Để hiểu được cách làm việc đó, chúng ta nên biết một chút về cách vận hành của bộ não. Trong những thời khắc hoài nghi bản thân, hiểu biết về bộ não sẽ giúp trẻ nhận ra rằng hầu hết các hành vi của trẻ là phản ứng, chứ không phải tính cách. Bọn trẻ ngày nay đều là những người sành công nghệ, nhưng trẻ hầu như lại chẳng biết gì về “phần cứng” trong đầu mình, hay “phần mềm” vận hành phần cứng đó. Chúng tôi hi vọng bạn sẽ thấy rằng một chút kiến thức về khoa học não bộ sẽ giúp bạn lí giải rất nhiều điều về những suy nghĩ và cảm xúc mà tất cả chúng ta đều có những lúc gặp khó khăn trong việc kiểm soát. Những ai đã biết rõ cơ chế vận hành của não bộ, xin hãy kiên nhẫn trong khi chúng tôi trình bày những thông tin chi tiết.
Có bốn hệ thống chính trong bộ não tham gia vào quá trình phát triển và duy trì ý thức tự kiểm soát lành mạnh: hệ thống kiểm soát điều hành, hệ thống phản hồi căng thẳng, hệ thống tạo động lực và hệ thống vận hành trạng thái nghỉ ngơi. Chúng tôi sẽ trình bày ngắn gọn về chức năng của từng hệ thống.
1. Ba trong số những bộ phận quan trọng nhất của não bộ điều tiết căng thẳng và kiểm soát xung động là vùng vỏ não trước trán, hạch hạnh nhân và hồi hải mã.
Phi công (Hệ thống kiểm soát điều hành)
Hệ thống kiểm soát điều hành được điều khiển chủ yếu bởi vùng vỏ não trước trán, nơi thực hiện việc lên kế hoạch, tổ chức, kiểm soát xung động và đưa ra phán đoán. Khi chúng ta bình tĩnh, hoàn toàn nghỉ ngơi, và có quyền kiểm soát – khi chúng ta suy nghĩ lí trí – vùng vỏ não trước trán kiểm soát, tổ chức và điều khiển phần lớn bộ não. Thực ra, biến số quan trọng trong việc xác định mức độ căng thẳng của chúng ta trước các trải nghiệm trong cuộc sống là việc vùng vỏ não trước trán nhận thức được nó có bao nhiêu quyền kiểm soát.
Vùng vỏ não trước trán được gọi là “Goldilocks của não bộ” bởi nó cần có sự kết hợp “vừa đủ” các chất dẫn truyền thần kinh dopamine và norepinephrine để vận hành hiệu quả.15 Nó rất dễ bị căng thẳng làm tạm ngưng hoạt động. Sự hưng phấn, căng thẳng nhẹ, phấn khích, hay hồi hộp nhẹ trước kì thi sơ bộ có thể làm tăng mật độ các chất dẫn truyền thần kinh này, dẫn tới khả năng tập trung tốt hơn, tư duy rõ ràng hơn, và thể hiện tốt hơn. Tuy nhiên nếu thiếu ngủ hoặc căng thẳng quá mức, vùng vỏ não trước trán chìm trong dopamine và norepinephrine, và nó chắc chắn sẽ tạm ngưng hoạt động. Trong những thời điểm đó, não bộ không thể nào tập trung học tập hay tư duy rõ ràng, chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề này ở Chương 7. Khi vùng vỏ não trước trán tạm ngưng hoạt động, chúng ta dễ hành động bột phát hoặc đưa ra những quyết định ngớ ngẩn.
Chiến binh đánh sư tử (Hệ thống phản hồi căng thẳng)
Hệ thống phản hồi căng thẳng sẽ tiếp quản khi bạn phải đối mặt với một mối đe dọa đáng sợ, ví dụ như thú dữ, hoặc thậm chí chỉ là tưởng tượng ra một hiểm họa. Nó được lập trình để duy trì sự an toàn cho bạn trước những hiểm họa sắp xảy ra. Hệ thống phản hồi căng thẳng bao gồm hạch hạnh nhân, vùng dưới đồi, hồi hải mã, tuyến yên và tuyến thượng thận.
Hạch hạnh nhân, trung tâm xử lí cảm xúc nguyên thủy vô cùng nhạy cảm với nỗi sợ hãi, sự giận dữ, sự lo lắng, là một phần quan trọng trong hệ thống phát hiện nguy hiểm của não bộ. Hạch hạnh nhân không suy nghĩ một cách có ý thức; nó cảm nhận và phản ứng. Khi có áp lực lớn, hạch hạnh nhân sẽ nắm quyền kiểm soát. Khi chịu sự kiểm soát của hạch hạnh nhân, hành vi của chúng ta thường mang tính tự vệ, phản ứng, thiếu linh hoạt và đôi lúc khá hung hăng.16 Chúng ta có xu hướng quay về với bản năng hoặc các thói quen, bởi vì bản tính động vật khiến chúng ta chiến đấu, bỏ chạy, hay sững sờ như một con nai ngơ ngác trước ánh đèn pha.
Khi hạch hạnh nhân cảm nhận được mối nguy hiểm, nó gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi và tuyến yên. Nó là một tín hiệu kích động, đánh thức tuyến thượng thận, nơi tiết ra adrenaline. Adrenaline là hoóc-môn giúp chúng ta nâng được cả chiếc ô tô khi đứa con của mình bị mắc kẹt dưới đó. Chuỗi cảnh báo phức tạp này diễn ra nhanh hơn hẳn các suy nghĩ có ý thức. Khi gặp nguy hiểm, chúng ta cần có một phản hồi căng thẳng rất mạnh mẽ. Sự sống còn của chúng ta có thể phụ thuộc vào tốc độ phản ứng theo bản năng của chúng ta, và quá trình tiến hóa đã định hướng chúng ta khiến ta không thể suy nghĩ rõ ràng khi bị căng thẳng.
Phản hồi căng thẳng lành mạnh được xác định bằng việc lượng hoóc-môn gây căng thẳng tăng vọt đột ngột, theo sau đó là sự phục hồi mau lẹ. Rắc rối nảy sinh khi quá trình phục hồi này không diễn ra nhanh chóng. Nếu căng thẳng kéo dài, tuyến thượng thận tiết ra cortisol, quá trình này diễn ra chậm hơn và được ví như mang quân đến cho một trận chiến lâu dài. Nếu một con ngựa vằn bị một con sư tử tấn công và nó vẫn sống sót, lượng cortisol của ngựa vằn sẽ trở lại mức bình thường trong 45 phút. Trái lại, con người có thể duy trì mức cortisol cao trong nhiều ngày, nhiều tuần, hay thậm chí nhiều tháng liền. Đó có thể là một vấn đề, một phần vì mức cortisol cao trong thời gian dài sẽ làm suy yếu và cuối cùng là giết chết các tế bào tại hồi hải mã, nơi tạo ra và lưu trữ ký ức. Đây là lí do nhiều học sinh gặp khó khăn trong học tập khi các em bị căng thẳng cấp tính.
Hồi hải mã còn có một chức năng khác. Nó giúp tắt chức năng phản hồi căng thẳng. Nó nhắc nhở rằng, “Này, nhớ lần trước không, mày phát hoảng lên vì đến muộn, rồi cuối cùng chả có chuyện gì to tát. Bình tĩnh đi.” Nó giống như một người bạn trung thành và bình tĩnh, xuất hiện để xoa dịu bạn. Nó là một tầm nhìn – một thứ vô cùng quý giá trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Những người mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)(1) có hồi hải mã bị tổn thương không có loại tầm nhìn này. Khi họ ở trong tình huống có rất ít sự tương đồng với tình huống đã xảy ra trong quá khứ, ví dụ như họ đang ở trong một khu mua sắm đông đúc thay vì là khu chợ đông người ở Baghdad - nơi xảy ra một vụ nổ bom tự chế, hồi hải mã của họ không thể kết nối những ký ức trong quá khứ với bối cảnh hiện tại, và họ hoảng sợ.
(1) Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD – Post traumatic stress disorder): chứng rối loạn phát triển sau khi một người đã từng trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện sang chấn nghiêm trọng hoặc kinh hoàng (tổn thương thể chất nghiêm trọng hoặc bị đe dọa tính mạng).
Căng thẳng làm xáo trộn bộ não. Nó làm giảm sự liên kết của sóng não, làm giảm mong muốn tìm kiếm ý tưởng mới và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Nó đuổi vùng vỏ não trước trán ra khỏi ghế lái và hạn chế sự linh hoạt mà chúng ta cần để bình tĩnh trở lại hoặc tập trung học tập. Khi Chiến binh đánh sư tử nắm quyền chỉ huy, bạn có thể có bản năng nhạy bén hơn trên một thảo nguyên đầy sư tử, nhưng lại không được như vậy trong môn tiếng Anh năm thứ hai. Làm sao bạn có thể tập trung vào các tác phẩm của Shakespeare hay giải toán khi cơ thể bạn cảnh báo rằng bạn đang trong một cuộc chiến sinh tồn?
Không phải là hệ thống phản hồi căng thẳng không tốt, nhưng nó có chút giống như một “vệ sĩ” mà bạn mang theo khi bị đe dọa. Bạn muốn vệ sĩ có mặt trong những lúc nguy cấp, nhưng bạn không muốn vệ sĩ lúc nào cũng có mặt. Căng thẳng mãn tính làm cho hạch hạnh nhân lớn hơn, gia tăng sự hiện diện của Chiến binh đánh sư tử, và do đó khiến bạn dễ bị tổn thương trước nỗi sợ hãi, lo lắng và tức giận.
Ở đây, chúng tôi sẽ nói sơ qua về hai hệ thống kế tiếp, và sẽ nói kỹ hơn ở các chương tiếp theo.
Hoạt náo viên (Hệ thống tạo động lực)
Hệ thống tạo động lực là “hệ thần kinh tưởng thưởng” của não bộ, nơi tiết ra chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Bất cứ trải nghiệm nào giống như được khen thưởng – chiến thắng trong trận thi đấu thể thao, kiếm được tiền, có trải nghiệm tình dục thỏa mãn, được công nhận – đều khiến dopamine tăng cao. Trái lại, dopamine ở mức thấp gắn liền với sự buồn chán, ít nỗ lực và ít động lực. Dopamine ở mức tối ưu cho phép chúng ta trải nghiệm trạng thái dòng chảy, chúng ta sẽ bàn tới điều này trong Chương 5 khi thảo luận về câu hỏi tối quan trọng liên quan đến động lực. Theo lời của nhà nghiên cứu về căng thẳng nổi tiếng Robert Sapolsky, “Dopamine liên quan tới những gì chúng ta mong muốn hơn là những gì chúng ta đạt được.”17 Nó là chìa khóa của động lực. Khi bạn bị căng thẳng mãn tính, lượng dopamine luôn giảm xuống theo thời gian. Khi đó bạn càng khó có mong muốn làm bất cứ điều gì, và kết quả là bạn đánh mất động lực.
Đức Phật (Trạng thái nghỉ ngơi)
Trong nhiều năm khi các nhà khoa học sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá hoạt động của não, họ nghiên cứu những yếu tố kích hoạt bộ não khi nó được giao một nhiệm vụ cụ thể (ví dụ như đếm ngược từ 1000). Nhưng từ khoảng đầu thế kỉ 21, các nhà khoa học bắt đầu xem xét những điều xảy ra khi chúng ta chỉ ngồi yên suy nghĩ. Họ phát hiện ra rằng, trong não có một mạng lưới vô cùng phức tạp và có tính liên kết cao, mạng lưới này chỉ kích hoạt khi chúng ta “không làm gì cả”. Nó được gọi là mạng chế độ mặc định. Hiểu biết về chức năng của nó vẫn còn khá mới mẻ, nhưng chúng tôi biết, nó rất quan trọng, vì nó sử dụng 60% đến 80% năng lượng của bộ não.18
Khi chúng ta ngồi trong phòng chờ, hay nghỉ ngơi sau bữa tối, nếu chúng ta không đọc sách, không xem tivi hay nghe điện thoại, mạng chế độ mặc định sẽ hoạch định tương lai và lục lọi quá khứ. Nó đang xử lí cuộc đời bạn. Nó kích hoạt khi chúng ta “mơ giữa ban ngày”, trong khi thực hành một số kiểu thiền định, và khi chúng ta nằm trên giường trước khi ngủ. Đây là hệ thống để suy ngẫm về bản thân, suy ngẫm về người khác, vùng não này vô cùng nhạy bén khi chúng ta không chú tâm vào nhiệm vụ nào. Nó là phần “nghỉ ngơi” trong con người. Mạng chế độ mặc định khỏe mạnh vô cùng cần thiết để não bộ con người tái tạo lại, lưu trữ thông tin ở những nơi cố định hơn, có được tầm nhìn, xử lí các quan điểm phức tạp và trở nên sáng tạo đích thực. Ở người trẻ, nó có mối liên hệ với sự phát triển của ý thức về bản ngã mạnh mẽ và năng lực đồng cảm.19 Không có gì đáng ngạc nhiên, căng thẳng làm suy giảm khả năng thực hiện các chức năng của mạng chế độ mặc định. Các nhà khoa học lo ngại rằng, vì công nghệ có ở khắp nơi, người trẻ có quá ít cơ hội để kích hoạt mạng chế độ mặc định của mình, và kết quả là họ có quá ít cơ hội để suy ngẫm về bản thân.
Mạng chế độ mặc định
2. Mạng chế độ mặc định tập trung vào các vùng tối phía trước và phía sau của bộ não, nó được kích hoạt khi chúng ta nghĩ về quá khứ hay tương lai; nghĩ về bản thân và mọi người, và đơn giản là để tâm trí lang thang vô định.
Như vậy là cùng một lúc ta phải tiếp nhận rất nhiều kiến thức về khoa học não bộ. Điều cốt lõi cần ghi nhớ ở đây là những đứa trẻ bị căng thẳng mãn tính thường xuyên có bộ não chìm ngập trong các hoóc-môn làm suy yếu các chức năng cao hơn của não và làm chậm các phản ứng cảm xúc. Các phần của não chịu trách nhiệm cho việc ghi nhớ, suy luận, chú ý, phán đoán và kiểm soát cảm xúc bị suy yếu, và cuối cùng bị phá hủy. Theo thời gian, các phần này co lại, trong khi các phần não bộ phụ trách phát hiện nguy hiểm lớn dần lên. Cuối cùng, một hệ thống phản hồi căng thẳng hoạt động quá mạnh sẽ khiến đứa trẻ phát triển chứng rối loạn lo âu, trầm cảm và một loạt các vấn đề tinh thần và thể chất khác.
Một ngày sau kì thi, một trong số các em học sinh đến gặp tôi và báo rằng cậu đã thi không tốt. “Em trải qua một cơn hoảng loạn và lại phải rời khỏi phòng thi,” cậu nói. “Lần nào cũng vậy, em chìm đắm trong một câu hỏi và lãng phí thời gian. Khi giám thị tới và nói “Các em còn 5 phút,” thì nó giống như một cái ngòi nổ, và em đã mất kiểm soát.”
Cậu kể “Mọi chuyện đang rất tốt, rồi em tiêu phí quá nhiều thời gian vào một bài, và nó khiến em khốn khổ.”
Tôi hỏi: “Khi gặp phải vấn đề đó, trong đầu em nghĩ gì?”
“Khi em cố trả lời câu hỏi tiếp theo, gần như đầu óc em không thể suy nghĩ sáng suốt được nữa. Cứ như thể em không thể hiểu nổi mình đang đọc gì, hay phải làm gì với câu hỏi vậy.”
Chiến binh đánh sư tử đã lên nắm quyền, còn Phi công vốn biết rõ mọi câu trả lời lại chẳng thấy đâu cả.
— Ned