Trẻ em cần tăng trưởng mỗi ngày để trở thành một người lớn khỏe mạnh và thông minh. Cả cơ thể trẻ sẽ vừa phát triển về kích thước, vừa hoàn thiện dần các chức năng, vì vậy, trẻ rất nhạy cảm với sự thiếu hụt dưỡng chất, bởi đây là nguồn nguyên liệu chính yếu cho tất cả các nhu cầu trên.
Với trẻ, hai năm đầu đời là vô cùng quan trọng vì đây là giai đoạn trẻ phát triển nhanh nhất cả về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ 1 tuổi phải có cân nặng gấp ba lần cân nặng lúc sinh, trọng lượng não cũng tăng gấp ba lần trong năm đầu tiên. Trẻ 2 tuổi có chiều cao đúng bằng phân nửa chiều cao lúc trưởng thành.
Ví dụ: trẻ 2 tuổi cao 86 cm sẽ có nhiều khả năng trở thành một thanh niên cao 86 cm x 2 = 172 cm. Nếu trẻ không được nuôi dưỡng tốt, lúc 2 tuổi chỉ cao 75 cm, sẽ trở thành một thanh niên có chiều cao 75 cm x 2 = 150 cm.
Hai năm đầu đời cũng là thời điểm trẻ học ăn, học nói, học ngồi, học đi, học giao tiếp với cha mẹ, với mọi người xung quanh, nên việc chăm sóc khoa học, dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp trẻ lớn nhanh, tiếp cận tốt với thế giới bên ngoài.
Theo các công trình nghiên cứu, tầm vóc lúc trưởng thành và số lượng tế bào thần kinh phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bào thai và hai năm đầu đời. Do đó, muốn con cái có chiều cao lý tưởng, thông minh và khỏe mạnh, cha mẹ cần chăm sóc ngay khi trẻ còn trong bụng mẹ: mẹ phải tăng cân tốt trong thời gian mang thai (tăng tổng cộng 10 - 12 kg trong cả thai kỳ) để giúp thai nhi phát triển toàn diện, đặc biệt là hệ thần kinh, và cũng giúp mẹ có dự trữ để tạo nguồn sữa mẹ sau khi sinh.
Trẻ sinh ra nhẹ cân (tức cân nặng lúc sinh dưới 2,5 kg) dễ đau yếu, khả năng tử vong cao và thường trở thành các trẻ suy dinh dưỡng, còi cọc sau này.
Sau giai đoạn phát triển đặc biệt nhanh trong hai năm đầu đời, tốc độ phát triển của trẻ khá ổn định; cho đến lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì (10-15 tuổi), trẻ lại có sự gia tăng tốc độ tăng trưởng để từng bước trở thành người lớn. Từ 10 đến 15 tuổi, trẻ sẽ có một năm tăng vọt cân nặng và chiều cao (5-7 kg và 8-12 cm). Thời điểm này ở các trẻ không giống nhau, nhưng có một số quy luật chung:
• Giai đoạn tăng tốc ở trẻ gái xảy ra sớm hơn trẻ trai khoảng 2-3 năm. Vì thế, các em trai đầu cấp II thường đứng chỉ đến mang tai bạn gái, nhưng đến cuối cấp tình thế lại đổi ngược.
• Ở trẻ gái, thời điểm này thường trùng vào năm trước khi có kinh nguyệt lần đầu (lúc 11 - 13 tuổi).
• Sau một năm tăng vọt về cân nặng lẫn chiều cao, tốc độ phát triển của trẻ sẽ chậm dần, đặc biệt ở trẻ gái đến 15-16 tuổi gần như không tăng chiều cao nữa; còn ở trẻ trai, có thể tiếp tục cao đến 18 hoặc 20 tuổi.
• Trẻ gái thừa cân - béo phì dễ dậy thì sớm (khoảng 10 -11 tuổi).
• Khoảng 50% khối lượng xương được tích lũy trong giai đoạn thanh thiếu niên. Sự tích lũy xương giúp phòng ngừa chứng loãng xương ở tuổi trung niên và khi cao tuổi; sau 35 tuổi, xương không tích lũy nữa mà mất đi dần, tốc độ loãng xương của phụ nữ rất cao ở giai đoạn mãn kinh và khi về già.
THEO DÕI TĂNG TRƯỞNG CỦA TRẺ
Ở trẻ em, hàng ngày, hàng giờ các tế bào mới được hình thành, các cơ quan được hoàn thiện giúp trẻ ngày một khôn lớn; cách đơn giản nhất để biết trẻ đang phát triển như thế nào là thường xuyên cân và đo chiều cao của trẻ.
Sử dụng biểu đồ tăng trưởng (Trong sổ khám sức khỏe)
Một trẻ được nuôi dưỡng tốt sẽ tăng cân nặng và tăng chiều cao hàng tháng. Quan sát đường biểu diễn cân nặng trên biểu đồ tăng trưởng giúp xác định tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
Nếu đường biểu diễn song song hoặc đi lên so với đường cong chuẩn là trẻ đang tăng trưởng tốt, nếu đường biểu diễn cân nặng của trẻ đi xuống, tách xa dần đường cong chuẩn là biểu hiện trẻ tăng trưởng chậm, có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Trong trường hợp đó, bạn hãy đưa trẻ đi khám và tư vấn dinh dưỡng. Trẻ dưới 2 tuổi mà liên tiếp hai tháng không tăng cần là có vấn đề, cần xem lại chế độ ăn và tình trạng sức khỏe của trẻ. Trẻ xuống cân do bệnh nên cần được ăn tăng cường trong giai đoạn hồi phục để giúp trẻ tăng trưởng kịp với các bạn cùng trang lứa.
Ngược lại, đường biểu diễn cân nặng của trẻ đi lên và tách xa dần đường cong chuẩn là biểu hiện trẻ đang tăng cân nhanh hơn mức bình thường, có nguy cơ trở thành trẻ thừa cân, béo phì (trừ trường hợp trẻ đang phục hồi suy dinh dưỡng). Bạn hãy luôn nhớ rằng phòng ngừa béo phì thì dễ dàng hơn điều trị béo phì gấp nhiều lần!
Theo dõi sự tăng trưởng của trẻ theo bảng (Tham khảo phần phụ lục)
Trước hết, ở cột tuổi (cột dọc) bạn tìm hàng tương ứng với tuổi và giới tính của con mình, nếu cân nặng và chiều cao của trẻ nằm trong mức dao động từ -2SD (độ lệch chuẩn) đến +2SD là bình thường.
• Thấp hơn mức -2SD: thiếu cân, thiếu chiều cao theo tuổi.
• Cao hơn mức +2SD: thừa cân hoặc trẻ có chiều cao hơn trẻ cùng tuổi.
Một số trẻ có nặng cân hơn mức bình thường, nhưng nếu chiều cao cũng hơn mức bình thường thì bạn yên tâm, trẻ không bị thừa cân – béo phì, mà là trẻ cao lớn, cân đối, khỏe mạnh. Bảng “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng theo chỉ số cân nặng/chiều cao” sẽ giúp bạn xác định điều đó. Trước hết bạn hãy cân, đo trẻ. Ở cột dọc, bạn tìm chiều cao của con mình, đối chiếu với hàng ngang xem cân nặng của trẻ ở khoảng nào:
• Cân nặng của trẻ nằm trong khoảng từ -2SD đến +2SD: trẻ cân đối
• Cân nặng dưới mức -2SD: trẻ gầy so với chiều cao
• Cân nặng trên mức +2SD: trẻ thừa cân
Vậy là bạn đã theo dõi sự phát triển của trẻ thật tỉ mỉ bằng các bảng có chỉ số chuẩn. Song còn có cách khác giúp bạn theo dõi sự phát triển của con mình mà không cần dùng bảng, chỉ cần bạn nhớ các mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ.
Các mốc phát triển quan trọng của trẻ mà cha mẹ cần nhớ:
Trước hết cần xác định điểm xuất phát: một trẻ khỏe mạnh sinh ra có cân nặng trung bình là 3 kg và chiều dài trung bình là 50 cm.
Về cân nặng: một trẻ phát triển bình thường sẽ nặng gấp đôi cân nặng lúc sinh (CNLS) khi trẻ được 4-5 tháng tuổi (6kg); gấp ba lần CNLS khi trẻ được 1 tuổi (9-10 kg) và gấp bốn lần CNLS khi trẻ được 2 tuổi (12 kg), từ 3 tuổi trẻ sẽ tăng 2-3 kg mỗi năm cho đến tuổi tiền dậy thì (10-15 tuổi).
Về chiều cao: trong ba tháng đầu, chiều cao của trẻ tăng trung bình 3 cm/tháng; từ 4 đến 6 tháng, trẻ tăng trung bình 2 - 2,5 cm/tháng, từ 7 đến 12 tháng trẻ tăng 1- 1,5 cm/ tháng; trẻ 1 tuổi có chiều dài gấp rưỡi lúc sinh tức khoảng 75 - 77 cm; trẻ 2 tuổi cao trung bình từ 85 đến 87 cm; khi tròn 36 tháng tuổi chiều cao trung bình của trẻ là 95-96 cm, đến 4 tuổi tròn, chiều cao trung bình của trẻ là 104 -106 cm, sau đó, trẻ tăng đều đặn 5-7 cm mỗi năm cho đến tuổi tiền dậy thì (10-15 tuổi).