Đi làm bằng xe buýt tính ra đã được hai năm, có lúc phải chờ vì chậm tuyến hoặc tắc đường nhưng Quế luôn hài lòng. Không vì chi phí rẻ, mà còn tiện và an toàn. Phải phàn nàn gì đó chỉ là chất lượng phương tiện, cũ và xộc xệch quá. Mùa đông khỏi nói, nhưng mùa hè thì chán ớn. May thì được ngồi xe điều hòa còn tốt mát rượi, nếu không phải chịu đựng không khí nồng nực như trong lò bát quái. Khách đứng, ngồi chen chúc, hơi nóng từ xe, từ người quyện nhau. Có thường đi mới thấy ba mùa xuân, thu, đông ngắn như cú thở hắt, chỉ mùa hè, cái mùa đáng sợ nhất ở Hà Nội lại dai dẳng đáng ngại. Chỉ mong qua nhanh, thoát cảnh ngột ngạt. Ưu điểm nổi bật, sau ghế lái có treo bảng quy định mười điều. Đáng chú ý, điều bốn, ưu tiên ghế cho người tàn tật, phụ nữ có thai, trẻ em và người cao tuổi. Quế mới ngoài năm mươi, cái tuổi dở ông dở thằng đôi khi cũng được thơm lây tinh thần nhân văn đó. Hồi đầu hơi ngại, dần bớt băn khoăn. Được cánh trẻ tự nguyện nhường ghế hóa ra như bị nhắc, trẻ thời đã qua, già thời đã đến. Cái nỗi ấy đến với mỗi người là quy luật không thể tránh, không thể thương lượng để có thể lui. Vậy là nghiễm nhiên mỗi lần lên xe, Quế thường lặng lẽ đón lõng một cử chỉ hào hiệp.
Đôi lần thấy Quế đứng bám dây, qua vài ba điểm vẫn chưa có ông trẻ, bà trẻ nào chịu nhường ghế, phụ xe lên tiếng nhắc, hơi nặng lời. Lũ đầu xanh, đôi ba kẻ miễn cưỡng đứng dậy. Có được chỗ ngồi thấy thoải mái, nhưng day dứt như thể vừa hớt tay trên phần ăn người khác. Vì thế nhiều lúc không đành lòng. Làm bộ từ chối mà như vơ vào: “Không, không! Cứ ngồi, tôi đứng được, còn khỏe, không sao, không sao”. Tinh thần hào hiệp được đánh giá cao, lời mời càng trở nên tha thiết. Không thể từ chối, đành hạ mông xuống ghế. Ấy là họa hoằn, chứ thường Quế phải đứng. Sau vài bận thấy rằng, hôm nào mặc quần áo sáng màu y như bị đứng. Còn hôm nào vận quần áo tối màu, liền được nhường chỗ tức thì. Quả là người đẹp vì lụa, áo quần cũng giúp con người ta tươi trẻ ra, hoặc già đi. Tổng kết đó thành kinh nghiệm, đi xe buýt chỉ nên mặc quần áo tối màu. Vừa tỏ ra chững chạc, lại được người khác vì nể nhường chỗ ngồi.
Nhưng tổng kết đó chẳng tỏ ra hiệu quả.
Đã ba ngày Quế liên tục phải chịu những cơn ho do viêm họng. Người ngấy sốt nhưng dở việc cơ quan nên không thể nghỉ. Mỗi lần lên xe chỉ mong có chỗ ngồi cho đỡ mệt. Nhưng số đen. Chẳng hiểu sao mấy hôm nay khách xe buýt đông đến vậy. Nghe xôn xao, sinh viên vừa nghỉ hè, nay xuống trường nhập học. Thảo nào. Nhìn khách xe buýt đứng kín lối đi mà ngao ngán. Người già kia, mấy hôm nay đâu ra mà nhiều thế? Nghe có lão chống gậy phàn nàn:
- Chán lắm!
Có người lầu bầu:
- Chỗ ngồi hẳn hoi còn chán cái nỗi gì?
Nghe có một chút tỵ hiềm trong giọng nói. Cái lão ngồi ghế vẫn chống gậy xuống sàn xe, hai chân giạng ra như sợ ngã lăn, miệng lưng bưng:
- Chán cái nỗi già chứ còn chán cái gì! Già là chán nhất bà hiểu chưa? Chẳng có gì chán bằng già. Cái gì cũng hỏng, lỏng lẻo, xộc xệch méo mó hết cả.
- Ông đừng có bỡn.
- Không bỡn, thật trăm phần trăm đấy. Mà bà đâu có còn trẻ mà không biết?
- Tôi không phải đàn ông.
Có tiếng cười rộ. Không khí thoắt trở nên vui vẻ. Phụ xe nhỏng cổ nhắc:
- Đề nghị giữ trật tự, nội quy đỏ chót kia không đọc à?
Tiếng cười nói im bặt.
Quế vịn tay vào thành ghế, nơi một cô bé đang ngồi. Nụ cười đọng trên môi nàng. Có lẽ mấy lời đối đáp kia vẫn lưu trên nét mặt tươi rói. Có tiếng thì thầm:
- Chẳng có văn hóa chút nào.
Ai đó phụ họa:
- Giới trẻ bây giờ nó thế, có mà văn hóa tranh cướp.
Ẩn ý rõ đang nhằm vào ai. Mặt cô gái ửng đỏ. Tuy nhiên nàng chỉ cúi xuống, không có ý thanh minh. Quế liếc sang, bắt gặp nàng cũng nhìn mình. Vẻ bối rối vừa như có lỗi lại vừa như muốn nói gì đó, rồi gượng cười như muốn lấy lòng. Quế nhếch môi cười đáp lại. Nụ cười cứng nhắc chắc đã làm khuôn mặt anh méo mó. Làm sao có thể tươi tắn khi đang lên cơn sốt. Anh nhìn lướt. Những vẻ mặt câm lặng che đậy nỗi niềm. Thói quen đi xe buýt của người thành phố là không bắt chuyện với người lạ. Đó cũng là quy định với hành khách khi sử dụng phương tiện này, nữa là đề cao cảnh giác. Trộm cắp bây giờ lẫn lộn khó đoán. Chợt có tiếng thất thanh:
- Các anh các chị ơi, cho em xin lại cái ví, trong đó không có tiền đâu, chỉ chứng minh thư và bằng lái xe của em thôi. Cho em xin lại đi. Các ông các bà ơi, em biết lấy đâu giấy tờ xin việc bây giờ. Cho em xin lại đi, ví không có tiền đâu!
Một nam thanh niên tuổi chừng hai mươi lăm, dáng dấp tỉnh lẻ luôn miệng kêu la hy vọng kẻ bất lương nào đó mủi lòng. Nhất loạt hành khách đều đặt tay vào túi đem theo. Xe đến điểm đỗ, tiếng van xin bất lực dần mất hút theo tốp người vội bước xuống bến.
Lại tiếng kêu, lần này là một cô bé, dáng nữ sinh:
- Ối, điện thoại, điện thoại mất rồi.
Tiếng lao xao, những mắt liếc canh chừng. Tởm quá! Đang yên đang lành sao bỗng dưng coi nhau như kẻ cắp.
Xe dừng. Khách xuống. Tiếng giãi bày, ấm ức bặt hẳn. Phụ xe dè dặt:
- Hành khách tự quản lý tài sản cá nhân cẩn thận nhá. Kẻ cắp bây giờ trông như người thật, khó biết lắm đấy.
“Kẻ cắp bây giờ trông như người thật”. Câu này lần đầu nghe. Quế thấy lạ tai nhưng thực tế. Người mà không phải người, lạ chưa cái giống chuyên móc túi. Mà sao phụ xe có vẻ như biết cả lại làm ngơ? Sợ, hay đôi tròng thịt đã no ứ trò đạo chích trên cái phương tiện ngày nào cũng phải len lỏi như đánh vật? Có lẽ là cả hai lý do đã ngăn lại tinh thần nghĩa hiệp. Có thể vì thế mà chỉ dám nhắc mọi người có thân tự lo. Còn an ninh, an toàn chẳng gì liên can tới gã. Than vãn vô ích.
Lại một tiếng hét bất chợt. Thở phào. Không phải hét mà là đang hát. Không lời. Giai điệu nước ngoài. Tiếng ấm ứ hự, hi ha được tống lên mũi một gã nam sinh mặt lấm tấm mụn trứng cá. Chẳng cần biết có ai, gã nảy ngón tay cầm nhịp vào thành ghế, say sưa ư hứ như đang trên sân khấu. Rồi tự nói:
- Không, phải tập hát bài tiếng Anh này. Sắp tới ngày 20 tháng 11, sẽ hát tặng cho các thầy cô, ấn tượng đây.
Có phải hạng người nửa sống nửa chín, hay chỉ nổi cơn hứng bất chợt? Những ánh mắt tò mò hướng về gã. Nhận ra mọi người đang nhìn mình, gã tháo dây phone khỏi tai, ngoảnh mặt nhìn đường. Vài người che miệng cười. Nàng cũng cười nhưng không thành tiếng. Cười cái gì mà cười? Đừng có giả bộ. Quế nghe thấy tiếng cáu kỉnh lẫn chút ghen tị khẽ rên trong lòng. Nhận ra hơi thở mình mỗi lúc thêm nóng ran. Thèm một chỗ hạ mông quá. Giá lúc này được ngồi sẽ hạ bớt mệt mỏi căng thẳng. Nét mặt nàng vẫn tươi rói. Vẻ tươi tắn đó càng làm Quế thêm khó chịu. Cho đến khi xe dừng lại, Quế vội bước xuống, nàng vẫn yên vị tiếp tục hành trình. Có lẽ nhà nàng tận bến cuối.
Ngày thứ hai.
Hết giờ làm việc, Quế vội rời cơ quan, lên xe buýt về nhà. Nàng đã ngồi đó từ lúc nào, vẫn là chỗ hôm qua. Ánh mắt nàng nhìn như muốn lấy lòng, vừa như kêu gọi thông cảm. Đạo đức giả. Quế thầm rủa.
Ngày thứ ba.
Lại chậm chân rồi. Vẫn nàng ngồi trên chiếc ghế đó, và nụ cười thản nhiên như không. Quả là thân thiện dễ gần, nhưng hình như trong lòng Quế cảm tình đã phai nhạt. Thậm chí muốn lựa vài lời phất vào bộ mặt kia cho bõ tức. Nhưng chợt nghĩ mình đâu có quyền. Với lại ấy là phận nữ, lại xinh đẹp thế, sao nỡ. Xe công cộng chứ đâu của riêng ai? Khéo thiên hạ cười cho. Cũng lạ, từ khi nào đã tự nhận mình già. Chỉ vì cái chỗ ngồi hay sao? Thế mà dám vỗ ngực đấng trượng phu. Hóa ra cũng chỉ hạng người hạ đẳng. Quế lẩm bẩm tự chỉ trích, thẳng lưng bám tay vào dây treo dòng xuống từ nóc xe.
Đến điểm đỗ Bệnh viện Bưu điện, phụ xe vừa lách qua hành khách đứng chen chúc từ đầu xe xuống, vừa nói:
- Nào, nào, tránh cho người xuống nào.
Tay cầm chiếc xe lăn gấp gọn, phụ xe tiến đến bên nàng. Quế chợt bàng hoàng khi thấy nàng đưa tay về phía người phụ xe như một đứa trẻ. Phụ xe dúi vào tay anh chiếc xe lăn:
- Ông cầm hộ với. Hôm nay là ngày bệnh viện hẹn khám lại cho cô ấy.
Nàng bám chặt hai cánh tay người phụ xe. Không cần bỏ ra nhiều sức, chàng trai trong bộ đồng phục màu ghi khẽ cúi người nâng nàng trên tay như bồng một đứa trẻ. Lúc bước qua bên Quế, anh thấy nàng khẽ cười. Một nụ cười bẽn lẽn trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Quế chợt nhận ra đôi chân nàng không bình thường. Nó thõng xuống yếu đuối và lạnh ngắt. Cho đến khi được đặt ngồi trên xe lăn, nàng đưa tay vẫy vẫy người phụ xe như tỏ lời cảm ơn.
Cửa xe buýt khép lại. Qua lớp kính anh vẫn còn thấy nàng cười, nụ cười tỏa sáng làm hiện lên lúm lõm mờ trên đôi má, lấp lánh trong veo như sương mai dưới nắng. Lâu rồi mới lại thấy thiếu nữ có lúm đồng tiền. Quế bần thần nhìn theo bóng nàng cùng chiếc xe lăn khuất dần sau cổng bệnh viện. Cảm giác như người mắc lỗi khiến anh không sao dứt khỏi những suy nghĩ về nàng, về nụ cười và đôi chân tật nguyền của nàng. Sao mình có thể vô tình đến vậy? Lòng chợt buồn mênh mang.
Tháng 8 năm 2013