Adam, 15 tuổi, là học sinh năm thứ hai trung học, ngày ngày đi bộ từ căn hộ chật chội trong khu nhà ở xã hội ở phía Nam thành phố Chicago tới một ngôi trường công tồi tàn. Mùa hè năm ngoái, anh trai cậu bị bắn chết trong một vụ lái xe xả súng khi hai anh em đang cùng nhau đi ngang qua một góc phố. Giờ đây, cậu bé gặp khó khăn trong việc tập trung học tập, khó ghi nhớ bài học, thường xuyên bị gọi lên phòng hiệu trưởng vì những hành vi bột phát. Cậu bé không ngủ được và điểm số của cậu, vốn dĩ chưa bao giờ tốt, giờ lại tuột dốc tới mức có thể khiến cậu ở lại lớp.
Cô bé Zara, 15 tuổi, sống trong một căn nhà triệu đô và đang theo học tại một ngôi trường tư sang trọng ở Washington, DC. Ba mẹ kì vọng cô sẽ bứt phá trong Chương trình Học bổng Thành tích Quốc gia ở kì thi PSAT(1) vào mùa thu này. Vì thế, cô bé phải dành thời gian nghỉ giải lao trong những buổi tập luyện khúc côn cầu để ôn thi, tham gia tình nguyện cho chương trình Mái ấm Cộng đồng, cộng thêm ba đến bốn giờ làm bài tập hằng đêm. Điểm số của Zara rất cao, nhưng cô bé ngủ không ngon giấc. Cô bé rất hay cãi lại ba mẹ, cáu kỉnh với bạn bè, và kêu đau đầu thường xuyên.
(1) PSAT = Preliminary Scholastic Assessment Test: được coi là kì thi “sơ tuyển” cho kì thi SAT – kì thi chuẩn hóa phục vụ đăng kí vào nhiều trường đại học tại Hoa kỳ. PSAT chủ yếu dành cho học sinh lớp 10 và 11.
Chúng ta đều lo ngại cho trường hợp của Adam: số liệu thống kê cho thấy cậu sẽ gặp rất nhiều khó khăn phía trước. Nhưng điều ta chưa biết là trường hợp của Zara cũng đáng lo ngại không kém. Thiếu ngủ mãn tính và căng thẳng độc hại trong giai đoạn phát triển quan trọng của não bộ sẽ đe dọa sức khỏe thể chất và tinh thần của cô bé về lâu dài. Nếu đặt phim chụp não bộ của Zara và Adam cạnh nhau, chúng ta sẽ phát hiện ra những điểm tương đồng đáng kinh ngạc, đặc biệt là ở những vùng não tham gia vào hệ thống phản ứng với căng thẳng.
Trong những năm gần đây, chúng tôi đã biết nhiều về những tổn thương mà các vận động viên gặp phải do đầu bị va đập quá nhiều - dù là dùng đầu đỡ bóng, hay va chạm với anh chàng hậu vệ nặng khoảng 118kg đang cản đường đi. Ngày nay, chúng tôi nghĩ về hậu quả lâu dài của những chấn thương ấy: “Đúng là giờ anh ấy trông vẫn ổn, nhưng nếu có quá nhiều chấn thương như thế nữa, anh ta sẽ chẳng còn nhớ nổi tên của con mình.”
Chúng tôi nghĩ rằng căng thẳng cũng nên được đề cập đến theo khía cạnh này. Căng thẳng mãn tính gây tổn thương nghiêm trọng đối với não bộ, đặc biệt là não bộ của những người trẻ. Giống như việc cố trồng cây trong một cái chậu quá nhỏ. Bất kì người làm vườn nào cũng biết, làm như vậy sẽ khiến cây yếu dần đi và để lại những hậu quả lâu dài. Trong bất kì nhóm nhân khẩu học nào, tỉ lệ mắc các bệnh do căng thẳng gây ra đều ở mức rất cao, và các nhà khoa học đang hết sức nỗ lực để tìm ra nguyên nhân đằng sau sự gia tăng của chứng rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống, trầm cảm, uống rượu bia vô độ, và các hình thức tự ngược đãi bản thân đáng lo ngại ở giới trẻ.1 Như Madeline Levin đã chỉ ra, trẻ em và trẻ vị thành niên ở các gia đình giàu có có nguy cơ cao về mắc các chứng bệnh sức khỏe tinh thần, như rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc và rối loạn sử dụng chất gây nghiện.2 Trên thực tế, theo kết quả của một cuộc điều tra gần đây, tại một trường trung học giàu có và cạnh tranh ở Thung lũng Silicon, 80% học sinh mắc chứng lo âu ở mức độ từ trung bình tới nghiêm trọng và 54% mắc chứng trầm cảm ở mức độ từ trung bình tới nghiêm trọng.3 Hiện nay, trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng khuyết tật trên toàn cầu.4 Chúng tôi cho rằng căng thẳng mãn tính ở trẻ em và thanh thiếu niên là một vấn đề có mức độ nghiêm trọng tương đương với biến đổi khí hậu - một vấn nạn tích lũy qua nhiều thế hệ, và sẽ cần rất nhiều nỗ lực và thay đổi nhiều thói quen mới có thể vượt qua.
Vậy ý thức tự kiểm soát có liên quan gì đến những điều kể trên? Câu trả lời là: nó liên quan tới tất cả mọi thứ. Đơn giản, ý thức tự kiểm soát chính là thuốc giải độc cho căng thẳng. Căng thẳng là thứ người ta không biết, không muốn, và sợ hãi. Nó có thể là vấn đề rất nhỏ như cảm giác mất cân bằng, và cũng có thể nghiêm trọng như đấu tranh để sinh tồn. Bà Sonia Lupien, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Căng thẳng ở Người, đã đưa ra một từ viết tắt cho những tác nhân gây căng thẳng: N.U.T.S.
Novelty: Yếu tố mới mẻ
Những gì bạn chưa từng trải qua
Unpredictability: Yếu tố khó đoán
Những gì bạn không thể đoán trước
Threat to the ego: Mối đe dọa đối với bản ngã
Sự an toàn hoặc khả năng của bản thân bạn bị nghi ngờ
Sense of control: Ý thức tự kiểm soát
Bạn cảm thấy mình có rất ít hoặc không hề có quyền kiểm soát đối với tình huống5
Một nghiên cứu trước đây về sự căng thẳng ở chuột cho thấy rằng nếu người ta cho chuột đẩy một cái bánh xe, đổi lại là nó sẽ tránh được cú sốc điện, nó sẽ vui vẻ đẩy bánh xe và không bị căng thẳng lắm. Khi người ta lấy cái bánh xe đó đi, con chuột phải chịu căng thẳng rất lớn. Nếu bánh xe được đặt lại trong lồng, mức độ căng thẳng của chuột giảm đi rất nhiều, ngay cả khi bánh xe đó không còn gắn với thiết bị sốc điện nữa.6 Ở con người cũng vậy, việc có thể nhấn nút để giảm thiểu khả năng phải nghe tiếng ồn độc hại sẽ làm giảm mức độ căng thẳng của họ, ngay cả khi cái nút đó chẳng hề có tác dụng lên tiếng ồn, hay thậm chí bạn còn chẳng nhấn cái nút ấy!7 Hóa ra, ý thức tự kiểm soát quan trọng hơn rất nhiều, thậm chí còn quan trọng hơn việc bạn thực sự làm. Nếu bạn tin rằng mình có thể tác động đến tình huống, bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn. Ngược lại, ý thức tự kiểm soát thấp có thể là điều gây căng thẳng nhất trên thế giới.
Ở một mức độ nào đó, có thể bạn cũng biết điều này. Bạn có thể sử dụng cách này để lí giải cho việc dọn dẹp bàn làm việc trước khi bắt đầu một nhiệm vụ khó khăn. Hầu hết mọi người cảm thấy lái xe an toàn hơn so với ngồi máy bay (lẽ ra phải ngược lại), bởi vì họ tin rằng họ có nhiều quyền kiểm soát hơn. Một trong những lí do việc tắc đường khiến mọi người trở nên rất căng thẳng là vì chúng ta chẳng thể làm được gì với nó cả.
Có thể bạn cũng đã từng trải nghiệm sức mạnh của sự kiểm soát đối với con. Nếu bọn trẻ đang ốm hoặc phải vật vã với bệnh tật, và bạn cảm thấy mình chẳng giúp được gì, mức độ căng thẳng của bạn thường tăng cao. Thậm chí trong những tình huống ít áp lực hơn, như chứng kiến đứa con mới lớn lần đầu lái xe ra ngoài một mình, xem chúng thi đấu trong một sự kiện thể thao, hay biểu diễn trong một vở kịch, cũng có thể làm bạn căng thẳng. Vai trò của bạn là khán giả, bạn chẳng thể làm gì ngoại trừ ngồi đó và hi vọng mọi thứ sẽ tốt đẹp.
Quyền tự quyết có lẽ là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới hạnh phúc và sự an lạc của con người. Mọi người đều muốn cảm thấy rằng mình nắm giữ vận mệnh của chính mình. Bọn trẻ cũng vậy. Đó là lí do những đứa trẻ hai tuổi thường nói những câu kiểu như: “Để con tự làm.” và những đứa trẻ bốn tuổi thường khăng khăng “Bố không phải là sếp của con.” Đó là lí do chúng ta nên để trẻ làm những việc trẻ có thể tự làm, cho dù chúng ta đã muộn giờ và trẻ tự làm thì sẽ lâu gấp đôi. Đó cũng là lí do mà cách tốt nhất để khiến đứa trẻ năm tuổi kén ăn chịu ăn rau là chia đôi đĩa rau thành hai phần, và cho trẻ chọn phần trẻ thích. Kara, một trong số những khách hàng của Ned, có ký ức vô cùng rõ ràng về điều này. “Hồi còn bé, mỗi khi ba mẹ nói Con phải ăn món này hay món kia, cháu rất ghét câu đó. Thế nên nếu họ nói với cháu rằng cháu phải ăn món gì đó mà cháu không muốn, cháu sẽ ném nó lên bàn.” Kara chia sẻ rằng những chuyến đi cắm trại xa nhà là một đốm sáng trong tuổi thơ của cô bé, bởi vì những đứa trẻ đi cắm trại được ra quyết định làm gì và ăn gì trong ngày từ nhiều lựa chọn khác nhau. Khi được tự do đưa ra quyết định, Kara đã ăn rất tích cực.
Chúa ơi, cắm trại xa nhà không phải là thế giới mà chúng ta sống. Khi Kara khoảng 12, 13 tuổi, cô bé bắt đầu mắc chứng lo âu. Cô bé nói, “Cháu nghĩ cháu bắt đầu mắc chứng lo âu khi người ta yêu cầu cháu phải làm gì, khi cháu cảm thấy mình không có quyền kiểm soát. Sau đó, cháu chuyển trường và phải lo lắng về việc thích nghi với môi trường mới, về suy nghĩ của những người khác, cháu cho rằng việc đó khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nữa. Đối với cháu, việc cảm thấy mình có ý thức tự kiểm soát, mình được làm chủ cuộc đời mình, vô cùng quan trọng. Ngay cả bây giờ, cháu cũng thích cha mẹ cho cháu quyền lựa chọn. Nếu là mẹ của bạn cháu, bà ấy sẽ nói: “Mình chơi trò này một lúc, sau đó cùng nướng bánh nhé.” Điều đó cũng tuyệt thôi, nhưng cháu sẽ phát điên nếu lúc nào cũng phải nghe: “Đây là kế hoạch thực hiện” thay vì được hỏi cháu muốn làm gì.”
Những ví dụ trên là những tình huống điển hình mà hầu hết mọi trẻ em đều phải trải qua mỗi ngày. Nếu bạn còn hoài nghi về việc trẻ em và trẻ vị thành niên như Kara có rất ít quyền kiểm soát, hãy nghĩ về cuộc sống hằng ngày của trẻ: bọn trẻ phải ngồi ngay ngắn ở lớp học không phải do trẻ lựa chọn, do các thầy cô giáo được phân công ngẫu nhiên giảng dạy, bên cạnh các bạn học cũng được xếp lớp ngẫu nhiên. Bọn trẻ phải xếp hàng nghiêm chỉnh, ăn uống theo giờ giấc nhất định, thậm chí đi vệ sinh cũng phải xin phép giáo viên. Và hãy xem xét cách chúng ta đánh giá trẻ: không phải dựa trên thực tế trẻ đã cố gắng luyện tập ra sao, hay trẻ đã tiến bộ như thế nào, mà là dựa trên việc một đứa trẻ khác có bơi hoặc chạy nhanh hơn trẻ tại một sự kiện vào thứ Bảy tuần trước hay không. Chúng ta không đánh giá việc trẻ hiểu bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học như thế nào, mà bằng những điểm số mà trẻ đạt được trong các bài kiểm tra các thông tin được lựa chọn ngẫu nhiên.
Con người thường trở nên bực bội và căng thẳng khi cảm thấy bản thân bất lực, vậy mà rất nhiều trẻ phải sống trong cảm giác đó suốt ngày. Là những người trưởng thành, chúng ta đôi khi vẫn nói với bọn trẻ rằng trẻ phải làm chủ cuộc đời mình, thế nhưng chúng ta luôn giám sát chúng rất chặt chẽ: bài tập về nhà, các hoạt động sau giờ học, và các mối quan hệ bạn bè. Hoặc là có lẽ chúng ta nên nói với trẻ rằng thực sự thì không phải trẻ, mà bố mẹ mới là người làm chủ cuộc đời của chúng. Dù nói theo cách nào, chúng ta đều khiến trẻ cảm thấy bất lực và khi làm như vậy, chúng ta đang phá hủy mối quan hệ với con cái.
Có một cách khác. Trong hơn sáu mươi năm qua, rất nhiều nghiên cứu tìm ra mối quan hệ chặt chẽ giữa ý thức tự kiểm soát lành mạnh và gần như mọi điều tích cực mà cha mẹ mong muốn con trẻ có được. Ý thức tự kiểm soát – niềm tin rằng chúng ta có thể điều khiển cuộc đời mình nhờ vào nỗ lực của chính bản thân – khiến chúng ta có sức khỏe thể chất tốt hơn, ít sử dụng chất gây nghiện và bia rượu, tuổi thọ dài hơn, cũng như mức độ căng thẳng thấp hơn, cảm xúc tích cực, động lực nội tại cao hơn và khả năng kiểm soát hành vi tốt hơn, kết quả học tập được cải thiện, và sự nghiệp thành công hơn.8 Giống như tập thể dục và giấc ngủ, ý thức tự kiểm soát gần như có lợi cho tất cả mọi thứ, có lẽ là vì nó đại diện cho một nhu cầu sâu thẳm trong mỗi con người.
Trẻ em được “kết nối” để có quyền kiểm soát, cho dù chúng lớn lên ở phía Nam Bronx, Thung lũng Silicon, Birmingham, hay Hàn Quốc. Vai trò của người lớn không phải là ép buộc trẻ đi theo con đường mà ta đã vạch sẵn, mà là giúp trẻ phát triển các kĩ năng để trẻ tự tìm ra con đường phù hợp với bản thân. Trẻ cần phải tìm ra con đường của chính mình, và tự mình điều chỉnh con đường đó – trong suốt cuộc đời.