Đầu tiên, chúng tôi không phải là đối tác đúng nghĩa. Bill là một nhà tâm lí học thần kinh lâm sàng nổi tiếng toàn quốc, từng giúp đỡ nhiều trẻ em mắc các chứng lo âu, khuyết tật học tập hay các vấn đề về hành vi trong suốt ba mươi năm. Mọi người thường nhận xét anh là người điềm tĩnh, rất có thể do anh đã luyện tập Thiền siêu việt(1) hàng chục năm qua. Ned sáng lập PrepMatters, một trong những doanh nghiệp thành công nhất cả nước ở mảng dạy kèm. Anh là một người đầy năng lượng của thế hệ X(2), đang nuôi dạy những đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên và học sinh của anh vẫn thường nói rằng lòng nhiệt tình của anh bằng ba người cộng lại.
(1) Thiền siêu việt (Transcendental Meditation) là kĩ thuật thiền dùng tụng kinh và tập trung vào thần chú để luyện trí não làm tâm trí lắng đọng tới tầng sâu nhất nhằm phát huy toàn bộ tiềm năng của não. Bên cạnh đó vì bộ não và cơ thể có mối liên hệ mật thiết với nhau nên khi bộ não đạt đến trạng thái tĩnh lặng nhất thì cơ thể cũng đạt tới trạng thái nghỉ ngơi sâu nhất.
(2) Thế hệ X chỉ những người sinh ra giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1980.
Chúng tôi gặp mặt vài năm trước khi cùng là diễn giả khách mời cho một sự kiện. Khi bắt đầu chia sẻ, chúng tôi phát hiện ra một số điều khá thú vị. Mặc dù hoàn cảnh khác nhau, chuyên ngành khác nhau, cơ sở khách hàng khác nhau, nhưng chúng tôi đều nỗ lực giúp trẻ em vượt qua các vấn đề tương tự nhau theo những cách bổ trợ cho nhau đến mức kinh ngạc. Bill tiếp cận những vấn đề từ phương diện phát triển não bộ; Ned tiếp cận thông qua nghệ thuật và khoa học về hiệu suất. Trong lúc nói chuyện với nhau, chúng tôi nhận ra rằng kiến thức và kinh nghiệm của chúng tôi bổ sung cho nhau như những mảnh ghép trong trò chơi xếp hình. Trong khi khách hàng của Ned phải chiến đấu với nỗi sợ hãi không vào được trường Stanford, học sinh của Bill lại vật vã với việc đến trường, nhưng mỗi chúng tôi đều bắt đầu với cùng những câu hỏi cơ bản: Làm thế nào để giúp đứa trẻ này có được ý thức tự kiểm soát đối với cuộc đời của chính nó? Làm thế nào ta có thể giúp trẻ tìm ra động lực bên trong và tối đa hóa tiềm năng của trẻ?
Chúng tôi tìm ra ý thức tự kiểm soát thông qua nghiên cứu về căng thẳng và động lực, và chúng tôi theo đuổi nghiên cứu đó vì phần lớn công việc của chúng tôi là giúp trẻ giảm thiểu tác động của căng thẳng đối với sức khỏe tinh thần và hiệu suất của trẻ. Chúng tôi cố gắng nâng cao động lực tự thân của trẻ lên một mức độ lành mạnh, đâu đó ở giữa hai thái cực: một bên là động lực quá mạnh tới cầu toàn, bên kia là “để con chơi game trở lại cho rồi”. Khi chúng tôi phát hiện ra rằng, ý thức tự kiểm soát ở mức thấp sẽ gây căng thẳng tột độ, và sự tự chủ chính là chìa khóa để phát triển động lực,1 chúng tôi nghĩ rằng mình đã tìm ra được những thông tin vô cùng quan trọng. Chúng tôi khẳng định được suy nghĩ này khi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn, và phát hiện ra rằng, ý thức tự kiểm soát ở mức lành mạnh có liên quan tới gần như tất cả những thứ mà ta muốn trẻ có được, bao gồm sức khỏe tinh thần và thể chất, thành công trong học tập, và hạnh phúc.
Từ năm 1960 đến 2002, nghiên cứu cho thấy học sinh trung học và sinh viên đại học có điểm kiểm soát nội tại (niềm tin rằng bản thân có thể kiểm soát vận mệnh của mình) ngày càng thấp và điểm kiểm soát ngoại tại (niềm tin rằng vận mệnh là do tác nhân bên ngoài quyết định) ngày càng cao. Sự thay đổi này đi kèm với nguy cơ mắc chứng trầm cảm và chứng lo âu ngày càng tăng cao. Thực tế cho thấy, giới trẻ và trẻ vị thành niên ngày nay có nguy cơ phát triển những triệu chứng rối loạn lo âu cao gấp 5 đến 8 lần so với thế hệ trẻ ở các thời kì trước, bao gồm cả thời kì Đại khủng hoảng, Chiến tranh thế giới thứ hai và thời kì Chiến tranh lạnh.2 Không lẽ ngày nay tình thế còn khó khăn hơn cả trong thời kì Đại khủng hoảng sao? Hay chúng ta đã làm điều gì đó tổn hại đến cơ chế đối phó tự nhiên của bọn trẻ?
Không có được ý thức tự kiểm soát lành mạnh, trẻ sẽ cảm thấy bất lực, quá tải và thường trở nên thụ động hoặc đầu hàng số phận. Khi khả năng đưa ra những lựa chọn có ý nghĩa của trẻ bị chối bỏ, trẻ có nguy cơ trở nên lo lắng, khó kiểm soát cơn giận dữ, tự hủy hoại bản thân, hoặc tự ý sử dụng thuốc. Những đứa trẻ này khó có khả năng phát triển tốt, cho dù cha mẹ chúng có cung cấp bao nhiêu nguồn lực hay cơ hội. Cho dù trẻ có xuất thân như thế nào, nếu không có được ý thức tự kiểm soát, trạng thái lo lắng bất ổn tồn tại trong trẻ sẽ làm tổn hại đến trẻ.
Chúng ta đều làm tốt hơn khi có cảm giác rằng bản thân có thể tác động đến thế giới xung quanh mình. Điều này lí giải tại sao chúng ta vẫn nhấn nút đóng thang máy cho dù việc đó chẳng mấy khi hữu ích.3 Đó cũng là nguyên nhân tại sao trong một nghiên cứu quan trọng vào những năm 1970, các cụ già ở viện dưỡng lão được thuyết phục và cho thấy rằng họ có trách nhiệm đối với cuộc sống của chính mình sống lâu hơn các cụ được bảo rằng đó là nhiệm vụ của các y tá.4 Đó cũng là lí do tại sao những đứa trẻ được tự mình quyết định làm (hay không làm) bài tập về nhà sẽ là những đứa trẻ hạnh phúc hơn, ít căng thẳng hơn, và tất nhiên, có khả năng “điều hướng” cuộc sống của mình hơn.
Chúng ta mong muốn những đứa trẻ của mình có khả năng tham gia vào một nền kinh tế toàn cầu đầy cạnh tranh, có liên quan chặt chẽ và cảm thấy rằng chúng có thể thành công. Chúng ta yêu mến chúng, mong muốn chúng được hạnh phúc, sống vững vàng sau khi mình ra đi. Đây đều là những mục tiêu rất chính đáng. Nhưng để đạt được những mục tiêu đó, rất nhiều người trong chúng ta đã đưa ra các giả định sai lầm:
Giả định sai lầm 1: Con đường dẫn tới thành công rất nhỏ hẹp, Chúa không cho phép các con được sai lầm. Nếu cho trẻ được tự quyết, cái giá phải trả sẽ là quá đắt. Lí lẽ này dựa trên giả định về sự khan hiếm, giả định cho rằng, để thành công, giới trẻ phải luôn luôn cạnh tranh, bằng bất cứ giá nào.
Giả định sai lầm 2: Nếu muốn thành công trong cuộc sống, bạn phải thành công trong trường học. Chỉ có một vài người chiến thắng, còn kẻ thua cuộc thì rất nhiều. Hoặc là McDonald’s hoặc là Yale. Hậu quả là rất nhiều trẻ bị kích thích quá mức, hoặc từ bỏ việc cố gắng.
Giả định sai lầm 3: Càng hối thúc, trẻ càng trở nên thành công và tài năng. Học sinh lớp Sáu của chúng ta không đạt điểm cao bằng trẻ lớp Sáu ở Trung Quốc sao? Được rồi, vậy hãy dạy chúng toán lớp Chín. Việc vào đại học ngày một cạnh tranh hơn? Trời ơi, phải lập thời gian biểu căng hơn cho bọn trẻ, để chúng học và làm nhiều hơn.
Giả định sai lầm 4: Thế giới trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Chúng ta cần giám sát bọn trẻ liên tục để chúng không bị thương hay đưa ra những quyết định sai lầm.
Giờ thì, theo bản năng, nhiều phụ huynh đã hiểu được rằng những giả định trên là không đúng (và chúng ta sẽ dành một phần dung lượng của cuốn sách để vạch trần chúng). Nhưng quan điểm đó sẽ tiêu tan mỗi khi họ chịu áp lực từ bạn bè, trường học, hay các phụ huynh khác – để đảm bảo rằng con em mình không bị rớt lại đằng sau. Áp lực đó có nguồn gốc sâu xa từ nỗi sợ, mà nỗi sợ hãi gần như luôn dẫn tới những quyết định thiếu sáng suốt.
Chúng ta không kiểm soát được bọn trẻ, và kiểm soát trẻ không nên là mục tiêu của chúng ta. Vai trò của người lớn chúng ta là dạy trẻ suy nghĩ và hành động một cách độc lập, từ đó có óc suy xét để thành công trong học tập, và quan trọng hơn hết, trong cuộc sống. Thay vì thúc ép chúng làm những việc mà chúng không muốn, hãy tìm cách giúp chúng phát hiện ra điều chúng yêu thích và phát triển động lực nội tại. Mục tiêu của chúng ta là tránh xa mô hình cha mẹ gây áp lực cho con cái, chuyển sang mô hình nuôi dưỡng động lực của chính trẻ. Đó chính là đứa trẻ tự chủ mà chúng tôi nói tới.
Hãy bắt đầu với giả thiết rằng, trẻ có trí thông minh, chúng muốn có cuộc sống của mình, và với một chút trợ giúp, trẻ có thể quyết định được nên làm điều gì. Chúng biết rằng, thức dậy mỗi sáng và mặc quần áo là những việc quan trọng. Chúng cũng biết rằng cần phải làm bài tập về nhà. Trẻ cảm thấy áp lực cho dù chúng không thể hiện ra, và nếu chúng đang chật vật, việc rầy la chỉ làm chúng càng thêm kháng cự. Bí quyết ở đây là cho trẻ đủ sự tự do và tôn trọng để chúng tự ra quyết định cho chính mình. Cho dù chúng ta có thành công trong việc kiểm soát bọn trẻ, nhào nặn chúng thành con người, hay thứ chúng ta muốn, chúng ta có thể cảm thấy bớt căng thẳng hơn, nhưng bọn trẻ thì bị kiểm soát nhiều hơn, chứ không phải là được tự chủ.
Chúng ta sẽ bàn tới một số nghiên cứu quan trọng về khoa học thần kinh và tâm lí học phát triển trong cuốn sách này, cũng như chia sẻ một số kinh nghiệm trong sáu mươi năm làm việc với trẻ của cả hai chúng tôi cộng lại. Chúng tôi hi vọng có thể thuyết phục bạn đọc tự xem mình là một người tư vấn thay vì sếp hay người quản lý của con. Chúng tôi sẽ cố gắng cho bạn thấy sự sáng suốt của việc nói với con rằng “Con là người quyết định” càng thường xuyên càng tốt. Chúng tôi đưa ra các gợi ý để bạn giúp con trẻ tìm được động lực nội sinh của mình, và chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách chèo lái hệ thống giáo dục thường bất đồng trong việc trao cho trẻ sự tự chủ. Chúng tôi sẽ giúp bạn tiến đến sự hiện diện bình thản, là một trong những điều tốt đẹp nhất mà bạn có thể làm cho con, cho gia đình, và cho chính bản thân mình. Ở cuối mỗi chương, chúng tôi sẽ đưa ra các hoạt động có thể áp dụng và có hiệu quả tức thì.
Một số điều mà chúng tôi gợi ý có thể khiến bạn không mấy dễ chịu. Nhưng hầu hết, chúng đều mang lại cho bạn sự thoải mái. Tuy nhiên, cho dù bạn có hoài nghi đi chăng nữa, xin hãy nhớ rằng, khi chúng tôi chia sẻ các kĩ thuật này và tính khoa học đằng sau nó với nhiều gia đình mà chúng tôi đã làm việc cùng, chúng tôi đã chứng kiến nhiều kết quả tuyệt vời. Chúng tôi đã thấy sự phản kháng cố hữu chuyển thành những quyết định được cân nhắc thấu đáo. Chúng tôi đã thấy thành tích học tập và điểm thi của trẻ cải thiện đáng kể. Chúng tôi đã thấy những đứa trẻ từng cảm thấy quá tải, vô vọng, bất lực đã biết làm chủ cuộc đời mình. Chúng tôi đã thấy những đứa trẻ ban đầu phải chật vật đôi chút, nhưng cuối cùng cũng hạnh phúc, thành công – và thân thiết với cha mẹ hơn nhiều, điều mà ít ai ngờ tới. Trao cho trẻ ý thức tự chủ lành mạnh, và củng cố ý thức tự chủ lành mạnh của chính bạn là những việc hoàn toàn khả thi. Điều này dễ dàng hơn bạn tưởng, hãy để chúng tôi giúp bạn.