Một trong những lý do tôi viết cuốn sách này là bởi dường như nhiều cuốn sách phát triển bản thân khác chỉ đưa ra những “giải pháp” mà theo tôi là không giúp ích được gì. Thông thường, lời khuyên được đưa ra kiểu “Để trở nên OK, bạn phải cảm thấy OK đã”. Bạn biết đấy, kiểu như “Yêu lấy bản thân hoặc sẽ không có ai yêu bạn.” Cái gì vậy, một kiểu tống tiền à? Tại sao không bảo mọi người chui xuống đất luôn cho rồi.
Một trong những điểm hay nhất của nunchi là bạn không cần phải cảm thấy hoàn toàn OK thì mới thu được lợi ích khi vận dụng nó. Bạn có thể hưởng lợi từ nó dù bạn đang ở tận trên đỉnh cao hay tít dưới vực sâu, hoặc bất kể đâu đó ở giữa. Kỳ thực, khi bạn cảm thấy lo lắng tột độ, đó cũng là lúc nunchi của bạn phát huy tốt nhất – nhớ rằng, đây là lợi thế của kẻ lép vế.
Nói vậy nhưng bạn cần phải cởi mở tâm trí cho nunchi – đồng thời kích hoạt cái nhận thức vốn luôn có mặt ở đó và sẵn sàng trợ giúp bạn.
Tôi đúc rút điều này từ chính những bài học cuộc sống đau thương mà tôi phải trải qua vì lúc đầu không chịu chú tâm đến nunchi của mình.
Trước đây, tôi từng phải điều trị chứng lo âu xã hội, thế nên, tôi biết rõ là nó có thể làm tê liệt một số người. Ấy nhưng, không may rằng lo âu xã hội là một trong những chứng bệnh mà phương thức duy nhất hiệu nghiệm 100% – tách rời khỏi con người – lại không thực tế và thiếu hợp lý. Lắm lúc người ta lầm tưởng rằng một khi trở nên vô cùng giàu có thì họ có thể lánh xa được mọi người, nhưng rốt cuộc sự thành công lại đem đến kết quả hoàn toàn ngược lại.
Nhưng nếu bạn cảm thấy như vậy thì tại sao việc tập trung vào người khác lại có ích? Chẳng phải họ chính là vấn đề hay sao?
Xét trên một số phương diện thì họ đúng là vấn đề thật, nhưng đối với một ninja nunchi, họ cũng là giải pháp. Hoặc nói đúng hơn, thay đổi cách nhìn về họ chính là giải pháp.
Xin được một lần nữa nhắc lại lời của các nhà Khắc kỷ, bạn cần phải tập trung vào những thứ mà bạn có thể kiểm soát, đó là những đánh giá và hành động của chính bạn.
Từ vị lãnh tụ tôn giáo cho đến bác sĩ trị liệu của bạn, ai cũng sẽ khuyên bạn rằng biện pháp tự nhiên để chữa trị trầm cảm là giúp đỡ người khác. Điều này cũng tương tự đối với chứng lo âu xã hội: biện pháp chữa trị tự nhiên hiệu nghiệm nhất chính là nunchi. Bạn có thể sử dụng sức mạnh của nunchi để chuyển hướng năng lượng khỏi cảm giác lo lắng bên trong và tập trung vào những người xung quanh.
Tín đồ Phật giáo ví sự lo lắng giống như “tâm khỉ”1. Hãy hình dung sự lo lắng của bạn là một con khỉ kêu la gào rú, đứng ngồi không yên mà bạn không thể nào tống khứ đi được bởi nó là một phần trong con người bạn. Nếu bạn đánh nhau với con khỉ hoặc xích nó lại thì chỉ càng làm cho nó trở nên giận dữ và ồn ào hơn. Tuy nhiên, bạn có thể hét lên và ném vật gì đó để đánh lạc hướng nó, “Đi lấy về đây nào, cậu bé ngoan! Giỏi lắm! Khỉ ngoan.” Có lẽ không nên nói hẳn ra thành lời nếu bạn đang ở trên bục sân khấu và chuẩn bị phát biểu trước đám đông, nhưng đại ý là như vậy.
1 Trong Phật giáo có khái niệm “tâm viên, ý mã”, nghĩa là tâm như con khỉ, ý như con ngựa, vì tâm chúng ta suy nghĩ không dừng như con khỉ mãi nhảy nhót đó đây, ý của chúng ta suy tưởng phân biệt mọi hiện tượng và không bao giờ dừng như ngựa chạy. (ND)
Tín đồ Phật giáo khuyên rằng bạn có thể làm cho con khỉ bận rộn bằng cách bảo nó tập trung vào hơi thở của bạn.
Thế nên, khi bạn cảm thấy cơn lo âu xã hội trỗi dậy, hãy bình tĩnh thở thật sâu, và nhớ rằng, trong vài phút sắp tới, bạn là một người quan sát. “Chúng ta ở đây chỉ để quan sát thôi, Khỉ à.”
Nếu bạn cảm thấy lo lắng trong lúc nói chuyện với người khác, hãy nhớ lại Quy tắc Nunchi #1 và làm rỗng tâm trí: đừng nghĩ đến chuyện ấn tượng mà bạn có thể đang tạo ra là gì. Thay vì vậy, hãy nghiên cứu đối phương như thể bạn được trả tiền để sau đó soạn một báo cáo chi tiết kiểu Sherlock Holmes về họ. Thầm để ý trong đầu những chi tiết: họ có khó thở không? Nếu có tức là họ có thể bị hen suyễn, hoặc có thể họ đang không được khỏe. Hoặc có khi họ cũng đang bồn chồn hoặc lo lắng giống như bạn! Một vết nôn trên vai áo? Có lẽ ở nhà họ có em bé. Hãy hình dung trong đầu một khung cảnh với những chi tiết đó: người phụ nữ này mặc quần áo cho con mình như thế nào? Phòng của đứa bé màu hồng, xanh hay trung tính? Bạn đang tạo dựng một thế giới và những kết luận của bạn có thể không chính xác, nhưng chuyện đó thực ra không quan trọng. Lúc này, bạn đang tìm cách hướng sự tập trung ra khỏi bản thân và nhờ đó mà giảm bớt lo âu. Nếu bạn vẫn cảm thấy ngột ngạt trước họ, vậy thì hãy ngừng tập trung vào họ như những cá thể. Tự nhủ rằng đơn vị của nunchi là căn phòng – tách rời khỏi bản thân và tiếp nhận căn phòng như một hoạt cảnh tổng thể, kiểu một bức tranh tường cỡ lớn về một lễ đăng quang hoặc buổi dã ngoại mà bạn thường thấy trong bảo tàng.
Tôi biết là nếu bạn đang cảm thấy phát ngốt lên được khi nghĩ đến cuộc gặp gỡ quan trọng sắp tới, lời khuyên kiểu như “trấn định tâm trí” hoặc “tập trung vào người khác” có thể khiến bạn dè bỉu, “Chà, cảm ơn, tôi được cứu vãn rồi”. Cũng phải. Nhưng tin tôi đi, nunchi có thể giúp bạn vượt qua một số trải nghiệm khó khăn nhất trong đời, chủ yếu là bằng cách hướng sự tập trung của bạn ra khỏi bản thân.
Thay vì lo lắng về những cuộc trò chuyện xã giao vô vị, thử không tạo ra những cuộc trò chuyện xã giao vô vị xem sao. Hãy thử lắng nghe người khác nói một chút. Nếu bạn quan sát và lắng nghe chăm chú – nói cách khác là vận dụng năng lực nunchi bá đạo của bạn – mọi người sẽ cung cấp cho bạn thừa thông tin để bạn biết mình nên nói gì tiếp theo.
Lưu ý: lo âu xã hội không giống với việc đơn thuần là chán ghét con người, tôi e rằng nunchi khó lòng giúp bạn cải thiện được tình trạng này.
KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG
Như tôi đã đề cập trước đó, không phải tự nhiên sinh ra là tôi đã có nunchi nhanh nhạy. Tôi có được nó vì tôi phải thích ứng với những thay đổi lớn trong cuộc sống, bắt đầu từ chuyện gia đình tôi chuyển về sinh sống tại Hàn Quốc năm tôi 12 tuổi. Tôi là một người phát triển năng lực nunchi muộn, và tôi luôn cảm thấy mình còn rất nhiều thứ cần phải học hỏi.
Trong đời, ai cũng có đôi lần phải gây dựng lại cuộc sống mới; tôi cũng không phải là ngoại lệ. Kỳ thực tôi vẫn luôn xê dịch giữa các nước, tôi đã đặt chân đến Frankfurt, Berlin, Paris, New York – và sinh sống nhiều hơn một lần tại một số thành phố kể trên.
Tôi không có ý nói là những chuyến xê dịch này khiến tôi trở nên thiện lành hay hiểu biết hơn người khác, chỉ là những trải nghiệm này giúp tôi giỏi thích ứng hơn. Thế nên, tôi có thể mạnh miệng bảo đảm với bạn rằng cái câu “thứ không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn” là hoàn toàn tào lao, thực chất khả năng quan sát và thích ứng mới là thứ khiến bạn mạnh mẽ hơn.
Khi chuyển dịch từ đất nước này sang đất nước khác, sự khác biệt giữa các nền văn hóa có thể xung đột vô cùng. Một cử chỉ vốn vô thưởng vô phạt tại Mỹ có thể được xem là tục tĩu ở Ý. Những luật lệ bất thành văn trên đường phố ở châu Âu hoàn toàn khác với ở châu Á. Nhưng cũng có cả những thay đổi văn hóa nhỏ hơn trong phạm vi một đất nước, và thậm chí là trong phạm vi một thành phố. Khả năng quan sát và thích ứng sẽ hỗ trợ bạn bất kể bạn ở đâu.
LO ÂU ĐẤU VỚI NUNCHI
Việc “tin vào linh cảm của bản thân” không phải lúc nào cũng rõ ràng. Chẳng hạn, nếu đang trong buổi hẹn với một người mà bạn thực sự có cảm tình, bạn có thể không biết chắc được suy nghĩ nào trong bạn xuất phát từ linh cảm, suy nghĩ nào xuất phát từ tâm trí, suy nghĩ nào xuất phát từ trái tim và suy nghĩ nào xuất phát từ phần hạ bộ.
Đôi lúc bạn cũng sẽ cảm thấy mơ hồ về nunchi của mình. Chẳng hạn, nếu bạn đột nhiên cảm thấy ớn lạnh, liệu đó là vì bạn lên cơn lo âu phi lý, kiểu như bị ám ảnh rằng lũ vịt sẽ lao vào nhà và ám hại bạn, hay nunchi trong bạn đang cảnh báo một mối nguy thực sự?
Tôi tin rằng ở một mức độ nào đó, nunchi tệ không hẳn là nunchi tệ; mà là người ta không sẵn lòng chắp nối các thông tin. Thời điểm họ nhận ra rằng việc thu thập thông tin ắt dẫn đến chuyện phải đưa ra quyết định, họ liền bịt miệng nunchi của họ lại và tống nó vào cốp xe giống như bắt giữ con tin vậy. Họ e sợ sự thật. Họ không muốn nghĩ đến khả năng rằng họ quả thực đang say bí tỉ hoặc người đồng hành vô cùng quyến rũ của họ đang lừa dối họ; họ thà bị phân tâm với những vấn đề không có thật nhưng thú vị hơn... chẳng hạn như những con vịt sát thủ.
Nếu không biết chắc được nỗi sợ nào chỉ là những lo lắng phi lý, nỗi sợ nào là những nỗ lực thu hút sự chú ý của nunchi, thì trước tiên bạn nên xác định xem cảm giác này diễn ra ở đâu trong cơ thể.
Khi nunchi của bạn tiếp nhận và xử lý dữ liệu, mọi cảm giác mãnh liệt nảy sinh từ quá trình này chẳng hạn như lo sợ đều sẽ được cảm nhận rõ rệt nhất ở bụng. Nếu bạn đang lo âu, thường thì phần vỏ não tự phụ sẽ khiến bạn cảm thấy bất an, và bạn sẽ đồng thời nhận thấy cảm giác này ở hai chỗ: ở đầu và chủ yếu là ở ngực. Nếu cảm giác giống như có một cái đe đang từ từ nghiền nát ngực bạn và khiến bạn khó thở, thì đó là lo âu chứ không phải là nunchi.
Nunchi kích hoạt những kỹ năng sinh tồn của bạn, phản ứng chống trả hoặc chạy trốn. Đây cũng là những kỹ năng giúp người mẹ cảm nhận được đứa con của mình đang gặp nguy hiểm, giúp cô lao vút vào phòng ngủ với vận tốc ánh sáng và truyền cho cô sức mạnh phi thường để nâng chiếc tủ gỗ sồi nặng trịch vừa mới đổ xuống người con cô. Lo âu không giúp bạn làm được những điều trên.
Để liên kết những cảm giác cụ thể với những bộ phận cụ thể trên cơ thể thì cần có thời gian tập luyện. Theo tôi, bạn phải làm thử khoảng mười lần ngoài đời thực thì mới bắt đầu cảm nhận được một cách tự nhiên. Sẽ thuận lợi hơn nếu bạn có tập yoga, thiền hoặc môn thể thao nào đó đòi hỏi tập trung thân-tâm; tôi thì có tập Pilates. Nếu thầy hướng dẫn tập Pilates bảo tôi, “Chị cần phải cảm nhận nhiều hơn tác động của bài tập này đến cơ tam giác chạy dọc sống lưng thay vì tập trung vào bắp tay”, thì tôi khắc biết cách chuyển hướng ý thức vào cơ tam giác chạy dọc sống lưng để vùng này phát ra nhiều lực hơn. Kiểu phản xạ này sẽ giúp bạn đẩy nhanh tốc độ nhận biết suy nghĩ và cảm xúc của bản thân liên kết với bộ phận cơ thể nào.
Nếu bạn thấy chuyện này có vẻ phi thực tế, hãy tự ngẫm lại những trải nghiệm của chính bản thân mà xem: nếu bạn miệt mài ngồi giải một vấn đề toán học hóc búa hàng giờ liền, bạn sẽ đau ở đầu chứ không phải là ở ngón chân cái. Nếu bạn bắt quả tang người tình của mình đang lang chạ với người khác, bạn sẽ cảm tưởng như bị ai đó đá vào mạn sườn chứ không phải là vào tai trái của bạn. Trong mọi lúc, bạn đều nhận biết được mối liên kết giữa cảm xúc và bộ phận cơ thể.
LỮ KHÁCH NUNCHI
Đi du lịch cùng các ninja nunchi thì thích vô cùng. Họ có thể đi vào một hiệu thuốc hoặc cửa hàng tạp hóa ở một đất nước mà họ chưa từng đặt chân đến, và họ cũng chẳng biết tiếng, ấy mà thần kỳ làm sao, họ có thể tìm đến đúng gian bày bán nước ép lựu hoặc kem bôi vết rắn cắn như thể là họ đã mua hàng ở đây cả đời rồi vậy. Họ có thể hỏi đường người khác mà đôi bên không cần dùng chung một thứ tiếng. Họ chọn được những nhà hàng chất lượng mà chẳng cần hướng dẫn viên tư vấn, họ chỉ làm theo linh cảm.
Những người này có khả năng tự điều chỉnh trước những khác biệt về văn hóa, hơn nữa, họ còn cảm thấy thích thú. Họ nhiệt tình tiếp nhận những khác biệt này, xem đó là một phần trải nghiệm du lịch ở một đất nước mới lạ. Họ tự nhiên đã có những năng lực này, nhưng tất cả chúng ta đều có thể phát triển khả năng quan sát để trở thành một vị khách luôn được chào đón tại bất kỳ đất nước nào.
Trong khi đó, những người thiếu hụt nunchi thì luôn làm người khác cáu điên lên và là nguồn cơn của nhiều cuộc cãi lộn. Có không ít cặp đôi chia tay sau một chuyến du lịch dài ngày cùng nhau – có khi còn chia tay ngay trong chuyến du lịch. Một nguyên nhân chia tay lớn là một trong hai người vốn thiếu hụt nunchi bị đưa vào một môi trường xa lạ, nhất cử nhất động đều bị chú ý đến và người kia thì không thể tin nổi đối phương lại hành xử như vậy.
Khi đi du lịch, những người thiếu hụt nunchi có thể đi vệ sinh vào bồn rửa. Họ vô tình xúc phạm dân địa phương. Họ mất tiền vào những trò cá cược trên đường phố và bị chặt chém ở chợ vì mù tịt giá cả phô-mai. Họ để người lạ làm cho mất tập trung và rồi bị móc túi. Họ bén mảng đến những khu dân cư có tình hình an ninh phức tạp vì không nhận thấy những dấu hiệu nguy hiểm. Họ tá hỏa mỗi khi bị lạc đường. Lắm lúc họ còn gây nguy hiểm đến sự an toàn của những người đi cùng. Lúc này, tình trạng thiếu hụt nunchi của họ không còn gây cười hay chỉ khó chịu vừa phải nữa mà thành ra “Người này làm mình cảm thấy bất an. Mình có thực sự muốn làm bạn/sống cả đời với người như vậy không?”
Những người thiếu hụt nunchi khó đi du lịch suôn sẻ bởi họ thường phát hoảng trước những thay đổi. Chẳng phải trùng hợp mà việc thiếu khả năng thích ứng với những thay đổi cũng là một yếu tố lớn dẫn đến những cuộc chia tay. Thay đổi là kỹ năng căn bản của một bậc thầy nunchi.
Mặc dù bạn hẳn cũng chẳng đến mức không có chút nunchi nào, nhưng chỉ cần thiếu một xíu nunchi thôi cũng có thể làm chuyến du lịch của bạn kém vui, lấy mất của bạn một niềm vui lớn nhất trong cuộc sống và một trải nghiệm giúp mài giũa năng lực nunchi tốt nhất.
QUY TẮC ĐỂ ĐIỀU CHỈNH HÀNH VI DU LỊCH
Như người bạn thuần thục nunchi của tôi, Helen, hay nói: “Một sai lầm lớn nhất trong cuộc sống là cho rằng mọi người đều yêu quý mình.” Điều này đúng trong cuộc sống nói chung và trong du lịch nói riêng.
Đây là một vài ví dụ về những yêu cầu từ những người bạn đến ghé thăm tôi ở Paris:
• “Bảo với họ là tôi muốn thử thực đơn nếm 12 món1, nhưng họ có thể làm toàn món chay được không?”
• “Bảo với họ là tôi muốn nói chuyện với người quản lý về tình trạng phục vụ chậm trễ này.”
• (Tại sân hiên ngoài trời của một nhà hàng, bàn nào cũng bày gạt tàn) “Bảo cặp đôi kia là khói thuốc của họ làm tôi bị nổi dị ứng.”
1 Một tasting menu sẽ gồm 6‒12 món ăn, thậm chí có nhà hàng phục vụ lên đến 20 món với mỗi món chỉ là một khẩu phần ăn rất nhỏ. Điểm đặc biệt nhất là dù thử qua rất nhiều món khác nhau nhưng thực khách dùng bữa hoàn toàn có thể cảm nhận và phân biệt được hương vị tươi ngon và tinh tế của từng món một trước khi chuyển qua thưởng thức một món mới. (ND)
Nếu bạn thực sự nhất quyết phải đưa ra những yêu cầu phi lý như trên thì hãy làm phúc cho thiên hạ và ở nhà chơi điện tử hoặc làm gì cũng được. Cứ kệ cho hộ chiếu của bạn hết hạn, đừng gia hạn nó.
Tất nhiên, chúng ta chẳng thể nào biết tất tần tật về một đất nước mà mình chưa từng đặt chân đến. Sau đây là một số chỉ dẫn chung sẽ giúp bạn tại 90% vùng lãnh thổ có người sinh sống trên Trái đất.
Quy tắc nunchi khi ở nước ngoài #1:
Làm như người La Mã
Giáo sư Minsoo Kang, người đã trải qua tuổi thơ ở khắp nơi trên thế giới vì bố ông từng làm trong đoàn ngoại giao Hàn Quốc, là một chuyên gia về thuật nunchi khi ở nước ngoài. Ông cho biết tại Iran, nơi ông từng sinh sống, “Bạn phải cẩn thận mỗi khi khen ngợi thứ gì đó nếu không họ sẽ tặng nó cho bạn và cảm thấy bị xúc phạm nếu bạn không chịu nhận.”
Một người đi du lịch thiếu hụt nunchi có thể không chịu tin là có tồn tại những phong tục văn hóa này. Nhưng hà cớ gì người ta phải mất công bịa ra những lời khuyên kiểu vậy cơ chứ? Tại sao sau đó bạn lại khăng khăng rằng, “Tôi hiểu ý anh, nhưng tôi muốn sống đúng với bản thân”?
Giả dụ bạn đến chơi nhà một nhân viên chính phủ người Iran và tỏ ra mê mẩn một chiếc đèn quý, và họ tặng nó cho bạn. Cái được ở đây là bạn có một chiếc đèn đẹp. Cái dở ở đây là bạn sẽ chẳng bao giờ biết được liệu vị chủ nhà này có thực sự muốn cho đi chiếc đèn đó hay không. Có thể họ sẽ chẳng bao giờ mời bạn tới chơi nhà nữa, và mỗi lần nhắc tới bạn là họ lại nhớ đến một tay ngoại quốc có tính cách thậm tệ (thì đúng là bạn đã đục khoét nhà họ mà).
Tôi thừa nhận là trước đây mình cũng từng vi phạm quy tắc này (tôi vốn không phải bẩm sinh đã có nunchi nhanh nhạy, tôi có được nó là thông qua quá trình thử sai), chẳng hạn có lần tôi đã từ chối đeo khăn trùm đầu ở những vùng mà tôi được khuyên cần phải đeo để bảo đảm an toàn. Tôi những tưởng mình đang đưa ra một tuyên bố quan trọng về nữ quyền bằng cách để lộ mặt và tóc; nhưng thay vì vậy tôi lại làm lãng phí nguồn lực địa phương bởi lẽ nhiều nhân viên khách sạn và cảnh sát đã được huy động để bảo đảm tôi được an toàn và không bị quấy rối.
Quy tắc nunchi khi ở nước ngoài #2:
Không ai có nghĩa vụ phiên dịch mọi thứ cho bạn trừ phi họ được thuê riêng để làm việc đó
Tôi đã chứng kiến nhiều người trở nên khích động khi có ai đó đang nói thứ ngôn ngữ mà họ không hiểu, bởi lẽ họ có nỗi sợ phi lý là tất cả những người xung quanh đang bàn tán về họ. Dẹp ngay suy nghĩ đó lại. Hãy chấp nhận sự bất tiện của việc không hiểu mọi thứ.
Quy tắc nunchi khi ở nước ngoài #3:
Không ai quan tâm đến việc bạn được quyền hưởng dịch vụ X vì “Ở chỗ tôi là như thế”
Chuyện này cũng giống như nói với đối phương trong buổi hẹn hò rằng họ cần phải ngủ với bạn vì có người từng ngủ với bạn sau khi được bạn đưa đi ăn ở cùng một nhà hàng.
Nếu bạn đến một đất nước mà việc cho tiền boa là thông dụng, thì đừng nói rằng, “Xin lỗi, ở nước tôi người ta không có cho tiền boa.” Nếu bạn đang ghé thăm một đất nước mà các nhà hàng tính tiền bánh mì và bánh quy xoắn, việc bạn không đồng ý với thông lệ này không phải là vấn đề của nhà hàng.
Quan sát và thích ứng; đừng đòi hỏi cả một nền văn hóa phải thích ứng theo bạn.
Quy tắc nunchi khi ở nước ngoài #4:
Học cách nói ba câu sau trong mọi ngôn ngữ: a) “Xin chào”; b) “Bạn có thể giúp tôi được không?”; và c) nếu bạn không biết tiếng, “Bạn có biết nói [tiếng mẹ đẻ của tôi] không?”
Tôi nhớ có lần một anh chàng người Mỹ đã hồn nhiên kể với tôi như thế này, “Tôi từng đến Paris một lần; tôi ghét thành phố đó. Tôi đến quầy chăm sóc khách hàng trong ga tàu điện ngầm để hỏi giúp và họ chẳng giúp tôi gì cả. Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ tôi cơ mà!”
Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi mới biết được rằng lần đó anh ta đã lập tức sổ một tràng câu hỏi bằng tiếng Anh với những nhân viên ở đó. Thế có hâm không cơ chứ, hèn gì người ta lại không muốn giúp kiểu người như vậy.
Được rồi. Trước hết, trừ phi bạn đang gặp tình huống nguy cấp, còn không thì khi nói chuyện với ai đó ở nước ngoài, hãy luôn lịch sử chào hỏi họ bằng ngôn ngữ của họ trước rồi hẵng nói những chuyện khác. Trong tiếng Pháp, bạn nói “Bonjour”, và chờ họ đáp “Bonjour” lại. Hãy nhớ Quy tắc Nunchi #5: Các cung cách ứng xử không phải tự nhiên mà có.
Nói “Bonjour”, hoặc bất cứ lời chào hỏi nào khác, không phải là thói quen cổ lỗ sĩ và mất thì giờ; đó là cách bạn ra tín hiệu rằng bạn có điều muốn nói. Bạn cần chờ phản hồi của họ để họ có thể tập trung hoàn toàn vào bạn. Người dân tại hầu hết các quốc gia đều cần có một câu chào hỏi chung trước khi nói chuyện, dù là với bạn bè hay người lạ.
Kể cả bạn không nắm rõ nghi thức địa phương, thì cũng làm ơn thận trọng và trước khi đề nghị giúp đỡ, hãy nói câu tương đương với “Xin chào”, dù là “Xin chào” bằng tiếng mẹ đẻ (hoặc bất cứ ngôn ngữ nào). Không có nền văn hóa nào trên thế giới này mà ở đó người ta lại cười nhạo hoặc thù ghét bạn vì đưa ra lời chào trước khi đề nghị điều gì đó.
Thứ hai, tại sao bạn lại nói tiếng nước ngoài với dân địa phương mà không hề cảnh báo trước? Kể cả những người nói được nhiều ngôn ngữ cũng dễ bị bối rối khi ai đó tự dưng nói ngôn ngữ khác với họ. Nếu bạn định nói tiếng Anh hoặc bất cứ ngôn ngữ nào khác không thông dụng tại một đất nước, thì làm ơn hãy luôn bắt đầu bằng câu hỏi, “Bạn có nói được [tiếng mẹ đẻ của tôi] không?” Điều này giúp đối phương chuẩn bị trước tâm lý để chuyển sang giao tiếp bằng ngôn ngữ khác, hoặc để họ tìm người nào đó có thể giúp được bạn.
Quy tắc nunchi khi ở nước ngoài #5:
Nếu không chắc chắn, hãy thử đọc ngôn ngữ cơ thể
Đây là những gì Minsoo Kang đã làm khi đến thăm một vị giáo sư tại Đại học Cambridge. Kang được học ở phương Tây và ông nói tiếng Anh trôi chảy, nhưng kể cả vậy, một người có nunchi nhanh nhạy sẽ không bao giờ chủ quan rằng họ hiểu mọi thứ chỉ vì họ nói được tiếng địa phương. Bạn cần phải để ý đến những dấu hiệu khác. Như nhà soạn kịch người Ireland, George Bernard Shaw, từng viết: “Anh và Mỹ là hai quốc gia bị một ngôn ngữ chung chia rẽ.”
Kang nói rằng: “Trong toàn bộ thời gian nói chuyện [với vị giáo sư], tôi có cảm giác mình đang xâm phạm văn phòng làm việc của ông ấy. Ông ấy rất lịch sự, nhưng tôi có thể thấy rằng ông ấy nóng lòng chờ tôi ra về. Thế nên tôi liền nói, “Cảm ơn ông vì đã dành thời gian” rồi đứng dậy rời khỏi phòng. Thế là ông ấy mời tôi đến nhà ăn tối với cả gia đình ông. Tôi đoán là ông ấy chỉ đang tỏ ra lịch sự nên tôi từ chối.”
Hóa ra là nunchi của Kang đã đoán chính xác tâm trạng của vị giáo sư này. Khi Kang quay trở lại Mỹ, người đồng nghiệp đã thu xếp cuộc gặp giữa Kang với vị giáo sư Cambridge báo cho Kang một tin bất ngờ: “Vị giáo sư kia nghĩ tốt về anh lắm đấy! Anh có biết tại sao ông ta lại nghĩ vậy không? Bởi anh đã từ chối lời mời đến nhà ông ta ăn tối.”
Kết luận của Kang là: “Ông ấy ghi ơn tôi vì đã từ chối đến nhà ông ấy ăn tối; giờ thì trong đầu ông ấy, tôi là một người hành động hết sức phải phép.”
LUÔN LUÔN CÂN NHẮC BỐI CẢNH
Nói đến nunchi thì chính bạn thường là kẻ thù tồi tệ nhất của bản thân, nhất là khi bạn lo lắng đến suy nghĩ của người khác. Lắm lúc bạn đàn áp nunchi của mình vì lo rằng nó sẽ nói với bạn những điều bạn không muốn nghe. Chẳng hạn, có thể bạn sợ bị người khác bình phẩm. Nhưng bạn không nên sợ chuyện đó. Ý tôi không phải là bạn nên tin vào mọi lời bình phẩm của người khác đối với mình, chỉ là đừng sợ chuyện đó. Nunchi của bạn sẽ cho bạn biết những lời nói của ai là đáng nghe. Nếu ai đó chỉ đang tìm cách vùi dập bạn hơn là giúp bạn tiến bộ, nunchi sẽ cho bạn biết.
Có một nghịch lý về nunchi như thế này, đó là để ngừng lo lắng đến những gì người khác nghĩ về bạn, bạn nên chú ý đến những gì người khác nghĩ về bạn. Nói vậy nhưng xin đừng để tâm đến bất cứ điều gì người khác nói về bạn trên mạng xã hội. Họ không thể đánh giá bạn bằng mắt và bạn cũng không thể đánh giá họ bằng mắt, đôi bên đều đang diễn cho khán giả toàn cầu, chứ không chỉ cho riêng nhau. Giả dụ một cậu nhóc 12 tuổi đang ngồi chơi điện tử dưới hầm nhà mẹ mình xúc phạm bạn thì bạn có làm to chuyện không? Không, bạn sẽ cười xòa bỏ qua. Bạn chẳng thể nào biết được những người đang tweet về bạn hiện làm gì. Mạng xã hội là một mớ lộn xộn không có nunchi. Không có trí tuệ trong những đám đông đó.
Thay vì vậy, hãy xét xem ai đang chỉ trích bạn và ý định của họ là gì. Bạn có thể phỏng đoán rằng bạn của bạn khuyên nhủ bạn bớt ngắt lời người khác là bởi cô ấy “ghen tị mà thôi”, và có thể cô ấy định … hoặc có thể cô ấy đang cho bạn lời khuyên thích đáng mà không ai góp ý được cho bạn vì bạn toàn ngắt lời họ. Một nhà quản lý không nhận bạn vào làm vì bạn “hay nhảy việc quá” có thể chỉ là một gã bảo thủ, chậm tiến … hoặc có thể bạn đã tỏ ra lo lắng trong buổi phỏng vấn nên tạo ấn tượng là người không kiên định. Ưu tiên thông tin phản hồi khi đối mặt trực tiếp và cố gắng không thu mình phòng vệ ngay lập tức. Khi bạn dựng lên hàng rào phòng thủ, điều đó sẽ ngay tức khắc chặn đứng nunchi trong bạn.
NUNCHI VÀ TRẦM CẢM
Đôi khi bạn cảm thấy quá đau khổ để nghĩ đến chuyện cải thiện bản thân. Vào những thời điểm tồi tệ, bất cứ ai cũng sẽ nghĩ rằng: “Tôi còn chẳng buồn bận tâm đến những chuyện xảy ra với mình hay sáng mai tôi có còn thức dậy nữa hay không, thế thì làm sao tôi có thể tập trung năng lượng cho nunchi cơ chứ?”
Nhưng bạn biết sao không? Não bò sát và bản năng sinh tồn của bạn không đồng tình với bạn đâu. Não bò sát muốn sống. Kể cả người có ý định tự sát mãnh liệt nhất cũng sẽ né nếu có ai đó định đấm vào mặt họ. Kể cả người u sầu nhất thế gian nếu đang ngồi trong xe, chuẩn bị uống một nắm thuốc ngủ thì họ cũng sẽ gạt vội chân ga và lái xe rời đi nhanh nhất có thể nếu tự dưng có một con gấu nâu to lớn vừa gầm rú vừa chạy hết tốc lực về phía họ. Đó đơn giản là bản năng.
Tất nhiên, nếu có những cá nhân luôn gây ra cảm giác lo âu vì trạng thái đối kháng độc hại giữa họ và bạn, thì lạy Chúa lòng lành hãy rời bỏ họ. Khi cơ thể bạn dần già nua và rệu rã, bạn sẽ cần giữ gìn năng lượng cho mọi thứ từ phòng ngừa bệnh tật đến chăm sóc bản thân và những người thân yêu. Xin trích dẫn một meme nổi tiếng trên mạng: “Nếu bạn cảm thấy tuyệt vọng, trước hết hãy cân nhắc đến khả năng là bạn chỉ đang bị một lũ đểu vây quanh mà thôi.”
HỎI ĐÁP NHANH
Tình huống nào sau đây mô tả nỗi sợ lành mạnh dựa trên nunchi, và tình huống nào mô tả nỗi lo âu phi lý
Đáp án chính xác: A, C và E là những ví dụ về quan sát dựa trên nunchi. Đó là những hành vi phản ứng mà chí ít bạn cũng phải cẩn trọng đặt ra một vài câu hỏi. Những mối quan ngại B, D và F là những lo âu phi lý, chỉ dựa trên thành kiến hoặc sự thiếu tự tin của bản thân người đó.
* * *
Dù bạn đang lo lắng, tuyệt vọng hoặc chỉ đơn giản là ở trong một môi trường lạ lẫm, hãy nhớ đến câu châm ngôn của người Hàn, “Nunchi là vũ khí bí mật của những người bị lép vế.” Bất kể là bạn đang ở dưới đáy sâu đến thế nào, nunchi cũng có thể vực bạn dậy một lần nữa. Đừng xem nunchi là một bài thực hành hoặc một triết lý hóc búa; hãy xem nó như một sức mạnh nội tại mà trong những trường hợp khẩn cấp thì lại càng phát huy công hiệu. Năng lực nunchi đã có sẵn trong gen của bạn, tồn tại và tiến hóa qua hàng triệu năm vì cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh của bạn. Hạnh phúc và thành công đã ở sẵn bên trong bạn... và bên ngoài bạn. Chú tâm đến thế giới bên ngoài là bước đầu tiên hướng đến hạnh phúc và thành công. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn.