Dưới sàn có tiếng bước nhẹ. Là thằng Sòi, cháu nội lão Phử. Cha nó tên Kên, từ lâu đã vào rừng, thỉnh thoảng mới về. Chỗ ấy vắng người, ít giao tiếp nên Kên bây giờ trông hệt thổ phỉ, râu tóc như rêu chỉ hở đôi mắt u ẩn khó đoán. Khó đoán với thiên hạ, chứ lão Phử biết tỏng. Con lão lão biết. Là mắt của đứa bị vợ bỏ theo giai. Con vợ nó da trắng, mặt đẹp, cao vóc phải tội hay cười. Đừng trách, lão đã thầm với con, trông chừng đứa ham buôn đường dài, miệng mắt cười roe roe dễ bắt lòng kẻ lạ. Có thể thằng bạn buôn, gã lái xe, có khi tay cán bộ áo quần láng mướt, quen thổi tai gái lời ngọt mía nướng. Nó ngẩn mặt, lẩm bẩm, người già mà nói thiếu cẩn trọng. Ừ hứ! Lão mà không cẩn trọng? Cha nó kia mà, bản Khoang ai không nể trọng. Buồn, và lo, hậu quả nhãn tiền mà không cách nào để con hiểu mà lường.
Xảy ra cơ sự. Vợ nó bỏ theo giai, một thằng trẻ hơn chục tuổi, đơn thân giàu có hạng. Chuyên đưa hàng cao su qua biên giới, tiền như nước, sở hữu ba khách sạn cao thủng trời giữa thành phố. Lạ đời, gái non mơn mởn thiếu gì. Nghe bảo, nó đi xem bói, thầy phán rằng, phải kết cho được con này mới vượng cơ cốt, đỏ số. Con này tuổi Thìn, tuy đã có chồng nhưng là hạng được trời ban tứ hồng, môi hồng, gót hồng, núm hồng, ấy cũng hồng, xưa là chuẩn tiến vua. Lấy được nó khác gì vua. Tin gì thằng thầy bói, đâu còn đôi mắt, hay như còn cũng chẳng thể biết trong đũng người ta thứ ấy tròn hay méo thì sao biết hồng hay thâm? Thế là thằng trẻ ra chiêu dụ dỗ. Con này thực là đứa hám lạ. Đồ lạ ấy trẻ, lại lắm tiền, nó mê rồi theo. Bỏ lại bố con thằng Sòi đến nay đã năm năm.
Lão Phử hãm nỗi buồn bằng tợp rượu. Tội nghiệp Kên. Không biết nghe ai bày, nó tìm trên liếp tường đầu sàn, nơi trước đây vợ thường ra đó chải tóc. Tìm được von tóc rối, nó thả vào bát rượu, đặt dưới đầu giường trong buồng. Đúng giờ Tý thắp nén hương, nín thở, quay ba vòng trên miệng bát. Liền ba ngày, cứ giờ Tý lặp lại như thế. Lẽ thường vợ đã tự dẫn xác về, nhưng chẳng hiểu sao vẫn biệt tăm. Lão thừa biết bùa này của người Dao, Kên được ai bày cho. Có thể bùa phép còn thiếu gì nữa, cũng có thể cách ấy chỉ hợp vía người Dao. Người Tày Nùng ở đồng thấp, người Dao trên cao, ăn ở sinh hoạt mỗi tộc mỗi khác, bùa phép không thể lấy làm chung. Biết là thế nhưng lão không dám nói. Kên buồn quá hóa quẫn rồi. Lão vu vơ, con trai lão mà sao giờ như hang thẳm không thể biết trong đó có gì? Sao không ai khác, nhà khác lại nhằm vào nhà mình? Phiền muộn.
Thằng Kên bất ngờ rời bản Khoang. Lần đầu xuống thành phố, tìm tới nhà thằng trẻ.
- Tao đến đòi vợ.
Vẻ dửng dưng của Kên làm thằng trẻ co rúm. Nó run run:
- Uống chén rượu rồi từ từ nói.
Nhổ bọt xuống sàn gỗ, Kên giật cục bảo:
- Rượu cái cứt! - Định nói: “Muốn thêm cho tao chén độc nữa à” nhưng lại thôi. - Trả vợ cho tao đi.
Thằng trẻ mặt non nhưng là đứa từng trải. Nhìn bộ dạng đối phương, đoán sắp xảy chuyện sấm sét, gã mau mồm:
- Rồi, rồi, nhưng giờ cô ấy không ở nhà.
- Đừng nói dối, tao rút lưỡi đấy, gọi ra nhanh lên.
Trong buồng tiếng dép lẹp kẹp. Kia! Đúng là nàng rồi, nhưng đâu còn như trước. Con ngài đã hóa bướm. Váy áo lộng lẫy, uyển chuyển như tiên. Chợt ái ngại. Giá vẫn như hồi nào, quần áo chàm, tóc vấn khăn xanh thoảng mùi khói bếp. Giờ đâu? Như chưa hề gặp? “Con bướm” lí nhí:
- Anh mới xuống?
Gã ngây như đá mọc rêu. Tiếng nói ấy cũng lạ hoắc.
Thoáng thấy vẻ bối rối của Kên, thằng trẻ hít hơi, bình tĩnh:
- Tôi đâu phải hạng ăn trộm! Thì đấy, hỏi đi, nếu muốn tôi không giữ.
- Con lợn bẩn thỉu.
Mắt Kên nóng bỏng. Tai như sắp xì khói. “Con bướm” run run:
- Bây giờ không còn là của nhau rồi, đừng tìm nữa.
Sau bao ngày chỉ mấy lời đơn giản thế sao? Vô tình quá. Gã tìm thuốc lá trong túi. Thằng trẻ lùi lại thế thủ. Kên giơ bao thuốc cho nó thấy:
- Đừng hoảng thế! Nếu muốn chỉ một cú này là mày mất mạng.
Kên đưa tay vạc vào khoảng không, có tiếng “phựt” như dao chém. Mặt thằng trẻ xám ngoét:
- Đàn ông với nhau, còn có cách giải quyết khác mà.
Như bắt phải mùi khắm thối, Kên chau mày. Cách khác gì nữa? Nó nẫng vợ ta, phù phép biến con đàn bà kia từ con ngài hóa bướm, khiến bao năm ta phải cúi mặt. Một cái nhọt ung thối, ý định ban đầu sẽ chọc một phát cho nó vỡ tóe, rồi kéo cổ đồ rác rưởi kia về hành nó tận khổ đến cuối đời. Nhưng giờ dự định chợt nguội lạnh. Thật lạ, con ngài hóa bướm kia với ta như chưa hề biết. Vậy là thằng trẻ thắng, nó đã hoàn tất việc nhuộm kín thứ màu đô thị lên mình con đàn bà rừng rú. Thoạt đầu tận mục đã định gây kinh động cho chúng biết là thế nào khi thể diện người rừng bị bôi bẩn. Giờ tinh thần đó biến đâu mất, chỉ muốn rời khỏi đây ngược về núi. Còn gì nữa mà luyến tiếc. Ngẩng đầu, chợt thấy nắng, gió và bầu trời mênh mông biếc xanh vẫy gọi.
Thấy Kên lẳng lặng bước ra cửa, thằng trẻ nói với theo:
- Ông cầm về ít tiền mua quà cho cháu.
Kên cầm xấp tiền, gõ nhẹ lòng bàn tay:
- Bồi thường thiệt hại đấy hả?
Dứt lời, Kên ném cục tiền vào ngực thằng trẻ khiến nó ôm ngực loạng choạng. Nụ cười méo xệch ứ hận của Kên làm toàn thân thằng trẻ cứng đơ.
Dân bản Khoang hồi này không còn thấy Kên ủ dột như trước. Gã chuyên chú vào việc trồng rừng, lúc rảnh bới quặng măng gan bán cho tư thương, kiếm ít tiền tiêu vặt. Nghe cha nhắc, cẩn thận đấy, kẻo phạm quy định nhà nước. Gã bảo, chỉ là trên phần đất rừng nhà, thêm chút ít muối mỡ xuống chảo, chẳng nên lo. Rồi đột ngột:
- Nghèo thì thiệt lắm pa à!
- Là thế nào?
- Thứ gì tốt cũng bị người giàu lấy hết. Giàu thật sướng!
Lão ngơ ngác nhìn con.
Kên lại biền biệt trong rừng. Ngày lại ngày lão một mình với thằng cháu nội. Lòng thầm mong, lúc nào đó Kên sẽ cưới vợ mới. Sống là thế. Nhưng xem ra Kên vẫn chưa hết phiền muộn. Buồn chuyện cũ hay đang toan tính gì? Ngẫm mình già không thể giúp gì con, lão thấy có lỗi.
Lão Phử đến bên tường xé tờ lịch. Hôm nay là ngày 9 tháng 7. Bấm ngón tay, Kên vào núi đã năm năm. Biền biệt ngần ấy ngày đủ rồi. Thằng Sòi đang từng ngày lớn. Sắp phải ra phố huyện học trung học. Không biết sau làm gì nhưng nhất định phải học. Thiếu chữ như cha nó là khổ. Lời Kên nói vẫn bên tai, “nghèo thì thiệt lắm”! Có phải nghèo chữ song đôi với nghèo tiền của? Lời như gai đâm gan ruột. Tuy nó không có ý, nhưng lão thấy mình mắc nợ con. Sao trước không khích lệ nó học, lại cứ giục lấy vợ sớm nên mới thành ra như thế. Giờ lão đã già, cái già lân đến đầu gối, bàn chân cả vào giấc ngủ. Kên phải lấy vợ. Có con vợ nó sẽ vơ việc, nhà được vun vén ngăn nắp.
Kên về, mang theo cả chút nắng non đầu xuân. Sàn nhà kêu lốp rốp. Thấy lão loay hoay với ống “xì póp” (ống gỗ đánh lửa), gã lấy trong túi áo chiếc bật lửa ga đưa cho cha:
- Pa dùng cái này, một phát ăn ngay, xì póp lâu thấy khói lắm.
Lão thờ ơ:
- Cả bản chỉ còn tao dùng xì póp. Không hợp thời nhưng ám hơi người nhà ta, tao không muốn bỏ.
- Có người hỏi mua sao không bán đi, có tý tiền cũng tốt mà?
- Nói dễ quá! Thứ này tổ nội để lại. Mấy đứa tìm mua để bày chơi, bán là mất, là có tội, có nó nhà ấm. Mày không thích tao để cho thằng Sòi.
Kên đến ngồi bên lão Phử, xuống giọng:
- Tuỳ pa thôi! - Rồi gã bảo - Mình sắp hết nghèo rồi pa à.
Lão Phử nhìn con qua khói bếp, mắt nheo nheo:
- Đi mấy năm có thấy đem về đồng nào?
- Mấy năm trồng cây tranh thủ bới ít quặng, con kiếm được chút tiền, không nhiều nhưng ngoài số diện tích rừng nhận với xã, còn mua được thêm gần chục héc-ta, giờ đã sắp cho gỗ. Có đứa định mua đấy pa à.
- Rừng của xã, làm thế có phạm không?
- Xã giao hẳn cho các hộ chăm sóc, bảo vệ có sổ địa bạ hẳn hoi, không sao đâu.
Ngoài sông Quy có tiếng đảm gỗ vỗ vải vọng đến, tiếng cọn kéo nước đổ vào đồng. Âm thanh quen thuộc sao hôm nay gợi lòng bâng khuâng. Bến nước ấy ngày trước vợ Kên vẫn vén quần lội xuống giặt vải. Cá pia liềng bơi quanh chân. Nàng thả dải vải vừa nhuộm xuống dòng nước, dùng đảm gỗ đập cho phai bớt chàm. Màu xanh đen khiến mặt sông thẳm biếc. Kên đứng trên bờ ngắm vợ. Gã nhặt hòn đá ném xuống. Tiếng động làm nàng giật mình tuột tấm vải khỏi tay. Để nguyên quần áo, gã nhảy ùm xuống sông bơi đuổi theo. Tiếng nàng cười trong hơn cả tiếng nước leo ghềnh, thắm hơn mặt sông nhuộm chiều tím. Vết thương đã liền kín. Lâu rồi Kên không còn nghĩ chuyện xưa. Sao tiếng vỗ vải bên sông chiều nay xao động?
Gã đứng dậy, bước xuống sàn, chợt nghe pa nói:
- Đi mãi thế nhà lạnh lắm Kên à!
Giọng cha mệt mỏi. Kên thần người. Những ngày qua gã đã ấn vào thân già kia quá nhiều việc. Nhưng mọi chuyện sắp kết thúc, có nên cho cha biết? Gã dừng bước, khẽ nói:
- Mai nhà ta chuyển đến chỗ ở mới pa à.
- Đi khỏi đây ư?
- Vâng.
Lão Phử ngẩn người nhìn theo con. Kên không nói chơi. Bấy lâu nó làm gì đó không cho lão biết? Chỗ ở mới ư, nơi nào? Phố thị Cô Sầu chăng? Chỗ ấy phải có tiền. Kiếm đâu ra nhỉ? Được thế cũng tốt, tiện việc học của thằng Sòi. Mong sao đừng vì lợi mà phạm điều cấm, lụi bại chứ chẳng chơi.
Kên dừng lại bên chiếc lán cạnh suối Rằng. Đây là khu vực rừng tái sinh, trồng xen keo tai tượng ngót chục héc-ta đã khép tán, bao năm gắn bó như máu thịt. Hồi đầu nhận với xã khu này ai cũng bảo toàn sỏi sít với đám cỏ gai nhận làm gì? Kên cúi cười, lặng lẽ gạt mồ hôi tỉa cành, cuốc hốc.
Trồng cây phải có vốn, tiền đâu mua cây con mà trồng được nhiều thế? Nghe có người thắc mắc, Kên bảo, muốn có thì đến giúp tôi trồng cây. Trả bằng tiền à? Không, cuốc xuống khắc có tiền. Nghe như chuyện cổ tích. Vậy thì nhịn ăn nhé! Rõ hơn đi? Đến rồi khắc biết, nói trước không hay. Vậy thì thử bị lừa một lần xem, được thì vui, không cũng chỉ tốn tí sức mà vỡ lẽ thật giả. Vài người tìm đến giúp Kên cuốc hốc trồng cây. Chỉ vài nhát cuốc, những viên đá màu bằng ngón chân, nắm tay sẫm đỏ như tiết dê bật lên. Đang còn ngạc nhiên, đã thấy Kên bảo:
- Tiền đấy, đào hố nào chỉ được lấy trong hố đó thôi!
Là quặng măng gan, có giá lắm. Bấy lâu Kên một mình như ma trong núi là vì thứ này. Có của không ăn một mình, thằng này tốt. Thấy tiền người trồng cây không biết mệt, càng đào sức càng khỏe. Mở hố đến đâu, trồng cây đến đó. Mỗi hố gom được nửa cân quặng, nhiều thì hơn hai cân. Có ngày có người kiếm được vài ba tạ. Năm ngàn một ký, bấm đếm kiếm được khá tiền. Tư thương đến tận nhà thu mua. Tất cả đều không thể công khai, khai thác lậu, bán lậu, mua lậu. Những thứ lậu đã làm thay đổi đời sống người bản Khoang, nhà nhà no ấm. Gần tháng sau vùng đồi cằn đã được phủ xanh. Kên bất ngờ phát lệnh: “Xong rồi, dừng tay”. Ăn non vẫn thòm thèm, thêm tý nữa có của ăn của để. Giá còn có đất để trồng. Mà thôi, thế cũng được. Mọi người ơn Kên. Tin theo bảo gì cũng gật. Tỷ như: “Không được nói với ai chỗ rừng vừa trồng dưới đất có quặng, lộ ra bọn tham đến rồi mất hết. Chỉ khu đồi bốn héc-ta bên sông Quy, chỗ ấy có quặng măng gan lộ thiên”. “Sao thế, chỗ đó đâu có gì?”. “Cứ nói thế đi, không hại gì đâu. Tôi đoán sắp có chuyện rồi đấy”. Vậy là điểm hẳn hoi có quặng từ nay sẽ là không có gì. Nghe nhắc vậy, có người không khỏi phân vân, sau chép miệng, Kên hơn người bản cái đầu, biết tính xa. Cũng chỉ muốn ngăn lòng tham kẻ khác. Vậy hãy để đồ quỷ ấy ngủ yên trong đất. Tự mình Kên cũng đã kiếm được khá, bán đi chút ít để mua lại một số diện tích đất rừng nối vào rừng nhà, còn lại chở bằng xe ngựa, đổ cất đâu, làm gì không ai biết.
Chuyện người bản Khoang bất ngờ no ấm loan khắp. Ủy ban huyện triệu tập cuộc họp tìm hiểu nguyên nhân. Ô ba la, phép lạ gì chứ, hóa là dân tự ý moi tài nguyên bán cho lũ buôn lậu. Tài nguyên do Nhà nước quản lý, luật pháp đã quy định. Tức thì lệnh cấm niêm yết khắp hàng rào đá quanh bản. Chỉ doanh nghiệp được tỉnh cấp phép mới được quyền khai thác. Nhưng phải thỏa thuận với dân. Vì từ lâu đất rừng đã giao cho các hộ quản lý, có địa bạ hẳn hoi.
Doanh nghiệp con khỉ, tư nhân tuốt. Người bản Khoang cay mũi, tìm Kên hỏi, cách nào đối phó? Kên bảo, khó! Vua phán dân phải theo. Lại thăm dò, nghe bảo có người đến hỏi mua rừng của mày, đúng không? Ừ, đang tính! Không phải “chỗ ấy” chứ. Kên gật, đưa tay che mồm hiệu bé tiếng. Mọi người nhìn Kên, nhìn nhau, không hiểu gã đang toan tính gì?
Ngước nhìn những cánh rừng đang độ khép tán, Kên bồi hồi, bao mồ hôi tháng ngày nhọc nhằn đã đổ xuống. Cũng từ bạt ngàn ấy đã giúp Kên bình tâm. Lòng hôm nay bần thần cũng là lẽ thường. Nhưng đã hứa không thể khác. Hôm nay họ sẽ cho người đến kiểm tra mốc lần cuối và giao giấy tờ. Có tiếng xe ô tô. Kên quay lại. Hai gã đàn ông bước đến:
- Quyết rồi chứ?
Là tay trưởng phòng kinh doanh công ty Bắc Vọng, Kên thận trọng:
- Giám đốc các anh đi vắng hay sao?
- Tôi được uỷ quyền. Ông chủ, bán tất mười héc-ta này chứ?
- Không được, chỉ bốn thôi. Từ Khuổi Rằng đến chỗ ba cây thông bên sông kia. Có kèm bản đồ đã vẽ sẵn.
Gã kế toán chép miệng:
- Ờ ờ, chỗ đấy biết rồi! Nhưng bán hết đi, làm giấy tờ luôn thể, thêm món, lại gọn việc.
- Còn dành để cho con sau này. Đấy là phần của nó. Đất sinh cây không sinh đất.
Trưởng phòng kinh doanh cười hề hề:
- Tôi đảm bảo trước sau gì ông cũng không giữ nổi. Chẳng ai ngoài chúng tôi sẽ làm chủ cả khu này.
Kên biết ẩn ý câu nói đó. Bọn người này đâu cần rừng. Cái họ muốn là dưới đất kia. Cứ thế đi.
Cuộc trao đổi, mua bán diễn ra chóng vánh. Một tỷ cho bốn héc-ta rừng không bớt một xu. Tiền từng cục, loáng cái đã đếm gáy xong.
Trong ngôi nhà xây đá hộc, hơn hai trăm mét vuông ngay đầu phố Cô Sầu, Kên đưa mắt nhìn khắp lượt đồ vật, chợt thấy mình bé nhỏ mà vĩ đại. Như đang mơ. Từ nay đã là người phố. Năm tới thằng Sòi sẽ ra đây học. Lão Phử bảo, bây giờ thì chưa, còn bàn thờ tổ tiên, còn rừng, còn rẫy, khi nào Kên lấy vợ lão theo ra, dĩ nhiên khi đó cũng còn phải xem sao đã. Thế cũng được. Kên tính sẽ mua một chiếc xe công nông thay cỗ xe ngựa để chở hàng kiếm tiền nuôi con. Số tiền bán rừng mua nhà còn hơn một nửa đã gửi ngân hàng lấy lãi. Số rừng còn lại để đó. Đang miên man, ngoài cửa có tiếng ô tô. Một gã đàn ông xuống xe, bước đến đập mạnh tay lên cánh cửa:
- Này, có ai không?
Kên mở cửa, hai đầu mày thoáng nhíu. Là nó, cuối cùng con cáo đã ra khỏi hang. Giờ nó có vẻ hơi khác trước, bệ vệ chững chạc. Thứ gì đeo trên người cũng đẹp, chắc là đắt tiền.
- Không mời khách vào nhà à?
Không đáp, chỉ ánh mắt thách thức. Thằng trẻ không nao núng, cái vẻ thất kinh hồi nào gặp Kên biến đâu mất. Điều gì đã khích lệ tinh thần nó lên cao như vậy, Kên phần nào đoán ra. Kẻ tiền của như nước miệng gang thép lắm, nổ vang như bom nữa kia. Đang sắp nổ đấy. Thử xem. Thằng trẻ nuốt khan:
- Giỏi lắm! Bốn héc-ta rừng chó ỉa mà lấy được của người khác cả đống tiền.
- Tao đâu có bắt ai mua?
Thằng trẻ rít lên:
- Đồ lừa đảo, đừng có vờ vịt.
- Lừa đảo ư? - Kên tiến về phía nó.
Ai đã lừa ai? Đứa nào ngang nhiên cắm lên cái đầu bò của Kên hai cái sừng sắt to tướng? Có đáng lấy khỏi mồm nó mấy cái răng cửa không? Vừa định vung vào bộ mặt câng câng cú trời giáng, Kên bỗng thấy một phụ nữ bước xuống xe. Là nàng! Sao lại hoảng lên thế. Cái vẻ ấy khiến mắt Kên như có ruồi đậu. Chợt lại nghĩ, từ lâu con ngài hóa bướm kia đã không còn thuộc về mình. Ờ phải, gã cũng không còn là gì với nàng. Là nàng đang lo cho cái sở hữu thuộc mình, sợ nó bị ăn đòn. Còn với gã thì sao? Từng bị bọn chúng giáng một đòn chí mạng đến giờ chưa hết đau. Thật không công bằng chút nào! Đồ chết toi. Thì tao đã lừa đấy! Tự chúng mày muốn đấy chứ. Tự chúng mày nghĩ tao ngu mà ý định đánh một mẻ to nữa. Sao cứ muốn lấy hết mọi thứ của người khác?
- Vậy, bây giờ muốn gì nào, nói nghe thử xem?
Thấy Kên có vẻ chùng, nàng lưỡng lự:
- Thôi a!
“Thôi a”, giọng nói ấy, kiểu nói ấy lâu rồi mới được nghe lại. Xưa chỉ cất lên mỗi khi thấy gã nổi cáu. Nó như chiếc khăn lạnh giữa ngày hè làm dịu đi oi bức, vừa thân tình, ấm áp độ lượng khiến lòng gã dịu lại. Nhưng hôm nay nó có vẻ dành cho cả hai. Nửa cho gã, nghĩa là đừng gây chuyện thêm bẽ bàng; nửa cho thằng trẻ, rằng hãy bỏ qua, cay cú khéo chuốc họa. Còn chuyện cái gọi là mỏ lộ thiên đó ư, ả đâu biết những tháng ngày gã cùng với cỗ xe ngựa lăn lộn trên lối mòn cờm rợp cỏ cây, chở từng xe quặng đổ vào phần đất rừng của mình. Cái phần đó chỉ có đất không quặng, hết hố này sang hố khác, đầy lấp lại. Rừng ẩm, cỏ phủ xanh um, hệt như khu mỏ lộ thiên. Mới đầu chỉ mục đích tích cóp cho con sau này. Nơi đó gã giấu được dễ hơn vài chục tấn. Rồi một ngày có người đến dò hỏi. Gã thừa biết kẻ đứng sau nó là đứa nào, dù người ta cố tình giấu mặt. Bản tịnh không ai biết nhưng gã biết. “Con bướm” kia không ít lần bí mật trở về không phải để xem bố con gã sống chết ra sao, mà vì thứ khác. Đất này chỗ nào chẳng có quặng, nhưng thành gò, đống như vầy không phải đâu cũng có. Vậy là nó cử người đến dụ dỗ. Gã đâu muốn bán, tự vì nó tham. Nhưng đất có chủ, phải thương lượng. Dù nài nỉ đứt lưỡi cũng chỉ có thể mua được một phần, là cái phần đó đấy. Gã cười nhạo. Thế ra loại nghèo lòi đít như mình cũng qua được mặt đại gia. Đại gia là con vợ cũ với thằng trẻ bao năm ẩn mặt, giờ lộ diện chắc việc không thường. Đừng mơ, gã chỉ thuận bán bốn héc-ta đó thôi chứ không hơn. Và chỉ chỗ đó mà thôi chứ không nơi nào khác. Là tự chúng muốn, vậy đã toại nguyện. Giờ lại dám nói gã lừa đảo. Thì lừa đấy! Bao năm gã nuốt đắng làm ngọt liệu bọn họ có biết? Mặt gã bỗng đanh lạnh:
- Muốn gì?
- Tiền của tôi! - Thằng trẻ run run, khẽ lùi lại.
- Tiền hả? Mua rừng thì tao bán rừng. Bán mua đã xong. Lũ mày khôn hơn thiên hạ kia mà. Bước khỏi đây.
Chưa kịp phản ứng thằng trẻ đã bị ai đó kéo vào xe. Chiếc ô tô vội vã lùi ra đường, rồi phóng vút về phía thành phố. Qua lớp kính Kên thấy nàng ngây người, vẻ mặt căng thẳng. Không gian yên tĩnh, nhưng trong đầu Kên như vẫn còn nhộn nhạo tiếng náo động, những mặt người cau có giận dữ. Gã khẽ hít sâu, chợt bần thần với tiếng run rẩy trong hơi thở. Gã lắc đầu như xua đuổi. Chẳng nên vướng bận nữa mà làm gì. Hết rồi, đều đã chìm sâu trong những trập trùng đồi núi xa kia. Phía đó rừng đang khép tán, những đỉnh núi mờ sương như cây nấm khổng lồ đang rã dần trong nắng muộn.
Vừa định quay vào, chợt có tiếng xe ngựa lọc cọc. Lão Phử và thằng Sòi. Sao bảo mai mới ra thăm nhà mới?
Buộc ngựa vào gốc cây dẻ, lão Phử phân trần:
- Nó đòi ra đây.
Kên nhìn con, rồi lại nhìn lão Phử:
- Pa mới mua cho nó quần áo mới đấy à?
Không đợi lão Phử lên tiếng, thằng Sòi mau miệng:
- Không phải, là mé mua cho đấy! Mé đến trường gặp con, bảo, gắng học giỏi, năm tới chuyển ra Cô Sầu mé sẽ lại đến thăm.
Có gì đó làm khô đắng miệng khiến Kên không thể cất lời. Không ai biết những việc gã làm. Hẳn thế. Gã chắc chắn với điều mình đang nghĩ. Vì nếu không những ngày tới sẽ lại thắc thỏm, nỗi thắc thỏm của kẻ mắc nợ. Không, không thể như thế! Từ nay cuộc đời sẽ nhẹ nhõm, cái nhẹ nhõm của kẻ hết nợ nần, chẳng còn ân oán với ai khác.
Phía cây dâu già bên hàng rào trước cửa, những chiếc kén điệp nâu hồng nhẹ lay trong gió. Gã nhận ra đó là những kén bướm. Chợt nhớ đang là tháng kinh trập, mùa sâu bướm nở.
Tháng 7 năm 2015