Trong suốt chiều dài lịch sử, Hàn Quốc đã bị xâm lược 800 lần. Nguyên nhân là vì đất nước này nằm ngay cạnh Trung Quốc và Nhật Bản, và bất kỳ vị sử gia nào cũng sẽ phân tích rằng đó là tai ương của một đất nước nhỏ bé nhưng lại có vị trí chiến lược quan trọng.
Thế nhưng dù có lịch sử nhiễu nhương, người Hàn đã không chỉ vượt qua và bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ mà còn có nền kinh tế phát triển thịnh vượng. Không những vậy, làn sóng văn hóa Hàn Quốc còn ngày càng lan tỏa ở mức độ toàn cầu.
Theo công ty bán vé sự kiện StubHub, buổi trình diễn có lượng vé bán ra cao thứ ba trong mùa thu năm 2018 (sau Elton John và Ed Sheeran ở vị trí đầu tiên và thứ hai) là của nhóm nhạc K-pop BTS.
Và cũng thật khó hiểu tại sao các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc lại trở thành trào lưu nổi tiếng toàn cầu và được bày bán trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn từ Paris cho đến New York. Tuy mỹ phẩm Hàn Quốc không có đột phá nào so với các sản phẩm làm đẹp khác, thế nhưng chúng vẫn được xem là mang tính tiên phong và tân tiến đến mức K-beauty1 có sức ảnh hưởng được công nhận trên toàn cầu.
1 K-beauty là khái niệm chung để chỉ mọi sản phẩm chăm sóc da có xuất xứ từ Hàn Quốc (ND).
Vậy làm thế nào một đất nước mới chỉ 70 năm trước còn gần như không có hệ thống nước trong nhà lại trở nên phong lưu đài các chừng như không tưởng đến vậy?
Nunchi, tất nhiên rồi. Tôi xin mạn phép biến tấu một chút câu nói của Darwin, kẻ sống sót xứng đáng nhất không phải là kẻ mạnh nhất, mà là kẻ có nunchi nhanh nhạy nhất.
NGƯỜI HÀN LẤY NUNCHI CỦA HỌ TỪ ĐÂU?
Các câu chuyện cổ của Hàn Quốc đều ca ngợi nunchi, nổi tiếng nhất có lẽ câu chuyện về người anh hùng huyền thoại Hong Gildong (Hong là họ; không có quan hệ họ hàng gì với tôi cả), một Robin Hood của người Hàn hồi thế kỷ 16. Thân thế thật sự của ông vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng trong các sự tích dân gian, Hong đã vận dụng nunchi để thoát được một âm mưu ám sát, lật đổ một ông vua, và trở thành vua tại lãnh địa của mình.
Về cơ bản, mọi câu chuyện cổ từ xưa đến nay đều xoay quanh thắng lợi của nunchi trước nghịch cảnh. Giai thoại về Hong Gildong cũng không phải là ngoại lệ.
Hong là con trai một tỳ thiếp của đức vua (mẹ ông vốn không có chỗ đứng trong tầng lớp xã hội thời bấy giờ), do đó không được xem là con trai hợp pháp, mặc dù đức vua vô cùng sủng ái ông. Do sinh lòng đố kị nên Đại phi của đức vua đã ép Hong rời khỏi hoàng cung và ông phải sống dựa vào tài trí của mình... hay nói cách khác là nunchi của ông. Chính nhờ có nunchi mà Hong nhận ra mình đang ở trong tình thế nguy hiểm: ông cần phải rời khỏi quê nhà bằng không sẽ bị ám hại. Nunchi giúp ông biến hóa như tắc kè hoa trong mọi tình huống và ra những quyết định hành động thường là tối ưu, chẳng hạn như giả làm một viên quan triều đình mỗi khi ông muốn được người ta chú ý đến, hoặc vờ làm phu xe những lúc ông muốn tránh bị dòm ngó.
Để tìm hiểu kỹ hơn về Hong và nunchi của ông, tôi đã trò chuyện với Minsoo Kang, một giáo sư người Hàn về lịch sử châu Âu tại Đại học Missouri, St Louis, người đầu tiên chuyển ngữ sang tiếng Anh cuốn Hồng Cát Đồng truyện (Giai thoại về Hong Gildong)1. Không chỉ là một học giả, Kang còn là một trong những người đầu tiên hiện lên trong đầu khi tôi nghĩ về những người có nunchi ưu việt mà mình quen biết.
1 Minsoo Kang, The Story of Hong Gildong ‒ New York: Penguin Books, 2016 (TG).
Kang lý giải tại sao Hong, hoặc bất kỳ ai trong xã hội truyền thống của Hàn Quốc (nhất là một đứa con trai ngoài giá thú), lại cần đến nunchi: trong một hệ thống tầng lớp phức tạp và khắt khe (thậm chí mỗi tầng lớp còn chia ra nhiều tầng lớp nhỏ hơn!), nunchi là một năng lực không thể thiếu.
“Dưới thời Joseon [kéo dài từ cuối thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 19], những gia đình nhiều thế hệ sống cùng nhau trong một tổ hợp nhà khổng lồ”, Kang cho biết. “Kể cả giữa những người phụ nữ, mọi chuyện cũng hết sức rắc rối do hệ thống thứ bậc giữa các tỳ thiếp. Điều này trở nên cực kỳ phức tạp khi có nhiều đứa trẻ được sinh ra. Nếu sống trong hoàn cảnh như vậy, bạn buộc phải phát triển nunchi để tồn tại.”
Để hiểu hơn ngữ cảnh cho nhận xét của Kang, bạn cần biết rằng Hàn Quốc thời cận đại có ba tôn giáo chính. Theo thứ tự du nhập vào Hàn Quốc, đó là:
Chủ nghĩa duy linh: tín ngưỡng cho rằng mọi thực thể đều có linh hồn, nhất là các ngọn núi. Tương tự ở phương Tây có lẽ là Druidry của nền văn hóa Celtic cổ, tôn giáo đã tạo ra Stonehenge.
Nho giáo: hệ tư tưởng chính thống dưới triều đại Joseon, đề cao tính tôn ti trật tự trong xã hội và một hệ thống thứ bậc mà ở đó ai nấy đều hiểu rõ địa vị của mình.
Phật giáo: tôn giáo khó định nghĩa nhất trong cả ba, nhưng chủ yếu dựa trên niềm tin rằng cuộc sống vốn là bể khổ, và cách để có được tâm bình an trong một thế giới như vậy là sống một cuộc đời chiêm nghiệm và tỉnh thức về những hệ quả sâu xa cho những hành động của mình.
Mặc dù tư tưởng Nho giáo có nhiều mối liên quan nhất với câu chuyện của Hong Gildong, cả ba tôn giáo trên đều góp phần khiến người Hàn đề cao tầm quan trọng của việc chiêm nghiệm và nhận biết mức độ ảnh hưởng của hành động đến môi trường xung quanh.
Kang lý giải sắc bén tại sao người Hàn lại xem trọng nunchi đến vậy: “Phần lớn là do Hàn Quốc đã bị xâm lược rất nhiều lần trong lịch sử. Hàn Quốc là một đất nước quá nhỏ bé nên khó lòng chống trả, do đó người Hàn đã phải tìm cách thích ứng với hết kẻ xâm lược này đến kẻ xâm lược khác. Vậy làm cách nào để đối phó với những tộc người xa lạ tràn vào mảnh đất này – người Mông Cổ, người Mãn Châu, người Nhật? Người Hàn không còn lựa chọn nào khác ngoài trui rèn năng lực nunchi.”
Nếu không nhờ nunchi, nền văn hóa Hàn Quốc có lẽ đã tuyệt diệt từ lâu. Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc, từ năm 1919 đến năm 1945, ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc rơi vào tình trạng thoái trào. Chẳng hạn, nhiều gia đình người Hàn bị buộc đổi sang họ người Nhật.
Kang nhận định: “Nếu người Nhật chiến thắng Thế chiến thứ hai, kế hoạch của họ là triệt tiêu toàn bộ nền văn hóa và ngôn ngữ của Hàn Quốc.” Để lưu giữ bản sắc Hàn Quốc, đất nước này đã phải vận dụng tối đa năng lực nunchi. Trong tình cảnh hết sức ngặt nghèo, người Hàn phải khéo léo xoa dịu những vị lãnh chúa người Nhật, đồng thời tìm ra cách thức và thời điểm phù hợp để bảo tồn những tờ báo tiếng Hàn, những tín ngưỡng không thuộc Thần đạo và những tôn chỉ của người Hàn trong các trường học.
Kang cũng lý giải vai trò của nunchi đối với công cuộc phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc, đặc biệt là dưới thời vị tổng thống độc tài Park Jung-hee (Park là họ), người đã nắm giữ chức vụ tổng thống từ năm 1961 đến khi bị ám sát năm 1979. Kang giải thích: “Mặc dù tôi không ưa gì ông Park, nhưng ông ta đã nhìn ra đường lối duy nhất để Hàn Quốc trở nên thịnh vượng là mở cửa với thế giới, cử người dân ra nước ngoài học tiếng Anh và các kỹ năng khác, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người Hàn. Năng lực đọc vị con người và các nền văn hóa khác là tuyệt đối cần thiết.” Trái lại, ông Kang bổ sung, Triều Tiên đã đóng cửa hoàn toàn với thế giới, “đó là lý do vì sao hiện nay Triều Tiên là một nước có nunchi rất kém”.
Vậy làm sao chúng ta biết chắc rằng nunchi của người Hàn có hiệu quả? Đó là vì hiện nay có khoảng 70 triệu người nói tiếng Hàn trên thế giới; mà xét theo mọi lô-gic lịch sử, con số đó đáng ra phải là một số không tròn trĩnh.
Đối với đất nước Hàn Quốc hiện đại ngày nay, nunchi lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Kang chỉ ra rằng tại Hàn Quốc: “Nunchi là một phần của triết lý chính trị thực dụng. Các tổng thống Hàn Quốc đều vận dụng nunchi để đưa ra những động thái đối với Mỹ và Triều Tiên.” Quả thật, sau cú bắt tay lịch sử và bữa ăn mì lạnh giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018, nhiều phóng viên phương Tây bối rối không hiểu ý nghĩa của những gì vừa diễn ra. Làm sao mà bắt tay và ăn mì lạnh lại đem đến hòa bình được cơ chứ? Họ đã không hiểu rằng đó là một “trò chơi” nunchi của hai vị lãnh đạo này đối với phần còn lại của thế giới.
Mục đích của họ hầu như không hề nhắm đến chuyện thống nhất, như nhiều người nhận định. Mặc dù rất khó để nói chắc, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc gặp này là một động thái thách thức Mỹ, Nhật và Trung Quốc: tất cả những quốc gia cho rằng họ sẽ quản lý vi mô mối quan hệ giữa hai nửa bán đảo Triều Tiên.
Nếu bạn nghiên cứu các đoạn ghi hình có cả Moon và Kim, bạn sẽ nhận thấy hai bên đều thận trọng hành động sao cho đồng bộ với nhau (mặc dù chỉ người trong cuộc mới biết rõ điều đó có được lên kế hoạch từ trước hay không). Có thể thấy họ luôn lựa theo động thái của đối phương.
Đó chính là nunchi trong thực tiễn. Kể từ màn chào hỏi đầu tiên, họ đều cẩn trọng tỏ ra rằng không ai chiếm ưu thế hoặc bị lấn át. Họ cúi đầu chào nhau gần như cùng một góc độ và cùng một khoảng thời gian. Khi ôm nhau, họ cũng rời ra cùng một thời điểm. Khi được thết đãi bữa trưa đặc biệt là món mì lạnh Triều Tiên, cả hai đều chú tâm ăn uống với gần như cùng một tốc độ nhưng luôn thể hiện vẻ mặt lịch thiệp, không thể đọc vị. Giả dụ một trong hai người khoái trí húp mì xì xụp rồi luôn miệng khen ngon trong khi người còn lại ăn chậm chạp và tỏ thái độ nhăn nhó, thì những hành động này có thể được xem như tuyên bố của mỗi bên về Triều Tiên. Do đó, cả hai vị lãnh đạo lúc nào cũng giữ cho đôi bên có cùng một nhịp độ. Đây là một màn thể hiện tình đoàn kết của hai nước. Trong cuộc gặp thượng đỉnh này, có thể họ đã trao đổi về bóng rổ hoặc rượu cô-nhắc Hennessy, ai mà biết được. Nội dung trò chuyện vốn không quan trọng bằng toàn bộ màn thể hiện sức mạnh và quyền tự trị của đôi bên, trong khi gây bối rối cho các đối thủ chính trị khác một cách đầy chủ tâm.
Ngày nay, nunchi vẫn gắn liền với mọi khía cạnh của xã hội Hàn Quốc hiện đại. Những người phương Tây lần đầu làm ăn tại Hàn Quốc thường bối rối khi nhận ra rằng trong buổi gặp mặt đầu tiên, thứ hai hoặc thậm chí là thứ ba với đối tác người Hàn, việc làm ăn không hề được đưa ra thảo luận trực tiếp. Trong vài buổi gặp đầu tiên, người Hàn tìm cách xác định xem bạn có phải là người đáng tin cậy về lâu về dài và có đồng quan điểm với họ hay không – tất cả đều được họ xác định bằng cách quan sát.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng Sáu năm 2018, báo chí Hàn Quốc đã tiến hành phân tích điệu bộ, ngôn ngữ cơ thể và những chi tiết tưởng như vụn vặt khác của hai vị lãnh đạo. Nhiều nguồn truyền thông đã bình luận rằng cái bắt tay giữa Kim và Trump kéo dài 12 giây – một khoảng thời gian trung bình vừa đủ, không quá nhanh như cái bắt tay thông thường nhưng cũng không quá lâu đến kỳ quặc như cái bắt tay kéo dài 19 giây giữa Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Báo chí Hàn Quốc cũng nhận thấy rằng trong khi Trump bắt tay một số vị lãnh đạo như thể chơi kéo co – giật nhẹ tay đối phương và kéo họ về phía mình – thì vị trí cái bắt tay của Trump và Kim lại nằm ở chính trung tâm khoảng trống giữa hai người, và lực nắm của đôi bên dường như bằng nhau. Rất ít người biết rõ nội dung trao đổi của cuộc gặp đó, thế nhưng nhìn vào cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo, báo chí Hàn Quốc cho rằng nó chứng tỏ Mỹ và Triều Tiên muốn thể hiện phần được hoặc mất của nước này đối với nước kia là tương đương nhau.
THANG ĐO NUNCHI
Chuyên gia tâm lý học người Hàn Quốc Jaehong Heo, giáo sư khoa Tâm lý học tại Đại học Quốc gia Kyungpook nằm ở phía đông nam thành phố Daegu, hiện đang thử sử dụng nunchi như một mô hình mới để điều trị bệnh nhân tâm thần.
Heo đã tạo ra “Thang đo Nunchi” để đo nunchi “một cách khách quan”.1 Những thang đo tương tự đã được ngành khoa học xã hội phương Tây sử dụng hàng chục năm qua để đo lường sự tự tôn, mức độ hài lòng với cuộc sống, và Chỉ số Đồng cảm, khái niệm được nhà tâm lý học Cambridge lừng danh Simon Baron-Cohen phát triển.
1 Jaehong Heo và Wonju Park, ‘Development and Validation of Nunchi Scale’, Korean Journal of Counseling 14:6 (2013), pp. 3537–55 (TG).
Nhóm của Heo nhận thấy rằng năng lực nunchi tốt hơn có thể khiến con người ta sống hạnh phúc hơn: điểm cao trên Thang đo Nunchi cũng tương ứng với điểm cao về sự tự tôn, mức độ hài lòng với cuộc sống và Chỉ số Đồng cảm. Mục tiêu dài hạn của nghiên cứu này là đưa ra được một phương pháp điều trị dành cho bệnh nhân Hàn Quốc trong một bối cảnh văn hóa đặc trưng, bằng cách giúp họ cải thiện năng lực nunchi.
Trong một nghiên cứu, Heo và nhóm của mình đã tạo một danh sách những tuyên bố mà theo họ là điển hình nhất cho nunchi. Sau đó, họ tiến hành kiểm tra nunchi của 180 sinh viên thuộc độ tuổi học đại học.
Những tuyên bố được nhóm của Heo đưa ra (như là một tiêu chuẩn để đánh giá nunchi của một cá nhân) bao gồm những nội dung sau. Ở đây, những câu trả lời “có” thể hiện năng lực nunchi cao:
•Tôi cảm thấy không thoải mái mỗi khi nói gì đó mà không nắm rõ được tâm trạng/trạng thái tinh thần của đối phương.
•Tôi hiểu được ẩn ý của người khác khi họ nói bóng gió hoặc không nói thẳng.
•Tôi có thể nhanh chóng nhận biết tâm trạng và cảm xúc của người khác.
• Tôi không làm người khác cảm thấy thiếu thoải mái.
•Tại một buổi tụ tập, tôi có thể nhận biết dễ dàng đâu là thời điểm để ra về và đâu là thời điểm chưa nên ra về.
Từ nghiên cứu của Heo, chúng ta có thể thấy rõ rằng so với những người thiếu hụt nunchi, những người biết tự điều chỉnh cho phù hợp với cảm xúc của người khác và có khả năng đọc vị căn phòng chính xác thì thường cảm thấy cuộc đời dễ sống hơn.
Một vài điểm nữa cũng đáng lưu ý trong cuộc khảo sát. Đầu tiên là việc sử dụng từ “nhanh chóng” trong gạch đầu dòng thứ ba ở trên (và trong một vài câu hỏi khác không được đưa vào đây), điều này tương đồng với quan điểm đề cao tốc độ của nunchi (trái lại, Chỉ số Đồng cảm không có lưu ý gì về tốc độ). Thứ hai, “Tôi không làm người khác cảm thấy thiếu thoải mái” không thực sự là một hành động, đó là một sự không hành động. Điều này đưa đến một điểm thực sự quan trọng về nunchi: xin mượn một câu trong Lời thề Hippocrates của ngành Y, có thể nói rằng một nguyên tắc then chốt của nunchi là “Trước tiên, đừng gây hại.”
Chẳng vị bác sĩ nào lại lập tức kê đơn thuốc penicillin hoặc cho đi làm hóa trị ngay khi bệnh nhân vừa đến khám. Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán, từ đó mới xác định xem nên điều trị theo liệu pháp nào nếu cần thiết. Trước khi bắt tay điều chỉnh gì đó, bác sĩ phải đảm bảo rằng những gì họ làm không gây tổn hại cho bệnh nhân. Chẳng hạn, có một số người dị ứng với penicillin nặng đến mức có thể tử vong, hoặc bệnh ung thư của họ đã quá nặng và hóa trị sẽ chỉ làm họ thêm đau đớn khổ sở. Nếu không có chẩn đoán, cái việc gọi là cứu chữa đó không mang lại chút lợi ích nào.
Nunchi mách bảo rằng tất cả chúng ta đều nên cố gắng “trước hết, không gây hại”, nhưng chúng ta thường không làm theo vì nunchi không thắng nổi mong muốn sửa chữa mọi thứ của chúng ta. Đôi khi, có những người có ý tốt tìm cách “cải thiện” một tình huống nhưng thực chất lại chỉ làm mọi chuyện thêm tồi tệ.
Chẳng hạn, khi một người thiếu hụt nunchi bắt gặp ai đó đang khóc, có thể họ sẽ làm mọi người đều chú ý đến tình huống đó khi mang khăn giấy ra rồi hỏi oang oang rằng người kia có ổn không, thay vì quan sát xem liệu người đó có muốn được ở một mình hay không.
NUNCHI TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NGÀY TẠI HÀN QUỐC
Tại Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác, danh thiếp là vật dụng vô cùng quan trọng, ngay cả bây giờ vẫn vậy. Mặc dù nền công nghệ số và mạng xã hội của Hàn Quốc vượt xa phương Tây, thế nhưng người Hàn vẫn sử dụng danh thiếp bằng giấy. Không có chuyện họ yêu cầu một mối làm ăn mới tìm kiếm họ trên LinkedIn.
Từ lâu, người phương Tây đã không còn phụ thuộc vào danh thiếp. Có ít nhất hai công ty Mỹ đã hoãn in danh thiếp cho tôi cho đến khi nào tích đủ một lượng lớn nhân viên cần đến chúng, bởi họ muốn giảm bớt chi phí bằng cách in số lượng lớn. Người Hàn hẳn sẽ trố mắt kinh ngạc nếu bạn nói vậy với họ, điều đó chẳng khác nào ông sếp mới bảo với bạn rằng không có giấy vệ sinh trong phòng vệ sinh vì họ chỉ nhập kho vào dịp giảm giá trước Giáng sinh.
Tại Hàn Quốc, danh thiếp là đại diện cho danh tính của bạn. Một công việc không có danh thiếp thì không phải là một công việc; một cá nhân không có danh thiếp thì không phải là một thành viên đóng góp cho xã hội.
Tại Hàn Quốc, nếu ai đó đưa cho bạn danh thiếp, thì đó chính là một phần nối dài của cơ thể họ. Họ đưa danh thiếp cho bạn bằng cả hai tay trong khi cúi đầu; bạn cũng phải nhận lấy bằng cả hai tay và cúi đầu lại. Bạn nhìn vào tấm danh thiếp và chú tâm đọc trong khoảng vài giây. Bạn không được nhét nó vào túi quần sau, nhồi nó vào trong ví, dùng nó để ghi chú linh tinh hoặc vứt nó lung tung. Bạn đặt nó vào một cái hộp dành riêng cho danh thiếp.
Chuyện này đúng thật là bất tiện, nhưng mục đích chính là như vậy. Khi quan trọng hóa và bỏ tâm sức cho một thứ ít giá trị như danh thiếp, bạn thể hiện với đối phương rằng bạn coi trọng họ dẫu bản thân có phải chịu bất tiện.
Thói ham tiện lợi là kẻ thù của nunchi.
Giữ ống tay áo
Tại Hàn Quốc (cũng như tại nhiều khu vực khác, từ Trung Đông đến Đông Á), khi uống rượu, bạn phải rót cho người khác trước khi tự rót cho mình. Và khi rót rượu, bạn phải dùng tay không rót rượu đỡ ống tay áo của tay rót rượu. Đó là vì trang phục truyền thống của người Hàn thường có ống tay áo rũ dài xuống và dĩ nhiên không ai muốn vô tình nhúng ống tay áo vào cốc rượu của người khác.
Nhưng tại sao người Hàn lại tiếp tục duy trì truyền thống này, nhất là khi ống tay áo ngày nay không còn dài lòng thòng như xưa nữa? Kể cả khi mặc áo cộc tay, tại sao họ vẫn nắm lấy cẳng tay của mình? Bởi lẽ đó là một cách để khỏa lấp khoảng cách giữa bạn và người kia. Bạn đang thể hiện sự tôn trọng đối với họ bằng cách thực hiện mọi hành động với phong thái cẩn trọng. Đồng thời, bạn cũng ra hiệu cho não bộ tập trung vào giây phút hiện tại và lưu tâm đến người đối diện. Một lần nữa, đây là hành động thể hiện rằng nunchi quan trọng hơn là sự tiện lợi.
Kẻ thù số một của nunchi: điện thoại
Nếu chọn ra một bằng chứng cho thấy chúng ta hiện nay cần đến nunchi hơn bao giờ hết, thì đó chính là thực tế rằng nhiều người vừa đi bộ vừa cắm mặt vào điện thoại và chẳng hề nhận thấy một chiếc xe tải hai tấn đang sầm sập lao đến. Kể cả người tài xế có gào lên kêu họ để ý đường thì nhiều người cũng hầu như không nghe thấy gì, như thể xã hội quan niệm rằng trách nhiệm để ý người đi bộ đang sử dụng điện thoại của người tài xế phải ngang bằng, hoặc thậm chí lớn hơn, trách nhiệm để ý xe của người đi bộ.
Nếu việc nhìn vào điện thoại khiến bạn không thể nhận thấy những thứ to lớn như một chiếc xe đang lưu thông, thì tất nhiên nó cũng khiến bạn không nhận thấy được những dấu hiệu “nhỏ”, chẳng hạn như những gì người thân, đồng nghiệp hay cấp trên của bạn đang suy nghĩ hoặc cảm thấy. Bạn có thể ở một quán bar và đăng lên Twitter “Vui ghê!
#BạnCũMuônNăm” mà không hề nhận thấy rằng người bạn cũ của mình đang có chuyện buồn.
Nhìn vào điện thoại thì dễ dàng hơn nhiều so với quan sát những gì đang diễn ra xung quanh. Nhưng đó không phải là lỗi của công nghệ, mà là lỗi của chúng ta khi lựa chọn con đường dễ dàng hơn thay vì đối mặt với sự bất tiện của việc sống giữa mọi người. Đối với một ninja nunchi, việc không có khả năng xử lý những khoảng lặng ngượng nghịu chính là một điểm yếu.
Trên thực tế, tìm kiếm thú tiêu khiển gây sao lãng đã dần trở thành thói quen ăn vào máu của phần lớn mọi người, bởi hễ đang trò chuyện mà đôi bên im lặng trong khoảng 30 giây là họ cảm thấy căng thẳng thần kinh ngay lập tức. Tình trạng này trầm trọng đến nỗi nhìn vào điện thoại trong khi đang giao tiếp không còn bị xem là bất lịch sự, trên thực tế, yêu cầu ai đó cất điện thoại đi mới là bất lịch sự. Tất cả những vị giáo viên tôi quen biết mà từng thề rằng không bao giờ cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học thì sau cùng đều phải nhượng bộ.
Điện thoại thông minh chưa tồn tại đủ lâu để chúng ta có thể thấy được những ảnh hưởng dài hạn của thiết bị này, nhưng tôi đảm bảo rằng, nếu không có gì thay đổi, những người có thể bỏ điện thoại của họ xuống và đọc vị căn phòng tất sẽ tiến xa hơn trong cuộc sống.
Nhiều người trong chúng ta có thể thấy rõ rằng mạng xã hội không phải là một phương thức hiệu quả để đọc vị người khác, chính vì thế chúng ta mới khỏa lấp bằng những câu bình luận cường điệu đến nực cười như nói rằng một bức hình ấn tượng tới mức nó “làm sập cả Internet” hoặc “thổi bay tâm trí tất cả mọi người”. Những mô tả thông thường mà bạn sử dụng khi đối diện trực tiếp dường như là không đủ trên mạng xã hội, thế nên mới nảy sinh thứ ngôn ngữ khoa trương như thế.
Một ví dụ nhỏ tiêu biểu về mức độ hủy hoại của công nghệ đối với nunchi: tất cả chúng ta đều có một người bạn đang liên tục bị những kẻ mà họ gặp trên mạng lường gạt.
Bất luận bạn nắm rõ những tương tác trên mạng thế nào, bạn cũng chỉ nên đặt ít niềm tin vào những gì bạn học được qua đó. Chẳng gì có thể thay thế cho việc gặp mặt trực tiếp, bởi bạn vẫn cần phải quan sát những phản ứng tại thời gian thực, không có chuẩn bị trước của những người quanh bạn để biết được họ đang nghĩ gì trong đầu. Bạn không thể có được thứ bạn muốn từ người khác một cách hiệu quả nếu không thể đọc vị được họ, đơn giản vậy thôi.
Vậy làm thế nào để khắc phục những tác hại của công nghệ đối với nunchi? Bạn có thể thực hiện một vài biện pháp nhỏ nhưng sẽ tạo ra khác biệt lớn.
Trước nhất, biểu lộ cảm xúc qua tin nhắn chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cả. Tin nhắn đầu tiên của bạn là hướng đến người kia, nhưng mọi tin nhắn sau đó đều là hướng đến tin nhắn. Chỉ là điện thoại của bạn đang giao tiếp với một chiếc điện thoại khác. Làm vậy chẳng giải quyết được gì.
Giao tiếp mặt đối mặt rõ ràng là cách hội thoại tối ưu. Nhưng nếu người kia không có ở đó và bạn buộc phải dùng đến email, hãy kèm thêm những câu sau vào cuối email:
1. “Vậy bạn thấy sao?” – bởi bạn quan tâm đến suy nghĩ của họ, và bạn không thể đọc ngôn ngữ cơ thể của họ qua email.
2. “Hãy bàn thêm khi nào gặp nhau.” – nói cách khác, hãy nói chuyện trực tiếp.
Sau đó, hành động ngay: Bố trí lịch hẹn gặp mặt.
NUNCHI ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI HÀN
Bạn có thể nghĩ thế này: “Tôi không có ý định đi Hàn Quốc, vậy thì nunchi giúp ích được gì cho tôi?”
Sao bạn dám chắc rằng nunchi không hữu dụng ở nơi khác? Thử nghĩ xem tại sao một số người lại tiến hành những thương vụ làm ăn quan trọng trong khi đánh gôn hoặc tại sao phần lớn những buổi hẹn hò đầu tiên đều có tiết mục ăn tối. Có phải là để tiết kiệm thời gian bằng cách làm nhiều việc cùng một lúc không? Không. Chúng ta làm vậy là bởi ngầm tin rằng mình có thể biết được nhiều điều về người khác qua cách hành xử của họ khi chơi gôn hoặc dùng bữa trong nhà hàng.
Nunchi là một dạng trí thông minh cảm xúc. Mặc dù tầm quan trọng của trí thông minh cảm xúc trong mọi việc, từ nuôi dạy con cho đến trở thành một nhân viên nổi bật tại công ty, hiện nay đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên trong thực tế vẫn còn nhiều người ngấm ngầm bác bỏ nó. Nếu những người này hiểu rằng toàn bộ các nền văn minh đều được gây dựng dựa trên nunchi, có lẽ họ sẽ bớt ngờ vực trí thông minh cảm xúc.
Ngày xưa, nunchi từng là một yếu tố quan trọng của triết học và tôn giáo phương Tây cổ điển. Tất nhiên, người xưa không gọi nó là nunchi. Thế nhưng, những giá trị thể hiện triết lý của nunchi đều đã có từ thời cổ đại. Chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các nhà Khắc kỷ Hy Lạp và La Mã cổ đại, chẳng hạn như Marcus Aurelius, người giữ ngôi vị hoàng đế La Mã từ năm 161 đến năm 180. Trong cuốn sách Meditations (Suy tưởng), ông đã đưa ra nhiều lời khuyên nhỏ tiêu biểu cho triết lý của nunchi: “Quy tắc đầu tiên là giữ cho tâm không rối loạn. Thứ hai là nhìn thẳng vào mọi sự và hiểu rõ bản chất của chúng.”
Sách Châm ngôn trong Kinh Thánh khuyên rằng: “Một khi có quá nhiều lời lẽ, sự xúc phạm tất không thể tránh khỏi; khôn ngoan là kẻ biết kiềm chế đôi môi mình.”
Những nguyên tắc của nunchi cũng quan trọng đối với các tín đồ Cơ Đốc đầu tiên. Một vài người, chẳng hạn như một số vị thánh Cơ Đốc thời trung cổ, đã nhắc đến những khái niệm tương tự như “nhận thức sáng suốt” hoặc “khả năng suy xét”. Thực tế là từ thế kỷ thứ 7, Thánh John thành Damascus thuộc Chính thống giáo Đông Phương đã viết rằng nhận thức sáng suốt là “đức hạnh vĩ đại hơn bất kỳ đức hạnh nào khác, là hoàng hậu và vua của mọi loại đức hạnh”.
Theo Dom Alcuin Reid, một giáo trưởng dòng tu Benedictine tại Pháp đã viết bao quát về thần học: “Trong bối cảnh tôn giáo, sự nhận thức sâu sắc là quá trình rũ bỏ những dục vọng và thành kiến của bản thân, nhờ đó mà xác định được những gì là ý nguyện của Chúa. Mấu chốt của sự nhận thức sâu sắc là người quan sát cần phải bình thản suy xét tất cả những yếu tố có liên quan, trước khi đưa ra quyết định. Cứ thế làm những gì bản thân mong muốn thì không phải là sáng suốt.”
Trên thực tế, chúng ta khó lòng mà vượt qua được những thành kiến cố hữu của bản thân, nhưng nhận thức được chúng chí ít cũng giúp chúng ta tự vấn rằng mình đang hành động vì lợi ích cá nhân hay lợi ích chung. Bất luận có quan tâm đến ý nguyện của Chúa hay không, chúng ta đều có thể học cách nhìn nhận tình hình một cách toàn cục và sáng suốt.
Những đức tin truyền thống này của phương Tây ăn khớp hoàn hảo với triết lý của nunchi. Thế nhưng hiện nay, những giáo lý về sự tĩnh lặng và nhận thức sâu sắc dường như ngày càng mai một. Người phương Tây đề cao chuyện “tin tưởng vào bản thân” và con trẻ được dạy dỗ phải biết khẳng định cá tính riêng. Tự tin là tốt, thế nhưng tập trung quá mức vào bản thân có thể khiến chúng ta không chú ý đến quy ước xã hội – trách nhiệm của chúng ta đối với người khác. Chúng ta hoàn toàn đủ khả năng để sống thật với bản thân mà vẫn đối xử với người khác theo cách chúng ta muốn được đối xử, thay vì đòi hỏi thế giới phải tôn trọng chúng ta đúng mức chúng ta nghĩ rằng mình xứng đáng nhận được.
Những triết lý kiểu nunchi có thể được cho là không phù hợp với cuộc sống hiện đại, bởi chúng yêu cầu bạn đưa ra nhận định về người khác dựa trên những dấu hiệu hết sức mơ hồ. Vấn đề ở đây là phần lớn những tình huống trong cuộc sống đều không có dấu hiệu rõ ràng, thế nhưng chúng ta vẫn phải tìm cách vượt qua chúng. Nunchi có thể chỉ cho bạn cách tiếp cận thế giới này bằng sự sáng suốt, chứ không phải bằng định kiến.
HỎI ĐÁP NHANH
Đáp án nào sau đây thể hiện nunchi nhanh nhạy?
A. Sau khi uống trà, vị chủ nhà nói với bạn rằng: “Tôi không chắc là mình có mua đủ thịt cừu không, nhưng anh/chị có muốn ở lại dùng bữa tối không?” Bạn liền đáp: “Có chứ. Tôi chỉ ăn món phụ thôi cũng được.”
B. Tại cuộc họp, đồng nghiệp của bạn hoàn thành bài thuyết trình và nói rằng: “Nếu không còn câu hỏi nào nữa thì tôi nghĩ là chúng ta có thể nghỉ đi ăn trưa được rồi.” Đúng lúc đó, bạn lên tiếng: “Thực ra tôi còn thắc mắc chuyện này.”
C. Bạn biết rằng sếp của bạn thường ăn sô-cô-la để giải tỏa stress mỗi khi tâm trạng không tốt, thế nên bạn ngó qua sọt đựng rác của ông ấy để xem có vỏ bánh kẹo nào không trước khi đề nghị được thăng chức.
D. Bạn xông vào một căn phòng rồi kể chuyện cười.
Đáp án chính xác: C. Trong tình huống này, bạn đã dừng lại một khắc để quan sát và đọc vị tâm trạng sếp của mình, nhờ đó giảm thiểu khả năng bị từ chối yêu cầu.
Tình huống A là một cơn ác mộng của chủ nhà. Họ rõ ràng không hề muốn bạn ở lại. Nếu bạn cho rằng, “Đáng lẽ chủ nhà phải đề nghị tôi ra về nếu họ không muốn tôi ở lại”, thì đó là một thái độ rất bất lịch sự và bạn đang áp đặt hệ giá trị của mình lên người khác. Họ đang ở trong nhà họ, trời ạ, họ không có nghĩa vụ phải ăn nói thẳng thừng thay vì tỏ thái độ lịch sự chỉ bởi bạn thích như vậy hơn.
Với B, manh mối để bạn biết rằng mình nên giữ im lặng là cụm từ “ăn trưa”.
Còn với D, trừ phi là tòa nhà bị cháy, bằng không thì chuyện xông vào một căn phòng và nói bất kỳ điều gì trước khi quan sát căn phòng đó luôn là một ý tưởng tồi tệ. Biết đâu đấy trước khi bạn bước vào phòng, họ đang nói về vụ tấn công khủng bố vừa mới xảy ra. Theo tôi, đừng bao giờ nên bắt chuyện bằng một câu nói đùa. Chẳng ai lại ghét bỏ bạn vì bạn không bỡn cợt mỗi khi xuất hiện đâu.