2Mê cung của người không chung thủy
“Em có cảm giác ngột ngạt khi quay lại cuộc hôn nhân. Nhưng em không thể bỏ các con.”
“Tôi không muốn yêu thêm người khác, nhưng rốt cuộc tôi vẫn yêu điên cuồng. Giờ tôi không thể quyết định sẽ từ bỏ mối quan hệ nào.”
“Anh biết anh đã sai. Thực lòng, anh không muốn làm tổn thương em và anh vẫn luôn yêu em. Chẳng lẽ chúng ta không thể tiếp tục hay sao?”
Đây có thể là một số mâu thuẫn mà bạn phải đối mặt khi chuyện ngoại tình của bạn bị vỡ lở. Rõ ràng là chúng khác với những mâu thuẫn mà người bạn đời của bạn đang gặp phải. Dù bạn có cảm giác tồi tệ thế nào chăng nữa thì hậu quả của việc bạn thiếu chung thủy hầu như không bao giờ khiến bạn tan nát cõi lòng, mất phương hướng và tổn thương sâu sắc như với người mà bạn đã lừa dối.
Tại sao vậy? Khi bắt đầu cuộc tình, bạn không bị công kích ý thức về bản thân. Thực tế có thể còn ngược lại: Trải nghiệm có người tình bên ngoài khiến bạn thấy thỏa mãn. Bạn có thể cảm nhận có đến hai người đang khao khát bạn – bạn đời và bạn tình, trong khi bạn đời của bạn lại thấy họ không được ai yêu. Chuyện tình vụng trộm cũng có thể mang lại cho bạn cảm giác mới mẻ về quyền kiểm soát, sức mạnh của bản thân và nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết. Trái lại, bạn đời của bạn có thể thấy bị ức chế và bất an trước một tương lai mờ mịt.
Cho dù bạn đời đang phải chịu cảm giác mất mát khác biệt và đáng kể hơn so với bạn, nhưng chắc chắn là bạn cũng không thoải mái gì. Thú nhận chuyện ngoại tình chỉ giúp bạn tạm thời gạt bỏ những áy náy trong lòng chứ không giải quyết các mâu thuẫn mà các bạn đang vướng mắc. Có thể bạn bị người thứ ba lôi kéo đến mức không cưỡng lại được, mặt khác bạn lại chán ghét bản thân vì đã lừa dối hoặc làm khổ con cái. Nỗi cay đắng mà bạn cho rằng bạn cảm nhận được ở bạn đời có thể chuyển thành sự hối hận trước nỗi đau mà bạn đang gây ra. Bạn muốn cho mối quan hệ của mình một cơ hội khác nhưng lại phát hiện bạn đời chưa sẵn sàng tha thứ cho bạn dễ dàng như vậy. Khi loay hoay với các lựa chọn cùng những hệ lụy kèm theo, bạn thấy mình bị mắc kẹt trong mớ bòng bong và rối trí không biết nên đi hay ở.
Khi nỗ lực sắp xếp lại cuộc sống của mình, bạn nên nhớ là bạn đời chẳng còn tâm trí đâu để hiểu khó khăn của bạn. Tại sao họ phải quan tâm đến nỗi băn khoăn của bạn là nên rời bỏ người tình hay chịu mất đi người đồng hành tri kỷ? Đó là vấn đề của bạn và bạn phải tự mình giải quyết. Mong đợi sự cảm thông hay thấu hiểu ở bạn đời chỉ khiến họ xa lánh bạn hơn mà thôi.
Dù chồng/vợ bạn có thể hứa hẹn vô điều kiện nhưng nhiều khả năng bạn cũng chưa sẵn sàng đưa ra bất kỳ quyết định chắc chắn nào vào thời điểm nhạy cảm này (chúng ta sẽ tìm hiểu những quyết định này ở hai chương tiếp theo). Nhiệm vụ trước mắt của vợ chồng bạn là xác định những cảm xúc mãnh liệt và trái ngược của nhau, đồng thời thừa nhận đó là điều bình thường trong giai đoạn này. Sau đây là những cảm xúc thường gặp nhất ở người không chung thủy, hãy cố gắng nhận ra những cảm xúc của riêng bạn:
• Nhẹ nhõm
• Thiếu kiên nhẫn
• Thường xuyên lo lắng
• Tức giận chính đáng
• Không mặc cảm tội lỗi
• Có lỗi với con cái
• Cô lập
• Vô vọng
• Bế tắc
• Chán ghét bản thân
Nhẹ nhõm
“Tôi quá mệt vì phải nói dối!”
Thông thường, khi tiết lộ sự thật, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm. Ngay cả khi không biết sự thể sẽ đi đến đâu, bạn vẫn cảm thấy thoải mái nhờ trút bỏ được gánh nặng canh cánh trong lòng vì đã lừa dối. Thậm chí bạn còn có thể thấy lương tâm mình trong sạch. Andrea, một người vợ 39 tuổi ở nhà làm nội trợ, đã mô tả cảm giác nhẹ nhõm khi chồng phát hiện chuyện cô ngoại tình: “Thật lố bịch khi tôi cứ phải sống hai mặt như vậy. Tôi không thể kiểm soát lời nói dối của mình, tôi cũng không ngại áp lực. Nếu tôi biết mình sẽ lên giường với người tình vào chiều thứ Tư thì tối thứ Ba tôi sẽ ân ái với Jeff để anh ấy không có nhu cầu vào ngày hôm sau. Nhưng rồi cuối cùng chồng tôi cũng phát hiện ra, và tôi thề từ bỏ người tình. Lần đầu tiên trong nhiều năm, cuộc sống của tôi không còn cảnh mập mờ, dối trá nữa. Tôi cảm thấy tuyệt vời khi không còn phải sống hai mặt”.
Marty, một nhân viên môi giới chứng khoán 47 tuổi đã kết hôn, rất vui mừng khi từ bỏ được lối sống sai lầm: “Tôi đã lừa dối quá nhiều người, giờ tôi không còn biết mình là ai và tôi đã nói những gì với ai. Tôi không thể kiềm chế việc bịa đặt, nhưng tôi cũng sợ chết khiếp nếu mình sơ sẩy và bị phát giác. Tôi dành cả buổi tối bên cô bồ rồi sau đó chạy như bay về nhà. Tôi nguyền rủa đèn đỏ, tinh thần căng thẳng cực độ khi biết là mình lại về trễ và ngay lúc bước chân về nhà lại phải chịu sự hạch hỏi của vợ. Tôi già rồi và tôi thấy mệt mỏi vì chuyện này. Cuối cùng, khi đối diện với vợ và sẵn sàng nói ra sự thật, tôi thấy lòng nhẹ nhõm hơn nhiều”.
Cũng như Marty, thú nhận sự thật khiến bạn cảm thấy thoải mái trở lại, nhưng chẳng bao lâu sau cảm xúc của bạn có thể trở nên rối ren và phức tạp hơn.
Thiếu kiên nhẫn
“Anh quay về rồi . Em còn muốn gì nữa?”
Khi chuyện ngoại tình bị bại lộ, có thể bạn rất muốn xây dựng lại hôn nhân. Không chỉ là vì bạn muốn hàn gắn mà còn vì một lý do ích kỷ hơn là bạn muốn chấm dứt cảm giác tội lỗi mỗi lần đối mặt với nỗi đau của bạn đời. Tuy nhiên, vợ hoặc chồng bạn lại có suy nghĩ khác, và họ có thể cảm thấy bị sỉ nhục trước những nỗ lực hàn gắn lộ liễu của bạn. Chuyên gia tư vấn hôn nhân và gia đình Dave Carder đã chỉ ra rằng, người bị tổn thương “cần thấy cơn giận bốc lên ngùn ngụt, tương xứng với cơn mê đắm bùng lên cháy bỏng của phía người ngoại tình; cần thấy nỗi thống khổ cùng cực, tương xứng với niềm vui sướng mãnh liệt của phía người không chung thủy; và cần cảm thấy muốn trả thù khốc liệt, cho xứng với sự lừa dối tàn nhẫn của kẻ phản bội”.
Khi biết lỗi nhưng lại không kiên nhẫn, bạn có thể tự hỏi mình: “Tôi còn phải chịu dằn vặt bao lâu nữa đây, khi những lời công kích triền miên đó dường như chẳng giải quyết được điều gì mà còn đẩy chúng tôi ra xa nhau hơn?”.
Chris, chủ một đại lý phân phối xe hơi 39 tuổi, cảm thấy tự hào và thậm chí như được miễn tội khi thú nhận với vợ hành vi mình ăn vụng bên ngoài. Anh tin rằng tội lỗi của mình đã được rửa sạch bằng nước mắt. Và khi đã tự tha thứ cho bản thân, Chris cũng muốn vợ tha thứ cho mình, nhưng cô ấy vẫn không lay chuyển. Cô nói: “Anh ấy thấy mình trong sạch, tốt cho anh ấy thôi. Giờ thì mọi thứ đổ dồn lên tôi. Tôi phải làm gì trước sự lừa dối của anh ta? Mừng rỡ chăng?”.
Sốc, cay đắng, phẫn nộ, tuyệt vọng,... đều là những phản ứng thường gặp của bạn đời, và bạn chỉ càng thêm thất vọng nếu cứ mong muốn các cảm xúc này biến mất. Không có phép thần thông nào giúp chữa lành vết thương trong nháy mắt cả. Điều có ích cho bạn bây giờ là điều mà tác giả Melanie Beattie trong cuốn The Lesson of Love (tạm dịch: Bài học tình yêu) gọi là “chuyến đi trải nghiệm” – những hành động nhỏ và cụ thể, những khoảnh khắc thuyết phục bạn đời rằng chính bạn cũng đang khổ sở vì đã ăn ở hai lòng, vì thấy mình chẳng tốt đẹp gì, và bạn mong sẽ được tin tưởng trở lại (những kinh nghiệm này sẽ được đề cập ở Chương 6). Điều này đương nhiên là cần có thời gian. Còn bây giờ, bạn phải biết thương yêu và kiên nhẫn, chấp nhận những cảm xúc hỗn độn của bạn đời và giúp họ cảm thấy yên tâm, thấy mình được trân trọng và họ sẽ sẵn sàng mạo hiểm yêu bạn lần nữa nhờ những hành động quan tâm ân cần như thế.
Thường xuyên lo lắng
“Tôi chẳng dám nhớ lại chuyện cũ!”
Giờ đây khi chuyện ngoại tình đã bị phanh phui, có một cách để bạn chế ngự lo lắng của mình là lao vào các hoạt động dù là có mục đích hay không có mục đích, dù là để xây dựng một cuộc sống mới hay chỉ để tránh nghĩ về nó.
Càng rối trí thì bạn càng có khả năng ép buộc mình phải bận rộn để bản thân khỏi phải suy nghĩ. Xem tivi, tập thể dục hay mua sắm trên mạng đều có tác dụng, miễn là bạn kéo mình ra khỏi áp lực phải đương đầu với bản thân và cuộc sống của chính bạn.
“Sau khi thú nhận với vợ và chia tay người tình, tôi đã điên cuồng muốn có một cuộc sống hoàn toàn mới”, Dave nói. “Tôi không bao giờ cho mình cơ hội suy nghĩ, càng không cảm nhận được điều gì. Chỉ trong một tuần, tôi bỏ hút thuốc, bắt đầu tập thể hình, sửa sang lại phòng ngủ, sắp xếp lại văn phòng và mua một món đồ chơi mới, đắt tiền – một chiếc thuyền đẹp hơn và chạy nhanh hơn. Phải mất nhiều tháng sau tôi mới nhận ra rằng tôi thậm chí còn chưa thực sự bắt đầu giải quyết vấn đề nào”.
Những chiến thuật trốn chạy như của Dave có thể tạm thời giúp bạn dập tắt nỗi âu lo, khiến bạn ảo tưởng rằng bạn đã kiểm soát được cuộc sống của mình và mọi thứ đã trở lại đúng quỹ đạo. Nhưng, như tôi đã đề cập trong chương trước, sự bận rộn miễn cưỡng này chỉ là một giải pháp tạm thời và hời hợt, khiến bạn xa rời các vấn đề sâu sắc, đáng lo ngại trong con người bạn và cuộc sống của bạn, những vấn đề mà rốt cuộc bạn cần phải giải quyết nếu muốn cùng nhau làm lại từ đầu. Bạn vẫn có thể theo đuổi các hoạt động và hiểu rằng bạn muốn có một khởi đầu mới mẻ vì điều đó hầu như luôn mang lại cảm giác dễ chịu, nhưng bạn cũng cần làm rõ cảm xúc của mình và trực tiếp giải quyết các vấn đề đã khiến bạn “lầm đường lạc lối”.
Không mặc cảm tội lỗi
“Làm điều mình muốn là sai sao?”
Ngay cả khi chuyện ngoại tình bị phơi bày, bạn vẫn có thể thấy mình vô tội hoặc có lỗi rất ít và không hối hận vì đã đạp đổ niềm tin.
Sự nhẫn tâm và thờ ơ lộ liễu ấy trước nỗi đau mà bạn gây ra có thể khiến người bạn đời phẫn nộ và uất ức. Khi cô vợ lăng nhăng của mình thừa nhận không hối tiếc vì đã ngoại tình, anh Glen tâm sự với tôi: “Đó là đỉnh cao của sự vô cảm, là sự xúc phạm không thể tha thứ được. Cô ấy nói muốn tôi quay trở lại nhưng lại không hề hối hận vì đã lừa dối tôi. Cô ấy vô cảm trước cảm xúc của tôi hay là tôi chẳng có ý nghĩa gì với cô ấy?”.
Có năm lý do phổ biến khiến bạn không thấy mình có lỗi hoặc cần xin lỗi như vợ của Glen:
1. Bạn muốn thoát khỏi hôn nhân và bạn dùng chuyện ngoại tình để có cớ ra đi.
2. Bạn bị chứng rối loạn nhân cách khiến bạn không thể thương cảm hay thấy ăn năn với bất kỳ ai.
3. Bạn đang tức giận bạn đời.
4. Bạn quá mê đắm người tình.
5. Bạn có một số giả định về sự không chung thủy để biện minh cho chuyện ngoại tình.
Không cần phải bàn thêm về lý do thứ nhất, còn lý do thứ hai lại nằm ngoài phạm vi cuốn sách này, vì thế chúng ta hãy tập trung vào ba lý do còn lại.
Tức giận bạn đời
Bạn có thể tức giận bạn đời vì nhiều lý do, chẳng hạn bạn cảm thấy họ không chịu vun đắp tình cảm vợ chồng, đã quen được bạn cung phụng nên không biết quý trọng, hoặc đã chán chê bạn rồi. Cũng có thể bạn thấy mình cho đi quá nhiều mà nhận lại quá ít, đã hy sinh những ước mơ hoặc mục tiêu quan trọng trong đời mình hoặc đã trì hoãn việc thỏa mãn những mong muốn của bản thân quá lâu. Sự oán giận tích tụ qua nhiều năm có thể choán hết bất kỳ cảm xúc nào khác.
Chắc chắn là trong khi ngoại tình và thậm chí sau khi cuộc tình vụng trộm đó bị vỡ lở, bạn có thể còn thấy tức giận hơn nữa thay vì thấy tội lỗi. Đó là vì bạn đang có hai luồng cảm xúc trái ngược: Bạn càng giận dữ thì càng thấy mình ít có lỗi, và càng căm ghét bạn đời thì bạn lại càng ít chán ghét bản thân. Cơn giận dữ của bạn có thể là một phản ứng chính đáng cho cách mà người bạn đời đã đối xử với bạn, hoặc là để bảo vệ bạn chống lại cảm giác tội lỗi về chuyện bạn đã làm (giống như sử gia Tacitus đã viết cách đây khoảng 2.000 năm: “Bản chất con người là ghét những kẻ mà mình đã làm tổn thương”). Điều khiến bạn khó nhận ra sự khác biệt là cơn tức giận nào cũng có vẻ chính đáng cả – đó là đặc điểm cơ bản của cảm xúc.
Thường người ta luôn thấy mình có lý do để tức giận và chính điều này khiến bạn thấy mình có quyền đi tìm tình yêu và sự quan tâm mà bạn nghĩ mình xứng đáng được hưởng nhưng lại không bao giờ có được từ người bạn đời. Đó là trường hợp của John khi anh bùng nổ với vợ sau 25 năm chung sống. Anh thốt lên: “Tôi đã khổ sở quá lâu rồi và cô là một người đàn bà xấu xa. Tôi sẽ chấm dứt cuộc hôn nhân này và đi khỏi đây”.
John thấy sự tức giận của mình là hợp lẽ và anh có quyền đào thoát khỏi cuộc hôn nhân này. Suy nghĩ như thế đã khiến anh mù quáng. Anh vắng nhà nhiều ngày, bỏ bê con cái, không còn coi trọng vợ, và anh tự thuyết phục bản thân rằng mình ngoại tình chỉ để bù đắp cho những năm tháng đã qua. Nếu anh gạt cơn giận dữ của mình sang một bên mà suy xét sự việc, có thể anh đã thấy mình không hẳn là vô tội và vợ mình cũng không đáng trách đến thế.
Quá mê đắm người tình
Khi được thôi thúc bởi tình yêu mãnh liệt và sự đam mê xác thịt với người tình, không còn phải bận tâm đến nỗi lo cơm áo gạo tiền, có thể bạn chẳng còn muốn biết hoặc tự hỏi xem chuyện ngoại tình của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Có người thổ lộ:“Tôi thấy hạnh phúc đến mức chẳng muốn mổ xẻ nó. Thực tế là tôi chẳng nghĩ gì đến hậu quả mà chỉ muốn kéo dài cuộc tình này”. Lẽ tự nhiên là chúng ta thường nuông chiều cảm xúc, nên niềm vui trọn vẹn đang có với người tình khiến bạn cho rằng mình đang trải qua một tình yêu đích thực và không còn chỗ cho cảm giác tội lỗi. Nhưng điều này không có nghĩa là cuộc hôn nhân của bạn nhất định sẽ có một kết cuộc bi đát, vì biết đâu cuộc tình vụng trộm ấy chỉ làm bạn mê đắm mãnh liệt vào thời điểm đó mà thôi. Sau này nghĩ lại, có thể bạn thấy mình đã bị cuốn vào cơn lốc đam mê và không thể dứt ra được cho đến khi bạn bình tâm trở lại.
Có cớ để biện minh cho chuyện ngoại tình
Lý do thứ ba khiến bạn không có cảm giác tội lỗi là bạn có cớ để biện minh cho hành vi ngoại tình của mình. Một số giả định có thể có trước khi bạn ngoại tình và chúng phản ánh quan điểm của bạn về tình yêu và lòng chung thủy. Một số giả định khác có thể là lời giải thích hợp lý để bạn bảo vệ lòng tự trọng của mình, trấn áp cảm giác tội lỗi và cho phép bản thân mình “ăn vụng”. Khi đã tin vào những giả định đó thì bạn có thể không còn ăn năn về hành vi của mình nữa:
• Tôi có thể ngoại tình miễn vẫn yêu bạn đời.
• Tôi có thể ngoại tình miễn là tôi không còn yêu vợ/chồng mình.
• Chỉ cần vợ/chồng tôi mắt không thấy thì tim không đau.
• Chuyện tình một đêm không làm thay đổi cuộc hôn nhân của chúng tôi.
• Tôi chỉ có một cuộc đời để sống và tôi xứng đáng được sống hạnh phúc. Vừa có tình nhân để thỏa mãn yêu thương vừa có vợ/chồng để được quan tâm chăm sóc, vậy cũng rất ổn mà.
• Ngoại tình khiến tôi hạnh phúc hơn và nhờ đó tôi trở thành người chồng/vợ tốt hơn.
• Ngoại tình giúp tôi thỏa mãn nhu cầu mà không khiến gia đình tan vỡ. Tôi làm điều đó vì bọn trẻ đấy.
• Làm người không có nghĩa là phải tuân thủ một vợ một chồng.
• Tôi không thể kiểm soát tính bốc đồng của mình.
• Bản năng sinh học của tôi là ngoại tình.
• Tất cả đàn ông đều thế cả.
• Mỗi cặp vợ chồng đều có bí mật riêng.
• Tôi có quyền giữ một khoảng trời riêng cho mình.
• Vợ/chồng tôi có lẽ đã biết chuyện tôi ngoại tình nhưng cũng không phản đối gay gắt, nên tôi có vụng trộm chút cũng được thôi, miễn là đừng có lộ liễu quá.
• Tôi không cần hy sinh những gì mình muốn chỉ để làm cho bạn đời thấy yên tâm hay hạnh phúc.
• Tôi chưa bao giờ hứa sẽ trở nên hoàn hảo.
• Nếu tôi cam kết sẽ toàn tâm toàn ý với người nào thì chắc chắn tôi phải chịu tổn thương.
Bạn nên xem xét các giả định này cũng như các giả định khác tiềm ẩn sau cảm xúc của bạn và tự hỏi: Chúng có đúng không? Có hữu ích không? Và có làm bạn thỏa mãn bây giờ hay không?
Có thể bạn sẽ thấy một số giả định khiến tình yêu và lòng chung thủy của bạn suy giảm nên bạn quyết định điều chỉnh hoặc bác bỏ chúng. Hãy nhớ rằng khi có thái độ ủng hộ việc ngoại tình thì nhiều khả năng bạn sẽ ngoại tình.
Một thân chủ của tôi, anh Len, từng kể rằng đàn ông ai cũng hái hoa bắt bướm bên ngoài. Nhưng khi ngẫm lại, anh nhận ra mình đã nuôi suy nghĩ đó từ bé để không ghét bỏ người cha đã bội bạc mẹ mình, và rồi khi trưởng thành anh lại đi theo vết xe đổ ấy, trải qua ba cuộc hôn nhân cùng rất nhiều cuộc tình một đêm. Cuối cùng, Len cũng nhận ra mình không phải là cha mình, và chính giả định mà anh đã đeo mang hơn hai mươi năm không còn phù hợp với mục đích sống của anh nữa. Anh nhận ra rằng tin vào điều gì đó thì không nhất thiết phải làm cho nó trở nên hiện hữu hay đúng đắn.
Đau buồn vì mất tình nhân
“Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”
Sau khi chấm dứt chuyện ngoại tình, bạn có thể thấy tội lỗi vì đã từ bỏ người tình và day dứt suốt một thời gian dài.
Nỗi tiếc nuối của bạn không có gì khó hiểu. Có vẻ như người tình mới là làn gió cuốn bạn vào thế giới đầy đam mê và hưng phấn tình dục mà bạn cứ ngỡ không bao giờ đạt được. Bạn thấy mình được thấu hiểu và quan tâm theo cách mà bạn không thể nào mơ ước nhiều hơn được nữa. Cũng có thể bạn đơn giản là thấy vui vẻ và yêu đời hơn. Suy cho cùng thì người tình của bạn có thể đã thay đổi cách bạn trải nghiệm bản thân, vuốt ve lòng tự tôn của bạn một cách tinh tế khiến bạn cảm thấy mình thông minh, giỏi giang, hấp dẫn, gợi cảm và đầy cảm giác phiêu lưu. Tóm lại, như Ethel Spector Person đã viết trong cuốn Dreams of Love and Fateful Encounters (tạm dịch: Giấc mơ tình yêu và cuộc gặp định mệnh), được đắm chìm trong một cuộc tình lãng mạn có thể giúp bạn “vượt qua những giới hạn của bản thân”. Chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn có cảm giác tội lỗi vì đã bỏ rơi một người như vậy, đặc biệt là khi bạn đã hứa hẹn với người ấy, một cách rõ ràng hay ngụ ý, là sẽ chung sống bên nhau.
John là một ví dụ điển hình về cách anh vật lộn với cảm giác có lỗi khi cắt đứt cuộc tình vụng trộm với một nữ đạo diễn nghệ thuật 35 tuổi. Anh kể: “Cô ấy đã cho tôi, hay nói đúng hơn là tôi đã lấy đi của cô ấy, những năm tháng tươi đẹp nhất của đời người phụ nữ. Giờ thì cô ấy đã thêm 5 tuổi và không còn nhiều cơ hội gặp gỡ và sinh con với người khác. Tôi nợ cô ấy rất nhiều. Tôi cảm thấy mình là một kẻ đê tiện vì đã bỏ rơi cô ấy, cho dù là để quay về với gia đình”.
Tội lỗi là một cảm xúc mà bạn có thể cảm nhận được; còn nỗi đau buồn lại là chuyện khác – đau buồn vì mất đi người gợi lại cho bạn tuổi thanh xuân và giúp bạn thấy cuộc đời tươi đẹp hơn. Nỗi đau này có thể ập đến bất cứ lúc nào, thậm chí là nhiều năm sau đó, khi bạn nghe thấy, ngửi thấy hoặc bắt gặp một điều gì đó đánh thức tâm hồn bạn với cả một trời cảm xúc.
Alice nói: “Hơn một năm sau khi chấm dứt quan hệ với Dean, tôi đứng xếp hàng ở McDonald’s và ngửi được người đứng trước tôi đang dùng đúng loại kem cạo râu mà Dean thường dùng. Tôi thấy choáng váng và phải chạy ra ngoài hít thở để trấn tĩnh”.
Còn Burt thì tâm sự: “Tôi cho rằng cuộc sống sẽ giản đơn hơn khi nói với Joan rằng tôi sẽ quay lại với vợ. Tôi tự nhủ xa mặt thì cách lòng. Thế mà khi xa mặt rồi thì tôi lại càng nghĩ về cô ấy nhiều hơn. Tôi cố tìm cách gửi e-mail hay tạo cớ tình cờ chạm mặt cô ấy. Tôi không hối tiếc khi quay về với gia đình, nhưng lúc nào tôi cũng khát khao Joan”.
Cảm giác tội lỗi của bạn khi từ bỏ người tình có thể còn khiến bạn đời uất ức hơn cả chuyện bạn ngoại tình. Còn gì nhục nhã và bẽ bàng hơn khi sống với một người chỉ biết quan tâm đến cảm xúc của người thứ ba hơn là của chính mình? Nhưng không có điều gì, kể cả cảm giác tội lỗi của bạn, sẽ khiến bạn đời tổn thương sâu sắc hơn cái cách bạn tiếp tục đau buồn vì mất đi người tình của mình, ngay cả khi bạn nói bạn đang cố gắng làm lại từ đầu. Cho dù bạn cố nỗ lực khôi phục lại niềm tin ở bạn đời, nhưng nỗi đau buồn ấy của bạn lại có thể khiến bạn đời tiếp tục suy giảm niềm tin dành cho bạn mà thôi. Đòi hỏi được cảm thông vào lúc này thì nhiều khả năng bạn chỉ nhận được sự khinh bỉ.
Ngược lại, vợ/chồng bạn cũng không nên đòi hỏi bạn cam kết tuyệt giao cảm xúc với người tình, bởi đây là điều mà bạn không thể đáp ứng và sẽ đặt bạn vào thế phải dối trá hoặc nói ra sự thật phũ phàng. Bạn đời cần nhận ra rằng có thể bạn đã yêu người thứ ba thật lòng, và bất cứ nỗ lực nào để sỉ nhục tình cảm ấy sẽ chỉ mang lại cơn oán giận. Còn bạn, bạn cũng cần nhớ rằng bạn đời đang vô cùng đau khổ và có thể tìm cách hạ nhục người tình của bạn chỉ để khôi phục lòng tự trọng đã mất và níu kéo bạn quay trở về.
Nếu bạn là người không chung thủy, cả hai vợ chồng bạn nên nhìn nhận rõ vấn đề rằng những gì bạn coi trọng không nhất thiết là người tình, mà là cảm giác do người tình mang lại cho bạn; rằng bạn không tìm kiếm người thay thế cho bạn đời, mà là sự thay đổi trong ý thức cơ bản của bạn về bản thân; rằng bạn có thể tìm thấy những gì bạn cần ở ngay chính người bạn đời của bạn nếu cả hai sẵn sàng mở lòng để thay đổi. Các bạn có thể phải sống chung với bóng ma của người thứ ba, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống lứa đôi không thể tìm lại hạnh phúc.
Có lỗi với con cái
“Tôi làm cha mẹ kiểu gì vậy chứ?”
Là cha mẹ, bạn có thể lo lắng chuyện ngoại tình sẽ ảnh hưởng đến con trẻ và tình cảm của chúng đối với bạn. Còn gì đáng sợ hơn là các con không còn yêu thương và tôn trọng bạn nữa? Trong thâm tâm, bạn luôn muốn trong mắt con cái mình là người cha, người mẹ mẫu mực chứ không phải là người hoang mang, lầm lạc, cũng không phải là người đã từ bỏ chúng.
Khi Bill tưởng tượng ra cảnh anh đang kể cho cậu con trai 16 tuổi nghe về cô bạn gái mới Heather của mình, anh đã cố vượt qua cảm giác tội lỗi. Cuộc hôn nhân đầu tiên của anh kết thúc khi vợ anh mất trong tai nạn xe hơi, và anh đã sống cảnh gà trống nuôi con từ khi bé John mới một tuổi cho đến khi anh quyết định tái hôn. Bây giờ, sau khi cuộc hôn nhân thứ hai kéo dài được sáu năm, anh lại phải đối mặt với một quyết định bất khả thi. Anh nói: “Tôi mê Heather đến phát cuồng, nhưng tôi không muốn John lại mất thêm một người mẹ nữa. Làm sao tôi có thể tổn thương thằng bé ở cái tuổi thanh xuân tươi đẹp như thế này? Nếu tôi xé nát tổ ấm của nó lần thứ hai thì nó chẳng bao giờ tha thứ cho tôi đâu”.
Cũng như Bill, bạn chẳng có cách nào tránh rủi ro khi nói với con về người tình mới. Có thể chúng chẳng hiểu được, cũng chẳng mấy cảm thông với cái ý tưởng là bạn không hạnh phúc khi ở nhà hay bạn bị cuốn vào lưới tình. Tất cả những gì chúng nghe được là bạn đang đe dọa gia đình và cuộc sống êm đềm của chúng. Chúng có thể cố gắng biện minh cho hành vi của bạn vì chúng vẫn cần gắn bó với bạn, nhưng cũng có thể chúng quay lưng lại với bạn vì đã chối bỏ chúng trong thời thơ ấu.
Khi Tina cố gắng giải thích tại sao cô lại tìm đến một người đàn ông khác, cô con gái 18 tuổi của cô đã quay đi một cách ghê tởm: “Con không hiểu tại sao mẹ không thể nói chuyện với bố để bố biết mẹ bất hạnh như thế nào. Mẹ nói với con là mẹ ghét bố vì bố quá thờ ơ, thế sao mẹ không nói với bố: ‘Anh xem này, em cần anh chia sẻ với em nhiều hơn – thanh toán hóa đơn, nấu bữa tối, dọn nhà vệ sinh hay bất cứ điều gì tương tự như vậy. Hãy giúp em giảm áp lực vì những công việc này’. Với tất cả những gì mà gia đình chúng ta đã có với nhau thì vấn đề của mẹ có thực sự nghiêm trọng đến mức mẹ không thể giải quyết không? Con ghét mẹ vì đã phá nát cái gia đình này. Con ghét mẹ vì mẹ chỉ nghĩ đến bản thân mình thôi”.
Cảm giác có lỗi với con cái trong bạn sẽ tăng lên nếu bạn là nạn nhân của chuyện ngoại tình từ chính cha mẹ mình.
Khi nghĩ đến việc phải để con mình chịu nỗi đau mà mình đã trải qua, bạn không khỏi hồi tưởng những tổn thương thời thơ ấu của mình.
Frank đã nếm trải cảm giác này. Ba anh đã bỏ nhà theo một phụ nữ khác khi anh 13 tuổi và đặt Frank vào tình thế phải lựa chọn giữa hai gia đình. Anh nói: “Tôi ghét ba tôi vì đã làm điều đó với tôi”. Tuy nhiên, ba mươi năm sau, Frank nhận ra mình đang đi vào vết xe đổ của ba khi chuẩn bị bỏ vợ để lấy người tình và buộc các con phải lựa chọn giữa hai gia đình. “Tôi từ bỏ cuộc hôn nhân với vợ và khiến tụi nhỏ đau khổ, hay là tôi tiếp tục ở lại và từ chối bản thân? Ôi, quyết định ấy cũng giống như lựa chọn giữa không khí và nước vậy”.
Chẳng có giải pháp nào của Frank mà lại không gây đau khổ, thế là anh chẳng làm gì cả, không bỏ vợ cũng chẳng bỏ người tình, mà chỉ đơn giản là chờ đến thời điểm thích hợp để hành động. Và tất nhiên, điều đó không bao giờ đến. Đầu tiên là anh đợi cho con trai thứ hai lớn hơn một chút, rồi anh lại đợi con gái tốt nghiệp trung học. Và thời gian cứ thế trôi qua. Frank chẳng bao giờ giải quyết được tình thế tiến thoái lưỡng nan của mình, anh lại tiếp tục thấy bế tắc, cay đắng, ngày càng trở nên hời hợt trong các mối quan hệ của mình.
Cũng như Frank, trong bạn có thể có hai tiếng nói mâu thuẫn nhau: Tiếng nói trẻ trung khuyến khích bạn nghe theo cảm xúc nồng nàn của mình và sống cho hiện tại, và tiếng nói người làm cha mẹ có trách nhiệm nhắc nhở bạn về bổn phận lâu dài và to lớn đối với gia đình. Thật khó biết nên ngả về bên nào. Có lẽ tất cả những gì bạn có thể làm lúc này là tự an ủi mình và nhận thức được rằng bạn không thể đòi hỏi hạnh phúc tuyệt đối hoặc thỏa mãn mọi nhu cầu của bạn, rằng bất cứ quyết định nào của bạn cũng đều nhuốm màu hối tiếc. (Những bất đồng tư tưởng này sẽ được giải quyết trong Chương 3 và 4.)
Để vượt qua khoảng thời gian này, bạn nên nhắc nhở bản thân rằng theo thời gian con bạn sẽ lớn lên, bạn còn nhiều cơ hội để nói với chúng về những gì đã xảy ra và cảm xúc của chúng đối với bạn cũng như chuyện ngoại tình của bạn cũng sẽ thay đổi. Ngay cả bạn rồi cũng sẽ hiểu khác đi và thay đổi cách giải thích về chuyện ngoại tình trong quá khứ của mình.
Cô lập
“Không ai hiểu nỗi lòng tôi cả!”
Không chỉ mối quan hệ của bạn với con cái có nguy cơ bị tổn thương khi chuyện ngoại tình của bạn vỡ lở, mà cha mẹ và bạn bè của bạn cũng có thể lên án bạn dữ dội và không còn là chỗ dựa tinh thần cho bạn như bấy lâu nay.
Sự từ chối phũ phàng nhất có thể đến từ cha mẹ bạn. Barry kể: “Lúc đầu, ngày nào mẹ cũng gọi cho tôi để nói rằng tôi đang khiến bà thấy chướng tai ngai mắt. Bà chỉ bớt gọi sau khi tôi ngừng nghe máy. Gần đây, bà cố tỏ ra ủng hộ tôi bằng cách hỏi thăm tôi tình hình thế nào rồi, nhưng tôi cảm giác như bà đang nhìn thấu tôi, rồi tự hỏi bà đã sai ở đâu và sao tôi lại làm khó bà như vậy”.
Nếu cha mẹ bạn là người mộ đạo hoặc có tư tưởng bảo thủ, có thể họ sẽ coi bạn là kẻ suy đồi đạo đức, hành xử thấp kém, là nỗi nhục của gia đình và gây áp lực cho bạn phải chấm dứt chuyện ngoại tình để quay về với gia đình. Có thể bạn sẽ băn khoăn:“Ba mẹ quan tâm đến mình và hạnh phúc của mình hay chỉ quan tâm đến các nguyên tắc giáo điều và lời đàm tiếu của người đời?”.
Một số bậc phụ huynh còn tự trách mình vì hành vi của bạn, và bỏ ngoài tai lời thú nhận về cảm xúc thiết tha hay nỗi thống khổ của bạn. Họ chỉ muốn bạn sống yên phận. Điều cuối cùng mà họ quan tâm là những vấn đề trong hôn nhân của bạn cần được giải quyết êm đẹp.
Bạn bè thân nhất cũng có thể không sẵn lòng lắng nghe những mâu thuẫn chất chứa trong lòng bạn, đặc biệt là những người quen biết cả hai vợ chồng bạn và lo lắng không biết nên đứng về phía nào. Một số người có tư tưởng đạo đức cực đoan hoặc lo sợ cuộc hôn nhân mong manh của chính họ bị ảnh hưởng thì họ lại càng không đồng cảm hoặc biện hộ cho bạn. Còn những người tôn thờ tình yêu và lòng chung thủy lại công kích bạn thậm tệ trong khi bạn cần họ lắng nghe và thấu hiểu.
Tina, một vận động viên đánh gôn 54 tuổi, đã bật cười với ý nghĩ tâm sự chuyện người tình trẻ của cô với gia đình, nhưng cô nghĩ mình có thể tâm sự với người bạn thân nhất là Ginny. Nào ngờ Ginny chẳng hề ủng hộ mà còn gầm lên:“Cố mà kiểm soát cảm xúc bản thân mình đi! Cậu có bốn đứa con rồi đấy!”.
Không muốn bị gia đình và bạn bè phán xét, bạn có thể xa lánh họ và dành mọi thời gian rảnh bên người tình hoặc bạn bè của người tình. Điều này có thể khiến hai người sa vào vũng lầy nhiều hơn dự tính.
Hẳn là bạn cũng muốn thoát khỏi sự cô lập và được những người xung quanh ve vuốt suy nghĩ cũng như cảm xúc của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn thực sự muốn nhìn nhận một cách trung thực về bản thân, bạn cần nói chuyện với những người trung lập, luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn nhưng cũng đòi hỏi bạn nhìn thẳng thắn vào vấn đề. Bạn cũng đừng quên là dù những người này có giúp cho bạn được nhiều đến đâu thì họ cũng chỉ biết một phần câu chuyện của bạn – phần mà bạn chọn thổ lộ với họ hoặc phần mà bạn biết rõ – và họ cũng có những vấn đề riêng cũng như thành kiến riêng. Rất ít người hiểu rõ về bạn đủ để cho bạn lời khuyên khôn ngoan hay sự hỗ trợ mà bạn cần.
Một phương án hợp lý trong thời điểm nhạy cảm này là tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn. Họ là người trung lập và nhờ đó có thể tôn trọng cảm xúc của bạn cũng như giúp bạn hiểu rõ những xáo trộn đang xảy ra.
Vô vọng
“Hôn nhân đúng là mồ chôn tình yêu!”
Thường thì trong giai đoạn đầu sau khi chuyện ngoại tình vỡ lở, bạn sẽ thấy cuộc hôn nhân của bạn như một nấm mồ cảm xúc, không có cơ hội tha thứ hay trốn thoát. Bạn có thể quyết định ở lại bên gia đình vì nhiều lý do: sợ cô đơn, mặc cảm tội lỗi, vì con cái, để được đảm bảo tài chính hay vì trách nhiệm, nhưng bạn cũng có thể cho rằng vợ chồng bạn không còn tình yêu và bạn đời không thể đáp ứng các nhu cầu của bạn nữa.
Có thể bạn đúng, nhưng cũng có thể bạn đang bóp méo sự thật theo hướng có lợi cho người tình của mình. Và đó là những gì anh Jerry đã làm. Người kỹ sư 55 tuổi này không ít lần khen ngợi người tình Cindy và chê bai cô vợ Judy của mình.
Anh nói:“Cindy dường như biết tôi cần gì, nghĩ gì, ngay cả trước khi tôi nói ra. Cô ấy khiến tôi cảm thấy mình được trân trọng. Cô ấy chấp nhận con người của tôi. Judy thì chẳng hiểu tôi gì cả và tôi nghĩ cô ấy cũng không thay đổi được. Tôi vẫn ở với vợ vì bọn trẻ nhưng tôi cảm thấy như mình đang tự giam hãm bản thân”.
Jerry tin rằng vợ anh không thể hỗ trợ anh và chính điều đó đã chi phối cách anh hành xử với vợ mình. Anh không bao giờ có cách giao tiếp phù hợp để vợ hiểu được anh muốn gì. Anh chẳng bao giờ cho cô cơ hội thay đổi. Anh cũng chẳng bao giờ thử xem vợ có đáp ứng được nhu cầu của anh hay không.
Có thể tình hình của bạn sẽ bớt bi đát hơn nếu bạn không để cảm giác vô vọng kiểm soát hành vi của mình. Sẽ thật đáng buồn nếu bạn không cho người bạn đời cơ hội làm bạn hài lòng chỉ vì ác cảm hiện có của bạn đối với họ.
Bế tắc
“Tôi chẳng biết phải làm gì nữa!”
Đi hay ở, bỏ trốn với người tình hay nói lời chia tay,... đều là những lựa chọn quan trọng có thể khiến bạn bế tắc, không biết nên hành xử thế nào. Bạn chỉ biết là bạn không thể sống cuộc đời hai mặt nữa vì đã quá mệt mỏi rồi!
Cô Joy, một nhà huy động vốn 34 tuổi và kết hôn được bảy năm, đã nhận được một màn tán tỉnh vượt ngoài tầm kiểm soát tại buổi tiệc Giáng sinh. “Tối hôm đó tôi về khuya, lại uống quá nhiều và đang cố giải tỏa những ức chế của mình. Khi Evan mời tôi khiêu vũ, tôi choáng ngợp vì anh ấy quá tuyệt vời.
Trước khi tôi kịp nhận ra điều gì thì chúng tôi đã hôn nhau rồi. Tôi chẳng nghĩ đến hậu quả vì tôi không bao giờ trông mong chuyện này sẽ đi đến đâu. Nhưng hai tuần sau đó chúng tôi lại gặp nhau ở căn hộ của anh ấy và cùng nhau làm tình. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại sa vào lưới tình kiểu như vậy, nhưng rốt cuộc tôi đã yêu Evan và giờ đây tôi không biết phải làm gì. Chồng tôi là một người tử tế, và tuy tôi không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân này nhưng tôi cũng chưa sẵn sàng từ bỏ. Tôi không thể chỉ quay về với chồng và đóng vở kịch hạnh phúc. Tôi thực sự rất rối trí”.
Henry, 50 tuổi và là chủ tịch của một công ty cổ phần, cũng có cảm xúc tương tự. Anh đồng ý ở lại với vợ và tập trung giải quyết các vấn đề của họ, nhưng anh cũng không thể rời xa người tình Edie của mình. Một ngày nọ, cảm thấy cô đơn và lạc lõng, anh rủ Edie đi ăn trưa. Trải nghiệm ấy khiến anh vừa lo lắng vừa kích thích. Anh thừa nhận: “Tôi đã hành xử như một gã ngốc khi mơn trớn cô ấy dưới gầm bàn, đùa cợt như một cậu nhóc 18 tuổi vậy. Nhưng thực sự là tôi không thể làm chủ được mình. Tôi là một người đàn ông trưởng thành, là giám đốc điều hành một công ty lớn, thế mà tôi đang làm cái quái gì đây không biết? Chạy lung tung và hành động như một con thú động dục? Một mặt thì tôi nói với vợ là hai chúng tôi sẽ giải quyết mọi việc, mặt khác tôi lại lén lút với Edie. Và càng dành nhiều thời gian bên người tình, tôi lại càng rối trí”.
Tương tự như Henry, bạn bị cảm giác yêu ghét lẫn lộn chi phối. Có thể một phần do bạn bị cuốn vào chuyện ngoại tình mà không thực sự hiểu hoặc không muốn nhìn nhận hậu quả nên giờ đây bạn thấy bị kìm kẹp bởi những cảm xúc mà bạn không kiểm soát nổi. Có thể bạn đang say sưa với cách sống mà bạn chưa hề có trong bấy nhiêu năm qua và không thể dứt ra khỏi sự phấn khích đó.
Bất kỳ giải pháp nào xem ra cũng còn ổn hơn là kiểu sống hai mặt như thế này, nhưng cũng chẳng có gì là rõ ràng cả và mọi giải pháp đều có giá của nó. Có thể mối quan hệ của vợ chồng bạn chẳng tồi tệ quá mức như bạn nghĩ, và mối quan hệ với người thứ ba cũng không quá tuyệt vời như bạn tô vẽ. Bạn có thể tự hỏi: “Nếu tôi quan tâm chu đáo đến cuộc hôn nhân của mình giống như tôi đã làm với cuộc tình ngoài luồng này, thì kết quả có khả quan hơn không?”.
Bây giờ chuyện tình của bạn có thể đang bay lên mây xanh, nhưng nó cũng có thể trở nên tầm thường khi hai bạn thực sự đến được với nhau, chạm mặt nhau hằng ngày trong cuộc sống cơm áo gạo tiền. Nếu các bạn nhìn nhận về nhau theo đúng bản chất của từng người chứ không phải như những gì mà hai bạn tưởng tượng về nhau, thì bạn có thể thấy mình đang đánh đổi mối quan hệ đáng thất vọng này để có một mối quan hệ đáng thất vọng khác – và lần này bạn còn gặp thêm vài trở ngại như gửi tiền cấp dưỡng và thăm nom con cái vào Chủ nhật mỗi tuần. Lênh đênh như một con tàu không lái, bạn dường như chẳng còn muốn gì hơn là trốn tránh mọi người, sẵn sàng đổi tình yêu để lấy cuộc sống bình yên và cô độc.
Mắc kẹt trong mâu thuẫn đó, bạn có thể thấy mình bị bủa vây bởi những câu hỏi không có đáp án rõ ràng:
• Mình có còn yêu vợ/chồng mình không?
• Tình yêu là gì?
• Mình có bình thường không vậy?
• Mình có lý do chính đáng không?
• Làm sao để có câu trả lời?
• Tại sao chuyện này lại xảy ra?
• Làm sao để thoát ra, và cần thoát khỏi mối quan hệ nào?
Tình yêu không phải là điều thuần khiết bởi nó được tạo nên từ nhiều cảm giác phức tạp, đôi khi còn mâu thuẫn nhau. Trong khi một phần của bạn nói: “Giá như tôi có thể đoạn tuyệt với người tình và chung thủy với vợ/chồng mình”, thì phần khác đáp lại: “Giá như tôi có thể trốn chạy với người tình và xóa bỏ quá khứ”.
Dù bạn quyết định thế nào đi nữa thì bạn đời của bạn cũng có thể bị tổn thương do bạn gắn bó với người thứ ba và bạn đời cũng nghi ngờ khả năng vợ chồng bạn có thể nối lại tình xưa. Ở giai đoạn này, cả hai bạn chỉ cần đón nhận những cảm xúc mâu thuẫn chứ đừng vội vàng kết luận gì về tương lai. Bản chất con người là không bao giờ cảm nhận một chiều về bất cứ điều gì – ít nhất là tình yêu.
Chán ghét bản thân
“Tôi thấy kinh tởm chính mình!”
Bên cạnh những cảm giác mà cuộc ngoại tình mang lại cho bạn như nhẹ nhõm, quyền lực, yêu ghét, hờn giận, bế tắc,... bạn cũng có thể cảm thấy vô cùng xấu hổ về bản thân vì đã vi phạm các giá trị gia đình và đức tin vốn ràng buộc bạn tôn trọng lời cam kết trong hôn nhân và sống đúng mực. Bạn đắn đo, không biết nên hành xử thế nào và có thể làm trái tim bạn đời tan nát, để rồi sau đó bạn nhận thấy rằng mình đã phản bội tất cả những người quan trọng trong đời, kể cả phản bội chính mình.
Grace đã kết hôn được mười hai năm. Sau khi ngủ cùng một huấn luyện viên quần vợt ở câu lạc bộ thể thao mà cô tham gia, cô tự quở trách mình: “Tôi cảm thấy cuộc hôn nhân của mình không có tình yêu. Chồng tôi hiếm khi chạm vào tôi. Thậm chí nếu anh ấy biết tôi có nhu cầu thì cũng cố tình lảng tránh. Lúc nào anh ấy cũng nắm quyền quyết định, còn tôi thì cô đơn đến phát điên. Tuy nhiên, cuộc tình bất chính này lại khiến tôi quá đỗi nặng nề. Tôi không thể tin là mình lại dễ dàng quay lưng lại với những giá trị mà tôi hằng tin tưởng như thủy chung, tận tâm và trung thực. Cuối cùng thì tôi cũng đã được yêu, được quan tâm, được khẳng định mình – những điều mà tôi vẫn từng khao khát. Nhưng để có được chúng thì tôi phải phá vỡ mọi quy tắc và bán rẻ cả tâm hồn. Giờ đây tôi cảm thấy được yêu thương nhiều hơn nhưng cũng thấy bản thân mình đáng khinh bỉ hơn”.
Đôi khi, chẳng có gì có thể biện minh được cho cách đối xử tàn nhẫn, thậm chí là độc ác mà bạn đã dành cho vợ/chồng mình. Joe, một thợ điện 32 tuổi, thú nhận:
Tôi không thể tin là mình đã đối xử tệ với vợ như thế khi gặp Meg. Tôi lên kế hoạch tiệc tùng với bạn bè trong hội bóng chày của mình – chúng tôi sẽ đi chơi, uống chút bia, ăn pizza và xem các trận đấu quyết định trên tivi. ‘Bạn bè’ ở đây có cả Meg. Tôi chẳng giữ bí mật với các chiến hữu về mối quan hệ trên mức tình bạn với Meg. Tôi biết vợ tôi không muốn tham gia bất cứ phần nào trong buổi tiệc kiểu thế này. Cô ấy đang có thai, ghét bóng chày và ghét ăn nhậu. Và tôi thì đang mong cô ấy lại làm như trước đây là ra khỏi nhà vào cuối tuần để đến chơi nhà em gái”.
Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến việc qua đêm với Meg. Nhưng ngay trước bữa tiệc, Susan bị ra máu. Cô ấy gọi cho bác sĩ và ông ấy sắp xếp cho cô ấy đến bệnh viện để khám vào ngày hôm sau. Cô ấy không muốn tạo gánh nặng cho bất kỳ ai, vì vậy cô ấy đề nghị qua đêm trong một nhà nghỉ để có thể ngủ ngon giấc còn tôi vẫn có thể tiệc tùng. Tôi đã đồng ý. Tôi cũng để cô ấy tự lái xe đến bệnh viện vào ngày hôm sau.
Tôi biết trong mắt người khác thì tôi thật đáng ghê tởm. Không lời nào có thể bào chữa cho cách cư xử của tôi. Tôi đã bỏ mặc vợ khi cô ấy cần tôi nhất. Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi đã hoàn toàn bị sa vào lưới tình và hành động như một thằng ngốc ích kỷ. Tôi không nghĩ hành vi của tôi phản ánh tính cách thật của mình. Tôi chỉ nghĩ rằng mình đã quá u mê”.
Một số người có thể ghê tởm bản thân vì đã cố làm cho người bạn đời trở nên thấp kém như mình khi xúi giục họ hành xử xấu xa, để bớt đi mặc cảm tội lỗi.
Sid, một học viên MBA 26 tuổi, đã nhận thấy mình lợi dụng vợ, chị Ingrid, để dọn đường cho mình: “Tôi cố tình xử tệ với vợ, mong rằng cô ấy cũng tàn nhẫn lại với tôi để tôi có cớ ra đi. Tôi muốn lôi kéo cô ấy để tay cô ấy cũng nhúng chàm, để cô ấy phải chia sẻ trách nhiệm về cuộc hôn nhân đổ vỡ, để mọi tội lỗi không trút cả lên đầu tôi. Thậm chí tôi còn cố xíu giục một người bạn ngoại tình với cô ấy, hy vọng điều đó sẽ bôi nhọ phẩm giá của Ingrid và kéo cô ấy xuống ngang hàng với tôi. Sau đó, tôi ép cô ấy đến gặp một chuyên gia tư vấn cùng hội cùng thuyền với tôi để anh ta có thể làm cái công việc dơ bẩn là thuyết phục cô ấy ly hôn. Điều tồi tệ nhất là khi cô ấy tử tế với tôi thì tôi lại không thể chịu đựng được. Khi tôi nói mình sẽ ra đi thì cô ấy giúp tôi sắp xếp đồ đạc. Tôi đã làm cuộc đời cô ấy tan nát còn cô ấy thì lại ở đó giúp tôi dọn đồ. Sự tử tế của cô ấy đã bóp nghẹt trái tim tôi, và tôi phải cố gắng để trấn tĩnh lại”.
Sid ly hôn Ingrid và bốn năm sau đó anh vẫn ngẫm nghĩ lại hành vi của mình. “Tôi thật tệ với Ingrid. Cô ấy không đáng phải chịu sự hèn hạ của tôi. Nhưng hồi ấy tôi còn quá trẻ, tôi không biết mình là ai, mình muốn gì hoặc làm thế nào để có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Điều khiến tôi luôn chán ghét bản thân là sao tôi không chịu nói với cô ấy là mình không vui, mà lại kéo cô ấy sa vào vũng bùn cùng tôi”.
Cảm giác tội lỗi có thể là một lời nhắc nhở sáng suốt rằng bạn đã không thành thật với bản thân – một thông điệp để bạn sống gần hơn với niềm tin của mình. Nhưng khi cảm giác tội lỗi khiến bạn tự biến mình thành đồ rác rưởi, thì bạn chẳng học được gì cả; khi nó khiến bạn chối bỏ bản thân, thì bạn bắt đầu tự lừa dối mình. Do đó, bạn không nên hướng sự trách móc vào con người mình, mà hãy nhắm vào những tính cách cụ thể bên trong bạn mà bạn không thích hoặc cho là không phù hợp, và vào những điều có thể khiến bạn đối xử tệ bạc và lừa dối bạn đời khi bạn ngoại tình. Sau khi cô lập những thuộc tính tiêu cực này, bạn có thể bắt tay điều chỉnh chúng, đồng thời mở lòng đón nhận những thay đổi mang tính xây dựng và tự tha thứ cho bản thân. Sau đây là một số điểm mà bạn có thể tự chê trách về mình:
• Cảm thấy không yên tâm, không chắc chắn về bản thân đến mức bạn trở nên mềm yếu trước sự quan tâm của những người biết cách khuyến khích, ủng hộ bạn.
• Không chia sẻ với bạn đời những nhu cầu mà bạn chưa được thỏa mãn (sự đồng điều, cảm xúc, đối thoại,...) rồi lại đi tìm điều đó ở người khác.
• Cảm thấy mình có quyền được đáp ứng nhu cầu mà lại không quan tâm đến nhu cầu của bạn đời.
• Thèm cảm giác lạ đến mức không thể chịu đựng được một mối quan hệ lâu dài, đơn điệu.
• Phớt lờ hoặc không nhận thức được những mâu thuẫn cá nhân của chính bạn và đổ lỗi cho bạn đời đã khiến bạn không hạnh phúc.
Dù bạn có thể muốn khám phá những điểm thiếu sót ở bản thân, nhưng thật không công bằng nếu bạn chỉ tập trung vào chúng mà lại bỏ qua vai trò của bạn đời. Bạn không có quyền đổ lỗi cho vợ/chồng bạn về việc bạn đã ngoại tình – vì không ai ép buộc bạn phải lừa dối cả – nhưng bạn có quyền tâm sự với bạn đời lý do mà họ đã khiến bạn thấy bất mãn trong đời sống vợ chồng.
Một bên vì tình, một đàng vì “yêu”
Sự khác biệt giới tính có ảnh hưởng nhất định đến phản ứng cảm xúc trước chuyện ngoại tình của từng giới. Như đã trình bày trong chương trước, những khác biệt này không chính xác hoàn toàn nhưng chúng góp phần giúp bạn hiểu thêm về hành vi của mình.
Nghiên cứu hiện tại về những hành vi và thái độ ngoài hôn nhân cho thấy, phụ nữ có xu hướng ngoại tình vì tình yêu và sự đồng cảm nhiều hơn, trong khi đàn ông thường chỉ vì đáp ứng nhu cầu tình dục. Phụ nữ có thể cho rằng việc họ ngoại tình là chính đáng nếu đó là vì tình yêu; còn đàn ông lại thường tin rằng chuyện ngoại tình có thể chấp nhận được nếu đó không phải là tình yêu. Phái nữ cũng thường đau khổ vì chuyện ngoại tình nhiều hơn phái nam.
Những phát hiện này sẽ không giúp thanh minh cho bạn trước bạn đời. Việc bạn khăng khăng rằng bạn không thể làm gì hơn, rằng bạn đã làm cái điều mà bất kỳ người đàn ông hay người phụ nữ nào cũng làm sẽ chẳng giúp bạn đi đến đâu cả, nhưng chúng có thể giúp vợ/chồng bạn hiểu bạn hơn, và khơi mào cho một cuộc trò chuyện hữu ích về ý nghĩa của chuyện ngoại tình cũng như những thiếu sót trong cuộc hôn nhân của các bạn.
Khác biệt thứ nhất: Phụ nữ tìm bạn tâm giao, đàn ông tìm bạn “tâm tình”
Phụ nữ: “Cuối cùng tôi đã tìm được một người mà tôi có thể mở lòng”.
Đàn ông: “Tôi cùng người tình chia sẻ với nhau nhiều chuyện như tình dục, thể thao, âm nhạc,...”.
Nhìn chung, phụ nữ ngoại tình vì muốn có được những cảm xúc mà họ thiếu thốn trong hôn nhân. Họ “sa chân lỡ bước” để tìm kiếm một người tri kỷ, một người quan tâm đến cảm xúc của họ, chịu tâm sự cùng họ. Phụ nữ thích nói chuyện và họ phát triển mối quan hệ thân mật từ những lần chuyện trò. Những phụ nữ sa ngã thường nảy sinh tình bạn thân thiết với người thứ ba trước khi họ quan hệ tình dục. Và khi đã lên giường với nhau, phụ nữ sẽ tiếp tục tìm kiếm sự gần gũi gắn bó hơn.
Trái lại, đàn ông ít khi gắn kết tình cảm trong chuyện ngoại tình. Họ ngoại tình không phải vì nhu cầu tìm bạn tâm giao mà vì sự hấp dẫn thể xác đối với một phụ nữ khác, và chính cuộc phiêu lưu tình ái không bị cản trở mới khiến anh ta sa ngã chứ không phải là sự thấu hiểu hay gần gũi của bạn tình. So với phụ nữ thì có rất ít đàn ông cảm thấy không hài lòng với gia đình tại thời điểm mà họ ngoại tình. Robert Wright trong bài viết Why men are still beasts (tạm dịch: Tại sao đàn ông vẫn là mãnh thú) đã giải thích lý do đàn ông “thường lăng nhăng và bị cuốn vào tình dục” hơn phụ nữ bằng học thuyết của Darwin, rằng mỗi năm giống đực có thể có truyền nòi giống hàng trăm lần trong khi giống cái chỉ có một lần, vì thế đàn ông không cần suy xét gì khi lên giường. Nhà viết kịch Edward Albee cũng có đề cập trong tác phẩm Three Tall Wome (tạm dịch: Ba người phụ nữ cao lớn) rằng, phụ nữ sa ngã vì cô đơn, đàn ông sa ngã đơn giản vì họ là đàn ông.
Nếu bạn là phụ nữ, bạn có thể xem xét liệu bạn có muốn thẳng thắn nói với chồng rằng bạn không hài lòng với cuộc hôn nhân này, cũng như nói rõ bạn cần gì để hâm nóng tình cảm vợ chồng vốn đang nguội lạnh. Sau khi biết chuyện vợ ngoại tình, người chồng bị phản bội thường than thở rằng họ không bao giờ có cơ hội giải quyết những phàn nàn của vợ mình.
Nếu bạn là đàn ông, bạn có thể hỏi xem tại sao bạn lại quan hệ với người khác và bạn cảm thấy hôn nhân không hạnh phúc như thế nào vào thời điểm đó. Ban đầu chỉ là sự hấp dẫn vì vẻ bề ngoài, rồi có thể dẫn đến đam mê tình dục, và sau đó phát triển thành một mối quan hệ có cảm xúc mãnh liệt. Cuối cùng, bạn có thể thay thế vợ mình bằng người khác dù lúc đầu bạn không bất mãn đến mức đó – chỉ sau này bạn mới phát hiện ra rằng mối quan hệ với người tình mới cũng đầy xung đột như cuộc hôn nhân trước đây của bạn.
Khác biệt thứ hai: Phụ nữ tin rằng ngoại tình là chính đáng nếu có tình yêu; đàn ông cho rằng có thể ngoại tình miễn không có tình yêu
Phụ nữ: “Nhưng tôi yêu anh ấy”.
Đàn ông: “Nhưng tôi không yêu cô ta”.
Phụ nữ thường ủng hộ ngoại tình khi đó là tình yêu. Trớ trêu thay, đàn ông thì ngược lại. Phụ nữ có xu hướng gắn bó sâu sắc hơn với người tình của họ cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Đây là một lý do khiến chuyện ngoại tình của phụ nữ thường dẫn đến ly hôn.
Nhìn chung, đàn ông tin rằng tình dục ngoài hôn nhân được xã hội chấp nhận và thậm chí tha thứ, miễn đó chỉ là chuyện chơi qua đường và không ai phát hiện ra. Họ có xu hướng xem nhẹ chuyện lên giường với người khác, coi đó chỉ là chuyện nhỏ, một tai nạn hay sự giải tỏa nhất thời.
Khác biệt thứ ba: Phụ nữ khổ sở khi ngoại tình, đàn ông tận hưởng nó
Phụ nữ: “Ngoại tình khiến cuộc sống của tôi rối bời”.
Đàn ông: “Ngoại tình cho tôi cuộc sống mới”.
Nói chung, so với nam giới thì phụ nữ có xu hướng mâu thuẫn khi họ đi quá giới hạn tình dục cũng như họ ít chịu tin chuyện ngoại tình của mình là chính đáng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Như đã đề cập ở phần trước, khi đã vướng vào lưới tình thì phụ nữ thường gắn bó tình cảm với người mình yêu và khó tách bạch tình yêu với tình dục. Trong một nghiên cứu gần đây về những người vợ không chung thủy, Carol Botwin nhận thấy phụ nữ không được giải thoát khỏi chuyện ngoại tình như đàn ông. Họ đau khổ hơn, dằn vặt hơn và cảm thấy lệ thuộc vào người tình nhiều hơn.
Những phụ nữ sa ngã cũng phải chịu nhiều đau khổ hơn vì ít có thời gian ở bên con cái. Là người chăm sóc chính cho con cái, nay họ thường xuyên phải giao con cho người trông trẻ để hẹn hò với người tình, sự lừa dối ấy khiến họ thấy mình tội lỗi gấp đôi. Những người theo quan niệm truyền thống rằng phụ nữ là phải biết kiềm chế, biết hy sinh,... thường cảm thấy tội lỗi nhiều hơn nữa khi họ sống độc lập và đặt nhu cầu bản thân lên trên hết vì bất cứ lý do gì.
Ngược lại, đàn ông dường như giỏi tách biệt chuyện ngoại tình với cuộc sống thường nhật. Đàn ông không mất thời gian để nghĩ về người khác hay hồi tưởng những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc hôn nhân của họ, nên họ ít bận tâm và cũng không đặt nặng vấn đề ngoại tình. Việc họ có thể thích thú làm tình với người lạ hoặc người mà họ không yêu cũng phần nào giải thích được thú đam mê xem phim sex của họ, đơn giản là đàn ông dễ bị kích thích bởi hình ảnh trực quan mới mẻ, vì thế họ có thể tận hưởng chuyện quan hệ tình dục với người lạ mà chẳng gặp rắc rối gì về mặt cảm xúc. Trong một cuộc khảo sát trên toàn nước Mỹ về hành vi tình dục, 54% đàn ông cho biết họ nghĩ đến chuyện làm tình ít nhất mỗi ngày một lần, trong khi ở nữ giới con số này chỉ có 19%.
Nếu bạn là một phụ nữ đang ngoại tình, có lẽ bạn đã dành khá nhiều thời gian để nghĩ về người tình của mình. Cho dù bạn không muốn thừa nhận, bạn vẫn nên hiểu rằng rất có thể “khoản đầu tư” đó đã khiến bạn gán cho mối quan hệ bất chính này nhiều tình yêu và cảm giác đặc biệt hơn. Nếu bạn cũng giống như nhiều phụ nữ khác là thấy khó biện minh cho một cuộc tình mang ý nghĩa tình dục thuần túy, thì cảm giác tội lỗi của bạn có thể khiến bạn phóng đại nỗi bất hạnh với cuộc hôn nhân ở nhà và tán dương tình yêu của bạn với người tình nhiều hơn.
Nếu bạn là người đàn ông đang ngoại tình, bạn có thể tự lừa dối bản thân để tin rằng bạn sẽ giữ cho mối quan hệ tình dục được đơn giản. Thật không may cho bạn là người tình của bạn có thể phản ứng theo những cách phù hợp với giới tính nữ của cô ấy, tức là cô nàng đòi hỏi ở bạn sự thân mật và cam kết nhiều hơn, do đó thay đổi luật chơi của bạn. Nếu điều này xảy ra, bạn đành giã biệt tự do và lún sâu vào cuộc tình vụng trộm này.
Như đã đề cập trong chương trước, những khác biệt giữa hai giới không phải lúc nào cũng rõ ràng và thậm chí còn có thể đảo ngược. Chắc chắn cũng có những người đàn ông tìm một phụ nữ tri kỷ ngoài hôn nhân chứ không phải chỉ là bạn tình. Và như Carol Botwin đã viết trong cuốn Tempted Women (tạm dịch: Những người đàn bà bị cám dỗ) và Dalma Heyn đã viết trong cuốn The Erotic Silence of the American Wife (tạm dịch: Sự im lặng gợi tình của người vợ Mỹ), có một kiểu phụ nữ mới – Botwin gọi là “người nổi loạn” (groundbreaker) – rất tích cực tìm kiếm người tình để quan hệ tình dục và thoải mái trải nghiệm mà không mảy may cảm thấy tội lỗi.
Có lẽ hầu hết các bạn đều đồng ý rằng con người ai cũng muốn giải quyết vướng mắc và làm những điều tốt đẹp cho bản thân nhưng vẫn phải công bằng với người khác. Biết cân nhắc các phản ứng của hai giới sẽ giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn, dù vậy bạn vẫn nên nhìn rộng ra thay vì chỉ dựa vào mỗi phản ứng theo giới tính thuần túy.
Đến thời điểm này, vợ chồng bạn đã đi xong bước đầu tiên là gọi tên cảm xúc của mỗi người khi chuyện tình bí mật bị bật mí. Giờ đây, bạn đã sẵn sàng cho bước tiếp theo: đưa ra quyết định đúng đắn và sáng suốt về tương lai của cả hai. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem xét kỹ hơn quan niệm của bạn về tình yêu cũng như điều gì có thể lôi kéo bạn vào một mối quan hệ tội lỗi hoặc khiến bạn từ bỏ cuộc hôn nhân.