là tôi lại giận sôi lên. Tôi chẳng thiết tha gì làm hòa với anh ấy cả”.
Những thái độ thách thức này tuy có thể thông cảm được nhưng chúng phản tác dụng. Chúng có thể giúp bạn cảm thấy bớt tổn thương và có lý do chính đáng để giận dữ, nhưng cuối cùng chúng lại khiến bạn không có cơ hội kiểm tra xem vợ chồng bạn có thể cùng nhau tạo ra điều gì. Do đó, bạn nên lùi lại và tự hỏi xem việc bạn từ chối hợp tác có phải là kết quả của việc lý luận theo cảm tính (emotional reasoning) – một lỗi nhận thức cho rằng vì bạn cảm nhận điều gì đó rất mạnh mẽ nên nó phải là sự thật, vì bạn tức giận với bạn đời nên bạn có quyền hành xử như vậy.
Khi tức giận, bạn luôn thấy cơn giận của mình là đúng đắn và chính đáng. Vì thế, điều cần làm là bạn hãy dành thời gian tự hỏi bản thân: “Mình giận dữ phỏng có ích lợi gì không? Cơn giận sẽ giúp mình như thế nào?”. Đặt câu hỏi thế này có thể đôi lúc không phù hợp với cảm xúc sôi sục của bạn tí nào, nhưng hãy cố gắng hành động để cải thiện cuộc sống chung của hai vợ chồng. Càng hành động vì tình yêu thì càng dễ cảm nhận được tình yêu.
“Chúng ta đi là để mở đường”
Câu nói trên là của nhà thơ Robert Bly, và nó rất đúng với quá trình khôi phục lòng tin sau khi một trong hai bạn đã ngoại tình. Lấy lại lòng tin đánh trót đã rơi có thể mất cả đời, nhưng không có nghĩa là ngày nào bạn cũng phải vật lộn với các vấn đề về lòng tin. Cuộc hôn nhân của bạn có thể sẽ trở nên yếu ớt trong vài năm sau khi chuyện ngoại tình bại lộ, nhưng trong thời gian đó bạn cũng có thể tận hưởng nhiều khoảnh khắc yên lòng và vui vẻ.
Niềm tin là một món quà tinh tế và không dễ mà có được. Món quà ấy chỉ tới theo thời gian thông qua sự tận tâm và nỗ lực không ngừng. Bạn nên dũng cảm và sẵn sàng thay đổi. Có thể bạn chỉ có một cơ hội để níu kéo bạn đời cũng như hàn gắn hôn nhân, vì vậy bạn cần chớp lấy thời cơ và hành xử bằng cái tôi tự tin nhất – cái tôi cho phép bạn giải quyết những bất bình của bạn đời và hành động như thể bạn tin rằng hai bạn có khả năng kết nối lại bền chặt và nồng ấm hơn xưa.
Như một thân chủ của tôi từng nói: “Bạn có thể tin tưởng mà không gần gũi, nhưng bạn không thể gần gũi nếu thiếu lòng tin”. Nhờ tin tưởng, bạn biết rằng mình có thể hy sinh vì bạn đời, rằng bạn đời sẽ ủng hộ bạn và những điều mà bạn xem trọng. Bạn cũng biết rằng mình có thể mở lòng để yêu chồng/vợ mình vì bạn cảm thấy yên tâm và được trân trọng. Các bài tập trong chương này nhằm giúp bạn khôi phục cảm giác yên tâm cơ bản đó. Nhưng bạn cần tìm hiểu thêm, chẳng hạn như cách giao tiếp có tính xây dựng hơn, cách làm mới đời sống ái ân, cách tha thứ. Phần còn lại của cuốn sách sẽ đưa bạn đến với phần hành trình tiếp theo.