Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít đi.
Epictetus (55–135), Enchiridion
Ngay khi trẻ con Hàn Quốc bắt đầu biết giao tiếp, bố mẹ sẽ dạy chúng tầm quan trọng của sự yên lặng: lắng nghe và chú tâm đến những gì người khác đang làm. Là một đứa trẻ ba tuổi không phải là cái cớ để không có nunchi; kỳ thực, người Hàn có câu châm ngôn: “Một thói quen được hình thành từ năm ba tuổi sẽ duy trì đến năm tám mươi tuổi.” Lấy ví dụ, nếu mọi người đều đang đứng về phía bên phải của thang cuốn và chừa lối đi bên trái, thì đứa trẻ cần phải nhận thức được rằng chuyện này hẳn có nguyên do nào đó, cụ thể là việc đứng về phía bên phải sẽ tạo lối đi bên trái cho những người bước trên thang cuốn nếu họ đang vội. Thế nên, đừng là đứa trẻ khiếm nhã duy nhất thản nhiên đứng ở phía bên trái. Đứa trẻ cần phải tự mình nhận thức được mà không cần bố mẹ giải thích, bởi tính tự lực này là một phần trong toàn bộ quá trình học hỏi nunchi.
Tại Hàn Quốc, quan niệm “cháu nó còn nhỏ, nó có biết gì đâu” không được chấp nhận. Từ độ tuổi rất nhỏ, trẻ con đã được dạy chịu trách nhiệm về bản thân.
Trường học Hàn Quốc yêu cầu học sinh tự suy luận mọi thứ. Giáo viên không đưa cho học sinh danh sách viết tay những dụng cụ cần mang cho dự án nghệ thuật phức tạp của ngày hôm sau. Họ chỉ nói rằng, “Lớp mình sẽ làm chụp đèn”, và học sinh sẽ phải tự mình xem xét nên mang đến lớp những vật liệu gì. Nếu bạn không mang đúng dụng cụ cắt dây, vậy thì tiêu rồi đó; trường học không có sẵn dụng cụ, mà kể cả có đi chăng nữa, họ cũng sẽ không bao giờ cho bạn mượn, bởi bạn là người phạm sai lầm.
Đôi khi, giáo viên sẽ cố tình trình bày không rành mạch những thông tin quan trọng, chẳng hạn như địa điểm thi. Thế nhưng bạn biết sao không? Như có ma thuật, học sinh đều mang đúng dụng cụ cắt dây và có mặt đầy đủ tại phòng thi (kể cả tôi, một người không nói tiếng Hàn), bởi từ khi còn rất nhỏ, chúng đã được dạy để tự mình tìm hiểu mọi chuyện. Bạn có được thông tin bằng cách hỏi đúng người vào đúng thời điểm và, quan trọng hơn, bằng cách mở to mắt và dỏng tai nghe để nhận ra những gì mọi người khác đang làm. Đó là cách giáo dục nunchi từ sớm.
Các bậc phụ huynh phương Tây có thể phản bác: “Tôi không muốn nuôi dạy một con chuột lemming1! Tôi đang cố dạy con rằng nếu mọi người khác đều nhảy cầu thì không có nghĩa là chúng cũng nên làm như vậy.” Thế nhưng theo bản năng, bạn biết có sự khôn ngoan trong đám đông. Chẳng hạn, người dân New York đều biết rõ luật bất thành văn này: không phải tự nhiên mà một toa tàu điện ngầm trống không trong khi các toa khác lại chật kín người. Thường thì lý do là bởi toa đó có mùi khai. Đừng có bước vào. Không phải lúc nào đám đông cũng đúng, nhưng trên những phương tiện công cộng thì đám đông thường luôn sáng suốt.
1 Chuột lemming sống ở vùng địa cực. Trong quá trình di cư của loài chuột này, đôi khi xảy ra tình trạng “tự sát hàng loạt”, đàn chuột nối đuôi nhau nhảy xuống vực. Thế nên trong tiếng Anh, lemming còn có ý ám chỉ người tham gia những phong trào quần chúng mà không cân nhắc kỹ càng, nhất là những cuộc biểu tình liều lĩnh có thể gây nguy hiểm. (ND)
Mỗi lần rời khỏi nhà, bạn đều sử dụng nunchi. Ở mức độ vô thức, bạn sử dụng nó để quyết định hỏi đường ai – tại hầm ngầm London, bạn sẽ hỏi người rõ ràng là đang di chuyển đến chỗ làm và đã đi tuyến đường này cả triệu lần, chứ không phải vị khách du lịch đang lúng túng xem bản đồ. Bạn sử dụng nunchi để xác định xem liệu tay lập dị đang ngồi cạnh bạn trên xe buýt chỉ đang tò mò về cuốn sách bạn đọc, hay gã định vạch của quý ra.
Có thể bạn ở trên một toa tàu, đeo tai nghe chống ồn và nghe nhạc suốt cả quãng đường. Bạn không nghe được thông báo qua loa phóng thanh của trưởng tàu, “Vì hệ thống tín hiệu có sự cố nên chuyến tàu này sẽ bị chậm trễ và chỉ dừng lại ở một số bến.” Thế nhưng, nunchi mách bảo bạn rằng những hành khách đi cùng trông vô cùng bực bội và họ bắt đầu xì xào bàn tán với nhau. Thế là bạn nhận ra rằng có chuyện gì đó bất thường.
Việc lái xe cũng đòi hỏi năng lực nunchi. Theo bản năng, bạn biết được tài xế nào sẽ cho bạn vượt, và tài xế nào sẽ nổi cơn tam bành nếu bạn tìm cách vượt lên.
Khi đi siêu thị, bạn sử dụng nunchi để cân nhắc xem quầy thanh toán nào nhanh nhất. Ban đầu, bạn có thể đứng sau một người trông có vẻ ít có ít đồ nhất trong xe đẩy, rồi lại chuyển sang hàng khác khi nhận ra họ có 100 quả trứng sô-cô-la Kinder Surprise, mà mỗi quả này đều phải được quét mã vạch riêng. Theo bản năng, bạn tránh đứng vào quầy thanh toán nào mà nhân viên thu ngân trông có vẻ chuẩn bị nghỉ giải lao, hoặc quầy nào có người đang vuốt thẳng lại một nắm phiếu khuyến mại.
Chẳng phải sẽ thật tuyệt nếu nunchi đem lại lợi ích cho bạn một cách tự nhiên và dễ dàng như trên trong mọi mặt của cuộc sống hay sao? Vui thay, điều này là hoàn toàn khả thi; những gì bạn cần làm chỉ là rèn luyện bản thân học cách quan sát và lắng nghe.
Nếu không thì sao? Thì hậu quả có thể rất đáng sợ, như những gì được kể trong các cuốn sách thiếu nhi của Hàn Quốc như The Child with No Nunchi (Đứa trẻ không có nunchi) hoặc The Elephant with No Nunchi (Chú voi không có nunchi). Để bạn không phải mất công đọc sách, tôi xin tiết lộ luôn cái kết: đứa trẻ và con voi đều không có bạn bè nào cả.
Để học nunchi, bạn không cần phải được nuôi dạy bằng những cuốn sách đạo đức dành cho trẻ em của Hàn Quốc hay theo học một ngôi trường Hàn Quốc khắc nghiệt. Tôi đã thay bạn làm tất cả những điều đó và đúc kết lại thành tám nguyên tắc.
TÁM NGUYÊN TẮC CỦA NUNCHI
1. Trước hết, làm rỗng tâm trí. Rũ bỏ những định kiến để có thể quan sát một cách sáng suốt.
2. Nhận thức Hiệu ứng Người quan sát Nunchi. Khi bạn bước vào một căn phòng, bạn thay đổi căn phòng đó. Hãy hiểu rõ tác động của bạn.
3. Nếu bạn vừa mới bước vào phòng, hãy nhớ rằng những người khác đều đã ở đó lâu hơn bạn. Quan sát họ để thu thập thông tin.
4. Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội thuận lợi để giữ yên lặng. Nếu bạn chờ đủ lâu, gần như mọi câu hỏi của bạn sẽ được giải đáp mà bạn không cần phải nói gì.
5. Các cung cách ứng xử không phải tự nhiên mà có.
6. Nắm bắt ẩn ý. Không phải lúc nào mọi người cũng nói những gì họ nghĩ và đó là quyền của họ.
7. Nếu vô tình làm tổn thương người khác, nhiều lúc chuyện đó cũng tồi tệ như khi bạn chủ ý làm vậy.
8. Hãy lanh lợi, hãy nhanh nhạy.
QUY TẮC #1:
Trước hết, làm rỗng tâm trí
Có một câu nói của Lý Tiểu Long thường xuất hiện trên mạng xã hội như một meme truyền cảm hứng. Lý Tiểu Long nói rằng: “Hãy làm rỗng cốc nước của bạn, nhờ đó mà nó có thể được đổ đầy.” Khi đọc vị căn phòng, hãy nghĩ về căn phòng đó như một bể nước, và bạn là một cốc nước. Làm sao bạn có thể nhận thức được nhiệt độ và vị của nước nếu chiếc cốc của chính bạn đã đầy ắp sẵn rồi?
Khi tâm trí bạn chứa đầy những giả định về mọi người và tình huống, thật khó để nhìn nhận rõ đúng sai và ứng xử một cách thích hợp nhất.
Amanda từng làm cho một công ty đa quốc gia tại London, và cô được mời tham dự bữa tiệc chiêu đãi Dan, người đứng đầu trụ sở tại New York. Tuy chưa bao giờ đến Mỹ, nhưng Amanda cảm thấy mình biết nhiều điều về người Mỹ dựa trên những bộ phim điện ảnh và truyền hình mà cô từng xem. Theo cô, người Mỹ là những người ồn ào, thô kệch và có thái độ giao tiếp hết sức suồng sã.
Trong buổi trò chuyện nhóm với Dan, Amanda đã lo lắng thái quá đến chuyện tạo ấn tượng tốt với “người Mỹ này” mà không để ý đến những manh mối trong bản thân căn phòng. Dan không hề tỏ ra là một người suồng sã, kỳ thực hầu hết mọi người xung quanh đều thể hiện thái độ kính trọng đối với ông. Thế nên, khi Dan vừa kể xong một câu chuyện phiếm và giơ một bàn tay lên trời, chỉ có mỗi Amanda, người vốn suy nghĩ thái quá về tình huống này dựa theo định kiến của cô, là nhoi lên trên và đập tay đầy thân tình với ông bởi cô tưởng là ông đang chờ đợi điều đó. Cô nhanh chóng hiểu ra rằng mình đã phạm sai lầm khi nhận thấy lòng bàn tay ông mềm oặt còn ông thì lộ rõ vẻ mặt hốt hoảng.
Amanda tội nghiệp tưởng rằng mình đang làm đúng, chẳng ai muốn giơ tay đập high-five mà không có người đáp lại. Nhưng cô đã hành động dựa trên những niềm tin sẵn có mà cô mang vào căn phòng, chứ không phải những tương tác hữu hình trong căn phòng đó. Nếu để tâm đọc vị mọi người khác, hẳn cô đã không bị ê mặt đến vậy.
Có vô số cách để làm rỗng tâm trí, chẳng hạn dành ra hai phút để nhắm mắt và tập trung vào hơi thở trước khi bước vào một không gian mới, hoặc chỉ cần nhắc nhở bản thân “ở yên trong căn phòng” khi bạn cảm thấy những suy nghĩ của mình bắt đầu xáo trộn.
Trước khi tham gia bất kỳ tình huống xã hội nào, hãy xem xét cảm xúc của bạn. Có một cách để ghi nhớ điều này mà những người hay âu lo thường sử dụng: HALT, viết tắt của đói khát, giận dữ, cô đơn và mệt mỏi.1 Bạn có đang cảm nhận điều nào trong những điều trên không? Nếu có, hãy tự hỏi bản thân: “Điều này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách mình bước vào căn phòng và những gì mình nhìn thấy trong đó?” Hãy nhớ câu châm ngôn sau: “Ta không nhìn nhận mọi người theo bản chất của họ, ta nhìn nhận mọi người theo bản chất của ta.”
1 Trong tiếng Anh, HALT là từ cấu tạo bằng những chữ đầu của hungry (đói khát), angry (giận dữ), lonely (cô đơn) và tired (mệt mỏi); bản thân từ halt còn có nghĩa là tạm dừng lại. (ND)
Về lâu dài, những phương pháp thực hành chẳng hạn như thiền có thể giúp bạn phản ứng sáng suốt trước các tình huống, thay vì hành động một cách bấn loạn.
Làm rỗng tâm trí, thay vì đổ cốc nước đầy tràn của bạn sang cốc của người khác.
QUY TẮC #2:
Nhận thức Hiệu ứng Người quan sát Nunchi
Trong vật lý lượng tử, khái niệm Hiệu ứng Người quan sát là lý thuyết cho rằng bạn thay đổi mọi thứ chỉ bằng hành động quan sát chúng. Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn bước vào một căn phòng: nội sự hiện diện của bạn ở đó cũng đã làm thay đổi bầu không khí, thế nên không cần thiết phải hát rống lên hoặc nhảy chân sáo khi bạn bước vào phòng.
Một chuyên gia nunchi sẽ mách bạn rằng thay vì cố gắng gây sự chú ý khi bước vào phòng, trước hết bạn nên thể hiện lòng thành kính đối với căn phòng, điều này sẽ giúp bạn nhớ đến Quy tắc #1 của nunchi: Làm rỗng tâm trí.
Trong các phong tục thường ngày của người Do Thái, tôi thích nhất là phong tục hôn lên mezuzah trước khi bước vào nhà cũng như một số căn phòng trong nhà. Mezuzah, một cuộn giấy da bé xíu nằm trong một hộp hoặc ống nhỏ, được gắn vào phía bên phải của cửa ra vào ở độ cao ngang vai. Cuộn giấy da có ghi những lời cầu nguyện Shema, bắt đầu bằng, “Nghe đây, hỡi Israel” (lưu ý đến cụm từ “nghe đây”; đó gần như là một cụm từ gợi nhắc đến nunchi!) và gồm hai đoạn trong kinh Torah: Đệ nhị luật 6:4‒9 và 11:13‒21. Phong tục hôn lên mezuzah là một cách để thể hiện lòng thành kính đối với Chúa, nhưng tôi cũng thích nghĩ rằng đó là một cách để thể hiện lòng thành kính đối với căn phòng, bằng cách chào hỏi nó. Người ta làm điều đó kể cả khi căn phòng hoặc ngôi nhà không có người.
Mezuzah là một lời gợi nhắc xúc giác tuyệt vời về tầm quan trọng của sự tĩnh lặng bên trong. Nhiều tôn giáo có các vật dụng để nhắc nhở tín đồ nghĩ đến những thứ ngoài bản thân. Chẳng hạn như tràng hạt: tín đồ Công giáo, Hồi giáo và Phật giáo đều có những kiểu tràng hạt riêng của họ. Xúc giác có tác động sâu sắc đến con người, thế nên mới sinh ra những loại bùa. Kỳ thực, những vật dụng kiểu này chính là hiện thân của nunchi: vận dụng toàn bộ các giác quan như một phương tiện để tiếp nhận thế giới.
Bất kể bạn theo tôn giáo nào, hoặc kể cả bạn là một người vô thần, tôi cũng thực sự chân thành khuyên bạn hãy hình dung mỗi căn phòng đều có một mezuzah trên khung cửa – bước vào một cách thận trọng, có ý thức, và nghĩ đến những điều khác ngoài bản thân. Bạn không nhất thiết phải nghĩ đến Chúa, chỉ cần là điều gì đó Không Liên Quan Đến Bạn.
Nhiều năm trước, một đồng sự đáng yêu mà tôi thường gọi là Viola đã mời tôi đến dự một bữa ăn nhỏ tại nhà cô ấy vào tối thứ Sáu. Ngày hôm đó có bão tuyết nên đường xá ùn tắc kinh khủng, thành ra tôi bị đến muộn. Vừa mới đặt chân vào căn hộ, tôi hổn hển nói với một nhóm người mà tôi chưa từng gặp bao giờ: “KHỈ THẬT TÔI XIN LỖI VÌ ĐẾN MUỘN THỜI TIẾT ĐÚNG LÀ CHẾT GIẪM.”
Ai nấy đều tỏ ra không thoải mái.
Mới thoát khỏi tình trạng căng thẳng, tôi lại nói liến thoắng tiếp: “ĐÁNG RA TÔI ĐÃ ĐẾN SỚM HƠN NẾU KHÔNG PHẢI GHÉ VÀO CỬA HÀNG ĐỂ MUA RƯỢU VÀ ĐOẠN ÙN TẮC KÉO DÀI ĐẾN HẾT CẢ DÃY NHÀ NÀY NÊN TÔI ĐÃ CHẠY BỘ TỪ TẬN ĐÓ THÀNH RA GIỜ KHÓ THỞ QUÁ ÁI CHÀ NGHE TÔI NHƯ MẮC BỆNH HEN VẬY HY VỌNG LÀ MỌI NGƯỜI THÍCH RƯỢU VANG SANCERRE.”
Không ai nói gì. Tôi tiếp tục nói lăng nhăng để tìm cách lấy lòng mọi người. Họ đều tỏ ra vô cùng lịch sự, nhưng tôi biết là có gì đó không ổn.
Thứ Hai tuần kế tiếp tại chỗ làm, Viola đã cho tôi biết tại sao hôm ấy mọi người đều không thoải mái. Vào tối thứ Sáu đó, ngay trước khi tôi xộc vào, một trong những khách mời đã thông báo một tin lớn cho cả nhóm: cô bị mắc ung thư tuyến tụy không thể phẫu thuật, cô quyết định không dùng hóa trị và thời gian sống chỉ còn tính bằng tuần hoặc tháng. Hình như, điều cuối cùng cô nói trước khi tôi xông vào nhà và bắt đầu huyên thuyên xích đế là: “Tôi chỉ muốn tập trung vào những điều tốt đẹp của cuộc sống và tạo ra những hồi ức cho chồng tôi.”
Có lẽ tôi đã trở thành một trong những hồi ức đó.
Rõ ràng là tôi không thể nào biết được sự tình. Và Viola cũng không thể hiện thái độ quở trách khi kể lại cho tôi câu chuyện đó. Tôi rối rít xin lỗi vì hôm đó đã xông vào nhà rồi xổ một tràng như vậy, và Viola nói: “Không sao đâu! Cô làm sao biết được chuyện đó. Đừng nghĩ ngợi gì cả. Tôi chỉ muốn nói rõ cho cô hiểu thôi.”
Nhưng tôi cũng hiểu rằng mình sẽ không bao giờ được Viola mời đến nhà chơi nữa.
Có lẽ lúc này bạn đang nghĩ rằng: “Này Euny, đó là một tình huống trùng hợp khó xử, nhưng cô chẳng làm gì sai cả. Nếu họ không nhận thấy điều đó thì họ thật bất công.”
Đúng là tôi đã không làm gì “sai” cả, thế nhưng ý định là một chuyện còn tác động của nó lại là một chuyện khác. Họ có ác cảm với tôi, và hẳn là họ cũng cảm thấy không đúng khi có mối ác cảm đó, nhưng thật khó để bỏ qua trong tình huống này.
ĐÁNG RA TÔI ĐÃ PHẢI VẬN DỤNG NUNCHI NHƯ THẾ NÀO Mặc dù tôi bị đến muộn, thế nhưng đó không phải là cái cớ để tôi không thể hiện lòng thành kính đối với căn phòng trước khi bước vào. Đâu phải tôi đang vận chuyển nội tạng sống để cấy ghép; tôi có thể dành vài giây để thực hiện nghi thức “tiến nhập phòng kiểu nunchi”, tức là đánh giá trong đầu không khí hiện thời của căn phòng thay vì lập tức thay đổi nó như mấy anh chàng giao bánh pizza ngổ ngáo. Tối hôm đó khi đã về nhà, trong lúc xem xét những hình ảnh còn đọng lại về căn phòng đó, tôi nhớ ra những chi tiết sau:
•Khi chồng của Viola ra mở cửa, anh ta thì thầm “mời vào” rất nhỏ, đó đáng ra đã là tín hiệu cho tôi thấy rằng có chuyện gì đó không ổn, hoặc ít nhất tôi cũng nên bật chế độ nunchi lên để tìm hiểu xem có chuyện gì đang diễn ra.
•Khi tôi bước vào phòng, mặt mũi ai nấy đều sầm sì – một điều lạ thường trong những buổi liên hoan. Tôi đã cho rằng mọi người cảm thấy khó chịu vì tôi đến muộn, bởi khi không vận dụng nunchi, bạn ắt nghĩ là mọi chuyện đều liên quan đến mình.
•Người phụ nữ mắc ung thư giai đoạn cuối không hề ăn hay uống gì cả.
•Người đàn ông ngồi cạnh nắm chặt bàn tay người phụ nữ đó.
Đây là những lỗi thiếu hụt nunchi vô cùng điển hình. Tôi đã quá mải mê nghĩ về tình hình của mình đến nỗi tin chắc rằng đó là mối bận tâm số một trong đầu mọi người. Tôi muốn trấn an họ rằng tôi không phải là một người thiếu chu đáo. Thế nhưng rốt cuộc lại phản tác dụng.
QUY TẮC #3:
Nếu bạn vừa mới bước vào phòng, hãy nhớ rằng mọi người khác đều đã ở đó lâu hơn bạn
Khi thả diều, bạn không thể nào cứ thế tung diều lên trời rồi mong là nó sẽ bay vút lên như một con diều hâu duyên dáng được. Trước hết, bạn cần phải xác định hướng gió, thường là bằng cách làm ướt ngón tay trỏ và giơ nó lên trời hoặc quan sát xem cây cối hay cỏ dại quanh bạn bị gió thổi về hướng nào. Nunchi cũng hoạt động dựa trên chính nguyên tắc tương tự. Và bạn nên nhớ rằng gió có một đặc tính bất biến, đó là nó thay đổi khi nó muốn, chứ không phải là khi bạn muốn nó thay đổi.
Sở hữu nunchi nhanh nhạy tức là có khả năng đánh giá bằng mắt những gì đang diễn ra trong căn phòng khi bạn đặt chân vào, và liên tục điều chỉnh lại đánh giá của bạn khi mọi sự thay đổi. Những tình huống xã hội có thể thay đổi liên tục một cách đáng kinh ngạc – kể cả tại một đám tang cũng có những giây phút hài hước, và mọi người có thể vô cùng biết ơn những giây phút đó – thế nên hãy luôn có ý thức và thích ứng với những gì đang thật sự diễn ra, thay vì với những gì mà bạn cho rằng có lẽ đang diễn ra. Chẳng hạn, tại một số đám tang ở Ireland, người ta kể những câu chuyện hài hước về người đã khuất. Nhưng điều đó không có nghĩa là tại đám tang nào ở Ireland bạn cũng có thể đùa về chuyện quý bà già nua nọ, Chúa phù hộ linh hồn bà, từng thả thính hơn nửa số dân trong làng trước cả khi tròn 17 tuổi. Bạn nên cố gắng sao cho sự hiện diện của bạn trong căn phòng thật tròn trịa và nhẵn nhụi, giống như quả đào khổng lồ của James vậy.
Tôi từng được nghe một câu chuyện về Nữ hoàng Anh cho thấy bà là một bậc thầy về nunchi nhanh nhạy, mặc dù bà chưa từng nghe nói về từ này. Trong một yến tiệc tại cung điện Buckingham, một vị quan chức cấp cao người nước ngoài đã nhấc bát nước vốn để rửa tay lên uống. Các vị khách ngồi quanh đều hoảng hốt trước hành động sơ ý này của ông, nhưng để giữ thể diện cho ông, Nữ hoàng cũng nhấc bát nước rửa tay của mình lên uống. Thấy vậy, những người khác cũng nhất loạt làm theo.
Nữ hoàng đã thể hiện năng lực nunchi hiếm có: bà có thể lịch sự giải thích với vị khách kia rằng nước đó không phải là để uống, nhưng bà nhận thấy tình huống này có thể làm ông ta mất mặt, và nhanh chóng hành động để xoa dịu chuyện đó. Những người đã uống bát nước rửa tay của họ theo Nữ hoàng cũng cho thấy nunchi nhanh nhạy: họ bỏ qua kiến thức đã in sâu trong đầu rằng uống bát nước rửa tay là một hành động không được xã hội chấp nhận, và thấy đó là việc cần làm trong tình huống này.
Hãy nhận biết thời điểm gió có thể đổi chiều, và đảm bảo rằng bạn thay đổi theo nó để duy trì tính hài hòa trong căn phòng như một tổng thể.
Tất nhiên, tôi không có ý buộc bạn phải làm theo những điều mà bạn biết là sai trái, chỉ vì mọi người khác đều đang làm như vậy. Nunchi không phải là dự phần vào những hành động ức hiếp, quấy rối hoặc những hành vi chống đối xã hội khác, nếu đó là những gì đang diễn ra trong căn phòng.
QUY TẮC #4:
Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội thuận lợi để giữ yên lặng
Il faut tourner sept fois sa langue dans sa bouche avant de parler.
(Bạn nên uốn lưỡi bảy lần trước khi nói)
Ngạn ngữ Pháp
Hồi tôi học ở Hàn Quốc, không bao giờ có chuyện ai đó giơ tay đặt câu hỏi trong tiết học. Không có quy định nào cả; chỉ là chuyện đó không xảy ra thôi. Đặt câu hỏi được xem là một hành động ngắt lời hết sức ích kỷ: cớ sao lại cắt ngang bài giảng và cướp mất thời gian nghe giảng của mọi người chỉ để bạn hiểu rõ điều gì đó cho riêng mình?
Điều này hẳn là khó tin đối với phần lớn người phương Tây; mọi người thường nghĩ rằng tôi nói quá. Nhưng tính thử mà xem: ngày nay mỗi lớp thường có khoảng 60 học sinh, thế nên dù chỉ 10% số học sinh đặt câu hỏi thôi thì bài giảng cũng không thể hoàn thành được. Tất nhiên, những người khác cũng có thể đang thắc mắc cùng câu hỏi với bạn, nhưng thường thì các học sinh sẽ tiếp thu được nhiều hơn nếu bạn để giáo viên hoàn thành bài giảng.
Và nếu hết bài giảng rồi mà bạn vẫn còn khúc mắc ở đâu đó? Không sao cả: bạn chỉ việc gặp giáo viên giữa các tiết hoặc sau khi tan học. Họ thường khuyến khích học sinh làm như vậy và luôn thoải mái dành thời gian giải đáp cho bạn.
Tục lệ “không đặt câu hỏi trong giờ học” này là một trong những lý do mà trẻ em Hàn Quốc nhanh chóng phát triển vượt bậc năng lực nunchi.
Đây là một cú sốc văn hóa lớn đối với tôi, một đứa trẻ 12 tuổi người Mỹ. Nhưng tôi đã học được hai bài học vô giá: 1) nếu bạn chờ đủ lâu, hầu hết các câu hỏi đều sẽ được giải đáp; 2) khi lắng nghe, bạn học hỏi được nhiều hơn là khi nói.
Nghĩ đến những cuộc họp tại chỗ làm của bạn mà xem: nhiều người đặt câu hỏi để thể hiện bản thân hoặc lấy lòng cấp trên, hoặc chỉ muốn người khác biết là họ có tham dự cuộc họp. Những người đặt nhiều câu hỏi nhất trong các cuộc họp có nghiễm nhiên nhận được sự tôn trọng hoặc tiền thưởng không? Điều đó còn tùy. Đôi khi việc đặt ra nhiều câu hỏi cho thấy bạn nhiệt tình đóng góp; nhưng cũng có lúc chính những câu hỏi hệt như vậy lại khiến bạn bị đồng nghiệp lườm nguýt, vì họ đương mải nghĩ đến chuyện đã 12 giờ 30 và dòng người xếp hàng tại quán taco dưới đường đang dài ra theo từng giây. Đọc vị căn phòng và đừng lúc nào cũng cho rằng bạn cần phải đưa ra mọi câu hỏi xuất hiện trong đầu, nhất là ngay trước giờ ăn trưa.
Trong xã hội thế kỷ 21, cụ thể là ở phương Tây và đặc biệt là tại các nước mà tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng nhất, sự ồn ào luôn được đánh giá cao. Im lặng được xem là hành vi của kẻ yếu. Tôi thấy điều này thật buồn cười và mâu thuẫn, bởi lẽ họ cũng tôn vinh những mẫu người “mạnh mẽ, thâm trầm”, chẳng hạn như cao bồi hoặc những vị lãnh đạo nghiêm khắc trong quân đội.
Bất kỳ ai thuần thục nghệ thuật đàm phán cũng sẽ mách bạn rằng hành động giữ yên lặng sẽ đưa bạn vào vị trí vô cùng thuận lợi. Lý do duy nhất chúng ta không được nghe nói nhiều hơn về sự im lặng là bởi những người ít nói đúng nghĩa thì thường không kể lể về tầm quan trọng của việc giữ im lặng. Khó có chuyện họ nói: “Tôi có thể thấy rằng việc tôi giữ im lặng đang khiến bạn cung cấp nhiều thông tin hơn, đúng như mục đích của tôi.” Nunchi là biết mình biết ta, liều lĩnh đúng chỗ. Đàm phán là cơ hội để người hướng nội thể hiện ai mới là người chiếm thế thượng phong.
Tưởng tượng rằng bạn thích mê một ngôi nhà và rất muốn mua nó. Rõ ràng là bạn muốn mua với mức giá thấp nhất, trong khi người bán và nhân viên môi giới bất động sản sẽ muốn bạn mua với mức giá cao nhất.
Nhân viên môi giới sẽ dò hỏi liệu bạn có con không. Nếu bạn là một ninja nunchi, bạn có thể đoán trước được rằng nhân viên môi giới đang tìm cách nói thách giá vì ngôi nhà này gần trường học. Hoặc có thể bạn không biết câu hỏi này là nhằm mục đích gì, nhưng kể cả chỉ ở mức thấp, năng lực nunchi cũng sẽ mách bảo bạn nên nói ít nhất có thể. Ngưng lại năm giây – mặc dù có thể cảm tưởng như kéo dài vô tận – rồi đơn giản đáp: “Tại sao anh lại hỏi vậy?”
Kể cả khi nhân viên môi giới không có chủ định gì và chỉ tọc mạch mà thôi, việc bạn nói ngắn gọn vẫn là một chiến lược tốt. Nếu bạn làm cho họ lo ngại, điều này sẽ giúp bạn ở vị thế kèo trên trong suốt quá trình thương lượng.
Giả dụ linh tính ban đầu của bạn là đúng, và nhân viên môi giới nói rằng: “Tôi hỏi là bởi những trường học quanh đây đều rất tốt, thế nên ngôi nhà này có giá cao hơn mức thông thường.” Có thể trường học là yếu tố thực sự quan trọng đối với bạn, thế nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải giúp nhân viên môi giới này có được nhiều tiền hoa hồng hơn. Bạn chỉ cần nói đơn giản thế này: “Tôi hiểu rồi.”
Lúc này, nhân viên môi giới ắt đâm ra lo lắng. Lối trả lời nhát gừng của bạn khiến họ tưởng rằng họ đang không làm bạn hứng thú, và cách hiệu quả duy nhất là họ phải hạ giá xuống.
Tất nhiên, chiến thuật này có thể không hiệu quả trong vụ mua bán kể trên. Chủ nhà có thể đã chốt giá cố định và đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng đây vẫn là một thắng lợi, bởi giờ thì nhân viên môi giới đã hiểu – một cách ý thức hoặc vô thức – rằng bạn không phải là người dễ bị dắt mũi. Nếu ngay từ đầu bạn tỏ ra là một người khó bị dao động, bạn sẽ giữ vị thế kèo trên với nhân viên môi giới này trong tất cả những lần xem nhà về sau. Trong trường hợp xấu nhất, bạn cũng chẳng có gì để mất cả.
Hãy là một người mạnh mẽ và thâm trầm. Trong thương lượng, không phải lúc nào người to tiếng nhất cũng là người chiến thắng. Hãy im lặng và tạo không gian để người khác đến được với bạn.
QUY TẮC #5:
Các cung cách ứng xử không phải tự nhiên mà có
Những người phủ nhận tầm quan trọng của nunchi cũng chính là những người cho rằng văn hóa trên bàn ăn là trò mèo được giới thượng lưu chế ra hòng làm bẽ mặt những người thuộc tầng lớp dưới. Suy nghĩ này sai quá chừng sai. Nếu bạn thực sự nghĩ vậy thì xin đừng bao giờ đến nhà tôi.
Các cung cách ứng xử là nhằm đáp ứng một số mục đích thiết thực:
1. Chính các cung cách ứng xử khéo léo là thứ biến căn phòng thành một không gian an toàn, giống như luật lệ trong thể thao vậy. Có thể bạn sẽ cảm thấy phiền hà vì phải chờ tất cả mọi người yên vị, hoặc ăn xúp mà không được làm bắn tung tóe, thế nhưng khi làm vậy, bạn tự nhắc bản thân phải để tâm xem người khác có thoải mái hay không. Điều này đem lại cảm giác yên bình và ổn định tức thì cho căn phòng và những người có mặt trong đó.
2. Các cung cách ứng xử tạo ra một sân chơi công bằng cho những vị khách. Luật chơi có thể hơi rối rắm, nhưng nó là lời mời cùng hiện hữu trong không gian này và tạo dựng những giới hạn lành mạnh.
Mỗi nền văn hóa lại có các cung cách ứng xử trên bàn ăn khác nhau, và tất nhiên không ai mong bạn phải nắm rõ tất cả. Nhưng những gì mọi người mong ở bạn là hãy biết vận dụng nunchi – kể cả họ chưa từng nghe nói đến từ này.
Lấy ví dụ về đĩa đựng bánh mì. Sarah dẫn theo bạn trai mới của cô, Magnus, đến một bữa ăn tối cùng bạn bè lâu năm. Trong bữa ăn, Magnus đặt bánh mì lên một chiếc đĩa nhỏ nằm bên tay phải. Sarah lúc này ngồi phía bên trái anh liền thì thầm: “Anh à, đĩa đựng bánh mì của anh là đĩa nằm bên trái. Không phải đĩa kia đâu.” Nhưng Magnus, một người vốn không có nunchi tốt, do quá xấu hổ nên đã không nghe theo lời cô và lại càng mắc lỗi trầm trọng, anh cố tình lấy thêm bánh mì bỏ vào trong đĩa rồi phết những miếng bơ to tướng lên bánh.
Vấn đề là thế này: khi bạn dùng nhầm đĩa đựng bánh mì của người khác, tức là có ai đó sẽ bị thiếu đĩa. Người phụ nữ ngồi bên phải lúng túng nói với anh: “Tôi xin lỗi, nhưng không biết có phải anh đang dùng nhầm đĩa đựng bánh mì của tôi không?” Và thế là cả tối hôm đó, Magnus càu nhàu về chuyện bạn bè của Sarah tỏ thái độ hợm hĩnh với anh.
Đúng là sai lầm này có thể chấp nhận được, nhưng nó cho thấy Magnus không biết quan sát những gì người khác đang làm và hành động theo cho phù hợp. Sai lầm của Magnus không giống với sai lầm uống nước trong bát rửa tay của vị quan chức cấp cao người nước ngoài, bởi lẽ trong khi vị quan chức kia chỉ (có thể) tự làm mình khó xử, việc Magnus thiếu khả năng đọc vị căn phòng lại khiến người khác bị khó xử.
Về cung cách ứng xử và nunchi, một điểm quan trọng cần ghi nhớ là các cung cách ứng xử được đặt ra là để mọi người cảm thấy thoải mái, chứ không phải là để khiến bạn cảm thấy thượng đẳng hơn vì bạn hiểu biết nhất. To tiếng nhắc nhở người khác phải làm gì và không làm gì trên bàn ăn không phải là hành động của người có nunchi tốt.
QUY TẮC #6:
Nắm bắt ẩn ý
Một người bạn từng nói với tôi rằng: “Nếu cậu muốn biết ai đó đang thực sự nói gì, hãy hạ bớt âm lượng xuống.” Điều này nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng không phải vậy. Nó có nghĩa là: lời nói của một người không phản ánh chính xác hoàn toàn suy nghĩ của họ. Xem xét bối cảnh, xem xét những tín hiệu không được nói ra thành lời. Nói cách khác, đừng đánh giá một cuốn sách qua bìa sách. Lời nói của mọi người thường chỉ là cái bìa sách mà thôi.
Bạn có thể cho rằng mọi người phải có nghĩa vụ nói với bạn chính xác những gì họ đang nghĩ, nhưng không có chuyện đó đâu. Đôi khi, bạn cần phải biết đọc suy nghĩ của người khác, và nếu có nunchi tốt, điều này sẽ không khó như bạn tưởng.
Giả dụ bạn tình nguyện biến nhà mình thành nơi ở miễn phí tạm thời cho người tị nạn đến từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá. Thoạt đầu, mọi chuyện đều vui vẻ: họ lịch sự và hòa nhã, họ ngăn nắp và chu đáo, họ rửa bát đũa của mình và mặc dù không nói ngôn ngữ của họ, bạn vẫn có thể hiểu rằng sau khoảng 8 giờ tối, họ sẽ mắng con nếu chúng làm ồn. Khi bạn đang đọc sách hoặc ngồi máy tính, gia đình người tị nạn sẽ cố gắng không quấy rầy bạn.
Ngày nọ, người mẹ hỏi bạn: “Tại nước anh có nhiều người ăn thịt lợn giống anh không?” Bạn đáp: “Có chứ, nếu họ thích ăn thịt lợn.” Tuy nghĩ rằng đó là một câu hỏi kỳ quặc nhưng bạn cũng không hỏi sâu hơn, mặc dù nunchi trong bạn lẽ ra phải mách bảo bạn tìm hiểu kỹ hơn.
Một lúc sau, người bố lặp lại câu hỏi: “Người dân nước anh có ăn thịt lợn hằng ngày không?” Một lần nữa, thay vì hỏi rõ ý của anh ta là gì, bạn lại gạt chuyện đó sang một bên. Mãi tận một tháng sau bạn mới phát hiện ra họ theo đạo Hồi và không được phép ăn thịt lợn vì lý do tôn giáo; họ đã ăn thịt lợn suốt khoảng thời gian qua vì đó là món bạn nấu và họ không muốn tỏ ra bất lịch sự với người cho gia đình họ tá túc.
Bạn có thể cảm thấy không thể tin nổi hoặc nghĩ rằng: “Lạ thật, sao họ không cho mình biết cơ chứ? Nói bóng nói gió vậy ai hiểu được! Bộ mình biết đọc suy nghĩ chắc!”
Nhưng nếu có nunchi tốt, bạn hẳn sẽ nhận ra rằng có hàng chục dấu hiệu cho thấy gia đình họ thuộc nền văn hóa có tính gián tiếp cao và luôn hạn chế đối đầu. Việc họ quan tâm chu đáo đến chuyện bạn có thoải mái hay không là dấu hiệu cho thấy họ quen sống cùng những người tự giác làm mà không cần ai yêu cầu. Mọi biểu hiện của họ đáng ra phải cho bạn thấy rằng họ đề cao việc làm người khác cảm thấy dễ chịu hơn là việc trao đổi trực tiếp. Thế nên, đúng vậy, trong tình huống này, bạn đáng ra phải đọc được suy nghĩ của người khác, hoặc chí ít là nghe theo linh cảm của mình và hỏi rõ tại sao họ lại quan tâm đến chuyện người dân ở đây ăn thịt lợn.
Mỗi lần bạn nhận thấy mình đang có suy nghĩ: “Trời ạ, mình đâu phải là ông đồng bà cốt cơ chứ”, hãy xem đó là một tín hiệu cho thấy bạn đang thiếu hụt nunchi về mặt nào đó.
QUY TẮC #7:
Nếu vô tình làm tổn thương người khác, nhiều lúc chuyện đó cũng tồi tệ như khi bạn chủ ý làm vậy
Khi gây ra những cảm xúc tiêu cực vì không có nunchi, bạn không thể lấp liếm rằng bạn không cố tình làm ai đó cảm thấy khó chịu. Nunchi không phải là một cuộc thi mà ở đó mọi người đều có phần thưởng bất chấp hậu quả thực sự.
Karen thực sự hứng thú với chuyện chăm sóc sức khỏe toàn diện và luôn hào hứng kể với mọi người về chuyện đó. Cô cảm thấy sung sức nhờ chế độ ăn chay trường và tập tạ, và với thiện ý, cô cũng muốn mọi người được khỏe mạnh như mình. Thế nên mỗi lần thấy ai đó đang bắt đầu tìm cách sống lành mạnh hơn, Karen đều tích cực động viên ủng hộ.
“Ê, có phải cậu mới giảm ít cân không, trông tuyệt lắm!” “Có phải dạo này cậu ăn nhiều rau xanh không, chưa bao giờ tớ thấy da cậu sáng màu như bây giờ đấy?”
“Cậu có muốn có người tập gym cùng không, tớ sẵn sàng giúp cậu cải thiện sức mạnh phần thân trên.”
Phải mất một thời gian Karen mới nhận thấy bạn bè bắt đầu tránh mặt cô. Do tập trung quá mức vào chế độ ăn và tập luyện của mình, cô đã không nhận ra là người khác cảm thấy bị phê phán thế nào trước những “lời ủng hộ tích cực” của cô. Những lời cô cho là mang tính ủng hộ thì người khác lại xem rằng cô đang đánh giá thói quen sinh hoạt của họ.
Mẹo hay: hỏi người khác có phải họ mới giảm cân không luôn là một nunchi tồi tệ. Có thể là họ bị sụt cân vì căng thẳng, bệnh tật hoặc có người thân mới qua đời, thế nên để ý đến chuyện cân nặng của họ là không hề thích hợp. Nếu bạn nhất định phải đưa ra nhận xét, lời khen “Trông bạn tuyệt đấy” sẽ hiếm khi gây ra hiểu lầm gì.
Cũng như việc thiếu hiểu biết về luật pháp không phải là cái cớ để biện hộ trước mặt quan tòa, việc thiếu nhận thức cũng không phải là cái cớ đối với những bậc thầy nunchi. Nếu thiếu ý thức, bạn không thể nào được xem là có nunchi tốt.
Trau dồi nunchi có một lợi ích là nó giúp giảm thiểu hẳn trường hợp bạn vô tình xúc phạm người khác.
QUY TẮC #8:
Hãy lanh lợi, hãy nhanh nhạy
Như đã biết, khi ai đó thuần thục năng lực nunchi, người Hàn không nói người đó có “nunchi tốt”, họ nói người đó có “nunchi nhanh nhạy”. Thành ngữ “chậm mà chắc” không áp dụng cho nunchi. Làm đúng đôi khi cũng vô ích nếu bạn quá chậm chạp.
Khi nghĩ đến những người có nunchi nhanh nhạy nhất trong phim ảnh và tiểu thuyết, từ “ngỗ ngược” nảy ra trong đầu tôi. Một số lượng lớn ninja nunchi là trẻ mồ côi: Tom Sawyer, Becky Sharp trong truyện Vanity Fair (Hội chợ phù hoa) của Thackeray, phiên bản cổ tích của Dick Whittington, nhân vật chính trong bộ phim Slumdog Millionaire (Triệu phú khu ổ chuột) người đã chiến thắng chương trình Ai là triệu phú, và thằng bé bụi đời Gavroche làm nhiệm vụ trinh sát trong tiểu thuyết Les Misérables (Những người khốn khổ), mặc dù thằng bé có bố mẹ còn sống nhưng có cũng như không.
Về cơ bản, đó là một thủ pháp nghệ thuật, rằng sự cơ cực trui rèn trí thông minh của những đứa trẻ mồ côi, và đổi lại, trí thông minh giúp chúng thoát khỏi tình cảnh cơ cực, điều này tương ứng với những gì người Hàn nói về nunchi: đó là vũ khí tuyệt mật của những người thua thiệt.
Chẳng hạn, Tom Sawyer đã vận dụng nunchi để không phải quét vôi hàng rào của dì Polly, một việc vốn rất mất sức. Cậu dùng tâm lý học nghịch đảo để bạn bè tưởng rằng cậu đang hết sức tận hưởng còn chúng thì đang lỡ mất dịp vui, nhờ đó mà dụ khị được chúng quét vôi hàng rào giùm cậu. Tuy đây có thể là một ví dụ về việc vận dụng nunchi vào mục đích xấu, nhưng chính tư duy nhanh nhạy này đã cứu mạng Tom và bạn bè cậu trong suốt cả cuốn tiểu thuyết. Đến cuối cuộc hành trình, Tom đã vận dụng nunchi nhanh nhạy để lừa Huck Finn đi theo con đường chính đạo.
Gavroche không chỉ vận dụng sự nhanh trí để xin ăn trên đường phố Paris, mà còn nâng cấp từ bánh mì cháy lên thành bánh mì trắng. Trong một số trường hợp, năng lực nunchi giúp cậu nhìn rõ những thứ trá hình, do đó mặc dù chỉ mới 11 tuổi, cậu đã là tai mắt của nhóm cách mạng chống đối chủ nghĩa quân chủ. Khi gã thanh tra xấu xa Javert tìm cách trà trộn vào hàng ngũ quân cách mạng, chính đôi mắt sắc sảo của Gavroche đã nhận ra điệu bộ khả nghi của Javert, và cậu đã phát hiện chính xác rằng hắn ta là do thám.
THỰC HÀNH NUNCHI
Giả dụ bạn đi cùng người bạn thân nhất đến một tiệm cà phê ưa thích. Nơi này chật kín người và hai bạn đang tính toán xem nên đứng đâu để tối đa hóa cơ hội có được bàn trống. Cả hai có thể nói những câu như, “Ấy, anh chàng kia trông có vẻ sắp đứng dậy kìa – à bỏ đi, anh ta chỉ đang đổi tư thế ngồi thôi.” “Ấy, bàn kia, bàn đó đó!... À không, cô ta chỉ đi lấy gói đường thôi.”
Nếu hai bạn có thói quen đi uống cà phê cùng nhau tại nhiều quán khác nhau, bạn có thể nhận thấy rằng một trong hai người luôn đoán đúng được bàn nào sắp trống, và người còn lại thì đoán chậm hơn nhiều. Người chỉ ra trước được bàn nào sắp trống thường là người có nunchi tốt hơn.
Một ninja nunchi thực thụ là người có khả năng phán đoán hành vi của người khác chính xác đến khó tin.
HỎI ĐÁP NHANH
Nhóm nào sau đây nhiều khả năng sẽ sớm rời khỏi tiệm cà phê nhất và để lại bàn trống cho bạn?
A. Một cặp đôi đang âu yếm nhìn vào mắt nhau.
B. Một thanh niên hippie đeo tai nghe chống ồn, với ba cốc cà phê cạn bày quanh laptop.
C. Hai người mặc đồ công sở trang trọng và trông có vẻ thiếu thoải mái.
D. Một nhóm bà mẹ trẻ cùng những em bé và một dãy xe đẩy bên cạnh.
Nếu bạn đoán C thì bạn đã chọn đúng đáp án, giả dụ mọi sự diễn ra đúng như dự tính. Nhiều khả năng là họ đang nghỉ giữa giờ làm việc, không phải là bạn bè đúng nghĩa, và đều nóng lòng rời khỏi tiệm cà phê. Ở đáp án A, cặp đôi mắt sáng như sao: bạn không nên đứng ở đó kể cả trông có vẻ như họ sắp ra về. Họ rất có thể sẽ gọi thêm đồ tráng miệng hoặc đồ uống khác, thế nên bạn chẳng thể nào biết được lúc nào họ định rời đi. Ở đáp án B, mặc dù đúng là những người ngồi một mình thường không nán lại lâu, nhưng mọi dự đoán đều vô ích nếu họ mang theo máy tính và đang hoàn thành công việc nào đó. Và D: bạn có bị mất trí không vậy? Bạn có biết mất bao lâu để một nhóm bà mẹ trẻ đặt con vào xe đẩy và đưa chúng ra khỏi nhà không?