GIAI ĐOẠN ICẢM XÚC NÀY CÓ BÌNH THƯỜNG?
1Vực thẳm của người bị tổn thương
“Em đã bị xâm hại năm mười lăm tuổi, nhưng nỗi đau ấy chẳng thấm tháp gì so với chuyện anh ngoại tình. Tên khốn đó là kẻ xa lạ; còn anh, anh là người tri kỷ của em.”
“Khi anh phát hiện mình bị phản bội, anh không còn cảm giác đặc biệt với em nữa. Thê thảm hơn, anh đánh mất hết niềm tin vào mọi người, thậm chí anh còn không tin tưởng cả chính mình.”
Những lời thổ lộ như thế này chỉ là khởi đầu cho nỗi mất mát
sâu sắc không gì bù đắp được mà bạn có thể phải trải qua khi lần đầu phát hiện bạn đời của mình không chung thủy. Bạn chẳng có cách nào chuẩn bị cho bản thân trước biến cố này. Thế giới quan của bạn có thể bị sụp đổ. Những gì bạn hằng vững tin bấy lâu, nay xem ra thật ngớ ngẩn và sai lầm. Và bạn còn tự chất vấn bản thân: “Mình đang ở đâu đây? Mình có còn tồn tại trên cõi đời này không?”.
Bạn có thể bị sốc. Bạn chẳng còn tin vào đạo đức và công bằng. Ý thức làm chủ cuộc sống, lòng tự tôn cá nhân cùng nhận thức về bản thân cũng từ bỏ bạn mà đi. Bạn thấy như gia đình, bạn bè, kể cả Chúa đều đang bỏ rơi mình. Bạn không hiểu nổi bản thân, tinh thần bất ổn, liên tục chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, lúc thì rất quyết tâm và tự tin, lúc lại thấy bị sỉ nhục và vô cùng thảm hại. Sau khi bị những cảm xúc mãnh liệt vùi dập cho tơi tả, bạn lại tự hỏi: “Mình điên rồi chăng?”.
Tôi cam đoan là không. Thực tế thì những gì bạn đang trải qua rất bình thường và là phản ứng tự nhiên trước một nỗi đau sâu sắc như vậy. Bạn “phát điên” lên không chỉ vì hôn nhân bị sứt mẻ mà còn vì mất đi ý nghĩ rằng bạn là người đặc biệt đối với bạn đời, rằng duyên chồng vợ của bạn không còn sắt son mãi mãi. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn cảm thấy muôn vàn mất mát trước chuyện đau lòng này.
Sau đây là câu chuyện của Marsha, một người mẹ 40 tuổi, làm công tác xã hội và đã mất hơn mười năm tìm lại chính mình:
“Sau mười ba năm chung sống, Larry nói rằng anh muốn chia tay tôi để đến với cô bảo mẫu kém anh đến mười bốn tuổi. Phản ứng đầu tiên của tôi là: ‘Không thể có chuyện này được, chúng tôi vốn là một cặp vợ chồng hoàn hảo cơ mà. Cô bảo mẫu kia chẳng hơn tuổi con gái tôi là bao, sao cô ta có thể phản bội sự tin tưởng mà tôi dành cho cô ấy kia chứ?’.
Khi Larry dọn đến sống chung với cô ta, tôi phải trải qua một tháng chăn đơn gối chiếc. Chỉ sau một đêm, từ một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập và tràn đầy đam mê, tôi trở thành một cái xác không hồn và bị chứng trầm cảm làm cho tê liệt. Một đêm nọ, khi đang nằm trên giường gặm nhấm sự quạnh quẽ của căn nhà cùng nỗi kinh hoàng và bối rối ngự trong tâm trí, bỗng nhiên tôi nghe có tiếng mở cửa. Tôi nghĩ: ‘Vậy là anh ấy đã trở lại. Anh ấy muốn dứt điểm chuyện này đây mà’. Tôi mặc nguyên đồ ngủ, lao vội xuống cầu thang, còn kịp liếc vào gương xem mình như thế nào. Nhưng rồi tôi thấy cánh cửa vẫn đóng chặt. Chính tôi đã tự tưởng tượng ra mọi chuyện.
Vào thời khắc ấy tôi chợt nhận ra: ‘Mình không chỉ mất một người chồng, mà còn mất cả lý trí’. Sự tự tin của tôi tiếp tục bị sụt giảm. Tôi thấy mình chẳng khác gì một kẻ dối trá, một cái vỏ trống rỗng, không còn sức lực và tinh thần để làm mẹ, cũng không xứng đáng có một bạn đời tử tế. Tôi đang sống cuộc đời của người khác chứ không phải của chính mình.
Tôi vẫn phải vật lộn với chứng trầm cảm suốt ba năm sau đó – một thời gian dài sau khi vợ chồng tôi quay lại với nhau – cho đến khi tôi tham gia một buổi hội thảo về rối loạn stress do chấn thương tâm lý và biết rằng, một người bị căng thẳng tinh thần cực độ có thể tự cô lập mình và thậm chí hoang tưởng. Thế là đã rõ. Tôi biết được căn nguyên chứng trầm cảm của mình và những gì tôi đã trải qua là hết sức bình thường. Giá như tôi biết điều này sớm hơn thì có lẽ tôi đã bớt thấy cô đơn và biết mở lòng mình với tương lai. Giá như có ai đó giúp tôi hiểu được chuyện gì đang xảy ra thì tốt biết nhường nào”.
Nội dung của chương này là giúp bạn hiểu được những đau thương mất mát mà hầu như tất cả những người chồng, người vợ bị tổn thương đều phải trải qua. Khi bạn nhận ra phản ứng của mình là hết sức bình thường, bạn có thể cảm thấy bớt đau lòng vì bị phản bội và ít bị chi phối bởi những cảm xúc dữ dội của bản thân. Bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi có thể lường trước và hiểu rõ phản ứng của mình. Bạn cũng sẽ bắt đầu nguôi ngoai khi dám đối diện với cảm xúc và hiểu được nỗi đau của mình. Nên nhớ rằng, mối đe dọa lớn nhất trong quá trình vượt qua nỗi đau là tự mình đánh mất hy vọng.
Rối loạn về sinh lý
Có thể vào lúc này, cả hệ thần kinh lẫn chức năng nhận thức của bạn đang có nhiều thay đổi. Khi adrenaline và các hormone của stress đang tác động vào hệ thần kinh giao cảm, bạn sẽ trải qua trạng thái kích thích cao độ. Bạn luôn để ý đến các dấu hiệu cho thấy bạn đời của mình lại lầm đường lạc lối. Vì thường xuyên lo lắng và bị kích động, bạn trở nên khó ngủ, hay thức giấc giữa đêm và nhạy cảm hơn với tiếng ồn. Bạn kiệt sức vì ngủ quá ít mà suy nghĩ quá nhiều.
Tâm trí bạn luôn bị dày vò bởi những ký ức, cảm giác và hình ảnh nhức nhối, buồn đau. Những cơn ác mộng tìm đến bạn trong giấc ngủ. Còn trong sinh hoạt hàng ngày, bạn rất dễ đột nhiên thấy mình bị mất phương hướng.
Gloria, một phóng viên 30 tuổi, là ví dụ điển hình cho trường hợp này. Cô tâm sự: “Sau khi chồng tôi thú nhận đã ngoại tình, ngày hôm sau tôi bị lạc đường khi đi làm. Tôi kinh hãi nghĩ rằng mình điên rồi bởi tôi đã đi con đường này mỗi ngày suốt năm năm”.
Pam, một nhân viên bất động sản 37 tuổi, cũng kể một câu chuyện tương tự: “Khi Jeff thú nhận anh ấy đã yêu một người phụ nữ khác, tôi bắt anh thu dọn đồ đạc và chuyển ngay ra ngoài. Cuối tuần, tôi đến thăm bạn bè ở Block Island để tránh phải một mình đối mặt với nỗi cô đơn. Trên đường đi, tôi dừng ở một sân gôn và xuống đi dạo. Tôi cứ đi như thế, càng xa càng tốt. Nhưng đến khi quay lại chỗ để xe, tôi không thể nhớ đã đỗ xe ở đâu. Cuối cùng thì tôi cũng thấy nó sau một giờ tìm kiếm, nhưng tôi sợ đến phát run. Tôi vừa khóc vừa lái xe quay về nhà. Cuối tuần đó tôi đã giam mình trong nhà và nằm lì trên giường. Không phải tôi buồn bã vì cô đơn mà vì ý nghĩa tôi gán cho nỗi trống trải đó đã khiến tôi mất hết tinh thần”.
Cơ thể bạn cũng tiết vào hệ thần kinh của bạn các opioid nội sinh – chất tương tự như morphin giúp bạn giảm đau, bớt căng thẳng. Nói cách khác, cơ thể bạn chuyển sang trạng thái ngủ đông, ngừng hoạt động. Phạm vi cảm nhận của bạn bị thu hẹp và bạn không còn hứng thú với các mối quan hệ và hoạt động mà chỉ vài tuần trước đó bạn vẫn còn rất vui thích. Khi bạn cố gắng tìm lại chính mình thì bạn lại thấy bản thân vô cùng trống rỗng. Tâm trí bạn như lang thang đâu đó, bạn khó tập trung vào bất cứ điều gì. Ở văn phòng, bạn bới tung đống giấy tờ trên bàn làm việc; khi về nhà, bạn lại ngồi thẫn thờ nhìn vào khoảng không vô định. Bạn sống khép mình và tự cô lập bản thân vì không còn tin rằng mình có thể duy trì các mối quan hệ xã hội. Bạn thấy chết lặng và cô đơn.
Stephanie, một giáo viên 42 tuổi, giải thích: “Cảm giác đó giống như bạn vẫn đang sống nhưng nhận thức được rằng một phần trong bạn đã chết. Tôi từng có cảm giác tôi và John được kết nối với nhau bằng một sợi tơ vàng. Có điều gì đó đã thôi thúc chúng tôi đến với nhau. Còn bây giờ, tôi chỉ có thể nói rằng tôi đang đối phó qua ngày. Chúng tôi vẫn sống bên nhau, nhưng lòng tôi đã chết”.
Trong cuốn sách Separation (tạm dịch: Chia ly), tác giả Dan Franck mô tả cảm xúc của người chồng có vợ ngoại tình như sau: “Anh ấy đã sống trong nỗi kinh hoàng, nhưng giờ đây nó đã nhường chỗ cho nỗi buồn vô bờ bến. Nỗi kinh hoàng rồi cũng qua, chỉ có nỗi buồn vẫn còn đọng lại”.
Xáo trộn trong tâm lý
Khi bị tổn thương vì bạn đời ngoại tình, bạn có thể nếm trải 9 nỗi đau mất mát khác nhau. Tất cả đều bắt nguồn từ một nỗi mất mát lớn hơn cả việc mất đi người bạn đời: đánh mất bản thân. Bạn khó mà nhận ra sự mất mát này bởi tất cả đều vô hình. Dù bề ngoài bạn vẫn bình thường như bao người, nhưng trong lòng bạn đang rỉ máu. Đột nhiên bạn cảm thấy mình đã đánh mất:
1. Danh tính.
2. Cảm giác mình là người đặc biệt.
3. Lòng tự trọng, vì tự hạ thấp bản thân và chấp nhận đánh đổi các giá trị cơ bản để giành lại bạn đời.
4. Lòng tự tôn, vì không dám nhận rằng mình đã bị đối xử bất công.
5. Khả năng kiểm soát suy nghĩ và hành động.
6. Niềm tin về sự công bằng.
7. Đức tin.
8. Mối quan hệ với người khác.
9. Mục đích sống, thậm chí là nghị lực sống.
Mất danh tính: “Tôi không còn biết mình là ai”
Việc phát hiện bạn đời ngoại tình khiến bạn phải nhìn nhận lại bản thân theo cách cơ bản nhất. “Nếu ngay cả anh cũng không phải là người mà em từng nghĩ và cuộc hôn nhân của chúng ta chỉ là sự lừa dối, thì rốt cuộc em là ai?”. Đột nhiên bạn thấy mình không còn là chính mình, mà thành một người khác hẳn với bản thân mình trước đây.
Có thể trong quá khứ, bạn thấy mình là người có năng lực, độc lập, vui tính, mạnh mẽ, thân thiện, ấm áp, kiên định, nhân ái, hào phóng, hấp dẫn,... thì giờ đây những điều tốt đẹp đó không còn nữa. Bạn thấy bản thân mình có hàng trăm điều tiêu cực như ghen tuông, phẫn nộ, thù hận, mất kiểm soát, nhỏ nhen, cay nghiệt, sợ hãi, cô đơn, yếu ớt, xấu xí, thất vọng, bị xã hội ruồng bỏ,... Cảm thấy bế tắc trước sự phản bội của bạn đời, bạn mất đi hình ảnh thân thuộc về bản thân và bắt đầu nghi ngờ phẩm chất tốt đẹp, nỗi khát khao cũng như khả năng ứng phó trước mọi sự của mình.
Jane, một kế toán 31 tuổi đã kết hôn 5 năm, nhớ lại: “Trong tập lưu bút thời sinh viên, bạn bè vẫn xem tôi là người hoạt bát, nhanh nhẹn và can đảm. Thế mà giờ đây, sau khi John ngoại tình, tôi dường như không còn chút sức lực nào, thậm chí không còn sức để đi ra ngoài. Tôi chẳng muốn lộ diện trước bất cứ ai”.
Roberta đã kết hôn 14 năm và cô cũng phải vật lộn với việc đánh mất chính mình. “Tôi từng yêu quý bản thân biết bao. Tôi từng nghĩ mình là một người dễ thương, biết yêu mình yêu người. Nhưng điều đó đã qua rồi. Tôi cứ mãi day dứt là Don đã ngoại tình chỉ vì tôi quá ngọt ngào, quá bình thường. Có lẽ tôi cô đơn là có lý do. Có lẽ không còn ai muốn dính líu gì tới tôi nữa”.
Nếu bạn cũng suy sụp như Roberta, có lẽ bạn đã phóng đại khiếm khuyết của bản thân và tự đổ lỗi cho mình về hành vi ngoại tình của bạn đời. Bất cứ điều gì mà bạn từng không thích ở bản thân giờ đây sẽ chiếm lấy bạn. Bạn cho rằng một mình bạn đã gây ra chuyện khủng khiếp này. Bạn nghĩ chỉ cần thay đổi bản thân là có thể níu kéo người kia trở lại. Bạn tự lừa mình tin rằng số phận của cuộc hôn nhân vẫn nằm trong tay bạn. Có thể sau này bạn sẽ nhìn nhận bản thân một cách khách quan hơn và biết quy trách nhiệm một cách công bằng hơn. Còn vào thời điểm này, bạn khó có thể khách quan hoặc công bằng với bất kỳ ai, nhất là với chính mình.
Đánh mất ý thức cơ bản về bản thân là một tổn thương sâu sắc hơn nhiều so với nỗi tổn thương do ngoại tình gây ra. Còn gì đau khổ hơn khi thấy mình bị mắc kẹt trong cảm giác xa lạ với chính con người mình và mất đi những phẩm chất mà bạn từng tin tưởng là làm nên con người bạn?
Không còn cảm giác mình là người đặc biệt: “Em từng nghĩ rằng mình rất có ý nghĩa với anh, nhưng giờ em nhận ra mình đã bị ruồng bỏ”
Không chỉ đánh mất ý thức về bản thân, bạn cũng mất đi niềm tin rằng vợ chồng bạn là dành cho nhau, rằng sự kết hợp giữa vợ chồng bạn là không gì có thể chia cắt được, rằng chỉ có bạn mới mang lại hạnh phúc cho bạn đời. Thế rồi chuyện ngoại tình xảy ra khiến bạn thấy mình đã quá ngây thơ khi ảo tưởng rằng cuộc hôn nhân của bạn thật đặc biệt và bạn là người duy nhất, là người đáng khao khát trong mắt vợ hoặc chồng bạn.
Khi Miriam còn vị thành niên, cô đã bị cha dượng hãm hiếp và bị mẹ bỏ rơi khi bà không chịu tin vào những lời cáo buộc của cô. Miriam tự coi mình là kẻ bỏ đi và bị lôi cuốn trước những người đàn ông đối xử với cô tệ bạc giống như cha mẹ cô đã từng. Sau khi học xong lớp thư ký, cô được nhận vào làm lễ tân ở một công ty luật – nơi đây cô đã gặp Ed. Lúc đầu, cô không tin vào sự quan tâm mà anh dành cho cô. Cô băn khoăn tự hỏi tại sao lại có người bị cô thu hút? Nhưng dần dần cô đã tin tưởng vào sự rộng lượng và bảo bọc của anh. Sau khi sống với Ed được ba tháng, Miriam nhận lời cầu hôn của anh. Không phải là cô yêu anh say đắm mà anh là người đàn ông đầu tiên khiến cô cảm thấy mình là người tử tế, có giá trị và trong sạch. Một năm sau đó, khi bắt quả tang Ed đang ngủ với thư ký riêng, Miriam đã mất luôn lòng tự tôn vừa mới tìm thấy ở mình. Cô nói với chồng: “Anh từng là người đặc biệt nhất đối với em trên thế gian này, là người bạn tốt nhất của em, là người đầu tiên mà em có thể đặt trọn niềm tin. Em cảm thấy yên tâm tuyệt đối khi ở bên anh và có thể nói với anh bất cứ chuyện gì. Và điều quan trọng hơn cả là anh khiến em tin vào chính mình – rằng em rất ổn, rằng em không có lỗi trong chuyện đã xảy ra thời thơ ấu, rằng em không phải là con người tệ hại. Lần đầu tiên trong đời em cảm thấy mình đặc biệt và biết yêu bản thân, bất chấp những chuyện đã xảy ra. Thế mà giờ đây em nhận ra mình chỉ là thứ rác rưởi bị anh ruồng bỏ”.
Nếu bạn cũng giống như Miriam, bị một người mà bạn từng cảm thấy không thể thay thế được cố tình ruồng bỏ, bạn có thể phán xét bản thân không chỉ ở vai trò làm vợ làm chồng mà còn ở vai trò làm cha làm mẹ. Suy sụp tinh thần vì gia đình tan vỡ, bạn thấy mình không còn quan trọng với con cái và chẳng còn có thể cho ai bất kỳ điều gì, kể cả những người yêu thương và cần bạn nhất.
Nancy, mẹ của một bé gái chín tháng tuổi, thừa nhận: “Tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về việc bỏ đi và để mọi chuyện lại đằng sau. Tôi thấy mình không cạnh tranh nổi với bạn gái của Jim – cô ta thật trẻ trung và tươi tắn. Lẽ nào con tôi lại muốn ở cùng một kẻ thua cuộc như mẹ nó? Tôi có thể đem lại điều gì cho con bé? Tôi không còn thấy mình có giá trị nữa. May mà tôi đã nhận ra mình bị trầm cảm và kịp dứt ra khỏi suy nghĩ này. Có thể tôi không còn ý nghĩa với Jim, nhưng tôi vẫn là người mẹ duy nhất của con gái tôi”.
Nếu bạn thấy mình không còn đặc biệt và có cảm giác mình chỉ là bóng ma của quá khứ giống như Nancy, thì điều quan trọng là bạn phải hiểu rằng ý thức của bạn về bản thân không còn đáng tin cậy khi tâm trí bạn bị vướng víu bởi chuyện ngoại tình của bạn đời. Khả năng nhìn rõ bản thân của bạn giờ đây thấp hơn bao giờ hết.
Mất lòng tự trọng vì tự hạ thấp bản thân và chấp nhận đánh đổi các giá trị cơ bản để giành lại bạn đời: “Tôi sẽ làm mọi thứ để duy trì cuộc hôn nhân này”
Đối với bạn, dường như không có điều gì đáng làm hơn những việc mà bạn đã cố gắng đến kiệt quệ để níu kéo bạn đời sau khi phát hiện họ ngoại tình. Bạn nhận ra rằng chính hành động tuyệt vọng này đã vi phạm những nguyên tắc và giá trị cốt lõi của bạn. Không chỉ người bạn đời ruồng bỏ bạn, mà chính bạn cũng từ bỏ bản thân mình.
Câu chuyện chua xót dưới đây của Jane cho thấy những thái cực mà bạn có thể rơi vào khi muốn giành lại bạn đời bằng mọi giá – điều mà sau này sẽ khiến bạn thấy xấu hổ và giận dữ khi nghĩ lại.
Jane thổ lộ: “Một năm sau khi bị ung thư vú thì tôi biết chồng ngoại tình. Ca phẫu thuật cắt bỏ vú và cấy ghép ngực giả đã giúp tôi lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Nhưng khi Dave thú nhận anh ấy đã qua lại với một phụ nữ khác, tôi suy sụp đến mức không thể ăn uống gì được và sụt cân nhanh chóng. Bên ngực lành lặn của tôi nom còn phẳng lì hơn cả bên ngực giả. Thế là tôi quyết định nâng ngực. Tôi không thể tin được rằng mình ngu ngốc đến vậy. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ mà tôi tham khảo ý kiến đã không hề hỏi tôi lý do muốn nâng ngực, cũng không thông báo cho tôi mối nguy hiểm có thể xảy ra. Một chuyên gia chụp nhũ ảnh đã cảnh báo tôi không nên động dao kéo vào phần mô vú khỏe mạnh vì có thể khiến việc kiểm tra ngực sau này khó khăn hơn, nhưng tôi chẳng nghe và vẫn tiến hành nâng ngực. Tôi cứ nghĩ rằng mọi chuyện xảy ra là do ngoại hình và thể chất của tôi không cạnh tranh nổi với người tình của chồng. Dĩ nhiên là cuối cùng tôi cũng tăng cân trở lại và giờ đây phần ngực khỏe mạnh của tôi trông đầy đặn hơn phần ngực đã bị cắt bỏ và cấy ghép”.
Chồng của Jane đã quay lại và cuộc hôn nhân của họ tiếp tục, nhưng cô vẫn cự tuyệt chính mình. “Những khi ở một mình, tôi tự hỏi: ‘Mình đang ở đâu đây? Mình có còn tỉnh táo không? Tại sao mình lại thấy lạc lõng như vậy? Làm sao mà những điều ưu tiên của mình lại bị đảo lộn hết như thế này?’. Tôi nhìn mình trong gương và cố chắp nối lại những chuyện đã xảy ra”.
Jed, một biên tập viên 33 tuổi đang làm việc tại một nhà xuất bản sách lớn ở New York, cũng đã phải vật lộn với vấn đề tương tự:
“Julie đã hứa với tôi hàng trăm lần là cô ấy sẽ chia tay người tình và lần nào tôi cũng tin. Một lần cô ấy xin tôi cho đi nghỉ cuối tuần với anh ta để họ có thể kiểm nghiệm lại tình cảm, tôi cũng điên rồ mà đồng ý. Dĩ nhiên là cô ấy vẫn tiếp tục gặp người tình. Sau đó thì cô ấy yêu cầu tôi chuyển đến căn nhà nhỏ ven biển của chúng tôi trong vài ngày để hai người họ có thể bên nhau lần cuối trong căn hộ của chúng tôi ở New York. Chị có tin nổi là tôi cũng đồng ý không? Tôi cảm thấy như bị ai đó đày ải, như đang đồng lõa với tội ác.
Vào thời điểm đó, tôi cho rằng mình không có lựa chọn nào khác. Mức lương của tôi rất thấp và tôi không thể tự trang trải nếu ra đi. Nhưng khi đồng ý với điều mà rõ ràng là không thể chấp nhận thì tôi đã thay đổi con người mình rồi. Tôi cảm thấy bị Julie xúc phạm, và tồi tệ hơn nữa là tôi thấy bị chính bản thân mình xúc phạm. Sau đó chúng tôi cũng quay về với nhau, và tôi vẫn đang cố gắng lấy lại sự tự tôn của mình. Ý tôi là tôi đã không đưa ra tối hậu thư cho cô ấy. Tôi hầu như không phản ứng gì cả. Tôi tê liệt như một con thú bị giam cầm. Tôi đoán là cô ấy vẫn quay lại với tôi như những lần trước, và tôi đã đúng. Nhưng tôi chưa bao giờ tự hỏi chuyện đó có ý nghĩa gì với tôi? Cái giá tôi phải trả là gì?”.
Với những ai thấy mình cũng giống như Jane hoặc Jed, thì điều quan trọng bạn cần phải hiểu rằng các giá trị cơ bản của bạn không thay đổi, nhưng sự rối loạn cảm xúc đã khiến bạn tạm thời không thể đưa ra quyết định thấu đáo để bảo vệ bản thân mình. Khi dần nguôi ngoai bạn sẽ có thể nhìn nhận sáng suốt hơn những gì bạn đang trải qua và tại sao bạn lại hành xử như vậy. Nếu bạn cảm thấy bạn đã đánh mất chính mình, hãy yên tâm là bạn không đơn độc và phản ứng của bạn là hoàn toàn tự nhiên với nỗi đau đang phải gánh chịu. Cú sốc tinh thần khiến hầu như tất cả mọi người đều hành xử theo cách mà sau này họ sẽ thấy căm hận bản thân và hối tiếc. Nếu bạn có thể thừa nhận sự phản bội đã thay đổi bạn sâu sắc đến mức nào cả về thể chất lẫn tinh thần thì có lẽ bạn đã biết cách không đánh giá bản thân quá khắt khe.
Mất lòng tự tôn vì không dám nhận rằng mình đã bị đối xử bất công: “Tại sao tôi không làm rõ mọi chuyện?”
Khi nhớ lại quãng thời gian trước khi chuyện ngoại tình vỡ lở, bạn chua xót nhận ra mình đã bỏ qua những mối nghi ngờ hoặc cứ giữ trong lòng mà không chịu làm cho sáng tỏ. Bạn không ngừng tự trách: “Sao mình lại có thể dễ dàng chấp nhận những lần từ chối ái ân của anh ấy nhỉ?”, “Sao mình lại ngu ngốc và hèn nhát đến mức không dám cùng cô ấy đối mặt với sự thật?”. Tất nhiên không phải nghi ngờ nào cũng xác đáng. Không ít người đã ngờ vực thái quá và tưởng tượng ra những điều không đúng sự thật. Tuy nhiên, thường thì không có lửa làm sao có khói.
Khi vợ ngoại tình, Tom không chịu tin rằng trực giác của mình đã cảm nhận được những gì đã xảy ra trong nhiều tháng qua, anh cứ chôn nó trong lòng: “Vợ tôi bán phần mềm máy tính và thường xuyên phải đi công tác. Có một lần cô ấy bay từ London về, tôi đã ra sân bay đón vì nghĩ sẽ dành cho vợ một sự bất ngờ. Thế mà tôi thấy cô ấy cùng sếp đi qua khu hải quan, và từ cái cách anh ta chạm vào eo cô ấy, tôi biết ngay họ đã bồ bịch với nhau. Nhưng tôi đã làm gì? Tôi bỏ đi mà không cho vợ biết mình đã ở đó. Tôi còn gửi hoa cho cô ấy kèm lời nhắn: ‘Anh sợ mình đang mất em’. Khi vợ tôi đọc mẩu giấy, cô ấy chế giễu tôi cứ lo lắng không đâu. Và chị biết không, thật tệ là tôi đã buộc mình phải tin vợ. Tôi bắt đầu nghi ngờ những gì mình đã thấy, dù trong thâm tâm tôi biết đó mới là sự thật”.
Betty, một nhà tâm lý đã kết hôn 11 năm, cũng tự đánh lừa mình bằng điều cô tự huyễn hoặc trong đầu nhằm gạt bỏ những thông tin phiền phức: “Sau khi tham dự một buổi hội nghị ngoài thành phố và trở về nhà, tôi hỏi Jim xem tối thứ Bảy anh ấy đã làm gì. Chồng tôi nói rằng anh ấy mệt và đi ngủ ngay sau bữa ăn tối. Không hiểu sao tôi cũng hỏi cô bảo mẫu đã làm gì tối hôm đó. Cô ấy nói cô ấy đã thức khuya nói chuyện với Jim về sự nghiệp của anh ấy tại bàn bếp. Tôi biết câu chuyện của hai người không khớp nhau nhưng tôi lại không làm gì cả. Tôi chẳng nói gì hết. Nhưng sự thật đã quá rõ ràng kia mà, thật đáng xấu hổ”.
Dave đã kết hôn được bốn năm, anh kể tôi nghe cách mình giải quyết một hành vi gian dối của vợ: “Một ngày nọ, tôi thấy trong xe vợ một bao cao su chưa mở. Nó không phải nhãn hiệu mà chúng tôi thường dùng, thế là tôi chất vấn cô ấy. Cô ấy ngụy biện rằng đó chỉ là mẫu thử được gửi qua thư – một câu chuyện mà ngay cả kẻ ngốc nghếch nhất cũng khó nuốt trôi được. Giờ nghĩ lại tôi mới tự hỏi tại sao mình lại không đối chất cô ấy, tại sao mình không làm rõ sự việc tới cùng”.
Cả Dave, Betty và Tom đều đã tự huyễn hoặc mình và không chịu tin những gì mà ở mức độ nào đó họ biết là sự thật. Họ không chịu thừa nhận điều mình nghi ngờ là xác đáng. Chính vì không thể làm rõ những chuyện đang xảy ra mà họ đã tự làm tổn hại đến bản thân.
Khi biết bạn đời ngoại tình, bạn cũng có thể chuyển sang thái cực khác là cảnh giác cao độ. Dù bạn đời có nói gì làm gì đi nữa, bạn cũng vẫn nghi ngờ và không còn phân biệt được đúng sai. Bạn không chỉ ngờ vực chồng hoặc vợ mình mà còn ngờ vực cả bản thân. Bạn luôn tự dằn vặt: “Chồng/vợ mình đang giấu mình điều gì thế, và mình đang giấu chính mình điều gì thế?”.
Trong chừng mực nào đó, sự chuyển đổi từ mù quáng sang cảnh giác chỉ là một quá trình thích ứng. Tâm trí bạn luôn quanh quẩn với ký ức thương đau để bạn không còn mắc sai lầm trong tương lai. Nếu vợ chồng bạn chia tay, bạn có thể mang theo sự ngờ vực ấy vào mối quan hệ mới. Còn nếu vợ chồng bạn vẫn chung sống với nhau, bạn có thể bớt nghi ngờ nếu chồng/vợ bạn tỏ ra đáng tin cậy, nhưng nỗi ngờ vực đó không bao giờ biến mất hẳn.
Mất khả năng kiểm soát suy nghĩ và hành động: “Làm sao để tôi hết bị ám ảnh và kiểm soát được hành vi của mình?”
Khi cố sắp xếp lại mớ bòng bong đã xảy đến với mình, bạn có thể mất kiểm soát trong suy nghĩ lẫn hành động. Bạn có thể bị ám ảnh nhiều hơn, chăm chăm vào những lời dối trá của bạn đời, soi mói mọi chi tiết của cuộc tình sai trái cũng như nguyên nhân dẫn đến chuyện ngoại tình. Bạn cũng có thể thấy miễn cưỡng khi làm việc và vui chơi, cố gắng nỗ lực trong điên cuồng để xua tan nỗi lo lắng của mình. Tuy nhiên, tất cả những điều này đều không làm bạn thấy nhẹ nhõm.
Làm thế nào để thôi bị ám ảnh?
Vào những lúc như thế này, bạn không thể kiểm soát tâm trí của mình. Nỗi ám ảnh bủa vây bạn, khiến bạn nhìn đâu cũng thấy hình ảnh bạn đời quấn quýt với người tình, và bạn rơi vào những cơn mất ngủ triền miên cũng như không tập trung được vào việc gì.
Kể từ khi phát giác chồng ngoại tình, Lynn trở nên bị ám ảnh bởi chuyện đó. Cô nói: “Tôi luôn có những suy nghĩ lặp đi lặp lại. Tôi giật mình tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng khi mơ thấy chồng mình và người phụ nữ kia quấn quýt trên giường, rồi tôi tự dằn vặt cô ta đã đụng chạm anh ấy như thế nào và anh ấy đã khiến cô ta hưng phấn ra sao. Tôi không thôi nghĩ về nó và cố hiểu rõ vấn đề hơn, nhưng tất cả những gì tôi làm lại chỉ khiến bản thân tôi phát ốm”.
Steve cũng là một người bị tổn thương. Anh đã dành mọi thời gian rỗi để xâu chuỗi các manh mối dẫn đến sự dối trá của vợ. Dù ở một mình hay ở bên vợ, anh vẫn luôn nghĩ: “Ý em là em đã thực sự ở bên anh ta khi em đi công tác vào ngày kỷ niệm của chúng mình tháng 5 năm ngoái?”, “Khi anh bước vào phòng và bắt gặp em nói chuyện điện thoại, có phải lúc đó em đang trò chuyện với anh ta, ngay trong phòng ngủ của vợ chồng mình?”. Steve thổ lộ: “Tôi rất ghét bị lừa dối. Điều đó đã đầu độc tâm trí tôi. Tôi chưa bao giờ có những suy nghĩ kiểu thế này”.
Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy mình đang tưởng tượng ra những cảnh trả thù đầy bạo lực đối với đôi “mèo mả gà đồng” kia. Sự hằn học này chắc chắn không giống với tính cách thường ngày của bạn, nhưng trong trường hợp này thì nó cũng chẳng có gì là bất thường.
Một người chồng bị tổn thương nói với tôi: “Tôi thường cho mình là người khá thoải mái và dễ chịu. Giờ thì tôi lại thấy lòng đầy thù hận. Tôi nghe thấy chính mình xúc phạm vợ và gã đàn ông của cô ấy, tôi muốn bọn họ cũng phải chịu đau khổ. Hôm qua, khi tôi thấy hắn ta băng qua đường, tôi đã nghĩ đến việc cho xe cán chết hắn. Dĩ nhiên, cuối cùng chỉ có chính tôi phải chịu đựng nỗi căm hận ấy. Họ chẳng quan tâm tôi đã phát điên như thế nào đâu”.
Nếu nỗi ám ảnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống tinh thần của bạn, bạn có thể chuyển sang Chương 8 để tham khảo các gợi ý giúp bạn vượt qua. Bạn cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc an thần để giúp bạn dễ ngủ hằng đêm. Đồng thời, hãy cố gắng chấp nhận những gì đang xảy ra bên trong bạn là một phản ứng phù hợp trước cú sốc phát hiện bạn đời ngoại tình. Điều tốt nhất bạn có thể làm trong lúc này là trấn tĩnh lại và cảm thông với nỗi ám ảnh của bạn. Cho dù nỗi ám ảnh ấy không mang đến kết quả gì, nhưng chúng giúp bạn sắp xếp lại trật tự và công lý trong thế giới của mình, tạo cho bạn cảm giác kiểm soát phần nào vấn đề.
Làm thế nào để kiểm soát được hành vi?
Thiếu lòng tin sẽ khiến bạn thiếu kiềm chế và cư xử theo phản xạ mà không có lý do chính đáng.
Marge kể: “Đã sáu tháng trôi qua kể từ khi tôi phát hiện chồng mình vụng trộm với cô trợ lý của anh ấy, và tôi không thể ngăn mình thôi lục lọi túi áo khoác hay ngăn kéo của chồng. Khi anh ấy ngủ, tôi lén đọc các tin nhắn của anh. Tôi đi qua từng nhà hàng và khách sạn mà anh ấy đã đi với người tình. Tôi cũng học được cách theo dõi những nơi anh ấy lui tới trên iPhone. Tôi gọi đến văn phòng của chồng xem anh ấy có ở đó không và nếu không có thì tôi sẽ dùng mật khẩu để nghe trộm thư thoại của anh ấy. Có khi tôi còn thuê thám tử tư điều tra xem chồng tôi có đến nơi mà anh ấy đã nói hay không. Thậm chí tôi còn đếm số viên Viagra để xem chồng mình có còn ai khác nữa không. Tôi biết mình đã mất kiểm soát nhưng dường như tôi không thể ngăn mình dừng lại. Ai đã biến tôi trở thành kẻ rình mò như vậy chứ?”.
Giống như Marge, chắc chắn bạn không muốn làm kẻ ngốc thêm lần nữa. Nếu vợ/chồng của bạn hứa hẹn từ nay sẽ chung thủy, thì trong chừng mực nào đó bạn có thể kiểm soát bạn đời để đảm bảo bạn không đặt niềm tin nhầm chỗ. Tuy nhiên, việc thường xuyên cảnh giác sẽ khiến bạn kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần, đồng thời làm suy giảm lòng tự tôn của bạn. Và chắc chắn, nó cũng không mang lại sự tin tưởng và gần gũi mà bạn đang hy vọng tìm lại.
Kiểm soát bạn đời chỉ là một dạng hành vi thái quá (excessive behavior). Hút thuốc, uống rượu, mua sắm hay “tân trang” bản thân đều là những việc mà bạn cố làm để cảm thấy bớt lo lắng, vơi đi nỗi đau và tự bù đắp cho bản thân.
Bạn cũng có thể thấy mình trở nên buông thả hơn, đôi khi có những kiểu hành xử không phù hợp và vô trách nhiệm, chẳng hạn như trường hợp của Gail: “Vào cái đêm tôi phát giác chuyện ngoại tình của Tom, tôi đã đến quán bar, say xỉn và quan hệ tình dục không an toàn với một người lạ – tôi còn không biết anh ta tên gì nữa. Ngày hôm sau tôi đi dự đám cưới và ve vãn chồng của cô bạn cùng phòng thời đại học. Tôi phát điên quá rồi! Thậm chí tôi còn cố chèo kéo một anh chàng ngồi cạnh trên tàu điện ngầm. Thật nhục nhã khi tôi rẻ rúng bản thân mình như vậy. Cách hành xử của tôi không phải là phi lý hay đồi bại, mà nó rất ngu ngốc và có tính tự hủy hoại bản thân. Kiểu như, vì tôi bị tổn thương nên tôi phải cho cả thế giới biết là tôi chẳng còn thiết tha gì nữa; hay vì tôi bị đối xử như người vô hình nên tôi cũng phải đối xử với người khác y như vậy. Tôi cay đắng đến mức chỉ muốn xóa sạch mọi điều tốt đẹp, kể cả bản thân mình”.
Một dạng hành vi mất kiểm soát khác mà chúng ta thường gặp là tập thể dục và ăn kiêng quá mức. Mặc dù những việc này cũng đem lại một số lợi ích trước mắt – như bạn có thể cải thiện sức khỏe, có thân hình cân đối hơn và giải tỏa được những căng thẳng đang dồn nén – nhưng bạn cũng nên nhận ra rằng trong trạng thái tinh thần suy sụp, bạn không có khả năng đánh giá sức hấp dẫn ngoại hình của mình. Cứ nâng tạ cật lực hoặc ăn rau xanh nhiệt tình nếu làm vậy khiến bạn thấy dễ chịu. Nhưng hãy hiểu rằng, không có bài tập hay chế độ ăn nào có thể giúp bạn giải quyết được tận gốc vấn đề của nỗi lo sợ bị bỏ rơi và cảm giác muốn hủy hoại bản thân.
Một loại hành vi mất kiểm soát nữa là tìm người có sức ảnh hưởng đến bạn đời và nhờ cậy họ giúp bạn cứu vãn hôn nhân. Những người này trở thành tấm phao cứu sinh giúp bạn duy trì hy vọng. Và cũng giống như tập thể dục quá mức, việc này khiến bạn ảo tưởng rằng bạn có quyền kiểm soát, hoặc chí ít là cũng có thể tác động lên cuộc hôn nhân của mình. Thật khó mà ngồi yên và chứng kiến cuộc đời mình đổ sụp.
“Tôi đã điên cuồng níu kéo Glenn và thế là tôi dành hàng giờ để kiểm soát chặt chẽ mọi mối quan hệ của anh ấy”, Abbey nhớ lại. “Tôi đã gọi cho bố mẹ chồng, gọi cho một số bạn bè thân nhất của Glenn và cầu xin họ khuyên nhủ anh ấy. Tôi cũng gọi các anh trai và chị dâu của anh ấy, thậm chí cả linh mục. Tôi dọa sẽ đem bọn trẻ ra đi nếu cuộc hôn nhân của chúng tôi tan vỡ – thực tế thì tôi sẽ không bỏ đi mà tôi chỉ muốn tác động đến bố mẹ chồng, bởi họ không chịu nổi cảnh mất cháu nội nên sẽ gây áp lực để Glenn ở lại với tôi. Tôi cố gắng vùng vẫy trong tuyệt vọng, tôi không cam chịu chỉ chờ đợi và cầu nguyện chồng hồi tâm chuyển ý”.
Có người lại thấy bản thân mình cứ thay đổi liên tục giữa các thái cực, mới một phút trước còn quyết tâm cứu vãn mối quan hệ, rồi bây giờ lại quyết liệt đòi kết thúc tất cả. Tina – một người vợ bị tổn thương – đã giải thích: “Tâm trạng của tôi không ngừng thay đổi. Khi thức dậy, tôi chẳng muốn dính dáng gì tới chồng nữa và tránh anh ấy càng xa càng tốt. Nhưng chỉ một tiếng sau là tôi lại yêu chồng đến chết đi được và muốn tận hưởng từng giây phút bên anh. Tôi luôn tự hỏi: ‘Anh ấy có đáng để mình giành lấy như vậy không?’. Khi tôi trả lời ‘có’, tôi cư xử rất ngọt ngào, đáng yêu và nấu cho chồng những món mà anh ấy yêu thích. Tôi sẽ không tạo điều kiện để anh ấy từ bỏ tôi. Nhưng sau đó tôi lại tự vấn: ‘Mình thực sự muốn gã đàn ông này à? Anh ta thật ghê tởm!’. Thế là tôi gọi cho luật sư để bàn bạc quyền lợi khi ly hôn. Không phải là tôi không thể quyết định, mà là tôi không thể ngừng đưa ra quyết định”.
Để lái bản thân theo hướng tích cực và giải tỏa nỗi cô đơn, bạn có thể gặp gỡ hết người này đến người kia, những người chẳng có ý nghĩa gì với bạn. Cũng giống các loại hành vi mất kiểm soát khác, sự “đắm đuối” như thế này đóng vai trò một liều thuốc giải độc tạm thời cho cảm giác bất an và trống rỗng trong bạn. Nhưng nếu bạn muốn kiểm soát được bản thân, bạn cần sống chậm lại, đương đầu với nỗi đau, tìm hiểu lý do dẫn đến chuyện ngoại tình và quyết định xem bạn muốn làm gì với nó.
Thật đáng sợ khi bạn cảm thấy không thể kiểm soát tinh thần và thể chất của bản thân, rằng tâm trí của bạn không thể suy nghĩ thấu đáo về mọi hành vi của mình. Tuy nhiên, hãy yên tâm là dù bạn cảm giác bản thân mình kỳ quặc nhưng hành vi của bạn thì không kỳ quặc chút nào.
Mất niềm tin về sự công bằng: “Cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa”
Bạn có thể nghĩ rằng bạn đã hiểu hết nhân tình thế thái và nhờ vậy mà bạn có thể kiểm soát cuộc sống của mình. “Ở đời có vay có trả”, “gieo nhân nào gặp quả đấy” – những câu nói này dường như không thể nào bác bỏ. Tuy nhiên, khi bạn biết chồng hoặc vợ mình ngoại tình, niềm tin của bạn vào trật tự và công bằng bị tan vỡ, cùng với đó là những điều tốt đẹp và ý nghĩa mà bạn từng nghĩ về bản thân cũng như cuộc đời cũng tan tành theo mây khói.
Khi niềm tin bị lung lay, bạn buộc phải nghĩ lại xem rốt cuộc điều gì mới là công bằng và đúng đắn trong mọi khía cạnh cuộc sống, kể cả tình yêu và hôn nhân. Có thể bạn chưa bao giờ tìm hiểu kỹ những giả định này, nhưng một khi giữa chúng xảy ra mâu thuẫn thì bạn mới biết mình phụ thuộc vào chúng quá nhiều. Bạn tin rằng nếu bạn làm X thì nhận được Y – nghĩa là bạn có thể dự liệu trước và sau đó làm những gì cần thiết để được yêu thương, và điều đó khiến bạn thấy yên tâm đồng thời có niềm tin vào cuộc sống. Nhưng giờ đây, bạn lại thấy không kiểm soát được gì nhiều niềm hạnh phúc của mình, cũng không thể trông cậy gì mấy vào sự đối xử công bằng từ người khác, ngay cả ở người mà bạn yêu thương.
Khi Sam biết vợ mình ngủ với tay thợ mộc chỉ mới 23 tuổi, cả thế giới của anh như nổ tung. Anh nói: “Tôi nghĩ mình cơ bản là một người chồng tử tế, được vợ yêu thương. Tôi toàn tâm toàn ý với vợ và luôn cố gắng đỡ đần cô ấy, khi thì giúp làm việc nhà, khi thì hỗ trợ cô ấy làm luận văn tốt nghiệp. Tôi còn cố gắng cư xử điềm đạm và ân cần ngay cả khi cô ấy không làm được như vậy. Mẹ tôi từng nói: ‘Hãy đối xử tốt với vợ, và con sẽ được yêu thương’. Đúng là nực cười! Có thể tôi đã thất bại trong việc chinh phục vợ ở khía cạnh nào đó, nhưng cô ấy không bao giờ thổ lộ hoặc cho tôi cơ hội thay đổi. Giờ thì tôi cảm thấy bị lừa dối. Tôi thấy có làm người tốt cũng chẳng được lợi lộc gì cả, thực tế thì có khi còn bị ăn đá. Tôi ghét vợ vì những gì cô ấy đã làm với tôi. Tôi trở nên cay độc và ích kỷ, và tôi ngờ rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn thấy ai tốt đẹp hoặc tin vào tình yêu nữa”.
Cũng như Sam, trước khi cảm xúc bị chao đảo vì chuyện ngoại tình, có lẽ bạn có một số giả định thường thấy về quan hệ vợ chồng:
• Tôi hiểu rõ cuộc hôn nhân của mình.
• Về cơ bản, nếu tôi là một người tử tế và đáng yêu thì tôi sẽ được yêu lại.
• Nếu tôi là một người chồng/người vợ tốt thì cuộc hôn nhân của tôi sẽ bền vững.
• Tôi biết mình cần làm gì để bạn đời hạnh phúc.
• Tôi có thể tin tưởng người bạn tốt nhất của mình.
Những ý tưởng này vốn rất rõ ràng, nhưng bây giờ chúng có thể biến bạn thành một kẻ khờ. Tuy vậy, thay vì từ bỏ chúng, bạn lại đâm ra nghi ngờ phẩm chất, phép tắc ứng xử và quan điểm của mình. Khi cố tìm hiểu mọi thứ, có thể bạn bắt đầu tin rằng mình đã nhận được những gì mình đáng được nhận.
Chán nản và bối rối, bạn có thể cho rằng cuộc đời này không tuân theo những nguyên tắc mà bạn từng cho là đương nhiên hoặc bạn không lường được. Có lẽ sau này – chứ bây giờ thì không – bạn mới thấy mình đã phóng đại và vơ đũa cả nắm những quan điểm này. Thực sự thì bạn không cần phải cay nghiệt với bản thân, hay đay nghiến cuộc đời như thế.
Mất đức tin: “Sao Chúa cũng bỏ rơi tôi?”
Một số người khi đang cố biện bạch cho nỗi đau khổ của mình, có thể cảm thấy dường như Chúa cũng trừng phạt và bỏ rơi họ. Như Rabbi Harold Kushner đã viết trong cuốn When Bad Things Happen to Good People (tạm dịch: Khi người tốt cũng phải chịu khổ đau), câu hỏi mà mọi người thường đặt ra khi gặp điều bất hạnh là: “Nếu Chúa có thật trên đời, nếu Ngài có chút công bằng tối thiểu chứ chưa nói đến yêu thương và tha thứ, thì sao Ngài lại làm như vậy với tôi?”.
Dù bạn nghĩ thế nào đi nữa – Chúa tàn nhẫn đã phản bội bạn, Chúa thờ ơ đã bỏ rơi bạn, Chúa công bằng thì thấy bạn không xứng đáng và chỉ ban cho bạn những gì bạn đáng được nhận – bạn vẫn thấy như mình bị cướp đi niềm an ủi tâm linh mà bạn từng có. Bạn thấy cô đơn và thiếu thốn hơn bao giờ hết.
Đức tin của bạn càng bị sụt giảm trước những gì mà bạn xem là sự vô cảm và xa cách của những người truyền bá đức tin, trước nỗi mất mát gia đình thiêng liêng vốn là chỗ dựa tinh thần và cũng là nơi giúp bạn hình thành nên thế giới quan của mình. Và khi tìm đến các bậc tiền bối trong cộng đồng để xốc lại tinh thần, để củng cố các giá trị truyền thống hoặc để cảm thấy dễ chịu hơn, bạn có thể lại tiếp tục thấy thất vọng ghê gớm.
Một số người có thể viện đến những lý thuyết cũ mèm vô vị, chẳng hạn nói với bạn rằng nếu bạn tha thứ, bạn sẽ được tha thứ. Những người khác thay vì ủng hộ giúp đỡ bạn, lại quan tâm về việc quyên góp và đi lễ nhà thờ của bạn hơn. Dĩ nhiên cũng có người thông cảm và hỗ trợ bạn, nhưng không ai có thể an ủi được bạn vào lúc này.
Chồng Rachel là người ngoại tình, nhưng chính cô lại là người rời xa tôn giáo của mình. Cô nói:
“Đức tin luôn quan trọng đối với tôi. Tôi là người đứng đầu một nhóm các gia đình Do Thái ở địa phương còn chồng tôi là một nhà lãnh đạo cộng đồng Do Thái khả kính. Vậy mà anh ấy lại chuyển đến sống cùng một cô gái không phải người Do Thái. Tôi không biết là tôi đã trốn tránh mọi người hay là mọi người tránh né tôi, nhưng tôi cảm thấy mọi người trong cộng đồng, kể cả vị thầy đạo, đều cự tuyệt mình. Có lần tôi nhìn thấy vị thầy đạo của tôi đang khoác tay chồng tôi. Tôi cứ nghĩ rằng ông ấy sẽ đến gặp tôi và an ủi, nhưng ông ấy không làm thế. Khi ông ấy vẫn tiếp tục không nói gì với tôi – không lời khuyên hay một lời an ủi – thì tôi quyết định: ‘Đời là thế đấy. Mình không muốn làm người Do Thái giáo nữa’. Tôi đã từ bỏ tôn giáo của mình để thoát khỏi nỗi đau”.
Đối với bạn, cũng như đối với Rachel, việc bị các nhà lãnh đạo tâm linh làm cho thất vọng có thể biến đức tin của bạn thành trò hề và Thượng Đế của bạn trở thành bù nhìn, xa cách và bất lực. Dù thế nào đi nữa thì bạn đều cảm thấy bị bỏ rơi bởi một chỗ dựa tinh thần quen thuộc và sâu sắc. Hãy ráng nhớ rằng đó là những cảm giác thông thường trong giai đoạn này và đừng dự cảm rằng bạn đã mất đức tin vĩnh viễn.
Mất kết nối với người khác: “Tôi có thể tâm sự với ai? Còn ai ở bên tôi?”
Cảm giác xấu hổ và tự ti có thể khiến bạn nghĩ rằng mọi người đang nói về bạn và tránh bạn như tránh hủi – tại sao họ không còn gọi điện hỏi thăm và rủ bạn đi chơi?
Một phần trong bạn muốn nói cho cả thế giới biết bạn đã bị tổn thương như thế nào, nhưng phần khác của bạn lại muốn giữ im lặng và gặm nhấm nỗi cô đơn. Có khi bạn khao khát được công nhận là người đáng yêu, bạn bám lấy bất kỳ ai chịu lắng nghe câu chuyện của bạn và thừa nhận rằng bạn chính là người bị hại. Có khi bạn lại tự cô lập bản thân, bị lòng kiêu hãnh thôi thúc nên lo sợ bị chế giễu và khăng khăng bảo vệ chính cái người đã lừa dối mình.
Mary là con gái của một chủ ngân hàng đầu tư nổi tiếng, cô được dạy phải giữ bí mật gia đình và tự mình giải quyết vấn đề. Khi phát hiện chồng ngoại tình, Mary rất muốn tìm đến người thân và bạn bè để giãy bày nỗi đau, nhưng thay vì vậy cô lại tự cô lập mình. Cô nhớ lại: “Sau những gì tên khốn đó làm với tôi thì thật không thể tin là tôi xem mình phải có bổn phận bảo vệ thanh danh của hắn”. Nhưng khi chồng tiếp tục thói lăng nhăng, Mary đã cho phép mình tìm kiếm sự hỗ trợ của đồng minh. Cô nói: “Tôi mặc kệ hắn ta tự lo liệu lấy thanh danh của mình”.
Nếu ba mẹ của bạn còn sống, có thể bạn sẽ rất đau khổ khi tâm sự với họ. Dù bạn quyết định làm gì đi nữa thì vẫn có những mối rủi ro khiến bạn phải tự chất vấn: “Nếu ba mẹ mình biết chuyện thì sau này các cuộc họp mặt gia đình có gượng gạo không? Lỡ họ ác cảm với vợ/chồng mình thì sau này cô ấy/anh ấy có gặp khó khăn gì không nếu bọn mình không ly hôn? Mình có thực sự muốn ba mẹ biết chuyện vợ chồng mình đang trục trặc không? Mình có muốn dựa dẫm ba mẹ để được bảo bọc lần nữa? Mình có thể chịu được lòng thương hại, sự phản đối và lời chê trách của họ không? Mình có muốn kể với ba mẹ những chi tiết rối rắm và nhục nhã của vụ ngoại tình này không? Nếu mình quay trở lại làm đứa con bé bỏng trong vòng tay ba mẹ, thì sau nay mình sẽ thoát ly họ như thế nào đây?”.
Nếu bạn là cha mẹ, hẳn bạn sẽ đau lòng lắm khi nói chuyện với con mình. Bạn trăn trở: “Bắt bọn trẻ phải chịu đựng sự thật tồi tệ này có phải là quyết định khôn ngoan không? Phải chăng chúng còn quá bé để hiểu?”. Bạn mong muốn được bọn trẻ cảm thông, nhưng lại lo lắng chúng sẽ quay ra chống đối ba hoặc mẹ. Một mặt bạn nói: “Đúng vậy, tôi muốn đầu độc mối quan hệ của bọn trẻ với kẻ đã làm tôi đau khổ. Tôi muốn bọn trẻ sẽ yêu thương tôi nhiều hơn”. Nhưng mặt khác, bạn biết mỗi bậc cha mẹ đều là hình mẫu không thể nào thay thế trong lòng con trẻ, và bọn trẻ học cách làm người lớn từ cả cha lẫn mẹ. Thế là bạn quay cuồng với ý nghĩ là bạn đang buộc chúng phải chia cắt lòng trung tín: “Chẳng lẽ mình lại muốn các con lớn lên với nhận thức sai lệch về bản thân hay sao? Liệu sự thật sẽ ảnh hưởng thế nào đến suy nghĩ của con về chính bản thân con? Liệu bọn trẻ có nhiều khả năng sẽ ngoại tình hơn khi lớn lên hay không? Liệu chúng có tránh né những mối quan hệ gần gũi của riêng chúng sau này? Bọn trẻ có đổ lỗi cho bản thân vì chuyện đã xảy ra? Lẽ ra nếu mình có thể nhanh chóng hàn gắn hôn nhân thì con mình sẽ chẳng bao giờ phải biết đến sự thật cay đắng này”.
Bạn cũng lo lắng về việc trút bỏ gánh nặng của mình lên bạn bè. Bạn băn khoăn: “Có tin được là bọn họ sẽ giữ kín bí mật cho mình không nhỉ? Mình có đang tung hê chuyện riêng không đấy? Chẳng ai thích giao du với một cặp vợ chồng lục đục, thế thì mình lại phải ngồi nhà vào mỗi tối thứ Bảy hay sao? Những người bạn mà mình tâm sự có thể buông lời xúc phạm vợ/chồng mình, có thể vì chính họ cũng thấy phẫn nộ hoặc vì họ muốn giúp mình thấy dễ chịu hơn, vậy chuyện đó có làm đôi bên khó xử nếu sau này lại tụ tập với nhau không? Tệ nhất là nhỡ ai đó lại thông cảm với vợ/chồng mình thì sao?”.
Nên nhớ rằng có một số người coi chuyện ngoại tình như một căn bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ vợ chồng của họ nếu họ quá thân thiết với bạn. Vì những người này xem chuyện không chung thủy là chủ đề cấm kị, nên đừng quá kỳ vọng vào họ cũng đừng lạnh nhạt với họ. Có khả năng là họ sợ những điều mà họ không hiểu, cũng có thể mối quan hệ hôn nhân của họ mong manh hơn họ nghĩ.
Hầu hết bạn bè đều muốn giúp đỡ và an ủi bạn, nhưng đơn giản là họ không biết nói gì hoặc mở lời như thế nào. Đi dự đám tang thì còn có sẵn lời chia buồn để nói, chứ trước chuyện ngoại tình thì đến cả người bạn thân nhất cũng không biết nói sao cho bạn vơi bớt nỗi đau. Và khi không chắc mình nên nói hoặc làm gì thì họ có thể lảng tránh hoặc cắt ngang lời bạn. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra được rằng bạn bè đang tìm những tín hiệu từ phía bạn cho thấy bạn muốn có người bầu bạn chứ không muốn đơn độc. Thường thì họ lảng tránh vì họ tôn trọng mong muốn được riêng tư của bạn. Bạn cần lôi kéo họ bước vào cuộc sống của mình.
Có thể một số trong các bạn muốn nói chuyện với chuyên gia tư vấn – một người ẩn danh, trung lập, biết lắng nghe và có thể giúp đỡ. Đây có vẻ là chỗ dựa hợp lý nhất nhưng không phải là không có vấn đề. Một người vợ bị phản bội đã chia sẻ: “Tôi hẹn gặp chị cả tháng trời và tôi nghĩ chị sẽ sốc với những bí mật của tôi”. Cuối cùng, khi đến gặp tôi, cô ấy kể tất tần tật với tôi về cuộc tình hiện tại của chồng nhưng lại chẳng đả động gì đến hàng loạt cuộc tình một đêm trước đó. Cô thừa nhận: “Nghe thì thật điên rồ, tôi sợ chị khuyến khích tôi bỏ chồng và tôi không chắc là mình muốn bỏ anh ta”. Cô ấy cho rằng nếu gặp tôi để được tư vấn thì cô ấy buộc phải quyết định rằng mình có muốn chấm dứt hôn nhân hay không, trong khi tất cả những gì cô thực sự muốn là làm rõ cảm giác yêu ghét của mình (điều này sẽ được đề cập thêm trong Chương 3 và 4). Kết thúc buổi tư vấn đầu tiên, cô ấy đứng dậy và nói: “Giờ thì tôi nhận ra vì sao mình lại ở đây rồi. Tôi cần nói ra và chọn lọc cảm xúc của mình về những gì đã xảy ra với tôi. Tôi không cần biết tất cả những chuyện này sẽ đi đến đâu. Tôi ở đây vì chính tôi, để mang tôi trở lại cuộc sống”.
Mở lòng với người khác cũng có mặt trái của nó. Cha mẹ, con cái, bạn bè hay chuyên gia tư vấn – tất cả họ đều có thể giúp bạn vào thời điểm khó khăn này, nhưng họ cũng có thể đem lại cho bạn cảm giác xa cách. Thật khó mà biết được nên tin ai và nên tâm sự bao nhiêu là đủ. Chẳng có quy tắc nào và cũng chẳng thể nói đúng sai trong chuyện này. Tất cả những gì bạn có thể làm là hãy suy nghĩ thật thấu đáo về những hậu quả có thể xảy ra nếu bạn tiết lộ bí mật. Không ai có thể cân nhắc giữa rủi ro và nhu cầu của bạn ngoài chính bạn.
Dù bạn quyết định thế nào đi nữa thì hãy thận trọng với việc tự cô lập bản thân và theo đuổi lối sống cô độc. Nếu bạn cho rằng bạn bè thân thiết cũng không muốn bạn ở bên, hoặc bạn luôn phải tỏ ra sôi nổi khi giao thiệp với mọi người thì bạn sẽ khiến bản thân mình thêm lẻ loi hơn và tự cự tuyệt sự an ủi mà bạn đang rất cần. Nếu bên bạn có những người toàn tâm toàn ý với bạn thì hãy tìm đến họ, cho dù lúc đầu bạn có thể thấy e dè và khó xử.
Mất mục đích, kể cả nghị lực sống: “Đôi khi lái xe về nhà, tôi chỉ muốn đâm vào đâu đó để chấm dứt nỗi đau cùng cực này .”
Khi bạn không thể hình dung được mình còn có thể yêu và được yêu hay không, khi bạn thấy bản thân hay cuộc sống của mình không còn giá trị gì, khi sống mà không bằng chết, thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu bạn có ý nghĩ tự vẫn. Phản ứng bi thảm nhất cho chuyện ngoại tình của chồng hay vợ chính là bạn mất đi ý chí sống.
Paula là mẹ của một bé gái thiểu năng trí tuệ. Khi mang thai lần thứ hai, cô biết được chồng mình lên giường với Sybil, người bạn thân nhất của cô. Paula kể lại:
“Thế rồi một ngày nọ tôi mất luôn ý chí sống. Tôi không tìm ra được lý do gì để tồn tại trên cõi đời này nữa. Tôi thấy mình thất bại hoàn toàn. Sybil vừa sành điệu vừa gợi cảm. Hai người mà tôi từng nghĩ là thân thiết nhất của tôi lại phản bội tôi. Tôi thấy đứa con bé bỏng chưa chào đời xứng đáng được hưởng nhiều hơn những gì mà tôi và cuộc đời có thể mang lại cho nó. Vậy là tôi đóng cửa nhà xe, cho con gái lớn ngồi bên cạnh trong xe và nổ máy.
Tôi nghĩ nỗi đau và lòng hận thù đã khiến tôi quẫn trí. May mà tôi kịp nhận ra mình đang làm chuyện dại khờ, rằng tôi phải sống vì các con tôi và có lẽ chồng tôi cũng đã hành động thiếu suy nghĩ. Trong chừng mực nào đó, tôi hiểu anh ấy phạm lỗi lầm là vì đang cố trốn tránh trách nhiệm với con gái của chúng tôi và lo lắng cho sức khỏe của đứa con kế tiếp. Tôi quyết định chia sẻ những điều này với anh và chúng tôi lại về bên nhau, hàn gắn hôn nhân”.
Cũng như với Paula, nhiều người cảm thấy hiếm có nỗi đau nào tàn khốc hơn sự phản bội của bạn đời. Dù vậy, hãy nhớ rằng cơn trầm cảm cũng giống như làn sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn, khiến bạn có ý nghĩ kết liễu thay vì phải hành động để vượt qua nỗi đau. Nếu bạn cảm thấy nguy hiểm cho bản thân và người khác, bạn có thể đi vào phòng cấp cứu bệnh viện hoặc gọi cho bạn bè và thông báo: “Tôi đang đau khổ cùng cực, xin hãy bảo vệ tôi”. Bởi lẽ, điều bạn muốn giết chết không phải là bản thân mà là nỗi đau của mình.
Việc của bạn bây giờ là cố hết sức chịu đựng nỗi tuyệt vọng, kể cả khi bạn chưa biết cách nào để giải tỏa nó. Có thể lúc này đây bạn không tin điều này, nhưng bạn phải có niềm tin rằng theo thời gian, bạn có thể học lại được cách xem trọng bản thân và phát triển các mối quan hệ đáng tin cậy với những người quan trọng trong đời bạn.
Một bên dứt áo, một đàng níu chân
Đàn ông và phụ nữ có xu hướng gán ghép những ý nghĩa khác nhau cho chuyện ngoại tình của vợ/chồng mình, và điều này góp phần tạo nên phản ứng cảm xúc khác nhau của mỗi bên. Điều quan trọng là bạn đừng vơ đũa cả nắm, bởi lẽ điều đúng với người này chưa chắc lại đúng với người kia. Tuy nhiên, không phải vô căn cứ khi nói rằng mỗi giới đều có những phản ứng chung điển hình. Nhận thức được những khác biệt về sinh học và quan điểm sống của mỗi phái, dù không hẳn là chính xác hoàn toàn, cũng sẽ làm sáng tỏ phản ứng của bạn trước chuyện ngoại tình, giúp bạn cảm thấy bớt đau khổ bớt cô đơn cũng như giúp vợ/chồng bạn hiểu rõ bạn hơn.
Nói chung, phụ nữ thường cố hàn gắn và giữ gìn hôn nhân, còn đàn ông thì thường muốn chấm dứt và tìm người khác thay thế. Phụ nữ có xu hướng tuyệt vọng và dày vò bản thân, còn đàn ông lại nổi giận và tấn công tình địch thô bạo, dù chỉ trong tưởng tượng. Phụ nữ thường quy kết chuyện ngoại tình là do mình không xứng đáng với chồng, còn đàn ông lại cho rằng do mình không giỏi làm tình. Phụ nữ có thể cường điệu tính nghiêm trọng của chuyện ngoại tình và mất nhiều thời gian để chữa lành vết thương lòng, còn đàn ông có thể kìm nén nỗi đau để sống tiếp cuộc đời của họ.
Khác biệt thứ nhất: Phụ nữ cố giữ mối quan hệ, đàn ông chỉ muốn bỏ đi
Phụ nữ: “Có lẽ chúng ta giải quyết được chuyện này”.
Đàn ông: “Đừng hy vọng quay trở lại”.
Khi phụ nữ là người chịu tổn thương, cô ấy thường cố gắng duy trì mối quan hệ – một phần vì phụ nữ được dạy phải biết làm hài lòng người khác và hy sinh. Đàn ông có xu hướng cắt đứt nỗi đau và tìm người thay thế – một người sẽ đem lại tình yêu và sự quan tâm mà anh ấy cho rằng mình xứng đáng được hưởng. Thường thì phụ nữ im lặng hoặc che giấu cảm xúc của mình khi bị tổn thương. Với áp lực lúc nào cũng phải tỏ ra hòa thuận, họ thường chế ngự con người thật của mình và để nội tâm phải gào lên: “Tôi cần nhiều hơn thế này”. Xã hội chúng ta thường quan niệm rằng thiên chức cũng như thước đo giá trị của phụ nữ nằm ở việc họ có thể giữ gìn mối quan hệ với người khác hay không.
Một nghiên cứu thú vị đã cho thấy khi hỏi các bé gái khoảng 8 tuổi rằng chúng cảm thấy như thế nào khi bị các bé trai đối xử không tốt, các bé gái nói rằng mình tức giận và lên tiếng; nhưng cũng chính những bé gái này khi vào khoảng 12 tuổi, và cũng với câu hỏi này, lại trả lời: “Em không biết nữa”. Nghiên cứu này cho thấy khi nhiều tuổi hơn, nhiều phụ nữ không còn tin vào trực giác của họ nữa trước việc bị đối xử bất công. Nếu bạn là người phụ nữ không thừa nhận sự phản bội của chồng đang gây hại cho bạn như thế nào, nếu bạn không dám nói thẳng và không cho phép mình bộc lộ cảm xúc tiêu cực chỉ để cố duy trì hôn nhân, nếu bạn sợ vạch mặt người khác, thì bạn lại được cho là người có giáo dục.
Một lý do khác khiến nhiều phụ nữ tìm cách hàn gắn hôn nhân ngay cả khi nó đã đổ vỡ là vì họ tin và sợ mình phải sống cô đơn. Cuộc nghiên cứu về hôn nhân nổi tiếng năm 1986 của các nhà nghiên cứu Bennett, Bloom và Craig đến từ Đại học Harvard và Đại học Yale cho biết, những phụ nữ học đại học đã trì hoãn việc kết hôn để chăm lo đường học hành và sự nghiệp thì sau này họ cũng rất khó tìm được người để kết hôn. Thông tin này đã khiến phụ nữ rơi vào trạng thái hoảng sợ về tình trạng thiếu đàn ông độc thân. Mặc dù năm 1991, Susan Faludi đã chỉ ra rằng kết quả nghiên cứu trên đã bị phóng đại quá mức, nhưng cho đến nay nó vẫn khiến phụ nữ tin rằng cơ hội kết hôn của họ sau tuổi 40 là bằng 0.
So với đàn ông, phụ nữ khi ly hôn chịu thiệt hại kinh tế nhiều hơn, phần vì họ gánh vác trách nhiệm nuôi con nhỏ, phần vì chồng cũ của họ thường có nhu cầu chi tiêu cá nhân như mua xe hơn là chu cấp cho con cái. Dù khoảng cách thu nhập giữa hai giới đang thu hẹp thì phụ nữ vẫn có xu hướng làm những công việc ở cấp bậc thấp hơn hoặc làm vị trí tương đương nhưng được trả lương ít hơn – chỉ bằng khoảng 77% so với nam giới. Chính vì những lý do thực tế này mà nhiều phụ nữ phải cố duy trì cuộc hôn nhân của họ.
Từ xưa đến nay, đàn ông vẫn thường an toàn hơn về mặt tài chính, nên họ tin là có thể tìm được người khác thay thế và ít có khả năng níu kéo người vợ ngoại tình quay trở lại. Đàn ông cũng ít định vị bản thân là phải có hôn nhân viên mãn nên họ cũng không thấy mất mát gì nhiều khi hôn nhân tan vỡ. Phụ nữ thường im lặng và ở lại, còn đàn ông thì bỏ đi – họ chữa vết thương lòng bằng cách xóa bỏ triệt để nỗi đau.
Khác biệt thứ hai: Phụ nữ buồn khổ, đàn ông giận dữ
Phụ nữ: “Tôi đã thất bại trong mối quan hệ quan trọng nhất của cuộc đời mình”.
Đàn ông: “Nếu chạm mặt với gã tình nhân của vợ, tôi sẽ giết chết hắn”.
Trước chuyện ngoại tình, phụ nữ thường tự làm khổ mình, còn đàn ông lại trút cơn giận lên kẻ đã làm họ tổn thương, ít nhất là trong tưởng tượng.
Theo các số liệu gần đây do Mayo Clinic thu thập, phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm gấp hai lần nam giới, lý do là họ có khuynh hướng tự chỉ trích bản thân thay vì buộc tội người khác. Một lý do nữa là phụ nữ thường tự ràng buộc mình trong mối quan hệ với người khác và đánh đồng giá trị bản thân với việc được yêu thương. Khi hôn nhân trục trặc hay đổ vỡ, phụ nữ dễ bị trầm cảm và hạ thấp bản thân, không chỉ vì cô ấy mất chồng mà còn vì đánh mất cả chính mình.
Trái lại, đàn ông thường hướng cơn giận dữ vào vợ hoặc người tình của vợ hơn là vào chính mình. Những người đàn ông có tính gây hấn thường phải cố kiềm chế để không có hành động bạo lực, nhưng ngay cả những người thụ động và sống nội tâm cũng thường mơ thấy mình tấn công tình địch. Trong cả hai trường hợp, cơn giận dữ cho phép đàn ông cảm thấy mạnh mẽ và nắm quyền kiểm soát, tránh được những cảm giác như xấu hổ và hoài nghi bản thân. Một số người muốn xem vợ chỉ là nạn nhân đã bị gã tình nhân hấp dẫn kia thao túng. Bằng cách hướng cơn thịnh nộ vào “tên đồi bại” đó, đàn ông tránh được việc phải đối mặt với nỗi đau đớn rằng vợ mình ngoại tình vì không hài lòng với chồng.
Khác biệt thứ ba: Phụ nữ thấy mình làm vợ chưa tốt, đàn ông thấy mình làm tình không giỏi
Phụ nữ: “Tôi không phải người vợ tốt. Tôi không thể làm chồng mình vừa ý”.
Đàn ông: “Năng lực tình dục của tôi còn hạn chế. Tôi không thể thỏa mãn vợ mình”.
Là phụ nữ, có thể bạn cho rằng chồng phản bội là do bạn còn nhiều thiếu sót chứ không phải vì chuyện chăn gối trên giường. Bạn có thể cho rằng chồng ngoại tình vì tình yêu chứ không phải chỉ vì tình dục, và sự cuốn hút về cảm xúc còn lớn hơn cả sức hấp dẫn của thể xác. Do đó, bạn có thể nghiêm trọng hóa chuyện ngoại tình của chồng còn hơn cả chồng. Khi anh ấy khẳng định: “Anh chưa bao giờ yêu người nào khác, anh chưa bao giờ muốn cuộc hôn nhân của chúng mình tan vỡ. Chuyện bồ bịch lăng nhăng kia chẳng có ý nghĩa gì với anh”, thì phải mất một khoảng thời gian bạn mới có thể hiểu và tin lời chồng, nhưng cũng có thể bạn cần cân nhắc xem anh ấy có trung thực hay không.
Là đàn ông, bạn lại có xu hướng nghĩ rằng vợ ngoại tình vì cô ấy được thăng hoa hơn trong chuyện ái ân với người khác. Đây là suy diễn khiến bạn thấy mình không đủ sức hút và trở nên ghen tuông, có thể hành xử đầy bạo lực với vợ hoặc người tình của vợ. Trong hôn nhân, trừ chuyện tình dục, đàn ông thường bỏ qua hoặc xem nhẹ các vấn đề khác như việc vợ chồng trò chuyện tâm tình hoặc có những cử chỉ ấm áp dành cho nhau, trong khi những chuyện này thì phía phụ nữ lại rất xem trọng. Nếu muốn cứu vãn hôn nhân, bạn có thể hỏi vợ xem mình đã thiếu sót gì trong vai trò người chồng, và bạn có thể làm gì để cô ấy cảm thấy được yêu thương và trân trọng nhiều hơn.
Khác biệt thứ tư: Phụ nữ bị ám ảnh, đàn ông cố lảng tránh
Phụ nữ: “Tôi không thể ngừng suy nghĩ về cô bồ của chồng”.
Đàn ông: “Tôi chẳng việc gì phải nghĩ về chuyện ngoại tình của vợ”.
Ý thức của phụ nữ về bản thân thường gắn liền với việc cô ấy thấy mình có viên mãn trong các mối quan hệ gần gũi hay không. Chính vì thế, so với đàn ông thì phụ nữ thường bị ám ảnh bởi chuyện ngoại tình nhiều hơn. Họ chỉ chăm chăm vào sự dối lừa của chồng mà không quan tâm đến bất kỳ điều gì khác. Trong giai đoạn này, phụ nữ càng lúc càng thấy ngậm ngùi và càng ngày càng nghi ngờ chồng nhiều hơn. Họ đau đớn khôn nguôi và luôn thấy bất an khi cứ nhớ lại mọi chi tiết của cuộc tình bất chính ấy.
Trái lại, đàn ông chẳng mấy khi nghĩ ngợi đến chuyện vợ mình đã phản bội. Họ dành thời gian tham gia các hoạt động thể chất khiến họ thấy mình phong độ hơn và cuốn hút hơn. Dường như đàn ông giỏi hơn phụ nữ trong việc chấm dứt nỗi đau để bước tiếp, nhưng thường là với một người khác chứ không phải vợ họ.
Những khác biệt giới tính này có thực sự ảnh hưởng đến cách bạn phản ứng với chuyện ngoại tình không? Nếu là đàn ông, bạn có thấy chán nản và tự trách mình như phụ nữ không? Còn nếu bạn là phụ nữ, bạn có bận tâm đến năng lực tình dục của mình giống như bao đàn ông khác không?
Tuy những điểm khác biệt về giới tính đã được thống kê và xác định trong nghiên cứu hiện tại, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng chắc chắn đúng với bạn. Trên thực tế thì đôi khi lại xảy ra trường hợp ngược lại. Suy cho cùng, người phụ nữ bị phản bội vẫn có khả năng bộc lộ sự phẫn nộ của họ. Kịch tác gia Hy Lạp Euripides đã biết điều đó cách đây hơn hai thiên niên kỷ khi ông viết vở bi kịch Medea nổi tiếng nói về một người vợ bị ruồng bỏ đã hạ sát con mình và người tình của chồng để trả thù. Tua nhanh đến 2.400 năm sau, khi làm khách mời của một chương trình trò chuyện với bối cảnh ít có màu sắc Hy Lạp cổ đại hơn nhưng cũng không kém phần bi kịch, tôi thấy một người vợ sải bước trên sân khấu và hạ gục cô giữ trẻ đã ngủ với chồng mình.
Về phản ứng của đàn ông bị phản bội, cũng thật ngớ ngẩn khi nói rằng họ chẳng bao giờ bị ám ảnh vì người vợ thiếu chung thủy hoặc không cố gắng níu kéo vợ quay về. Không có đáp án nào là luôn đúng cho một giới cả. Sự khác biệt giới tính được thảo luận ở đây chỉ để giúp vợ chồng bạn có cái nhìn đầy đủ hơn về hành vi của nhau tại thời điểm đau đớn ấy. Dù bạn là đàn ông hay phụ nữ thì những mất mát mà bạn phải chịu đựng đều phức tạp và sâu sắc.
Nhà văn kiêm triết gia Emerson từng nói, trong sự thành công có bao gồm cả khả năng sống sót sau sự phản bội của người mà bạn yêu. Điều đó là tốt. Và giờ đây đã đến lúc bạn phải vượt ra ngoài khuôn khổ sự sống còn và bắt đầu chữa lành vết thương lòng. Nếu bạn là người bị tổn thương, để bắt đầu quá trình này bạn cần chấp nhận rằng phản ứng cảm xúc ban đầu của bạn – như hành xử thái quá, tự buộc tội bản thân hay và tuyệt vọng – là hoàn toàn bình thường và dễ hiểu, hoặc ít ra đó là phản ứng tốt nhất của bạn vào thời điểm đó tùy theo mức độ và căn nguyên nỗi đau của bạn. Bạn cần tha thứ cho bản thân vì đã đánh mất chính mình, và xây dựng lại bản thân từ bên trong.
Để hàn gắn hôn nhân, bạn cũng cần chấp nhận phản ứng của bạn đời với chuyện ngoại tình, bất kể nó có thể khác với phản ứng của chính bạn như thế nào chăng nữa. Trong chương này, bạn đời – người không chung thủy – được yêu cầu xem xét sự thiếu chung thủy của họ qua góc nhìn của bạn – người bị tổn thương. Ở chương tiếp theo, bạn được yêu cầu nhìn nhận chuyện này qua góc nhìn của bạn đời. Dù bạn có tin hay không thì rất có thể chính người phản bội cũng đang phải đấu tranh tư tưởng dữ dội để hiểu được vấn đề.