-Sinh ơi, có khách!
Đang say giấc nghe vợ gọi, Triệu Quầy Sinh choàng tỉnh. Nhìn đồng hồ, đã sáu giờ. Tối qua có khách ngồi khuya nên sớm nay dậy muộn, thường ngày đã thức từ năm giờ. Đánh răng, rửa mặt xong thấy tỉnh táo hẳn. Trên nhà, ba người đàn ông ngồi bên bàn gỗ vẻ mệt mỏi. Một gã nhìn vào bếp, sốt ruột:
- Có gì ăn được chưa?
Đang tất bật trong bếp, Mai, vợ Sinh nhanh nhảu:
- Dạ, xong rồi đây ạ!
- Chậm thế, đói muốn chết.
Bưng chiếc mâm gỗ có đĩa gà luộc với bát canh nóng đặt lên bàn cho khách, Sinh nhìn sang gã vừa cằn nhằn. Không chỉ một, cả ba gã đều cởi trần. Trên mình toàn những hình xăm móng vuốt, chim thú, mây, lửa đan cuốn, cả hình mặt gái trẻ. Không lạ, từng có người xăm trổ ghé đây. Nam có, nữ có. Người xăm chữ, kẻ hoa hồng, thập ác, kim cương giọt lệ ở chân tay, ở cổ nhưng đều có vẻ từ tốn, khiêm nhường. Nhưng chắc không phải ai cũng vậy. Như những khách này, người non vía bắt gặp chắc tởm. Họ có vẻ ít lời. Thỉnh thoảng thấy đưa mắt ra chiếc xe con đỗ ngoài cửa. Sinh lắc đầu, chẳng nên bận tâm. Bổn phận hãy lo phục vụ chu đáo. Măng ớt, mật ong, nấm hương mộc nhĩ ai đến mua đều giá như nhau. Gọi ăn sẽ nổi lửa phục vụ. Bếp luôn sẵn thực phẩm. Món ăn sạch sẽ, ngon miệng. Chuyện thiên hạ hãy bỏ ngoài tai. Không hóng hớt, tò mò nhỡ gây phật ý, mất khách.
Đĩa thịt bò xào ngô non, ớt ngọt; tiếp đến món măng tươi xào lá mác mật được bưng lên. Mùi thức ăn tỏa thơm quyến rũ. Rượu thuốc được rót ra. Bát đũa va nhau lanh canh. Khách có vẻ đói. Một gã gợi ý:
- Ly nữa đi nhỉ?
- Vừa vừa thôi, lúc này mà say thì vứt.
- Đâu dễ thế, rượu đây nhạt thếch.
- Đừng xem thường.
Quay lại bếp, thấy Mai đứng ngẩn, mặt tái nhợt, Sinh hỏi:
- Có chuyện gì à?
Mai nín lặng. Có gì đó không bình thường? Sinh khẽ nói vào tai vợ:
- Đang có khách đấy! Làm cái mặt như bị mất máu thế này không hay đâu! Có chuyện gì nói nghe đi?
Mai lắc đầu.
- Đừng có giấu!
Im lặng. Mắt Mai như có đám mây. Vẻ ngây bướng khác thường của vợ làm Sinh lo, thoáng khó chịu:
- Mụn mọc ở chân tay còn nhìn thấy, đầu nghĩ gì không nói không biết được đâu. Nói nghe đi, có chuyện gì mình từ từ bảo nhau.
Người Mai như có luồng điện chạy qua, run rẩy muốn làm nàng ngã. Sinh định đỡ, Mai gạt đi. Mắt vẫn không rời vị khách đang ngồi xoay lưng về hướng này. Sinh nhìn theo. Là một gã tuổi trên bốn mươi, trên lưng xăm hình một con chim đại bàng dang cánh. Đại bàng sao, lẽ nào? Gượm đã. Bên ngực trái còn nốt ruồi có túm lông đen. Khó nhìn quá! Gã vẫn tư thế lạnh lùng.
Đã hơn chục năm. Ký ức chợt hiện về. Đó là một ngày mưa như đổ nước, nàng bất động, áo quần tả tơi, lộ làn da hằn những vết bầm tím. Không khóc lóc hay rên rỉ, chỉ đôi mắt hoảng loạn chất chứa đau đớn tột cùng.
***
Bản Trang của Sinh trên núi Đăng Vài. Làng có hai chục hộ người Dao sống bên nhau. Ngày ra quân, tiền được lĩnh một lần Sinh đem mời người bản bữa rượu thịt là hết. Hôm sau lại trở về nhịp sống như mọi người. Ở bản Trang mỗi năm nhà nhà đều thiếu ăn bốn tháng. Thiếu thì săn bắt chim thú thêm vào. Việc này của đàn ông. Đêm đêm đèn ló trên đầu, súng kíp, dao, giáo trong tay lập nhóm, cắt rừng, lội suối lần theo dấu thú. Bữa săn được, bữa về tay không. Thú rừng giờ hiếm vì người ăn rừng nhiều. Ăn nhiều, lại ăn nhanh nên chẳng loài nào kịp sinh trưởng đáp ứng nổi những cái bụng kinh niên đói rỗng. Sinh nhập theo một tốp. Chẳng phải thợ săn cũng đi săn. Đi để khỏi bị lẻ ra trong cái làng luôn vắng tiếng nói cười. Hy vọng được chia phần nếu may mắn săn được. Có cuộc xuyên đêm tận sáng mới về; có lần mưa bão phải trú lại hang nào đó mà đợi.
Đêm nay mưa to, gió cuồng. Sắp sáng rồi vẫn chưa chịu ngưng. Mặt đất sũng nước, hợp thành dòng đổ xuống từ núi cao vang động như trống rền. May tìm được hang này, không đã chết lạnh. Đứng cửa hang nhìn lên những núi mờ, Sinh nhận ra mình đang trú dưới con đường sát đỉnh đèo Gió. Đèo nằm trên trục quốc lộ ba, nối từ đồng bằng lên tỉnh Bình Lãng. Đèo dài hơn tám cây số, nép sườn núi chênh vênh. Từ hang đây lên tới đường chừng hơn năm chục thước. Đèo Gió là nơi bốn mùa lộng gió. Cái eo võng giữa hai ngọn núi cao nhất được chẻ đôi, mở ra con đường như cánh cửa đón gió bốn phương. Đèo cao, dốc đứng lại vắng vẻ nên chẳng ai tìm đến dựng nhà hay lán, lều.
Đang lan man chợt nghe có tiếng “ư hư” như tiếng ai rên. Là nước mưa tràn qua ghềnh đá! Không, hình như có cả tiếng ho, yếu lắm! Từ phía gốc cây vả kia. Sinh băng ra ngoài mưa. Là một phụ nữ, tóc bết mặt, mắt nhắm nghiền, nằm bất động dưới gốc cây. Không chút đắn đo, Sinh cúi xuống, bế thốc lên, đưa vào hang, rồi đặt nằm xuống nền đất khô ráo. Bếp lửa được nhóm lên. Ánh sáng soi rõ khuôn mặt một thiếu nữ. Hơi ấm lan tỏa. Thân hình bất động bỗng khẽ cựa, rồi hồi tỉnh. Thấy có người lạ đối diện, cô gái gắng gượng dậy, đưa tay lên che ngực. Sinh bối rối, định nói gì đó mà chưa nghĩ ra. Từ lúc phát hiện ra nàng, đưa vào đây chỉ tâm trạng lo lắng chứ không để ý gì khác. Nàng có vẻ hoảng, lo sợ nữa. Sinh nhìn ra ngoài, lặng lẽ cởi chiếc áo bộ đội đã cũ đang mặc đưa cho nàng.
- Mặc vào đi! - Giọng nói như lệnh khiến cô gái giật mình, cầm vội chiếc áo, khoác lên người.
Mưa tạnh. Chưa nắng nhưng không gian đã hửng hơn. Nghe Sinh bảo, đến lúc phải ra khỏi đây, nàng khẽ gật đầu, đứng dậy bước theo. Từ đây lên đến đường không mấy xa nhưng dốc, trơn nên hơn nửa tiếng sau mới tới nơi. Nàng ngồi xuống vệ đường, hổn hển. Sinh chậm bước như có ý chờ. Không phải chờ để cùng đi tiếp, mà muốn dừng lại đây. Lên tới được đây rồi thì đường ai nấy đi. Nàng có vẻ còn đau và mệt lắm, nhưng đã đứng dậy, bước về phía Sinh.
Không nói gì sao? Vậy thì Sinh đi đây. Qua hết núi này là về đến bản. Thấy Sinh cắm cúi bước đi, nàng bỗng như sực tỉnh, run rẩy: “Cho em theo với anh ơi”. Muốn cùng về bản với Sinh ư? Điều này không có trong suy nghĩ. Khó rồi! Sẽ nói gì với người nhà khi đưa đứa gái lạ theo về? Không lẽ để mặc cô ta một mình? Nơi này tuy vắng nhưng có xe qua lại, có thể vẫy, xin đi nhờ về. Ai chẳng có gia đình. Lạ thật, chẳng hiểu sao nữa? Tưởng đã tự đi được thế này sẽ tự tìm được đường về nhà. Chẳng lẽ từ chối? Áy náy quá! Không thể! Đành vậy! Rồi từ từ sẽ tính sau. Vậy là nàng được Sinh cho theo về bản Trang.
Nhà Sinh chỉ còn có tía, má, các anh chị đã ra ở riêng. Sinh chưa vợ. Lẽ ra đã có đám tảo hôn. Khi đó Sinh mới lên mười. Người tía má định hỏi làm vợ Sinh hơn Sinh bảy tuổi, Sinh không chịu. Tới khi trưởng thành, Sinh tình nguyện nhập ngũ. Ba năm trong quân đội, xuất ngũ về vẫn chưa lấy ai. Dẫu trai tân nhưng đưa gái lạ về cũng có chuyện. Đến chơi một hai ngày không sao, ở lâu người bản bắt đầu tiếng rơi, tiếng rụng. Vợ không phải, người yêu không, thân quen gì mà ở chơi đến mọc rễ ra đít vẫn chưa chịu đi. Lời bóng gió chê bai như chuột chết bốc mùi làm đau đầu. Tía kêu Sinh đến, vừa đẩy củi vào bếp vừa bảo thế. Còn nói: “Con này không biết tiếng Dao, chỉ mày chuyện được với nó. Tao với má mày nói nó không biết nghe, nghe nó nói cũng không biết thấy mệt cái đầu. Không để nó ở đây được đâu!”. Lời tía như dao chém đá. Nhưng lạ, đứa gái này có vẻ không muốn rời đây. Có lúc đã định nói với nó cái ý người già, nhưng chưa biết sẽ bắt đầu thế nào? Sau vài ngày nghĩ ngợi, Sinh quyết định xuống núi. Chục ngày sau một cái lán đã được dựng lên bên đường ngay đỉnh đèo Gió. Lán rộng hơn bốn thước vuông, có sạp bằng gỗ tròn lót rơm, cùng chiếc chăn cũ, nồi nhôm Sinh mang từ nhà xuống. Lán ở cạnh vực, dưới có cửa hang nơi Sinh tìm thấy đứa gái mấy hôm trước.
Giờ đã biết tên đứa gái là Mai. Nhưng vẫn chưa một lần hỏi quê ở đâu, chuyện gì đã xảy ra đêm đó? Sinh đưa Mai xuống lán ở, Mai ngoan ngoãn theo. Nhà còn ít bột ngô cũng san cho một nửa để nấu cháo. Còn lên nương bẻ một bao ngô non để luộc ăn dần. Cầm cự vài bữa, đợi khi có cơ hội sẽ rời đây. Kể từ hôm đó đã ba ngày, chắc nàng đi rồi.
Mấy hôm không xuống thấy lán có vẻ đã khác. Khói lơ lửng mái tranh như thả lên trời những nét vẽ mềm. Trước cửa treo tấm bìa gỗ đề dòng chữ viết bằng than củi: “Ở đây có ngô luộc”. Là nàng vẫn còn đây. Xem ra tươi tắn hơn. Không còn giật mình, hốt hoảng như hồi nào. Những vết bầm trên tay, trên cổ cũng đã mờ. Chờ Sinh bước vào lán, nàng dỏn dẻn chìa nắm tiền lẻ: “Tiền bán ngô đấy, anh cầm đi”. Sinh ngạc nhiên: “Nhiều thế à?”. “Toàn tiền lẻ, không bao nhiêu đâu”. “Giữ lại mà dùng, tôi về lấy thêm cho bán”. “Đây là tiền bán ngô của nhà anh, anh cầm lấy”. Sinh bảo: “Giữ lại để bù cho khách, còn bán nữa mà!”. “Thế cũng được, không cũng chẳng biết đổi đâu để bù. Khách qua đây mua ăn ai cũng khen ngô ngọt và dẻo lắm”.
Chẳng hiểu sao nữa. Tưởng chỉ vài hôm nàng sẽ tìm về gia đình. Vậy mà vẫn còn ở lại đây. Kệ thôi! Giờ khắc ăn, khác ở không làm phiền ai. Sinh vẫn ở nhà trên núi chỉ thỉnh thoảng mới xuống. Chốc lát thôi, ngó nghiêng vài chỗ lại về. Sau lần nàng đưa tiền, Sinh không nhận, nghĩ bụng, nàng cũng có vẻ thật thà như người bản. Không biết nàng còn ở lại đây bao lâu, nhưng hứa rồi phải làm. Không chỉ ngô non, có lúc túi măng, con gà, đẫy quả Sinh mang xuống cho Mai bán. Khách hồi này bắt đầu đã quen dừng đỗ ở đây. Đỉnh đèo thoáng gió, lại có chỗ “xả” vô tư; rồi vào quán ăn trứng luộc, bắp ngô luộc, uống bát nước ngô thấy lạ miệng, khoái. Còn được mua đồ rừng về làm quà. Bán được hàng, Mai sắp tiền đưa cho Sinh. Thấy Sinh lưỡng lự, Mai bảo, em biết những thứ anh mang xuống đều của bà con trong xóm gửi bán giúp, phải đem về trả lại mọi người. Có thế sau mới lại có để bán. Đây tiền gà, tiền gạo, măng, ớt, nấm hương… từng món được nàng nịt gọn, nhét vào túi áo Sinh. Ra là nàng biết cả. Sinh đành nhận, đem về trả cho mọi người. Hàng lại có, không nhiều, nhưng bán chạy. Tuy còn giữ ý nhưng hai người có vẻ đã thân gần hơn. Chuyện với nhau đã tự nhiên hơn, khi còn cười nữa. Không hiểu sao hồi này Sinh khó ngủ? Đêm trằn trọc, toàn nghĩ vẩn vơ. Nhắm mắt lại thấy hiện lên nét mặt với nụ cười buồn như gió thu thoảng qua rừng vắng. Bâng khuâng. Vì lẽ gì không thể giải thích. Chỉ biết một ngày không xuống lán thấy nhớ, thấy thiếu thiếu thứ gì.
Chiều nay vắng khách, Sinh đến, nhìn vào mắt nàng, run run:
- Mai làm vợ tôi nhé?
Mai sững sờ, giọng chìm xuống:
- Không được đâu!
- Có chồng rồi à?
- Chưa, nhưng không lấy tôi được đâu!
- Chê tôi người dân tộc, nghèo không đáng làm chồng sao?
Mai bối rối:
- Không phải Sinh ơi! Tôi đâu dám nghĩ thế với người đã cứu giúp mình! Chuyện khó nói lắm! Nếu biết anh còn không muốn nhìn mặt tôi nữa.
Sinh vẫn từng lời:
- Chuyện hôm qua, hôm kia, hay lâu hơn với tôi không còn quan trọng nữa rồi, không cần phải nói đâu.
- Anh đã biết chuyện của tôi rồi sao?
Sinh chậm rãi:
- Tự nghĩ cũng mới biết ít thôi. Nhưng tôi bảo rồi…
Mai ngắt lời:
- Vậy thì không thể, em sẽ nói để anh biết.
- Chỉ cần Mai đồng ý làm vợ tôi, mình sẽ về ở với nhau, cùng một nhà như những cặp vợ chồng khác ở bản Trang.
- Anh phải nghe em nói.
Không thể ngăn. Giọng Mai thì thầm như tiếng suối trôi trong không gian thinh vắng.
“Nhà em ở cạnh ga Quán Triều, gần thành phố Thái Nguyên. Năm em mười lăm, cha mẹ ly hôn rồi cả hai bỏ đi biệt tích. Em sống cùng bà nội. Hai bà cháu hái mớ rau, nhặt quả trứng vườn nhà đem bán nuôi nhau. Năm em mười bảy, bà nội mất chỉ còn lại một mình. Ai có việc, gọi đến giúp cũng không nề hà. Làm để kiếm đồng tiền nuôi thân, áo quần để mặc. Có chị hàng xóm gặp trong ngõ, kéo lại bảo, ngốc ơi, xinh thế mà không biết mình xinh. Người như mày kiếm tiền dễ bỡn. Thôi những việc lặt vặt đi, chị bày cho. Rồi chị đưa em đến một nhà hàng giải khát kiêm hát ka-ra-ô-kê giới thiệu. Vừa thấy em, chủ nhận luôn. Chưa đầy tuần đã quen việc. Bê đồ uống cho khách, quét dọn, lau chùi bàn ghế, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Ông chủ hài lòng lắm. Bà chủ còn bỏ tiền mua quần áo cho mặc. Mặc đồ mới, trang điểm chút nữa thấy mình như người khác. Một người khác được khách để mắt tới hơn mấy đứa cùng làm. Quán ngày một đông khách hơn. Cứ nghĩ từ nay đã hết nỗi nhọc nhằn. Một ngày có người đến ghé tai ông chủ, họ chuyện với nhau, vừa nhìn về phía em, gật gù vẻ tán thưởng.
Tối đó, ông chủ đến bảo em, mai cho nghỉ đi du lịch! Du lịch ư, lạ quá! Chưa kịp hỏi đi đâu đã lại nghe bảo, có người đưa đón, ăn ở không phải lo. Miễn phải nghe lời, phục vụ chu đáo. Người ta có tiền đấy. Làm tốt sẽ có thưởng, không để cho thiệt đâu, nhớ đấy! - Chủ quay đi.
Lần đầu biết du lịch là thế nào, được ngồi trong xe con thấy êm như trên nệm gió. Xe dừng lại bên một hồ nước có núi vây quanh. Trên bờ có khối đá lớn, một bên vạc phẳng, đề chữ “Hồ Núi Cốc”. Vừa bước vào phòng nghỉ, chưa kịp đặt đồ “người có tiền” đã vội theo vào, ôm chặt lấy em. Tuổi chừng bốn mươi, suốt hành trình chỉ im lặng, vậy mà sao lúc này hành xử bạo liệt khác thường? Chưa kịp hiểu chuyện gì quần áo đã bị cởi tung. Hoảng quá, định hét lên, nhưng người ấy đã bịt chặt miệng em, dỗ dành, đừng, không sao đâu. Không có ai ở đây đâu. Anh đã đặt cả khu nhà này rồi. Ngoan nhá! Ai nào trưởng thành mà chẳng vậy. Anh sẽ bù đắp cho. Khoảnh khắc chợt thấy như chìm vào cơn mê, một cơn mê bị vây kín bởi mây mù quánh đặc. Cái cảm giác tê liệt từ não bộ lan khắp thân thể đã triệt tiêu mọi phản kháng. Có thể gã dùng sức khống chế, cũng có thể đã dùng thuốc gì đó khiến em không còn cảm giác nhận biết để có thể phản ứng theo bản năng. Thế là thứ quý nhất của đứa con gái bị chiếm đoạt. Tận lúc quay về thành phố vẫn chưa hết bàng hoàng. Cảm giác mất mát, khổ đau đã đẩy em rơi vào tuyệt vọng. Vậy là họ đã thỏa thuận với nhau, mình chỉ là hàng, một món hàng. Từng nghe đâu đó chuyện tương tự với những đứa gái khác. Sao không hiểu ngay ra? Sao mà ngốc vậy? Yếu đuối bất lực. Oán hận dâng trào. Sẽ rời khỏi nhà hàng đó ngay khi trở về.
Gã đưa em về tới nhà trọ rồi thản nhiên bỏ đi như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Em bước vào phòng như một cái xác. Sau phút thẫn thờ, chợt nhớ việc phải làm lúc này. Vơ vội ít đồ nhét vào túi, em vòng qua lối sau, hướng ra quốc lộ. Đi đâu? Về lại căn nhà xưa ư? Không thể! Nơi đó chỉ toàn những cô đơn buồn tủi. Chân đưa thân xác với cái đầu trống rỗng bước đi, mặc cho đến đâu. Oán hận, khổ đau như nhấn mình chìm dưới chín tầng địa ngục. Ước có phép lạ hóa cái kẻ có tiền ấy thành một con chó không đầu. Nhưng đó chỉ là hoang tưởng trong cơn bế tắc, bất lực. Tận lúc này mới khóc. Khóc chỉ mình mình nghe. Chợt nghĩ, hay từ bỏ số kiếp cho hết đi đau phiền. Đời có còn gì nữa mà thương tiếc.
Hình như có tiếng xe ngược chiều. Chân như có hồn ma dẫn ra đường lớn. Lòng thấy nhẹ bẫng. Tiếng phanh gấp. Mặt đường đùn lên lớp khói đen. Tiếng chửi tục tĩu cất lên.“Đ. mẹ con ranh, suýt gây họa cho bố mày...”. Từ ca bin xe tải có người nữa nhảy xuống theo. Gã đưa tay ngăn kẻ đang nổi cơn thịnh nộ. Họ đã nói gì với nhau em không biết. Lát sau đã thấy mình trên buồng lái giữa hai người đàn ông. Lái xe liếc sang em, giọng đấu dịu: “Này, lần sau nếu em gái có muốn đi nhờ thì đứng lề đường mà vẫy nhé. Đừng có như lúc nãy làm người khác vỡ tim đấy”. Nói xong gã cười. Vì sao cười không biết nữa? Dù đã cố nở cười nhưng khuôn mặt hum húp cũng không sáng được là bao. Còn cởi trần nữa. Khắp mình xăm trổ. Bên ngực phải có nốt ruồi đội túm lông đen. Mỗi lúc đánh xe vào cua, gã nghiêng người để lộ hình xăm chim đại bàng trên lưng. Những đặc điểm đó chẳng gây ấn tượng. Đầu óc vẫn hoàn toàn trống rỗng. Không cần biết họ đang đưa mình đi đâu. Mặc, muốn đến đâu thì đến, đâu còn thiết nỗi gì. Cho đến lúc xe leo đèo, vừa ngó sương mù phủ kín mặt đường gã lái xe vừa lên tiếng: “Theo bọn anh lên Bình Lãng nhé! Trả hàng xong về ngay”.
Thấy em không trả lời, gã tiếp tục bằng giọng đùng đục: “Đi không hả?”. Xe đột ngột dừng lại, gã nhìn ra ngoài, lạnh lùng: “Đỉnh đèo rồi, xuống nghỉ chút đi”.
Miệng nói, tay mở cửa xe, đồng thời gã kéo em ra khỏi ca bin. Gã ngồi cạnh cũng vội nhảy theo xuống. Khoảnh khắc em thấy mình bị đè ngửa bên lốp sau. Trời bỗng tối sầm. Dù đã ra sức cưỡng lại nhưng không thể. Hai gã sức vóc hùng hục thay nhau quần vò. Nỗi kinh hoàng, đau đớn làm thân thể gần như tê liệt. Em nghe tiếng mình gào thét, giãy giụa rồi như chìm trong lửa. Bỏng rát và tê dại. Xa xa vọng đến tiếng nói: “Con này là gái hàng ấy mà, có lẽ nó chết rồi. Làm gì bây giờ? Hất xuống dưới vực kia, rồi đi thôi. Chẳng ai biết đâu”. Em thấy mình bay bay, rơi rơi, va đập rồi bị nuốt xuống một hố đen hun hút...”.
Nàng ngưng kể. Không phải để thăm dò thái độ Sinh sau nghe chuyện của mình. Là muốn nuốt ô nhục vào sâu nữa, ngõ hầu bình tâm trở lại. Nhắc chuyện cũ đã thật là miễn cưỡng đau lòng biết bao, nhưng không thể không nói ra. Được cứu giúp đã ân huệ lớn rồi, nào dám mong gì hơn. Nàng không thể là vợ Sinh. Vợ Sinh phải là người khác kia. “... là cái ngày anh đã cứu em đấy. Hôm đó không có anh, em đã chết rồi. Mà sao không chết đi cho xong. Thân này không xứng với anh nữa đâu. Hãy tìm lấy người khác đi Sinh ơi…”.
Sinh nắm tay Mai. Nàng thảng thốt. Hình như nàng vẫn bị ám ảnh bởi ngờ vực. Có lẽ nàng vẫn chưa thể tin những gì liên quan đến con người sau biến cố khủng khiếp vừa trải qua. Nhưng Sinh tin. Thật tin những gì nàng kể, cả sự mộc mạc, chân thành ở nàng qua thời gian ngắn ngủi được tiếp cận. Ngoài kia muôn lá vàng từ đại ngàn theo gió bay về, rơi xuống mặt đường như những mảnh trăng chín rộm. Đang giữa thu, trời xanh cao, nắng dịu mà sao thấy buồn.
Sinh thì thầm:
- Tôi không đổi ý định đâu. Mai cứ nghĩ cho kỹ đi. Thời gian sẽ giúp mọi thứ thay đổi. Tôi sẽ đợi đến ngày đó.
Ngày đó cuối cùng đã đến. Chuyện buồn như áo cũ đã chôn dưới vực sâu. Sinh, Mai nên vợ chồng. Sau cưới hai người đã chuyển xuống đây ở hẳn. Đã hơn chục năm rồi. Hai con trai đã lớn, nhà cũng đã xây. Hơn chục nhà trong bản cũng theo vợ chồng Sinh xuống đây mở quán. Một xóm nhỏ hai bên đường trên đỉnh đèo Gió được hình thành. Làm ăn tạm được. Không giàu nhưng không còn nghèo như xưa nữa. Đỉnh đèo Gió từ bao giờ đã thành điểm dừng đỗ của các loại xe. Khách vào mua bán, ăn uống ai cũng hoan hỉ, hài lòng.
***
Chuyện cũ tưởng đã chết khô, chết mục, nào ngờ lại cựa mình thức dậy. Liệu đó có phải nó không? Đến bên bàn kê ngoài cửa, Sinh vờ cầm phích nước, nhìn gã ngồi giữa. Bên ngực phải của gã có nốt ruồi to như hạt ngô đội túm lông dài. Hệt những gì từng nghe Mai kể. Máu trong người chực sôi. Sinh dằn lòng, hẵng gượm. Chỉ Mai mới có thể khẳng định, đúng nó hay không. Mai đứng bên cửa bếp từ lúc nào. Hình như đang gắng kiềm chế cảm xúc. Nàng nhìn như soát từng mặt người quanh bàn. Chợt dừng lại. Chính là kẻ ngồi giữa kia. Nỗi uất hờn làm nàng run rẩy. Muốn nói gì đó với Sinh mà không thể cất lời. Không, không cần phải nói gì nữa! Hiểu rồi, là đúng nó đây rồi! Kẻ đã cưỡng đoạt rồi đẩy Mai xuống vực hồi nào đang ngồi kia. Cái mặt người ác nghiệt, dã thú là đây sao? Sao lại xuất hiện vào lúc này khi quá khứ đã chôn vùi dưới chín tầng quên lãng. Tồi tệ, thật tồi tệ. Phải làm sao đây? Bỏ qua, chuyện cũ rồi mà? Chợt đâu đó có tiếng nhắc nhở. Nhưng sao có thể. Nhìn xem, Mai đang đau khổ và tuyệt vọng nhường nào. Vết thương cũ lại rỉ máu. Đâu dễ bỏ qua. Bấy lâu Mai đã là máu thịt của Sinh. Nàng đau, Sinh cũng đau. Nỗi đau liền cùng thân thể. Khẩu súng săn hồi nào vẫn gài trên tường nhà kho, Sinh đẩy cửa bước vào. Bụi, mạng nhện phủ nòng thép. Súng còn tốt, đạn đủ dùng cho vài cuộc săn. Cách nào đó để có thể đối mặt với riêng nó? Chưa biết! Nhưng dù thế nào cũng sẽ phải để nó biết tội lỗi đã gây ra trước đây trước khi nhận cái chết. Sinh gỡ khẩu súng săn khỏi tường.
Ngoài nhà có tiếng chuông điện thoại. Là điện thoại của “chòm lông”. Có gì đó bất thường. Nghe xong chỉ thấy nó đáp gọn “thế à”, rồi tắt máy. Nó cúi xuống thì thầm gì đó với mấy thằng. Một đứa rút tiền đặt lên bàn, rồi vội bước ra xe. Cốp sau được mở ra. Một chiếc túi du lịch được “chòm lông” nhấc khỏi xe.
Từ trong nhà, Sinh thấy “chòm lông” nói gì đó, hai gã kia gật đầu. Mặt đứa nào cũng căng thẳng. Chúng lên xe, rồi phóng về phía Bình Lãng. Còn lại một mình, “chòm lông” ngó quanh, hất túi du lịch lên vai, băng xuống mé đường. Nháy mắt bóng nó đã mất hút. Nơi nó vừa xuống là vực. Dưới đấy có một cửa hang, nơi mà Sinh đã tìm thấy Mai rồi đưa vào đó hồi nào. “Chòm lông” có vẻ rất căng thẳng, nhưng không chút hoảng loạn. Mặt vẫn tỏ sự lầm lì của một dạng người từng trải, liều lĩnh. Từng nghe những vụ buôn bán hàng cấm bị công an phục kích, đuổi bắt trên đường này. Hay đây cũng vậy? Trong túi gã mang theo có gì mà khiến gã căng thẳng vậy? Sinh cầm súng lao ra khỏi nhà. Sau lưng, Mai gọi với theo:
- Cẩn thận Sinh ơi!
Cửa hang lá cây rậm rì. Có vết cỏ rạp. Hẳn có người mới qua đây. Sinh thận trọng từng bước. Bao năm chưa một lần quay lại nhưng vẫn nhớ từng mô đá, hõm nền. Dấu tro bếp hồi nào vẫn đó. Căng mắt nhìn. Chợt phát hiện chiếc túi du lịch đặt trên một tảng đá. Đúng chiếc túi này! Người đâu? Có gì bên trong mà nặng vậy? Sinh cúi xuống. Khóa túi được mở ra. Toàn những bánh hình chữ nhật, xám màu chồng lên nhau như gạch viên. Không lạ! Không ít lần đã thấy thứ này trên ti vi trong những vụ án ma túy bị bắt giữ. Chỗ này dễ hơn chục bánh. Với số lượng này, bị bắt chắc sẽ lĩnh án tử hình. Nếu trót lọt qua biên giới cũng sẽ kiếm bộn tiền. Vậy là hiểu rồi. Kẻ nào đó đã báo nó biết, hướng lên Bình Lãng đã bị công an mật phục. Gã quả là liều lĩnh, cáo già. Không đổi lộ trình, vẫn cho xe tiếp tục chạy lên Bình Lãng nhằm nghi binh. Còn gã ôm hàng tẩu xuống đây. Có lẽ gã không ngờ lại tìm được một nơi kín đáo như vậy. Liều hóa lại gặp may. Thoát được hàng sẽ thoát người. Có lẽ nó tính, giấu hàng ở đây, nấp đâu đó, đợi lúc tạm ổn sẽ quay lại. Có lẽ nó không biết Sinh đã bám theo. Cơ hội để tính sổ với nó đây rồi. Nhanh thôi, nó sẽ quay lại lấy túi hàng. Đang tìm chỗ nấp, bất ngờ Sinh thấy sau đầu chợt nhói lên dữ dội. Mắt tối sầm, rồi chìm vào màn đêm đen kịt. Không biết đã bị ngất đi bao lâu? Tỉnh lại Sinh thấy hai tay mình bị trói, miệng bị nhét giẻ. Trước mặt một bóng người đứng lặng phắc. Là “chòm lông”! Gã thúc mũi giày vào bụng Sinh:
- Tỉnh rồi hả? Còn non lắm chú em, ăn được anh đâu dễ. Tự gây chuyện thì đừng oán trách nhau. Kẻ nào khác bọn anh nếu thấy hàng này sẽ phải vĩnh viễn câm miệng. Không cảm giác gì đâu, sẽ rất nhanh thôi.
Gã nâng khẩu súng ngắn, kéo khóa nòng:
- Nhắm mắt lại, chỉ một phát vào đầu thôi, gọn lắm! Nhưng trước khi mày biến khỏi đây cũng nên biết một chuyện. Cái con đứng cửa bếp lúc nãy là vợ mày đúng không? Chắc nó nghĩ tao không còn nhớ! Không, tao đã nhận ra nó ngay khi vừa bước vào nhà mày. Con này cao số đấy. Tưởng chết mục từ hồi nào vậy mà còn sống đến bây giờ. Chắc nó hận tao lắm. Nhìn mắt nó thì biết, như muốn ăn tươi nuốt sống tao vậy. Mày cũng thế! Hận thù hiện ra mặt. Nó đã kể cho mày nghe rồi đúng không? Vợ mày ấy, hồi đó thân hình nó thật tuyệt. Bao năm qua tao vẫn còn nhớ đấy. Rồi lúc đó thấy nó không còn thở, nghĩ nó chết rồi nên tao đã cùng với thằng nữa đẩy nó xuống vực. Chỗ đó hình như cũng gần đây thôi. Cái thằng cùng tao hôm ấy số nó thật đen. Mày biết không, nửa tháng sau thì nó gặp nạn. Chết cháy trong ô tô ấy mày hiểu không? Chuyện thường thôi, sự chết ngày nào chẳng có. Hôm nay đến lượt mày rồi! Đừng sợ, sẽ nhanh thôi.
Từng lời nó nói ra như mũi dao đâm vào ngực Sinh. Giá thoát khỏi dây trói này sẽ liều chết một phen với nó. Đồ nghiệt súc, sao có thể thản nhiên, lạnh lùng đến vậy? Hay đó là bản lĩnh kẻ ác? Mà thôi, chẳng thể làm gì được nữa. Kết thúc rồi. Mạng sống này chỉ còn tính bằng giây. Một tiếng nổ vang lên mọi tâm tư đều sẽ bị xóa trắng. Không chút run sợ, chỉ tiếc chưa kịp hành động gì đã bị vô hiệu. Trách mình thôi, một phút bất cẩn mà thành ra bất lực! Nòng súng lạnh ngắt đã dí vào đầu. Nổ này! Vừa định nhắm mắt cửa hang chợt tối sầm. Bóng ai vừa lao đến như tên bay. Chỉ nghe một tiếng “cốc” dội lên, “chòm lông” đã gục xuống, bất động. Ai thế? Ai đã cứu Sinh thoát khỏi cái chết trong chớp mắt? Trong luồng sáng ngược Sinh thấy ai kia như một người... Là phụ nữ sao? Sao biết Sinh ở đây mà tìm đến? Không lẽ! Có phải, có phải Mai đó không? Đúng là Mai rồi! Nàng đang cầm cục đá cỡ quả bưởi trong tay, toàn thân vẫn đang run vì kích động. Sao có thể liều lĩnh vậy? Nguy hiểm quá! Như sực nhớ ra cần phải làm gì lúc này, nàng vội buông cục đá, lao đến Sinh, cởi dây trói, lôi miếng giẻ ra khỏi miệng. Nàng đỡ Sinh ngồi dậy, run run:
- Sinh ơi, có làm sao không?
- Không, chỉ đau đầu chút thôi. Xem nào, nó còn sống hay chết rồi.
Sinh lật người nó lên. Mắt trợn trừng, bất động.
- Chưa chết, phải trói nó lại.
- Giết đi! Đừng để nó sống.
- Không được! Thế thì dễ cho nó quá! Mai hãy nghe tôi, từ hôm nay chuyện cũ hãy quên hết đi. Sẽ có người trừng phạt nó. Nó không phải người nữa rồi, là thú dữ đấy. Xem đi, trong túi này toàn hàng cấm, nhiều lắm. Nó sẽ không thoát được án tử hình đâu.
Sinh mở túi chỉ cho Mai xem những gói hình chữ nhật xếp chồng nhau. Ngoài cửa hang chợt có tiếng chân người. Không phải một mà hình như nhiều người đang đến. Tiếng người gọi tên Sinh, tên Mai cất lên vọng vang vách núi. Mai bước ra cửa hang, đưa tay vẫy miệng hú gọi mọi người:
- Trong này… ở trong này…
Có đến năm người cùng bước vào. Đuốc sáng rực hiện rõ từng mặt người. Đều hàng xóm trên đỉnh đèo. Mỗi người một việc. Sinh tự đi được, chỉ “chòm lông” vẫn chưa tỉnh phải khiêng. Chưa tỉnh cũng phải trói cẩn thận, rồi hò nhau kéo lên mặt đường cùng chiếc túi.
***
Cuối thu trời chuyển lạnh. Những lá vàng lẫn muôn sợi hoa lau nhẹ bay trong gió. Lâu rồi Sinh mới cùng vợ lên núi sau nhà ngồi như vậy. Không gian vẫn như mọi ngày mà hôm nay sao thấy khác. Nắng thẫm hơn, trời xanh hơn, mây trôi cũng chậm hơn. Lặng yên bên nhau thật lâu. Quen rồi, đó là thứ ngôn ngữ thường ngày của vợ chồng. Mãi rồi Sinh mới lên tiếng: “Sao hôm ấy mình biết tôi ở đó mà tìm đến? ”. Mai bảo: “Thấy anh theo nó xuống đấy em đã đoán ngay. Anh biết không, mỗi lần nhìn thấy cái vực ấy tim em lại đau thắt. Sợ lắm! Nhưng hôm đó thì không. Em đã rất lo cho anh. Trước khi đi, em đã kịp báo cho mấy người hàng xóm”. Sinh nhìn Mai, cảm kích: “Hôm đó không có mình có lẽ tôi chết rồi”. Mai bảo: “Người tốt được trời giúp, không dễ chết đâu”. Nhìn những đỉnh núi xa, Sinh thì thầm: “Đâu có ông trời nào, chỉ mình thôi, mình đã cứu tôi, không có mình, tôi đã thành con ma rồi”. Mai thăm dò: “Mình có định xuống huyện không?”. Biết Mai định hỏi gì, Sinh bảo: “Để lĩnh thưởng á, không cần đâu”. “Sao thế?”. “Có đáng gì, với lại tôi không muốn nghĩ đến chuyện đó nữa, mình quên đi Mai à. Từ nay tất cả khác rồi”. “Thế cũng được”. Mai ngả đầu vào vai Sinh.
Gió từ phương Nam thổi tới xua đi lớp sương mù trên những đỉnh non ngàn. Nơi đây quanh năm gió. Đang cuối thu gió càng nhiều hơn. Trên trời cao mây như những con thuyền trôi như cuốn theo bao chuyện xưa buồn. Một không gian xanh thắm nhuộm nắng vàng và gió lộng mỗi lúc thêm thêm rộng mở, gợi lòng người cảm giác thanh thản, bình yên.
Ngày 15 tháng 10 năm 2020