C
on của bạn lớn nhanh như thổi trong giai đoạn này. Lúc này trẻ đã nặng 7-8 kg và cần thêm thức ăn phụ vào sữa mẹ để tiếp tục lớn nhanh.
THỜI ĐIỂM TẬP CHO TRẺ ĂN DẶM (ĂN BỔ SUNG)
Khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày), bạn có thể dùng muỗng đút cho trẻ chút nước súp, nước cháo hay trái cây. Nếu trẻ nhìn miệng khi mọi người ăn uống nghĩa là trẻ đã sẵn sàng để nếm thử thức ăn.
VẠN SỰ KHỞI ĐẦU NAN
Thức ăn sệt, đặc không giống sữa mẹ chút nào. Vậy bạn hãy kiên nhẫn và bình tĩnh giúp trẻ vượt qua giai đoạn này.
Thức ăn để tập ăn nên đơn giản, dễ làm và bạn đừng chú ý tới thành phần dinh dưỡng vội vì trẻ mới chỉ tập. Sữa mẹ vẫn cung cấp toàn bộ nhu cầu cho trẻ. Lúc này, điều quan trọng là cho trẻ làm quen với độ sệt và vị của thức ăn; nên cho trẻ ăn bằng muỗng thay vì cho mút, bú bằng bình. Nên tập cho trẻ ăn ngay trước cữ bú là lúc trẻ đói nhất, sau đó cho bú mẹ ngay cho trọn bữa.
Một số thức ăn để trẻ “tập ăn”
• Chuối, đu đủ, xoài nạo bằng muỗng.
• Một miếng nhỏ khoai lang hoặc khoai tây tán nhuyễn trộn với một ít sữa tươi hoặc sữa mẹ nặn ra.
• Một muỗng bột trẻ em đã chín pha với một ít nước chín hoặc sữa.
• Vài muỗng nước cơm trộn với sữa.
• Tán nhuyễn miếng bí đỏ, bí xanh từ nồi canh gia đình.
• Vài muỗng đậu hũ nước đường.
Tập cho trẻ ăn
• Lựa một trong các thức ăn trên cho trẻ nếm thử từng chút một. Nếu trẻ chịu ăn, bạn có thể tăng dần từ ít đến nhiều. Không cố gắng đút muỗng quá sâu vào miệng trẻ dễ gây nhợn, ói và làm trẻ có cảm giác bị ép ăn.
• Trẻ cần 3-5 ngày để làm quen với một loại thức ăn mới.
• Khi trẻ đã quen với một loại thức ăn, bạn hãy tập cho trẻ nếm loại mới cũng với cách trên. Dần dần trẻ đã quen với nhiều mùi vị, độ đặc của món ăn cũng tăng dần. Vậy là bạn đã vượt qua khó khăn đầu tiên.
Trẻ có thể gặp vài trục trặc
• Nếu trẻ chống cự, không chịu ăn, bạn có thể áp dụng cách khác. Thay vì dùng muỗng, bạn hãy lấy ngón tay sạch quẹt thức ăn cho trẻ nuốt. Nếu không thành công, bạn tạm lùi thời gian tập ăn lại 1-2 tuần. Không nên cưỡng ép trẻ.
• Nếu trẻ đi tiêu hơi lỏng, màu sắc có thay đổi chút ít, bạn cũng yên tâm tiếp tục cho trẻ ăn nếu trẻ vẫn khỏe, vẫn chơi.
• Tập cho trẻ ăn đủ chất trong mỗi bữa khi trẻ đã ăn giỏi. Tuy nhiên, phải tuân thủ nguyên tắc kéo dài 3 - 5 ngày với mỗi loại thức ăn mới để trẻ quen dần và để phát hiện ra loại thức ăn nào gây dị ứng cho trẻ để loại trừ.
Ở giai đoạn này, trẻ sẽ ăn từ 1/3 đến 1 chén mỗi ngày, tuy nhiên có bữa trẻ không muốn ăn, có lẽ là trẻ chưa đói, bạn hãy bình tĩnh chờ tới bữa ăn sau trẻ sẽ ăn ngon lành. Sự căng thẳng, gò ép của mẹ sẽ làm trẻ sợ dần bữa ăn và thức ăn. Thói quen ăn uống tốt quan trọng hơn so với việc phải ăn hết xuất trong lúc trẻ không muốn ăn!
Ngoài thức ăn dặm (ăn bổ sung), bạn có thể cho trẻ uống thêm nước trái cây hoặc ăn trái cây tán nhuyễn.
Có một số điều bạn cần lưu ý khi chế biến thức ăn cho trẻ trong giai đoạn này:
• Trứng phải được nấu chín hoàn toàn, không cho trẻ ăn “lòng đào”. Nếu phát hiện trẻ bị dị ứng với trứng như nổi mề đay, lác sữa, bạn hãy ngừng cho trẻ ăn trứng.
• Trứng có thể được thay bằng sữa bột, đậu hũ ở tháng đầu và sau đó là cá, thịt, tép... ở các tháng kế tiếp.
• Nếu trẻ nghẹn, khó nuốt có thể là do bột quá đặc, bạn cần làm cho bột loãng hơn bằng cách pha thêm một ít nước chín, nước canh, hoặc sữa.
• Nên sử dụng các loại dầu tinh luyện và các loại dầu trên nhãn ghi có thể sử dụng để trộn salad, được chiết xuất từ đậu nành, mè, hạt hướng dương, trái ô liu, hoặc từ các loại mỡ cá sống ở vùng biển sâu như cá hồi nhằm cung cấp các acid béo không no (chưa bão hòa) có lợi cho quá trình tăng trưởng của trẻ. Không dùng dầu chỉ dùng để chiên xào (cooking oil).
• Nên nêm rất ít nước mắm hay muối vào thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi để tạo thói quen ăn nhạt nhằm phòng ngừa bệnh cao huyết áp khi trẻ trưởng thành.
• Sữa mẹ, hoặc sữa công thức, đều có vị ngọt của đường lactose, nên để trẻ mau quen với việc ăn dặm, các loại bột chế biến thường sẽ được cho thêm chút đường, tuy nhiên, không nên nêm quá nhiều đường vì sẽ tạo cho trẻ xu hướng thích ăn ngọt dần đến tình trạng thừa cân - béo phì sau này, và đây là yếu tố nguy cơ của các bệnh mạn tính không lây như bệnh đái tháo đường, bệnh tim - mạch...