Mọi công cuộc thay đổi triệt để nhằm có cuộc sống tốt đẹp nhất đều đòi hỏi bạn phải phân tích chi tiết những giá trị văn hóa hiện thời đang cản trở bước đường của bạn. Mỗi người đều có tiềm năng nunchi bẩm sinh, nhưng để phát huy nó, bạn cần phải suy xét lại một số kiến thức mà mình đã được tiếp nhận kể từ lúc sinh ra; tôi gọi những đặc tính văn hóa này là “chướng ngại nunchi”. Phần lớn mọi người đều không nhận thức được rằng họ ưu ái một số đặc tính hơn các đặc tính khác, và chính những đặc tính này có thể đang gây trở ngại cho năng lực đọc vị và kết nối với người khác của họ. Một số định kiến của văn hóa phương Tây là:
• Đồng cảm được đề cao hơn thấu hiểu.
• Huyên náo được đề cao hơn tĩnh tại và thinh lặng.
• Hướng ngoại được đề cao hơn hướng nội.
• Lởm chởm được đề cao hơn tròn trịa.
• Chủ nghĩa cá nhân được đề cao hơn chủ nghĩa tập thể.
Hãy cùng lần lượt phân tích những định kiến này và xem chúng đang cản trở bạn sử dụng nunchi để tạo lập cuộc sống tốt đẹp hơn như thế nào. Cần phải nói trước rằng những định kiến này thường rất khó thay đổi, nhưng chỉ cần nhận thức được về chúng cũng sẽ giúp bạn cải thiện năng lực nunchi.
CHƯỚNG NGẠI NUNCHI 1:
Đồng cảm được đề cao hơn thấu hiểu
Đường dẫn đến địa ngục được lát bằng sự đồng cảm.
Nunchi và sự đồng cảm có một số điểm tương đồng: cả hai đều hướng đến việc nắm bắt suy nghĩ và cảm nhận của đối phương, với mục đích cuối cùng là xoa dịu nỗi đau của họ. Một vấn đề trong nếp suy nghĩ của người phương Tây hiện đại là nhấn mạnh quá mức tầm quan trọng của sự đồng cảm. Vì một số lý do nào đó, sự đồng cảm nắm giữ vị trí vương giả trong các đức tính tốt và được xem là yếu tố cốt lõi để thấu hiểu người khác. Mặc dù đúng là tất cả những người tử tế trên đời này đều có năng lực đồng cảm, thế nhưng tách bạch ra mà nói, sự đồng cảm đang được đề cao quá mức. Sự đồng cảm có thể mang tính vị kỷ, và theo tôi, không phải lúc nào nó cũng dẫn đến sự thấu hiểu. Sự đồng cảm tập trung vào cá nhân đang cảm nhận nó. Cảm nhận của bạn.
Bởi lẽ sự đồng cảm và nunchi rất dễ bị nhầm lẫn với nhau, thế nên tôi đã vạch ra dưới đây một vài so sánh ngắn gọn giữa nunchi và sự đồng cảm.
Như bạn có thể thấy, sự đồng cảm và nunchi có nhiều điểm khác biệt, mặc dù bạn cần cả hai năng lực này để hòa hợp với người khác hoặc chỉ đơn thuần để hiểu họ. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, người từng là một nữ học trò cưng người Á, sự đồng cảm là một vũ khí mà người khác sử dụng để chống lại tôi. Có lẽ khi ai đó khiển trách rằng tôi nên “đồng cảm hơn” thì quá nửa số lần là bởi họ đang tìm cách làm cho tôi xấu hổ để tôi trở nên dễ bảo hơn. Nửa số lần còn lại là họ đang tìm cách khiến tôi bớt cảnh giác để có thể đạt được điều gì đó từ tôi.
Sự đồng cảm mà thiếu đi nunchi thì chẳng khác nào nói mà không có ngữ pháp hoặc cú pháp – chỉ là những tiếng ồn ào bát nháo.
Bạn đã bao giờ thử mua thảm tại khu chợ ở các nước Hồi giáo chưa? Thường là người bán hàng sẽ than thở rằng anh ta cần phải nuôi sống gia đình. Ý tôi là tôi hiểu rằng anh cần phải chu cấp cho gia đình và tôi đồng cảm với chuyện đó, nhưng nếu anh không thể lo đủ cơm áo gạo tiền dù định giá bán cao gấp trăm lần cho một tấm vải đẫm mồ hôi mà mới tuần trước còn được dùng làm đệm lót yên lạc đà, tức là anh đang làm không đúng. Anh bạn đang đi sai hướng rồi. Tôi đồng cảm với anh nhưng tôi xin mạn phép chỉ cho anh đôi chút về nunchi.
Ngày nay, chúng ta nghe nói nhiều về những người mắc chứng ái kỷ, rối loạn nhân cách chống đối xã hội, thần kinh không ổn định. Điểm chung của tất cả bọn họ là thiếu hụt khả năng đồng cảm. Tuy nhiên, cũng có những người đồng cảm quá mức; điều này có thể khiến họ trở thành nạn nhân của những người như trên.
Giả sử bạn là nạn nhân của bạo hành gia đình chẳng hạn, khi đó sự đồng cảm là kẻ thù của bạn. Sự đồng cảm có thể khiến bạn mất mạng. Đối tượng lạm dụng thường nhắm đến những người có nhiều sự đồng cảm, bởi những người này dễ thứ lỗi cho cách hành xử thô bạo nếu kẻ lạm dụng bị “mệt mỏi” hoặc “có tuổi thơ bất hạnh”. Trái lại, nunchi có thể giúp bạn nhận ra hành vi lạm dụng trước khi bạn lún quá sâu. Nó có thể cứu sống bạn.
QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI HÀN VỀ SỰ ĐỒNG CẢM
Tất nhiên, người Hàn không phải là những con quái vật vô tâm, họ cũng đề cao khả năng đồng cảm giống như nunchi. Kỳ thực, họ còn có một châm ngôn về tầm quan trọng của sự đồng cảm: “đổi chỗ mà suy ngẫm” (một thành ngữ Hàn có nguyên gốc từ Trung Quốc, được phát âm là yuk ji sa ji). Nói cách khác là “nhìn nhận mọi sự từ một góc nhìn khác”.
Câu tương đương trong tiếng Anh có lẽ là “xỏ chân vào đôi giày của người khác”. Nhưng bạn cũng có thể nhận thấy ngay được điểm khác biệt cơ bản giữa câu tiếng Hàn và câu tiếng Anh.
Câu thành ngữ tiếng Hàn “đổi chỗ mà suy ngẫm” chỉ hàm ý “dịch chuyển”, hoặc chiểu theo thuật ngữ của nunchi thì là “trèo lên một góc khác của căn phòng, giống như một chú mèo vậy”.
Tuy nhiên, câu thành ngữ tiếng Anh “xỏ chân vào đôi giày của người khác” thì lại có ý là “thử vờ như bản thân là người khác”.
Mỗi lần nghe câu này tôi đều thấy gai người. Chúng ta bị bệnh nấm da chân chính một phần là vì cái thói đi giày của người khác. Chưa kể đó còn là hành vi xâm phạm ranh giới cá nhân; việc không thể hiểu được người khác chừng nào chưa xỏ chân vào giày của họ đòi hỏi mức độ thân mật mà lẽ ra không một bài học cuộc sống nào nên đòi hỏi.
Nếu xỏ chân vào giày của người khác, bạn đang tự làm suy giảm khả năng nhìn nhận khách quan của chính bạn đối với vấn đề họ gặp phải cũng như toàn bộ tình huống. Nhà văn Pháp thế kỷ 19 Guy de Maupassant từng đưa ra một nhận định nổi tiếng, tháp Eiffel là địa điểm duy nhất tại Paris mà chúng ta không thể nhận ra Paris. Khi “hóa thân” thành người khác, bạn không thể nào thực sự nhìn nhận họ bằng con mắt khách quan bởi bạn đang ở quá chừng gần.
Cứ cho là bạn dốc hết sự đồng cảm trong lòng ra, thế rồi bạn hụt hơi bởi bạn không trải nghiệm trực tiếp những gì đối phương gặp phải và không thể hình dung nổi bản thân trong tình huống đó. Bạn sẽ nói gì đây, “Xin lỗi, tôi chẳng hiểu gì cả”?
Làm sao các bác sĩ có thể phẫu thuật nếu họ nhập tâm hoàn toàn vào trí óc của người bệnh? Một trong những người bạn thân nhất của tôi là bác sĩ. Cô ấy nhất quyết không nhận tôi làm bệnh nhân. Tại sao vậy? Đó là bởi sự đồng cảm quá mức của cô dành cho tôi vì đôi bên là bạn bè sẽ cản trở cô đưa ra những đánh giá khách quan.
Một ninja nunchi thực thụ có thể nắm bắt cảm xúc của người khác bất kể họ có mối liên hệ với người đó hay không. Vận dụng nunchi tức là bạn có thể nắm bắt những gì đang diễn ra kể cả bạn không có điểm chung nào với đối phương – thậm chí là bạn không nói cùng ngôn ngữ với họ.
CHƯỚNG NGẠI NUNCHI 2:
Huyên náo được đề cao hơn tĩnh tại và thinh lặng
Trong những nền văn hóa phương Tây, chúng ta thường không cổ xúy thói quen trầm tư mặc tưởng, thậm chí kỳ cục đến nỗi khi ai đó ngưng lại để suy nghĩ trước khi trả lời một câu hỏi, chúng ta liền thúc giục: “A lô, a lô, chim sẻ gọi đại bàng, nghe rõ trả lời.”
Nunchi tuyệt nhiên không dành cho những người thiếu khả năng tĩnh tâm. Để dễ hiểu hơn tầm quan trọng của việc làm lặng yên những suy nghĩ bên trong, bạn cần biết rằng nunchi không phải là mang tính văn hóa 100% – mà phần lớn là mang tính sinh học. Nunchi là phương tiện để tôn vinh toàn bộ năm giác quan, ruột (vốn được nhiều vị đạo sư thời nay gọi là “bộ não thứ hai”), cũng như phần não khôn ngoan, già dặn và mang tính bản năng hơn của bạn.
Đại khái, bộ não có thể chia làm ba phần. Tân vỏ não – phần kiểm soát hầu hết những gì chúng ta gọi là suy nghĩ có ý thức – đối với động vật linh trưởng, là phần chiếm thể tích lớn nhất trong bộ não. Đây là phần phát triển tiến hóa sau cùng của bộ não, và là phần phát triển chậm nhất trong suốt cuộc đời bạn. Thế nên có thể nói rằng tân vỏ não là phần trẻ nhất của bộ não nhưng nó lại nghĩ rằng nó là thông minh nhất.
Phần già dặn thứ hai của bộ não là não giữa, tất cả động vật có vú đều có phần này; đây là phần kiểm soát cảm xúc. Phần già dặn nhất là não bò sát, quyết định các hành động mang tính bản năng và sinh tồn. “Não Nunchi” (có thể gọi như vậy) đòi hỏi vận dụng toàn bộ ba phần của bộ não – tân vỏ não, não giữa và não bò sát – nhưng có phần ít chú trọng vào tân vỏ não.
Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta đánh giá cao nhất phần tân vỏ não khổng lồ. Và điều đó cũng hợp lý bởi chúng ta không thể làm người nếu thiếu đi tân vỏ não. Nhưng nó lại tạo ra quá nhiều “tiếng ồn”, nhấn chìm mất những thông điệp quan trọng mà các phần khác của bộ não và cơ thể truyền tải.
Để lắng nghe phần não có tính bản năng, già dặn và trầm lắng, bạn cần phải học những kỹ thuật để an định phần não trẻ hơn vốn ồn ào và hay đòi hỏi khắt khe (đôi khi còn được gọi là “tâm khỉ” bởi nó luôn vồ vập những thứ mới lạ). Đây là lý do mà các bậc thầy tâm linh và triết gia, từ Đức Phật đến Jesus, Marcus Aurelius1, các học giả Talmud, những tín đồ Công Giáo thời kỳ đầu và Eckhart Tolle2 đều khuyến khích mọi người thiền, cầu nguyện và thực hành tĩnh lặng. Để vận dụng tối ưu nunchi, bạn cần phải hành động trong tâm thái bình lặng.
1 Marcus Aurelius (121‒180) là một Hoàng đế La Mã, trị vì từ năm 161 đến khi ông mất vào năm 180. Ông cũng được xem là một trong những nhà hiền triết kiệt xuất nhất của chủ nghĩa Khắc kỷ. (ND)
2 Eckhart Tolle sinh năm 1948 ở Đức. Ông là một tác giả tâm linh nổi tiếng với các tựa sách bán chạy như The Power of Now, A New Earth, v.v.. (ND)
Sự tĩnh lặng tuy đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Một số người cảm thấy khó chịu mỗi khi nhắc đến thiền và cầu nguyện, tất nhiên tôi không thể nào thuyết phục họ thay đổi ý kiến. Nhưng vẫn có một số phương pháp “trần tục” mà bạn có thể sử dụng để tĩnh tâm nếu không thích những phương án trên.
Bạn có thể làm theo những gì mà tôi vẫn thi thoảng làm mỗi khi đầu óc tôi kêu la om sòm: đó là lúc đối phương đang nói, tôi sẽ nhẩm thầm trong đầu, lặp lại hoặc tóm gọn từng câu mà họ nói. Bài tập này giúp tôi khỏi bị bồn chồn; tránh ngắt lời họ; và nó khiến tôi trông có vẻ đang lắng nghe hết sức chăm chú – vì đúng là tôi đang thực sự chú tâm mà! Lắng nghe người khác là cách nhanh nhất để có được lòng tin và thiện cảm của họ. Đó là bởi (như nhiều bộ óc lỗi lạc trước tôi từng chỉ ra), sau thức ăn và nơi nương náu, nhu cầu lớn nhất của con người là cảm nhận được người khác lắng nghe mình. Phần lớn mọi người thậm chí còn chẳng quan tâm bạn có đồng tình với họ hay không, chỉ cần bạn lắng nghe là được.
CHƯỚNG NGẠI NUNCHI 3:
Hướng ngoại được đề cao hơn hướng nội
Vì lý do nào đó, người hướng ngoại được xem là những người khỏe mạnh và hạnh phúc, trong khi người hướng nội được xem là bi quan và chống đối xã hội. Trong một cặp vợ chồng, nếu một người hướng ngoại còn người kia hướng nội, họ có thể sẽ thường xuyên tranh cãi về cùng một chuyện trong những buổi tụ tập: “Tại sao anh/em lại rúc vào một góc trong khi bạn bè chúng ta đều ngồi cả ở đây?” Trong hầu hết các trường hợp, bạn bè của cặp đôi này sẽ đứng về phía người hướng ngoại và tập trung chú ý vào người trầm tính, có vậy thì họ mới “làm tròn trách nhiệm của mình” trong mối quan hệ giữa người với người.
Những người hướng ngoại trong tình huống này cần phải suy xét các giả định của họ: tại sao bạn lại dám chắc rằng người hướng nội đang không đóng góp vào bầu không khí của căn phòng? Nếu việc người hướng nội giữ khoảng cách làm cho bạn cảm thấy không thoải mái, tại sao bạn lại cho rằng đó là lỗi của họ mà không phải của bạn? Bạn không thể cứ vờ như các bạn đang ở trong một phòng khách thế kỷ 19, ai nấy đều ở đây vì nó là căn phòng ấm áp nhất trong nhà, và mọi người có thể tùy ý ngồi thêu, ngủ nghỉ, đánh bài hoặc làm bất kỳ điều gì họ muốn hay sao?
Nếu có cơ hội, bạn hãy thử tán gẫu với người hướng nội đó để hiểu hơn về họ. Rất có thể bạn sẽ nhận ra rằng họ là người hiểu rõ nhất về những động lực trong nhóm của bạn. Nhờ tách ra khỏi căn phòng, họ nắm bắt được những động lực trong tổng thể căn phòng và những tín hiệu không lời mà người hướng ngoại có thể bỏ lỡ.
CHƯỚNG NGẠI NUNCHI 4:
Lởm chởm được đề cao hơn tròn trịa
Một trong những cuốn sách ưa thích nhất hồi nhỏ của tôi là cuốn truyện dễ thương dành cho trẻ em James and the Giant Peach ( James và trái đào khổng lồ) của Roald Dahl. James, một đứa trẻ mồ côi, được một người đàn ông bí ẩn tặng cho lưỡi cá sấu ma thuật và cậu vô tình làm rớt xuống đất, thế rồi một quả đào to lớn lạ thường mọc lên. Sau đó, cậu đã chu du khắp thế gian bằng quả đào này cùng một nhóm bạn nhếch nhác là những con côn trùng đột biến khổng lồ. Đến một đoạn, quả đào bị lũ cá mập tấn công ngoài bờ biển của Bồ Đào Nha, nhưng không có gì nguy cấp cả, quả đào quá to và tròn nên lũ cá mập chẳng thể nào ngoạm được, và tất cả đều bình an vô sự.
Câu chuyện này luôn làm tôi nghĩ đến nunchi và mục tiêu trở nên giống như quả đào khổng lồ của James: tròn trịa, bành trướng, không có đường gờ lởm chởm để người khác có thể nắm lấy và chống lại bạn. Hãy là một quả đào, miễn nhiễm khỏi lũ cá mập.
Xã hội phương Tây có xu hướng ghi nhận những hành vi tự khẳng định bản thân. Điều này cũng dễ hiểu: những người hùng hổ luôn tìm cách thu hút sự quan tâm, nên lẽ tất nhiên chúng ta sẽ để ý đến họ hơn. Nhưng sự hùng hổ sẽ tạo ra những đường gờ lởm chởm và dẫn đến hai hệ quả: trước hết, những đường gờ này có thể làm đau người khác, dù bạn có muốn hay không: và thứ hai là bạn đang cho người khác một cái gờ – một cái móc quai – để nắm lấy và họ có thể không buông ra. Hãy tròn trịa, và bạn sẽ tương tác với người khác một cách suôn sẻ và dễ dàng.
Bạn không cần thay đổi hoàn toàn hành vi của mình. Sự tròn trịa thuộc phạm trù hiện hữu hơn là hành động.
Vậy làm sao để “trở nên tròn trịa”? Lần kế tiếp bạn có một cuộc xung đột, đừng chỉ cứ thế nói ra bất kỳ điều gì nảy ra trong đầu. Trước hết, hãy hít một hơi thật sâu và tự vấn bản thân hai câu hỏi đơn giản trước khi suy nghĩ hoặc hành động: “Mình đang làm gì và tại sao?”
Nghe thật ngớ ngẩn phải không? Nhưng hiệu nghiệm lắm đấy. Thậm chí câu trả lời của bạn là gì cũng chẳng quan trọng. Bằng cách tự vấn bản thân về những gì mình đang làm, bạn đã thoát ra khỏi tâm trí mình và nối kết với môi trường bên ngoài – bạn đang tạo ra sự tròn trịa.
Câu hỏi trên tạo ra một lực cân bằng tức thì trong bộ não của bạn, giống như một con thuyền chao đảo dữ dội đột nhiên đứng yên lại vậy.
Bạn đang định khiển trách một đồng nghiệp vì làm hỏng việc? Hãy tự hỏi bản thân: “Mình đang làm gì và tại sao?” Điều này không có nghĩa là bạn không được khiển trách người đồng nghiệp non kém kia – cứ làm vậy đi; ắt hẳn họ đáng bị như thế. Nhưng hành động này sẽ nhiều khả năng mang lại lợi ích cho bạn hơn nếu bạn tự vấn bản thân câu hỏi trên trước.
Kể cả bạn không tiết chế bớt hành động hoặc lời nói của mình, bạn cũng sẽ xử lý tình huống đó một cách có kiểm soát hơn hẳn. Bằng không, bạn sẽ hành xử một cách rối rắm và thiếu nhất quán. Cứ thử vẽ một vòng tròn trong khi ngồi trên một chiếc thuyền chao đảo dữ dội xem – bạn chẳng thể nào vẽ nổi đâu. Rốt cuộc, bạn sẽ chỉ vẽ ra những đường nét lởm chởm mà thôi.
CHƯỚNG NGẠI NUNCHI 5:
Chủ nghĩa cá nhân được đề cao hơn chủ nghĩa tập thể
Tại Hàn Quốc, nếu một đứa trẻ mất kiên nhẫn – chẳng hạn, nếu chúng đang đứng xếp hàng dài trước bàn buffet và kêu ca: “Chờ mãi chẳng đến lượt! Con đói lắm rồi! – người phụ huynh sẽ không nói: “Ôi, tội nghiệp con quá! Trong túi mẹ có nho cắt đôi sẵn rồi đấy.” Họ sẽ nói rằng: “Con có phải là người duy nhất trên đời này không?” (Seh-sang eh nuh man isso.) Đây là câu mắng vô cùng phổ biến của các bậc cha mẹ tại Hàn Quốc. Nói cách khác: “Đúng rồi con, mọi người đang đứng xếp hàng đều đói cả, con sẽ nhận ra điều này nếu con có nunchi.” Hoặc cũng có thể diễn đạt cách khác là: “Không phải thế giới xoay quanh mỗi mình con đâu!” Đây là một phần vô cùng quan trọng trong việc dạy dỗ con trẻ của người Hàn, và là một tư tưởng cốt lõi trong nunchi.
Người Hàn truyền dạy tư tưởng này cho con trẻ theo mọi cách. Chẳng hạn, trường học Hàn Quốc thường không có lao công. Học sinh lập thành từng nhóm và thay phiên nhau lau dọn lớp học mỗi ngày sau khi tan trường. Điều này mang lại một số bài học cuộc sống. Chẳng hạn như bạn càng gọn gàng ngăn nắp, bạn càng tốn ít thời gian để dọn dẹp hơn. Hay là nó làm thấm nhuần ý thức rằng lớp học cũng giống như một tổ ong: điều gì tốt cho một người thì cũng tốt cho tất cả mọi người.
Năm 2017, có một video được chia sẻ rộng rãi về một vụ tai nạn ô tô xảy ra tại một đường hầm dài tại Hàn Quốc. Chỉ trong chưa đầy một phút, toàn bộ ô tô trong hầm đã tạo ra một “con đường sống” để xe cứu thương có thể vào hầm ngay khi tới nơi. Các tài xế nhanh chóng đánh xe về phía bên phải đỗ sát tường đường hầm để tạo ra khoảng trống giữa đường. Tại Trung Quốc và Đức cũng có những video tương tự. Mỗi lần xem tôi đều cảm thấy thật phi thường, và chuyện này chỉ có thể xảy ra tại một nền văn hóa đề cao chủ nghĩa tập thể, chứ không chỉ đề cao chủ nghĩa cá nhân.
Trong một số nền văn hóa – những nơi đặt chủ nghĩa cá nhân lên hàng đầu – “con đường sống” sẽ không thể xuất hiện. Một số lượng đáng kể tài xế sẽ không có đủ năng lực nunchi để hiểu được những gì các tài xế khác đang làm. Hoặc họ nhận thấy những xe khác tấp vào lề và tự nhủ: “Mấy thằng ngốc này đang làm gì vậy trời? Ngon, giờ thì mình tha hồ đường thông hè thoáng rồi! Lên là lên là lên là lên!” Và rồi họ sẽ là nguyên nhân gây cản trở xe cứu thương tiếp cận vụ tai nạn. Hay lắm, đồ sát nhân.
Với nhiều người trong chúng ta, từ “chủ nghĩa tập thể” mang nghĩa tiêu cực. Có một số người ắt hẳn lúc nào cũng nhăn mày nhăn mặt mỗi khi nhìn thấy cụm từ đó, hoặc liên tưởng đến những đoạn phim tuyên truyền của Liên Xô cũ. Nhưng đừng lo: bạn không cần phải từ bỏ chủ nghĩa cá nhân của mình đâu; bạn chỉ cần phải công nhận rằng bạn là một phần của một trí tuệ tập thể.
Trong lần tiếp theo đến dự hoặc xem một sự kiện thể thao nào đó trên ti-vi, bạn hãy để ý những lúc dường như toàn bộ khán giả đều có cùng suy nghĩ: chẳng hạn tại các trận đấu bóng chày của Mỹ hoặc các trận bóng đá FIFA World Cup, khán giả sẽ tạo những đợt sóng cổ vũ, tức là từng nhóm đứng lên rồi lại mau chóng ngồi xuống, từng hàng dọc ghế một, để tạo ra hình ảnh một làn sóng gợn đi từ bên này sang đến bên kia sân vận động; và tại các trận đấu bóng bầu dục ở Anh, cổ động viên có thể bắt đầu hát “Swing Low, Sweet Chariot”. Ai là người loan báo cho những cổ động viên này biết thời điểm thích hợp để bắt đầu thực hiện hành động cổ vũ trên trong trận đấu? Làm thế nào mà tất cả mọi người đều nắm được? Không ai thực sự biết cả. Những thí dụ trên cho thấy rằng chúng ta vốn luôn nằm trong một tập thể. Nói rộng ra, điều này có nghĩa là hành vi của chúng ta tác động đến người khác bất luận chúng ta có muốn hay không.
Mục tiêu ở đây không phải là xóa bỏ những định kiến của bạn – thực sự không thể làm được chuyện đó đâu; chúng là một phần bản tính của bạn. Nhưng có ý thức về chúng sẽ đặt bạn vào con đường đúng đắn hướng tới nunchi. “Có ý thức” không chỉ là một khẩu hiệu phiền nhiễu nào đó của thời nay, đó là cách truyền đạt đến tâm trí rằng bạn đã sẵn sàng để thực hiện một bước nhảy vọt hướng đến phiên bản tốt nhất của chính cuộc đời mình.
HỎI ĐÁP NHANH
Lừa được bạn rồi nhé. Chương này sẽ không có mục hỏi đáp: vượt qua định kiến là cởi mở tâm trí bằng cách tự vấn bản thân những câu hỏi thay vì tập trung vào câu trả lời đúng! Nói cách khác: câu hỏi chính là câu trả lời.