DAVID BRENT: Lý do phụ nữ đeo vòng cổ là để người ta chú ý đến bộ ngực của họ.
MỘT PHỤ NỮ: Không... tôi đeo chiếc vòng này là vì mẹ tôi đã trao nó lại cho tôi trước khi bà qua đời.
DAVID BRENT: Ừ thì, hẳn là bà ấy đeo nó để người ta chú ý đến bộ ngực của bà.
Trích trong phim truyền hình The Office của BBC1
1 The Office, BBC, Ricky Gervais và Stephen Merchant biên kịch (TG).
Nhân vật David Brent trong loạt phim The Office của BBC do diễn viên Ricky Gervais thủ vai, là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất về việc một người không có nunchi tại nơi làm việc. Anh ta tưởng mình là người hài hước, và hoàn toàn không ý thức được người khác khó chịu đến thế nào mỗi khi anh ta nói đùa. Anh ta động viên người khác mà không nhận ra rằng chẳng ai cảm thấy được tiếp thêm động lực cả. Sau khi nhận được 42.000 bảng Anh tiền trợ cấp thôi việc, anh ta đã chi hết khoản tiền đó để làm một video âm nhạc chuyên nghiệp trong đó anh ta hát lại ca khúc ballad hồi thập niên 1980 “If You Don’t Know Me by Now” (với đàn bồ câu thật), bởi lẽ anh ta đánh giá nhầm tai hại sức hút ngôi sao của bản thân.
Một biến thể khác của típ người như David Brent là mấy người hay pha trò lố ở chỗ làm: chương trình hài kịch Saturday Night Live của Mỹ có một vở kịch ngắn nổi tiếng diễn ra định kỳ, trong đó có một nhân vật như vậy, một tay nhân viên kế toán cấp thấp tên là Richard, anh này thường mặc áo sơ mi nhàu và ngồi gần máy in của văn phòng. Mỗi lần có người sử dụng máy in, anh ta lại nói nhăng nói cuội: “In nàoooooo! Randy! Thánh Rand! Một bản in cho Rand-thần!”
Mặt khác, ở nơi công sở thể nào cũng có ít nhất một người có nunchi nổi bật, người có những bước tiến vượt bậc so với năng lực mà họ thể hiện ra bên ngoài. Đó là người giỏi vừa phải chứ không quá xuất chúng, nhưng lại liên tục được thăng chức vì những lý do không rõ ràng. Và không, không phải là bởi họ có ô dù hoặc ngủ với đúng người. Chỉ là họ có nunchi nhanh nhạy mà thôi. Để học hỏi từ những người này, hãy xem cách họ quan sát người khác. Họ luôn vận dụng nunchi.
Nunchi là một năng lực quan trọng tại nơi làm việc bởi lẽ mọi người hiếm khi nói cho bạn biết chính xác điều gì đang diễn ra. Vì lo sợ kiện tụng và sự hoảng loạn của cổ đông, các công ty sẽ hiếm khi trình bày minh bạch những thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng mật thiết đến bạn, chẳng hạn như tình trạng dư thừa biên chế. Nhiệm vụ của bạn là vận dụng nunchi để tìm hiểu và có thể liên minh với đúng người, không dính líu sai người, hoặc đơn giản là tìm kiếm một công việc khác trước khi quyết định cắt giảm nhân sự được thông qua, vì nếu đợi đến lúc đó, bạn sẽ phải cạnh tranh với nhiều người khác cho cùng một công việc vào cùng một thời điểm.
Có lần, một công ty nơi tôi từng làm việc đưa ra thông báo rằng sẽ có một đợt cắt giảm nhân sự chưa rõ số lượng. Ai nấy đều phân tích xem người nào có thể mất việc. Lúc đó, tôi có thể thấy rõ rằng ba nhân viên vừa mới tình nguyện tham gia đội cứu hỏa của công ty sẽ là những người bị sa thải. Và quả nhiên, họ đều bị sa thải trong vòng vài tháng.
Tôi có phải là nhà tiên tri không? Tất nhiên là không rồi. Nhưng tôi có nunchi nhanh nhạy. Kể cả vậy, sao tôi lại đoán được là ba người này? Họ đều đủ tốt tính để tình nguyện hỗ trợ mọi người di tản có tổ chức trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Họ yêu quý mọi người. Có thể là hơi quá mức, khi họ tập trung vào chuyện kết giao hơn là hoàn thành công việc của mình. Họ đã hiểu sai những giá trị cốt lõi của công ty này và tập trung vào chuyện được mọi người quý mến hơn là công việc. Nunchi mách bảo tôi rằng họ đã cố gắng bù đắp điều này bằng cách tình nguyện tham gia đội cứu hỏa.
Công ty sau đó đã tìm ba tình nguyện viên khác đảm nhiệm vị trí này. Tôi từ chối. Chỉ trong vài tháng, hai trong số những người mới tham gia đội cứu hỏa bị sa thải. Ý tôi ở đây không phải là bạn đừng nên đứng ra tình nguyện giúp đỡ đồng nghiệp, thế nhưng nếu toàn bộ những người làm việc kém hiệu quả trong công ty đều đổ dồn vào một hoạt động thì có lẽ bạn nên tránh dính líu đến hoạt động đó. Tại chỗ làm, người ta thường đánh giá bạn qua những người cùng nhóm với bạn.
Với nunchi nhanh nhạy, bạn có thể làm việc hiệu quả hơn, tận hưởng nhiều hơn, duy trì lâu hơn cũng như nhận được mức tăng lương xứng đáng.
NUNCHI VÀ NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ TRONG KINH DOANH
Từ trước đến nay, tất cả những huyền thoại kinh doanh thực thụ đều có nunchi siêu nhanh nhạy. Điều này không có nghĩa là họ ứng xử khôn khéo trong các cuộc họp hội đồng, hay họ được nhiều người mến mộ. Bạn có thể là người khó ưa và có nunchi nhanh nhạy, cũng như là người tốt bụng và có nunchi yếu kém. Nunchi vốn trung lập về mặt đạo đức; sự dễ mến không có liên hệ gì với nunchi cả.
Steve Jobs nổi tiếng là người cộc cằn và ông thường tỏ rõ thái độ xem thường đối với một số người, nhưng mọi thứ đều chỉ ra rằng ông là một người có nunchi ở mức độ thượng thừa. Ông đạt được những thành tựu kinh doanh vĩ đại là nhờ thấu hiểu người khác hơn cả chính họ thấu hiểu bản thân mình.
Về mặt cá nhân, Jobs đã sử dụng phần “mắt” đúng theo nghĩa đen trong thuật đánh giá tình hình bằng nhãn quan: ông nổi tiếng là có ánh nhìn sắc sảo.
Jobs cũng cho thấy năng lực nunchi khủng khiếp khi dự đoán chính xác sự lớn mạnh của hoạt động kinh doanh nhạc số trong tương lai. Ông nói với tác giả Walter Isaacson – người được ủy quyền viết tiểu sử của Steve Jobs – rằng thời điểm Apple lần đầu tiên quảng bá iPod, công ty này “đã chi nhiều tiền hơn gấp trăm lần các đối thủ khác”.1 Jobs là người tiên phong trong việc thiết kế hướng đến người tiêu dùng, và đề ra một nguyên tắc bất di bất dịch đối với những nhà phát triển iPod rằng người sử dụng phải có thể tìm được bất kỳ bài hát nào chỉ trong ba lần nháy thao tác hoặc ít hơn; bằng trực giác, ông đã biết được điều gì gây khó chịu cho người sử dụng. Đây chính là thí dụ điển hình về nunchi.
1 Walter Isaacson, Steve Jobs (New York: Simon & Schuster, 2011), Chương 30 (TG).
Một gã khổng lồ công nghệ có năng lực nunchi xuất chúng khác là Bill Gates. Năm 2001, khi ông tham gia thị trường trò chơi điện tử với sự ra mắt của máy Xbox, Gates đã dự đoán hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử sẽ sớm vượt mặt phim ảnh. Thời điểm đó, tôi còn nhớ mình đã cho rằng chỉ những kẻ nào hâm mộ điên cuồng trò chơi điện tử thì mới có thể nghĩ rằng ngành công nghiệp game sẽ phát triển đến mức ấy. Thật là một suy nghĩ hết sức thiển cận: chỉ đến năm 2004, dự đoán của Gates đã thành hiện thực rồi. Nhờ có những tựa game như Halo và Call of Duty, trò chơi điện tử nhanh chóng chiếm thị phần lớn hơn phim ảnh. Đến năm 2018, lợi nhuận hằng năm của ngành công nghiệp game đã vượt quá cả lợi nhuận của phim ảnh và nhạc số cộng lại. Tầm nhìn xa trông rộng này không chỉ xuất phát từ việc Gates là một quái kiệt về công nghệ: mà còn từ năng lực quan sát thị trường và vận dụng nunchi để nhận biết xu thế trong tương lai.
Jeff Bezos là một người khổng lồ công nghệ khác có nunchi nhanh như điện xẹt: Amazon không thu được lợi nhuận trong suốt 14 năm đầu tiên thành lập, bởi lẽ Bezos kiên quyết rằng mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng một tập khách hành trung thành, và lợi nhuận sẽ đến sau đó. Nhiều người cho rằng ông bị mất trí. Nhưng ông hiểu suy nghĩ của người tiêu dùng theo cái cách mà chỉ những bậc thầy nunchi mới có thể làm được. Ông đặt ra mục tiêu kiên định là tạo ra một công ty đầu tiên trên thế giới hoàn toàn tập trung vào người tiêu dùng. Phương pháp của ông đã đạt được những thành công vang dội đến mức các doanh nghiệp khác cũng học tập theo bằng cách đề ra những chính sách hoàn trả hào phóng. Giờ đây, ông đã tạo ra một thị trường mà người tiêu dùng không thể không sử dụng dịch vụ Amazon Prime bởi nó có quá nhiều ưu đãi. Năm 2018, giá trị thị trường của Amazon đạt mốc một nghìn tỷ đô-la.
Jobs, Gates và Bezos là những dẫn chứng tiêu biểu về tầm quan trọng của Quy tắc Nunchi #8: Hãy lanh lợi, hãy nhanh nhạy. Năng lực thích ứng đối với sự biến đổi của nhu cầu thị trường là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của họ.
Đạo diễn Steven Spielberg (với những bộ phim như Jaws, Star Wars, Schindler’s List và nhiều bộ phim nữa) cũng có năng lực nunchi thiên bẩm giống như năng lực kể chuyện tài hoa của ông vậy. Trong một bức thư thông báo nội bộ năm 1984, một thành viên trong ban quản trị của xưởng sản xuất bộ phim biểu tượng của Spielberg Back to the Future (Trở lại tương lai) đã tỏ thái độ không hài lòng đối với tựa đề của bộ phim. Đề xuất của thành viên này là gì? Spaceman from Pluto (Nhà du hành vũ trụ đến từ Diêm Vương tinh).
Spielberg đã không đồng ý, nhưng ông không vội phản hồi rằng: “Ông chỉ nên lo chuyện tiền nong thôi, được chứ?” Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015 với trang web về văn hóa đại chúng là Shortlist, Bob Gale, người viết kịch bản phim Back to the Future, cho biết rằng Spielberg đã khôn khéo phản hồi: “Steven đã nói với chúng tôi, ‘Đừng lo, tôi biết cách đối phó với ông ta’ rồi viết một bức thư trả lời,
‘Chào Sid, cảm ơn ông về bức thư thông báo nội bộ vô cùng hài hước này, tất cả chúng tôi đều được trận cười vỡ bụng đấy, tiếp tục gửi đến nữa nhé.’ Steven biết rằng [Sid] sẽ cảm thấy quá bẽ mặt để nói rằng ông muốn chúng tôi cân nhắc nghiêm túc về bức thư. May mắn là sau đó không có ai thắc mắc về tựa đề phim nữa. Nếu không có Steven, mọi chuyện có thể đã xoay chuyển theo hướng hoàn toàn khác.”1
1https://www.shortlist.com/entertainment/films/back-to-thefuture-wouldnt- have-been-the-same-without-spielberg/89788 (TG)
Tôi dám chắc là bạn nghĩ rằng mình biết những ví dụ mà ở đó nunchi không hề đồng nghĩa với thành công. “Nhưng sếp tôi là một bản sao của David Brent, ấy thế mà anh ta vẫn bằng cách nào đó lên được vị trí CEO của một tập đoàn đa quốc gia!” Trước hết, bạn có dám chắc rằng mình không nhầm lẫn giữa những người không có nunchi và những người cố tình phớt lờ người khác không? Hai típ người này không hẳn là giống nhau. Một giám đốc điều hành quyền lực có thể sở hữu nunchi tốt mà vẫn tùy ý tỏ thái độ bất lịch sử với một số người nhất định, cũng như một người vốn sinh ra đã có sự trao đổi chất nhanh tự nhiên thế nhưng vẫn trở nên béo phì vì lựa chọn chế độ ăn không lành mạnh.
Tất nhiên, có rất nhiều người thiếu hụt nunchi mà vẫn leo lên được những vị trí quyền lực, nhưng vấn đề là họ trụ được trong bao lâu? Và ai biết được họ có thể tiến xa đến đâu nếu có nunchi tốt hơn? Rất có thể một giám đốc có nunchi yếu kém sẽ gặp phải một số bê bối không thể cứu vãn hoặc những tình thế khó khăn vào thời điểm nào đó. Đôi khi điều nảy xảy đến khi người ta nghĩ rằng vị thế của họ quá quan trọng nên họ không cần đến nunchi nữa, và đồng nghiệp e sợ không dám cho họ biết sự thật. Đó là khi họ sụp đổ và sa lầy một cách ngoạn mục.
Điều này đã xảy đến với Elon Musk, nhà kinh doanh công nghệ, kỹ sư và người đồng sáng lập của công ty xe điện Tesla. Có lẽ còn lâu người ta mới quên được một loạt những tweet đáng xấu hổ và thiếu suy nghĩ của ông hồi năm 2018, trong đó có một tweet mà ông cáo buộc một thợ lặn tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan bị kẹt trong hang là “kẻ ấu dâm”. Nói rằng những tweet này là một sự thiếu hụt nunchi là còn nói nhẹ đi rồi đấy.
Vào tháng Tám năm 2018, Musk đăng bài trên Twitter: “Đang cân nhắc tư nhân hóa Tesla với giá 420 đô-la/cổ phiếu. Nguồn vốn đã được bảo đảm.” Trước hết, đây không phải là cách bạn đưa ra thông báo liên quan đến một công ty lớn, thậm chí trước cả khi trình bày rõ ràng với hội đồng quản trị hoặc với Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ. Thứ hai, sau này Musk giải thích rằng con số 420 đô-la là ám chỉ đến chuyện 420 là từ lóng cho ma túy làm từ cây gai dầu. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy nunchi của Musk ngày hôm đó đã đi nghỉ mát. Nếu ông cho rằng bài tweet đó sẽ làm mình có vẻ sành điệu thì đó là một thất bại trong việc đọc vị căn phòng; ông đã bị chế giễu trên truyền thông và mạng xã hội, câu “Nguồn vốn đã được bảo đảm” trở thành một meme cợt nhả.
Vào tháng Chín cùng năm, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã cáo buộc Elon Musk tội gian lận chứng khoán và phạt ông 20 triệu đô-la. Theo tuyên bố chính thức của SEC, Musk phạm tội gian lận vì đã đưa ra “một loạt tweet sai lệch và gây nhầm lẫn về tiềm năng tư nhân hóa của công ty Tesla”. Cùng năm đó, Musk buộc phải từ chức chủ tịch của Tesla.
Ai cũng có lúc phạm phải sai lầm. Thế nhưng, dấu hiệu của một người thiếu hụt nunchi là khi họ làm sai, họ lại càng lún sâu hơn. Đó chính là những gì Musk đã làm. Vào tháng Mười năm 2018, sau bê bối của mình, ông đã đăng bài tweet nói rằng mọi sự vụ xảy ra là “cũng bõ công” – một động thái thiếu khôn ngoan và ngây ngô về mặt pháp lý vì vào thời điểm đó, cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.
Tôi không quá lo ngại cho ông ta, nhưng trường hợp này cho thấy rằng kể cả một người thiếu hụt nunchi cũng vẫn có thể thành đạt trong cuộc sống, thế nhưng nếu bạn chơi những trò ngu ngốc, bạn sẽ nhận được những phần thưởng ngu ngốc.
MÀU SẮC CHÍNH TRỊ CỦA CÔNG TY BẠN LÀ GÌ?
Bất kể ai có nunchi tốt cũng hiểu rằng công ty không phải là một môi trường dựa trên lòng tin. Nơi này là cái nôi của sự trao đổi thông tin mang tính nước đôi và tránh đối đầu trực tiếp. Kể cả bạn có yêu quý đồng nghiệp và cho rằng sếp mình là một thiên tài đi chăng nữa, bạn cũng nên vận dụng nunchi mọi lúc.
Tin tốt là nếu bạn cũng giống như phần lớn những người làm công ăn lương khác, năng lực nunchi của bạn tại chỗ làm sẽ tốt hơn năng lực nunchi của bạn trong những lĩnh vực khác của cuộc sống bởi bạn đã chuẩn bị sẵn tâm thế rồi. Chẳng hạn, tôi cá là bạn từng áp dụng nunchi nhanh nhạy trong những tình huống kiểu như sau:
• Một đồng nghiệp vốn thường mặc áo hoodie và quần tất bỗng nhiên lại diện một bộ áo vest sành điệu để đến “những buổi hẹn khám bác sĩ”, và bạn đồ rằng có thể cô ấy đang đi phỏng vấn để ứng tuyển vào một công ty khác. Tuần sau đó, người đồng nghiệp này xin nghỉ việc.
• Bạn nhận thấy anh chàng đồng nghiệp Ollie của bạn bắt đầu không được mời dự họp nữa. Tại một buổi họp, bạn giả ngơ và nói rằng: “Này, tôi có nên gọi Ollie đến không?” và sếp bạn đáp rằng: “Không cần đâu, chúng ta sẽ cập nhật lại cho anh ta sau.” Vậy là bạn nhận ra rằng công ty đang chuẩn bị cho Ollie thôi việc. Một tháng sau, mọi chuyện xảy ra đúng y như dự đoán của bạn.
Ắt hẳn bạn có thể nghĩ ra hàng chục tình huống ví dụ về những lần nunchi giải nguy cho bạn, hoặc những lần mà sự thiếu hụt nunchi khiến bạn mất đi cơ hội được tăng lương, mất đi những người ủng hộ hoặc thậm chí là mất việc.
Nếu có nunchi tốt, bạn có thể khiến đồng nghiệp ủng hộ một ý tưởng trong khi họ còn chẳng hề hay biết là bạn đang làm điều đó.
Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang tham gia một dự án khổng lồ liên quan đến cập nhật hồ sơ bảng lương cũ. Hầu hết mọi người trong nhóm đều cho rằng nên tiến hành làm nội bộ. Nhưng Darren lại muôn thuê một công ty khác. Bạn và những người khác lo ngại rằng nếu thuê ngoài khối lượng việc này sẽ khiến công ty ngày càng thuê ngoài nhiều hơn, rồi sẽ đến lúc nhóm của bạn chẳng còn việc để làm. Darren nói rằng anh ta không có thời gian để cập nhật hồ sơ.
Bạn cần phải nhanh chóng xử lý vấn đề này. Đừng bao giờ để một cuộc tranh cãi kéo dài quá lâu đến nỗi làm ai nấy đều kiệt sức. Thường thì sếp bạn sẽ cáu điên lên và đưa ra quyết định thay cho bạn. Hơn nữa, rốt cuộc bạn vẫn sẽ phải làm việc chung với những người đồng nghiệp này, và ắt hẳn bạn không muốn chiến thắng cuộc tranh cãi với cái giá là họ sẽ trở nên khó thuyết phục hơn trong tương lai.
Vậy bạn phải làm gì đây? Tin tốt là đồng nghiệp sẽ luôn (chủ động hoặc vô thức) nói ra những gì bạn cần làm để thuyết phục họ.
Trước hết, hãy hỏi Darren lý do tại sao anh ta cho rằng công ty nên thuê ngoài dự án này – kể cả bạn có biết trước câu trả lời của anh ta. Hãy chú tâm đến những gì anh ta không nói ra thành lời.
Anh ta có thể nói rằng: “Khối lượng công việc lớn như vậy thì tự làm sao xuể – đơn giản vậy thôi.” Nhưng tại sao anh ta không đề cập đến nguy cơ thấy rõ là việc thuê ngoài một dự án lớn có thể khiến anh ta không có việc gì để làm? Phải chăng anh ta biết điều gì đó mà bạn không biết? Hãy quan sát anh ta: Anh ta có tỏ ra tự mãn không? Có thể anh ta biết là vị trí của mình được bảo đảm bởi anh ta sắp được thăng chức, thế nên anh ta chẳng bận tâm đến tình hình của những người còn lại trong nhóm. Hoặc anh ta có đang hành xử một cách hờ hững và thờ ơ đối với cả những sự vụ khác không? Có thể anh ta định rời khỏi công ty nên chẳng thiết đến bất cứ chuyện gì nữa. Hãy xem xét những hành vi gần đây của anh ta: có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy anh ta đang tìm việc không? Dù là thế nào thì anh ta cũng đang không cùng chí hướng với bạn. Anh ta chỉ đang tính đến chuyện trước mắt.
Bạn hãy buông kiếm xuống và thôi than vãn rằng “làm thế thì chúng ta sẽ bị cho thôi việc mất”. Hãy đề nghị làm thay phần việc của Darren trong dự án bảng lương – một cách nghiêm túc – để thuyết phục anh ta đồng ý với bạn. Liệu bạn có thể xoay xở nổi khối lượng việc của hai người không? Có lẽ là không, nhưng điều đó không quan trọng.
Bạn đã chiến thắng. Bạn không chỉ loại trừ lý do phản đối duy nhất của Darren, mà còn gây ấn tượng với đồng nghiệp và cấp trên rằng bạn tâm huyết với dự án này và bạn muốn giúp cho cuộc sống của họ dễ thở hơn.
Nếu công việc này là ưu tiên hàng đầu của công ty, thì sau này bạn có thể đề nghị bổ sung thêm nguồn lực hoặc nhân sự. Họ thậm chí có thể buộc Darren phải tham gia; và đến lúc đó, anh ta không thể từ chối được. Trước mắt, giành lấy sự đồng thuận của họ và tạo ra sự hòa hợp. Sau đó, mọi chuyện khác sẽ đều trở nên khả thi.
Có nunchi tốt tại chỗ làm tức là hiểu những gì đang được thể hiện ra trong các ẩn ý, chứ không chỉ là trong các thông báo chính thức. Tất nhiên, nghe thì thật bùi tai mỗi khi ai đó rời khỏi công ty để “theo đuổi những cơ hội mới” hoặc “dành nhiều thời gian hơn cho gia đình”, thế nhưng hầu hết chúng ta đều hiểu rằng đó đơn giản chỉ là một cách nói tránh việc họ bị sa thải. Còn những điều gì khác không được nói ra trong môi trường làm việc của bạn?
Sau đây là một số ví dụ về những gì mọi người thường không nói thẳng ra, nhưng nunchi của bạn có thể nhận thức được trong một bối cảnh công sở điển hình:
• Nunchi cơ bản: Một nhóm người luôn nhìn nhau mỗi khi ai đó trong nhóm pha trò ➔ Họ là một nhóm thân thiết.
• Nunchi trung cấp: Một người đột nhiên đề xuất họp nhiều hơn trước, về những chủ đề mà họ hoàn toàn có thể trình bày trên email ➔ Thời gian gần đây, họ mới gặp rắc rối với sếp.
• Nunchi ninja: Một nhân viên cấp thấp tuy ngô nghê kinh khủng nhưng dường như chẳng bao giờ gặp phải rắc rối gì cả. Kể cả những nhân vật chóp bu cũng tỏ thái độ lịch sự đối với họ ➔ Người này được một ai đó quyền lực trong tổ chức chống lưng. Hãy cư xử tử tế với họ.
Ai là người giỏi thuyết phục các đồng nghiệp khác ủng hộ ý tưởng của họ nhất, và họ làm như thế nào? Nghiên cứu về văn hóa công ty sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi mà bạn thậm chí còn không biết rằng mình nên hỏi.
Điều gì được đánh giá cao tại chỗ làm của bạn? Bạn có làm việc tại một văn phòng mà ai nấy đều ngồi vào bàn lúc 8 giờ sáng không? Hay công ty của bạn không quan tâm tới giờ giấc đến của nhân viên miễn là bạn đưa ra được những ý tưởng sáng tạo? Nunchi tức là đọc vị căn phòng, và hiểu rằng mọi căn phòng, mọi nơi làm việc, đều không giống nhau.
Tại Pháp, tôi từng làm việc ở một văn phòng mà ai nấy đều nói oang oang như quát tháo nhau. Họ cho rằng nếu tôi đáp lại nhỏ nhẹ tức là tôi không xem trọng họ. Đây thực sự là một cú sốc văn hóa đối với tôi, bởi lẽ cái tính Ăng-lô- xắc-xông trong tôi (theo cách gọi của người Pháp) đề cao sự điềm tĩnh trong mọi tình huống và tin rằng người nào to tiếng trước là người đó tranh cãi thua. Thế nên, để hòa hợp với những đồng nghiệp người Pháp, tôi cũng dần ăn to nói lớn hơn. Nhiều năm sau, khi chuyển sang làm tại một văn phòng của Mỹ, tôi đã phải học cách hạ bớt âm lượng, bằng không sự nghiệp của tôi sẽ tiêu tan thành mây khói.
Và kể cả trong cùng một công ty, văn hóa làm việc cũng thay đổi theo thời gian, đôi khi nhanh đến mức khó tin. Chẳng hạn như một thay đổi trong ban quản lý sẽ biến chuyển hoàn toàn văn hóa làm việc tại nơi đó. Nếu CEO cũ của bạn có những bức áp phích truyền cảm hứng kiểu như “Làm việc nhóm” thì CEO mới lại chỉ trưng những bức hình thuyền buồm của họ, tức là bạn đang ở trong một văn phòng hoàn toàn mới mặc dù tên công ty ngoài sảnh vẫn giữ nguyên. Năng lực đọc vị căn phòng, kể cả khi nó đang thay đổi, sẽ luôn giúp bạn duy trì độ tinh nhạy và khả năng thích ứng.
NUNCHI TẠI MỘT CUỘC HỌP
Nếu bạn chủ trì một cuộc họp, hãy luôn luôn – luôn luôn – LUÔN LUÔN mời mọi người một món đồ ăn vặt vào lúc bắt đầu họp. Không nhất thiết phải là một bữa ăn nhẹ hoặc món gì đó đắt tiền; thậm chí đưa cho mọi người chuyền tay nhau một hộp kẹo nhỏ giá rẻ cũng được. Nói (nhưng đừng lớn tiếng quá): “Chào mọi người, tôi có mang [đồ ăn].” Hãy đảm bảo bạn sử dụng từ “mọi người”, điều này sẽ tạo ra bầu không khí rằng, chí ít là trong một tiếng ngồi họp, tất cả mọi người là một khối đồng nhất.
Đưa món đồ ăn vặt cho người ngồi phía bên trái bạn và nói với cả phòng rằng “mỗi người lấy một cái rồi chuyển nó sang người bên cạnh”. Đừng để đồ ăn ở giữa bàn rồi bảo mọi người “cứ tự nhiên”. Điều này làm hỏng mất mục đích ban đầu. Chính việc truyền đồ ăn vòng quanh tạo ra sự tròn trịa đúng nghĩa đen. Nó khơi nguồn dòng chảy và kết nối mọi người trong phòng, giống như mọi người chuyền nhau chiếc gậy trong một cuộc chạy đua tiếp sức. Đây là cách để mọi người chú tâm đến người khác – ít nhất là những người ngồi bên trái và bên phải họ – điều này tạo ra ý thức về “tâm trí tổ ong”. Nó có thể hiệu quả kể cả mọi người không nhận lấy đồ ăn. Hơn nữa, nó còn tạo ra một hoạt động để mọi người bớt khó chịu hơn với những đồng nghiệp đến họp muộn vài phút.
Vòng tròn năng lượng mà bạn vừa tạo ra là một nguồn lực hợp nhất hùng mạnh sẽ khiến mọi người hợp tác với nhau hiệu quả hơn, trở nên hứng thú hơn với những gì bạn và người khác định nói, và gia tăng cho bạn cơ hội đạt được bất kể mục tiêu nào mà bạn hướng đến trong cuộc họp này.
Và điều này không chỉ có ý nghĩa với họ – mà còn cả với bạn nữa! Nếu họ đang ăn, họ sẽ không nói chuyện riêng. Kể cả họ chỉ im lặng trong vài giây, bạn cũng hãy vận dụng khoảng thời gian quý giá này để tập trung vào bản thân, hít sâu một vài lần, và đừng quên quan sát đồng nghiệp của bạn.
Ăn vào rồi thì người ta dễ tán gẫu linh tinh. Tốt. Bạn có thể biết được từ những cuộc trò chuyện sau đấy rằng Helen nuôi mười con chó và chúng rất khoái nhãn hiệu kẹo này, rằng hương vị ưa thích của Siobhan là trái anh đào, rằng Julie ăn kiêng từ bé đến giờ, còn David có một nửa dòng máu là người Bỉ. Đối với những người bình thường, đó chỉ là những lời nói bâng quơ. Nhưng đối với một ninja nunchi, không có lời nói nào là bâng quơ cả: đó đều là những dữ liệu giá trị bất kể bạn có cần đến lúc này hay không.
Lúc này bạn cũng sẽ nhận biết được tâm trí của đồng nghiệp mình đang để ở đâu: hãy tận dụng khoảng thời gian này để quan sát xem người nào trông mệt mỏi, người nào trông khó chịu, người nào đang mải miết nhắn tin, người nào không bao giờ ăn đồ của bạn mỗi khi họ bất mãn với bạn chuyện gì đó. Hãy sử dụng những dữ liệu này để điều chỉnh cuộc họp sao cho phù hợp, và thể hiện thái độ ưu ái với những người rõ ràng đang cần đến điều đó. Nếu ai đó tỏ ra mất tập trung, bạn nên đề nghị họ đưa ra ý kiến của mình trước tiên để tâm trí họ quay trở lại cuộc họp. Cuộc họp của bạn.
Nói chung là chiêu đãi khách mời luôn là một hành vi ứng xử có lợi, và hãy nhớ đến Quy tắc Nunchi #5: Các cung cách ứng xử không phải tự nhiên mà có. Đôi khi, nó là kế sách để đạt được mục đích, chẳng hạn như tìm cách kiểm soát một cuộc họp.
Nếu bạn không phải tham gia điều hành cuộc họp, hãy tận dụng cơ hội vàng này để kích hoạt năng lực nunchi và quan sát. Kể cả bạn ghét họp hành, hãy bắt đầu từ những cuộc họp “không bắt buộc” (phù hợp với lịch làm việc). Bạn sẽ tìm hiểu được về đồng nghiệp của mình trong cuộc họp đó nhiều hơn so với những cuộc họp mà bạn là tâm điểm chú ý.
Ý kiến của ai luôn được mọi người tán thành nhiệt liệt? Ý kiến của ai dường như luôn bị gạt đi? Có hai người nào luôn bất đồng quan điểm không? Nếu có ai đó luôn hướng được người khác ủng hộ mình vào cuối buổi họp, vậy họ đã làm như thế nào? Những người được người khác lắng nghe có dáng điệu tốt hơn những người còn lại không? Họ có nói năng từ tốn không? Hay họ vận dụng nunchi ngay tức thì – phản ứng lại mọi ngôn ngữ cơ thể mang tính tiêu cực trong phòng bằng cách nhiệt tình đặt ra câu hỏi: “Tôi rất muốn nghe ý kiến của mọi người”?
Để ý đến những chi tiết kiểu này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những vấn đề chính trị trong tổ chức, thay vì đi chất vấn riêng từng thành viên trong nhóm về quan điểm của họ đối với mọi việc trong công ty.
Quan sát, quan sát, quan sát; lắng nghe, lắng nghe, lắng nghe. Hai mắt, hai tai, một miệng.
NUNCHI VÀ NHỮNG BUỔI GIAO LƯU CỦA CÔNG TY
Lần tới nếu công ty bạn có một buổi đi chơi hoặc một bữa tụ tập ăn uống, hãy thử làm như thế này. Lúc bước vào phòng, hãy đứng gần cửa ra vào trước khi bắt chuyện với bất kỳ ai và cảm nhận toàn bộ căn phòng như một thể thống nhất, kiểu như sau đó bạn sẽ phải vẽ lại căn phòng này bằng trí nhớ. Những ai có mặt, và họ đang đứng ở vị trí nào? Hành vi của họ có khớp với những gì bạn biết về con người họ không? Ngôn ngữ cơ thể của họ có báo hiệu một sự thay đổi về cấp bậc không? Ai đang do dự chọn đồ ăn? Đồ uống? Sếp?
Đọc vị căn phòng có thể giúp bạn biết được nhiều điều về môi trường của một công ty hơn là đọc tuyên bố sứ mệnh trên mạng của công ty đó.
ĐỀ XUẤT TĂNG LƯƠNG
Thea đến gặp sếp mình là Chattypants để hỏi về vấn đề tăng lương. Thea vừa được thăng chức, nhưng công ty vẫn chưa đưa ra quyết định về mức lương mới của cô.
Lời khuyên muôn thuở của mọi nhà đàm phán giỏi là bạn cần phải tìm cách áng chừng khoảng mà đối phương dự định trong đầu trước khi bắt đầu đề cập đến con số cụ thể. Và điều này có nghĩa là làm theo Quy tắc Nunchi #4: Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội thuận lợi để giữ yên lặng. Nếu bạn tiếp tục lắng nghe, đối phương sẽ nói cho bạn tất cả những gì cần biết trước cả khi bạn hỏi.
Từ những quan sát trước đó, Thea biết rằng Chattypants là người hay nói liến thoắng. Nếu có khoảng lặng trong đối thoại, Chattypants sẽ cảm thấy có nghĩa vụ phải khỏa lấp bằng tiếng nói của chính mình. Thế nên Thea ngồi xuống cạnh bà và chỉ nói đơn giản: “Tôi muốn bàn về mức tăng lương phù hợp cho vị trí mới của mình.”
Và rồi cô không nói gì nữa để Chattypants cảm thấy cần phải phá vỡ sự im lặng. Bà nói với Thea: “Tôi đoán là cô cảm thấy ấm ức vì năm ngoái không được tăng 3% lương.”
Kỳ thực, Thea chẳng biết gì về chuyện mà Chattypants vừa đề cập, nhưng cô tiếp tục giữ im lặng. Điều này tất nhiên lại càng khiến Chattypants nói nhiều hơn. Bà tiếp tục nói: “Được rồi, chuyện này cũng có thể hiểu được mà.” (Một lần nữa, Thea không nói gì cả; cô còn chẳng biết rằng năm ngoái mình đáng ra có thể được tăng lương.) “Tính cả hai năm thì mức tăng lương sẽ là 6%, nhưng còn cao hơn thế?”
Thea tiếp tục không nói gì. Chattypants lại nói tiếp: “Ý tôi là tôi không thể trả cô mức lương sáu con số được; như thế là cao hơn tận 25% so với người có vị trí cao nhất trong nhóm cô.”
DING DING DING! Đó chính là câu trả lời mà Thea đang tìm kiếm. Mặc dù Chattypants còn chẳng hề nhận ra, nhưng bà đã cung cấp cho Thea khoảng lương chính xác mà cô nên đề xuất. Giới hạn dưới: tăng 6% mức lương hiện tại. Giới hạn trên: 80.000 đô-la, mức lương ước tính của thành viên có vị trí cao nhất trong nhóm cô, dựa trên dữ liệu mà Chattypants đã buột miệng tiết lộ (“sáu con số” tức là khoảng 100.000 đô-la). Cô biết là thể nào công ty cũng sẽ thỏa thuận một con số thấp hơn nhưng có thể chấp nhận được. Cuối cùng cô được tăng 20% lương, và vì Chattypants đã để lộ mọi thông tin, thế nên Thea cảm thấy hết sức hài lòng vì biết rằng mình đã được tăng đúng mức lương có thể được hưởng.
Có câu rằng một cuộc thương lượng công bằng chưa bắt đầu chừng nào ít nhất một trong hai bên cảm thấy bị xúc phạm trước lời đề nghị của đối phương. Nếu sếp bạn bị sốc trước mức lương đề xuất của bạn, đừng nhụt chí. Điều này có nghĩa là bạn đang làm đúng.
TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN MỚI
Có những đống phân bón bốc hơi nghi ngút có khả năng biến thành hình thù con người vào ban ngày và diện đồ công sở. Bất kể tôi làm việc ở đâu, thường thì cũng có ít nhất năm kẻ thuộc dạng đó được tuyển vào làm ở cùng công ty. Nếu những nhân viên này đã ở đó từ trước khi bạn vào làm thì là một nhẽ. Nhưng nếu bạn đủ may mắn để ngồi vào vị trí phỏng vấn ứng viên trước khi tuyển dụng, hãy huy động 100% năng lực nunchi của bạn không chỉ để sàng lọc ứng viên, mà còn để thuyết phục đồng nghiệp của bạn tuyển dụng người nào. Những kẻ biến hình này luôn kéo theo đồng bọn đến làm việc cùng họ, thế nên chỉ một người thôi cũng đã là quá nhiều rồi. Chưa kể là không hiểu sao rất khó để sa thải bọn họ.
Mọi người thường nói dối trên đơn ứng tuyển của họ, thế nên nếu bạn là một nhà tuyển dụng, nunchi của bạn phải luôn luôn cảnh giác cao độ. Một phần của vấn đề là vòng tuyển lựa CV đầu tiên thường được máy tính xử lý bằng thuật toán. Nếu đơn ứng tuyển chứa những từ khóa mà nhà tuyển dụng đề ra cho công việc (chẳng hạn như JavaScript, tiếp thị qua điện thoại, quản lý), thuật toán sẽ chuyển tiếp những đơn ứng tuyển này đến nhà tuyển dụng. Những ứng viên còn lại sẽ nhận được thư từ chối tự động. Do đó, các ứng viên phải bôi thêm vào đơn ứng tuyển những kỹ năng mà họ không có để tránh bị máy tính loại trừ. Thế là thành thử mọi người đều có thể tùy ý bịa đặt đủ thứ về kinh nghiệm làm việc của mình.
Những nhà tuyển dụng kém thường coi đơn ứng tuyển chỉ là thủ tục mang tính hình thức. Họ sẽ nói “Tôi có thiện cảm với ứng viên này” hoặc “Anh ta bắt tay dứt khoát đấy”, mỗi thế thôi. Nhưng năng lực nunchi thực thụ không có nghĩa là bạn chỉ xem xét ngôn ngữ cơ thể và nhìn vào mắt đối phương. Nó còn có nghĩa là đọc – đọc theo đúng nghĩa đen – những ẩn ý trong CV. Tài liệu này giúp bạn thu thập thông tin về người ngồi trước mặt. Nếu có gì đó bất thường thì bạn cần phải gạt đi “thiện cảm” của mình. Và đừng phủ nhận thực tế rằng “thiện cảm” và “ác cảm” đối với các ứng viên có thể là do những thành kiến vô thức về giới tính, sắc tộc, ngoại hình và những yếu tố khác mà không ai muốn thừa nhận rằng mình có cân nhắc đến.
Bản thân tôi thường xuyên bị mọi người phản đối mỗi khi định loại một ứng viên vì trình bày thiếu thành thật trong đơn ứng tuyển. “Chuyện đó có gì to tát đâu”, mọi người sẽ gạt đi ý kiến của tôi nếu họ thấy ứng viên đó thú vị. Nhưng một nhà tuyển dụng có nunchi nhanh nhạy hiểu rằng những hành vi nhỏ này là dấu hiệu cho thấy những vấn đề trầm trọng hơn nhiều. Không may thay, áp lực xã hội lại khiến mọi người cảm thấy bản thân nhỏ nhen nếu nói rằng điều gì đó là “dấu hiệu” cho thấy điều gì đó. Chẳng hạn, tôi thấy rằng những ai nói rằng họ sử dụng “trôi chảy” một ngoại ngữ trong khi thực tế không phải vậy thì luôn là những kẻ bịp bợm bậc nhất.
Đừng bao biện cho người đó rằng: “Ừ thì từ ‘trôi chảy’ vốn mang tính chủ quan mà.” Nghĩ sao vậy? Nó không hề mang tính chủ quan. Một số người tự cho rằng bản thân nói trôi chảy và ý của họ là họ có thể gọi bữa trưa tại một nhà hàng. Kỳ thực, tôi thấy đó là biểu hiện của tính kém nhạy văn hóa: nói dối về khả năng giao tiếp trôi chảy bất kỳ ngôn ngữ nào cũng là một sự xúc phạm đến hàng triệu người đang sử dụng ngôn ngữ đó. Hãy đường hoàng mà nói rằng ngoại ngữ của bạn “đủ để đáp ứng yêu cầu công việc” hoặc bạn “đang mới bắt đầu học”. Chẳng ai ghét bỏ bạn vì chuyện đó đâu.
Những người thường xuyên bịa đặt về kỹ năng của mình là những đối tượng nguy hiểm, bất luận công việc có yêu cầu các kỹ năng đặc biệt đó hay không. Họ sẽ không bao giờ thừa nhận bản thân không biết làm gì đó, kể cả khi những đồng nghiệp khác sẵn lòng giúp đỡ họ. Thay vào đó, họ ức hiếp những đứa trẻ thông minh và bắt chúng làm bài tập về nhà hộ mình. Thương thay nếu bạn là đứa trẻ thông minh đó.
NUNCHI VÀ NHỮNG ĐỒNG NGHIỆP NGU NGỐC
Điều đáng ngạc nhiên về những người ngu ngốc chính là mức độ ảnh hưởng của họ tại nơi công sở. Điều này là do niềm tin không gì lay chuyển nổi của họ và những ý tưởng xấu lan tràn nhanh đến mức khó hiểu.
Kỳ thực, nếu ai đó thật sự ngu ngốc thì họ tất ngu ngốc đến nỗi không biết bản thân ngu ngốc đến cỡ nào. Hiệu ứng Dunning-Kruger là một trong những lực tác động mạnh nhất trong vũ trụ, sánh ngang với lực hấp dẫn và lãi kép.
Vậy làm thế nào bạn đấu chọi lại được một kẻ địch có vẻ ngang tàng bất khuất như vậy? Nói với mọi người rằng bạn nghĩ họ ngu ngốc là chuyện hoàn toàn vô ích: tin tôi đi, tôi đã thử rồi. Hãy nhớ rằng mục đích của bạn tuyệt nhiên không phải là chứng minh bản thân thông minh hơn.
Mục đích của bạn là làm cho họ đồng thuận với mình để đôi bên không vướng vào rắc rối nào. Nunchi nơi công sở nghĩa là bạn cần nghĩ đến sự sinh tồn, chứ không phải là cái tôi của bản thân.
Những người thực sự thuần thục năng lực nunchi sẽ vận dụng phương pháp Socrates. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrates nổi tiếng là luôn giả ngây giả ngô mỗi lần ông tìm cách khiến người khác đồng thuận. Ông liên tục đặt câu hỏi cho đối phương để họ thấy được những khía cạnh lô-gic trong cuộc tranh luận. Socrates khiến đối phương tin rằng bất kể điều gì họ ngộ được đều là do tự thân họ nghiệm ra.
Bạn cần phải làm giống như Socrates. Tại sao à? Bởi lẽ tất cả mọi người, bất kể thông minh hoặc ngu ngốc đến đâu, đều thích tin rằng họ có quyền chủ động.
Sau đây là một ví dụ.
ĐỒNG NGHIỆP NGU NGỐC: OK, chúng ta cần những hình ảnh chuột ngộ nghĩnh để đính kèm vào email tiếp thị gửi đến khách hàng, nhưng Roberta ở bộ phận mỹ thuật đang nghỉ ốm, thế nên tôi quyết định sao chép những hình ảnh của chuột Mickey.
BẠN: Ồ, được thôi, thế chắc là anh đã xin phép bản quyền của Disney rồi nhỉ? Tuyệt quá! Họ trả lời anh nhanh thật đấy!
ĐỒNG NGHIỆP NGU NGỐC: Không, tôi chưa xin phép bản quyền bên họ. Nhưng chắc là không sao đâu.
BẠN: Ồ, OK , vậy là cuối cùng phòng pháp chế cũng thôi ca cẩm chúng ta về chuyện kiện tụng nhỉ? Trời ạ, họ cứng nhắc lắm, phải vậy không?
ĐỒNG NGHIỆP NGU NGỐC: (ngẫm nghĩ một lúc) À không, tôi chưa hỏi ý kiến bên họ. Cậu biết không? Tôi vừa nghĩ ra một nguồn khác cũng có hình chuột ngộ nghĩnh. Dù gì Disney cũng nhàm lắm rồi.
Bạn có nhìn thấy những gì diễn ra trong cuộc hội thoại trên không? Tay đồng nghiệp ngu ngốc nhận ra rằng bạn có lý, nhưng bằng cách vận dụng phương pháp Socrates, bạn cho phép anh ta quyền được giả bộ rằng tự thân anh ta quyết định gạt đi ý tưởng sử dụng trái phép hình ảnh có bản quyền của Disney. Bạn đã giúp tay đồng nghiệp ngu ngốc giữ thể diện. Tay đồng nghiệp ngu ngốc ắt sẽ cảm kích lắm.
Về cơ bản, nunchi là một môn đấu võ bằng tâm trí: nếu ai đó tấn công bạn bằng một ý tưởng tệ hại khủng khiếp sẽ làm cho tất cả mọi người bị sa thải, đừng phí phạm sức lực của bản thân để đánh trả họ; thay vì vậy, hãy tận dụng chính sức nặng từ tính ương ngạnh của họ để phản đòn. Xuôi theo sự ngu ngốc của họ và họ có thể tự mình ngộ ra.
ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG GÌ BẠN MUỐN TRONG CÔNG VIỆC
Phương pháp mang tính nunchi nhất để đạt được những gì bạn muốn trong công việc là làm thứ trái với suy nghĩ thông thường: đó là thực hiện những gì cấp trên của bạn muốn và những gì cấp trên của họ muốn. Sau đó tìm cách trình bày những gì bạn muốn như thể đó là giải pháp cho một vấn đề nào đấy: bạn sẽ ghi thêm điểm vì giải quyết một vấn đề mà họ còn không hề biết là tồn tại. Những nhân viên có nunchi xuất sắc không chỉ xét đến vai trò đơn lẻ và mục tiêu cá nhân của mình, họ lúc nào cũng coi công ty là một tổng thể và cân nhắc xem mục tiêu riêng của bản thân ăn khớp thế nào với bức tranh lớn hơn, và họ tận dụng điều đó để thăng tiến.
Antony muốn được thăng chức, nhưng anh hiểu rằng công ty hiện đang gặp khó khăn về tài chính. Mặc dù thể hiện xuất sắc trong công việc và cảm thấy bản thân đã sẵn sàng cho một vị trí quản lý, nhưng anh biết nếu lúc này mà vào phòng cấp trên rồi đề nghị thẳng thừng chuyện thăng chức thì có thể bị xem là hành động ích kỷ, thiếu đồng lòng với khó khăn của công ty. Thay vì cảm thấy bất mãn hoặc cằn nhằn với đồng nghiệp về chuyện không có cơ hội thăng tiến, Antony quan sát những gì diễn ra tại công ty đồng thời suy xét làm sao để được thăng chức. Anh nhận thấy cấp trên của anh dường như đặc biệt căng thẳng mỗi lần cô phải họp cập nhật tình hình với những cấp dưới trực tiếp, vốn rất nhiều người, trong đó có cả Antony. Anh nghe lỏm được cấp trên của anh ca cẩm với cấp trên của chính cô rằng quản lý nhóm này làm cô không còn thời gian để triển khai những dự án kinh doanh mới.
Trong buổi họp tiếp theo, Antony đề xuất một cấu trúc vận hành nhóm mới, trong đó năm cấp dưới trực tiếp của sếp anh từ giờ sẽ báo cáo với anh, nhằm giảm bớt gánh nặng cho cô. Tuy cũng mất khoảng vài tuần bàn bạc, nhưng cuối cùng nhóm cũng được tái cấu trúc theo đề xuất của Antony và anh được thăng chức. Quan trọng hơn, giờ đây cấp trên của anh xem anh là một nhân viên thông minh và nhiệt tình giải quyết vấn đề chứ không phải là một người chỉ biết than vãn vì không được thăng chức.
Hãy dành thời gian để quan sát cấp trên, và xét xem những ưu tiên chính của họ là gì, từ đó cân nhắc cách tận dụng tối đa những cơ hội này.
ĐI PHỎNG VẤN ỨNG TUYỂN CÔNG VIỆC MỚI
“Nào, trước hết hãy bắt đầu với vấn đề mà hẳn ai cũng thắc mắc”, một quản lý nhân sự từng nói với tôi như vậy sau khi tôi ngồi xuống đối diện với bà ấy được vài phút.
Lúc đó, tôi đang đến phỏng vấn ứng tuyển công việc tại một tạp chí. Tôi chẳng biết ý bà ấy là gì. Nunchi trong tôi mách bảo rằng tôi nên giữ yên lặng, mặc dù đầu tôi đang đầy những suy nghĩ: “Có phải bà ấy nghe được chuyện gì xấu về mình không? Hay là răng mình mắc rau?”
Bà ấy nói tiếp: “Đợt vừa rồi chúng tôi có cho vài người thôi việc nhưng không phải là vì vấn đề tài chính. Tạp chí hiện đang tái thiết thương hiệu và làm mới hình ảnh, song một số nhân viên lâu năm lại không ủng hộ mục tiêu này. Chuyện là vậy chứ không phải chúng tôi vắt chanh bỏ vỏ những nhân viên lớn tuổi của mình.”
Chỉ sau ba phút đầu tiên có mặt trong căn phòng này, tôi đã có đầy đủ thông tin cần thiết cho cuộc phỏng vấn, trước cả khi tôi giới thiệu về bản thân. Vậy một người có thể suy ra được gì từ vỏn vẹn vài câu nói trên? Đó là họ vừa mới sa thải không chỉ một mà nhiều nhân viên cấp cao và hẳn là có mức lương đáng kể, và họ đã tạo tiếng xấu vì chuyện đó đến nỗi người tuyển dụng phải rào trước. Thế nên, đây có thể không hẳn là một địa điểm làm việc lý tưởng. Tôi cũng biết rằng nếu muốn gây ấn tượng với quản lý nhân sự trong các vòng phỏng vấn kế tiếp, tôi cần phải nhấn mạnh rằng mình phù hợp với mục tiêu tái thiết thương hiệu và tôi yêu thích hình ảnh mới của tạp chí đến thế nào.
Họ đã không liên lạc lại với tôi. Tôi không biết liệu họ có tìm được người hay không. Tôi chỉ biết là chưa đến một năm sau, một quản lý nhân sự khác của cùng công ty đó đã liên hệ với tôi trên LinkedIn về đúng công việc này. Nói cách khác, công ty này gặp vấn đề trong việc giữ chân không chỉ những nhân viên mà họ tuyển dụng mà còn cả những quản lý nhân sự của họ nữa. Điều này không khó để dự đoán, dựa trên một vài phút đầu tiên của buổi phỏng vấn trước.
Tại bất kỳ buổi phỏng vấn nào, hãy để đối phương nói nhiều nhất có thể, cố gắng đừng chen ngang để nói với họ rằng bạn sẽ làm tốt công việc này như thế nào. Lý do là bởi người phỏng vấn sẽ ngửa bài và nói cho bạn biết chính xác những gì họ đang tìm kiếm, những giá trị cốt lõi của công ty, và có thể là cả nguyên nhân tại sao họ sa thải người mà bạn sẽ thế chỗ. Nếu nắm được những thông tin này, bạn có thể tự tin không bị nói hớ.
Nguồn lực lớn nhất cho nunchi của bạn là gì? Chính là thực tế rằng mọi người nói quá nhiều.
Trong quá trình tìm việc, rất nhiều người cảm thấy phiền phức nếu phải trải qua vòng sàng lọc của nhân viên tuyển dụng thay vì được gặp mặt thẳng người quản lý nhân sự. Kỳ thực, tôi chẳng thể hiểu nổi tại sao họ lại có suy nghĩ đó. Vòng phỏng vấn đầu tiên là một món quà trời cho. Những nhân viên tuyển dụng có nhiệm vụ quảng bá công ty với bạn, thế nên họ sẽ nói rất nhiều. Việc của bạn là để cho nhân viên tuyển dụng nói đến khi nào họ không nói được nữa. Điều này sẽ giúp bạn biết được mình nên nói gì với người quản lý nhân sự hơn cả những gì người quản lý đó có thể tự mình chỉ ra cho bạn.
Bất luận nhà tuyển dụng có vẽ ra một bức tranh tươi sáng đến thế nào, nếu biết cách nắm bắt ẩn ý, bạn có thể nhận biết được rõ rệt những điểm tốt, điểm dở và điểm xấu xí. Kỳ thực, họ đang đưa cho bạn kịch bản về những điều cần nói trong phần còn lại của cuộc phỏng vấn.
Điều này nhắc lại Quy tắc Nunchi #4: Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội thuận lợi để giữ yên lặng. Nếu bạn chờ đợi đủ lâu, hầu hết mọi câu hỏi của bạn sẽ được giải đáp mà bạn chẳng cần phải nói gì cả.
TUẦN ĐẦU TIÊN TẠI CHỖ LÀM MỚI
Hãy nhớ lại Quy tắc Nunchi #3: Nếu bạn mới bước vào một căn phòng (trong trường hợp này là một chỗ làm mới), hãy nhớ rằng mọi người khác đều đã ở đó lâu hơn bạn. Quan sát họ để thu thập thông tin. Trong vài ngày đầu đi làm, đừng tìm cách gây sự chú ý, tỏ ra hóm hỉnh hoặc mua sushi chiêu đãi mọi người. Những hành động này còn lâu mới mang lại hiệu quả như những gì mọi người thường lầm tưởng. Bạn nên giới thiệu bản thân với bất cứ người nào mà bạn gặp, chủ yếu là để tìm hiểu họ, chứ không phải là để nhanh nhanh chóng chóng kết bè kết nhóm và tán gẫu linh tinh. Bạn nên ưu tiên quan sát hơn là tỏ ra đáng mến.
Hạn chế tiết lộ thông tin cá nhân hết mức có thể, kể cả những thông tin đó có vẻ vô thưởng vô phạt, chẳng hạn như bạn sống ở đâu hoặc có bao nhiêu đứa con. Giây phút bạn nói về bản thân cũng là lúc bạn đóng sập nunchi của mình lại bởi bạn không còn chú tâm nữa.
Nhớ rằng, tại một chỗ làm mới, đôi mắt là công cụ tối quan trọng trong vài tháng đầu tiên. Hãy nghe theo câu tục ngữ xưa, “Kẻ vốn có tiếng là dậy sớm thì có thể ngủ đến tận trưa.” Nói cách khác, nếu bạn sớm tạo dựng hình ảnh bản thân là một nhân viên mẫn cán và đáng tin cậy, thì sau này có chẳng may bê trễ trong công việc thì mọi người cũng dễ bỏ qua cho bạn hơn.
NUNCHI DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI GHÉT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH
Tôi biết. Có thể bạn đang ở trong tình thế vô phương khắc phục đến mức mọi lời khuyên của tôi về công việc đều chẳng liên hệ gì đến bạn. Có thể có một tay đồng nghiệp biến thái, một gã sếp độc địa hoặc một chính sách nghỉ ốm vô nhân tính. Và do lĩnh vực của bạn, tình hình kinh tế hoặc những người mà bạn đang cần phải chu cấp, có thể bạn khó lòng tìm việc làm khác vào thời điểm hiện tại.
Nếu vậy, tôi xin đưa ra câu trích dẫn sau của Thiền sư người Hàn Quốc Haemin Sunim, tác giả của cuốn sách nổi tiếng thế giới The Things You Can See Only When You Slow Down (Những điều bạn chỉ có thể thấy được khi sống chậm lại):
Khi kết thúc một ngày làm việc, nếu bạn tự hỏi bản thân rằng, “Mình có nên sống như thế này cả đời không?” thì hãy thử làm như sau: Thức dậy sớm hơn một chút vào sáng hôm sau, và ngồi yên lặng, giống như đang thiền vậy. Hít thở sâu và chậm rãi, rồi tự hỏi bản thân xem công việc mình đang làm có giúp ích gì cho người khác không, bất kể là ích lợi đó nhỏ nhặt hoặc chỉ mang tính gián tiếp. Khi hướng sự chú ý vào người khác, bạn có thể kết nối lại với ý nghĩa và mục đích của công việc mình đang làm.
Đó là nunchi ở mức độ cao quý nhất, thế nên tôi xin lặp lại: Hãy tự hỏi bản thân xem công việc mình đang làm có giúp ích được gì cho người khác không , bất kể là ích lợi đó nhỏ nhặt hoặc chỉ mang tính gián tiếp. Có thể là thi thoảng bạn phải hỗ trợ khách hàng. Có thể là bạn phải làm việc khuya tới tận lúc nhân viên lau dọn đến. Nhưng có thể bạn cũng là người duy nhất chào hỏi những nhân viên lau dọn này, và chẳng phải họ thực sự xứng đáng được thừa nhận sao? Tại sao không pha cho họ cà phê hoặc mời họ ăn bánh quy? Đáng ra giờ này họ cũng nên có mặt ở nhà; mọi thứ không phải đều xoay quanh bạn.
Liệu những hành động này có giúp bạn cảm thấy hạnh phúc với công việc đáng ghét mà mình đang làm không? Có lẽ là không, nhưng nó sẽ cho bạn một thứ còn quan trọng hơn: một cảm giác ý nghĩa giữa bộn bề công việc cực nhọc và vô vị.
HỎI ĐÁP NHANH
Trả lời những câu hỏi sau về chỗ làm của bạn. Đừng suy nghĩ, cứ thế trả lời mà thôi. Những câu hỏi này vốn dĩ không có đáp án đúng; đây là bài tập giúp bạn rèn luyện nunchi.
A. Trong một câu, hãy mô tả những đặc điểm tính cách dường như được đánh giá cao nhất ở chỗ làm của bạn.
B. Lý giải quá trình bạn đưa ra đáp án cho câu hỏi A.
C. Tại chỗ làm hiện tại hoặc trước đây của bạn, vào buổi sáng, ai là người hoạt động năng nổ và ai là người lúc nào cũng tỏ ra uể oải, thiếu sinh khí?
D. Bạn đã bao giờ thấy một tiêu chuẩn kép trong cách mọi người được đối xử khi họ có những công việc riêng trong giờ làm chưa? Chẳng hạn, có phải mỗi lần anh X đi tham gia hoạt động ở trường của con thì dường như chẳng ai bận tâm, trong khi anh Y lúc nào cũng gặp rối rối nếu làm tương tự không? Nếu đúng là như vậy, theo bạn tại sao họ lại được đối xử không giống nhau?
E. Những người ít nói tại chỗ làm của bạn có hoàn thành nhiều công việc hơn những người còn lại không, hay họ chỉ đơn thuần là ít nói? Theo bạn, so với những đồng nghiệp có chức vụ tương đương nhưng ăn nói ồn ào, họ được mọi người tôn trọng nhiều hơn hay ít hơn?
Nếu bạn chưa thể trả lời ngay, hãy tận dụng buổi họp tiếp theo để quan sát đồng nghiệp. Tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên không phải là điểm quan trọng; mấu chốt ở đây là kích hoạt năng lực nunchi trong bạn và cho các giác quan của bạn thứ gì đó để tìm hiểu. Bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều chứ không chỉ là câu trả lời cho những câu hỏi trên.