Khi người khác thể hiện bản thân với bạn, hãy tin họ.
Maya Angelou
Cả thế giới là một sân khấu,
Tất thảy đàn ông và đàn bà đều là những kẻ đóng tuồng;
Họ đều có lối lên và lối xuống sân khấu,
Và trong đời mình ai nấy đều đóng nhiều vai diễn.
William Shakespeare, As You Like It, Hồi II, Cảnh VII
Là một phụ nữ trẻ, Robyn đã được một giám đốc sản xuất phim phỏng vấn và hứa hẹn rằng ông ta có thể nâng tầm sự nghiệp của cô. Ông là một nhân vật có tiếng trong giới, thế nên bạn bè và gia đình cô đều nghĩ rằng cô bị điên khi từ chối công việc chỉ bởi cô cảm thấy sởn gai ốc sau cuộc gặp với ông ta. Thời điểm đó, cô không lý giải được tại sao mình lại cảm thấy như vậy, ngoại trừ việc ông ta ngồi lên bàn làm việc trong buổi phỏng vấn, điều mà cô xem là dấu hiệu cho thấy ông ta không ngần ngại vượt giới hạn. Suốt một thời gian dài sau đó, trong quá trình leo lên những nấc thang của sự nghiệp, Robyn luôn băn khoăn không biết có phải mình đã đưa ra quyết định đúng đắn hay không khi từ chối một công việc vốn sẽ mở ra cho cô rất nhiều cơ hội. Nhiều năm sau, Quý ông Biến thái trên chính là một trong những kẻ tiếng tăm bị mất việc sau phong trào #MeToo1.
1 Phong trào #MeToo (tôi cũng vậy) kêu gọi nạn nhân của quấy rối tình dục lên tiếng, phanh phui hàng loạt yêu râu xanh tại trường học, công sở. Phong trào này đã có tác động mạnh mẽ tại nhiều nước. (ND)
Robyn đã có nunchi xuất sắc. Mặc dù vô cùng khao khát có được công việc trong ngành điện ảnh, cô đã không để ước muốn đó lấn át ấn tượng đầu tiên của cô rằng gã giám đốc nọ không đáng tin cậy. Cô đã tin vào linh tính của mình thay vì nghe theo lời khuyên của người thân và bạn bè, để rồi đến hôm nay cô có thể tự tin rằng mình đã đưa ra quyết định đúng.
Mọi người thường thể hiện nhiều điều về bản thân khi bạn gặp gỡ họ lần đầu tiên, kể cả họ không nói ra một lời nào. Nunchi có thể giúp bạn lắng nghe, nhưng chỉ khi bạn ghi nhớ Quy tắc Nunchi #1: Trước hết, hãy làm rỗng tâm trí. Khi rũ bỏ những ý nghĩ về những điều bạn cho rằng nên hay không nên xảy ra trong một tình huống, bạn sẽ cởi mở tâm trí để thấu hiểu những gì đang thực sự diễn ra.
Dirty John ( John biến thái), một trong những podcast nổi tiếng nhất về chủ đề hình sự, kể về câu chuyện của Debra Newell, một phụ nữ 59 tuổi đã li dị chồng và hiện sống ở California, bà đã gặp một bác sĩ điển trai có tên là John Meehan. Chỉ sau hai tháng hẹn hò, họ tiến tới hôn nhân. Con gái cả của Debra, Jacquelyn, người rõ ràng là một ninja nunchi, nhận thấy ngay rằng có điều gì đó bất thường ở John. Manh mối lớn là gì? John mặc quần áo phẫu thuật tại nơi công cộng, bất kể nơi nào hắn tới. Jacquelyn lấy làm lạ là bộ quần áo phẫu thuật không hề dính một giọt máu hay chất dịch nào cả, nếu đúng là hắn vừa từ phòng phẫu thuật ra, và cô cố gắng cảnh báo mẹ mình. Debra đã không nghe theo lời Jacquelyn.
Như bạn có lẽ đã đoán được, gia đình Newell phát hiện ra John không phải là bác sĩ; hắn là một y tá đã bị tước mất giấy phép hành nghề vì lấy trộm thuốc của bệnh viện. Họ tìm hiểu được rằng hắn bị nghiện thuốc giảm đau nhóm opioid; rằng hắn có tiền án tiền sự dài dằng dặc; và rằng hắn là kẻ vô gia cư vào thời điểm gặp gỡ Debra. Bà đã tìm cách ly hôn, nhưng đó là lúc hắn bắt đầu đe dọa bà và gia đình bà. Lý do duy nhất Debra có thể thoát khỏi John là hắn đã chết. Hắn đã định đâm cô con gái út của Debra, Terra, cô này sau đó đã giết chết John để tự vệ.
Câu chuyện này minh họa cả kiểu người không có nunchi (Debra, người mẹ) và kiểu người có nunchi vô cùng nhanh nhạy (hai cô con gái). Nỗi sợ phải sống cô độc của Debra đã khiến bà tin rằng John là “cơ hội cuối cùng” để bà được sống trong tình yêu, và nỗi sợ này lớn đến nỗi nó che mờ mắt bà khỏi những dấu hiệu vô cùng rõ ràng rằng John đang lừa dối bà. Những định kiến không chỉ khiến bà không nhìn ra bằng chứng, mà còn khiến bà không tin những lời cảnh báo của con gái mình.
Một vấn đề luôn gây khó chịu cho những ninja nunchi, chẳng hạn như Jacquelyn và Terra, là không ai chịu tin họ cho đến khi mọi chuyện đã quá muộn. Sự xung đột giữa người mẹ và hai cô con gái trong câu chuyện trên – điều khiến họ trở nên xa cách – vốn là sự bất đồng về một câu hỏi muôn thuở: “Liệu bạn có nên tin vào những ấn tượng đầu tiên của mình, hay đó là định kiến thiếu công bằng?”
Nếu bạn cho rằng nunchi chỉ là định kiến cá nhân, hãy xem xét lại và tự hỏi bản thân những định kiến nào có thể đang làm rối nunchi của bạn.
NHỮNG ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN: HÃY TIN CHÚNG
Người ta thường cố tình bỏ qua thông tin thu được từ những ấn tượng đầu tiên, bởi lẽ xã hội vốn dạy chúng ta sống từ ái và đặt lòng tin vào tất cả mọi người, bất kể có thế nào. Vậy thì tôi xin phép nói với bạn rằng xã hội đã sai rồi.
Nền văn minh nhân loại chỉ mới xuất hiện được vài ngàn năm và kinh nghiệm sống của bạn có lẽ chỉ mới kéo dài được vài thập kỷ. Trái lại, bản năng sinh tồn đã tiến hóa qua hàng triệu năm và kết tinh vào ADN của bạn. Vậy theo bạn, cái nào đáng tin cậy hơn?
Bạn có thể phản bác rằng việc tin vào ấn tượng đầu tiên có vẻ như là đi ngược lại nền giáo dục văn minh. Đó đâu phải là hành vi chuẩn mực. Chẳng phải những đánh giá vội vàng thường là dựa vào định kiến phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và các hình thức kỳ thị khác hay sao?
Tất nhiên, sự kỳ thị là vấn nạn có thật. Tất nhiên, người ta thường đưa ra nhận định sai lầm rằng người khác là một mối nguy hiểm dựa theo những tiêu chuẩn bất công như màu da, tầng lớp giai cấp, tôn giáo và khuynh hướng giới tính. Nói thẳng thì đó không phải là nunchi của bạn đang lên tiếng. Mà là sự kỳ thị. Theo tôi, nunchi thực ra chính là thuốc giải cho vấn đề kỳ thị, bởi lẽ nó đòi hỏi bạn phải luôn có ý thức về những định kiến của bản thân.
Một định kiến thiếu công bằng là thứ bạn ngoan cố giữ lấy bất kể chuyện gì diễn ra trước mặt bạn. Định kiến vốn cố định, và không thể thích ứng với những thông tin thường xuyên thay đổi. Nhưng mặt khác, một ấn tượng đầu tiên dựa trên nunchi là những gì bạn có nếu bạn kích hoạt năng lực nunchi trước khi làm bất kỳ điều gì khác, và để nó thi triển ma thuật của mình. Định kiến thường sai lầm. Nunchi thì rất hiếm khi.
DỮ LIỆU! DỮ LIỆU! DỮ LIỆU!
Khi bạn đang thực sự cần phải làm quen với một người, một chỗ làm việc hoặc một hoàn cảnh mới lạ, thì quả thật không gì thay thế được việc có thật nhiều dữ liệu. Thế nhưng sẽ chẳng nghĩa lý gì nếu cứ thế thu thập dữ liệu mà chưa hình thành một ấn tượng đầu tiên dựa trên nunchi, bởi bạn có thể nhận ra là mình đang thu thập toàn những dữ liệu sai.
Điều bạn cần là một giả thuyết nunchi, thứ sẽ được xác thực hoặc bác bỏ tùy theo những dữ liệu mà bạn tích lũy.
Giả dụ bạn vừa bắt đầu một công việc mới, và bạn gặp một tay đồng nghiệp cứ luyên thuyên mãi với bạn rằng anh ta giỏi giang và thành đạt như thế nào, cũng như anh ta được cấp trên của bạn ưu ái ra làm sao. Thoạt nhìn, tay đồng nghiệp này trông có vẻ là một kẻ hợm hĩnh khó ưa và điều đó có thể hóa ra lại chính xác, nhưng ấn tượng dựa trên nunchi của bạn có thể đi xa hơn một chút để tìm hiểu lý do tại sao anh ta lại thấy rằng cần phải nói những điều như vậy với một thành viên mới của nhóm.
Đây là thời điểm để bạn vận dụng Quy tắc Nunchi #3: Nếu bạn vừa mới đến, hãy nhớ rằng mọi người khác đều đã ở đó lâu hơn bạn. Quan sát họ để thu thập thông tin về môi trường làm việc mới này.
Có thể bạn nghe được ai đó kêu ca trong phòng bếp nhỏ của công ty: “Đám nhân viên mới này ở đâu ra vậy, uống hết cả nước dừa rồi?” Hừm... Vậy là có một nhóm nhân viên mới bắt đầu đi làm cùng một lúc. Tại sao nhỉ? Bạn bắt đầu tự hỏi liệu có phải Quý ngài Tuyệt vời kia đang bày tỏ thái độ tức tối đối với những ma mới. Có lẽ anh ta tưởng rằng mình sẽ có được công việc bạn đang làm và muốn bạn hiểu vị trí của bạn ở đâu? Giờ thì bạn có một giả thuyết nunchi! Đừng vội vàng kết luận, nhưng bạn có thể bắt đầu thu thập dữ liệu sẽ giúp bạn xác định cơ chế hoạt động của hệ thống cấp bậc trong công ty, và vị trí của bạn trong guồng máy đó, cũng như phần nào vị trí của các đồng nghiệp. Để ý xem mọi người đối xử với bạn như thế nào: những nhân viên lâu năm có luôn tỏ thái độ lạnh nhạt, trong khi các nhân viên mới thì cởi mở hơn không? Quý ngài Tuyệt vời đang ăn bữa trưa cùng ai? Họ có cư xử kỳ quặc với bạn không? Hãy giữ cho tâm trí bạn linh hoạt trước những dữ liệu mới và thích ứng một cách phù hợp. Đừng mải mê bám theo một giả thuyết chỉ vì nó thuận tiện, nếu không bạn có thể mất đi khả năng đánh giá tình hình và diễn giải sai trầm trọng những gì bạn quan sát được. Và đừng bỏ qua khả năng rằng thực ra mọi chuyện chẳng có gì ghê gớm cả. Có thể Quý ngài Tuyệt vời chỉ là một kẻ hợm hĩnh mà thôi.
Nunchi cũng là một trong những công cụ mạnh nhất trong kho vũ khí của bạn để chiến đấu chống lại một kẻ phản diện ám quẻ trong hầu hết những câu chuyện cuộc sống: sự cự tuyệt.
Không may thay, chủ động thu thập dữ liệu sai là một phần bản tính của con người, nhờ đó bạn có thể tránh phải đương đầu với những sự thật phiền phức. Nếu bạn gặp ai đó vô cùng quyến rũ, hoặc giả dụ bạn được trao cho một cơ hội tốt đến khó tin, có khả năng là bạn sẽ chỉ sàng lọc lấy những dữ liệu nào ủng hộ điều bạn mong muốn. Đó là lúc bạn nên kích hoạt tính sáng suốt của nunchi trong bạn để xem xét không chỉ những gì đang diễn ra, mà cả lý do đằng sau.
Shakespeare hiếm khi nói sai về điều gì đó, hãy nghe theo ông ấy. Khi bạn bước vào một căn phòng – có thể là một phòng họp, một bữa liên hoan, hoặc một buổi tụ tập gia đình – hãy xem nó như một sân khấu. Tất cả mọi người trên sân khấu đều đóng một vai trò nào đó của vở kịch, bất kể họ có tương tác với những diễn viên khác hay không.
Trong một vở kịch, khi một nhân vật bước lên sân khấu, thì sau đó ắt có hành động. Nhân vật mới này, bất luận là vai nhỏ đến thế nào, báo hiệu một vài thay đổi chuẩn bị xảy ra trong vở kịch. Điều này đúng kể cả khi người đó đáng lẽ không được có mặt trên sân khấu. Nhiều năm trước, tôi có xem một vở kịch, trong đó có cảnh mà một nhân vật đáng lẽ phải giơ chiếc váy đen lên cho nhân vật cô chị xem. Nhưng chẳng có chiếc váy nào cả. Nhân viên phụ trách đạo cụ phải lẻn lên sân khấu để đặt chiếc váy vào, ngay giữa vở kịch. Anh ta đã phá hỏng trải nghiệm xem kịch. Trong thời gian giải lao giữa hai màn, mọi người không bàn luận về vở kịch mà toàn nói về anh chàng phụ trách đạo cụ.
Ninja nunchi quan sát một căn phòng theo cách khán giả xem một vở kịch. Tất cả mọi người trong căn phòng đều có vai trò riêng và ảnh hưởng đến bầu không khí chung của căn phòng, bất luận họ là chủ nhà hay người giúp việc, nhân vật trung tâm của buổi liên hoan hay là người âm thầm đứng tách biệt. Tình tiết câu chuyện của căn phòng không dậm chân tại chỗ. Nunchi của bạn cũng không được dậm chân tại chỗ. Phải luôn để ý đến những nút thắt làm xoay chuyển diễn biến.
Giả dụ bạn gặp ai đó tại một bữa tiệc – Flavio chẳng hạn, một người đàn ông quyến rũ và thích tán tỉnh. Anh ta tự giới thiệu mình là một luật sư nhân quyền. Mọi tín hiệu đến lúc này đều cho thấy Flavio là một người đáng để làm quen, và bạn bị anh ta thu hút. Sau nửa tiếng trò chuyện, một người phụ nữ xông tới chỗ Flavio và nói: “Sao anh lại ở đây? Tránh xa tôi ra.” Rồi cô ấy bỏ đi. Flavio liền nói: “Kệ cô ta đi. Cô ta bị điên đó.”
Người phụ nữ này là một diễn viên mới với những thông tin mới, và bạn cần phải thích ứng. Có khi người phụ nữ này đúng là bị “điên” thật; mặt khác, bạn cũng biết rằng những người gọi người khác là “điên” thì thường đáng ngờ. Bạn chưa có đủ thông tin để quyết định. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn nên phớt lờ những gì vừa chứng kiến, chỉ bởi chuyện đó mâu thuẫn với đánh giá cảm quan ban đầu của bạn rằng Flavio là một người tử tế.
Bạn không nhất thiết phải tỏ ra khiếm nhã với Flavio, nhưng bạn sẽ biết được nhiều điều về anh ta hơn nếu không quan sát anh ta quá gần vào thời điểm này. Bạn nên chuyển sang nói chuyện với người khác, ngắm sách và đồ đạc trong nhà, rồi kín đáo quan sát cách anh ta tương tác với người khác. Cho anh ta không gian để anh ta có thể bộc lộ con người thật của mình. Anh ta có tỏ thái độ giận dỗi vì bị bạn ngó lơ không? Có tán tỉnh tất cả những người khác không? Có đi theo bạn không? Có thường xuyên vào nhà vệ sinh và trở ra với đôi mắt đỏ ngầu không? Nhiều khả năng là bạn sẽ có được toàn bộ thông tin cần thiết vào cuối buổi tối.
Vận dụng nunchi như trên nghe thì có vẻ thật mệt mỏi, tốn nhiều tâm sức, nhưng bạn biết điều gì còn mệt mỏi hơn không? Xin tòa lệnh cách ly.
Nói cách khác, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bạn không cần phải thấy có lỗi vì đánh giá một người dựa theo nunchi của mình. Bạn không cần phải chứng minh với bất cứ ai rằng bạn có quyền tự quyết định ai là người bạn tin tưởng và không tin tưởng.
CÁCH TỘI PHẠM VẬN DỤNG NUNCHI VÀ CÁCH BẠN CÓ THỂ VẬN DỤNG NUNCHI ĐỂ PHÁT HIỆN RA HỌ
Nunchi là một công cụ mạnh mẽ có thể bị sử dụng cho mục đích mờ ám nếu nằm trong tay kẻ xấu. Những kẻ lừa đảo và mạo danh chuyên nghiệp đều là những ninja nunchi về khoản đọc vị những người vừa mới gặp.
Một ví dụ điển hình cho việc sử dụng nunchi cho mục đích xấu là những người hành nghề ngoại cảm ở các cửa hàng mặt tiền trên phố ở phương Tây – kiểu cửa hàng có biển hiệu neon nhấp nháy, và những ông đồng bà cốt này tìm cách lôi kéo bạn vào trong hoặc dúi tờ quảng cáo vào tay bạn. Bob Nygaard, một thanh tra cảnh sát New York đã về hưu giờ mở dịch vụ thám tử tư tại Florida, là một chuyên gia lật tẩy những trò lừa đảo về tâm linh. Ông đã thu hồi lại được hàng triệu đô-la cho khách hàng và đưa những kẻ ngoại cảm giả mạo ra trước vành móng ngựa. Ông giải thích cách thức vận dụng nunchi của những kẻ ngoại cảm giả mạo này: “Một trong những thứ đầu tiên mà một kẻ ngoại cảm giả mạo có thể nhìn được từ bên ngoài cửa sổ là loại xe bạn đang đi. Một chiếc Mercedes? Hay một chiếc xe cà tàng cổ lỗ sĩ? Tiếp đó, khi bạn bước xuống xe: bạn có tự tin sải bước không? Hay trông bạn như vừa mới khóc một trận, kiểu mới nhận tin dữ từ bác sĩ? Thế rồi, họ để ý xem bạn có đeo thánh giá không? Nếu ngồi đối diện với một người vô thần, bạn sẽ không nói rằng: ‘Chúa muốn chúng ta gặp nhau ngày hôm nay.’ Bạn sẽ nói rằng: ‘Vũ trụ muốn chúng ta gặp nhau.’”
Nygaard nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh lại những phỏng đoán của bạn dựa theo những bằng chứng mới. “Những lần tôi bị qua mắt là những lần tôi đánh giá không đúng tình hình vì chính những phỏng đoán mà tôi vẽ ra. Bạn phải giữ cho tâm trí mình cởi mở trong mọi tình huống. Bí quyết phá án của Sherlock Holmes là gì? Ông ta giữ cho tâm trí mình cởi mở.”
* * *
Một cú sốc văn hóa nhỏ mà bạn có thể trải qua trong quá trình mài giũa nunchi là nhận thấy rằng bạn bị mọi người chỉ trích quá mức mỗi khi quyết định không thích ai đó, mặc dù người đó không (chưa) đánh đập ai hoặc phạm pháp hoặc ủng hộ tội ác diệt chủng. Bất ngờ thay, rất nhiều người cảm thấy rằng bạn không cần phải đưa ra lý do thích một người, tuy nhiên bạn nên có lý do tại sao lại không thích ai đó.
Nhớ rằng: nếu nunchi của bạn đã thẩm định xong và mách bảo bạn rằng ai đó nguy hiểm, hoặc khiến bạn cảm thấy không thoải mái, vậy thì bạn không có nghĩa vụ phải giải thích thỏa đáng tại sao bạn không thích người đó.
Người Hàn không phải là những người hoài nghi nhất thế giới, nhưng họ cũng không cho rằng mọi người đều đang hành động theo những động cơ tốt đẹp nhất. Họ không vội đưa ra đánh giá mà chờ đợi để quan sát trước khi quyết định xem người nào đó có đáng tin hoặc dễ mến hay không.
Đó là lý do bạn cần đến nunchi. Trước hết, làm rỗng tâm trí, và rồi để cho nunchi của bạn lo liệu.
Priti đến từ một nền văn hóa mà những cuộc hôn nhân sắp đặt vốn phổ biến, mặc dù không bắt buộc. Bố mẹ cô đã thuê một bà mối. Họ không bao giờ ép cố phải cưới người mà cô không thích. Mặt khác, có một thỏa thuận ngầm rằng cô và chú rể tương lai có một vài tuần để quyết định có tiến tới hôn nhân hay không. Họ có thể gặp nhau bao nhiêu lần tùy thích trong khoảng thời gian này, nhưng tốc độ là yếu tố quan trọng: bố mẹ Priti đã nhờ bà mối tìm chồng cho cô, chứ không phải là một người bạn trai để qua lại với nhau hàng năm trời trước khi quyết định tiến tới hôn nhân hoặc sinh con đẻ cái. Để nhanh chóng chọn ra một chú rể như vậy đòi hỏi một năng lực nunchi tập trung cao độ dựa trên nguồn thông tin hạn chế.
Priti đã nói với bà mối rằng chú rể nhất định phải có những đặc điểm sau: cao ráo, khá giả và hoặc là làm nghề kỹ sư hoặc là làm nghề bác sĩ. Nhưng sau khi gặp gỡ hàng chục người đáp ứng những tiêu chí trên mà cô đều không cảm thấy hứng thú, mẹ cô đã đưa ra một đề xuất thú vị: tại sao không bảo với bà mối rằng cứ năm đám có thể có một “đám đặc cách” – một người mặc dù có thể không đáp ứng được mọi yêu cầu của Priti nhưng chung quy vẫn là một đám tốt.
Bạn có thể đoán được diễn biến tiếp theo rồi đấy. “Đám đặc cách” đầu tiên là Amit, người thấp nhất trong những ứng viên, đã vậy lại còn là một luật sư – một nghề mà ngay từ đầu Priti đã gạt ra bởi hồi đại học, cô từng có quá khứ không êm đẹp với một người bạn trai là sinh viên luật. Thoạt đầu, Amit không hề làm cho Priti cảm thấy xao xuyến.
Anh không hề “quảng bá bản thân”. Anh là người ham đọc và đi lại nhiều nhưng anh không kể cho cô bất cứ câu chuyện hài hước nào. Đến cuối buổi hẹn, Priti không thực sự nắm bắt được gì ở anh – bởi lẽ anh đã tạo ra một bầu không khí tròn trịa và không phô ra góc cạnh nào để cô tóm vào. Khi kể cho bạn bè của mình về Amit, cô không thể đặt cho anh một biệt danh ngồ ngộ nào, không như những đám khác vốn được cô gán cho những cái tên như “Tài liệu Cá sấu” và “Ngài Gôn”.
Thứ cô thu được sau buổi hẹn chỉ là một linh cảm: đây là lần đầu tiên cô gặp được một chú rể tiềm năng, người làm cho cô cảm thấy thư giãn và không bị lo nghĩ sau buổi hẹn. Được mẹ cô thuyết phục cho Amit thêm một cơ hội, Priti đã gặp anh thêm vài lần nữa. Cô gạt sang một bên những tiêu chí ban đầu và thay vào đó là vận dụng năng lực nunchi của mình. Ngay khi cởi mở tâm trí, cô liền nhận ra ở anh đủ loại phẩm chất mà cô thậm chí còn không hề biết là mình mong muốn: anh là người nhẫn nại, chu đáo, ý tứ và biết lắng nghe. Tua nhanh đến tương lai vài năm sau: họ đã kết hôn, sống hạnh phúc và có hai đứa con kháu khỉnh.
COI CHỪNG KẺO ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH TRÁI VỚI NUNCHI
Nunchi có ba khía cạnh chính: một là tạo dựng sự hài hòa, hai là đạt được những gì mong muốn; và ba là tránh khỏi những mối hiểm họa. Tôi nhận thấy rằng nhiều phụ nữ bẩm sinh đã giỏi tạo dựng sự hài hòa, và có thể khôn khéo đạt được những gì họ muốn, nhưng thường thì họ lại phủ nhận những bản năng nunchi của chính mình khi liên quan đến khía cạnh sinh tồn.
Tôi để ý rằng, nhất là tại chỗ làm, phụ nữ thường biết rõ những gì đang diễn ra; chỉ là họ không tin vào đánh giá của bản thân – chí ít là ở phương Tây. Tại Hàn Quốc, nunchi không được xem là một đặc điểm “mang tính nữ”, và phụ nữ Hàn không ngại tin vào trực giác; hơn nữa, bất chấp những thành kiến cố hữu về giới tính trong xã hội Hàn Quốc, người dân nói chung đều có khuynh hướng tôn trọng nunchi của phụ nữ cũng nhiều như họ tôn trọng nunchi của đàn ông.
Nhiều phụ nữ tại chỗ làm thường tự nhủ: “Đôi khi mình mắc sai lầm, thế nên lúc nào mình cũng mắc sai lầm hết.” Điều này thật vô lý. Ngay cả những người phụ nữ tài giỏi nhất cũng suy nghĩ như vậy. Và đôi khi, sự ngờ vực bản thân này có thể gây ra những phán đoán sai lầm và ảnh hưởng tai hại đến sự nghiệp của bạn.
Xena là một nhà sản xuất tin tức ở đài phát thanh. Vài năm trước, cô cần phải thuê một người dẫn chương trình mới. Cô và hai thành viên cốt cán đã phỏng vấn một ứng viên, Sam, người dường như đáp ứng tốt yêu cầu công việc: anh ta có một bản thu âm thử tốt, có vẻ thú vị, và hiểu rõ về thế hệ Millennials, phân khúc thính giả chính của đài. Nhưng trong buổi phỏng vấn, Sam đã nói một vài điều đánh động ăng-ten nunchi của Xenia.
Chẳng hạn, anh ta tự nhiên hỏi: “Nhân viên nữ ở đây có được trả lương bằng nhân viên nam không? Tôi thực sự rất bất bình về thực trạng chênh lệch lương giữa hai giới.” Rồi sau đó, anh ta hồn nhiên nói với họ: “Bạn gái tôi hoạt động năng nổ trong phong trào ủng hộ phá thai và tôi cũng vậy.”
Nhìn qua thì có vẻ như anh ta là một người ủng hộ nữ quyền. Nhưng có điều gì đó ở Sam làm Xenia cảm thấy lấn cấn. Những bình phẩm của Sam khiến cô nghĩ rằng anh ta “thể hiện tính phản kháng thái quá”. Hơn nữa, ngôn ngữ cơ thể của anh ta toát lên điều gì đó làm cho cô nghĩ rằng anh ta đang nói dối: mỗi lần đưa ra một nhận định về nữ quyền, anh ta lại dán mắt vào một điểm nào đó trên bàn thay vì nhìn vào những người phỏng vấn.
Xenia không tin Sam, nhưng những người phỏng vấn khác lại cho rằng cô không công bằng khi nhận định anh ta “có vẻ” giống phường lừa đảo, thế nên cô tự thuyết phục bản thân rằng mình có phần thái quá và họ đã thuê anh ta.
Chưa đầy một năm sau, Xenia và hơn chục người khác đã bị mất việc chính vì Sam. Một người từng là khách mời chương trình gọi điện đến công ty mẹ của đài phát thanh và tố cáo Sam đã gạ gẫm trợ lý riêng của ông trong lúc “dẫn” cô tới nhà vệ sinh nữ. Khi tin này lộ ra ngoài, hai thực tập sinh nữ của Sam liền báo với bộ phận nhân sự rằng anh ta chỉ duyệt chi công tác phí cho thực tập sinh nam. Nhiều hành vi sai trái khác lần lượt được vạch trần. Chương trình bị cấm lên sóng vô thời hạn.
Giờ thì Xenia đã ổn định lại công việc, nhưng cô thực sự ước rằng mình đã tin tưởng vào nunchi của bản thân và ngăn chặn việc tuyển dụng Sam ngay từ đầu.
Đừng chấp nhận ngay những gì mọi người đang nói với bạn; những gì linh tính đang mách bảo bạn mới là điều quan trọng hơn.
Nhà tâm lý học lừng danh Maria Konnikova gần đây đã trở thành một tay chơi poker chuyên nghiệp thành công, và cô là chuyên gia đọc “tell”, tức là những hành vi hoặc cử chỉ của một người chơi có thể khiến họ bị lộ sức mạnh bài trong tay. Cô nhấn mạnh rằng chuyện đọc tell này không phải như mọi người tưởng. Cô nói với tôi: “Nhiều người thích nhìn chằm chằm vào mắt bạn và nghĩ rằng họ có thể nhìn ra tell của bạn. Tôi thì thích để ý đến những hành vi khác hơn: những câu chuyện mà người ta đang thể hiện, tính nhất quán và thiếu nhất quán.”
Konnikova đã đưa ra một lời khuyên xuất sắc: “Dữ liệu chỉ có giá trị khi đặt trong bối cảnh.” Điều này gợi nhắc lại một nguyên lý nunchi mà chúng ta đã tìm hiểu: đơn vị của nunchi là căn phòng. Nó không xoay quanh mỗi bạn; thậm chí còn chẳng phải là xoay quanh bàn đánh poker của bạn.
Chính vì vậy bạn phải học cách tin vào nunchi của bản thân hơn là tin vào những danh sách “báo động đỏ” mà bạn có thể đã đọc được ở đâu đó. Trực giác là chỉ dẫn tốt nhất cho bạn thấy ai là người đáng tin.
NHẬN BIẾT NHỮNG AI ĐANG HÓP BỤNG
Một phần thiết yếu của nunchi là nhanh nhạy điều chỉnh phán đoán của bạn về một người, một căn phòng hoặc một tình huống dựa theo những thông tin mới. Hãy luôn ghi nhớ rằng căn phòng mà bạn bước vào cách đây nửa tiếng không còn là cùng một căn phòng bạn đang có mặt lúc này.
Tại sao việc thích ứng để thay đổi lại quan trọng đến vậy? Bởi lẽ hầu hết mọi người đều có thể hành xử đúng mực trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn cần phải để ý xem họ có duy trì được điều đó không.
Đối với những kẻ lừa đảo như John Biến thái, họ phải diễn ra vẻ tử tế thế nên không thể duy trì được quá lâu. Hãy hình dung bạn đang ở một bữa tiệc và nói chuyện với một người vô cùng quyến rũ. Theo bản năng, bạn có thể hóp bụng lại để trông thon gọn hơn. Thế nhưng, bạn có thể làm được như vậy trong bao lâu? Hầu hết mọi người có lẽ chỉ chịu được hơn mười phút liên tục; bạn bắt đầu cảm thấy đau và khó thở. Tất nhiên là bạn có thể hóp bụng một lúc, xong nghỉ, rồi lại hóp bụng tiếp suốt cả ngày. Nhưng bạn không thể hóp bụng liên tục được.
Nói một cách ẩn dụ, khi có nunchi tốt, bạn có thể nhận ra được người nào đang hóp bụng. Tùy thuộc vào việc người đó là ai và mức độ giả tạo đến đâu, bạn có thể cười xòa cho qua, bạn có thể lưu ý lại cho sau này, hoặc bạn có thể quyết định rằng không đáng để mạo hiểm và không dính dáng đến họ nữa. Quan niệm của bạn về người khác cần phải linh hoạt mỗi khi tình hình thay đổi.
Nunchi giúp chúng ta nhận thấy sự khác biệt giữa khi ai đó hóp bụng để trông ổn hơn (chẳng hạn để bớt lo lắng trong cuộc phỏng vấn việc làm hoặc trong buổi hẹn đầu tiên), với khi họ làm vậy để tạo ra ấn tượng sai hòng đạt được ý đồ mờ ám. Hãy nhận thức bối cảnh – tất cả chúng ta đều có lúc là những kẻ hóp bụng.
BẠN SẼ NHẬN RA NHỮNG KẺ ÁI KỶ HIỂM ÁC TỪ SỰ THIẾU HỤT NUNCHI CỦA HỌ
Bạn sẽ thường xuyên phải vận dụng nunchi để phát hiện những người thiếu hụt nunchi. Ý tôi không phải là phát hiện những người thiếu hụt nunchi ở mức trung bình, họ vốn tương đối vô hại. Nhưng theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, những người thiếu hụt nunchi trầm trọng thường là những kẻ ái kỷ hiểm ác.
Những kẻ ái kỷ thường coi người khác như một phương tiện để đạt được mục đích; nếu hành động của họ làm người khác bị tổn thương, họ cũng chỉ xem đó là rủi ro phát sinh. Những kẻ ái kỷ không bật ăng-ten để dò tín hiệu của người khác bởi họ không bận tâm đến chuyện đó, họ không xem trọng người khác bằng những toan tính của riêng mình.
Khi nhận ra một kẻ ái kỷ hiểm ác như John Biến thái chẳng hạn, bạn có thể đã lún quá sâu, thế nên việc phát hiện những kẻ như vậy càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng. Hãy nhớ lại Quy tắc Nunchi #1: Làm rỗng tâm trí. Trước hết, hãy cố gắng gạt đi những định kiến, và nhìn nhận đúng bản chất người khác chứ không phải là hình mẫu bạn mong muốn (“người chồng tương lai”, “cơ hội cuối cùng để có được tình yêu”).
Và thứ hai, quan sát xem khiếu hài hước của họ như thế nào. Theo kinh nghiệm của tôi, dấu hiệu rõ ràng của một kẻ ái kỷ là họ luôn cố gắng tỏ ra hài hước. Ý tôi không phải là những người kể mấy câu chuyện cười thiếu muối hoặc cũ mèm. Những kẻ ái kỷ thường nổi sùng lên nếu không ai cảm thấy buồn cười trước câu đùa của họ.
Tại một bữa tiệc, Odin đang ba hoa mấy câu đùa không đầu không cuối nhưng chẳng ai cười nổi cả. Thế là anh ta lại càng cố, nói những câu đùa vô cùng chướng tai để gây chú ý. Và rồi ai đó vặc lại: “Tôi từng nghe nhiều câu đùa thú vị hơn.” Bất kể ai có nunchi cũng sẽ hiểu ẩn ý của lời nhận xét này – một đề nghị im lặng lịch sự – nhưng Odin vẫn tiếp tục luyên thuyên đến khi chẳng còn ai nghe anh ta nói, bởi lẽ mọi người đều đã rời khỏi phòng. Sau đó, người ta nghe thấy Odin càm ràm với bạn gái mình: “Mấy câu đùa của anh rõ là buồn cười mà. Họ đúng là chẳng có óc khôi hài gì cả.” Nunchi yếu kém là một chuyện, nhưng thiếu hụt nunchi tới mức này là một chỉ dấu khổng lồ cho thấy một kẻ ái kỷ thực thụ. Vài tháng sau thì lộ ra chuyện rằng Odin đã lừa một số tiền lớn của bạn gái mình.
Thường thì nếu ai đó cảm thấy khó chịu thái quá vì không chọc cười được người khác, điều đó có thể cho thấy rằng họ có khao khát bất thường là được mọi người yêu mến bất kể họ có làm gì đi chăng nữa, đây chính là hành vi của một kẻ ái kỷ. Hãy chạy ngay đi trước khi mọi chuyện dần tồi tệ hơn.
Mối nguy của những kẻ ái kỷ là một phần lý do tại sao tôi đề cao nunchi hơn sự đồng cảm. Nunchi có thể giúp bạn tránh khỏi những kẻ ái kỷ, còn sự đồng cảm sẽ khiến bạn ngày một lún sâu hơn. Trên thực tế, như người ta thường nói, những kẻ ái kỷ thường thích ở bên cạnh những người có tính cách dễ đồng cảm, bởi những người này liên tục xỏ chân vào giày của kẻ ái kỷ đến mức quên mất hoàn toàn bản thân.
Trái lại, nunchi giúp bạn tìm hiểu suy nghĩ và cảm nhận hiện thời của người khác mà không đánh mất bản thân. Cách tốt nhất để thoát khỏi những kẻ ái kỷ là thoát ra sớm.
CÁCH NHÌN NHẬN MỘT NGƯỜI ĐÚNG VỚI BẢN CHẤT CỦA HỌ
Vậy làm sao để hiểu thấu đáo ai đó một cách chính xác? Họ sẽ đưa ra cho bạn mọi thông tin cần thiết, bất kể họ có nhận ra điều đó hay không.
Nếu ngay sau khi gặp gỡ ai đó, bạn có suy nghĩ rằng, “Mình không chắc lắm về con người này”, thì đó là manh mối đầu tiên cho thấy mọi thứ không như vẻ bề ngoài.
Nunchi của bạn đang yêu cầu bạn thu thập thông tin để bổ trợ ấn tượng đầu tiên này. Có một vài bước trước mắt mà bạn có thể thực hiện ngay, tất cả đều không có vấn đề gì về đạo đức, và sẽ không có ai để ý.
BƯỚC 1:
Nhớ lại Quy tắc Nunchi #1, và làm rỗng tâm trí
Cách thức tiến hành tùy thuộc vào mỗi người, và bạn có thể mất một thời gian để biết cách nào hiệu quả đối với bạn. Hồi tôi còn nhỏ và tham gia những cuộc thi piano, ngay khi ngồi xuống bàn piano, tôi thường tự nhủ: “Mình đang không ở đây.” Euny cá thể đang vắng mặt; chỉ có Euny người chơi piano hiện hữu. Giờ tôi vẫn làm như vậy trong những tình huống giao tiếp xã hội và các cuộc phỏng vấn – mỗi lần tôi cần suy nghĩ thông suốt.
Đối với phần lớn mọi người, biện pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất để tập trung vào bản thân là hít thở sâu. Bất kể là bạn hít thở sâu trước mặt mọi người hay lẻn vào nhà vệ sinh; hãy cứ hít thở thật sâu. Tôi biết rằng mẹo hít thở này cũ mèm rồi, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không có tác dụng. Mặc dù tôi biết chắc là bạn đã nghe đến nhàm tai, thế nhưng hít thở sâu thực sự làm giảm lo âu và giúp đầu óc thông suốt. Điều này tạo ra một con đường hanh thông để nunchi của bạn hoạt động.
Hai kỹ thuật thở vô cùng hiệu quả là thở hình hộp và thở theo nhịp 4-7-8. Cả hai kỹ thuật thở này đều kích thích não bộ làm chậm lại quá trình sản sinh cortisol – hormone căng thẳng.
Kỹ thuật thở theo nhịp 4-7-8 là kỹ thuật được chuyên gia về sức khỏe toàn diện Andrew Weil phổ biến rộng rãi; các con số đại diện cho nhịp đếm. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Để thực hiện kỹ thuật này, bạn mím miệng và khẽ hít vào bằng mũi đến khi đếm nhẩm tới 4, giữ hơi thở đến khi đếm nhẩm tới 7, và thở ra hoàn toàn qua miệng đến khi đếm nhẩm tới 8; sau đó lặp lại chu kỳ này. Tại sao những con số trên lại chẳng theo quy tắc nào cả? Chính xác là bởi chúng bất quy tắc, thế nên bạn buộc phải tập trung vào việc đếm. Điều này sẽ làm sao lãng tâm trí trong khi khí ô-xy xoa dịu nó.
Kỹ thuật thở hình hộp có tên gọi như vậy là bởi nó được thực hiện với bốn giai đoạn: hít vào và đếm nhẩm đến 4, giữ hơi thở và đếm nhẩm đến 4, thở ra và đếm nhẩm đến 4, giữ hơi thở và đếm nhẩm đến 4; lặp lại chu kỳ.
Nếu bạn đang trò chuyện giữa chừng, hãy thực hiện một phiên bản rút gọn: trong lúc đối phương đang nói, hãy hít vào và đếm nhẩm đến 4, rồi thở ra và đếm nhẩm đến 4. Chỉ cần thực hiện một lần là đủ.
Nếu bạn cảm thấy quá lo lắng và không thể thở đúng kỹ thuật, hãy vào phòng vệ sinh và xả nước lạnh vào cổ tay trong năm phút (nhúng mặt vào nước thì hiệu quả hơn, nhưng điều này có thể làm hỏng lớp trang điểm của bạn).
Một số người cho rằng tác nhân kích thích này, còn được biết đến là “phản ứng khi lặn dưới nước của động vật có vú”, có tác dụng đánh lừa bản năng của não bộ rằng bạn đang lặn dưới nước, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách hoạt động chậm lại để tránh bị đuối nước.
BƯỚC 2: Để ý tỉ mỉ, kỹ lưỡng đến cách đối phương muốn được chào hỏi
Hãy nhớ Quy tắc Nunchi #6: Nắm bắt ẩn ý – ngay từ khoảnh khắc đầu tiên bạn trông thấy ai đó, trước cả khi bạn nói lời chào. Lời chào hỏi đầu tiên này hết sức quan trọng. Đừng cho rằng ai cũng làm hệt như bạn và bạn bè bạn. Giây phút bạn quên mất điều này có thể là giây phút mà ai đó không còn muốn tìm hiểu thêm về bạn nữa.
Tôi biết một vài người từng cố gắng thể hiện thái độ chừng mực khi gặp gỡ người nhà của bạn bè, để rồi nhận lại là những cái ôm chặt và câu nói, “Xin lỗi, gia đình chúng tôi có truyền thống thích ôm.” Tại sao mọi người lại làm như vậy chứ? Rất nhiều người không hề thoải mái với chuyện ôm ấp. Về bản chất, bạn đang tuyên bố rằng: “Chúng tôi đông hơn anh/chị thế nên có quyền làm gì tùy thích.”
Khi lần đầu tiên gặp gỡ ai đó, hãy để ý xem họ muốn được chào hỏi như thế nào. Trông họ định cúi chào, bắt tay, hôn nhẹ nhàng lên má kiểu Pháp, hoặc – dù bạn có tin hay không – không làm điều gì kể trên cả? Đừng ôm vợ/chồng của đồng nghiệp, rồi sau đó mới tá hỏa nhận ra rằng họ đến từ một nền văn hóa mà ngoại trừ vợ chồng thì nam nữ thụ thụ bất thân, hoặc bạn sẽ nhận ra rằng trong mắt họ bạn vừa thực hiện một hành vi mang tính hành hung.
Kể cả không xét đến nền tảng văn hóa, một số người vốn dĩ không thích bị đụng chạm – đừng bao giờ tùy tiện cho rằng họ thích điều đó. Một nhà đầu tư người Mỹ nổi tiếng bị mắc hội chứng sợ vi trùng, ông dùng giấy ăn Kleenex để mở nắm cửa bởi không muốn chạm vào bất cứ thứ gì bằng tay không. Cho dù chưa từng hay biết bệnh tình của ông, một ninja nunchi hẳn sẽ nhận thấy là xuyên suốt buổi gặp mặt, nhà đầu tư này luôn chắp chặt tay ra sau lưng để tránh phải bắt tay, và mặc dù những người bạn thân thiết nhất của ông có thể đứng quanh ông, nhưng họ vẫn đứng cách ông hơn một mét.
Đừng xâm phạm không gian của người khác. Mỗi người đều có quan điểm riêng về khoảng cách phù hợp giữa hai người, và họ sẽ truyền đạt điều đó vô cùng rõ ràng đến bạn thông qua hành vi của họ. Hãy sáng suốt.
BƯỚC 3: Hạ nhỏ âm lượng để “lắng nghe” những gì đối phương đang thực sự nói tới
Đừng chỉ xét đến những lời được nói ra từ miệng người khác – hãy xét đến toàn bộ bối cảnh, xét đến những định kiến và giá trị của họ.
Bạn đã bao giờ tắt tiếng khi xem ti-vi chưa – có thể là bởi bạn bận nghe điện thoại nhưng không muốn bỏ lỡ màn cao trào thú vị của chương trình truyền hình ưa thích? Bạn có lẽ nhận thấy rằng bạn thường có thể đoán được chính xác mọi diễn biến mà không cần có tiếng. Nếu một cặp đôi đang nằm cuốn lấy nhau trên giường và rồi kinh hãi ngồi bật dậy khi có một người đàn ông bước vào phòng ngủ, điều này cho thấy cặp đôi đó có thể đang ngoại tình. Nếu một nghi phạm giết người trong phim trinh thám của Agatha Christie bắt đầu chạy khỏi phòng khách, điều này có nghĩa là vị thám tử đã xác định được họ chính là hung thủ.
Nunchi là năng lực quan sát những gì đang diễn ra, dựa trên những manh mối ngoài lời nói: biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể là những manh mối quan trọng.
Có thể vị đồng nghiệp nọ chỉ từ tốn khiển trách lỗi sai của bạn bằng tông giọng bình tĩnh, nhưng nhìn qua biểu hiện căng cứng vai và không chớp mắt của họ, bạn có thể biết rằng họ đang vô cùng tức giận. Do đó, vấn đề này kỳ thực trầm trọng hơn nhiều so với những gì họ thể hiện ra bên ngoài, và bạn cần phải nắm bắt được điều đó.
Việc chú tâm vào những gì không được nói ra có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn hẳn việc chỉ nghe mọi lời đang được nói ra.
Làm theo những bước này sẽ không giúp bạn lập tức “À há, hiểu rồi, giờ thì mình đã nắm bắt được người này” đâu.
Bạn chỉ nhận thấy rằng mình cần thu thập thêm nhiều thông tin về khoản X, Y và Z trước khi đưa ra những phỏng đoán chi tiết hơn. Thu thập dữ liệu cho bản thân chính là một công dụng tuyệt vời của nunchi.
BỐI CẢNH VÀ NUNCHI
Chúng ta đều thích nghĩ rằng bản thân là những cá thể vô cùng phức tạp, thế nên ấn tượng đầu tiên là thứ không có giá trị gì mấy. Chúng ta là những người văn minh, sống có tỉnh thức, chúng ta hiểu biết về định kiến vô thức và không đời nào lại đi đánh giá người khác dựa trên vẻ ngoài của họ. Nhưng kỳ thực, chúng ta vốn lúc nào cũng nhìn mặt mà bắt hình dong.
Con người học hỏi bằng cách liên kết những trải nghiệm mới với những trải nghiệm trước đó: nếu tình huống mới lạ X có một vài điểm ở bề nổi giống với tình huống Y trong quá khứ, não bộ tất khiến chúng ta tin rằng hai trải nghiệm này có vẻ tương đồng về mọi mặt. Điều này là hữu ích khi ghi nhớ rằng ong bắp cày đôi khi cũng đốt người, nhưng hoàn toàn vô dụng nếu xét đến chuyện đánh giá người khác.
Trong một nghiên cứu được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ công bố năm 20181, các nhà nghiên cứu đã cho một nhóm đối tượng xem ảnh những người lạ mặt và yêu cầu họ chọn ra những người trông có vẻ đáng tin. Điều đối tượng tham gia thí nghiệm không biết là một số tấm ảnh trong đó thực chất chỉ là những phiên bản được chỉnh sửa đôi chút bằng Photoshop của cùng một khuôn mặt. Bạn biết sao không? Một khi đã cho rằng một số khuôn mặt nào đó là đáng tin, thì họ cứ thế chọn tiếp những tấm ảnh chỉnh sửa của chính những khuôn mặt đó.
1 https://www.pnas.org/content/115/7/E1690 (TG)
Bất kể bạn cảm thấy thân thuộc với một người lạ chỉ vì họ đang đi đôi giày giống bạn, hoặc bực bội đổi chỗ ngồi cách xa người nào đó trên phương tiện giao thông công cộng bởi họ bốc mùi khó chịu; hoặc không muốn ngồi cạnh anh chàng mặc chiếc áo cộc tay có khẩu hiệu chính trị mà bạn không đồng tình, thì bạn cũng đang đánh giá người khác, và hầu như bạn thậm chí còn không nhận ra điều đó. Và tất cả mọi người cũng đang đánh giá bạn.
Maya có một cái áo phông ưa thích, trên đó có in câu nói của tay trống Keith Richards trong ban nhạc Rolling Stones: “Tôi chưa từng có vấn đề gì với ma túy cả. Tôi chỉ có vấn đề với cảnh sát thôi.” Maya chưa từng sử dụng ma túy hoặc xô xát với cảnh sát: đó chỉ là một cái áo phông mang tính giễu nhại mà thôi. Tại khu dân cư tân thời Brooklyn của Maya, cô thường thấy mọi người dừng lại và cười đùa về cái áo đó. Nhưng khi Maya mặc cái áo này ra sân bay để xuất cảnh quốc tế, các nhân viên an ninh lại có thái độ hoàn toàn khác. Họ yêu cầu cô đứng sang một bên để rà soát và hỏi cô lý do xuất cảnh.
Rõ ràng là các nhân viên an ninh đã phản ứng thái quá với một cái áo phông xinh xắn vô hại, thế nhưng Maya đã không cân nhắc đến một điều vốn là cốt lõi của nunchi tốt: bối cảnh. Cái áo phông của cô không có vấn đề gì cả, ngoại trừ việc nó là một cái gờ lởm chởm để người khác nắm lấy. Cái gờ lởm chởm này có thể dễ thương và mang tính mỉa mai tại Brooklyn, nhưng nó đã khiến quá trình kiểm tra an ninh của cô kéo dài lâu hơn. Chẳng ai lại muốn chuyện đó cả. Tất nhiên là hãy cứ thoải mái khẳng định quan điểm của bản thân, nhưng bạn cần chú ý đến bối cảnh trước khi vô tình đưa ra một nhận định nào đó.
Bối cảnh là lời gợi nhắc cho một trong những nguyên tắc bất thành văn của nunchi: mọi chuyện không phải chỉ xoay quanh bạn. Mọi người luôn dò bắt những tín hiệu, một cách có ý thức và vô thức. Hãy thận trọng trong việc đưa ra những cái gờ cho người khác nắm lấy.
Đọc vị bối cảnh có thể làm nên thành công hoặc gây ra thất bại cho những chính trị gia. Hai nhà lãnh đạo lớn người Pháp đã nhận được những phản ứng hoàn toàn trái ngược trong chuyến thăm của mỗi người đến hội chợ nông nghiệp thường niên tại Paris. Jacques Chirac chào hỏi thân tình những người làm nông và hào hứng nói về phô-mai và bia của họ như thể cao lương mỹ vị. Ông đã nắm bắt được bối cảnh. Những người làm nông và bán rượu vang cảm thấy hết sức hãnh diện, và Chirac đã được rất nhiều người mến mộ tại sự kiện năm đó.
Tuy nhiên, Nicolas Sarkozy lại tiếp xúc với những người làm nông như thể ông đang mặc cả với họ, ông nghiêm nghị chỉ trỏ và giảng giải cho họ về giá thành các sản phẩm làm từ sữa của Liên minh châu Âu. Một người nọ đã tỏ vẻ bực tức và giận dữ từ chối bắt tay Sarkozy, thế là vị chính trị gia này liền mất bình tĩnh và đáp trả: “Tránh xa tao ra, thằng ngu!” (‘Casse-toi, pauv’ con’). Đó là một thảm họa trong quan hệ công chúng.
Điều này không chỉ thể hiện rằng Sarkozy là một người thô lỗ mà còn là ví dụ điển hình của nunchi thậm tệ khi ông không cân nhắc đến bối cảnh của sự kiện đó. Nếu ông gây sự với một tay tài phiệt tham nhũng dầu mỏ thay vì nạt nộ một người yếu thế hơn, ông ắt hẳn sẽ trở thành con cưng của giới truyền thông. Đáng lẽ ông không nên nổi xung với một công dân bình thường, tại một hội chợ nông sản – một sự kiện thiện lương, lành mạnh nhất trên đời. Công chúng và truyền thông tất nhiên không dung thứ cho hành động đó. Nếu là người nổi tiếng, bạn sẽ mất đi đặc quyền xa xỉ là được phép bỏ qua bối cảnh, nhất là thời buổi này, khi một đoạn phim quay ai đó làm gì hớ hênh có thể được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Nunchi đòi hỏi bạn tìm ra sự cân bằng giữa việc sống thật với bản thân và việc tương tác với thế giới theo lối hành xử có thể đưa bạn đến được nơi bạn muốn mà ít gây tổn hại đến mọi người nhất (bao gồm cả chính bạn).
TẠO ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN TỐT
Có những lúc chúng ta đặc biệt lo lắng đến việc tạo ra ấn tượng đầu tiên tốt: chẳng hạn như lần đầu gặp gỡ bố mẹ của người yêu, hoặc được giới thiệu với ai đó có thể nâng đỡ bạn trong sự nghiệp. Lời khuyên thông thường của phương Tây đối với những tình huống như thế này là tập trung vào bản thân: bắt tay chặt, nhìn thẳng vào mắt người đối diện, nói to và tự tin. Nunchi lại khuyên điều ngược lại: không tập trung vào bản thân để có thể nhìn nhận rõ hơn những yêu cầu của tình huống đó và hành động thuận theo người mà bạn đang cần tham khảo ý kiến.
Bạn có thể làm được vậy bằng cách bắt chước, điều mà chúng ta đều thực hiện một cách vô thức và giúp thể hiện thái độ gần gũi, như chúng ta đã thấy trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Bắt chước nghĩa là làm theo điệu bộ cử chỉ hoặc tông giọng của ai đó, hay thậm chí là những từ ngữ họ sử dụng – tất nhiên là không phải kiểu bắt chước sởn gai ốc trong phim Single White Female (Phụ nữ da trắng độc thân) mà cần phải có chừng mực.
Mọi người sẽ tự nhiên có thiện cảm với bạn, bởi lẽ bạn đồng điệu với họ và suy nghĩ trong họ.
Lấy ví dụ về Clyde trong lần đầu tiên gặp gỡ bố mẹ bạn gái anh. Tại nhà hàng, Clyde nhìn thấy một món đặc biệt trên thực đơn: món mì ống kèm nấm cục trắng tươi mọc ở Elba – món ăn ưa thích của anh. Món đó có giá đắt hơn những món khác nhưng mùa nấm cục thường rất ngắn và Clyde không muốn bỏ lỡ cơ hội. Vốn thiếu hụt nunchi, Clyde đã gọi món mì nấm cục và rồi chỉ muốn độn thổ khi thấy bố mẹ bạn gái anh, những người sẽ trả tiền cho bữa ăn này, chọn những món rẻ nhất trong thực đơn. Nếu biết vận dụng nunchi, Clyde đáng ra phải hỏi bố mẹ bạn gái anh có đề xuất món nào trong thực đơn không, hoặc kiên quyết chờ họ gọi món trước. Điều này có thể giúp anh nắm bắt được dấu hiệu liệu họ có định chịu chơi ăn món tôm hùm hoặc những món đắt tiền khác, hay họ chỉ định chi tiêu vừa phải. Việc hành động thuận theo người mà bạn muốn gây ấn tượng sẽ hiếm khi làm bạn thất vọng.
Bắt chước giọng điệu của người khác cũng có thể là một giải pháp nunchi tạo ra sự kết nối tức thì, miễn là bạn thực hiện cẩn trọng và đừng tỏ ra là bạn đang nhại theo họ. Điều này có nghĩa là đổi giọng điệu của bạn theo giọng điệu của đối phương, bất kể họ đang phấn khích, giận dữ hay trầm lắng. Bạn đang cố gắng để hòa hợp với họ, thay vì áp đặt giọng điệu của bạn lên họ.
Lấy Dan làm ví dụ, anh là một nhân viên bán máy hút bụi, người thường xuyên phải xử lý những khách hàng bất mãn đến cửa hàng để yêu cầu hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm khác. Mục tiêu của Dan là xoa dịu tình huống càng nhanh càng tốt, nhờ đó khách hàng sẽ vui vẻ rời khỏi cửa hàng vì đã được anh đưa ra giải pháp tốt. Khi mới bắt đầu công việc này, Dan đã đề nghị những vị khách hàng giận dữ “Bình tĩnh nào” trước khi hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm mới cho họ, nhưng anh sớm nhận ra rằng chiến thuật này chỉ càng khiến họ thêm điên tiết, bởi lẽ họ cảm thấy anh đang tìm cách gạt bỏ những vấn đề chính đáng của họ. Giờ thì Dan xử lý tình huống này như sau:
KHÁCH HÀNG: Tôi mới mua cái máy này tuần trước mà giờ đã hỏng rồi!
DAN: Sao cơ? Tệ thật đấy! Chắc anh bực mình lắm.
KHÁCH HÀNG: Bực chứ, tôi lại phải mất công quay lại cửa hàng, mà có tiện đường đâu, tôi phải rời khỏi chỗ làm sớm đấy.
DAN: Nếu là tôi thì tôi cũng bực lắm, đáng lẽ chuyện này không nên xảy ra mới phải. Nhất là cái máy này còn là thương hiệu mới.
KHÁCH HÀNG: Anh nói đúng đấy.
DAN: Tôi thành thật xin lỗi vì đã làm anh thất vọng. Liệu chúng tôi có thể bù đắp cho anh như thế nào?
KHÁCH HÀNG: Tôi muốn đổi cái mới mà không mất phí.
DAN: Tôi hiểu rồi. Để xem tôi có thể làm được gì cho anh nhé.
Bằng cách thuận theo giọng điệu của vị khách hàng đang giận dữ, Dan đã gãi được đúng chỗ ngứa của họ. Khách hàng cảm thấy vấn đề của họ được lắng nghe và thấu hiểu. Họ không còn nhu cầu gây thêm tranh cãi vì họ tin rằng đôi bên đều đã hiểu ý nhau. Điều này giúp Dan hóa giải vấn đề nhanh chóng hơn là nói rằng (điều đôi khi anh nghĩ thầm trong đầu), “Bình tĩnh nào anh tôi, chỉ là cái máy hút bụi thôi mà.”
Cũng cần để ý rằng Dan không hề thực sự đồng ý đổi máy hút bụi mà không tính phí (có thể anh không phải là người quyết định chuyện đó). Anh cũng không đổ lỗi cho đồng nghiệp và cũng không bôi nhọ thương hiệu máy hút bụi đó. Khi có nunchi, bạn có thể hiểu một người mà không cần phải gây ảnh hưởng xấu đến người khác hoặc bắt họ hứa hẹn điều gì cả.
Những lúc bạn thực sự cần phải tạo ra ấn tượng đầu tiên tốt, hãy nhớ đến vài lời khuyên nghe có vẻ khác thường sau đây: bớt nghĩ đến bản thân, và tập trung vào mọi người ngoại trừ bản thân. Đây có lẽ là cách tốt nhất để tìm ra mối liên kết tốt đẹp mà bạn đang nhắm tới.
ĐẶT CÂU HỎI
Chúng ta thường được khuyên rằng nên đặt câu hỏi mỗi khi gặp gỡ ai đó lần đầu – và tất nhiên là làm vậy thì tốt hơn nhiều so với việc độc thoại về bản thân. Đặt câu hỏi tức là bạn đang tập trung vào đối phương; nhưng nếu bạn không thể nhận biết phản ứng của họ đối với những câu hỏi đó, tức là bạn đang không vận dụng tốt nunchi. Nhỡ câu hỏi của bạn khiến người đó khó chịu thì sao? Họ có bị đỏ mặt, nói lắp hoặc nhìn dáo dác quanh phòng không? Họ có nheo mắt tức giận không? Không phải ai cũng thích nói thẳng thừng rằng “Hỏi vậy thật khiếm nhã”, nhưng ngôn ngữ cơ thể của họ sẽ nói thay cho họ, và bạn cần đọc được những tín hiệu này.
Tôi xin đưa ra một ví dụ hơi mang tính cá nhân, cuộc hội thoại sau đây sẽ khiến hầu hết những người châu Á hiện sinh sống ngoài châu Á tìm cách rút lui càng nhanh càng tốt và không cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào nữa.
NGƯỜI KHÔNG CÓ NUNCHI: Bạn từ đâu đến vậy?
NGƯỜI CHÂU Á XA XỨ: Tôi đến từ [Auckland/ Birmingham/Paris/ các thành phố khác thuộc những nước ngoài châu Á]
NGƯỜI KHÔNG CÓ NUNCHI: Không, ý tôi là xuất xứ thực sự của bạn cơ. Bố mẹ bạn là người nước nào ấy?
Bạn nghĩ gì trong đầu khi đặt ra câu hỏi kiểu này?
Về cơ bản, người không có nunchi thủ sẵn một loạt đáp án khả dĩ trong đầu (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v.) và nếu bạn kể ra một cái tên không phải trong số trên, thì họ sẽ tỏ thái độ không đồng tình.
Tôi lấy làm ngạc nhiên khi không biết bao nhiêu lần tôi phải giải thích tại sao hỏi như vậy lại không hay ho gì; dù sao thì các loại máy sấy tóc vẫn được dán nhãn cảnh báo không được sử dụng trong bồn tắm, thế nên tôi cho là có một số thứ cần phải giải thích rõ ràng: trừ phi bạn là một đặc vụ quốc tế đang truy tìm một bậc thầy ngụy trang, còn không thì làm ơn đừng hỏi tiếp sau khi nói “Không, bạn không phải!” hoặc ám chỉ rằng câu trả lời của đối phương là không đáng tin cậy. Chấp nhận câu trả lời và không hỏi sâu hơn nữa.
“Nhưng chỉ là tôi quan tâm thôi mà!” không phải là lời biện hộ thỏa đáng trong tình huống này. Tính tọc mạch của bạn không vượt lên trên quyền trả lời hoặc không trả lời của đối phương. Tương tự với những câu hỏi: “Bao giờ định làm đám cưới/có con/giảm cân sau sinh?”
Đừng quên Quy tắc Nunchi #4: Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội thuận lợi để giữ yên lặng.
Tin vào ấn tượng đầu tiên 155
HỎI ĐÁP NHANH:
Tìm người có tiếng nói quyết định
Bạn là nhân viên chăm sóc khách hàng của một công ty bán máy pha cà phê espresso thuần chay, không thử nghiệm trên động vật và được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Tối nọ, khi bạn đã đi làm về, sếp bạn gọi điện yêu cầu bạn tức tốc đến dự một bữa tiệc cocktail trong thị trấn do chuỗi bán cà phê không thử nghiệm trên động vật lớn thứ hai trên thế giới tổ chức. Không may là sự kiện đã diễn ra được một lúc rồi và khi bạn đến nơi thì sẽ chỉ còn chưa đầy nửa tiếng là kết thúc sự kiện. Vậy làm thế nào để tối ưu hóa khoảng thời gian ít ỏi còn lại một khi bạn tới đó?
A . Phát tài liệu bán hàng của công ty cho bất cứ ai bạn bắt gặp.
B. Tiếp cận người đàn ông đầu hói nhất, da trắng nhất, lớn tuổi nhất.
C. Tiếp cận người ăn mặc diện nhất. D. Tiếp cận người nói to nhất.
E. Tiếp cận người được nhiều người vây xung quanh nhất.
Đáp án chính xác: đây là câu hỏi mẹo. Tất cả các đáp án đều sai, bởi bạn hầu như không có đủ thông tin để đưa ra nhận định. Do thiếu bối cảnh nên cả năm đáp án trên đều chỉ là kết luận võ đoán về người có tiếng nói quyết định, chứ không phải là những đánh giá dựa trên nunchi. Trong một số trường hợp, đáp án sẽ là A) Phát tài liệu bán hàng của công ty cho bất cứ ai bạn bắt gặp – nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào văn hóa kinh doanh. Ở nhiều nơi trên thế giới, bạn không thể trơ tráo chào hàng người mình vừa mới gặp mặt; thay vào đó, bạn nhận danh thiếp của họ và hôm sau liên lạc với họ để bố trí một cuộc hẹn. Tất nhiên, mặc dù bạn ắt hẳn đã tra google thông tin về công ty này và đội ngũ nhân viên của họ lúc ngồi trên taxi, nhưng nếu bạn vẫn không nhận ra được ai tại bữa tiệc cocktail thì hãy đứng quan sát vài phút và nhấm nháp đồ uống, hoặc đứng ở chỗ nào có đông người. Dùng mắt đánh giá tình hình căn phòng. Kể cả nếu thời gian của bạn có hạn – nhất là nếu thời gian của bạn có hạn – bạn vẫn phải lên kế hoạch trước khi bắt chuyện với mọi người.
Nếu không biết ai là người có tiếng nói quyết định thì bạn không cần phải vò đầu bứt tai đoán già đoán non dựa trên những manh mối hạn chế như trang phục và giọng điệu. Thay vào đó, hãy tìm người trợ giúp.
Trong kinh doanh, và trong cuộc sống nói chung, bạn cần tìm ra người hữu ích nhất, đó không nhất thiết phải là người có vị thế cao nhất.
Tại các sự kiện của doanh nghiệp chẳng hạn như tiệc cocktail quảng cáo bán hàng, thường sẽ có một người chuyên rót rượu, có thể là người pha chế rượu chuyên nghiệp hoặc nhân viên thực tập “cấp thấp” – đây là người mà một người không có nunchi có thể bỏ qua vì cho rằng họ “không đủ quan trọng”. Nhưng bạn đâu phải là một người không có nunchi; bạn đang trên đường trở thành một ninja nunchi. Bạn biết rằng nếu ai đó được yêu cầu làm công việc phục vụ rượu thì đương nhiên là họ cũng sẽ có thái độ lịch sự và luôn nhiệt tình hỗ trợ. Hỏi thẳng họ xem ai là người có tiếng nói quyết định và cách tốt nhất để tiếp cận người đó là gì. Họ có thể cũng không biết, nhưng họ có thể chí ít cũng sẽ giới thiệu bạn với sếp của họ, và cứ thế, đến khi bạn gặp được người có thể giới thiệu bạn với người có tiếng nói quyết định.
Tôi chắc là bạn từng nghe nhiều người khuyên rằng bạn không bao giờ nên làm ăn với người nào tỏ thái độ thô lỗ với nhân viên chạy bàn. Đây không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn hết sức thiết thực. Thường thì những nhân viên có vẻ “không quan trọng” lại chính là những người biết tuốt. Thử nghĩ mà xem, người nào trong cơ quan bạn dường như nắm rõ mọi chuyện và được phép ngắt lời lãnh đạo mà không bị khiển trách: người đó rất nhiều khả năng là nhân viên lễ tân hoặc chánh văn phòng. Một ninja nunchi hiểu rằng bạn cần những người đó về phe mình.