Giả sử con bạn khăng khăng muốn vào đại học ngay trong khi bạn còn có những nghi ngại nhất định. Nếu con bạn giành được học bổng toàn phần hoặc sẽ tự trang trải học phí của mình, thì đó là quyết định của con. Nhưng nếu bạn là người hỗ trợ tài chính cho những năm học đại học thì việc bạn coi mình là một cổ đông là hoàn toàn hợp lí. Bạn có thể nói: “Cứ đi học nếu con muốn. Nhưng nếu con muốn bố mẹ đầu tư cho việc học của con thì bố mẹ cần nhìn thấy con đáp ứng được một số tiêu chuẩn nhất định, như vậy bố mẹ mới thấy yên tâm.” Đây là một lập trường hoàn toàn hợp lí. Những đứa trẻ chưa sẵn sàng vào đại học thường thiếu khả năng tự nhận thức để biết điều đó. Rất nhiều trẻ trong số đó khăng khăng rằng chúng sẽ làm được khi vào đại học, nhưng trẻ không thực sự đưa ra quyết định thấu đáo. Bạn có thể giúp trẻ thu thập thông tin bằng cách đề nghị trẻ chứng minh với bạn rằng trẻ đã sẵn sàng.
Cùng với nỗi lo về những trẻ không đi học đại học ngay là nỗi e sợ rằng nếu trẻ không đi học ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba, trẻ sẽ không bao giờ đi học đại học. Điều này có thể đã từng là một mối lo ngại hợp lí. Vào những năm 1950 và đầu thập niên 60, nhiều học sinh trong độ tuổi 17 bỏ học giữa chừng và có thể làm việc tại một nhà máy nào đó và kiếm đủ tiền để nuôi sống một gia đình bốn người. Nhiều người trong số họ không bao giờ cần học đại học. Nhìn chung là điều đó bây giờ không còn khả thi nữa.
Có nhiều điều phải lo lắng khi làm cha mẹ, trong đó mối lo rằng con mình cảm thấy tồi tệ luôn cận kề vị trí hàng đầu. Đây là lí do tại sao cha mẹ thường nói với chúng tôi: “Con tôi sẽ cảm thấy bản thân thật tồi tệ nếu nó không học đại học.” Chúng tôi nhận thấy sự lo lắng này đặc biệt phổ biến trong các gia đình mà học đại học là tiêu chuẩn đối với họ hàng và cộng đồng của họ.
Là cha mẹ, bạn không thể làm cho mọi nỗi thất vọng và áp lực của con trẻ biến mất, nhưng bạn có thể sớm bắt đầu gieo mầm quan điểm rằng còn có những con đường khác thay thế, đó là chủ đề của chương tiếp theo.