Với 43 năm kinh nghiệm làm nhà tâm lý học tư vấn cho nhiều cặp vợ chồng, câu trả lời của tôi là “có thể”, miễn mỗi người sẵn sàng nhìn nhận một cách trung thực về bản thân và bạn đời của mình, đồng thời có được những kỹ năng cần thiết để vượt qua cơn khủng hoảng tan vỡ này.
Hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Có nhiều số liệu thống kê khác nhau và theo một nghiên cứu uy tín gần đây cho biết, có tới 37% đàn ông đã kết hôn từng ngoại tình và với cánh phụ nữ thì con số này là 20%. Không ai biết tỷ lệ chính xác nhưng tôi chắc chắn rằng, nếu một người đã nói dối vợ/chồng mình thì cũng có thể nói dối nhà nghiên cứu. Ngay cả khi ước tính một cách dè dặt nhất, chúng ta vẫn có thể nói rằng ở Mỹ, cứ 2,7 cặp vợ chồng thì có 1 cặp bị ảnh hưởng bởi chuyện ngoại tình.
Như thế nào là ngoại tình?
Ngoại tình nghĩa là quan hệ tình dục? Hay chỉ cần một nụ hôn? Thế còn những buổi hẹn hò ăn uống cùng nhau thì sao?
Tôi không cố trả lời những câu hỏi kiểu như vậy vì suy cho cùng, điều gì quan trọng với bạn mới là điều đáng bàn. Niềm tin tan vỡ hay không tùy thuộc vào việc bạn đồng ý và tin tưởng điều gì. Hầu như tất cả mọi người đều cảm thấy bị phản bội khi bạn đời quan hệ tình dục với người khác, cho dù đó là tình một đêm hay một mối quan hệ lâu dài có nảy sinh tình cảm. Nhiều người cũng cảm thấy bị phản bội, và chắc chắn là thấy bất an, trước những hành động thân mật như một cái ôm, lời âu yếm hay tin nhắn thân mật. Cách đây 5 năm, chị Sharon tìm đến tôi nhờ tư vấn vì chị đã gửi một bức ảnh bán khỏa thân cho bạn trai cũ. Chuyện chỉ dừng lại ở đấy, nhưng chồng chị đã đau khổ suốt kể từ khi biết chuyện.
Trong lần ấn bản thứ ba này, tôi có bổ sung thêm một chương về những thử thách trong mối quan hệ mà các đợt ấn bản trước chưa đề cập tới. Ở phần này tôi kể lại một số tình huống mà thân chủ của tôi đã phải vật vã tự đấu tranh, kèm theo những đề xuất cụ thể của tôi để giúp họ xoa dịu nỗi đau.
3 phán xét tối kị
1. Tôi không bao giờ phán xét chung chung chuyện ngoại tình là tốt hay xấu. Với người này là tốt, nhưng với người kia có thể là xấu và hủy hoại mối quan hệ. Tuy nhiên tôi nhận thấy, nếu tiếp tục ngoại tình mà không có sự đồng thuận của cả hai bên thì sẽ khiến hôn nhân rạn nứt và hai vợ chồng hầu như không thể gắn bó với nhau được nữa. Nếu bạn là người ngoại tình và có ý định nghiêm túc hàn gắn hôn nhân thì tôi tin là bạn phải từ bỏ người tình của mình.
2. Tôi không chia hai bạn thành bên phạm tội và bên nạn nhân, hoặc người phản bội và người bị phản bội. Mỗi người đều phải nhận phần trách nhiệm tương xứng về những gì đã xảy ra. Thay vì đổ lỗi, tôi khuyến khích các bạn hãy đối diện với bản thân để tìm hiểu điều gì đã dẫn đến chuyện ngoại tình, và tiếp theo là thay đổi để xây dựng lại lòng tin cùng sự gần gũi. Điều đó không có nghĩa là tôi buộc các bạn phải chịu trách nhiệm ngang nhau, vì không ai có thể ép người khác phạm sai lầm. Nhưng tôi khuyên cả hai cùng chịu trách nhiệm vì đã tạo ra khoảng trống ngăn cách cho người thứ ba chen chân vào giữa hai bạn.
3. Tôi không khuyên các bạn hãy duy trì hôn nhân bằng mọi giá hoặc ly hôn chỉ vì cảm thấy không hạnh phúc. Thay vào đó, tôi muốn mỗi người hãy tìm hiểu những lý do đặc biệt khiến bạn ngoại tình hoặc từ bỏ người tình, khiến bạn lựa chọn hàn gắn hoặc kết thúc hôn nhân. Bạn nên cân nhắc quyết định của mình thật cẩn thận chứ không nên hành xử một cách cảm tính. Bởi trên thực tế, cảm xúc của bạn có thể phản bội lại chính bạn.
Cách gọi người trong cuộc
Trong cuốn sách này, tôi sẽ gọi mỗi bên là người bị tổn thương và người không chung thủy. Người bị tổn thương là người đang có cuộc hôn nhân hợp pháp nhưng lại bị vi phạm chế độ một vợ một chồng. Người không chung thủy là người đã ngoại tình. Thật khó khăn khi chọn cách gọi cho những người trong cuộc. Chắc chắn đôi khi người không chung thủy cũng cảm thấy bị tổn thương, nhưng thường thì người có bạn đời ngoại tình phải trải qua cảm giác suy sụp nặng nề hơn. Tôi không gọi là người phản bội và người bị phản bội, bởi trong một chừng mực nào đó cách gọi này thể hiện sự lên án đạo đức và quy gánh nặng trách nhiệm chỉ cho một người, mà điều này thì hầu như không đúng.
Tôi gọi người đã xen vào giữa cuộc hôn nhân là người tình hoặc người thứ ba. Tôi dùng từ người tình hoặc người yêu khi nói với người không chung thủy và mối tình ngoài luồng ấy vẫn còn tồn tại. Tôi dùng từ người thứ ba khi nói với bên còn lại trong hai vợ chồng vì muốn loại bỏ hàm ý lãng mạn của từ người tình cũng như bảo vệ cảm xúc của người bị tổn thương.
Các trích dẫn và tình huống mà tôi đề cập trong cuốn sách đều lấy từ kinh nghiệm thực tiễn của tôi và được thay đổi toàn bộ danh tính để bảo vệ sự riêng tư.
Ai nên đọc cuốn sách này?
Tôi viết cuốn Nội tình sau hôn nhân dành cho bất kỳ cặp đôi nào – có thể là các đôi vợ chồng đã kết hôn, các cặp đôi dị tính hay đồng tính – muốn hàn gắn lại mối quan hệ sau khi một hoặc cả hai người đã ngoại tình
Cuốn sách này cũng dành cho:
• Người đã kết thúc mối quan hệ vì chuyện ngoại tình, người đang khổ sở vượt qua giai đoạn khó khăn này, người muốn hiểu tại sao hôn nhân tan vỡ và họ nên chấp nhận điều gì thuộc về trách nhiệm của mình cho những chuyện đã xảy ra.
• Người muốn hiểu rõ hơn về sự không chung thủy mà họ từng thấy trong gia đình mình để tránh hành vi tương tự trong các mối quan hệ sau này của chính họ.
• Các chuyên gia và các nhà lãnh đạo tinh thần tư vấn cho các cá nhân và cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi chuyện ngoại tình.
• Người đang nghĩ đến việc ngoại tình và người muốn hiểu rõ hơn cảm xúc của mình trước khi có bất kỳ động thái nào không thể hồi chuyển.
• Người muốn suy nghĩ thấu đáo những thuận lợi và bất lợi nếu tiết lộ cuộc ngoại tình vốn đã chấm dứt của mình cho bạn đời.
• Người không có ý định tiết lộ cuộc ngoại tình đã qua nhưng vẫn muốn hàn gắn hôn nhân và tìm hiểu về bản thân.
• Người nghi ngờ bạn đời không chung thủy nhưng chưa bao giờ đối chất.
• Các cặp vợ chồng đang đấu tranh tư tưởng về những vấn đề như điều bí mật, sự dối trá và sự tin tưởng.
• Các cặp vợ chồng muốn học cách ứng phó trước những vỡ mộng không thể tránh khỏi trong đời sống vợ chồng trước khi thực hiện bước ngoặt nào khác.
Ba giai đoạn chữa lành vết thương
Cuốn sách của tôi sẽ hướng dẫn các bạn vượt qua ba giai đoạn khi bạn phản ứng, đấu tranh tư tưởng và phục hồi sau cuộc ngoại tình.
Giai đoạn thứ nhất: Ổn định cảm xúc
Khi chuyện ngoại tình vỡ lở, cả hai phía đều có khả năng bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc: Người bị tổn thương thấy kiệt sức bởi cảm giác mất mát sâu sắc, còn người không chung thủy cũng mệt mỏi trước những lựa chọn và cảm xúc mâu thuẫn. Bằng cách diễn giải cảm xúc của các bạn, tôi hy vọng sẽ trấn an được bạn rằng bạn không điên rồ hoặc thất thường, rằng những người khác cũng trải qua nỗi đau và sự rối ren tương tự, rằng bạn không đơn độc.
Giai đoạn thứ hai: Quyết định hàn gắn hay từ bỏ
Trước khi cảm xúc của bạn có thể lắng xuống, bạn cần phải đối mặt với nỗi mâu thuẫn về việc nên ở lại hay ra đi. Sau khi tìm hiểu các phương án lựa chọn, bạn có thể đưa ra quyết định thấu đáo dựa trên hoàn cảnh và nhu cầu của mình. Tôi sẽ giúp bạn trả lời những loại câu hỏi như: “Tôi có thể mong đợi điều gì từ tình yêu?”, “Tôi có nên tin tưởng vào cảm xúc của mình không?”, “Làm sao để biết đối phương có phải là người phù hợp với tôi?”...
Giai đoạn thứ ba: Làm lại từ đầu
Nếu quyết định hàn gắn hôn nhân, có thể bạn sẽ phải nỗ lực nhiều năm nhiều tháng để khôi phục lòng tin và sự gần gũi. Tôi hy vọng sẽ giúp bạn:
• Giải mã ý nghĩa của cuộc ngoại tình và chấp nhận phần trách nhiệm của mình trong đó.
• Nói lời chia tay với người tình.
• Lấy lại lòng tin (nếu bạn là người không chung thủy), hoặc nói cho người kia biết bạn cần những gì để tin tưởng họ trở lại (nếu bạn là người bị tổn thương).
• Biết cách nói chuyện để bạn đời nghe và thấu hiểu nỗi đau của bạn, cũng như biết cách lắng nghe để khuyến khích bạn đời cởi mở và dễ chấp nhận bạn.
• Nhận ra được rằng bạn đã bị tổn thương từ những trải nghiệm thuở thiếu thời và bạn có thể làm gì để các trải nghiệm này không ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hiện tại của bạn.
• Kiểm soát sự khác biệt và bất mãn của bản thân để có thể gắn bó ngay cả khi không cảm thấy yêu thương hoặc được yêu thương.
• Gần gũi trở lại trong chuyện ái ân.
• Tha thứ cho bạn đời và cho chính mình.
Trong suốt cuốn sách, tôi giả định rằng cuộc tình bí mật đã bị bại lộ, nhưng trong một số trường hợp thì không. Trong Lời kết, tôi giúp bạn cân nhắc những ưu và nhược điểm khi tiết lộ sự thật nếu bạn là người không chung thủy. Dù bạn quyết định thế nào đi nữa thì vợ chồng bạn vẫn có thể cùng nhau nỗ lực làm mới lại cuộc sống của cả hai.
Hồi chuông báo tử hay tiếng gọi cảnh tỉnh?
Một số bạn đọc có thể không muốn mạo hiểm làm lại từ đầu để khiến bản thân phải chịu thêm tổn thương hay thất vọng. Quay lưng lại với một mối quan hệ đã đổ vỡ có thể là giải pháp đơn giản nhất và hợp lý nhất giúp bạn khỏi phải nuôi thêm hy vọng để rồi lại thất vọng. Và có thể nó cũng là cách để bạn không phải đối mặt với những sự thật cay đắng về cuộc sống, tình yêu và bản thân; để tránh gánh nặng trách nhiệm vì đã khiến cuộc hôn nhân của mình rơi vào bế tắc.
Cuốn sách này dành cho những người đang bị tổn thương sâu sắc bởi chuyện ngoại tình nhưng còn đủ can đảm để thừa nhận rằng các bạn vẫn muốn ở bên nhau, dám đối mặt với sai lầm của từng người khi đã để chuyện đáng tiếc ấy xảy ra và cố gắng xây dựng lại lòng tin cũng như tình cảm vợ chồng. Nếu quyết định hàn gắn hôn nhân, bạn có thể nhận ra rằng cuộc ngoại tình không đơn thuần là một tổn thương đáng tiếc mà còn là một tiếng gọi cảnh tỉnh. Biết đâu cuối cùng bạn lại phát hiện ra rằng bạn cần một cuộc ngoại tình giống như cần một vụ nổ để phá hủy công trình xây dựng trước đó và thay thế bằng một công trình khác bền vững hơn, chắc chắn hơn. Bởi lẽ, có thể cả hai bạn đều cảm thấy đau khổ nên các bạn không có nhiều cơ hội để kiểm tra độ bền vững trong cuộc hôn nhân của mình. Chính vì thế, tôi khuyến khích các bạn tham gia vào quá trình này để thách thức sự tổn thương và để xem các bạn có khả năng cùng nhau làm nên những gì. Bản chất của việc này giống như một trận đấu quyền anh, tôi mời hai bạn bước lên giữa võ đài, tháo găng và bắt tay nhau.