Hồi tôi học lớp Tám tại Seoul, cuốn sách giáo khoa môn Xã hội mở đầu bằng một trích dẫn của Aristotle: “Con người vốn là một sinh vật mang tính chính trị.” Tôi còn nhớ rất rõ bởi câu trên đi liền với một bức ảnh chụp đàn kiến, mà tôi thì rất ghét kiến. Chương này tiếp tục giải thích rằng mặc dù sống thành cộng đồng nhưng loài kiến không cần phải xung đột để tồn tại, bởi lẽ chúng hoạt động đơn độc theo bản năng.
Trang mở đầu này của sách giáo khoa Hàn Quốc là một bằng chứng cho thấy văn hóa Hàn Quốc xem trọng việc nhìn nhận bản thân mỗi người là cấu phần của một cộng đồng lớn hơn. Gốc rễ Nho giáo tại Hàn Quốc, tư tưởng thể hiện rõ rệt ảnh hưởng ở quốc gia này, vốn dựa trên quan niệm mọi thành viên đều đóng một vai trò liên kết chặt chẽ với tất cả những người khác. Nếu chệch khỏi vai trò của mình, bạn tất làm nhiễu loạn cái toàn thể và nếu mọi người đều làm như vậy, xã hội ắt không tránh khỏi sụp đổ.
Thế nhưng, Nho giáo lại không thích hợp đối với xã hội tư bản ngày nay, đây cũng là lý do Nho giáo ngày càng bị mai một tại Hàn Quốc. Nhưng điều thú vị là mức độ tương đồng giữa xã hội Hàn Quốc xưa và những triết gia Hy Lạp cổ đại, nhất là quan niệm cho rằng con người sống thành cộng đồng bởi lẽ họ không thể sống sót nếu ở bên ngoài cộng đồng. Một câu nói nữa từ Aristotle: “Một cộng đồng hoàn chỉnh... được hình thành vì cuộc sống, và tồn tại vì một cuộc sống tốt đẹp.”
Một cuộc sống tốt đẹp.
Đó chẳng phải là điều tất cả chúng ta đều hướng đến sao? Hồi sinh viên, tôi từng nghiên cứu triết học để tìm lời giải cho câu hỏi rằng cuộc sống tốt đẹp nằm ở đâu. Chuyện này hóa ra lại giống như trường hợp trong câu chuyện Wizard of Oz(Phù thủy xứ Oz) – câu trả lời nằm trong chính những gì gần gũi với tôi, chính những gì tôi đã được dạy dỗ: cuộc sống tốt đẹp có được chủ yếu là thông qua nunchi, và năng lực quan sát người khác.
Ngày nay, nhiều người có thể xù lông lên với quan niệm này. Mấy câu kiểu “Tôi chỉ cần là chính mình” đã là khẩu hiệu của một vài thế hệ chủ nghĩa cá nhân gần đây – thế hệ tôi lớn lên trong thứ nhạc rock bất mãn của những ban nhạc như Nirvana. Ngày nay, khẩu hiệu này dường như lại càng ngạo mạn hơn “Cứ làm những gì bạn cho là đúng”.
Theo tôi, mọi công dân thế kỷ 21 đều có thể thấy rõ rằng chính những thế hệ chỉ tập trung vào bản thân này đang gây ra những vấn đề hết sức nhức nhối. Một số nhà bình luận cho rằng chủ nghĩa tư bản giai đoạn cuối đang trong quá trình tự hủy – hậu quả là làm tồi tệ thêm tình trạng chênh lệch giàu nghèo và biến Trái đất thành một nơi ngày càng bất ổn. Tôi cho là người dân thuộc mọi đảng phái chính trị cuối cùng cũng thừa nhận rằng chúng ta cần chung sống hòa hợp, và suy nghĩ đến người khác, có vậy mới cứu vãn được nền văn minh. Tất cả chúng ta đều đã sai. Aristotle đã đúng.
Tin vui cho những người không thích tiếp xúc với người khác: Tôi hứa là bạn không cần phải yêu quý ai hết chỉ để chung sống hòa hợp với họ. Nếu sử dụng nunchi tốt, bạn có thể tạo ra sự tròn trịa trong mối quan hệ giữa người với người mà chúng ta đã bàn đến, điều này sẽ giúp bạn dễ dàng tham gia và rút khỏi những cuộc trò chuyện, nếu đó là điều bạn muốn. Những người sống lánh đời thường lầm tưởng rằng nếu họ tỏ ra gai góc và khép kín, mọi người sẽ để cho họ yên. Nhưng kỳ thực, điều đó thường phản tác dụng.
Giả dụ bạn không thích ở cạnh người khác. Nếu vậy, hẳn là bạn sẽ muốn đi vào và rời khỏi bưu điện mau mau chóng chóng. Nếu nhân viên bưu điện bắt chuyện: “Ồ, lại là cậu đấy à? Dạo này sao rồi?”, vậy lời đáp lại nào sẽ dễ giúp bạn chấm dứt câu chuyện nhanh hơn: “À, ổn lắm, cảm ơn” hay “Anh hỏi làm cái gì?” Nếu chọn phương án sau, bạn chỉ đang làm tổn thương chính mình. Sự tròn trịa sẽ tạo ra những tương tác không có ma sát, nhờ đó mà bạn có thể rút về hang ổ của mình nếu muốn. Bạn không thể tùy ý trở nên vô hình hay hữu hình. Chính những người có nunchi kém là những người luôn phá hỏng bầu không khí xung quanh và tạo ra những cái gờ lởm chởm với người khác.
Hãy để nunchi giúp bạn mài nhẵn những cái gờ trong tương tác xã hội này. Bất luận bạn là ai, hoặc mối quan hệ của bạn phức tạp đến thế nào, nunchi đều có thể giúp bạn sống sao cho hòa hợp với chính bản thân mình và tất cả những người mà bạn tiếp xúc.
NUNCHI VÀ CHUYỆN HẸN HÒ
Có câu rằng trong chiến hào thì chẳng có ai là kẻ vô thần cả; tương tự, không ai lại ngờ vực sức mạnh của nunchi trong chuyện hẹn hò. Điều này đặc biệt chính xác trong những giai đoạn tìm hiểu nhau ban đầu.
Hẹn hò trực tuyến đã biến việc đi chơi với một người hoàn toàn xa lạ thành chuyện phổ biến. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ cần phải nhận biết càng sớm càng tốt người mà bạn đang gặp gỡ có nguy hiểm hay không (đặc biệt cần thiết nếu bạn là phụ nữ).
Bạn không thể cứ thế tin vào lời nói hoặc lý lịch trên mạng của họ. Bạn cần phải vận dụng nunchi.
Những người hẹn hò thường hao tổn nhiều tâm sức để tìm cách kiểm soát ấn tượng mà họ tạo ra cho đối phương, thành thử chẳng còn năng lượng mà vận dụng sức mạnh nunchi của họ. Đó là một điều đáng tiếc, bởi lẽ họ đang tự mình đánh mất một cơ hội quý giá để đọc vị đối phương.
Nếu bạn chú tâm đến chuyện đọc vị đối phương – nhưng tốt hơn là nên đọc vị toàn bộ căn phòng – sự tập trung của bạn sẽ chuyển dịch khỏi bản thân và như một phép màu, điều này giúp bạn bình tâm lại. Ai lại không muốn xua tan cảm giác lo lắng mà tất cả chúng ta đều luôn gặp phải trong buổi hẹn đầu tiên cơ chứ? Tập trung vào căn phòng và bạn sẽ cảm thấy thư giãn hơn ngay lập tức.
Đặt ra những câu hỏi luôn là một lựa chọn thông minh trong buổi hẹn đầu tiên, không chỉ vì thao thao bất tuyệt về bản thân là một biểu hiện của nunchi kém, mà còn bởi những câu trả lời của đối phương có thể giúp bạn nắm bắt được nhiều thông tin hơn cả những gì họ chủ định tiết lộ.
Đối tượng hẹn hò của bạn tránh trả lời những câu hỏi liên quan đến gia đình bởi anh ta là trẻ mồ côi, hay là vì anh ta vừa mới chôn xác bọn họ ở sau vườn? Nhiều khả năng là anh ta sẽ không kể gì với bạn trong buổi hẹn đầu, nhưng ít nhất bạn cũng có thể biết được rằng có một số vấn đề liên quan đến gia đình khiến anh ta không được thoải mái.
Đối tượng hẹn hò của bạn mập mờ về địa chỉ nhà của mình bởi cô ấy không muốn cho người lạ biết quá nhiều thông tin cá nhân hay bởi cô ấy đã có chồng và hai đứa con nhỏ? Như trên, những lời cô ấy thực sự nói ra sẽ không làm sáng tỏ toàn bộ vấn đề, nhưng trong buổi hẹn hò đầu tiên, bạn cần phải tìm hiểu cả những gì được nói ra và những gì không được nói ra.
Bạn cũng nên tìm cách đánh giá năng lực nunchi của đối tượng hẹn hò. Bản thân họ tương tác như thế nào với bầu không khí trong phòng? Chẳng hạn nếu loại rượu vang mà họ chọn không sẵn có, họ làm mình làm mẩy hay chỉ chọn sang loại khác? Họ có thân thiện và hòa nhã với người khác không, hay tỏ ra khép kín và dè dặt? Đừng chỉ đánh giá cách họ ứng xử với bạn, mà hãy xem xét cả cách họ ứng xử với mọi người.
Tonya có một cuộc hẹn với Alex, một anh chàng mà cô quen tại lớp yoga. Anh ta có vẻ ngoài điển trai và thân hình săn chắc, và kể lể rất hùng hồn về quá trình thực hành tâm linh sâu sắc cũng như hành trình hướng đến giác ngộ của mình. Thế nhưng xen giữa những câu chuyện rằng anh ta tu tập bình an nội tại và đức kiên nhẫn trong tịnh thất như thế nào, Alex lại tỏ ra vô cùng nóng ruột mỗi lần bồi bàn không có mặt kịp thời, anh ta cằn nhằn: “Làm gì mà lâu quá vậy, mấy anh sang tận New Zealand để mổ bò à?” và “Có phải mấy anh đang đình công không?” Sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của Alex khiến Tonya quyết định không hẹn gặp anh ta buổi nào nữa.
Rất nhiều chuyên gia về mối quan hệ sẽ tư vấn bạn tìm hiểu lý do tại sao đối phương lại chia tay với những người yêu cũ. Nếu họ đổ lỗi mọi chuyện cho người cũ, vậy thì đó là một dấu hiệu đáng lo ngại, vân vân và mây mây. Giá mà mọi chuyện có thể đơn giản như vậy. Những lời khuyên tuyệt đối kiểu này có thể là một chỉ dẫn hữu ích, thế nhưng không gì có thể sáng suốt bằng nhận thức của chính bạn, và không ai khác hiểu rõ những trải nghiệm của bạn. Mỗi người đều có những tín hiệu cảnh báo riêng, một số có thể lô-gic và một số có thể phi lý, nhưng đó là quyền quyết định của bạn và nunchi trong bạn.
Hãy tin tưởng bản thân.
TÌM RA NỬA KIA
Vậy làm thế nào để tìm được nửa kia của mình? Một số người bạn có thể khuyên nhủ rằng bạn cần lập danh sách những tiêu chuẩn nhất định phải có và kiên định với những tiêu chuẩn đó. Số khác lại tư vấn bạn làm điều hoàn toàn trái ngược – rằng hãy ném vào sọt rác mấy cái tiêu chuẩn đó đi bằng không bạn sẽ ế cả đời. Thực tế là cả hai phương án có phần cực đoan này đều không thể áp dụng vào mọi tình huống. Thật dễ biết bao nếu bạn chỉ cần tuân theo những nguyên tắc bất biến, thế nhưng việc tìm kiếm một người bạn đời vốn phức tạp vô cùng bởi mỗi một người là một biến số khôn lường.
Ở đây, nunchi là một con đường trung dung. Bạn không cần phải gạt đi mọi tiêu chuẩn hoặc mù quáng tuân theo chúng; điều quan trọng là bạn phải sáng suốt và có khả năng thích ứng. Thu thập thông tin, và xin đừng bỏ qua những thông tin mới chỉ bởi nó nói lên những điều mà bạn không muốn nghe.
Một lần nữa, tác phẩm Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) lại đem đến những bài học đắt giá nhất trên thế giới về tầm quan trọng của nunchi khi tìm kiếm một bạn đời tiềm năng. Xét cho cùng, cả sự kiêu hãnh và định kiến đều làm hạn chế óc phán đoán. Từ “kiêu hãnh” trong nhan đề ám chỉ đến Quý ngài Darcy trịch thượng ở đầu truyện, người cho rằng nhà Bennet có địa vị thấp kém hơn mình. Từ “định kiến” là dành cho Lizzy Bennet, người hoàn toàn chẳng thèm đếm xỉa đến Darcy bởi cô tình cờ nghe được anh ta nói với một người bạn rằng cô không đủ đẹp để thu hút anh ta. Cũng phải công nhận rằng đó là một pha xử lý đi vào lòng đất của Darcy, nhưng khi hiểu rõ hơn về nhân vật này, chúng ta nhận thấy rõ rằng anh ta không thực lòng nghĩ vậy mà chỉ đang tìm cách tỏ vẻ ngầu trước mặt bạn bè.
Trong phần lớn cuốn sách, Darcy và Elizabeth không thể trở thành một cặp bởi họ có những góc nhìn tiêu cực không thể lay chuyển về đối phương. Nhưng rồi hàng loạt biến cố trong cuộc sống (ốm đau bệnh tật, bê bối gia đình) đã buộc họ tương tác với nhau và phá vỡ những rào cản để cùng hướng đến một mục tiêu chung. Họ đã mở lòng mình, quan sát cách hành xử của đối phương trong những tình huống khác nhau, và tự điều chỉnh lại theo dữ liệu mới này. Cả hai đã làm một điều vô cùng khó khăn đối với họ: họ thừa nhận rằng lòng kiêu hãnh và định kiến đã kiềm tỏa năng lực suy nghĩ thấu suốt của mình. Nếu không có sự vận dụng nunchi muộn màng này, có lẽ cả hai đã chẳng thể có cái kết hạnh phúc mãi mãi về sau.
QUAN HỆ MANG TÍNH NUNCHI
Hãy nghĩ đến những cặp đôi mà bạn thích ở bên cạnh họ, và tôi cá rằng họ là những cặp đôi có nunchi tốt. Những cặp đôi luôn nghĩ đến cảm xúc của nhau, có thể đoán trước nhu cầu của đối phương, thì thường tỏa ra những năng lượng tốt lành và sâu lắng đến người khác. Chúng ta đều muốn dành thời gian ở cạnh những người như vậy. Điều ngược lại cũng đúng với những cặp đôi có nunchi kém, những người không thể nhìn ra cũng như không quan tâm đến nhu cầu của bạn đời. Đây là những cặp đôi mà ai nấy đều tránh như tránh tà. Bạn có đang ở trong một mối quan hệ như vậy không? Có một người bạn đời không thể nắm bắt ẩn ý để hiểu được cảm giác của bạn, hiểu được lời nói và hành động của họ tác động đến bạn như thế nào hoặc hiểu được điều bạn cần nhất là gì? Đúng thật là đau đớn lòng mà.
Lúc này, tôi biết rằng nhiều chuyên gia về mối quan hệ sẽ gạt bỏ nunchi và khuyên bạn điều hoàn toàn trái ngược – rằng bạn đời không có nghĩa vụ đọc suy nghĩ của bạn, và rằng trách nghiệm của bạn là bộc lộ những nhu cầu của mình một cách rõ ràng và bình tĩnh.
Kỳ thực, đó không phải là lỗi của ai cả. Theo thói thường, phụ nữ được dạy rằng không được đòi hỏi đối phương thể hiện tình cảm vì đó là biểu hiện của sự thiếu thốn tình cảm; trong khi đó đàn ông lại được dạy rằng họ không được bộc lộ những cảm xúc như xấu hổ hoặc buồn tủi.
Nunchi vốn chú trọng đến tính thực tế, thế nên nó nhận ra rằng bạn không thể làm gì để thay đổi cách bạn hoặc bạn đời của bạn từng được nuôi dạy. Bạn chẳng thể nào ép buộc người khác thực hành nunchi và trở nên ý tứ hơn. Nunchi yêu cầu bạn đọc vị căn phòng đúng với bản chất của nó, thay vì theo những gì bạn ước muốn.
Thứ duy nhất bạn có thể kiểm soát chính là nunchi của bạn. Hãy lắng nghe bạn đời của mình: nếu họ đang kể một câu chuyện nhạt nhẽo, hãy vận dụng kỹ thuật nunchi để tóm lược trong đầu những gì họ vừa nói. Và đừng chỉ lắng nghe những lời được nói ra, mà hãy xem xét toàn bộ bối cảnh: có phải họ kể câu chuyện nhạt nhẽo này là bởi họ cảm thấy không được lắng nghe tại chỗ làm hoặc nơi nào khác không? Có phải câu chuyện này nhạt nhẽo là bởi những chi tiết thực tế vốn quá đau lòng để truyền đạt trực tiếp? Hãy thử hỏi họ về những chuyện xảy ra trong ngày trước khi kể chuyện của mình. Thể hiện cho họ thấy mức độ quan tâm mà bạn mong rằng họ cũng thể hiện tương tự đối với bạn.
Điều bất ngờ là bạn có thể nhận thấy rằng việc bạn cải thiện nunchi của bản thân cũng sẽ dẫn đến việc bạn đời của bạn bắt đầu cải thiện nunchi của họ. Nunchi của bạn sẽ tạo ra sự thấu hiểu sâu sắc hơn, điều này khiến bạn đời của bạn cảm thấy an toàn hơn, nhờ đó họ có được sự tự do về cảm xúc để cũng chú tâm đến bạn. Nếu bạn vẫn chỉ thấy có mỗi mình thể hiện thái độ quan tâm săn sóc, vậy có thể là bạn đang có một vấn đề xung khắc trong mối quan hệ mà nunchi không thể giải quyết.
Chúng ta đều muốn cảm thấy mình được dõi theo và lắng nghe trong những mối quan hệ thân thiết nhất. Nunchi có thể nối liền khoảng cách giữa hai người theo những cách tinh tế và thu về nhưng phần thưởng lớn lao.
SỬ DỤNG NUNCHI ĐỐI VỚI NHỮNG PHONG CÁCH GIAO TIẾP ĐỐI LẬP
Bạn còn nhớ hồi mới lớn, mỗi khi muốn xin phép chuyện gì đó trọng đại, chẳng hạn như đi xem một buổi hòa nhạc lớn, thì bạn lại tích cực bật ăng-ten của mình lên để dò xem khi nào thì bố mẹ bạn có tâm trạng tốt không? Kể cả một đứa trẻ còn rất nhỏ cũng để ý được rằng mẹ thường tỏ ra cáu kỉnh trước khi uống cà phê sáng hoặc bố sẽ đồng ý mọi chuyện nếu bạn hỏi ông trong khi ông đang xem chương trình truyền hình ưa thích, bởi lẽ ông cần bạn giữ yên lặng tuyệt đối. Tại trường học, bạn học của tôi nhận ra rằng nếu cậu ấy bị điểm kém thì thời điểm tốt nhất để đề cập đến chuyện đó là khoảng từ bảy giờ đến chín giờ tối, khi ti-vi luôn chiếu những chương trình truyền hình vui nhộn.
Vì một số lý do nào đó, người ta đổ hết xuống sông xuống biển những hiểu biết quý giá này khi trưởng thành. Họ cho rằng sự thận trọng và dò xét thái độ của người khác này là trò trẻ con, giờ đây họ đã thông minh và chín chắn hơn, và mọi người có thể đơn giản sử dụng lời nói của mình. Nhưng thực tế là số lượng người trưởng thành không cảm thấy thoải mái khi giao tiếp trực tiếp lại chiếm phần lớn. Nhiều người trưởng thành giỏi thích nghi nhận thấy rằng sau khi chuyển đến ở cùng bạn đời, họ tự nhiên quên mất cách “sử dụng lời nói” và quay lại phương thức giao tiếp thuở nhỏ vốn gián tiếp hơn.
Người bạn đời mà bạn tưởng là táo bạo và can đảm có thể bắt đầu đi đứng thận trọng trước mặt bạn và tỏ ra ngập ngừng mỗi khi phải nói cho bạn về cảm xúc và suy nghĩ của họ, mà họ thậm chí còn không hề nhận ra điều đó. Nếu đang sống với một người bắt đầu có dấu hiệu như vậy, bạn có thể cảm thấy khó chịu. Hãy cố gắng khơi dậy lòng trắc ẩn bên trong bạn – và cả nunchi của bạn nữa.
Tất nhiên, cuộc sống sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu bạn đời của bạn nói rằng “Anh/em lạnh quá” thay vì “Em/anh có lạnh không?” để hỏi dò xem có thể tăng nhiệt độ hay không. Nhưng có thể từ nhỏ họ đã được nuôi dạy là không được phép bộc lộ cảm giác khó chịu, thậm chí một câu đơn giản như “Con lạnh” cũng bị xem là ích kỷ và phiền nhiễu.
Nếu bạn đời của bạn thiên về phong cách giao tiếp gián tiếp, trách nhiệm lúc này thuộc về bạn và nunchi của bạn phải nhận ra điều đó để điều chỉnh hành vi trước khi bạn la hét đòi hỏi họ xem lại hành vi của mình.
Giả dụ bạn đang tản bộ trên phố và bạn đời Sheila của bạn bắt đầu tỏ ra bực bội. Bạn đã quen cô ấy đủ lâu để biết rằng điều này xảy ra khi cô ấy bị tụt đường huyết.
BẠN: Trời ạ, Sheila, sao lúc nãy em không nói luôn là em bị đói? Bọn mình vừa đi qua không dưới bảy cái nhà hàng mà em chẳng nói gì cả.
SHEILA: Em tưởng chuyện đó rõ mồn một rồi chứ.
Chẳng lẽ anh không nhận ra sao? Hơn nữa một tiếng trước em đã bảo là em mệt rồi còn gì.
BẠN: Đúng, em bảo em bị mệt, chứ có phải là bị đói đâu, thế nên lúc đó anh mới mua mấy cốc cà phê này! Đói và mệt là hai khái niệm khác nhau!
SHEILA: Mỗi lần tụt đường huyết là em đều bị mệt và đói, thế nên thực ra Einstein à, giống nhau cả đó.
Và cứ thế. Những cặp đôi tranh cãi kiểu này thường sinh sự với nhau như cơm bữa, làm phiền đến tất cả những người xung quanh. Bạn có một lựa chọn: bạn có thể tiếp tục lặp lại màn đấu khẩu này mỗi lần ra khỏi nhà. Hoặc bạn có thể vận dụng nunchi và tìm cách phá vỡ vòng lặp oái ăm này.
Đúng là Sheila nên nói chuyện thẳng thắn hơn: nếu đói, cô ấy nên nói là “đói”, nhất là nếu cô ấy có vấn đề về đường huyết. Nhưng cô ấy có thể không bao giờ thay đổi, và bạn không thể kiểm soát cô ấy. Hãy tập trung vào nunchi của chính bạn, năng lực giao tiếp của chính bạn.
Hãy ghi nhớ Quy tắc Nunchi #6 Nắm bắt ẩn ý. Không phải lúc nào mọi người cũng nói ra những gì họ đang nghĩ trong đầu, và đó là quyền của họ. Lời nói của Sheila không phải được phát ra từ một chiếc máy tính, và đó cũng không phải là một tin nhắn ngẫu nhiên trên Twitter từ một người ẩn danh xa lạ. Bạn có bối cảnh để suy xét, bao gồm cả chuyện bạn biết rằng cô ấy không phải là người thích nói thẳng.
Bạn có thể cho rằng tôi đang khuyên bạn để ý đến ngôn ngữ cơ thể của Sheila mỗi khi hai người đi ra ngoài, để xem cô ấy có cần ăn không. Nhưng điều đó không đúng trong trường hợp này: nếu ai đó mắc bệnh mạn tính như lượng đường huyết thấp, việc giám sát họ không mang lại kết quả thiết thực.
Thay vì vậy, tôi khuyên bạn đặt ra cho Sheila những câu hỏi, nhưng không phải là liệu cô ấy có muốn ăn hay không, mà là khi nào. Lần tới nếu hai người đi chơi, hãy đặt câu hỏi về chuyện ăn uống ngay khi bước chân ra khỏi cửa. Bạn có thể nói thế này: “Có một cửa hàng Ấn Độ mới trên đường York đấy, và gần đó cũng có một tiệm bánh pizza và rất nhiều loại máy bán hàng tự động bán hạt dẻ nướng. Hãy cho anh biết khi nào em quyết định được chỗ ăn mình muốn nhé.”
Vậy bạn đã đạt được điều gì ở đây? Trong kịch bản trước – màn đấu khẩu như cơm bữa – bạn đã nói với Sheila rằng cô ấy có trách nhiệm nói với bạn khi nào cô ấy cảm thấy đói. Nhưng trong kịch bản thứ hai, bằng cách dặn cô ấy cho bạn biết chỗ ăn cô ấy chọn, bạn đang làm mọi chuyện trở nên dễ chịu hơn với cô ấy.
Kể cả nếu bạn đời của bạn không bao giờ thay đổi, việc vận dụng nunchi cũng sẽ luôn làm nhẹ bớt bầu không khí giữa hai người.
SỰ CAN ĐẢM CỦA NUNCHI
Tại Hàn Quốc, có một tập thơ dành cho trẻ em nhan đề là The Fart with No Nunchi (Quả “bom” không có nunchi)1. Bìa sách, một kiệt tác, là hình vẽ một cậu bé đang xì ra một đám khói màu nâu đất từ mông trong khi hai cậu bé khác la hét tháo chạy. Nhan đề sách bắt nguồn từ bài thơ chính trong cuốn sách: bốn khổ thơ mô tả góc nhìn của một đứa trẻ đang chơi ngoài trời cùng người bạn Joonsang. Bất chợt, Joonsang thả một quả “bom” to đùng. Quả “bom” không có nunchi – nó xảy đến mà không hề cân nhắc đến những người khác. Nhưng đứa trẻ dẫn truyện có nunchi xuất sắc, và phản ứng ngay lập tức. “Mình nhanh chóng bắt đầu đếm đàn kiến [dưới đất]”, cậu bé nói với chúng ta, “và rồi Joonsang cũng làm theo. Một con, hai con, ba con... Mình cố gắng nhịn cười khi mặt Joonsang trở nên đỏ au.” Cậu bé dẫn chuyện đã giúp Joonsang giữ thể diện và tránh làm gián đoạn cuộc chơi. Nói cách khác, cậu bé đã tạo ra một môi trường tròn trịa.
1 Lee Soo-kyung, The Fart with No Nunchi (눈치 없는 방귀), Lee Sang-yoon minh họa (Seoul: I&Book Publishing, 2015). Tôi không hề bịa ra cuốn sách này; đây là bằng chứng: http://www.kyobobook.co.kr/product/detailViewKor. laf?ejkGb=KOR&mallGb=KOR&barcode=9791157920051 (TG).
Điều mà cậu bé dẫn chuyện vô danh này làm là một hành động thể hiện sự can đảm của nunchi. Câu chuyện này minh họa cho một trong những điều tuyệt vời nhất của nunchi: bạn có thể thực hiện nó mà không thu hút sự chú ý đến nó.
Bạn cũng có thể rơi vào tình huống của những người bạn của Joonsang trong cuộc sống hằng ngày. Không chỉ khi ai đó xì hơi, mà là khi ai đó bị mọi người dồn sự chú ý vào.
Chẳng hạn, cậu bạn Tom của bạn đến dự một bữa tiệc một mình bởi cậu ấy mới li thân với vợ. Bạn là người duy nhất biết điều này. Karen đến gần Tom và hỏi thẳng: “Này, nửa kia xinh đẹp của anh đâu rồi?” Một ninja nunchi thực thụ sẽ biết rằng thể nào cũng có người hỏi thăm về vợ Tom. Thay vì bí mật loan tin vợ chồng Tom đang li thân cho mọi người và gây ra những tiếng bàn tán khó chịu, bạn sẽ gợi ý Tom và một vài người khác cùng tham gia một hoạt động nào đó đòi hỏi sự tập trung và hạn chế giao tiếp. Cờ vua, trò đố chữ, bài poker, một trò chiến thuật, thậm chí là cầu lông. Sự tròn trịa sẽ được phục hồi mà không gây thêm sự chú ý nào đến tình hình của Tom.
Nhiều người cho rằng trong mối quan hệ bạn bè, do đôi bên quá thân thiết với nhau nên không cần nắm bắt ẩn ý mỗi khi trò chuyện. Lầm to. Bạn nên sử dụng nunchi với bạn bè, có nghĩa là bạn không nên chỉ suy xét đến mỗi lời nói của họ, mà còn phải cân nhắc tới sự giáo dục và những biến cố trong cuộc sống của họ. Một vài năm trước, tôi bắt đầu thích đan lát. Tôi đã hỏi cô bạn Charlotte màu sắc ưa thích của con gái cô, Emily, vì tôi muốn đan cho con bé một cái khăn choàng. Tôi đã gửi ảnh một chiếc khăn choàng mà mình mới đan xong trước đó. Một vài ngày sau, Charlotte nhắn lại: “Tớ không biết là dạo này cậu cũng đan đấy! Khăn đẹp lắm; cậu khéo tay ghê!” Thật dễ chịu, nhưng hãy để ý đến điều bị thiếu mất: Charlotte không hề nói rằng tôi nên đan khăn choàng cho Emily. Sự tế nhị này cho thấy cô có nunchi xuất sắc. Về phần mình, tôi đã sử dụng nunchi và quyết định không đan khăn choàng cho con bé nữa.
Trong mắt tôi, Emily vẫn mãi là một cô bé con bốn tuổi, thành thử tôi quên khuấy mất rằng giờ con bé đã sắp bước vào tuổi thiếu niên. Không một đứa trẻ nào ở độ tuổi đó lại thích đeo một chiếc khăn choàng thủ công cả.
Charlotte không có nghĩa vụ nói với tôi rằng: “Tớ đã đưa cho Emily xem bức ảnh cậu gửi và con bé nói rằng, ‘Không có chuyện con đeo thứ đó đâu nha’”; điều này sẽ khiến đôi bên cảm thấy khó xử. Nhiệm vụ của tôi là phải nắm bắt được ẩn ý đằng sau. Nếu tôi nhất quyết đan khăn choàng cho Emily, tôi sẽ khiến con bé rơi vào tình cảnh mệt mỏi là phải choàng chiếc khăn đó mỗi lần tôi gặp nó. (Một lưu ý đối với những người thích làm đồ thủ công nói chung: nói ra thế này tôi cũng đau lòng lắm, nhưng hãy vận dụng nunchi mỗi khi tặng người khác những tác phẩm của bạn.)
Mọi người có thể còn không nhận thấy năng lực nunchi xuất sắc của bạn, và đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang thực sự trở nên thuần thục.
NUNCHI VÀ HỌ HÀNG, HOẶC VẬN DỤNG NUNCHI ĐỂ VƯỢT QUA NHỮNG KỲ NGHỈ LỄ
Mỗi khi trò chuyện với một hoặc nhiều thành viên trong gia đình, ai trong chúng ta cũng có những chủ đề mà hễ được đề cập tới là chúng ta bốc hỏa. Kỳ thực rất khó để thay đổi động lực trong mối quan hệ với một người mà bạn quen biết đã lâu. Kể cả mọi người có trưởng thành và chín chắn hơn, vẫn luôn có nguy cơ xảy ra một vụ phản ứng mãnh liệt nếu một số người trong các bạn là a-xít còn số khác là ba-zơ. Bạn không thể thay đổi những điểm khác biệt căn bản giữa đôi bên, nhưng nếu chịu khó thực hành, bạn có thể vận dụng nunchi để khắc phục chúng.
Trước hết, đừng tự lừa dối bản thân: bạn biết chính xác lúc nào một chủ đề nhạy cảm có thể gây ra tranh cãi giữa bạn với một thành viên gia đình hoặc người thân, bởi nhiều khả năng là hai người đã đấu khẩu về chuyện đó hàng ngàn lần rồi. Vận dụng nunchi để nhận biết những cơn sóng ngầm dưới chân mình trước bất cứ ai, và lúc đó, hãy hành động khác đi. Rồi cứ thế hành động khác đi hết lần này đến lần khác tới khi nó trở thành thói quen. Xin đừng hành xử như thể bạn là nhân vật của một vở bi kịch Hy Lạp: bạn có thể phá vỡ vòng lặp oái ăm này và không còn phải chịu số phận bi đát là liên tục đấu đi đấu lại cùng một trận đánh như thể bạn là con rối của các vị thần vậy. Như vị bác sĩ tâm thần của tôi thường nói: “Bạn không cần phải tham gia mọi trận đánh mà mình được thách đấu.”
Nói chung khi xử lý những vấn đề liên quan đến gia đình, bạn nên chủ yếu vận dụng nunchi vào chính bạn. Bạn có đang rơi vào một khuôn mẫu cũ kỹ, độc hại vốn luôn dẫn đến cùng một kết cục ngao ngán không? Chẳng hạn, bạn có luôn tìm cách làm người hòa giải, thúc ép những thành viên gia đình có hiềm khích với nhau hãy “ôm nhau đi” không? Nếu vậy, hãy tự hỏi động cơ của bạn, và hãy thành thật. Có phải vì bạn thích được mọi người chú ý tới đến nỗi sẵn sàng lao vào can ngăn một cuộc cãi vã không? Có phải vì bạn luôn là thành viên “thánh thiện” trong gia đình và đang cố tiếp tục thể hiện vai trò đó? Sau khi xem xét lại, bạn có thể nhận thấy rằng suy cho cùng bạn cũng đang làm điều đúng đắn, nhưng ít nhất hãy chủ động lựa chọn vai trò đó chứ không phải theo mặc định, như thể bạn bị mắc kẹt trong một vòng lặp ma trận.
Quan điểm không phổ biến: nếu bạn thấy mình trong một mối quan hệ đòi hỏi bản thân phải dùng đến một lượng nunchi vượt quá sức lực của con người – dù là mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè, người yêu hoặc thành viên gia đình – bạn nên cân nhắc đến việc dứt khỏi mối quan hệ này vĩnh viễn. Nunchi, tương tự như tiền bạc và năng lượng, là nguồn cung có giới hạn. Nếu bạn tiếp tục sử dụng nunchi để cứu vãn một tình huống không thể cứu vãn, bạn sẽ thiếu hụt nguồn cung cho những lĩnh vực khác trong cuộc sống.
BÀ RAMSAY: HÌNH MẪU CỦA NUNCHI KÍN ĐÁO
Một ví dụ về một chuyên gia nunchi kín đáo, không phô trương là nhân vật bà Ramsay trong tiểu thuyết To the Lighthouse (Đến ngọn hải đăng) của Virginia Woolf. Bà là một chủ tiệc hoàn hảo, nhưng không phải là vì bà có tài nói chuyện sinh động hoặc chiêu đãi khách một loại đồ uống độc quyền. Bà hiểu rằng tất cả những gì mình cần làm để tạo ra một căn phòng tràn ngập tình yêu và tiếng cười là thắp nến trong phòng ăn. Ánh sáng dịu dàng thu hút mọi người lại bên nhau. Như có phép màu, căn phòng biến bất đồng và cộc cằn thành hòa thuận và ấm cúng. Những mối bất hòa cả bên trong lẫn bên ngoài ngôi nhà đều biến mất. “Một vài thay đổi đồng thời xảy đến trong tất cả mọi người... và ai nấy đều có ý thức cùng nhau tạo ra một bữa tiệc trong một thung lũng, trên một hòn đảo; có chung một mục đích chống lại sự thất thường ở ngoài kia.”
Bạn có hình dung ra được ai giống bà Ramsay trong cuộc sống của mình không, trước đây và hiện tại? Tôi cá là bạn có quen biết ai đó như vậy. Nếu không, bạn có thể tự mình trở thành một bà Ramsay. Chỉ với hành động thắp nến, bà đã thay đổi bầu không khí của căn phòng, nhờ đó trở thành một người vợ, người mẹ, người chủ tiệc và người bạn tốt hơn. Có được tất cả những điều đó mà không cần thốt ra một từ nào.
Bất luận bạn giàu hay nghèo, thuộc văn hóa chủ đạo hay thiểu số, có đặc quyền hay không, đồng tính hay dị tính, là nam giới hay nữ giới, bạn đều có thể làm những điều tương tự như việc thắp một ngọn nến của bà Ramsay.
Chẳng hạn, nếu bạn đang ở cùng một nhóm bạn và tất cả bọn họ đều đang làm khó Joanie và Michael khi cứ gặng hỏi tại sao họ vẫn chưa đính hôn mặc dù đã hẹn hò được năm năm, bạn có thể muốn nói rằng: “Thôi nào các cậu, để họ yên đi.” Nhưng điều này chỉ khiến mọi người thêm chú ý vào sự ngượng nghịu của cặp đôi này và làm chùng xuống toàn bộ bầu không khí của buổi gặp mặt. Thậm chí mọi người có thể cảm thấy bực bội với Joanie và Michael vì hai người đó khiến họ cảm thấy có lỗi vì hành động của mình.
Sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu bạn đổi chủ đề sang lĩnh vực nào đó mà ai nấy đều có thể đưa ra ý kiến, khi đó mọi người sẽ lập tức hưởng ứng. Kể ra những giả thuyết điên rồ và mới nhất về bộ phim Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) thường rất hữu dụng trong trường hợp này. Càng phi lý càng tốt: “Tôi linh cảm là đến cuối phim chúng ta sẽ phát hiện ra rằng toàn bộ câu chuyện chỉ là một cơn mê sảng trong loạt phim ăn theo từ góc nhìn của một cây nấm.” Mọi người sẽ bận trêu chọc bạn mà không vặn hỏi Joanie với Michael nữa, và bạn sẽ phục hồi lại được bầu không khí dễ chịu.
HỎI ĐÁP NHANH
Bạn của bạn xì hơi thành tiếng trong bữa tối. Bạn sẽ làm gì?
A. Nói rằng: “Luật mới đây: không ăn rau họ cải trong vòng
72 tiếng đồng hồ trước khi đến nhà tôi nhé.”
B. Nói rằng: “Không phải cậu đâu, là do cái ghế, tấm bọc ghế bị chùng cho nên ai ngồi vào cũng tạo ra âm thanh đó.”
C. Đổ cho ai đó mà bạn không ưa là người xì hơi.
D. Nghĩ ra một câu hỏi về một chủ đề không liên quan để đánh lạc hướng mọi người, ví dụ như, “Có thể nhắc lại giùm tôi ai muốn uống rượu vang đỏ và ai muốn uống rượu vang trắng không? Để xem nên khui bao nhiêu chai.”
E. Không làm gì cả.
Đáp án chính xác: D. Hỏi gì đó, hoặc gợi ý một hoạt động, đòi hỏi mọi người cùng tham gia và đánh lạc hướng họ dù chỉ trong một giây là cách giải quyết vấn đề này của một ninja nunchi. Tôi thậm chí có thể đi xa đến mức “vô tình” làm đổ một côc nước, hoặc tốt hơn nữa thì gợi ý điều gì đó đòi hỏi vận động cơ thể, chẳng hạn như: “Mọi người có thể làm ơn kiểm tra cốc nước của mình ngay được không? Tôi thấy một số cốc bị sứt và tôi không muốn ai bị cắt vào miệng cả.” Nếu bạn chọn đáp án E thì cũng được. Lờ đi chuyện ai đó xì hơi luôn là phương án an toàn; chỉ là làm phân tán sự chú ý của mọi người thì thể hiện được năng lực nunchi tốt hơn. Giống như những gì bà Ramsay sẽ làm.