Chúng tôi muốn làm rõ một điều: Chúng tôi nghĩ rằng không thể nào bảo vệ bọn trẻ khỏi mọi tình huống căng thẳng, và chúng tôi cũng không muốn làm như vậy. Trên thực tế, nếu trẻ luôn luôn được che chắn bảo vệ khỏi các tình huống có thể khiến chúng lo lắng, việc đó sẽ càng khiến chúng lo lắng hơn. Chúng ta muốn trẻ học được cách xử lí các tình huống căng thẳng đó một cách thành công – chính là có sức chịu đựng căng thẳng cao hơn. Đó là cách trẻ phát triển sự kiên cường. Nếu trẻ cảm thấy mình có quyền kiểm soát trong một tình huống căng thẳng, trong những tình huống sau này khi trẻ không thực sự có quyền kiểm soát, bộ não của trẻ sẽ được trang bị để đối phó với căng thẳng tốt hơn.9 Trên thực tế, trẻ đã được miễn dịch.
Trong suốt tuần đầu tiên học lớp Một, ngày nào đi học Bill cũng khóc bởi anh không quen bạn nào trong lớp. Cô giáo của Bill luôn âm thầm hỗ trợ anh, và khi các trẻ khác thì thầm với cô rằng “Cô Rowe ơi, bạn Bill đang khóc”, cô sẽ nói để Bill nghe thấy: “Bạn ấy sẽ ổn thôi. Bạn ấy sẽ thích lớp học này, các em đừng lo.” Trên thực tế, Bill đã tìm ra cách kiểm soát căng thẳng trong một môi trường xa lạ và những kĩ năng đối phó mà anh học được dường như có thể áp dụng rộng rãi vì anh không bao giờ khóc khi đến một nơi xa lạ nữa (cho tới bây giờ vẫn thế). Cô giáo đã đúng khi để Bill tự tìm ra cách, thay vì nhào tới giúp đỡ và khiến anh cảm thấy mình không thể tự xoay xở được.
Hội đồng Khoa học Quốc gia về Sự phát triển của Trẻ em đã xác định được ba loại căng thẳng:10
1. Căng thẳng tích cực giúp trẻ em (và người lớn) có động lực phát triển, dám mạo hiểm và hoạt động với cường độ cao. Ví dụ khi bọn trẻ tập kịch, ban đầu trẻ có một chút căng thẳng và hồi hộp, nhưng sau đó trẻ sẽ ngập tràn cảm giác đạt thành tựu và tự hào. Chúng ta có thể gọi cảm xúc này là sự hồi hộp, phấn khích hay háo hức. Trừ phi trẻ hồi hộp quá mức, sự hồi hộp này thường sẽ khiến trẻ thể hiện rất tốt. Những trẻ có sự căng thẳng tích cực biết rằng trẻ có quyền kiểm soát đối với việc trẻ có biểu diễn hay không. Trong trường hợp đó, trẻ thường sẽ càng kiên trì và có thể phát huy tiềm năng tối đa nếu trẻ biết rằng trẻ không phải làm gì đó.
2. Căng thẳng có thể chịu được, xảy ra trong một thời gian tương đối ngắn, cũng có thể nâng cao sự kiên cường. Điều đặc biệt quan trọng là phải có người lớn nhiệt tình hỗ trợ bên cạnh và trẻ cần có thời gian để ứng phó và hồi phục. Ví dụ, trẻ chứng kiến cha mẹ tranh cãi rất nhiều khi họ sắp li hôn. Nhưng cha mẹ vẫn nói chuyện với trẻ, và không phải đêm nào cũng cãi nhau, trẻ có thời gian để phục hồi. Đây là dạng căng thẳng có thể chịu được. Một ví dụ khác của dạng căng thẳng có thể chịu được có thể là việc bị bắt nạt, miễn là quãng thời gian bị bắt nạt đó không quá dài, không lặp lại quá thường xuyên và trẻ được người lớn quan tâm, hỗ trợ. Căng thẳng có thể chịu được thậm chí có thể là khi một người thân qua đời. Trong một nghiên cứu nổi tiếng, các sinh viên sau đại học tách các con chuột con khỏi chuột mẹ và giữ chúng trong khoảng 15 phút mỗi ngày (việc này làm chuột căng thẳng) và sau đó trả chúng lại với chuột mẹ. Chuột mẹ sẽ liếm và làm sạch lông cho chúng. Việc này được thực hiện lặp lại trong suốt hai tuần đầu tiên sau khi chuột con ra đời. Khi trưởng thành, những con chuột bị tách khỏi mẹ và bị kiểm soát trong một quãng thời gian ngắn đó kiên cường hơn so với những con chuột không bị tách khỏi mẹ.11 Các nhà nghiên cứu gọi chúng là “những con chuột California điềm tĩnh”, vì chúng rất khó bị căng thẳng khi trưởng thành. Có lẽ, trong những tình huống như vậy, não bộ đã được rèn luyện để đối phó với tình huống, và nó tạo nền móng cho sự kiên cường.12
3. Căng thẳng độc hại được định nghĩa là hệ thống phản hồi căng thẳng bị kích hoạt thường xuyên hoặc trong thời gian kéo dài mà không được hỗ trợ. Căng thẳng độc hại có thể hoặc thực sự nghiêm trọng, ví dụ như phải chứng kiến một vụ tấn công, hoặc là lặp lại ngày này qua ngày khác, trường hợp này là mãn tính. Những người lớn có thể hỗ trợ trẻ - những người hạn chế tối đa việc trẻ phải tiếp xúc với những vấn đề mà trẻ chưa đủ lớn và sẵn sàng để đối mặt – lại không có mặt trong trường hợp này. Trẻ nhận thấy bản thân có rất ít khả năng kiểm soát đối với việc đang diễn ra. Dường như không có cứu viện, không thấy lối thoát hay không thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Đây chính là môi trường sống của rất nhiều trẻ ngày nay, có thể là những học sinh đang gặp rắc rối dễ thấy như Adam hay những học sinh tưởng như siêu việt như Zarah. Căng thẳng độc hại không trang bị gì cho bọn trẻ để đến với thế giới thực. Nó hủy hoại khả năng phát triển của trẻ.13 Quay lại thí nghiệm về chuột, khi chuột con bị tách khỏi chuột mẹ ba giờ một ngày, chứ không phải 15 phút, trải nghiệm này gây căng thẳng đến mức khi được trả về với chuột mẹ, chúng không tương tác với mẹ nữa. Và chúng rất dễ bị căng thẳng trong suốt phần đời còn lại.14
Vậy chúng ta có thể tận dụng tốt căng thẳng tích cực hay căng thẳng có thể chịu được, và tránh căng thẳng độc hại bằng cách nào? Theo lí thuyết thì rất dễ, nhưng việc áp dụng thì thực sự khó: Trẻ cần một người lớn nhiệt tình hỗ trợ ở bên cạnh, trẻ cần thời gian để phục hồi từ những tình huống căng thẳng, và trẻ cần có ý thức tự kiểm soát đối với cuộc đời mình.