Lloyd (do diễn viên hài người Mỹ Jim Carrey thủ vai): Cơ hội để một anh chàng như tôi và một cô gái như em... đến với nhau là bao nhiêu nhỉ?
Mary: Ít lắm.
Lloyd: Ít kiểu một phần trăm à?
Mary: Cỡ một phần triệu thôi.
Lloyd: Vậy ý em là vẫn có cơ hội sao?
Phim Dumb và Dumber1
1 Dumb và Dumber, kịch bản phim của Bobby và Peter Farrelly và Bennett Yellin, 1994 (TG).
Người Hàn nào cũng sẽ nói với bạn rằng nhận diện người thiếu nunchi thì dễ hơn nhận diện người có nunchi.
Những người thiếu hụt năng lực nunchi thường làm cho người khác trố mắt kinh ngạc hoặc khiến người ta ngơ ngác đưa mắt nhìn nhau; rất thường xuyên, những người không có nunchi bị ngầm đá vào chân vì không thể nhìn ra những thứ lồ lộ trước mắt đối với mọi người khác.
Tình huống sau đây là một ví dụ tiêu biểu. Trong một bữa ăn tối thân mật tại nhà hàng, mọi người ngồi quanh bàn đều đang uống rượu, ngoại trừ Eileen, cô gọi hết cốc nước có ga này đến cốc nước có ga khác. Hazel cũng có mặt tại buổi hôm đó, cô vốn có tiếng xấu là người thiếu hụt nunchi. Hazel không ngừng ép Eileen uống rượu, mặc cho Eileen nhấn đi nhấn lại rằng cô ấy uống nước cũng được.
Kể cả khi người khác can thiệp vào, Hazel cũng không chịu từ bỏ.
Sau đó, khi biết được rằng Eileen đang trong quá trình hồi phục khỏi chứng nghiện rượu, Hazel la toáng lên: “Làm sao mà tôi biết được cơ chứ? Đáng lẽ Eileen phải nói cho tôi biết!” Hazel không hiểu rằng Eileen không có trách nhiệm phải trình bày đời tư của mình với một người mà cô ấy còn chưa mấy quen biết. Trách nhiệm của Hazel là đọc vị căn phòng và ứng xử đúng mực.
Trước khi lên tiếng, lẽ ra Hazel phải tự hỏi bản thân những điều sau:
1. (Nunchi cơ bản) Quan sát kỹ biểu cảm khuôn mặt của Eileen. Có phải cô ấy trông không thoải mái với những lời bình luận của bạn không? SAO TÔI PHẢI QUAN SÁT KỸ KHUÔN MẶT CỦA CÔ ẤY CƠ CHỨ, AI LẠI LÀM VẬY? ➔ Game over. Trò chơi kết thúc.
2. (Nunchi trung cấp) Chồng Eileen có tỏ vẻ bất ngờ vì Eileen không uống rượu không? KHÔNG ➔ Chồng Eileen hẳn là người hiểu rõ cô ấy nhất, và anh ta không hề tỏ ra lo lắng, vậy thì cớ sao tôi lại phải lo chứ?
3. (Nunchi cấp độ ninja) Eileen có chậm rãi nhấp từng ngụm nước không, hay là uống hết cốc này đến cốc khác? ➔ VẾ SAU. Đây có thể là hành vi cưỡng chế của người từng gặp vấn đề về sử dụng rượu.
Bạn đã bao giờ để ý thấy mỗi khi ai đó la lối tức giận, “Tôi đâu có biết đọc suy nghĩ! Đó không phải là lỗi của tôi!” thì trong khoảng 90% trường hợp, đó lại đúng là lỗi của họ chưa?
Sự phản kháng trên là dấu hiệu của một người không có nunchi. Cái giá phải trả cho thái độ kiểu này trong mối quan hệ hay sự nghiệp có thể rất đắt. Nếu bạn không có nunchi, mọi người sẽ ghét bạn một cách phi lý mà không rõ nguyên nhân tại sao (tôi không hề nói quá đâu). Ít nhất thì họ cũng không muốn bạn ở cạnh.
Mọi người phản ứng với những người thiếu hụt nunchi tương tự như cách họ phản ứng với một người có hơi thở nặng mùi: họ có thể cảm thấy bản thân thật nhỏ nhen vì chuyện đó, họ có thể còn chẳng biết tại sao mình lại thấy ghê tởm đối phương, họ chỉ biết là họ không muốn ở cạnh và hy vọng người này rời đi chỗ khác càng sớm càng tốt.
Nhưng làm sao để bạn biết được mình có nunchi kém hay không?
Nếu nunchi của bạn thực sự kém thì chắc cú là bạn chẳng thể nhận biết được điều đó đâu. Đó là phạm vi mở rộng của hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger, một dạng thiên kiến nhận thức khiến một người thực sự ngu ngốc không thể nhận thức được năng lực thực tế của mình. Tin tốt là nếu bạn đủ khả năng tự nhìn lại bản thân để tìm đọc cuốn sách này, tức bạn đã cho thấy mong muốn được chú tâm hơn đến những gì diễn ra xung quanh; nếu vậy, bạn hoàn toàn thừa khả năng để cải thiện năng lực của mình.
Nếu bạn có bạn bè hoặc người thân đủ quan tâm để nói cho bạn biết rằng bạn có nunchi kém, hãy xem đó là một điều may mắn. Thế nhưng thực tế thì nhiều khả năng là sẽ chẳng có ai nói thẳng với bạn điều đó đâu. Nếu buộc phải đáp trả một câu hỏi trực tiếp kiểu như, “Tôi đã làm gì mà ai nấy đều tỏ vẻ khó chịu thế?”, họ có thể nói rằng, “Tôi cũng thực sự không biết nữa.”
Ở Hàn Quốc, bạn có thể nói rằng bạn không thích một người nào đó vì họ đem đến cho bạn một kibun tệ. Kibun là từ tiếng Hàn để chỉ một cảm giác bên trong, một trải nghiệm ở khắp cơ thể. Nói với một người bạn Hàn rằng bạn không tiếp tục hẹn gặp anh chàng trong mộng từ thời đi học bởi anh ta đem đến cho bạn một kibun tệ, người bạn đó sẽ gật gù đồng thuận và không đả động đến chuyện đó nữa. Việc bạn tin tưởng vào nunchi được mọi người hiểu và chấp nhận, chỉ có anh chàng trong mộng là không may thôi, có lẽ anh ta không hề nhận thức được rằng năng lực nunchi yếu kém của mình đang đẩy những cô gái rời xa anh ta.
Nhưng có nunchi yếu kém không có nghĩa là mất hết mọi thứ. Bước đầu tiên để xử lý vấn đề là nhận ra rằng bạn đang có vấn đề. Sau đây là một vài câu hỏi giúp bạn tự kiểm tra xem mình có phải là người thiếu hụt nunchi hay không:
BẢNG CÂU HỎI TỰ ĐÁNH GIÁ NUNCHI
Những tình huống nào dưới đây mà bạn từng trải qua?
A. Từng có người nói với bạn những điều này: “Để ý xung quanh vào”; “Vâng, biết rồi khổ lắm nói mãi”; hoặc “Còn muốn thế nào nữa, tặng cho cái huân chương nhé?”
B. Bạn đang ngồi chờ cuộc họp bắt đầu. Để phá vỡ bầu không khí im lặng, bạn bông đùa, “Đây có phải lại là một cuộc họp ngớ ngẩn nữa của George mà có thể trình bày gói gọn trong một cái email không?”, để rồi nhận thấy George vẫy tay với bạn từ góc phòng họp.
C. Bạn cằn nhằn một đồng nghiệp vì sáng thứ Năm anh ta đến muộn, thế rồi ai đó kéo bạn sang một bên và nói rằng, “Cậu không biết là từ tháng Chín, anh ta đưa mẹ mình đi hóa trị mỗi sáng thứ Năm à?”
D. Bạn đang đề cập đến một chủ đề mà bạn cho là quan trọng. Ai đó lẩm bẩm, “Không đúng lúc”.
E. Bạn bè của bạn có thể gặp riêng bạn nhưng đột nhiên không mời bạn tham dự các buổi đi chơi nhóm nữa.
F. Mọi người liên tục đưa mắt nhìn nhau trong lúc bạn nói. G. Sau khi bạn phát biểu, ai nấy trong phòng đều im lặng một hồi lâu đến khó hiểu.
Nếu có từ ba tình huống trở lên dường như quen thuộc đối với bạn thì việc cải thiện nunchi sẽ đem lại nhiều lợi ích.
Nếu bạn quan sát và lắng nghe, câu trả lời luôn ở ngay trước mặt. Bạn không cần phải sống mãi với cảm giác nạn nhân và băn khoăn không biết tại sao những điều tồi tệ dường như luôn bất ngờ giáng xuống đầu bạn. Nunchi giúp cuộc sống trở nên có định hướng và nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
TÁM HÌNH MẪU KHÔNG CÓ NUNCHI
Nếu từng theo dõi những vòng sơ tuyển đầu tiên của chương trình The X Factor (Nhân tố bí ẩn) hoặc bất kỳ chương trình tìm kiếm tài năng nào khác, bạn ắt hẳn biết được thế nào là một người không có nunchi. Nhà sản xuất chương trình cố ý đưa ra những thí sinh không chỉ hát dở – nếu mỗi vậy thì sẽ nhạt nhẽo – mà còn tin chắc rằng bản thân rất tài giỏi. Nói cách khác là những thí sinh không có nunchi.
Mọi phiên bản của chương trình The X Factor hoặc [Tên quốc gia]’s Got Talent trên toàn thế giới đều có những thí sinh thiếu hụt nunchi. Mọi người đều yêu thích họ. Tại sao à? Bạn có thể cảm thấy tội lỗi khi cười nhạo ai đó chỉ vì họ hát dở. Nhưng bạn hiếm khi cảm thấy tội lỗi nếu ném đá một người đã hát dở mà lại còn ảo tưởng về tài năng của bản thân.
Người ca sĩ không có nunchi này bỏ ngoài tai mọi tín hiệu trong giao tiếp, họ chẳng khác nào bị “điếc”. Hoặc là bạn bè e sợ nói cho họ biết rằng họ không có tài năng, hoặc họ chẳng có người bạn nào hết (hoặc họ không lắng nghe bạn bè). Bản tính của con người là tin rằng những ai không thể tiếp nhận phản ứng của những người quanh họ đã tự tước đi của mình quyền được khán giả thông cảm.
Bạn không muốn mình giống như một thí sinh X Factor kém cỏi. Đây không phải là trường hợp “ngu si hưởng thái bình”, trừ phi bạn thoải mái với chuyện bạn bè cứ bỏ bạn mà đi không cần lý do. Bạn cũng có thể bỏ lỡ những cơ hội để cải thiện khả năng ca hát (hay những kỹ năng khác) hoặc lựa chọn một đam mê mới mà bạn thực sự có khả năng. Một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho bản thân nếu muốn cải thiện nunchi là cân nhắc mọi lời phê bình trước khi chấp nhận hoặc phủ nhận chúng.
Không những vậy, khi ai đó cho bạn biết rằng bạn đang có những hành vi thiếu hụt nunchi, hãy cảm ơn họ dù bạn có thể cảm thấy xấu hổ. Họ đang giúp bạn tránh tự làm xấu mặt mình. Đừng trách móc họ là không nói với bạn “từ trước”, nói vậy thật quá sức tào lao. Hãy xem hành vi thiếu hụt nunchi như là chuyện mắc miếng rau ở răng – tất nhiên là bạn sẽ cảm thấy xấu hổ nếu ai đó nhắc bạn, nhưng chẳng phải thà như vậy còn hơn là bạn không biết gì rồi đi cười toe toét trước mặt mọi người và làm bọn trẻ con sợ chết khiếp hay sao? Hãy tiếp nhận ý kiến phản hồi đúng với bản chất của nó: một nỗ lực nhằm giúp bạn tiến bộ.
Tôi cho rằng có thể chia những người thiếu hụt nunchi thành nhiều kiểu khác nhau. Bạn có thể nhận thấy bản thân, bạn bè, kẻ thù đội lốt bạn bè, đồng nghiệp hoặc bà con họ hàng trong tám hình mẫu không có nunchi sau:
HÌNH MẪU KHÔNG CÓ NUNCHI 1:
Những người không thể đọc vị căn phòng
Đây là hình mẫu không có nunchi phổ biến nhất, và thường là do thiếu nhận thức hơn là có ác ý. Tình trạng tù mù này thường xuất phát từ tâm lý lo lắng thái quá và tự thu mình lại thay vì xem xét căn phòng như một tổng thể.
Xét thử trường hợp của Catherine, một người về bản chất là tốt nhưng sống có phần ích kỷ và ít khi nghĩ đến người khác. Cô vốn không có khả năng đọc vị căn phòng và chính nhược điểm này đã làm xấu đi những mối quan hệ của cô nhiều hơn cô tưởng. Có lần, đồng nghiệp Ben của cô đang đổi hình nền máy tính thành ảnh chụp anh ấy và một người đàn ông khác thì Catherine nhòm sang.
Cô bông đùa: “Này Ben, anh định thay đổi màn hình nền mỗi lần có bạn trai mới à? Rảnh quá nhỉ?”
Ai nấy trong phòng đều thất kinh. Ben run run môi rồi xin phép đi ra ngoài. Một đồng nghiệp của Catherine nói với cô: “Anh chàng trong ảnh ấy hả? Đó là bạn trai của Ben, anh ấy mới mất vài tháng trước vì suy thận do lupus. Chẳng lẽ lúc đó cô không hay biết gì sao?”
Khi Ben quay trở lại văn phòng, Catherine rối rít xin lỗi hết sức thành khẩn: “Tôi có biết đâu, thật tệ quá, làm ơn thứ lỗi cho tôi nhé.” Sau đó, Catherine mua cho Ben một cái bánh nướng và tiếp tục xin lỗi, nhưng điều ấy chẳng thể nào bù đắp được cho hành động khiếm nhã trước đó của cô.
Vậy Catherine có đáng trách vì không biết bạn trai Ben vừa mất? Có thể không. Nhưng mặt khác, tại sao Catherine lại là người duy nhất trong nhóm không hay biết gì cả? Ben đã nghỉ phép khi sự vụ đó xảy ra, và có vẻ như Catherine chẳng hề biết. Hơn nữa, nếu Catherine để ý đến biểu cảm khuôn mặt của mọi người khi Ben đưa lên ảnh của bạn trai mình, cô hẳn sẽ nhận thấy nét mặt cảm thông của họ. Mà suy cho cùng, tại sao cô lại cảm thấy cần phải bình phẩm về màn hình nền của Ben cơ chứ?
Đây không chỉ là một câu nói hớ của Catherine, mà là một quá trình tích lũy bởi cô đã không để ý đến môi trường xung quanh được một thời gian rồi. Tình trạng tù mù có thể không phải xuất phát từ ác ý, nhưng nó có thể làm tổn thương người khác, thế nên hãy thận trọng: tập trung chú ý.
HÌNH MẪU KHÔNG CÓ NUNCHI 2:
Những kẻ bám đuôi mà tưởng là mình lãng mạn
Những bộ phim hài kịch lãng mạn của Richard Curtis1 (Love Actually là thủ phạm xấu xa nhất) có thể là nguyên nhân gây ra hiểu lầm phổ biến rằng việc làm suy giảm sức kháng cự của người khác bằng cách khiến họ xấu hổ nơi công cộng là một phương thức hay để có được người yêu. Đó không phải là sự lãng mạn, mà là thói tự xem bản thân là cái rốn của vũ trụ.
1 Richard Curtis là nhà biên kịch phim nổi tiếng người Anh, các bộ phim tiêu biểu của ông có thể kể đến như Four Weddings and a Funeral, Notting Hill, Love Actually, Bridget Jones’s Diary. (ND)
Lấy ví dụ trường hợp của Rainer, một ca sĩ opera, người mới có được vai diễn chính đầu tiên trong đời. Đêm mở màn của anh thành công rực rỡ: toàn bộ khán phòng đứng lên vỗ tay tán thưởng, ngồi ngay hàng ghế đầu là bố anh và người bà 90 tuổi của anh, cả hai rơi những giọt nước mắt đầy tự hào. Đối với Rainer, đó là một đêm quá ư hoàn hảo và không điều gì có thể phá hỏng nó.
Không điều gì cả, ngoại trừ Ashleigh, cô bạn gái cũ có tính khí thất thường mà anh đã mười năm rồi không gặp.
Trong khi Rainer đang ngây ngất tận hưởng những tràng vỗ tay, Ashleigh đã nhảy lên sân khấu và tặng anh một bó hoa to. Rainer hết sức bối rối, anh không nhận ra cô đến khi cô ôm chặt lấy anh và nói: “Anh yêu, em vô cùng tự hào về anh.” Và rồi vẻ mặt của anh chuyển từ bối rối sang hoảng hốt. Khán giả phía dưới cười khúc khích, họ đoán rằng đó là vợ hoặc bạn gái của anh. Cho rằng khán giả đang cổ vũ mình, Ashleigh lại càng bạo dạn hơn, cô nán lại trên sân khấu và đi theo Rainer ra sau cánh gà khi màn hạ xuống, đòi anh chú ý đến cô mà không nhận ra rằng Rainer đang cảm thấy tình huống này hết sức kỳ quặc và khó chịu.
Cuối cùng, Rainer buộc phải tỏ thái độ để cô cho anh được yên.
Lần trình diễn đầu tiên trong vai chính của Rainer đáng lẽ đã là một đêm đáng nhớ, nhưng từ giờ anh lại chẳng thể nhớ về nó một cách trìu mến, và đó là bởi Ashleigh. Đừng giống như Ashleigh: sẽ chỉ toàn là những chuyện tồi tệ xảy đến nếu bạn cho mình là ngôi sao của bộ phim, còn tất cả những người khác đều chỉ là nhân vật phụ và cảm xúc của họ chẳng có nghĩa lý gì trừ phi họ đem lại lợi ích cho bạn.
HÌNH MẪU KHÔNG CÓ NUNCHI 3:
Những người không thể đọc được ẩn ý
Ắt hẳn nhiều người trong chúng ta có những người bạn lúc nào cũng cần phải được giải thích rõ ràng rành mạch, và đôi khi kể cả vậy rồi mà họ vẫn không hiểu chuyện. Tất nhiên, giao tiếp là một con đường hai chiều, và những hiểu lầm thường không phải là lỗi của riêng ai. Thế nhưng, dường như có những người hiểu sai mọi chuyện xa hơn mức thông thường. Mỗi khi như vậy, nhược điểm này hẳn sẽ gây khó xử cho tất cả những người liên quan.
Alice thường xuyên than vãn về Stan, người bạn trai mới của cô, rằng anh ta chẳng bao giờ hiểu được ẩn ý. Đêm nọ, Alice nói rằng: “Theo em tối nay anh nên về nhà anh ngủ thì tốt hơn; sáng mai em phải dậy sớm lắm.” Stan đáp: “Lo gì em ơi, anh không phiền nếu em phải dậy sớm đâu! Thực ra anh hoàn toàn có thể ngủ sớm rồi cũng dậy sớm mà.” Alice tìm cách đưa ra những gợi ý cụ thể hơn cho đến khi quyết định nói thẳng: “Stan, làm ơn đi, anh đã ở nhà em cả tuần rồi và em thực sự muốn ngủ thoải mái một mình chỉ một đêm thôi.” Stan tỏ ra khó chịu và nói: “Được thôi, sao em không nói luôn như vậy từ đầu đi.” Cứ như thể Alice đã không tìm cách nói chuyện đó nãy giờ vậy.
Nếu ai đó nhấn đi nhấn lại một chuyện gì đấy mà dường như quanh co khó hiểu đối với bạn, chẳng hạn như, “Chà, xem mấy giờ rồi này” hoặc “Ừm, mai tớ có nhiều việc lắm”, đó là dấu hiệu rằng bạn có lẽ nên suy nghĩ sâu xa hơn một chút về những ẩn ý đằng sau lời nói của họ.
Nhận thấy lời nói của người khác có phần quanh co hoặc mơ hồ thường là dấu hiệu rằng chúng ta cần để ý hơn đến những manh mối không lời của họ.
HÌNH MẪU KHÔNG CÓ NUNCHI 4:
Những người múa rìu qua mắt thợ
Hình mẫu này thường thích ra vẻ hiểu biết. Nếu bạn khoe mẽ kiến thức về một chủ đề nào đó trước một chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực này, người Hàn sẽ nói rằng: “Thật chẳng khác nào khoe tài viết thư pháp chữ Hán trước mặt Khổng Tử.” Hình mẫu này thiếu hụt nunchi đến nỗi họ tỏ ra kẻ cả mà không buồn bận tâm tìm hiểu xem liệu họ có đang nói chuyện với một chuyên gia tầm cỡ thế giới hay không.
Lấy ví dụ về Nimrod, anh chàng này đã điềm nhiên giảng giải cho Nikola tại một bữa tiệc tối về lý do tại sao bộ nhớ RAM lại làm cho máy tính chạy nhanh hơn. Điều này cũng chẳng kỳ cục cho lắm nếu không phải là Nikola có bằng tiến sĩ chuyên ngành khoa học máy tính của MIT và làm việc cho dự án siêu máy tính IBM từng đánh bại kỳ thủ Garry Kasparov.
Vì lịch sự không muốn Nimrod bị bẽ mặt, Nikolai đã không nêu ra công việc hiện tại của mình, thế nhưng cái cách phản ứng của những người khác tại bàn ăn rõ ràng là manh mối cho thấy tình huống này gây khó chịu đến thế nào. Chỉ cần Nimrod hỏi han Nikola một vài câu, chỉ cần anh chịu khó quan sát hơn và bớt nói lại, có lẽ anh đã tạo được ấn tượng tốt hơn với mọi người.
HÌNH MẪU KHÔNG CÓ NUNCHI 5:
Những người cho rằng mọi người chỉ đang làm cao
Ví dụ ưa thích của tôi trong văn học cho năng lực nunchi tốt và kém là Lizzy Bennet và quý ngài Collins trong tiểu thuyết Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) của Jane Austen. Lizzy có năng lực nunchi nhanh nhạy dữ dội, cô biết nhận diện ngôn ngữ cơ thể và luôn có khả năng nhìn ra những điểm vô lý trong mỗi tình huống (mặc dù cô không thể nói ra). Collins thì chẳng có tí nunchi nào cả; anh ta là một người dễ bị giật dây.
Với những ai chưa đọc truyện thì Lizzy và Collins là anh em họ hàng xa; Collins là người thừa kế ngôi nhà mà Lizzy từng lớn lên. Cũng như nhiều người không may thiếu hụt nunchi khác, Collins là một người có ý tốt, nhưng điều đó gần như chỉ làm mọi chuyện thêm tồi tệ: Lizzy dằn vặt bản thân vì cô căm ghét Collins, điều thậm chí lại càng khiến cô khó chịu với anh ta hơn. Chính điều này đã dẫn đến một trong nhưng màn cầu hôn ngượng ngập nhất trong toàn bộ lịch sự văn chương nước Anh. Với phong thái thiếu hụt nunchi điển hình, Collins đã đánh giá cao quá mức sức hút của mình đối với người khác giới. Bất chấp những tín hiệu rõ ràng của Lizzy và thực tế là những người khác đều nhận thấy cô tỏ ra hoảng sợ trước lời cầu hôn, Collins vẫn cho rằng cô đang làm cao, và nói với cô rằng: “Vì tôi thấy cô không có ý nghiêm túc khi từ chối tôi, nên tôi cho là cô muốn bắt tôi hồi hộp chờ đợi để tình yêu trong tôi sâu đậm hơn, đúng như cung cách thường thấy của những phụ nữ tao nhã.”
Đây đúng là một ca thiếu hụt nunchi ngoạn mục, khi mà Collins có thể bỏ qua cả những lời của Lizzy lẫn những phản ứng cơ thể thiếu thoải mái của cô. Rõ ràng là người nào mà cứ trơ trơ ra trước phản ứng của người khác thì hẳn là người nghĩ đến bản thân nhiều hơn là nghĩ đến người khác.
Đừng giống như quý ngài Collins. Nếu bạn không hoàn toàn chắc chắn rằng thông điệp của mình – trong tình yêu hoặc trong bất kỳ tình huống nào khác – đang được tiếp nhận như thế nào, hãy lui lại phía sau và cố gắng đọc vị căn phòng thay vì cứ thế sấn sổ tiến tới.
HÌNH MẪU KHÔNG CÓ NUNCHI 6:
Những người tiếp nhận mọi lời khen ngợi
Giả dụ bạn là một nhà văn đang gặp khó khăn trong việc xuất bản sách, mặc dù gia đình và bạn bè đều động viên rằng họ thích tác phẩm của bạn. Bạn có tiếp tục cố gắng không? Một mặt, bạn có thể trở thành Stephen King tiếp theo, cuốn tiểu thuyết đầu tay Carrie của ông đã bị 30 nhà xuất bản từ chối trước khi được Doubleday mua bản quyền. Có thể lần tới bạn sẽ thành công, giống như King đã thành công với nhà xuất bản thứ 31. Mặt khác, cũng có thể là bạn bè và người thân thích tác phẩm của bạn là bởi họ yêu quý bạn, và điều này có nghĩa là họ không phải đối tượng thích hợp nhất để đánh giá tài năng của bạn.
Vậy làm sao biết được bạn có nên tiếp tục cố gắng hay không? Mọi chuyện còn rối rắm hơn khi những người thành đạt thường phát biểu trong diễn văn nhận giải rằng: “Đừng bao giờ từ bỏ.” Và bạn bè của bạn sẽ lặp lại lời khuyên đó.
Tôi cũng sẽ khuyến khích bạn không từ bỏ nhưng bạn nhất định phải ngừng xin lời khuyên từ bạn bè và người thân, những người quá gần gũi với bạn để đưa ra đánh giá khách quan. Một yếu tố quan trọng của nunchi – và do đó, cũng là của sự thành công – là không e sợ sự thật, kể cả đó không phải là những gì bạn muốn nghe. Thời niên thiếu, nhạc sĩ quá cố John Lennon từng theo học trường nghệ thuật, và nếu xem những bức vẽ còn lưu lại của ông, có thể thấy rằng ông có tài hội họa tạm chấp nhận được. Thế nhưng, nếu ông kiên quyết muốn trở thành Van Gogh tiếp theo, chỉ bởi mẹ ông đã treo tranh của ông lên tủ lạnh, thì ông sẽ không bao giờ là một thành viên của ban nhạc The Beatles.
Trong nghề viết, cũng như trong mọi lĩnh vực khác, bạn cần phải có khả năng phân biệt giữa một lời khen ngợi vì ngưỡng mộ tài năng của bạn với một lời khen ngợi của ai đó yêu quý bạn và không muốn làm bạn tổn thương. Nunchi đích thực là tự hỏi bản thân: “Ai đang đưa ra lời khen và tại sao?” và lắng nghe câu trả lời, kể cả đó không phải là những gì bạn muốn nghe.
HÌNH MẪU KHÔNG CÓ NUNCHI 7:
Những người nhạt nhẽo
Trong tiếng Pháp, từ ennuyeux có hai nghĩa là “tẻ nhạt” và “phiền hà”. Theo tôi, tiếng Pháp là thứ ngôn ngữ cho thấy những hiểu biết sâu sắc nhất về bản tính con người.
Bạn có thể cho rằng những người nhạt nhẽo chẳng làm hại ai cả, ấy thế mà mọi người đều ghét họ. Như Oscar Wilde từng viết: “Kẻ nhạt nhẽo lấy đi sự cô độc của ta nhưng chẳng mang lại sự bầu bạn nào cả.”
Họ tẻ nhạt không phải là bởi những câu chuyện phiếm của họ thiếu những màn rượt đuổi xe cộ và cháy nổ ầm ĩ, họ tẻ nhạt là bởi họ không lắng nghe, thế nên họ phản ứng không phù hợp với những gì đối phương vừa nói. Nếu ai đó nói rằng: “Tôi xin lỗi, Gene hiện không ở đây. Không biết anh đã hay tin chưa, nghe nói anh ta gặp phải tai nạn xe khủng khiếp lắm”, người phiền nhiễu sẽ đáp lại: “Ừ, có lần tôi cũng chứng kiến một vụ tai nạn. Có một con hươu...” và rồi luyên thuyên những chi tiết không liên quan mà chẳng buồn hỏi thăm xem Gene có sao không.
Thực ra chẳng có ai muốn làm một kẻ nhạt nhẽo cả, mà thường là do họ sợ im lặng. Thế nên, khả năng tĩnh tâm và giữ yên lặng là tuyệt đối quan trọng đối với những người có nunchi tốt.
Những người lôi cuốn nhất là những người lắng nghe bạn, nhờ đó kết nối với bạn. Và những người nhạt nhẽo nhất là những người thay đổi chủ đề để làm nổi bật bản thân hoặc chiếm ưu thế. Ai mà làm vậy thì vốn từ đầu họ đã không thực sự lắng nghe bạn, họ chỉ đang đợi đến lượt mình nói.
Lần tới khi ai đó kể một câu chuyện phiếm hoặc giãi bày tâm tư của họ, bạn hãy thử dừng lại vài giây rồi đưa ra một lời đáp không mang tính tự sự cá nhân. Điều này quả thực rất khó, đúng không? Nó cho thấy rõ rằng chúng ta gần như không biết nói gì ngoài những thứ mang tính tự thuật về bản thân. Nhưng mọi người không cần câu chuyện của bạn thú vị hơn câu chuyện của họ; họ chỉ cần biết là bạn đang lắng nghe. Và đến cuối cuộc trò chuyện, cả hai sẽ hiểu nhau hơn.
HÌNH MẪU KHÔNG CÓ NUNCHI 8:
Những người phán rằng: “Nhưng ở chỗ tôi người ta không làm như vậy”
Bất kể bạn định nói là “Nhưng đây mới là cách chúng tôi làm” tại công ty cũ, quê nhà hoặc trong nền văn hóa của bạn, thì tôi cũng không quan tâm. Có nunchi nhanh nhạy nghĩa là bạn thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, bất luận những gì bạn có thể từng làm hoặc từng nói trong quá khứ.
Một ví dụ đáng tiếc của chuyện này diễn ra tại thành phố New York năm 1997, vụ việc được truyền thông quốc tế đưa tin rầm rộ. Một du khách người Đan Mạch đang dùng bữa tại một nhà hàng tại East Village, Manhattan (vào thời điểm đó, đây không phải là một khu dân cư có trị an tốt nhất ở New York) và để đứa con 14 tháng tuổi nằm trong xe đẩy ở ngoài vỉa hè. Vì lo lắng nên những người khách qua đường đã báo cảnh sát. Bố mẹ đứa bé bị cáo buộc gây nguy hại cho đứa bé đó và bị bắt giữ. Đứa bé được tách khỏi bố mẹ và đưa vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ em một vài ngày. Người mẹ và báo chí Đan Mạch kháng cáo rằng tại Đan Mạch, việc để trẻ con ở ngoài trời thoáng đãng thay vì lôi chúng vào một nhà hàng sặc sụa khói thuốc lá là hết sức bình thường.
Mặc dù tôi không đồng tình với chuyện tách đứa bé khỏi bố mẹ nó, nhưng tôi nghĩ rằng vị du khách là người sai trong tình huống này. Không thể vì những gì bạn làm ở quê hương bản xứ của bạn mà bỏ qua nunchi được. Nếu người mẹ chịu khó quan sát năm giây thôi, cô sẽ nhận thấy rằng:
1) khu vực này còn xa mới an toàn được bằng hầu hết các vùng ở Đan Mạch; và 2) chẳng có ai để con họ một mình ở bên ngoài cả.
Đây không phải là một thí dụ về thái độ khắt khe của người Mỹ – những công dân New York hay lo nghĩ chỉ đang cố gắng ngăn chặn việc đứa trẻ có thể bị bắt cóc hoặc bị thương. Vào thời điểm đó, Nicholas Scoppetta, Ủy viên Cục Quản lý Dịch vụ cho Trẻ em, đã trả lời tờ New York Times: “Bỏ mặc một đứa trẻ không được giám sát suốt một tiếng đồng hồ tại một con phố ở New York là hành động không phù hợp... Tôi không nghĩ rằng bạn nên đòi hỏi Sở Cảnh sát phải điều tra xem liệu chuyện đó có được chấp nhận tại Đan Mạch hay không.”1 Phát biểu này là thí dụ minh họa hoàn hảo cho thực tế rằng sẽ không một ai bỏ qua cho sự thiếu hụt nunchi của bạn. Không ai quan tâm đến ý tốt của bạn. Và đôi khi cái giá phải trả là rất đắt.
1https://www.nytimes.com/1997/05/15/nyregion/danish-mother-isreunited- with-her-baby.html (TG)
Trong một môi trường không quen thuộc, hãy quan sát xem người khác đang làm gì và dẫu bạn có còn lấn cấn thì hãy cũng tạm tin theo họ: họ đang làm vậy ắt là phải có lý do.
* * *
Hẳn là bạn cũng nhận thấy được điểm chung xuyên suốt của tám hình mẫu không có nunchi kể trên: họ đều không thể đọc vị không khí xung quanh.
Bất kể ai cho rằng việc thiếu hụt nunchi chẳng có gì quá nghiêm trọng, cùng lắm chỉ là thi thoảng bị bạn bè tỏ thái độ ngán ngẩm thì đều nhầm to. Bạn nhầm to nếu cho rằng việc người khác phản đối là việc của họ, hoặc cho rằng càng không biết thì càng đỡ nặng đầu, ngu si hưởng thái bình. Việc không có khả năng nhận biết những tín hiệu trong giao tiếp có thể khiến bạn đánh mất bạn bè, đánh mất sự tôn trọng từ người khác, đánh mất công việc hoặc thậm chí, như vị du khách người Đan Mạch, đánh mất cả con mình (đừng lo, cuối cùng cô ấy cũng đã được nhận lại con!).
HỎI ĐÁP NHANH
Bạn là khách du lịch tại một quốc gia từng thuộc khối Warszawa ở phía đông của Bức màn sắt1. Sáng nọ, bạn bị tiếng còi báo động inh ỏi đánh thức. Bạn thò đầu qua cửa sổ và nghe thấy tiếng thông báo từ dàn loa phóng thanh cỡ lớn còn sót lại từ thời kỳ thiết quân luật. Bạn nhận thấy mọi người chạy nhốn nháo trên đường phố. Trong tình huống đó, bạn sẽ:
A. Tự nhủ: “Trời ạ, còi báo động điếc hết cả tai. Thời buổi nào rồi mà cứ như thời chiến.”
B. Gào lên bảo tất cả những người trên đường phố bình tĩnh lại giùm cái vì bạn đang cố ngủ.
C. Quay lại giường. D. Đóng gói đồ đạc.
Đáp án chính xác: D. Tình huống này tất nhiên chỉ là giả định, nhưng tôi và em gái tôi đã gặp tình huống hệt như kể trên ở Prague năm 2002. Trước tình cảnh hỗn loạn đó, chúng tôi liền xem xét nghiêm túc vấn đề và quyết định ra sân bay để lên chuyến bay rời khỏi đất nước này sớm hơn.
1 Bức màn sắt là một biên giới vật lý lẫn tư tưởng mang tính biểu tượng chia cắt châu Âu thành hai khu vực riêng rẽ từ cuối Thế chiến thứ hai vào năm 1945 đến cuối cuộc Chiến tranh lạnh vào năm 1991. Bức màn sắt đã hình thành nên một biên giới phòng thủ giữa các quốc gia Tây và Đông Âu, mà trong đó nổi bật nhất là Bức tường Berlin. (ND)
Ngay trước khi rời khách sạn, tôi đã cảnh báo một vài du khách say xỉn rằng họ nên sơ tán, và họ đã giễu thầm tôi. Thế nhưng, khi đặt chân đến sân bay, chúng tôi nhận được thông tin là Prague đang trải qua cơn lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1890 – mà sau này được gọi là Cơn lũ Trăm năm. Toàn bộ thành phố bị nhấn chìm trong biển nước. Chúng tôi đã lên một trong những chuyến bay cuối cùng rời khỏi Prague. Nếu nghe theo những du khách ở cùng khách sạn và làm như không có chuyện gì, ắt hẳn chúng tôi đã bị mắc kẹt ở một thành phố xa lạ hàng ngày trời giữa một thảm họa thiên nhiên.
Chúng tôi có biết tiếng Séc không? Không hề. Tuy nhiên, trước đây chúng tôi từng sống tại những đất nước có lắp loa phóng thanh trên đường phố, và nếu ai đó sử dụng chúng để đưa ra thông báo toàn thành phố thì luôn có lý do của nó, và đó không phải là để thông báo rằng có một đợt siêu giảm giá tại tiệm bánh địa phương. Đó luôn là một tình trạng khẩn cấp.