Phát ngôn của một thiếu niên căng thẳng
Khi phải nỗ lực hết sức trong mọi việc và biết rằng luôn có những người khác giỏi hơn, rằng bạn không bao giờ có thể là người giỏi nhất, bạn có biết cảm giác căng thẳng như thế nào không? Và khi bạn có cha mẹ siêu thông minh và siêu thành công, họ từng học ở Harvard và là những luật sư thành công, bạn tự hỏi làm thế nào bạn có thể thành công, có đủ khả năng sở hữu một ngôi nhà riêng và có gia đình riêng? Và bạn nghĩ: “Bố mẹ mình rất thông minh và mình được học ở một ngôi trường tuyệt vời, vậy tại sao mình không thể làm được giống như bố mẹ mình? Và “Mình không biết mình có thể vào được một trường đại học tốt không, kể cả là trường không tốt bằng trường của bố mẹ hay không tốt như những gì bố mẹ kì vọng về mình.”
Cậu thiếu niên viết những dòng tâm tư này là một học sinh của Ned, cậu thấy con đường dẫn đến một cuộc sống thành công chật hẹp và chênh vênh, với nhiều vực sâu dọc hai bên đường. Nhiều điểm A và điểm thi xuất sắc? Tuyệt vời, bạn đang đi đúng đường. Bị môn hình học ngáng đường ? Ôi trời, bạn đang ở bờ vực.
Thói quen suy nghĩ có tất cả hoặc không có gì có thể bắt đầu rất sớm và kéo dài qua thời đại học. Trong một buổi dã ngoại với các đồng nghiệp ở chỗ làm, Ned đang nói chuyện phiếm với bạn trai của một đồng nghiệp. Khi chủ đề về trường đại học xuất hiện và Ned hỏi anh chàng độ tuổi đôi mươi ấy có đi học đại học không.
“Không”, anh ta đáp một cách thẳng thắn. “Tôi không thực sự thông minh cho lắm. Đại học không dành cho tôi.”
Ned dừng lại một lúc để hiểu được tất cả những thông điệp mà chàng trai trẻ này đã tiếp nhận, chẳng hạn như:
Những người không học đại học là những người không thông minh.
Việc học tập chỉ dành cho một số người.
Tôi không giỏi bằng những người khác.
“À”, Ned nói, “mọi người có nhiều cách để tìm thấy thành công trong cuộc sống hoặc đóng góp cho thế giới. Hiện giờ cậu đang làm gì?”
“Ồ, tôi chỉ là một EMT”, anh chàng trả lời.
Chỉ là một EMT! Là nhân viên y tế khẩn cấp, công việc của anh là cứu sống người khác.
Cuộc trò chuyện đã khơi gợi một câu hỏi mà chúng tôi thích hỏi những đứa trẻ: Con nghĩ công việc nào đã cứu được nhiều mạng sống nhất trong hàng trăm năm qua? Mặc dù có thể đã có một cuộc tranh luận lành mạnh, chúng tôi nghĩ rằng câu trả lời có khả năng là nhân viên vệ sinh. Nhưng EMT sẽ ở ngay gần đầu của danh sách đó. Hãy suy nghĩ theo cách này: Trong một cơn khủng hoảng, bạn muốn ai xuất hiện để giúp đỡ bạn nhất: A) một nhân viên ngân hàng đầu tư, B) một luật sư, C) một nhà tâm lí học thần kinh, D) một gia sư SAT, hoặc E) một EMT?
Đúng vậy, đó là những gì chúng tôi nghĩ.
Một trong những thách thức lớn ngăn trở những người trẻ tuổi phát triển ý thức tự kiểm soát lành mạnh là quan điểm hạn hẹp và bị bóp méo của họ về thế giới người lớn và những gì cần có để thành công và có một cuộc sống thỏa mãn, những điều chúng tôi đã thảo luận ở phần trước của cuốn sách. Những quan điểm này thúc đẩy sự sợ hãi và cạnh tranh. Chúng ảnh hưởng đến những đứa trẻ thành công, mà cái nhìn cứng nhắc của trẻ về con đường dẫn đến thành công tạo ra những căng thẳng, lo âu và các vấn đề sức khỏe tâm thần không cần thiết; và cả những đứa trẻ có thành tích thấp, rất nhiều trẻ đã kết luận từ khi còn ít tuổi rằng chúng sẽ không bao giờ thành công, vì vậy sao phải cố gắng. Trong số những người trẻ tuổi này, nhiều người đã sử dụng hình thức tự thoại gây thoái chí nhất, tự nói với bản thân rằng “Mình phải làm X, Y và Z, nhưng mình không thể”, hay “Mình phải làm X, Y và Z, nhưng mình ghét nó.”
Những đứa trẻ này có một cái nhìn cực kỳ méo mó về những gì cần có để thành công. Đôi khi nó bắt nguồn từ cha mẹ, nhưng nó cũng có thể đến từ trường học và bạn bè. Cả những người bị ám ảnh với việc phải thành công và những người thiếu động lực đều nghĩ trong đầu rằng nếu họ không trở thành những học sinh đứng đầu, họ là người thua cuộc và sẽ làm việc tại các cửa hàng McDonald lúc họ 50 tuổi.
Thực tế là chúng ta trở nên thành công trong thế giới này bằng cách nỗ lực thực hiện những việc mà chúng ta có thế mạnh và cảm thấy cuốn hút. Chúng ta cần nói với trẻ em rằng bộ kĩ năng để trở thành một học sinh thành công và bộ kĩ năng để có sự nghiệp thành công và cuộc sống tốt đẹp khác nhau rất nhiều.
Để trở thành một sinh viên toàn điểm A gần như theo định nghĩa đòi hỏi sự tuân thủ ở một mức độ cao, mà đó lại không phải là con đường dẫn đến thành công ở mức độ cao. Điểm trung bình tích lũy 4.0 cũng chỉ thể hiện nỗ lực để có thể học tốt, học đều mọi môn học, điều này không hẳn sẽ thích hợp trong thế giới thực. Chúng ta cần trấn an trẻ rằng phần lớn những người thành công không phải là học sinh toàn điểm A. Hóa ra là trong thực tế, thủ khoa của các trường trung học cũng không thành công hơn những sinh viên tốt nghiệp đại học khác vào những năm cuối của độ tuổi 20.1 Năng lực không phải là vấn đề điểm số đơn thuần.
Bạn đừng hiểu lầm chúng tôi: Là một sinh viên giỏi và nhận bằng tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá rõ ràng có nhiều lợi ích, nhưng vẫn còn những con đường khác. Tập trung toàn bộ sự chú ý vào một con đường duy nhất sẽ khiến rất nhiều trẻ em thấy lạc lõng.